Bản án 11/2018/DS-PT ngày 04/05/2018 về tranh chấp đòi lại di sản thừa kế do người khác chiếm giữ

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 11/2018/DS-PT NGÀY 04/05/2018 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI DI SẢN THỪA KẾ DO NGƯỜI KHÁC CHIẾM GIỮ

Ngày 04 tháng 5 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý 45/2017/TLPT-DS ngày 29 tháng 12 năm 2017 về tranh chấp đòi lại di sản thừa kế do người khác chiếm giữ.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2017/DS-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng có kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 692/2018/QĐ-PT ngày 30 tháng 3 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 859/2018/QĐ-PT ngày 26/4 2018, giữa các đương sự:

- Đồng nguyên đơn:

+ Bà Lương Thị Nh; cư trú tại: Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; có mặt.

+ Bà Lương Thị L; cư trú tại: Thôn Đ, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng;  vắng mặt.

- Bị đơn: Chị Nguyễn Thị P; cư trú tại: Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Anh Lương Văn B; cư trú tại: Số nhà 157 đường T, khu phố 4, phường P, thành phố B, tỉnh B; có mặt.

+ Anh Lương Anh Tr;

+ Chị Lê Thị Bích T;

+ Anh Lương Anh T; đều cư trú tại: Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; Anh Tr, Chị T có mặt, Anh T vắng mặt 

- Người kháng cáo: Chị Nguyễn Thị P - bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 23/02/2017 và các bản tự khai trong quá trình giải quyết vụ án của Bà Lương Thị Nh và Bà Lương Thị L thì:

Bà Như và Bà L là các con của cụ Lương Văn M và cụ Hoàng Thị C. Cụ Lương Văn M chết năm 1978, cụ Hoàng Thị C chết năm 1988. Khi cụ M, cụ C chết có để lại khối di sản là 01 nhà gỗ 04 gian tường đất mái lợp rạ; 01 nhà ngang 02 gian, tường đất, mái lợp rạ, 01 bể nước 04m³ xây tường 10 mái cuốn, nhà bếp, chuồng lợn, nhà vệ sinh trên diện tích đất thổ cư 681m² tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng.

Khi còn sống, cụ M và cụ C ở cùng với vợ chồng em trai các bà là ông Lương Văn Ngành và bà Phạm Thị Sợi. Năm 1962, ông Ngành chết, bà Sợi đi lấy chồng, để lại con trai là Anh Lương Văn B cho cụ M, cụ C nuôi.

Sau khi cụ M chết, Anh B tiếp tục ở với cụ C. Năm 1984, Anh B lấy Chị P (nhưng hai bên không đăng ký kết hôn), vợ chồng Anh B cùng ở với cụ C. Vợ chồng Anh B sinh được hai con trai là Lương Anh Tr và Lương Anh T.

Năm 1986, Anh B đi làm kinh tế mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì cụ C về ở với Bà Lương Thị Nh; đến năm 1988, cụ C chết (không để lại di chúc). Sau khi cụ C chết, Chị P cùng hai con ở lại tiếp tục quản lý, sử dụng đất và tài sản trên thửa đất của cụ M cụ C để lại, năm 2000 Chị P tự ý phá bỏ nhà của cụ M cụ C để lại và xây dựng nhà mới sử dụng đến nay.

Năm 2006, Chị Nguyễn Thị P tự ý làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ngày 13/12/2006 Chị P được Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số AH 210731) cho Chị P đứng tên là chủ sử dụng đối với diện tích đất của cụ M cụ C để lại là 681m² đất của thửa đất số 453, tờ bản đồ số 3 tại thôn P2, xã Đ, huyện K. Khi Chị P làm thủ tục và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên, Chị P không cho các bà biết.

