Bản án 11/2020/HS-PT ngày 18/02/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

BẢN ÁN 11/2020/HS-PT NGÀY 18/02/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 18 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 133/2019/TLPT-HS ngày 17 tháng 12 năm 2019, đối với bị cáo Bùi Bá L cùng đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 65/2019/HS-ST ngày 31/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đắk R‟lấp, tỉnh Đắk Nông.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Bùi Bá L (Tên gọi khác: C), sinh năm 1988 tại tỉnh Bình Phước; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở khi phạm tội: Thôn 05, xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Phước; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 08/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Bá N và bà Phạm Thị V; có vợ là Mai Thị Thu H và 01 con; nhân thân: Tại bản án số 04/2006/HSST ngày 18-01-2006 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước xử phạt 09 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 06 tháng tù về tội“Cố ý làm hư hỏng tài sản”; bản án số: 11/2006/HSST ngày 07-3-2006 bị Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước xử phạt 09 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”; tại bản án số: 31/2014/HSST ngày 16-4-2014 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước xử phạt 07 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”; tại ngoại - Có mặt.

2. Điểu S1, sinh năm 1996 tại tỉnh Bình Phước; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở khi phạm tội: Thôn 05, xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Phước; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 05/12; dân tộc: M‟ Nông; giới tính: Nam; Tôn giáo: Tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Điểu D và bà Thị V, chưa có vợ con; tại ngoại - Có mặt.

3. Mai Thanh S, sinh năm 1994 tại tỉnh Lâm Đồng; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Tổ dân phố 09, thị trấn Phước C, huyện C, tỉnh Lâm đồng; chỗ ở khi phạm tội: Thôn 05, xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Phước; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; con ông Mai Thanh V và bà Nguyễn Thị T; có vợ là Nguyễn Thị Xuân T và 02 con; tại ngoại - Có mặt.

4. Trần Thanh C, sinh năm 1998 tại tỉnh Bình Phước; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở khi phạm tội: Thôn 05, xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Phước; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 01/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Thanh V và bà Điểu Thị P, chưa có vợ con; tại ngoại - Có mặt.

Ngoài ra còn có 04 bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 10 năm 2018, Trương Công A đi vào lô 41, khoảnh 4, tiểu khu 1602 rừng phòng hộ N, thuộc địa giới xã H, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông tìm hoa lan thì phát hiện 01 cây gỗ có đường kính gốc 1,1m; cao khoảng 30m đang sinh trưởng bình thường bên bờ suối Đắk K (cách thủy điện Đắk K khoảng 200m) nên nảy sinh ý định cưa hạ, xẻ thành phách bán lấy tiền tiêu xài. Khi về, A bàn bạc với Bùi Bá L và Điểu L1 về ý định của mình. Lúc này, L1 đang điều trị bệnh tại bệnh viện nên không đi vào rừng xẻ gỗ được nhưng có nói A và L lấy cưa xăng của L để làm.

Cuối tháng 12 tháng 2018 âm lịch (không xác định được ngày), A rủ L vào rừng xẻ gỗ thì L đồng ý. L chuẩn bị xăng, nhớt, 01 dao phát, 01 cưa xăng nhãn hiệu STIHL rồi cùng A điều khiển xe mô tô đi vào rừng theo đường mòn thủy điện Đ. Khi đi hết đường mòn, A và L giấu xe ở bụi cây rồi mang theo cưa xăng đến vị trí cây gỗ mà A đã nhìn thấy. L phát dọn các bụi cây xung quanh, chặt lồ ô làm thành dàn giáo để A đứng lên cưa cây. A dùng cưa xăng cưa khoảng 01 giờ thì cây đổ về hướng suối Đ rồi cả hai đi về.

Khoảng 03 ngày sau, A rủ L vào xẻ cây gỗ đã hạ trước đó. Lúc này, L đang bị đau nên thuê Mai Thanh S đi cùng với A, đồng thời nói A sang nhà L1 lấy 01 cưa xăng nhãn hiệu STIHL của L1 để xẻ gỗ. A đến nhà của L1 lấy cưa rồi cùng S vào rừng xẻ cây gỗ thành 02 lóng có chiều dài 4,5m và 3,4m.

