Bản án 11/2019/HNGĐ-PT ngày 26/03/2019 về tranh chấp hôn nhân và gia đình

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 11/2019/HNGĐ-PT NGÀY 26/03/2019 VỀ TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Ngày 26 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số 13/2019/TLPT-HNGĐ ngày 02/01/2019 về tranh chấp hôn nhân và gia đình.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 27/2018/HNGĐ-ST, ngày 20/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 15/2019/QĐ-PT ngày 12/02/2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Đặng Công Đ, sinh năm 1956 (có mặt).

Bị đơn: Bà Lê Thị N, sinh năm 1957 (có mặt).

Cùng địa chỉ: Thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Đặng Công Đ1, sinh năm 1964;

Địa chỉ: Khu thống nhất 1, thị trấn Đ, huyện C, LS;

2. Ông Đặng Công H, sinh năm 1970;

Địa chỉ: Thôn Quan Đ, xã V, huyện Y, tỉnh BN;

3. Ông Đặng Công K, sinh năm 1973;

4. Bà Đặng Thị H, sinh năm 1976;

Cùng địa chỉ: Thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, BN;

Người đại diện theo ủy quyền của ông Đ1, ông H, ông K, bà H: Ông Đặng Công Đ, sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN (có mặt).

5. Anh Đặng Công T, sinh năm 1979 (Vắng mặt)

6. Anh Đặng Thành C (tên gọi khác Đặng Công C), sinh năm 1983 (Có mặt).

7. Chị Đặng Thị T, sinh năm 1981 (Có mặt)

8. Anh Nguyễn Văn A, sinh năm 1976 (Vắng mặt)

Người đại diện theo ủy quyền của anh A: Chị Đặng Thị T, sinh năm 1981; địa chỉ: Thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN (có mặt).

9. Anh Trần L, sinh năm 1979 (Vắng mặt)

10. Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1981 (Vắng mặt)

Cùng địa chỉ: Thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN

Người kháng cáo: Ông Đặng Công Đ, bà Lê Thị N, ông Đặng Công H, ông Đặng Công K, bà Đặng Thị H.

NHẬN THẤY

Theo án sơ thẩm và tài liệu trong hồ sơ thì nội dung vụ án như sau:

Nguyên đơn là ông Đặng Công Đ trình bày:

Quan hệ hôn nhân: Ông kết hôn với bà Lê Thị N năm 1978, việc kết hôn là tự nguyện. Khi kết hôn ông bà có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T, huyện TD. Sau khi cưới, bà N về chung sống với ông tại gia đình nhà ông. Khi đó gia đình ông có bố mẹ đẻ và các em chồng là ông Đ1, ông H, ông K và bà H. Cuộc sống vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc. Bà N ở nhà làm ruộng. Còn ông là công nhân quốc phòng, sau đó đi xuất khẩu lao động sang Tiệp Khắc (cũ). Mâu thuẫn vợ chồng ông xảy ra do cách nuôi dạy và giáo dục con cái của bà N trong thời gian ông không sống ở nhà. Do chán nản với cuộc sống gia đình nên ông có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác và có một con trai. Hiện nay, cháu đang ở cùng với ông. Ông cũng muốn sắp xếp việc gia đình vui vẻ, hòa thuận nhưng bà N không chấp nhận việc chung sống cùng với ông và con riêng của ông. Do vậy, mâu thuẫn gia đình đã xảy ra và ngày càng trầm trọng. Ban đầu chỉ là mâu thuẫn về tình cảm sau thêm những mâu thuẫn về kinh tế. Đến nay, ông xác định vợ chồng không còn tình cảm, không thể tiếp tục chung sống với nhau được nữa. Đề nghị Tòa án giải quyết ly hôn với và N.