Năm 2014, gia đình các bà tìm được hài cốt của em trai của các bà là liệt sỹ Lương Văn Mống, khi đưa về làm lễ truy điệu và thờ cúng tại nhà đất của cụ M cụ C thì Chị P và các con đã ngăn cản. Do có sự can thiệp của Ủy ban nhân dân xã và Ban chính sách xã Đại Đồng, mẹ con Chị P mới cho dựng bàn thờ làm lễ truy điệu ông Mộng tại góc vườn. Khi làm lễ truy điệu xong, các bà phải mang di ảnh, bằng Tổ quốc ghi công của ông Mống cùng bàn thờ tổ tiên của gia đình các bà sang nhà anh Lương Văn Bắc là cháu họ để thờ nhờ cho đến nay; vì vậy, các bà đã làm đơn lên Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Chị Nguyễn Thị P. Ngày 16/10/2015, Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy đã ra Quyết định số 2711/QĐ-UB về việc thu hồi đất, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Chị P.

Diện tích đất của cụ M cụ C để lại, Chị P và các con đã đổi một phần diện tích đất cho bà Phạm Thị Chậm để mở rộng ngõ đi, các bà không thắc mắc gì. Diện tích đất sau khi đổi cho bà Chậm, hiện trạng đất mà hiện nay mẹ con Chị P đang sử dụng, các bà thống nhất để cho Chị P và các con của Chị P sử dụng 250m²; diện tích còn lại, các bà yêu cầu mẹ con Chị P trả lại cho hàng thừa kế thứ nhất của cụ M cụ C và giao cho Anh Lương Văn B quản lý, sử dụng để làm nhà thờ.

Theo Chị Nguyễn Thị P Anh Lương Anh Tr, Chị Lê Thị Bích T và Anh Lương Anh T thì:

Thửa đất số 453 thuộc tờ bản đồ số 03 diện tích 681m² tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng có nguồn gốc là của cụ Lương Văn M và cụ Hoàng Thị C. Năm 1984, Chị P kết hôn với Anh Lương Văn B là con của ông Lương Văn Ngành, cháu của cụ M cụ C; sau khi cưới, vợ chồng Chị P cùng các con ở cùng với các cụ C. Năm 1986, Anh B bỏ nhà vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để chung sống với người phụ nữ khác, để mặc Chị P và các con ở lại chăm sóc, nuôi dưỡng cụ C. Sau khi cụ C chết, Chị P và các con tiếp tục quản lý, sử dụng và nộp thuế sử dụng đất đối với diện tích đất của cụ M cụ C để lại. Vài năm trở lại đây, Anh Lương Văn B mới trở về địa phương nhưng Anh B cũng không ở cùng với Chị P và các con.

Năm 2006, Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy đã thẩm tra, xác định về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Chị P đối với diện tích đất mà chị đang quản lý, sử dụng. Để ngõ đi thuận tiện, Chị P và các con đã đổi một phần diện tích đất cho bà Phạm Thị Chậm; diện tích đất hiện tại, Chị P cùng các con đã xây dựng nhà cửa kiên cố, sử dụng từ nhiều năm nay. Bà Lương Thị Nh và Bà Lương Thị L khởi kiện đòi lại mảnh đất nói trên để làm nhà thờ thì Chị P, Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T và Chị Lê Thị Bích T và các cháu sẽ không có chỗ để ở. Chị P và các con cùng thống nhất chỉ dành một phần diện tích đất 100m² trong mảnh đất nói trên cùng lối đi vào ở vị trí giáp với thửa đất của nhà bà Chậm có chiều rộng 1,2m để làm nơi thờ cúng tổ tiên, không đồng ý với yêu cầu của bà Như và Bà L.

Theo Anh Lương Văn B thì:

Cụ Lương Văn M và cụ Hoàng Thị C sinh được 05 người con là bà Lương Thị Thư, Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L, ông Lương Văn Ngành và ông Lương Văn Mống. Năm 1978, cụ M chết, cụ C chết năm 1988, ông Lương Văn Ngành chết năm 1962, bà Lương Thị Thư chết năm 2008, ông Lương Văn Mống là liệt sĩ chết năm 1968 khi chưa có vợ con.