Ngày 03-02-2019, A tiếp tục rủ L vào rừng xẻ gỗ. L không đi mà thuê Điểu S1 và Điểu B phụ A xẻ gỗ với giá 300.000 đồng/ngày. Sau khi thuê được S1 và B, L chuẩn bị 01 pa-lăng trọng tải 1,5 tấn, 01 sợi cáp, 02 cưa xăng nhãn hiệu STIHL, xăng, nhớt và thức ăn để A, S1 và B ở lại trong rừng xẻ gỗ. Sáng ngày 04-02-2019, L dùng xe ba gác độ của L1 chở S1, B và các vật dụng đã chuẩn bị vào rừng, còn A đi một mình bằng xe mô tô. Đến nơi, cả nhóm chuyển các vật dụng đến 01 tảng đá cách cây gỗ khoảng 30m để nấu cơm ăn, sau đó mắc võng ngủ. Chiều cùng ngày, L lấy xe ba gác đi về. Sáng hôm sau, S1, B và A bắt đầu xẻ gỗ. S1 và B phụ A xẻ một lóng gỗ dài 3,4m ở sát phần ngọn cây, sau đó dùng pa-lăng nâng lóng gỗ lên và búng mực để A xẻ thành 02 phách có kích thước (3,4 x 0,9 x 0,2)m. Chiều ngày 05-02-2019 A, S1 và B đi về.

Sáng ngày 07-02-2019, A, S1 và B tiếp tục vào rừng xẻ gỗ. Chiều cùng ngày, L và Trần Thanh C (do L thuê) mang theo thức ăn, bia, nước ngọt vào rừng rồi cả nhóm tổ chức ăn nhậu và ngủ lại tại đây. Sáng hôm sau, L đi về, còn C ở lại phụ A xẻ gỗ cùng với S1 và B1. A1, C1, S1 và B1 xẻ gỗ đến chiều thì về và nói cho L biết là đã xẻ được 03 lóng gỗ tròn thành 07 phách gỗ hộp đến ngày 10- 02-2019, A, L, L1 và C đưa xe ba gác độ của L1 vào rừng kéo gỗ. Khi kéo gỗ lên vị trí đường mòn thì thuê xe cày của Hồ Sỹ Th chở về nhà L1 cất giấu. Th được trả 2.000.000đ tiền công.

Ngày 23-02-2019, L thuê ông Bùi Bá N sử dụng xe ô tô tải biển kiểm soát 51D-345.35 chở 02 phách gỗ có khối lượng là 1,188m3 (quy thành gỗ tròn 1,9m3) cất giấu tại rẫy cao su nhà L1 đến bán cho ông Hứa Minh S2 được số tiền 26.000.000 đồng. Sau khi nhận được tiền, L trả cho ông N 1.000.000 đồng tiền công chở, số tiền còn lại đưa về trả tiền công cho Điểu B, Mai Thanh S, Trần Thanh C mỗi người 1.500.000 đồng, Điểu S1 1.600.000 đồng. Số tiền còn lại, sau khi trừ chi phí phục vụ cho việc khai thác, L và L1 mỗi người nhận 3.000.000 đồng, A nhận 2.900.000 đồng.

Tại kết luận giám định tư pháp ngày 11-3-2019 và kết luận giám định bổ sung ngày 01-7-2019 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đ kết luận: Cây gỗ bị cưa hạ có khối lượng gỗ tròn là 23,722m3, giá trị lâm sản tính bằng tiền là 83.026.153 đồng. Gỗ thuộc nhóm VI, không xác định được loài cây. Vị trí khai thác là rừng tự nhiên, thuộc rừng phòng hộ N, địa phận xã H, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông. Giá trị về môi trường: Không có cơ sở để xác định về môi trường cho 01 cây gỗ.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 65/2019/HS-ST ngày 31-10-2019 của Tòa án nhân dân huyện Đắk R‟lấp đã quyết định: Tuyên bố các bị cáo Bùi Bá L, Điểu S1, Mai Thanh S, Trần Thanh C phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Bùi Bá L 02 (Hai) năm 09 (Chín) tháng tù; xử phạt các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S mỗi bị cáo 02 (Hai) năm tù.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232, điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Trần Thanh C 02 (Hai) năm tù. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử phạt bị cáo Điểu L1, Điểu B mỗi bị cáo 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Bùi Bá N 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo.