- Con chung: Vợ chồng có 3 con chung là: Anh Đặng Công T, sinh năm 1979; Chị Đặng Thị T, sinh năm 1981; Anh Đặng Thành C (còn gọi là Công C), sinh năm 1983. Do các con đã trưởng thành ông không đề nghị gì về việc nuôi con. Anh T con trai ông bị bệnh tâm thần nhưng ông không đề nghị Tòa án giám định đối với anh T. Khi ly hôn bà N yêu cầu ông cấp dưỡng nuôi con cho anh T ông không đồng ý. Vì hiện nay ông tuổi cao, không có công ăn việc làm, không có thu nhập lại đang nuôi con riêng còn nhỏ.

- Tài sản chung: Vợ chồng ông có ba Nhà đất như bà N trình bày có 3 thửa là đúng. Quá trình sử dụng đất như sau:

Thửa đất số 181, diện tích 266m2 là đất hương hỏa của các cụ để lại cho ông là con trai trưởng được thừa kế để thực hiện việc cúng giỗ tổ tiên. Đây là đất của tổ tiên để lại, ông không nhất trí chia cho bà N. Năm 2001, khi ông đang ở nước ngoài thì bà N tự ý kê khai để được cấp giấy CNQSD đất. Khi ông phát hiện ra đất của tổ tiên nhưng lại mang tên bà N, đã nhiều lần ông yêu cầu sang tên cho ông nhưng bà N không đồng ý. Vợ chồng ly hôn, bà N không có quyền đòi hỏi quyền lợi đối với nhà đất này. Đây là tài sản ông được thừa kế riêng từ bố mẹ. Ông Đ không chấp nhận yêu cầu chia đất cho bà N.

Đối với phần tài sản trên đất là nhà được xây dựng từ năm 1998, công sức chính là của ông. Thời gian này, ông lao động tại Tiệp Khắc (cũ) và gửi tiền về để bà N xây nhà. Ngôi nhà trên đất là thành quả ông đã phải lao động vất vả, chắt chiu, dành dụm mới có được. Ông đã phải từ bỏ tất cả công việc ở nước ngoài để trở về. Nhưng việc làm ăn sau này không thuận lợi, nên ông chỉ còn ngôi nhà là thành quả lao động duy nhất. Ông không nhất trí trích chia giá trị phần tài sản trên đất cho bà N.

Hơn nữa, bà N cũng đã có quyền sử dụng đối với thửa đất có số thửa 172, diện tích: 457m2 và đang ở cùng các con. Thửa đất này, bà N tự ý đề nghị cấp giấy CNQSD đất mang tên bà N. Năm 2016, ông công nhận đã ký ở văn phòng công chứng để bà N được một mình bán thửa đất cho vợ chồng chị H, anh L. Việc ký văn bản này là do ông thiếu hiểu biết, số tiền bán đất đã dùng vào việc trả nợ Ngân hàng cho khoản vay trước đó, ông cũng sử dụng 20 triệu. Còn lại bà N chi trả cho việc hoàn tất thủ tục về chuyển nhượng đất đai và công chứng, chứng thực.

Thửa đất thứ 3, là di sản thừa kế bố mẹ ông để lại cho các em là ông Đ1, ông K, ông H và bà H. Ông đã làm thủ tục để cho ông Đặng Công H được đứng tên.

Bị đơn là bà N và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà N trình bày:

- Quan hệ hôn nhân: Bà thừa nhận lời trình bày của ông Đ về hoàn cảnh, điều kiện kết hôn. Nay do vợ chồng bà không còn tình cảm nữa nên ông Đ xin ly hôn bà đồng ý ly hôn với ông Đ.

- Con chung: Như ông Đ trình bày là đúng. Hiện nay con của bà và ông Đ là anh T bị bệnh tâm thần nên không có khả năng lao động mà bà vẫn phải nuôi. Bà hiện nay đã già yếu không có thu nhập khi ly hôn bà yêu cầu ông Đ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho bà với mức 1.000.000đ/ tháng.

