TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 11/2020/DSPT NGÀY 19/05/2020 VỀ TRANH CHẤP RANH GIỚI ĐẤT
Ngày 19 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 66/2019/TLPT-DS ngày 28 tháng 10 năm 2019 về việc “Tranh chấp ranh giới đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2019/DS-ST ngày 17/09/2019 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 93/2019/QĐ-PT ngày 27 tháng 12 năm 2019 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Cụ Trần Văn C, sinh năm 1930; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (đã chết ngày 10/12/019 ).
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của nguyên đơn:
Ông Trần Văn T1, sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Ông Trần Văn L, sinh năm 1958; địa chỉ: Thôn A2, xã Y, V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Bà Trần Thị Đ1, sinh năm 1963; địa chỉ: Thôn M, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Bà Trần Thị H, sinh năm 1967; địa chỉ: G, xã B, huyện E, tỉnh Q (vắng mặt).
Ông Trần Văn H1, sinh năm 1970; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của nguyên đơn là: Bà Hà Thị D, sinh năm 1969; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông C: Ông Lê Văn U và bà Trần Thị N, đều là Trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc (đều vắng mặt)
2. Bị đơn: Ông Đặng Văn T, sinh năm 1956 và bà Đỗ Thị Đ, sinh năm 1957; cùng địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (đều vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của ông T: Ông Vũ Đăng K, sinh năm 1996; địa chỉ: Văn phòng luật sư Đức Chiến – Tổ dân phố Ô, thị trấn V, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T: Ông Nguyễn Khánh H2, Luật sư Văn phòng luật sư Đức Chiến, Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc. Địa chỉ: Tổ dân phố Ô, thị trấn V, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt)
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ông Đặng Văn D1, sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Ông Đặng Văn P, sinh năm 1959; địa chỉ: Thôn A2, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Ông Đặng Văn I, sinh năm 1962; địa chỉ: Thôn An Lão Giữa, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Ông Trần Văn T1, sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Bà Hà Thị D, sinh năm 1969; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).
Bà Đặng Thị S, sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Ông Trần Văn H1, sinh năm 1970; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Bà Trần Thị Đ1, sinh năm 1963; địa chỉ: Thôn M, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Ông Trần Văn L, sinh năm 1958; địa chỉ: Thôn A2, xã Y, V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Bà Trần Thị H, sinh năm 1967; địa chỉ: G, xã B, huyện E, tỉnh Q (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của ông T1, ông H1, bà S, bà Đ1, bà H và ông L: Bà Hà Thị D, sinh năm 1969; địa chỉ: Thôn A1, xã Y, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt)
4. Người kháng cáo: Ông Trần Văn C.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 16/11/2019, đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 29 tháng 11 năm 2018 và các lời khai tiếp theo người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cụ Trần Văn C là bà Hà Thị D trình bày:
Gia đình cụ C có thửa đất thổ cư số 302, tờ bản đồ số 6, diện tích 480m2 đứng tên cụ Trần Văn Cở Thôn A1, xã Y, V. Trong quá trình quản lý, sử dụng từ trước đến nay luôn thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Nguồn gốc thửa đất là của ông cha để lại đã được sử dụng từ trước năm 1930, có nhà ở và tài sản sử dụng liên tục từ đó đến nay. Năm 1970 gia đình cụ C xây dựng 05 gian nhà ở cấp IV và các công trình trên đất. Năm 1978 cụ C chủ hộ gia đình đã kê khai vào sổ đăng ký ruộng đất và có tên trong hồ sơ địa chính xã Y. Năm 1991 cụ C cho ông T1 và ông H1 được quyền sử dụng ổn định nhưng do chưa đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên chưa được nhận sổ đỏ.
Đầu năm 2016 gia đình đưa cụ C xuống Ủy ban nhân dân xã để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng thời làm thủ tục tách đất cho các con thì được cán bộ địa chính xã thông báo thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 10/10/1993. Mặc dù đã được cấp từ năm 1993 nhưng gia đình cụ C không hề biết và cũng không được cơ quan có thẩm quyền thông báo. Đến cuối năm 2016 cụ C mới được chị Vũ Thị C1 (là cháu họ) giao cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó cụ C phát hiện diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với diện tích ghi trong sổ mục kê do Ủy ban nhân dân xã quản lý và thực tế gia đình quản lý. Cụ C đã làm đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã Y đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì biết ông Đặng Văn T ở Thôn A1, xã Y, V lấn chiếm một phần diện tích đất của gia đình ở phía bắc và phía đông của thửa đất. Cụ thể: Phía bắc chiều dài 2m, chiều rộng 9,63m; phía đông chiều dài 10,24m, chiều rộng 1,1m. Trên phần diện tích này ông T, bà Đ đã xây dựng công trình chuồng bò. Tổng diện tích ông T, bà Đ lấn chiếm của gia đình là 45,26m2.
