Bản án 11/2019/DS-ST ngày 04/10/2019 về chia di sản thừa kế theo pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THANH HÀ, TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 11/2019/DS-ST NGÀY 04/10/2019 VỀ CHIA DI SẢN THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

Ngày 04 tháng 10 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2019/TLST-DS ngày 22 tháng 2 năm 2019 về việc "Chia di sản thừa kế theo pháp luật" theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 13/2019/QĐXXST-DS ngày 10 tháng 9 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Đinh Thị L, sinh năm 1956

Địa chỉ: Xóm 4, thôn A, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, có mặt;

2. Bị đơn: Ông Đinh Công C ( tên gọi khác Đinh Văn C), sinh năm 1964

Địa chỉ: Xóm 4, thôn A, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, có mặt;

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Đinh Thị K1, sinh năm 1952

3.2. Bà Đinh Thị C1, sinh năm 1957

3.3. Bà Đinh Thị K2, sinh năm 1963

3.4. Bà Đinh Thị L1, sinh năm 1970

3.5. Ông Trần Đình Q, sinh năm 1954

Đều có địa chỉ: Xóm 4, thôn A, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương (Bà K1, bà L1, ông Q có mặt; Bà C1, bà K2 vắng mặt)

3.6. Bà Đinh Thị H, sinh năm 1958

Địa chỉ: Thôn AB 1, xã LL, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, có mặt;

3.7. Bà Đinh Thị Ch, sinh năm 1972

Địa chỉ: Số A/5KP2, phường TB, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, vắng mặt;

Người đại diện theo sự ủy quyền của bà K1, bà C1, bà H, bà K2, bà L1, bà Ch, ông Q: Bà Đinh Thị L, sinh năm 1956; Địa chỉ: Xóm 4, thôn A, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương theo Giấy ủy quyền ngày 27/4/2019, Giấy ủy quyền ngày 24/4/2019, có mặt;

3.8. Bà Đỗ Thị X, sinh năm 1965

Địa chỉ: Xóm 4, thôn A, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, vắng mặt;

Người đại diện theo sự ủy quyền của bà Xuân: Ông Đinh Công C, sinh năm 1964;

Địa chỉ: Xóm 4, thôn A, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương theo Giấy ủy quyền ngày 27/6/2019, có mặt;

3.9. Chị Nguyễn Thị Tr, sinh năm 1999

Địa chỉ: Thôn TV, xã TH, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, vắng mặt;

3.10. Bà Nguyễn Thị Ln, sinh năm 1967

Địa chỉ: N/6, khu phố 2, phường TM, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, vắng mặt;

4. Người làm chứng:

4.1. Chị Đinh Thị Th, sinh năm 1995;

Địa chỉ: Đội 8, xã LM, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, vắng mặt;

4.2. Anh Trần Văn S, sinh năm 1981

4.3. Anh Đinh Văn B, sinh năm 1996

4.4. Anh Nguyễn Văn Q1, sinh năm 1987

4.5. Anh Đinh Công L2, sinh năm 1988.

Đều có địa chỉ: Xóm 4, thôn A, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, vắng mặt;

4.6. Chị Nguyễn Thị Th1, sinh năm 1977

Địa chỉ: Thôn HL, xã AL, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, vắng mặt;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và trong quá trình xét xử vụ án, nguyên đơn bà Đinh Thị L trình bày:

Bố là cụ Đinh Văn P, chết năm 2004. Mẹ là cụ Đỗ Thị Q3 chết năm 2018 không để lại di chúc. Hai cụ có 9 người con: Đinh Thị K1, Đinh Thị L, Đinh Thị C1, Đinh Thị H1, Đinh Thị K2, Đinh Công C, Đinh Văn Th3, Đinh Thị L1, Đinh Thị C; không có bất kỳ một người con chung hoặc con riêng nào khác. Ông Đinh Văn Th3 chết năm 2015 có một người con ngoài giá thú là chị Nguyễn Thị Tr (lấy theo họ mẹ) đang sinh sống ở TH Theo sổ mục kê, bản đồ 299, khi cụ P, cụ Q3 còn sống đã tạo dựng được khối tài sản gồm: Quyền sử dụng 500 m2 đất tại thửa 204, 1291 m2 đất thổ cư tại thửa 202, 264 m2 đất ao thuộc đất thổ cư tại thửa 199 xã K, huyện Thanh Hà và quyền sử dụng 286 m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm xứ đồng Đa, thôn A, xã K.

Hiện nay thửa 202, ông C và bà K2 sử dụng. Ông C2 sử dụng thửa 202 từ năm 2008. Trong thời gian sử dụng, vợ chồng ông C2 đã xây dựng được ngôi nhà mái bằng, công trình phụ, 02 gian bếp, 02 gian nhà ngang, chuồng lợn, chuồng gà vào năm 2018. Phần đất bà K2 trước đây do em trai bà là Đinh Văn Th3 sử dụng. Khi ông Th3 còn sống, cụ P và cụ Q3 đã xây cho ông Th3 hai gian nhà ngói. Năm 2015, ông Th3 chết, bà K2 sử dụng. Mặc dù ngôi nhà là di sản thừa kế nhưng đã hết khấu hao, bà không đề nghị giải quyết. Thửa 204, bà K1 sử dụng. Thửa 199 là ao không ai sử dụng. Còn diện tích đất nông nghiệp, bà đang sử dụng.

