Bản án 11/2020/DS-ST ngày 28/05/2020 về đòi tiền công lao động

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN XUÂN TRƯỜNG, TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 11/2020/DS-ST NGÀY 28/05/2020 VỀ ĐÒI TIỀN CÔNG LAO ĐỘNG

Ngày 28 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Xuân Trường xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 09/2020/TLST – DS, ngày 12 tháng 02 năm 2020 về “Đòi tiền công lao động” theo Quyết định hoãn phiên tòa số 06/2020/QĐST - DS ngày 19/5/2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Vũ Văn M, sinh năm 1979; địa chỉ: X, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; “có mặt”.

- Bị đơn: Anh Vũ Văn C, sinh năm 1968; địa chỉ: X, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định “vắng mặt”.

- Người làm chứng:

1. Ông Đặng Tiến D; địa chỉ: X, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; “vắng mặt”.

2. Anh Vũ Văn C; địa chỉ: X, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; “vắng mặt”.

3. Anh Vũ Văn C; địa chỉ: X, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; “vắng mặt”.

4. Anh Vũ Văn C; địa chỉ: X, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; “vắng mặt”.

5. Anh Đặng Văn L; địa chỉ: X, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; “vắng mặt”.

6. Anh Vũ Văn N; địa chỉ: X, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; “vắng mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn anh Vũ Văn M trình bày:

Anh và anh C có quan hệ họ hàng, ở cùng xóm, cùng xã X cùng cúng tổ với nhau.

Đầu năm 2019 anh có đến nhà anh C ở cùng xã hỏi để đi làm, anh C giới thiệu anh đến nhà anh C, anh có đến nhà anh C hỏi anh có công trình nào không cho em đi làm với. Anh C có nói với anh đi làm công trình ở Quảng Ninh, làm ăn chia - làm ăn chia là làm hết đợt, làm hết công trình, không nói trong thời gian bao lâu, giữa anh và anh C không thỏa thuận về tiền công lao động vì làm ăn chia cao hưởng cao, thấp hưởng thấp.

Tổ thợ của anh đi làm cho anh C gồm có anh, anh Vũ Văn C ở x xã X; anh Đặng Văn L ở x xã X; anh Vũ Văn C ở x xã X; anh Đặng Văn D ở x xã X; anh Vũ Văn C ở x xã X; anh Vũ Văn N ở xóm xã X. Giữa anh và anh C cũng như những người đi làm cho anh C không ký kết hợp đồng lao động mà chỉ nói miệng với nhau. Trong quá trình đi làm cho anh C do anh C yêu cầu anh làm quá thời gian và chửi bới anh khi anh làm không kịp nên anh làm được 26 công thì anh đã bỏ về không làm nữa. Khi về anh có hỏi anh C về tiền công, anh C có nói tạm ứng cho 300.000 đồng/ngày công, 26 công = 7.800.000 đồng sau này công trình xong sẽ thanh toán đủ số công còn lại. Trong tổ thợ đi làm cho anh C, anh làm 26 công, anh C làm 90 công, anh N làm 4 công còn lại những người khác gồm anh L, anh C, anh D, anh C làm hết một năm mới về.

Đến ngày 23 tháng 12 năm 2019 anh có đến nhà anh em tổ thợ hỏi về tiền công thì mọi người nói trích phần trăm cho anh C còn lại công chia đều cho mỗi người là 660.000 đồng/ngày. Anh đã đến nhà anh C yêu cầu anh C trả anh 26 công x 660.000 đồng = 17.160.000 đồng trừ đi số tiền anh đã tạm ứng 7.800.000 đồng, số tiền còn lại là 9.360.000 đồng.

Đây là lần đầu tiên anh đi làm cho anh C. Anh C là người cai thầu, là người chỉ đạo việc xây dựng, cũng có lúc anh C trực tiếp xây dựng, bản thân anh cũng hiểu được nếu anh tự ý bỏ về thì cũng có ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.