- Tài sản: Vợ chồng bà trong thời kỳ hôn nhân có ba thửa đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể như sau:

Thửa thứ nhất là thửa đất số 181, diện tích: 266m2 có nguồn gốc là đất của các cụ để lại cho bố mẹ chồng nhưng đã được ông, bà đã cho ra ở riêng từ năm 1978, ngay sau khi kết hôn. Thời điểm xây nhà và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều công khai, không ai có ý kiến gì. Trước đây, trên đất có 4 gian nhà gỗ. Năm 1998, khi ông Đ đang lao động ở nước ngoài, bà N ở nhà đã phá dỡ nhà cũ để xây nhà kiên cố. Chính ông K em ruột ông Đ là người xây nhà cho vợ chồng bà. Ngoài nhà 2 tầng, còn đầy đủ công trình phụ và một số cây ăn quả. Hiện ông Đ đang quản lý sử dụng toàn bộ nhà đất này.

Thửa thứ hai là thửa số 172, diện tích: 457m2 có nguồn gốc do vợ chồng mua của Hợp tác xã từ năm 2001. Năm 2015, ông Đ thỏa thuận từ chối quyền sử dụng thửa đất này để bà N được quyền sử dụng.

Do ông Đ có khoản vay Ngân hàng và đến hạn trả, nhưng không có tiền trả. Do đó, ngày 13/01/2016, bà N đã chuyển nhượng một phần thửa đất với diện tích 108m2 cho vợ chồng anh Trần L và chị Nguyễn Thị H với số tiền 388.800.000đ để trả nợ cho ông Đ.

Sau khi bán cho anh L thì còn lại diện tích 349m2. Chị T là con gái, đã xây dựng gia đình, nhưng không ở bên nhà chồng mà vẫn ở cùng bà N. Bà N đã cho vợ chồng chị T đã làm nhà trên diện tích 120m2 và ở riêng. Toàn bộ diện tích 349m2 bà cho 2 người con là anh C và chị T. Anh C cũng đã hơn 30 tuổi, nhưng chưa xây dựng gia đình. Hiện bà N, anh T, anh C đều ở trong nhà tạm, điều kiện ăn ở chật chội. Anh T ăn cùng với bà nhưng khi ngủ thì sang nhà đất ông Đ đang quản lý để ngủ ở phòng cũ của anh T. Lý do bà chưa làm thủ tục sang tên cho chị T và anh C vì gia đình cũng chưa có điều kiện chi trả cho thủ tục hành chính này.

Thửa thứ ba là thửa số 223, diện tích: 578m2 có nguồn gốc do các cụ để lại. Khi còn sống, bố mẹ chồng và các em ông Đối đều ở trên đất này. Trên đất hiện không có tài sản, cây cối gì.

Năm 2012, ông Đ yêu cầu bà N và các con từ chối quyền sử dụng thửa đất để ông Đ được đứng tên một mình. Thửa đất này ông Đ đã làm thủ tục tặng cho em trai là ông Đặng Công H.

Đến nay, tài sản chung của ông bà chỉ còn thửa đất có số thửa 181, diện tích 266m2. Hiện tại bà không có chỗ ở, phải cùng với anh T ở trên phần đất đã cho anh C. Do vậy, bà yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng và chia bằng hiện vật để bà tạo lập chỗ ở mới.

Ruộng nông nghiệp được chia từ năm 1992 cho 4 khẩu là: Bà, anh T, chị T và anh C hiện bà vẫn đang sử dụng, không có đề nghị gì.

- Công nợ: Vợ chồng không nợ ai, không ai nợ vợ chồng. Nợ riêng của ai thì người đó trả.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

- Ông Đ1, ông H, ông K và bà H cùng thống nhất trình bày: Diện tích đất ở hiện ông Đ đang quản lý và sử dụng là đất của tổ tiên để lại cho bố đẻ. Nay ông Đ là con trưởng phải ở trên đất đó để thực hiện việc thờ cúng tổ tiên, bố mẹ. Không nhất trí chia đất cho bà N. Phần tài sản trên đất do vợ chồng ông Đ xây dựng, đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Anh C, chị T trình bày: Tài sản là do ông Đ, bà N tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Khi làm nhà, các anh chị còn nhỏ, không có công sức gì, nên không yêu cầu giải quyết.