Khi còn sống, cụ M cụ C tạo dựng được khối tài sản như bà Như, Bà L đã trình bày. Anh là con của ông Lương Văn Ngành và bà Phạm Thị Sợi (bố mẹ anh chỉ có một mình anh). Khi còn bé, anh ở cùng với cụ M cụ C; năm 1984, anh lấy Chị Nguyễn Thị P, vợ chồng anh ở cùng với cụ C tại mảnh đất nêu trên của cụ M cụ C; vợ chồng anh sinh được 02 người con là Anh Lương Anh Tr và Anh Lương Anh T; do cuộc sống kinh tế có khó khăn, anh phải vào miền Nam làm ăn sinh sống; khi anh đi, vợ con anh vẫn ở cùng cụ C và sử dụng nhà đất của các cụ. Sau khi cụ C chết, năm 2013 Anh Lương Anh Tr kết hôn với Chị Lê Thị Bích T, vợ chồng Anh Tr Chị T vẫn ở trên mảnh đất của cụ Mống cụ C để lại.

Năm 2013, gia đình anh có tìm được hài cốt của chú ruột anh là ông Lương Văn Mống, khi đưa hài cốt của ông Mống về để làm lễ truy điệu thì Chị P cùng các con không cho vào nhà để làm lễ truy điệu nên cả dòng họ rất bức xúc, vì thế các Bà Lương Thị Nh và Bà Lương Thị L là người thừa kế của cụ M, cụ C đã khởi kiện yêu cầu Chị Nguyễn Thị P cùng các con phải trả lại một phần diện tích đất của cụ M cụ C để gia đình làm nhà thờ, một phần còn lại để cho mẹ con Chị P sử dụng, anh đồng ý.

Các con của bà Thư là anh Phạm Hùng Thiện, chị Phạm Thị Thẹn, anh Phạm Thế Luật,chị Phạm Thị Hẹn, chị Phạm Thị Nức, anh Phạm Thi Lễ và chị Phạm Thị Lòng đã có đơn từ chối nhận di sản và tặng lại cho anh để làm nhà thờ; anh xin nhận phần di sản được thừa kế theo pháp luật của những người nêu trên (có đơn trình bày riêng ngày 23/8/2017 đã nộp cho Tòa án) và có trách nhiệm xây dựng nhà thờ. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo chị Phạm Thị Lòng, chị Phạm Thị Nức, chị Phạm Thị Thẹn, anh Phạm Thế Luật, chị Phạm Thị Hẹn, chị Phạm Thi Lễ và anh Phạm Hùng Thiện (là các con của bà Lương Thị Thư; bà Thư đã chết) thì:

Các anh chị đều đã có đơn từ chối nhận thừa kế theo pháp luật và thống nhất để lại phần di sản mà họ được hưởng cho Anh Lương Văn B sử dụng để làm nhà thờ.

Theo kết luận định giá tài sản của Uỷ ban nhân dân huyện K ngày 15/8/2017 Thửa đất số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng có diện tích là 705m²; giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường tại thời điểm định giá là 900.000 đồng/m². Trị giá quyền sử dụng đất là: 634.500.000 đồng (705m²x900.000 đồng/m²= 634.500.000 đồng).Tổng giá trị tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc trên đất là 322.628.000 đồng. Tổng cộng giá trị quyền sử dụng đất và vật kiến trúc trên đất là 957.128.000 đồng.

Với nội dung nêu trên, bản án dân sự sơ thẩm số 02/2017/DS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng đã:Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, Điều 35, Điều 36 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ vào Điều 579; Điều 649; điểm a khoản 1 Điều 650; Điều 620; Điều652 của Bộ luật Dân sựCăn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Xử:

1. Buộc Chị Nguyễn Thị P, Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T, Chị Lê Thị Bích T phải trả cho bà Nguyễn Thị Như, bà Nguyễn Thị Làn và Anh Lương Văn B quyền sử dụng 369m² đất (đã bao gồm 24m² chênh lệch) của thửa số 453, tờ bản đồ số 3 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng (có kích thước cụ thể kèm theo); tạm giao cho Anh Lương Văn B quản lý, sử dụng diện tích đất nêu trên.