Nay anh yêu cầu anh C trả cho anh theo những người đi làm cho anh C là 660.000/ngày như vậy anh C còn nợ anh số tiền là 9.360.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn anhh Vũ Văn C trình bày:

Anh và anh M có quan hệ họ hàng cùng cúng tổ với nhau và ở cùng xóm cùng xã X. Anh là chủ thầu xây dựng. Đầu năm 2019 Mẫn có đến nhà anh hỏi anh có công trình nào không cho em đi làm với. Anh có nói nếu chú có thể làm được thì đi làm với anh ở Quảng Ninh, làm ăn chia, đi làm thì phải làm hết đợt thì về anh em sẽ thanh toán với nhau. Làm ăn chia là phải làm hết đợt tức là hết một năm chứ không phải là hết công trình. Các anh em đi làm với anh chỉ được nghỉ khi gia đình có công việc lớn, bắt buộc phải về còn lại phải làm theo cam kết từ đầu năm đến cuối năm mới được về nhà. Giữa anh và anh M không thỏa thuận về tiền công lao động vì khi nhận công trình người ta trả cho bao nhiêu thì lúc đó anh mới thanh toán cho anh em. Tiền cao hay thấp còn tùy thuộc vào việc anh ký kết với chủ nhà, khi anh em đi làm công với anh, anh có phần trăm của chủ thầu, số tiền còn lại anh sẽ cân đối chia cho anh em.

Tổ thợ do anh thầu xây dựng gồm có anh Vũ Văn C ở x xã X; anh Đặng Văn L ở x xã X; anh Vũ Văn C ở x xã X; anh Đặng Văn D ở x xã X; anh Vũ Văn C ở xxã X; cháu Vũ Văn N ở x xã X và anh Vũ Văn M là người đang khởi kiện. Anh C, anh L, anh C, anh D, anh Ch làm cho anh hết đợt (một năm). Riêng cháu N anh chỉ nhờ cháu giúp anh trong 04 ngày làm sắt để đổ móng.

Giữa anh và M cũng như giữa anh và những người đi làm cho anh không ký kết hợp đồng lao động mà chỉ nói miệng với nhau.

Trong quá trình M đi làm cho anh do anh yêu cầu M làm theo yêu cầu của anh thì M quay ra cãi anh và nói “ làm thì làm không làm thì về, tao cần đ gì”, lúc đó anh có nói “nếu không làm được thì biến, đây là làm ăn chung, nói phải nghe” sau đó M đi tìm việc và làm cho công trình khác ở gần công trình của anh đang làm. Sau khi M đi làm cho người khác, M còn gọi điện chửi anh, xúc phạm anh và gia đình anh. Khi về nhà M còn đe dọa anh.

Quan điểm cụ thể của anh: Việc M trình bày M tạm ứng 26 ngày công, mỗi ngày 300.000 đồng là 7.800.000 đồng và anh có hứa với M sau này công trình xong sẽ thanh toán đủ số công còn lại là hoàn toàn không đúng, anh không hứa hẹn gì với M là sau này công trình xong sẽ thanh toán đủ số công còn lại.

Mẫn mới làm 26 ngày đã bỏ về thì anh không thể trả tiền công cho M như những người thợ khác được, nếu những người đi làm với anh mà ai cũng như M thì anh làm sao có thể thuê ngay được người khác để kịp tiến độ công trình, nếu không thuê ngay được người thì anh lấy đâu ra tiền để bồi thường cho chủ nhà vì bị phạt và bị mất uy tín trong làm ăn.

M tự ý bỏ về, đáng lẽ anh không thanh toán tiền công cho M vì M không thực hiện theo giao kết mà anh đã nói từ lúc đầu nhưng nghĩ vì tình người nên khi M bỏ về thì anh đã thanh toán cho M là 300.000 đồng/ngày bằng tiền công nhật, anh đã thanh toán xong đứt đoạn tiền công cho M 26 công = 7.800.000 đồng. Số tiền 9.360.000 đồng như M yêu cầu anh cũng đã chia cho anh em liên hoan hết nên không còn, giữa anh và M không còn liên quan gì về tiền công lao động nữa.

Những người làm chứng:

- Ông Đặng Tiến D trình bày:

Ông và anh M, anh C đi làm ăn với nhau. Anh C là người đứng lên nhận công trình để xây dựng và tìm thợ để làm. Đầu năm 2019 anh C nhận được công trình ở Quảng Ninh, anh C tìm anh em gồm C, C, L, C, M, anh C và ông là D. Theo thỏa thuận bằng miệng giữa anh em trong tổ với anh C là ngoại trừ phần trăm cho anh C là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính, còn lại tiền công chia cho anh em trên cơ sở tùy vào từng người làm, ai làm từ đầu công trình cho đến khi kết thúc hoàn thiện thì ngày công nó khác, ai đang làm bỏ dở không làm nữa thì công làm cũng khác. Anh M làm cùng tổ xây được 26 ngày công thì không làm nữa, còn lý do vì sao thì ông không biết, giữa anh M và anh C có xảy ra xô sát gì ông không biết. Trong quá trình đi làm anh em trong tổ vẫn ứng tiền công từ anh C trước nếu có việc, sau này nhận tiền thì trừ tiền đã ứng đi để nhận số tiền còn lại.