Ngày 05-11-2019 và ngày 13-11-2019, các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S và Trần Thanh C kháng cáo xin được hưởng án treo; bị cáo Bùi Bá L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Điểu S1, Bùi Bá L, Mai Thanh S, Trần Thanh C thừa nhận bị Tòa án nhân dân huyện Đăk R‟lấp xử phạt về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 của Bộ luật Hình sự là đúng, không oan và giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Bùi Bá L về việc xin giảm nhẹ hình phạt; chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S và Trần Thanh C giữ nguyên mức hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.

Các bị cáo không có ý kiến bào chữa, tranh luận gì mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12-2018 đến ngày 06-01-2019, bị cáo Bùi Bá L, Điểu S1, Mai Thanh S, Trần Thanh C cùng với Trương Công A, Điểu L1, Điểu B và Bùi Bá N đã có hành vi khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên với khối lượng 23,722m3 gỗ loài thực vật thông thường có giá trị lâm sản tính bằng tiền là 83.026.153 đồng. Vì vậy, bản án hình sự sơ thẩm số 65/2019/HS-ST ngày 31-10-2019 của Tòa án nhân dân huyện Đắk R‟lấp đã kết án các bị cáo Bùi Bá L, Điểu S1, Mai Thanh S, Trần Thanh C phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.

[2]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Bùi Bá L Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Bị cáo Bùi Bá L là người trực tiếp khai thác gỗ trái phép, đồng thời là người giúp sức tích cực thuê người để khai thác và bán gỗ; bị cáo L có nhân thân xấu đã 03 lần bị kết án về các tội “Cố ý gây thương tích”, “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Hủy hoại tài sản” nhưng không lấy đó làm bài học kinh nghiệm mà lại tiếp tục phạm tội. Tại cấp phúc thẩm, tuy bị cáo có cung cấp thêm đơn xin xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn có xác nhận của chính quyền địa phương nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và xử phạt bị cáo mức hình phạt 02 năm 09 tháng tù là tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo và nhân thân của bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

[3]. Xét kháng cáo xin được hưởng án treo của các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S, Trần Thanh C, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và xử phạt mỗi bị cáo 02 năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi hậu quả của các bị cáo gây ra. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S, Trần Thanh C cung cấp thêm tình tiết mới: Các bị cáo đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình có xác nhận của chính quyền địa phương, do đó có căn cứ để áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Trần Thanh C.

Xét thấy trong vụ án này các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S, Trần Thanh C có vai trò không đáng kể, chỉ là người được Bùi Bá L thuê để phụ giúp Trương Công A xẻ gỗ; các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự; đồng thời các bị cáo đều có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo, việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Do đó, có căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của các bị cáo.

[3]. Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Bùi Bá L phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; đối với kháng cáo của các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S, Trần Thanh C được chấp nhận nên các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S, Trần Thanh C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4]. Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356; điểm b khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự;

1. Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Bùi Bá L; chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S và Trần Thanh C, sửa bản án hình sự sơ thẩm về phần hình phạt và điều luật áp dụng đối với các bị cáo Điểu S1, Mai Thanh S và Trần Thanh C.

1.1. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Bùi Bá L 02 (Hai) năm 09 (Chín) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

1.2. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Điểu S1 02 (Hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, thời gian thử thách là 04 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

1.3. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Mai Thanh S 02 (Hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, thời gian thử thách là 04 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

1.4. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Trần Thanh C 02 (Hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, thời gian thử thách là 04 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

1.5. Giao các bị cáo Điểu S1 và Trần Thanh C cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyên B, tỉnh Bình Phước giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách.

Giao bị cáo Mai Thanh S cho Ủy ban nhân dân thị trấn P, huyên C, tỉnh Lâm Đồng giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, nếu các bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Toà án có thể quyết định buộc các bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án này. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Toà án buộc phải chấp hành hình phạt của bản án này và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

2. Về án phí phúc thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự; áp dụng điểm b, d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Buộc bị cáo Bùi Bá L phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

413
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 11/2020/HS-PT ngày 18/02/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:11/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về