2. Tạm giao cho Chị Nguyễn Thị P, Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T và Chị Lê Thị Bích T sử dụng 336m² đất của thửa số 453, tờ bản đồ số 3, Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng (có kích thước cụ thể kèm theo).

3. Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L và Anh Lương Văn B, mỗi người phải trả cho Anh Lương Anh Tr 5.192.000 (năm triệu một trăm chín mươi hai nghìn) đồng.

Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L và Anh Lương Văn B, mỗi người phải trả cho Chị Nguyễn Thị P 207.000 đồng (hai trăm linh bẩy nghìn) đồng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí, lãi suất chậm thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 18 tháng 10 tháng năm 2017, Chị Nguyễn Thị P kháng cáo: Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L.

Tại phiên tòa hôm nay, Chị Nguyễn Thị P, Anh Lương Anh Tr và Chị LêThị Bích T  cùng thống nhất trình bày:

Ngày 18 tháng 10 tháng năm 2017, Chị P đã kháng cáo, nay Chị P  vẫn giữnguyên nội dung kháng cáo của mình vì:

Sau khi Chị P kết hôn với Anh Lương Văn B là cháu nội của cụ M cụ C, Chị P đã về ở cùng với cụ C, kể từ khi Anh B bỏ vào miền Nam, Chị P phải ở lại nuôi dưỡng, chăm sóc cụ C. Từ khi cụ C chết đến nay, đã gần 40 năm nay, Chị P cùng Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T và Chị Lê Thị Bích T đã trực tiếp quản lý, sử dụng và nộp thuế đối với thửa đất số 453, tờ bản đồ số 03 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng. Năm 2006, Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Chị P đối với thửa đất trên.

Hiện tại, thửa đất đó Chị P cùng các con đã mở mang thêm, xây dựng nhà cửa kiên cố để ở và trồng cây trên đất; cuộc sống của gia đình vẫn đang còn rất khó khăn, chủ yếu trông cậy vào vườn rau làm kế sinh nhai. Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L khởi kiện yêu cầu mẹ con chị phải trả lại diện tích đất nêu trên; chị và các con của chị cùng thống nhất sẽ dành 100m² để xây nhà thờ và một phần đất có vị trí giáp với thửa đất của nhà bà Chậm có lối đi với chiều rộng 1,2m; chị và các con không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Như, Bà L và quyết định của bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Từ khi thụ lý vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đến nay, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cũng như Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về việc chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát, thời hạn chuẩn bị xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử, khai mạc phiên tòa, xét hỏi … tại phiên tòa, các đương sự và người đại diện của các đương sự thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa và sự điều khiển của Hội đồng xét xử tại phiên tòa.

Ngày 18/10/2017, Chị Nguyễn Thị P đã kháng cáo, tại phiên tòa hôm nay, Chị P vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, kháng cáo của Chị P trong hạn luật định, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Đối với kháng cáo của Chị Nguyễn Thị P thấy:

Cả nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều xác nhận: 681m² đất (đo thực tế là 705m²) của thửa số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng có nguồn gốc là của cụ Lương Văn M và cụ Hoàng Thị C. Cụ M và cụ C có 05 người con chung là bà Lương Thị Thư (sinh năm 1929, chết năm 2008); Bà Lương Thị Nh; ông Lương Văn Ngành (sinh năm 1935, chết năm 1962); Bà Lương Thị L, sinh năm 1939; ông Lương Văn Mống (sinh năm 1944, liệt sỹ chết năm 1968).

Ông Lương Văn Ngành và vợ là bà Phạm Thị Sợi ở cùng cụ M, cụ C, sử dụng diện tích nhà đất đó. Đến năm 1962, ông Ngành chết, bà Sợi đi lấy chồng, để lại con trai là Anh Lương Văn B cho bố mẹ các bà nuôi. Sau khi cụ M chết, Chị P kết hôn cùng với ông Lương Văn Bằng thì vợ chồng Chị P ở cùng với cụ C; khi Anh B bỏ vào miền Nam cũng như sau khi cụ C chết, mẹ con Chị P tiếp tục quản lý, sử dụng nhà đất của cụ M cụ C.