- Chị T: Do điều kiện công việc, vợ chồng chị và anh A sống bên gia đình nhà chị ở Cao Đ, Tri P. Vợ chồng được bà N cho đất và đã xây nhà cửa, nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền vì chưa có điều kiện.

- Anh L, chị H trình bày: Ngày 13/01/2016, đã nhận chuyển nhượng một thửa đất từ bà N có diện tích 108m2. Việc chuyển nhượng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Anh L, chị H đã được cấp giấy CNQSD đất.

Từ nội dung trên bản án sơ thẩm đã áp dụng khoản 2 Điều 227; khoản 2 Điều 157; khoản 2 Điều 158; khoản 2 Điều 165; khoản 2 Điều 166; Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;

Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959;

Điều 55, khoản 3 Điều 70, khoản 1 Điều 71, khoản 1 Điều 81, Điều 82; khoản 1, 2, 3, 5 Điều 59; Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTL-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn việc thi hành luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

Điểm d khoản 1 Điều 12; Điểm a, b khoản 5, khoản 6 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí tòa án;

Chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông Đặng Công Đ; chấp nhận yêu cầu nuôi con chung, cấp dưỡng nuôi con và yêu cầu chia tài sản của bà Lê Thị N.

- Công nhận việc thuận tình ly hôn giữa ông Đặng Công Đ và bà Lê Thị N;

- Tuyên xử:

Về con chung và cấp dưỡng nuôi con: Giao cho bà N tiếp tục nuôi dưỡng anh Đặng Công T, sinh năm 1979 không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi sống bản thân. Ông Đ có nghĩa vụ cấp dưỡng để bà N nuôi dưỡng anh T mỗi tháng là 500.000đ (Năm trăm ngàn đồng).

Về tài sản chung:

Xác định tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của ông Đặng Công Đ, bà Lê Thị N gồm:

Quyền sử dụng: Thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 tại thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN và tài sản trên đất gồm: Một ngôi nhà 2,5 tầng khung bê tông cốt thép (nhà ở chính); Nhà mái bằng 1 tầng (công trình phụ, nhà ăn, bể lọc nước); Sân lát gạch, cổng mái đổ bê tông, cánh cổng sắt; Lán lợp mái tôn; Tường hoa xây gạch; 01 cây nhãn, 01 cây trứng gà, 01 cây na.

Chia cho ông Đ được sử dụng diện tích đất (có sơ đồ kỹ thuật kèm theo - phụ lục số 1).

Ông Đ được sử dụng các tài sản trên đất gồm: 01 nhà kiên cố 2,5 tầng; 01 lán lợp mái tôn; 01 cây nhãn.

Chia cho bà N được sử dụng diện tích đất (có sơ đồ kỹ thuật kèm theo - phụ lục số 2)

Bà N được sử dụng các tài sản trên đất gồm: Phần nhà một tầng (công trình phụ, nhà ăn, bể lọc nước); Tường hoa, 01 cây trứng gà; 01 cây na.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên án phí, nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi Tòa án sơ thẩm xử, ngày 30/11/2018, ông Đặng Công Đối kháng cáo một phần bản án sơ thẩm về phần chia tài sản chung, ông không đồng ý phân chia thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 tại thôn Cao Đình, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vì đây là đất hương hỏa các cụ để lại.

Ngày 05/12/2018, bà Lê Thị N kháng cáo đề nghị tăng mức cấp dưỡng nuôi con từ 1.000.000đ đến 1.500.000đ/tháng và yêu cầu chia đôi tài sản chung là thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 và tài sản trên đất theo hướng giao cho bà phần đất có ngôi nhà 2,5 tầng.

Ngày 05/12/2018, ông Đặng Công K, ông Đặng Công H, bà Đặng Thị H kháng cáo một phần bản án sơ thẩm với nội dung không đồng ý phân chia thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 tại thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN vì đây là đất hương hỏa bố, mẹ ông bà để lại để thờ cúng.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.