Bà đề nghị chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại là quyền sử dụng đất cho 09 người con bằng hiện vật như thực tế các thừa kế đang sử dụng sau khi trừ đi phần diện tích làm lối đi chung. Đối với di sản là công trình, cây trồng trên đất bà không yêu cầu giải quyết. Đối với tiêu chuẩn đất nông nghiệp của bà K2, bà L1, bà đề nghị được tiếp tục sử dụng, không yêu cầu giải quyết. Tài sản, cây trồng trên đất là tài sản riêng của ai người đó sử dụng không giải quyết.

Do được ủy quyền của các chị và các em gái trong gia đình, quan điểm của bà là quan điểm của các chị và các em trong việc phân chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại. Bà C1, bà K2 thuộc diện trợ giúp pháp lý nhưng bà từ chối yêu cầu trợ giúp pháp lý, mặc dù đã được cán bộ Tòa án giải thích.

Tại biên bản ghi lời khai đương sự và quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông Đinh Công C trình bày: Về cơ bản, ông nhất trí với quan điểm của nguyên đơn đã trình bầy ở trên. Ông không đề nghị Tòa án giải quyết về cây trồng trên đất, ông tự di rời hoặc chặt bỏ để giao lại mặt bằng đất cho các thừa kế. Đối với công trình vợ chồng ông xây dựng trên đất, ông đề nghị người được chia phần di sản thừa kế có công trình vợ chồng ông xây dựng thì phải có trách nhiệm thanh toán cho vợ chồng ông giá trị bằng tiền. Ông xác định vợ chồng và các con không có công sức gì trong việc duy trì, tôn tạo và phát triển đối với di sản của cụ P, cụ Q3 để lại. Các con ông không có công sức gì trong khối tài sản chung của ông và bà X, ông không yêu cầu giải quyết về công sức. Đối với tài sản riêng của ai thì người đó sử dụng. Ông đồng ý nhập kỷ phần được chia vào khối tài sản chung vợ chồng và nhận sự ủy quyền của bà X, thay mặt bà X giải quyết mọi vấn đề trong vụ án.

Tại biên bản ghi lời khai đương sự và quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi liên quan chị Nguyễn Thị Tr trình bày:

Mẹ là Nguyễn Thị L3, sinh năm 1969, chết năm 2013. Khi còn sống, mẹ chị có nói cho chị được biết bố chị là ông Đinh Văn Th3 là em ruột của bà Đinh Thị L, ông Đinh Công C. Năm 1997, bố mẹ chị chung sống với nhau tại thôn A, xã K nhưng không đăng ký, lý do không đăng ký là do ông Th3 chưa ly hôn với vợ cả. Chung sống được thời gian ngắn thì ông Th3, bà L3 phát sinh mâu thuẫn. Bà L3 về nhà mẹ đẻ ở xã TH sinh sống. Vì lý do đó mà trong Giấy khai sinh và trong chứng minh thư chị mang họ mẹ. Tuy nhiên, các bác, các cô trong gia đình bên nội vẫn thừa nhận chị là con ông Đinh Văn Th3. Hằng năm, chị vẫn về cùng giỗ bố. Hiện nay, các bác đang giải quyết chia di sản thừa kế của cụ Đinh Văn P và Đỗ Thị Q3. Chị từ chối nhận di sản thừa kế của ông Th3 đồng ý để lại cho bà Đinh Thị L sử dụng. Chị xác nhận đã được Tòa án thông báo kết quả thẩm định, định giá tài sản, không có ý kiến thắc mắc gì. Do công việc bận, chị đề nghị giải quyết xét xử vụ án vắng mặt.

Tại biên bản ghi lời khai người làm chứng ngày 27/9/2019, chị Nguyễn Thị Th1 trình bày: Chị là em gái của Nguyễn Thị Ln (vợ cũ của anh Đinh Văn Th3). Chị Ln và anh Th3 có đăng ký kết hôn nhưng thời điểm kết hôn chị không biết. Khoảng năm 1995, chị Ln bỏ nhà chồng về xã AL sống cùng bố mẹ đẻ, giữa hai anh chị không có con chung. Khoảng năm 1998, chị Ln cắt khẩu ở xã AL vào Miền Nam sinh sống. Hiện nay, chị Ln đã kết hôn. Gia đình chị Ln đang sinh sống ở thành phố BH, tỉnh Đồng Nai ( địa chỉ cụ thể chị không biết). Bố mẹ chị cũng sinh sống ở trong đó, chỉ còn chị và một chị gái đang sinh sống ở huyện Thanh Hà. Chị đã liên lạc với chị Ln qua số điện thoại 0908536...., chị Ln cho rằng: Chị Ln kết hôn với anh Th3 năm 1992. Năm 1994, chị bỏ về nhà mẹ đẻ xã AL. Chị và anh Th3 có kết hôn nhưng chưa ly hôn. Năm 2002, chị kết hôn với chồng ở tỉnh Đồng Nai và có hai con. Nay bà L yêu cầu chia di sản thừa kế, chị xác định chị không có liên quan, không lấy bất cứ tài sản gì. Do ở xa, chị đề nghị Tòa án không triệu tập vì chị không về Tòa án được. Địa chỉ cư trú của chị số n/6, khu phố 2, phường TM, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tại biên bản ghi lời khai người làm chứng và và đơn đề nghị của chị Đinh Thị Th, anh Trần Văn S, anh Đinh Văn B, anh Nguyễn Văn Q1, anh Đinh Công L2 là cháu nội, cháu ngoại của cụ P, cụ Q3 xác nhận không có công sức gì đối với khối di sản của cụ P, cụ Q3 để lại, không có công sức gì trong khối tài sản mà bố mẹ đã xây dựng trên đất là di sản thừa kế của ông bà để lại, đề nghị Tòa án xét xử vụ án vắng mặt.