Không có tài liệu nào chứng minh cụ M cụ C đã chuyển nhượng, tặng cho hay di chúc cho Chị P được hưởng khối di sản đó. Tuy nhiều năm qua, Chị P là người quản lý, sử dụng và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với thửa đất do cụ M cụ C để lại; nhưng đó không phải là căn cứ để xác định quyền sử dụng 681 m² đất (đo thực tế là 705 m²) của thửa đất số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng là của Chị P.

Cụ Lương Văn M và cụ Hoàng Thị C chết không để lại di chúc; không có tài liệu nào chứng minh cụ M cụ C đã chuyển nhượng hay tặng cho ai quyền sử dụng diện tích đất đó. Trong quá trình quản lý, sử dụng; Chị P và các con đã đổi một phần cho bà Nguyễn Thị Chậm; hiện trạng của thửa đất có thay đổi; những người thừa kế của cụ C cụ M và bà Chậm đều không thắc mắc gì, đồng ý với thực trạng hiện tại; vì thế quyền sử dụng 681 m² đất (đo thực tế là 705 m²) của thửa đất số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng hiện nay mẹ con Chị P đang quản lý, sử dụng, là di sản của cụ M, cụ C để lại.

Hiện tại, những người thừa kế của cụ C cụ M cũng không yêu cầu chia thừa kế; Bà Lương Thị Nh và Bà Lương Thị L là những người thừa kế của cụ M, cụ C khởi kiện: Yêu cầu Chị Nguyễn Thị P cùng các con là Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T và Chị Lê Thị Bích T đang quản lý, sử dụng, phải trả một phần diện tích của thửa đất nêu trên và tạm giao cho Anh Lương Văn B sử dụng làm nhà thờ, phần còn lại để cho Chị P, Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T và Chị Lê Thị Bích T tiếp tục sử dụng. Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào thực trạng thửa đất hiện tại, quá trình quản lý sử dụng đất của mẹ con Chị P, đã chấp nhận một phần yêu cầu của các Bà Lương Thị Nh và Bà Lương Thị L: Buộc Chị P và các con của Chị P phải trả cho những người thừa kế của cụ M, cụ C quyền sử dụng 369 m² đất của thửa số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; tạm giao cho Anh Lương Văn B quản lý sử dụng diện tích đất đó. Diện tích đất còn lại của thửa số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng là 336m²; tạm giao cho Chị P và các con của Chị P tiếp tục sử dụng là có căn cứ, phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.

Chị P kháng cáo cho rằng chị là người quản lý, sử dụng, nộp thuế đối với thửa đất số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng từ nhiều năm, chị và các con có khó khăn … không đồng ý trả một phần đất cho những người thừa kế của cụ M cụ C như quyết định của bản án sơ thẩm là không có căn cứ.

Tại phiên tòa hôm nay, Chị P cũng không đưa ra được căn cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Chị P; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự, người đại diện của các đương sự và ý kiến phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

- Về tố tụng:

[1] Đây là vụ án dân sự, tranh chấp đòi lại tài sản là di sản thừa kế do người khác chiếm giữ được quy định tại Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 35 và Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Kiến Thụy.

[2] Sau khi xét xử sơ thẩm, Chị Nguyễn Thị P đã kháng cáo, kháng cáo của Chị Nguyễn Thị P trong hạn luật định nên được xem xét.

- Về nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của Chị Nguyễn Thị P thấy:

[1] Chị cũng xác nhận: Thửa đất số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng mà hiện nay chị và Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T và Chị Lê Thị Bích T đang quản lý, sử dụng có nguồn gốc là của cụ Lương Văn M và cụ Hoàng Thị C. Sau khi chị kết hôn cùng với Anh Lương Văn B (Anh B là con của ông Lương Văn Ngành, là cháu nội của cụ M cụ C) thì vợ chồng chị ở cùng với cụ C. Khi Anh B bỏ vào miền Nam cũng như sau khi cụ C chết; chị, Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T và Chị Lê Thị Bích T tiếp tục quản lý, sử dụng và nộp thuế sử dụng đất đối với diện tích đất đó.