Bà Lê Thị N vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Trong phần tranh luận, nguyên đơn là ông Đặng Công Đ cho rằng ông còn phải nuôi con riêng nên không có đủ điều kiện để cấp dưỡng nuôi anh T.

Về tài sản, Thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 tại thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN là tài sản do bố, mẹ ông để lại để thờ cúng tổ tiên chứ các cụ không cho vợ chồng ông nên đây không phải là tài sản vợ chồng, về ngôi nhà trên đất là do toàn bộ tiền của ông bỏ ra xây dựng không có sự đóng góp của bà N.

Về phía bà N đối đáp, tranh luận cho rằng bà kết hôn với ông Đ từ năm 1978, ngay sau khi kết hôn bà về ở cùng ông Đ tại Thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 tại thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN từ đó cho đến nay, bố mẹ ông Đ đã cho vợ chồng để tạo lập chỗ ở vì vậy đây là tài sản chung vợ chồng nên bà đề nghị chia đôi.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Về đường lối giải quyết: Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án dân sự sơ thẩm điều chỉnh lại diện tích thửa đất của ông Đ, bà N, tuyên tứ cận của thửa đất giáp ranh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ được xem xét tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

{1}. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của ông Đặng Công Đ, bà Lê Thị N, ông Đặng Công K, ông Đặng Công H, bà Đặng Thị H nộp trong hạn luật định là hợp lệ cần được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

{2}. Về nội dung:

- Quan hệ hôn nhân: Mâu thuẫn giữa ông Đ và bà N đã trầm trọng các đương sự xác định không còn tình cảm và không thể sống chung với nhau được nữa và đều nhất trí ly hôn. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã công nhận sự thuận tình ly hôn giữa các đương sự và các đương sự không có kháng cáo đối với quan hệ hôn nhân Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét về quan hệ hôn nhân.

- Xem xét nội dung kháng cáo về cấp dưỡng nuôi con của ông Ông Đặng Công Đ và bà Lê Thị N, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Ông Đ và bà N có 03 con chung hiện đã trưởng thành, tuy nhiên trong 03 người con hiện nay có 01 con là anh Đặng Công T hiện đã trưởng thành song không có khả năng lao động bà N đang phải nuôi dưỡng. Trong kháng cáo ông Đ cho rằng hiện nay ông tuổi đã cao, lại không có nghề nghiệp, không có thu nhập và phải nuôi con trai riêng vẫn còn nhỏ nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh T 500.000đ mỗi tháng ông không đồng ý. Ông muốn khi nào ông có ông sẽ cấp dưỡng sau. Hội đồng xét xử thấy anh T là con chung của ông Đ, bà N. Tuy anh T đã trưởng thành nhưng anh T hiện nay đang mắc bệnh nên không có khả năng tự lao động để nuôi sống bản thân. Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình thì cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Do vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Đ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là đúng quy định của pháp luật nhưng cấp sơ thẩm buộc ông Đ cấp dưỡng với số tiền 500.000 đồng /tháng là chưa đảm bảo để có thể nuôi dưỡng anh T nên cần tăng mức cấp dưỡng cho anh T lên 1.000.000đ /tháng mới đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của anh T. Do vậy, kháng cáo về phần cấp dưỡng cho con chung của ông Đ là không có căn cứ chấp nhận, cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo tăng mức cấp dưỡng nuôi con của bà N.

Xem xét yêu cầu kháng cáo của ông Đ, ông H, ông K, bà H về phần tài sản của bản án sơ thẩm. Các ông bà cho rằng thửa đất Tòa án cấp sơ thẩm xác định là tài sản chung của vợ chồng ông Đ, bà N có nguồn gốc là của bố mẹ các ông bà để lại cho con trưởng làm nơi thờ cúng tổ tiên nên không thể xác định đây là tài sản chung của vợ chồng ông Đ, bà N và không đồng ý chia cho bà N một phần diện tích đất.