Ông được biết sau khi anh M không làm cho anh C nữa thì anh C đã thanh toán tiền công cho anh M là 300.000 đồng/ngày công (thanh toán ngoài Quảng Ninh), sau khi nhận tiền công không thấy anh M có ý kiến gì.

Về tổ của ông, anh C vừa là người đứng lên nhận công trình vừa là người trực tiếp làm cùng với anh em thì mỗi người được chia 660.000 đồng/ngày (với điều kiện phải làm từ đầu công trình đến cuối công trình).

Vào dịp cuối năm 2019 anh M có đến nhà ông hỏi là ngày công đi làm được bao nhiêu, ông có nói anh em ăn chia, anh C trả cho anh em mỗi người 660.000đồng/ngày công, anh M có thắc mắc ngày công, ông có nói là do em bỏ dở không đi làm nữa thì anh C trả công cho như thế là được rồi.

Sau khi anh C chia tiền công cho anh em, số tiền dư bao nhiêu ông không lắm được, ông có nói với anh C là chi anh em trong tổ liên hoan cũng như chi cho anh em tiền tàu xe, đi tìm người làm.

Quan điểm của ông mong anh em thương lượng với nhau, nếu không thỏa thuận được thì đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

- Anh Vũ Văn C trình bày:

Giữa anh và anh M, anh C là quan hệ làm ăn, không có quan hệ họ hàng. Đầu năm 2019 anh em có đi làm xây dựng ở Quảng Ninh trong đó anh C là người đứng đầu, đứng lên nhận công trình để cho anh em làm, trong tổ thợ có tất cả 7 người cùng đi làm gồm ông D, anh C, anh L, anh C, anh M, cháu N và anh. Anh em chỉ hợp đồng bằng miệng với nhau ngoài phần trăm trích cho anh C còn lại chia tiền đều ngày công cho anh em, tiền công chỉ được chia sau khi hoàn thiện công trình bàn giao cho chủ, còn lúc đầu chưa biết tiền công làm được bao nhiêu, còn ai có việc cần tiền thì được ứng trước từ anh C. Thời điểm anh M cùng làm với tổ thì tổ đang làm 2 công trình, anh M làm được 26 ngày công thì không làm nữa (làm được móng và đổ được 01 mái nhà). Không biết lý do gì anh M đang làm lại bỏ không làm nữa, giữa anh M và anh C có xảy ra xô sát thế nào anh không biết.

Trước khi đi làm công trình anh C có nói miệng với anh em trong tổ là đi làm nhiều công trình cũng như làm hết công trình thì tiền công sẽ khác so với người làm ít công trình, cũng như đang làm công trình đó bỏ không làm nữa.

Sau khi làm xong công trình đến lúc quyết toán công cho anh em ngoài trích phần trăm cho anh C ra ngày công chia đều cho anh em làm từ đầu công trình cho đến lúc xong công trình là 660.000 đồng/ngày.

Dịp cuối năm gần tết anh M có đến nhà anh hỏi về ngày công đi làm, anh có nói đi làm được chia ngày công là 660.000 đồng còn giữa anh C và anh Mtrả ngày công như thế nào thì anh không biết.

Nay anh Mẫn khởi kiện mong hai anh thỏa thuận với nhau nếu không thỏa thuận được đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

- Người làm chứng: Anh Vũ Văn C, anh Vũ Văn C, anh Đặng Văn L, anh Vũ Văn N mặc dù Tòa án đã nhiều lần có giấy triệu tập nhưng đều không đến Tòa án làm việc.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Xuân Trường tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa tại phiên tòa đều đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn đã chấp hành đúng quy định của pháp luật; bị đơn chưa chấp hành theo quy định của pháp luật, 02 lần vắng mặt tại phiên tòa.