Tại phiên tòa sơ thẩm bà D là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn chỉ đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông T, bà Đ phải trả lại cho ông C diện tích 24,3m2 đất đã lấn chiếm. Đồng thời chặt cây và tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên đất lấn chiếm để trả lại mặt bằng cho ông C.
Bị đơn ông Đặng Văn T và bà Đỗ Thị Đ trong bản tự khai ngày 10/4/2019, Biên bản làm việc ngày 22/5/2019 trình bày:
Về nguồn gốc diện tích đất có một phần đang tranh chấp do bố mẹ ông T để lại, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ Đặng Văn B1 (vợ là Nguyễn Thị T2), cụ B1 chết năm 2002 và cụ T2 chết năm 2001. Sau khi các cụ chết ông T và ông D1 là con của cụ B1 vẫn ở trên đất này. Ông D1 quản lý thửa số 05, diện tích 283,6m2; ông T quản lý thửa số 12, diện tích 281,7m2 (Theo Bản đồ VN 2000).
Đối với diện tích đất này đã có từ 5 đời, từ các cụ để lại, gia đình vẫn sử dụng ổn định từ trước đến nay, không có lấn chiếm tranh chấp với ai, ranh giới giữa gia đình ông với gia đình cụ C rõ ràng. Trước đây cụ C đã trực tiếp ra chỉ ranh giới, bà D chỉ là con dâu không nắm được gì về đất đai đứng ra kiện cáo không có cơ sở gây mất đoàn kết. Do đó đề nghị Tòa án giải quyết bác yêu cầu khởi kiện của ông C.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Ông Trần Văn T1, bà Đặng Thị S, ông Trần Văn L, bà Trần Thị Đ1, ông Trần Văn H1 trình bày: Quá trình giải quyết vụ án đã ủy quyền toàn bộ cho bà Hà Thị D tham gia giải quyết vụ án tại Tòa án, các ông bà đều nhất trí quan điểm của ông C, bà D và không trình bày bổ sung gì thêm.
- Bà Trần Thị H trình bày: Đất ông cha để lại, do vậy quan điểm của bà là để cụ C toàn quyền quyết định việc phân chia ranh giới, bà không có ý kiến thắc mắc gì.
- Ông Đặng Văn D1, ông Đặng Văn I và ông Đặng Văn P trình bày: Thống nhất quan điểm với ông T và bà Đ. Diện tích của gia đình đã có từ 5 đời do các cụ để lại, gia đình vẫn sử dụng ổn định từ trước đến nay, không có lấn chiếm tranh chấp với ai. Đất của gia đình các ông với gia đình ông C đã ổn định rõ ràng. Việc bà D khởi kiện là không có cơ sở đề nghị Tòa án bác đơn của bà D và ông C.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2019/DS-ST ngày 17 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện V đã quyết định: Áp dụng các Điều 166, 175, 176, 190 của Bộ luật Dân sự 2015; các Điều 147, 156, 157, 158, 163, 164, 165 và Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 2 của Luật Người cao tuổi năm 2009; Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
1. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn C đối với ông Đặng Văn T và bà Đỗ Thị Đ về việc yêu cầu ông T, bà Đ phải trả lại diện tích 24,3m2 đất đã lấn chiếm, đồng thời chặt cây và tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên đất lấn chiếm để trả lại mặt bằng cho ông.
2. Về chi phí xem xét thẩm định, định giá: Ông Trần Văn C phải chịu 3.900.000 đồng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và 750.000 đồng chi phí định giá. Ông C đã nộp đủ chi phí thẩm định, định giá.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 24 tháng 9 năm 2019, ông Trần Văn C kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm số 18/2019/DS-ST ngày 17/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện V, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của cụ Trần Văn C làm trong hạn luật định hợp lệ được chấp nhận. Quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm nguyên đơn cụ Trần Văn C chết ngày ngày 10/12/019 vì vậy Tòa án đã đưa các con của cụ C tham gia tố tụng với tư cách người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng. Sau đó những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ C đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã ủy quyền cho bà Hà Thị D tham gia tố tụng do vậy tại Tòa án xét xử vắng mặt các đương sự trên theo quy định của pháp luật.