Hội đồng xét xử thấy: Nguồn gốc Thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 tại thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN là của bố mẹ ông Đ. Sau khi bà N về làm dâu nhà ông Đ thì bà N cùng sinh sống với gia đình ông Đ trên thửa đất này. Sau đó, các em ông Đ lấy vợ, lấy chồng, ông Đ đi lao động ở nước ngoài bà N cùng các con và bố mẹ chồng vẫn sinh sống trên thửa đất này mà không ai có ý kiến gì. Hơn nữa các em ông Đ là ông K, ông H, bà H đều thừa nhận ông Đ là con trai trưởng nên có quyền thừa kế mảnh đất này của bố mẹ. Hơn nữa, khi ở nhà bà N làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất này gia đình ông Đ đều biết mà không có ý kiến gì. Và bà N cũng không làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên một mình bà N mà bà xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ bà Lê Thị N. Như vậy có thể thấy bà N không có ý định chiếm mảnh đất này làm tài sản riêng của mình.

Khi ông Đ đi lao động nước ngoài bà N ở nhà cùng các con có phá bỏ ngôi nhà cũ trên thửa đất này đi để xây dựng ngôi nhà mới thì các em ông Đ đều biết và chính ông H là người đã xây ngôi nhà này cho vợ chồng bà N. Do đó, có thể khẳng định các em của ông Đ cũng như bản thân ông Đ đều thừa nhận đây là tài sản chung của vợ chồng ông Đ. Tòa án cấp sơ thẩm xác nhận thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 tại thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN là tài sản chung là đúng quy định của pháp luật. Do xác định là tài sản chung của vợ chồng nên Tòa án cấp sơ thẩm đã chia cho bà N một phần diện tích đất trong thửa đất này là đúng. Ông Đ cho rằng bà N còn một thửa đất để ở nhưng trên thực tế bà N cũng đã phải bán một phần diện tích đất để lấy tiền trả nợ cho ông Đ còn lại một phần diện tích bà cho con trai là anh C và chị T. Anh C, chị T cũng đã xây nhà trên diện tích đất này. Hiện nay bà N và con trai là T không có diện tích đất nào và cũng không có chỗ ở nào khác nên Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào các điều kiện hiện có để chia cho bà N một phần diện tích đất trong thửa đất chung của vợ chồng là có căn cứ. Do đó kháng cáo của ông Đ, ông H, ông K, bà H không có căn cứ để chấp nhận.

Bà N kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chia cho bà phần đất có nhà. Hội đồng xét xử thấy: Hiện nay bà N không có chỗ ở nhưng không thể giao cho bà N phần diện tích đất có nhà được bởi ông Đ là con trai trưởng trong gia đình và phải thờ cúng tổ tiên bố mẹ theo phong tục của người Việt. Hơn nữa hiện nay ông Đ cũng không có chỗ ở nào khác và cũng đang nuôi con trai riêng còn nhỏ. Bản thân ông Đ đi lao động ở nước ngoài rất lâu để lo cho kinh tế gia đình nhưng bà N cũng là người có công khi ở nhà chăm sóc các em ông Đ khi còn nhỏ và phụng dưỡng bố mẹ chồng khi ông Đ đi lao động ở nước ngoài. Bà N cũng đã ở trên thửa đất này rất nhiều năm nên có công sức trông nom, tôn tạo thửa đất. Khi xét xử Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá ông Đ là người có nhiều công sức hơn bà N trong việc tạo lập ra khối tài sản chung là nhà và đất tại Thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 tại thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN nên đã chia cho ông Đ phần giá trị tài sản có trị giá là 1.083.160.336 đồng và bà N được hưởng phần giá trị tài sản là 444.439.561 đồng là chưa phù hợp với công sức đóng góp của bà N, Hội đồng xét xử thấy cần phân chia khối tài sản chung này của ông Đ và bà N theo tỷ lệ 60/40 trong đó ông Đ được hưởng phần giá trị tài sản là 60% và bà N là 40%.