Tại biên bản xác minh ngày 20/8/2019, ông Phạm Ngọc T cán bộ tư pháp xã K cung cấp: Căn cứ vào sổ Cấp giấy chứng nhận kết hôn từ ngày 20/5/1989 đến hết năm 1993, tại số thứ tự 08 năm 1992 thể hiện anh Đinh Văn Th3, sinh năm 1967 ở xóm 4, xã K có đăng ký kết hôn với chị Nguyễn Thị Ln, sinh năm 1967, trú tại xã AL, huyện Thanh Hà vào ngày 04/7/1992. Hai anh chị sống được thời gian ngắn, do không có con chung, chị Ln bỏ anh Th3 đi từ năm 1995. Hiện nay, chị Ln đã lập gia đình trong Miền Nam, còn địa chỉ cụ thể xã không nắm được. Theo các tài liệu còn lưu giữ, anh Th3 và chị Ln chưa ly hôn.

Tại biên bản xác minh ngày 11/7/2019, ông Đặng Văn Tr1 trưởng xóm 4 cung cấp: Căn cứ sổ diện tích được giao chia theo Quyết định 721 và mua bán đổi ruộng đã qua UBND xã và tạm giao diện tích đất công điền thể hiện trong diện tích đất nông nghiệp của hộ cụ P được chia cho 04 tiêu chuẩn là Đinh Thị K2, Đinh Thị L1, cụ P, cụ Q3 (04 người), mỗi tiêu chuẩn được chia 12 thước Bắc bộ.

Description: C:\Users\DongAnh\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image003.gifTại biên bản xác minh ngày 30/7/2019, địa chính xã K cung cấp:

Căn cứ vào bản đồ 299 và sổ mục kê 299 năm 1986 (quyển 2) thể hiện: Tại tờ bản đồ số 08 xã K, cụ Đinh Văn P đăng ký sử dụng bốn thửa đất: Thửa 204 diện tích 500m2 (đất ao); thửa 202 diện tích 1291m2 (đất thổ cư); thửa 199 diện tích 264m2 (đất vườn) và một phần thửa 166 diện tích 290m2 đất ao.

Theo bản đồ năm 1997 và sổ mục kê năm 1997, tại tờ bản đồ số 16, thửa 218 mang tên cụ Đinh Công P, diện tích 164,6m2 đất ao; thửa 239 diện tích 125,7m2 đất ao; thửa 240 diện tích 2051,6m2 (đất ở); thửa 276 diện tích 271,3m2 đất ở mang tên Đinh Thị K1 vị trí các thửa đất này đều ở Bến Tây. Thửa 218, 239 nằm trong thửa 204 năm 1986; thửa 240 bao gồm một phần thửa 204 và thửa 202 của năm 1986 cộng một phần thửa 203; Thửa 276 là thửa 199 năm 1986.

Căn cứ vào bản đồ 2007 và sổ mục kê 2007 thể hiện: Tờ bản đồ số 18 thửa 188 diện tích 159m2 mang tên Đinh Thị L1 (thửa này nằm trong thửa 204 năm 1986). Thửa 196 diện tích 97m2 mang tên Đinh Công C (thửa này nằm trong thửa 204 năm 1986); Thửa 187 diện tích 408 m2 mang tên Đinh Thị C1 (nằm trong thửa 204 năm 1986), Thửa 195 diện tích 361m2 mang tên Đinh Công C (thửa này nằm trong thửa 202 năm 1986), Thửa 189 diện tích 361m2 mang tên Đinh Thị K2 (nằm trong thửa 202 năm 1986); Thửa 198 diện tích 262m2 mang tên Đinh Văn Th3 (nằm trong thửa 202 năm 1986), thửa 10 diện tích 291m2 mang tên Đinh Thị K1 ( là thửa 199 của năm 1986). Toàn bộ diện tích đất trên là của cụ P. Lý do từng thửa với các tên khác nhau do tại thời điểm đo đạc những người đó đang sử dụng. Số diện tích không phù hợp qua các thời kỳ do sai số đo đạc và người chỉ mốc qua các thời kỳ. Ngoài ra, không có tài liệu nào khác về đất ở, đất ao và đất vườn.

+ Căn cứ vào bản đồ đo hiện trạng năm 2005, diện tích đất nông nghiệp của cụ P và cụ Q3 có hai thửa: Thửa 438 diện tích 164m2 và thửa 542 diện tích 698m2 đều tờ bản đồ số 07 xứ Đồng Đa. Ngoài ra hai cụ không còn diện tích đất nông nghiệp nào khác. Hiện nay diện tích đất trên do bà L đang sử dụng, nhưng chưa nhập vào đất nông nghiệp của bà L. Trong phần diện tích đất thổ cư, đất vườn, đất ao do cụ P, cụ Q3 để lại không phải trừ đất 721 của ai vào vườn vì xóm 4 xã K không chia được theo Nghị quyết 721 mà giữ nguyên hiện trạng theo Nghị quyết 10-NQ/TW.