[2] Tuy vậy, từ khi khi cụ C chết đến nay, Nhà nước không có quyết định nào thu hồi diện tích đất trên và giao cho chị; cụ M cụ C cũng như những người thừa kế của cụ M cụ C không tặng cho hay chuyển nhượng diện tích đất đó cho chị. Năm 2006, Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đó cho chị; nhưng ngày 16/10/2015, Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy đã ra Quyết định số 2711/QĐ-UB thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho chị nêu trên; vì thế không có căn cứ để xác định quyền sử dụng của thửa đất số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng là của chị.

[3] Cụ Lương Văn M và cụ Hoàng Thị C đều đã chết nên quyền sử dụng thửa đất số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng là di sản của cụ Lương Văn M và cụ Hoàng Thị C để lại; chị và các con của chị là Anh Lương Anh Tr và Anh Lương Anh T, Chị Lê Thị Bích T đang chiếm giữ, sử dụng.

[4] Cụ M và cụ C khi chết đều không để lại di chúc, những người thừa kế của cụ M, cụ C (Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L, Anh Lương Văn B, chị Phạm Thị Lòng, chị Phạm Thị Nức, chị Phạm Thị Thẹn, anh Phạm Thế Luật, chị Phạm Thị Hẹn, chị Phạm Thi Lễ và anh Phạm Hùng Thiện) không yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ M, cụ C để lại. Bà Lương Thị Nh và Lương Thị Làn là những người thừa kế của cụ M, cụ C khởi kiện: Yêu cầu chị cùng các con của chị phải trả lại một phần của thửa đất số 453 tờ bản đồ số 3 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng. Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy chị cùng các con là Anh Lương Anh Tr và Anh Lương Anh T, Chị Lê Thị Bích T có quá trình quản lý diện tích đất đó từ nhiều năm, đã cải tạo đất, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất đầy đủ và đã xây nhà trên đất, ở ổn định; nên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Bà Lương Thị Nh và Lương Thị Làn: Buộc chị và các con của chị phải trả quyền sử dụng 369m² đất của thửa đất số 453 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; diện tích đất còn lại của thửa đất nêu trên là 336 m² để cho chị và và các con của chị được sử dụng là có căn cứ, phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của mẹ con chị.

[5] Chị cho rằng mình là người trực tiếp quản lý, sử dụng thửa đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trong suốt gần 33 năm qua đối với thửa đất đó; hiện tại chị cùng các con đã mở mang thêm, xây dựng nhà cửa kiên cố, trồng trọt tăng gia sản xuất ... để không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm mà chỉ đồng ý dành 100m² cùng với một phần đất dành cho lối vào rộng 1,2m ở vị trí giáp với thửa đất của nhà bà Chậm để những người thừa kế của cụ M cụ C sử dụng là không có căn cứ.

[6] Tại phiên tòa hôm nay, chị cũng không đưa ra được tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của chị, cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên không xét.

[8] Về án phí: Chị Nguyễn Thị P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 26, Điều 35, Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 và khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ vào Điều 579, Điều 620, Điều 649, điểm a khoản 1 Điều 650 và Điều 652 của Bộ luật Dân sự; Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 và khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án,

Xử:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Chị Nguyễn Thị P, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Bà Lương Thị Nh và Bà Lương Thị L

1. Buộc Chị Nguyễn Thị P, Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T và ChịLê Thị  Bích T phải trả cho bà Nguyễn Thị Như, bà Nguyễn Thị Làn và ông Lương Văn Bằng quyền sử dụng là 369m² đất (đã bao gồm 24m² đất chênh lệch) của thửa đất số 453, tờ bản đồ số 3 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng. Kích thước cụ thể:- Phía Bắc giáp gia đình nhà bà Nguyễn Thị Phiện có độ dài được xác định kéo thẳng từ mốc số 20 đến mốc số 8 trong trích đo mặt bằng sử dụng đất được đính kèm theo bản án (mốc số 20 được xác định là tường giáp ranh giữa nhà ông Lưu Văn Hùng và nhà ông Lưu Văn Đua, mốc số 8 được xác định từ mốc số 9 (tường bao nhà bà Phạm Thị Chậm) kéo dài 3,05m là mặt ngõ xóm.