Về nội dung: Căn cứ vào các Điều 116,117,119 Bộ luật dân sự 2015. Xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Vũ Văn M; Buộc anh Vũ Văn C phải trả anh Mẫn số tiền 4.680.000đ đồng. Án phí: Anh M, anh C phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Nguyên đơn đã châp hành theo đúng quy định của pháp luật; bị đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa mà không có lý do. Vì vậy, Hội đồng xét xử tiến hành xử vắng mặt bị đơn là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung: Để có cơ sở xem xét chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của đương sự thì cần xem xét một cách khách quan và toàn diện tài liệu chứng cứ, quy định của pháp luật trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử có nhận định, đánh giá cụ thể như sau:

Nguyên đơn anh Vũ Văn M cũng thừa nhận ngay từ lúc đầu xin đi làm anh Ccó nói với anh đi làm công trình ở Quảng Ninh, làm ăn chia - làm ăn chia là làm hết đợt, làm hết công trình, không nói trong thời gian bao lâu; giữa anh và anh C không thỏa thuận về tiền công lao động vì làm ăn chia cao hưởng cao, thấp hưởng thấp. Giữa anh và anh C không ký kết hợp đồng lao động mà chỉ nói miệng với nhau. Trong quá trình đi làm do anh C yêu cầu anh làm quá thời gian và chửi bới anh khi anh làm không kịp nên anh làm được 26 công thì anh đã bỏ về không làm nữa. Bản thân anh M cũng hiểu được nếu anh tự ý bỏ về thì cũng có ảnh hưởng đến tiến độ của công trình. Khi anh bỏ về anh có hỏi về tiền công, anh Ccó nói tạm ứng cho 300.000 đồng/ngày công x 26 công = 7.800.000 đồng sau này công trình xong sẽ thanh toán đủ số công còn lại nhưng anh M lại không có tài liệu chứng cứ nào xuất trình thể hiện việc anh C hứa sau công trình sẽ thanh toán đủ số công còn lại.

Bị đơn anh Vũ Văn C trình bày: Giữa anh và M không thỏa thuận về tiền công lao động vì khi nhận công trình người ta trả cho bao nhiêu thì lúc đó anh mới thanh toán cho anh em. Tiền cao hay thấp còn tùy thuộc vào việc anh ký kết với chủ nhà, khi anh em đi làm công với anh, anh có phần trăm của chủ thầu, số tiền còn lại anh sẽ cân đối chia cho anh em.

Anh C không nhất trí theo yêu cầu khởi kiện của anh M yêu cầu anh trả anh M số tiền còn lại 9.360.000 đồng và cho rằng anh M trình bày anh M tạm ứng 26 ngày công, mỗi ngày 300.000 đồng là 7.800.000 đồng và anh có hứa với anh M sau này công trình xong sẽ thanh toán đủ số công còn lại là hoàn toàn không đúng, anh không hứa hẹn gì với anh M là sau này công trình xong sẽ thanh toán đủ số công còn lại.

Anh M tự ý bỏ về, đáng lẽ anh không thanh toán tiền công cho anh M vì anh M không thực hiện theo giao kết mà anh đã nói từ lúc đầu nhưng nghĩ vì tình người nên khi anh M bỏ về thì anh đã thanh toán cho M là 300.000 đồng/ngày bằng tiền công nhật, anh đã thanh toán xong đứt đoạn tiền công cho anh M 26 công = 7.800.000 đồng. Số tiền 9.360.000 đồng như anh M yêu cầu anh cũng đã chia cho anh em liên hoan hết nên không còn, giữa anh và anh M không còn liên quan gì về tiền công lao động nữa.