Tại phiên tòa, các đương sự giữ nguyên quan điểm như đã trình bầy ở trên và cho rằng diện tích lối đi chung là di sản thừa kế kéo ra tận phía ngoài sát với cổng đi vào thửa đất bà L1 đang sử dụng diện tích là 208 m2 không phải 132 như trong sơ đồ kèm theo Biên bản thẩm định ngày 07/6/2019. Các đương sự xác định di sản thừa kế của cụ P, cụ Q3 để lại là quyền sử dụng đất 2543 m2 (gồm có 2051,6 m2 đất ở, 22,4 m2 đất vườn, 286 m2 đất nông nghiệp, 183 m2 đất ao) tại các thửa 188, 196, 187, 195, 189, 198, 10 tờ bản đồ số 18 xã K đo vẽ năm 2007 và thửa 438, 542 xứ Đồng Đa, xã K đo vẽ năm 2005. Các đương sự đề nghị chia như hiện trạng, ai đang sử dụng ở vị trí nào thì chia kỷ phần thừa kế vào vị trí đó tránh xáo trộn, cụ thể bà L1 sử dụng thửa 188, bà C1 sử dụng thửa 187, ông C sử dụng thửa 195, 196; bà K2 sử dụng thửa 189, 198; bà K1 sử dụng thửa 10. Các đương sự thống nhất để lại 208 m2 đất làm lối đi chung, không yêu cầu giải quyết đất nông nghiệp chia theo tiêu chuẩn của bà K2, bà L1. Bà L tự nguyện nhập kỷ phần được chia vào khối tài sản chung vợ chồng và tự nguyện chịu cả chi phí thẩm định, định giá tài sản không yêu cầu giải quyết. Ông C xác định vợ chồng, các con không có công sức trong việc duy trì, tôn tạo và phát triển đối với di sản của cụ P, cụ Q3 để lại, các con không có công sức gì trong khối tài sản chung của vợ chồng ông; Ông tự nguyện không yêu cầu giải quyết cây gia đình trồng trên đất, chỉ yêu cầu thanh toán trị giá công trình gia đình xây dựng mà các thừa kế khác được chia, ông tự nguyện nhập kỷ phần được chia vào khối tài sản chung vợ chồng. Ngoài ra, các đương sự không yêu cầu giải quyết bất kỳ một vấn đề nào khác.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, của những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

+ Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi liên quan chấp hành đúng theo quy định của Điều 70, 71, 72, 73 Bộ luật tố tụng dân sự.

+ Về việc giải quyết vụ án:

Căn cứ Điều 611, 623, 649, 650, 651, 652, 660, Điều 468 Bộ luật dân sựkhoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, Điều 227, Điều 228, Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 103 Luật đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, đề nghị tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà Đinh Thị L đối với di sản của cụ P, cụ Q3.

- Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ P, cụ Q3 gồm: bà Đinh Thị K1, bà Đinh Thị L, bà Đinh Thị C1, bà Đinh Thị H, bà Đinh Thị K2, ông Đinh Công C, ông Đinh Văn Th3( đã chết năm 2015 kỷ phần của ông Th3 do chị Tr là con được hưởng), bà Đinh Thị L1 và bà Đinh Thị Ch.

- Xác định di sản thừa kế của cụ P, cụ Q3 sau khi trừ đi phần đất để lại làm lối đi chung và rãnh thoát nước còn lại 2543 m2 đất (trong đó gồm có 2051,6 m2 đất ở; 22,4 m2 đất vườn; 286 m2 đất nông nghiệp; 183 m2 đất ao) tại các thửa 188, 196, 187, 195, 189, 198, 10 tờ bản đồ số 18 xã K và thửa 438, 542 tờ bản đố số 7 xứ Đồng Đa, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương trị giá là 1.061.740.000 đồng Đối với đất nông nghiệp: Giao cho bà L tiếp tục quản lý sử dụng 286m2 và có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch cho các đồng thừa kế khác theo biên bản định giá. Đối với đất tiêu chuẩn của bà K2, bà L1: Bà L đang sử dụng, tiếp tục sử dụng, không đặt ra giải quyết.

Đối với đất thổ cư: Căn cứ hiện trạng sử dụng, tiếp tục giao cho ông C, bà K2, bà C1, bà L1, bà K1 diện tích đất có những công trình các ông bà đã xây dựng, ông C, bà C1, bà K2 và bà K1 có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch cho các đồng thừa kế khác nếu vượt quá kỷ phần. Đối với cây trồng trên đất, ông C tự nguyện không yêu cầu giải quyết nên không xét.

(Việc phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật có sơ đồ kèm theo)

Trường hợp đường ranh giới đi vào tài sản hoặc cây cối trên đất của ai thì người đó có trách nhiệm chặt bỏ hoặc tháo dỡ. Các đương sự tự mở lối đi và có trách nhiệm đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng bất động sản được chia.

- Đối với tài sản, công trình trên đất là tài sản riêng của gia đình ông C, bà K2, bà C1, bà L1, bà K1. Gia đình ông C, bà K2, bà C1, bà L1, bà K1 tiếp tục quản lý, sử dụng, không đặt ra giải quyết.

- Chấp nhận yêu cầu của ông C buộc các đồng thừa kế phải có trách nhiệm thanh toán cho gia đình ông C giá trị công trình gia đình ông đã xây dựng khi được chia di sản thừa kế có công trình của gia đình ông trên đất.