[2] Về nội dung: Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ thấy rằng cụ Trần Văn C khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông T, bà Đ phải trả lại diện tích 24,3m2 đất đã lấn chiếm, đồng thời chặt cây và tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên đất lấn chiếm để trả lại mặt bằng cho gia đình cụ. Quá trình giải quyết vụ án ông T, bà Đ và những người liên quan là ông D1, ông I và ông P cho rằng toàn bộ diện tích đất hiện ông T, bà Đ và ông D1 quản lý có nguồn gốc là do bố mẹ các ông để lại, đất có từ rất lâu, không có tranh chấp, gia đình các ông không lấn chiếm đất nhà cụ C nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các chứng cứ và xử bác yêu cầu khởi kiện của cụ C nên cụ C kháng cáo.
Xét kháng cáo của nguyên đơn thấy: Về nguồn gốc toàn bộ diện tích đất hộ cụ C hiện do hai con trai là Trần Văn T1 và Trần Văn H1 quản lý sử dụng có nguồn gốc của ông cha để lại. Diện tích đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Trần Văn C, số thửa 302, tờ bản đồ số 6, diện tích 319m2. Hiện tại trên thực tế thửa đất đã được tách làm hai do ông Trần Văn T1 và ông Trần Văn H1 (là con của cụ C) sử dụng mỗi người một phần nhưng chưa làm thủ tục sang tên.
Nguyên đơn cho rằng thửa đất 302, tờ bản đồ số 6 có diện tích 480m2 và đã được kê khai trong sổ đăng ký ruộng đất năm 1978. Năm 2016 khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích ghi trong đó chỉ có 319m2 là không đúng, một phần do ghi sai và một phần do hộ ông T lấn chiếm diện tích 24,3m2.
Tài liệu xác minh xác định: Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông C và bản đồ 299 thì diện tích thửa 302, tờ bản đồ số 6 đứng tên ông C là 319m2. Kiểm tra hiện trạng thửa đất đứng tên ông C (hiện do ông T1 và ông H1 quản lý) tổng diện tích là 377,5m2 (trong đó ông T1 quản lý 194,7m2, ông H1 quản lý 182,8m2) thừa 58,5m2 so với GCNQSDĐ. Trong khi đó hộ ông T, theo sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông B1, diện tích 518m2, theo bản đồ VN 2000 diện tích hộ ông T và ông D1 diện tích 585,3m2, tăng 67,3m2.
Nay nguyên đơn chỉ xác định mốc giới hai nhà trước đây có một số khóm chuối to hiện nay không còn ngoài ra không có công trình hay cây cối gì khác để phân định ranh giới, trong khi đó ranh giới hiện tại giữa hai gia đình đã sử dụng ổn định nhiều năm không có tranh chấp. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào khác chứng minh về việc đất bị lấn chiếm vì vậy bản án sơ thẩm đã xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, không chấp nhận kháng cáo của nguyên dơn, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm là phù hợp.
[3] Về án phí: Do cụ Trần Văn C đã trên 60 tuổi và có đơn xin miễn án phí, do vậy thuộc đối tượng được miễn án phí theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về chi phí xem xét thẩm định, định giá: Cụ C phải chịu theo quy định pháp luật.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tại phiên tòa là có căn cứ cần chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 160; Điều 221 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 Luật thi hành án dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của cụ Trần Văn C, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 18/2019/DS-ST ngày 17/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện V.
2. Về án phí: Cụ Trần Văn C được miễn án phí dân sự sơ thẩm, dân sự phúc thẩm.
Về chi phí xem xét thẩm định, định giá: Cụ Trần Văn C phải chịu 3.900.000 đồng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và 750.000 đồng chi phí định giá. Cụ C đã nộp đủ chi phí thẩm định, định giá.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 11/2020/DSPT ngày 19/05/2020 về tranh chấp ranh giới đất
Số hiệu: | 11/2020/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/05/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về