[3] Qua lời trình bày của các đương sự có căn cứ xác định: Anh M và anh C có thỏa thuận miệng về việc đi làm ăn chia với nhau đây là giao dịch dân sự giữa các đương sự chứ không phải theo hợp đồng lao động và thực tế trong khi đi làm cho anh C anh M mới làm được 26 công thì bỏ không làm nữa, bản thân anh M cũng thừa nhận việc anh tự ý bỏ về có ảnh hưởng đến tiến độ công trình, việc anh M tự ý bỏ về không làm nữa là lỗi của anh M bởi thực tế trong làm ăn để kịp tiến độ của công trình thì có thể làm quá giờ, làm thêm, làm tăng ca là điều đương nhiên, ở đây anh M trình bày anh C yêu cầu anh làm quá thời gian và chửi bới anh khi anh làm không kịp, tại sao đi làm cùng nhau trong tổ mà điều này chỉ xảy ra với riêng anh M mà không xảy ra với những người khác. Anh M trình bày đi làm ăn chia là làm hết đợt, làm hết công trình, không nói trong thời gian bao lâu nhưng chính anh M cũng thừa nhận trong tổ làm cho anh C, anh C làm 90 công, anh N làm 4 công còn lại những người khác gồm anh Lo, anh C, anh D, anh C làm hết một năm mới về. Còn anh Ctrình bày làm ăn chia là phải làm hết đợt tức là hết một năm chứ không phải là hết công trình, trong tổ thợ anh C, anh L, anh C, anh D, anh C làm cho anh hết đợt (một năm), riêng cháu N anh chỉ nhờ cháu giúp anh trong 04 ngày làm sắt để đổ móng, lời trình bày của anh C cũng hoàn toàn phù hợp với lời trình bày của người làm chứng là ông D và anh C là tiền công mỗi người được chia 660.000 đồng/ngày với điều kiện phải làm từ đầu công trình đến cuối công trình; tiền công chia cho anh em trên cơ sở tùy vào từng người làm, đi làm nhiều công trình cũng như làm hết công trình thì tiền công sẽ khác so với người làm ít công trình, cũng như đang làm công trình đó bỏ không làm nữa. Ở đây anh C là chủ thầu anh C phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như tiến độ của công trình, nếu anh M bỏ về anh C không tìm ngay được người khác làm thay phần việc của anh M thì chắc chắn sẽ không kịp tiến độ công trình và có thể phải bồi thường vì bị phạt hợp đồng, bị mất uy tín trong làm ăn là điều dễ hiểu. Anh C là chủ thầu là người có quyền cân đối việc thu, việc chi trả tiền công cho mọi người tùy thuộc vào việc có thực hiện theo giao kết mà các bên đã thống nhất lúc đầu hay không và còn tùy thuộc vào sự tận tâm, trách nhiệm với công việc được giao.

[4] Tuy nhiên đánh giá một cách khách quan thì ở đây cả anh M và anh C cùng có lỗi là 50. Để khách thì khi tổng kết quyết toán công trình và thanh toán tiền công cuối năm cho anh em trong tổ thì anh C nên mời anh M đến dự và nói rõ vấn đề tiền công, là trước đây anh C đã trả cho anh M tiền công là 300.000đ/ngày x 26 công = 7.800.000đ, còn anh em trong tổ là 660.000đ/ngày công (điều kiện làm hết công trình), xem anh em trong tổ ai có ý kiến là nhất trí chia tiền công cho anh M như chia tiền công cho anh em trong tổ được không. Nếu anh em trong tổ đều nhất trí chia tiền công cho anh M là 660.00đ/ngày như anh em khác mặc dù thời gian anh m làm ít hơn anh em trong tổ thì anh C phải thanh toán tiếp số tiền còn lại hoặc ý kiến của anh em trong tổ cho rằng anh C trả tiền công cho anh M số tiền 300.000đ/ngày công như vậy là thỏa đáng thì anh C không phải trả nữa, nếu làm được như thế giữa anh M và anh C sẽ không xảy ra sự việc này, nhưng đằng này anh C lại lấy số tiền đó chi cho anh em trong tổ liên quan là chưa phù hợp.

Từ những phân tích lập luận ở trên, Hội đồng xét xử xét thấy có cơ sở để chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Vũ Văn M; buộc anh Vũ Văn C phải trả cho anh Vũ Văn M số tiền 4.680.000 đồng.

[5] Về án phí: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn, bị đơn đều phải nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: Các Điều 117, 119, 468 Bộ luật dân sự 2015; Điều 147 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

1. Xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Vũ Văn M; Buộc anh Vũ Văn C phải trả cho anh Vũ Văn M số tiền 4.680.000đ đồng (Bốn triệu sáu trăm tám mươi ngàn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

2. Về án phí: Anh Vũ Văn M, anh Vũ Văn C mỗi người phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Anh Vũ Văn M được khấu trừ số tiền 300.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 0001700 ngày 12/2/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Xuân Trường; anh Vũ Văn M đã nộp xong án phí.

3. Về quyền kháng cáo: Anh Vũ Văn M có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Anh Vũ Văn C có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

540
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 11/2020/DS-ST ngày 28/05/2020 về đòi tiền công lao động

Số hiệu:11/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Xuân Trường - Nam Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:28/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về