- Chấp nhận sự tự nguyện của chị Tr cho bà L được hưởng kỷ phần chị Tr được hưởng.

- Về án phí, chi phí tố tụng khác (chi phí thẩm định giá): Giải quyết theo quy định của pháp luật

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng: Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng đã có Giấy ủy quyền theo quy định và có quan điểm đề nghị Tòa án giải quyết vụ án vắng mặt, căn cứ khoản 2 Điều 228, Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự quyết định xét xử vụ án vắng mặt người có quyền lợi liên quan theo quy định.

[2]. Về quan hệ tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Đinh Văn P, cụ Đỗ Thị Q3 theo pháp luật. Do vậy quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp chia di dản thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 649 Bộ luật dân sự.

[3] Về thời điểm mở thừa kế: Cụ P chết ngày 11/6/2004; Cụ Q3 chết ngày 17/02/2018. Căn cứ khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015, thời điểm mở thừa kế lần thứ nhất là ngày 11/6/2004 đối với di sản của cụ P và thời điểm mở thừa kế lần thứ hai ngày 17/02/2018 đối với di sản của cụ Q3.

[4] Về thời hiệu chia di sản thừa kế: Theo quy định tại khoản 1 điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với bất động sản là 30 năm. Như vậy, tính đến ngày khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với quyền sử dụng đất của cụ P, cụ Q3 vẫn còn.

[5] Về hàng thừa kế:

Các đương sự đều thừa nhận cụ P và cụ Q3 có 09 người con là bà K1, bà L, bà C1, bà H, bà K2, ông C, ông Th3, bà L1, bà Ch, không có bất cứ người con nuôi, con riêng nào khác. Đây là sự kiện không phải chứng minh quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự.

Thời điểm mở thừa kế di sản của cụ P năm 2004, hàng thừa kế thứ nhất của cụ P có 10 người là cụ Q3, bà K1, bà L, bà C1, bà H, bà K2, ông C, ông Th3, bà L1, bà Ch.

Năm 2018, cụ Q3 chết. Tại thời điểm mở thừa kế di sản của cụ Q3 ông Th3 đã chết. Ông Th3 có một người vợ là Nguyễn Thị LN (chưa ly hôn) và một người con gái ngoài giá thú là chị Nguyễn Thị Tr. Mặc dù, bà Ln chưa ly hôn với ông Th3 theo luật định nhưng đã kết hôn với người khác và có con trước khi ông Th3 mất, quan hệ vợ chồng giữa bà Ln với ông Th3 đã chấm dứt. Mặt khác, bà Ln xác định không có liên quan, không lấy bất cứ tài sản gì nên không làm phát sinh quyền thừa kế của bà Ln đối với di sản của ông Th3. Đối với chị Nguyễn Thị Tr không có tài liệu về mặt pháp lý chứng minh chị Tr là con ông Th3 nhưng các thừa kế đều thừa nhận chị Tr là con ông Th3. Đây là sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự. Do vậy, Chị Tr là người thừa kế thế vị được hưởng kỷ phần di sản mà ông Th3 được hưởng nếu ông Th3 còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Do vậy, diện thừa kế thuộc hàng thứ nhất của cụ Q3 gồm 9 người: Bà K1, bà L, bà C1, bà H, bà K2, ông C, chị Tr (thừa kế thế vị), bà L1, bà Ch.

[6] Về di sản chia thừa kế.

+ Các đương sự đều xác định di sản của cụ P, cụ Q3 để lại là quyền sử dụng đất theo Bản đồ 299, sổ mục kê 299, sổ đăng ký 299 năm 1986 tại các thửa 204, 165, 166b, 202, 199 tờ bản đồ số 08 xã K tổng diện tích là 2319 m2 (trong đó có 644 m2ao, 120 m2 vườn thừa, 1291 m2 đất thổ cư, 264 m2 đất vườn) và quyền sử dụng đất nông nghiệp đo vẽ năm 2005 diện tích 286 m2 tại thửa 438 và thửa 542 tờ bản đồ số 07 xứ Đồng Đa, tổng cộng là 2605 m2 đất.

Tuy nhiên, theo Kết quả đo thẩm định ngày 07/6/2019 và Biên bản xác minh tại địa chính xã K di sản thừa kế của cụ P, cụ Q3 để lại là quyền sử dụng 2751 m2 (trong đó có 2282 m2 đất vườn và đất ở, 286 m2 đất nông nghiệp, 183 m2 đất ao) nhưng số thửa đã có sự thay đổi. Theo bản đồ năm 2007 thửa 204, 165, 166b, 202, 199 tờ bản đồ số 08 xã K đã chuyển thành thửa 188, 196, 187, 195, 189, 198, 10 tờ bản đồ số 18 xã K. Các đương sự tự nguyện yêu cầu chia di sản thừa kế theo diện tích đã được đo vẽ là 2751 m2 và theo số thửa đo vẽ năm 2007 để cho thống nhất. Di sản khác, các đương không yêu cầu Tòa án giải quyết, sự tự nguyện của các đương sự không trái pháp luật và đạo đức xã hội được ghi nhận.