Ngoài ra xét thấy bản án sơ thẩm khi chia thửa đất không phù hợp với hiện trạng đang sử dụng. Tòa án sơ thẩm chia cho ông Đ phần đất có công trình nhà hai tầng ở trên đất và bà N phần đất có nhà bếp và công trình phụ là phù hợp song việc phân định tứ cận và diện tích phần đất của ông Đ và bà N là chưa phù hợp. Do đó, để đảm bảo giá trị sử dụng của các công trình trên đất và xác định cụ thể tứ cận của phần đất giao cho ông Đ, phần đất giao cho bà N thì cần chia lại diện tích đất này cho ông Đ, bà N. Cụ thể là ông Đ được chia 152m2 đất và bà N được chia 114,3m2 đất. Do đó cần chấp nhận một phần kháng cáo của bà N và sửa một phần bản án sơ thẩm.

Giao Ông Đ được sử dụng 152m2 đất và được sở hữu các tài sản trên đất gồm: 01 nhà kiên cố 2,5 tầng; 01 lán lợp mái tôn; 01 cây nhãn, tổng giá trị tài sản là 1.039.160.336 đồng nhưng ông Đối phải trích trả tiền chênh lệch về tài sản cho bà N 120.000.000 đồng.

Giao cho bà N được sử dụng 114,3m2 đất và được sở hữu các tài sản trên đất gồm: Phần nhà một tầng (công trình phụ, nhà ăn, bể lọc nước); tường hoa; 01 cây trứng gà; 01 cây na, tổng trị giá tài sản là 489.639.561 đồng và được nhận số tiền 120.000.000 đồng do ông Đ trích trả.

Qua xem xét bản án sơ thẩm, cấp phúc thẩm thấy cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về cách tuyên án. Khi tuyên giao đất cho các đương sự cần tuyên cụ thể về diện tích đất mỗi đương sự được sử dụng phải tuyên cụ thể về diện tích, tứ cận, chiều dài chiều rộng của mỗi thửa đất không nên tuyên là Chia cho ông Đ được sử dụng diện tích đất (có sơ đồ kỹ thuật kèm theo - phụ lục số 1). Nếu tuyên như vậy khi cơ quan thi hành án thi hành theo bản án của Tòa án thì sẽ không thi hành án được và gây khó khăn cho công tác thi hành bản án của Tòa án. Đồng thời khi có bản vẽ sơ đồ kèm theo thì phải vẽ sơ đồ phân chia thửa đất trên một bản sơ đồ chứ không nên tách thành hai sơ đồ với phần diện tích tách biệt.

Ngoài ra khi đối chất Thẩm phán cũng không ra quyết định đối chất theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Do kháng cáo được chấp nhận một phần và bản án sơ thẩm bị sửa nên ông Đ, bà N, ông H, ông K, bà H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 148; khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự:

Áp dụng: Khoản 2 Điều 227; Khoản 2 Điều 157; khoản 2 Điều 158; Khoản 2 Điều 165; Khoản 2 Điều 166; Điều 271; Điều 273 - Bộ luật tố tụng dân sự;

Điều 15 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959;

Điều 55, khoản 3 Điều 70, khoản 1 Điều 71, khoản 1 Điều 81, Điều 82; khoản 1, 2, 3, 5 Điều 59; Điều 110 - Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

Khoản 4 Điều 7 - Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn việc thi hành luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điểm d khoản 1 Điều 12; Điểm a, b khoản 5, khoản 6 Điều 27 - Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí tòa án, Sửa bản án sơ thẩm, xử:

1. Về Quan hệ hôn nhân: Công nhận việc thuận tình ly hôn giữa ông Đặng Công Đ và bà Lê Thị N;

2. Về con chung và cấp dưỡng nuôi con chung: Giao cho bà Lê Thị N tiếp tục nuôi dưỡng anh Đặng Công T, sinh năm 1979 không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi sống bản thân. Buộc ông Đặng Công Đ có nghĩa vụ cấp dưỡng để bà N nuôi dưỡng anh T mỗi tháng là 1.000.000đ (Một triệu đồng).