- Phía Đông dài: (15,63m + 11,81m + 3,05m) giáp đường xóm và giáp đất nhà bà Phạm Thị Chậm cùng con trai là anh Trần Trọng Khôi.

- Phía Nam dài: (2,54m + 5,57m + 6,28m + 5,57m) giáp đất nhà ông PhạmVăn Muôn, ông Nguyễn Văn Nuôi, ông Nguyễn Văn Đệ và ông Nguyễn Văn Đại.

- Phía Tây dài: (4,33m + 2,34m + 7,21m + 1,2m) giáp đất nhà ông Lưu Văn Hùng.

- Diện tích đất 369m² được tính theo số mốc giới tại tờ trích đo mặt bằng sử dụng đất đính kèm bản án (các mốc số 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20 và từ mốc 20 kéo thẳng tới mốc 8).

Tạm giao quyền sử dụng 369m² đất nêu trên cho Anh Lương Văn B quản lý, sử dụng.

2. Tạm giao cho Chị Nguyễn Thị P, Anh Lương Anh Tr, Anh Lương Anh T và Chị Lê Thị Bích T quyền sử dụng đất và tài sản trên diện tích 336m² đất của thửa đất số 453, tờ bản đồ số 3 tại Thôn P2, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng. Kích thước cụ thể:

- Phía Bắc dài: (5,41m + 3,45m + 3,37m + 2,42m + 3,74m + 11,42m + 9,51m) giáp đất nhà ông Nguyễn Văn Thành và ông Phạm Văn Lạc.

- Phía Đông dài: 8,05m mặt đường ngõ xóm.

- Phía Nam có độ dài được xác định kéo thẳng từ mốc số 20 đến mốc số 8 trong trích đo mặt bằng sử dụng đất được đính kèm theo bản án (mốc số 20 được xác định là tường giáp ranh giữa nhà ông Lưu Văn Hùng và nhà ông Lưu Văn Đua, mốc số 8 được xác định từ mốc số 9 (tường bao nhà bà Phạm Thị Chậm) kéo dài 3,05m là mặt ngõ xóm, giáp với đất của các đồng thừa kế là Bà Lương Thị L, Lương Thị Như và Anh Lương Văn B.

- Phía Tây dài: 8,2m giáp đất nhà ông Lưu Văn Đua.

- Diện tích đất 336m² được tính theo số mốc giới tại tờ trích đo mặt bằng sử dụng đất đính kèm bản án (các mốc số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 6A, 7, 8, 20).

3. Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L và Anh Lương Văn B mỗi người phải trả cho Anh Lương Anh Tr 5.192.000 (năm triệu, một trăm chín mươi hai nghìn) đồng.

Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L và Anh Lương Văn B mỗi người phải trả cho Chị Nguyễn Thị P 207.000 đồng (hai trăm linh bẩy nghìn) đồng.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày Anh Lương Anh Tr, Chị Nguyễn Thị P có đơn yêu cầu thi hành án, số tiền mà Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L và Anh Lương Văn B chưa thi hành thì hàng tháng Bà Lương Thị Nh, Bà Lương Thị L và Anh Lương Văn B còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải trả theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

4. Về án phí:

- Bà Lương Thị L và Lương Thị Như không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

- Chị Nguyễn Thị P phải chịu 16.605.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm. Chị Nguyễn Thị P đã nộp 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2014/0006133 ngày 19 tháng 10 năm 2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng. Chị Nguyễn Thị P còn phải nộp tiếp 16.605.000 đồng án phí dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

5. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

527
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 11/2018/DS-PT ngày 04/05/2018 về tranh chấp đòi lại di sản thừa kế do người khác chiếm giữ

Số hiệu:11/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về