Theo Biên bản xác minh ngày 30/7/2019, diện tích đất ở là di sản thừa kế của cụ P, cụ Q3 để lại là 2051,6 m2, việc biến động tăng giảm là sai số do đo đạc. Căn cứ vào Biên bản định giá ngày 13/8/2019, di sản của cụ P và cụ Q3 có trị giá như sau:

- 2051,6 m2 đất ở x 500.000 đồng/m2 = 1.025.800.000 đồng,

- 230,4 m2 đất vườn x 75.000 đồng/m2 = 17.355.000 đồng.

- 286 m2 đất 721 xứ Đồng Đa x 75.000 đồng/m2 = 21.450.000 đồng

- 183 m2 đất ao thừa x 70.000 đồng/ m2 = 12.810.000 đồng.

Tổng cộng 1.077.415.000 đồng.

+ Đối với kỷ phần thừa kế có công trình xây dựng của gia đình ông C, ông C đề nghị thanh toán trị giá theo quy định. Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu của ông C hoàn toàn chính đáng có căn cứ chấp nhận.

+ Đối với diện tích đất nông nghiệp tiêu chuẩn của bà L1, bà K2 nằm trong khối di sản thừa kế, bà L đang sử dụng: Bà L1, bà K2 không yêu cầu giải quyết nên không xét.

[7] Về phân chia di sản thừa kế.

[7.1] Về công sức duy trì, tôn tạo và phát triển khối di sản, không ai yêu cầu nên không xét.

Các đương sự thống nhất để lại 208 m2 đất vườn để làm lối đi chung và rãnh thoát nước. Sự tự nguyện của các đương sự không trái pháp luật và đạo đức xã hội được ghi nhận.

Sau khi trừ phần đất làm lối đi chung và rãnh thoát nước. Di sản của cụ P, cụ Q3 còn lại để chia là quyền sử dụng 2543 m2 đất (gồm có 2051,6 m2 đất ở, 22,4 m2 đất vườn, 286 m2 đất nông nghiệp, 183 m2 đất ao) tại các thửa 188, 196, 187, 195, 189, 198, 10 tờ bản đồ số 18 xã K và các thửa 438, 542 tờ bản đồ số 07 xứ Đồng Đa, xã K có trị giá là 1.061.740.000 đồng.

[7.2] Chia di sản của cụ P, cụ Q3:

Tại thời điểm mở thừa kế của cụ P, hàng thừa kế thứ nhất của cụ P gồm 10 người là cụ Q3, bà K1, bà L, bà C1, bà H, bà K2, ông C, ông Th3, bà L1, bà Ch và mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế trị giá là (1.061.740.000 đồng : 2) : 10 = 53.087.000 đồng.

Tại thời điểm mở thừa kế của cụ Q3, hàng thừa kế thứ nhất của cụ Q3 gồm 9 người là bà K1, bà L, bà C1, bà H, bà K2, ông C, chị Tr (hưởng thừa kế vị của ông Th3), bà L1, bà Ch và mỗi kỷ phần được hưởng di sản thừa kế trị giá là [(1.061.740.000 đồng : 2) + 53.087.000 đồng] : 9 = 64.884.000 đồng.

Như vậy, mỗi kỷ phần được hưởng thừa kế là: 64.884.000 đồng + 53.087.000 đồng = 117.971.000 đồng.

Đối với kỷ phần của ông Th3, chị Nguyễn Thị Tr là con riêng của ông Th3 từ chối nhận, tự nguyện để lại cho bà L được hưởng. Sự tự nguyện của chị Tr không trái pháp luật, đạo đức xã hội được ghi nhận. Bà L được hưởng 2/9 kỷ phần thừa kế theo quy định của pháp luật.

Di sản là quyền sử dụng đất rộng, các đương sự đều có nguyện vọng được hưởng di sản bằng quyền sử dụng đất nên chia cho các thừa kế bằng quyền sử dụng đất là phù hợp.

[7.3] Việc phân chia di sản bằng hiện vật cụ thể như sau:

Chia cho bà L được hưởng 286 m2 đất nông nghiệp tại thửa 438, 542 xứ Đồng Đa, xã K có tứ cận như hình ABCD và hình AGKDFE sơ đồ 3, 4 có trị giá là 21.450.000 đồng; 183 m2 đất ao tại thửa 196 xã K có tứ cận như hình CDEQ sơ đồ 1 có trị giá 12.810.000 đồng và 172 m2 đất ở kỷ phần của ông Th3 do chị Tr để lại tại thửa 198 xã K có tứ cận như hình RYZI sơ đồ 1 trị giá là 86.000.000 đồng, tổng trị giá bà L được hưởng là 34.260.000 đồng + 86.000.000 đồng = 120.260.000 đồng.

Chia cho ông C được hưởng 473 m2 đất ( trong đó có 450,6 m2 đất ở, 22,4 m2 đất vườn) tại thửa 195 xã K, huyện Thanh Hà có tứ cận như hình IJKNSR sơ đồ 1 trị giá 226.980.000 đồng. Ông C phải có trách nhiệm trích trả kỷ phần vượt quá cho bà L 83.711.000 đồng, cho bà H 9.471.000 đồng, cho bà Ch 15.827.000 đồng.

Chia bà K1 được hưởng 273 m2 đất ở tại thửa 10 tờ bản đồ số 18 xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình ABCD sơ đồ 2 có trị giá là 136.500.000 đồng. Bà K1 có trách nhiệm trích trả kỷ phần vượt quá cho bà Ch 18.529.000 đồng.