3. Về Tài sản chung: Xác nhận tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của ông Đặng Công Đ, bà Lê Thị N gồm: Quyền sử dụng: Thửa đất số 181, tờ bản đồ số 8, diện tích 266m2 (hiện trạng thực tế đang sử dụng 266,3m2) tại thôn Cao Đ, xã T, huyện TD, tỉnh BN. Tài sản trên đất gồm: Nhà 2,5 tầng khung bê tông cốt thép (nhà ở chính); Nhà mái bằng 1 tầng (công trình phụ, nhà ăn, bể lọc nước); Sân lát gạch, cổng mái đổ bê tông, cánh cổng sắt; Lán lợp mái tôn; Tường hoa xây gạch; 01 cây nhãn, 01 cây trứng gà, 01 cây na.

Chia cho ông Đặng Công Đ được sử dụng 152m2 đất có tứ cận như sau:

Phía Bắc giáp ngõ đi rộng 10,51m.

Phía Nam giáp nhà ông Đặng Công V có chiều rộng 10,6m.

Phía Đông giáp thửa đất nhà bà Lê Thị N có chiều dài 14,4m

Phía Tây giáp nhà bà Nguyễn Thị Th có chiều dài 14,36m.

Và được sở hữu các tài sản trên đất gồm: 01 nhà kiên cố 2,5 tầng; 01 lán lợp mái tôn; 01 cây nhãn.

Chia cho bà Lê Thị N được sử dụng diện tích đất 114,3m2. Thửa đất có tứ cận như sau:

Phía Bắc giáp ngõ đi có chiều rộng 8,32m.

Phía Nam giáp nhà ông Đặng Công V có chiều rộng 7,5m.

Phía Đông giáp nhà ông Nguyễn Đình S có chiều dài 14,5m.

Phía Tây giáp thửa đất của ông Đặng Công Đ có chiều dài 14,4.

Bà N được sở hữu các tài sản trên đất gồm: Phần nhà một tầng (công trình phụ, nhà ăn, bể lọc nước); Tường hoa, 01 cây trứng gà; 01 cây na.

(Có sơ đồ kèm theo và là bộ phận không tách rời của bản án)

Buộc ông Đặng Công Đ phải có nghĩa vụ trích trả tiền chênh lệch về tài sản cho bà Lê Thị N là 120.000.000 đồng (Một trăm hai mươi triệu đồng).

Ông Đ, bà N có quyền liên hệ với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản theo các quy định của pháp luật về đất đai.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, các bên không thỏa thuận được lãi suất thì hàng tháng phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án.

4. Về án phí và chi phí tố tụng:

4.1. Về án phí: Miễn toàn bộ án phí dân sự cho ông Đặng Công Đ và bà Lê Thị N. Hoàn trả ông Đ số tiền tạm ứng án phí ly hôn đã nộp là 300.000đ theo biên lai số AA/2012/0000227 ngày 26/12/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ông Đặng Công Đ, ông Đặng Công H, ông Đặng Công K, bà Đặng Thị H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại ông Đ, ông H, ông K, bà H mỗi người 300.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp tại các biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0000524 ngày 30/11/2018, 0000572, 0000571, 0000570 cùng ngày 05/12/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Tiên Du.

4.2. Về chi phí tố tụng:

Chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ và thẩm định giá tài sản hết số tiền 8.000.000đ (Tám triệu đồng). Bà N đã nộp đủ số tiền tạm ứng chi phí tố tụng trên. Ông Đ, bà N mỗi người phải chịu 4.000.000đ (Bốn triệu đồng) chi phí tố tụng. Ông Đ phải trả lại bà N 4.000.000đ (Bốn triệu đồng).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

554
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 11/2019/HNGĐ-PT ngày 26/03/2019 về tranh chấp hôn nhân và gia đình

Số hiệu:11/2019/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:26/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về