Chia cho bà C1 được hưởng 252 m2 đất ở tại thửa 187, tờ bản đồ số 18 xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình CBVX sơ đồ1 có trị giá 126.000.000 đồng. Bà C1 có trách nhiệm trích trả kỷ phần vượt quá cho bà L 8.029.000 đồng.

Chia cho bà H được hưởng 217 m2 đất ở tại thửa 189, tờ bản đồ số 18 xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình NN’S’S sơ đồ 1 có trị giá 108.500.000 đồng, 01 nhà mái ngói 18,3 m2 kèm hệ thống điện trị giá 32.773.000 đồng, 01 bể nước cạnh nhà tắm cũ trị giá 2.502.000 đồng, 01 nhà tắm cũ cạnh bể nước cũ trị giá 2.973.000 đồng, 01 chuồng chăn nuôi diện tích 33,2 m2 trị giá 25.972.000 đồng của gia đình ông C. Bà H phải có trách nhiệm thanh toán trả cho ông C, bà X giá trị công trình xây dựng trên đất là 64.220.000 đồng.

Chia cho bà Ch được hưởng 164 m2 đất ở tại thửa 189, tờ bản đồ số 18 xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như như hình N’MOS’ sơ đồ 1 có trị giá 82.000.000 đồng, 01 chuồng chăn nuôi diện tích 12,4 m2 trị giá 8.353.000 đồng, 01 nhà vệ sinh cũ 4.198.000 đồng, 01 hầm bioga trị giá 5.500.000 đồng của gia đình ông C. Bà Ch phải có trách nhiệm thanh toán trả cho ông C, bà X giá trị công trình xây dựng trên đất là 18.051.000 đồng.

Chia bà K2 được hưởng 275 m2 đất ở có tứ cận như hình FGHZY trong sơ đồ 1 trị giá là 137.500.000 đồng. Bà K2 có trách nhiệm trích trả phần vượt quá kỷ phần được hưởng cho bà L 19.529.000 đồng.

Chia bà L1 được hưởng 248 m2 đất ở tại thửa 188 tờ bản đồ số 18 tại xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình AVXQP trong sơ đồ 1 trị giá là 124.000.000 đồng. Bà L1 có trách nhiệm trích trả phần vượt quá kỷ phần được hưởng cho bà L 4.413.000 đồng, cho bà Ch 1.615.000 đồng.

Các đương sự tự mở lối đi và có trách nhiệm đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ quy định của Pháp luật trong quá trình sử dụng bất động sản được chia.

Trường hợp đường ranh giới đi vào tài sản hoặc cây cối trên đất của ai thì người đó có trách nhiệm chặt bỏ hoặc tháo dỡ.

(Việc phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật có sơ đồ kèm theo)

Đối với tài sản riêng của của gia đình nào thì gia đình đó tiếp tục quản lý, sử dụng, không đặt ra giải quyết.

Việc thi hành án được thực hiện theo Điều 357 Bộ luật dân sự và Điều 26 Luật thi hành án dân sự.

[8] Về chi phí thẩm định, định giá tài sản:

Bà L tự nguyện chịu cả chi phí thẩm, định giá tài sản không đặt ra giải quyết.

[9] Về án phí: Bà K1, bà L, Bà H là người cao tuổi và bà K2, bà C1 là người khuyết tật thuộc trường hợp được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo điểm đ k, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Ông C, bà L1, bà Ch phải chiu án phí sơ thẩm dân sự theo quy định pháp luật.

 Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 611, 623, 649, 650, 651, 660, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 5 Điều 26, Điều 35; Điều 36; Điều 147; Điều 157; Điều 158, Điều 165; Điều 166; Điều 227, Điều 228, Điều 229, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 103 Luật đất đai năm 2013; Luật phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án .

Tuyên xử:

1. Ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự chỉ yêu cầu giải quyết di sản thừa kế là quyền sử dụng 2751 m2 đất tại thửa 188, 196, 187, 195, 189, 198, 10 tờ bản đồ số 18 xã K và thửa 438, 542 tờ bản đố số 07 xứ Đồng Đa, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

2. Ghi nhận sự tự nguyện của ông C, bà X không yêu cầu giải quyết về cây gia đình trồng trên đất.

3. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ P gồm 10 người là cụ Q3, bà K1, bà L, bà C1, bà H, bà K2, ông C, ông Th3, bà L1, bà Ch; hàng thừa kế thứ nhất của cụ Q3 gồm 09 người là bà K1, bà L, bà C1, bà H, bà K2, ông C, chị Tr (hưởng thừa kế vị của ông Th3), bà L1, bà Ch.

4. Xác định di sản thừa kế của cụ P, cụ Q3 để lại là 2751 m2 đất.

5. Ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự để lại 208 m2 đất làm lối đi chung, rãnh thoát nước tứ cận như hình EFYRSOTUAPQ sơ đồ 1.

6. Xác định di sản thừa kế của cụ P, cụ Q3 sau khi trừ đi phần đất để làm lối đi chung và rãnh thoát nước là 2543 m2 đất (trong đó gồm có 2051,6 m2 đất ở; 22,4 m2 đất vườn; 286 m2 đất nông nghiệp; 183 m2 đất ao) tại các thửa 188, 196, 187, 195, 189, 198, 10 tờ bản đồ số 18 xã K và thửa 438, 542 tờ bản đố số 7 xứ Đồng Đa, xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương trị giá là 1.061.740.000 đồng 7. Xác định mỗi một kỷ phần thừa kế được hưởng là 117.971.000 đồng.

Ghi nhận sự tự nguyện của chị Tr giao kỷ phần của chị Tr cho bà L sử dụng.

Ghi nhận sự tự nguyện của bà L, ông C nhập kỷ phần thừa kế được hưởng vào khối tài sản chung của gia đình.

8. Chia bằng hiện vật:

Chia cho bà L được hưởng 286 m2 đất nông nghiệp tại thửa 438, 542 xứ Đồng Đa, xã K có tứ cận như hình ABCD và hình AGKDFE sơ đồ 3, 4 có trị giá là 21.450.000 đồng; 183 m2 đất ao tại thửa 196 xã K có tứ cận như hình CDEQ sơ đồ 1 có trị giá 12.810.000 đồng và 172 m2 đất ở kỷ phần của ông Th3 do chị Tr để lại tại thửa 198 xã K có tứ cận như hình RYZI sơ đồ 1 trị giá là 86.000.000 đồng, tổng trị giá bà L được hưởng là 34.260.000 đồng + 86.000.000 đồng = 120.260.000 đồng.

Chia cho ông C được hưởng 473 m2 đất ( trong đó có 450,6 m2 đất ở, 22,4 m2 đất vườn) tại thửa 195 xã K, huyện Thanh Hà có tứ cận như hình IJKNSR sơ đồ 1 trị giá 226.980.000 đồng. Ông C phải có trách nhiệm trích trả kỷ phần vượt quá cho bà L 83.711.000 đồng, cho bà H 9.471.000 đồng, cho bà Ch 15.827.000 đồng.

Chia bà K1 được hưởng 273 m2 đất ở tại thửa 10 tờ bản đồ số 18 xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình ABCD sơ đồ 2 có trị giá là 136.500.000 đồng. Bà K1 có trách nhiệm trích trả kỷ phần vượt quá cho bà Ch 18.529.000 đồng.

Chia cho bà C1 được hưởng 252 m2 đất ở tại thửa 187, tờ bản đồ số 18 xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình CBVX sơ đồ1 có trị giá 126.000.000 đồng. Bà C1 có trách nhiệm trích trả kỷ phần vượt quá cho bà L 8.029.000 đồng.

Chia cho bà H được hưởng 217 m2 đất ở tại thửa 189, tờ bản đồ số 18 xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình NN’S’S sơ đồ 1 có trị giá 108.500.000 đồng, 01 nhà mái ngói 18,3 m2 kèm hệ thống điện trị giá 32.773.000 đồng, 01 bể nước cạnh nhà tắm cũ trị giá 2.502.000 đồng, 01 nhà tắm cũ cạnh bể nước cũ trị giá 2.973.000 đồng, 01 chuồng chăn nuôi diện tích 33,2 m2 trị giá 25.972.000 đồng của gia đình ông C. Bà H phải có trách nhiệm thanh toán trả cho ông C, bà X giá trị công trình xây dựng trên đất là 64.220.000 đồng.

Chia cho bà Ch được hưởng 164 m2 đất ở tại thửa 189, tờ bản đồ số 18 xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như như hình N’MOS’ sơ đồ 1 có trị giá 82.000.000 đồng, 01 chuồng chăn nuôi diện tích 12,4 m2 trị giá 8.353.000 đồng, 01 nhà vệ sinh cũ 4.198.000 đồng, 01 hầm bioga trị giá 5.500.000 đồng của gia đình ông C. Bà Ch phải có trách nhiệm thanh toán trả cho ông C, bà X giá trị công trình xây dựng trên đất là 18.051.000 đồng.

Chia bà K2 được hưởng 275 m2 đất ở có tứ cận như hình FGHZY trong sơ đồ 1 trị giá là 137.500.000 đồng. Bà K2 có trách nhiệm trích trả phần vượt quá kỷ phần được hưởng cho bà L 19.529.000 đồng.

Chia bà L1 được hưởng 248 m2 đất ở tại thửa 188 tờ bản đồ số 18 tại xã K, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình AVXQP trong sơ đồ 1 trị giá là 124.000.000 đồng. Bà L1 có trách nhiệm trích trả phần vượt quá kỷ phần được hưởng cho bà L 4.413.000 đồng, cho bà Ch 1.615.000 đồng.

Các đương sự tự mở lối đi và có trách nhiệm đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ quy định của Pháp luật trong quá trình sử dụng bất động sản được chia.

Trường hợp đường ranh giới đi vào tài sản hoặc cây cối trên đất của ai thì người đó có trách nhiệm chặt bỏ hoặc tháo dỡ.

(Việc phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật có sơ đồ kèm theo)

Đối với tài sản riêng của của gia đình nào thì gia đình đó tiếp tục quản lý, sử dụng, không đặt ra giải quyết.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án khoản tiền trên mà người phải thi hành án chậm thi hành thì phải trả lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành được xác định theo khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

9. Về án phí và chi phí thẩm định, định giá tài sản:

Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho Bà K1, bà L, Bà H, bà K2, bà C1. Ông C, bà L1, bà Ch mỗi người phải nộp 5.898.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Chi phí thẩm định, định giá tài sản không đặt ra giải quyết.

10. Quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn được quyền kháng cáo bản án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 của Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hánh án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1215
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 11/2019/DS-ST ngày 04/10/2019 về chia di sản thừa kế theo pháp luật

Số hiệu:11/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thanh Hà - Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về