Bản án 111/2021/DS-PT ngày 04/06/2021 về tranh chấp bồi thường thiệt hại sức khỏe

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 111/2021/DS-PT NGÀY 04/06/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI SỨC KHỎE 

Trong các ngày 13 tháng 5 và ngày 04 tháng 6 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 274/2020/TLPT- DS ngày 12 tháng 10 năm 2020 về việc: “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về sức khỏe”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2020/DS-ST ngày 24/08/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 256/2020/QĐPT-DS ngày 28 tháng 10 năm 2020 (Thông báo mở lại phiên tòa số: 58/TB-TDS ngày 26- 3-2021) giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Út N1, sinh năm: 1989.

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thu H2, sinh năm 1969 (Giấy ủy quyền ngày 19/02/2020) (có mặt).

Cùng cư trú tại: Số 333, ấp VT, xã VQ, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

- Bị đơn: Tổng Công ty Điện lực Miền Nam.

Địa chỉ: Số 72, đường H, phường BN, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Phước Đức, Chức vụ: Tổng Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Phan Hoàng P, Chức vụ: Trưởng phòng KTTTPC – Công ty Điện lực Cà Mau (Theo Giấy ủy quyền số 1376/UQ- EVNSPC ngày 21 tháng 02 năm 2020). (Có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Thành S – Luật sư của Công ty luật TNHH Luật Sống, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau (có mặt).

Địa chỉ: Số 122-124 đường L, xã L, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (Viettel).

Địa chỉ: Số 1, đường D, Quận N, Thành phố Hà Nội.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Chí T, Chức vụ: Trưởng Phòng Kỹ thuật Hạ tầng, Viettel Cà Mau (theo giấy ủy quyền số 547/GUQ-CNVTGĐ-PC ngày 18 tháng 02 năm 2020), (có mặt).

2. Ông Lê Công V, sinh năm 1972 (có mặt). Địa chỉ: Ấp T, xã H, huyện T, tỉnh C ..

3. Ông Lê Văn H1, sinh năm 1954 (vắng mặt).

Địa chỉ: ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

- Người kháng cáo: Ông Nguyễn Út N1, là nguyên đơn; Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn ông Nguyễn Út N1 trình bày:

Vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 03/10/2015 ông Út N1 đi làm thuê cho xà lan mang biển số CM 21509 do ông Lê Văn H1 làm chủ và do thuyền trưởng là ông Lê Công V trực tiếp lái, khi xà lan đang lưu thông trên đoạn sông thuộc ấp Xẻo Ngay, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nhiệm vụ của ông Út N1 được phân công là quan sát đường dây điện mắc ngang sông, do ông Út N1 không sử dụng đèn để quan sát nên khi đến trụ điện vượt sông số 33 và 34 thuộc tuyến trung thế 01 pha 474.3A.3-7 thì vướng vào dây điện thấp hơn ca bin, ông Út N1 dùng tay phải cầm đoạn cây đước để đở dây điện thì trượt dây điện trạm vào người và bị điện giật ngất xỉu. Sau đó, ông Út N1 được chuyển đi bệnh viện Năm Căn và bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Hiện tại ông Út N1 bị cắt mất 01 cánh tay phải và hai chân. Tại kết luận giám định pháp Y số 98/TgT ngày 23 tháng 03 năm 2016, kết luận xếp tỷ lệ thương tật của ông Út N1 là 95%. Nay ông Út N1 yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Miền Nam bồi thường các chi phí gồm:

- Chi phí nằm viện và tái khám điều trị là 130.965.000 đồng.

- Chi phí lắp chân, tay giả là 4.940.000.000 đồng.

- Bồi thường tiền mất thu nhập đến khi ông Út N1 60 tuổi = 34 năm x 6.300.000 đồng/tháng là 2.570.400.000 đồng.

- Bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật.

- Chi phí thuê người chăm sóc trong thời gian là 34 năm x 6.000.000 đồng/tháng = 2.448.000.000 đồng.

Tổng cộng các khoản chi phí là 10.089.365.000 đồng và tiền tổn thất về tinh thần theo quy định pháp luật (chưa cộng vào).

* Ông Phan Hoàng P người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Sự việc xảy ra là ngoài ý muốn, ông Út N1 là người được giao nhiệm vụ quan sát đường dây điện để cho xà lan đi qua nhưng khi đi đến đường dây điện thì ông Út N1 dùng tay đỡ, nên sự việc xảy ra không phải lỗi của Tổng Công ty điện lực nên không đồng ý bồi thường, mà chỉ đồng ý hỗ trợ cho ông Út N1 30.000.000 đồng chi phí.

Tại văn bản số: 121/PNH-TH ngày 04 tháng 4 năm 2017 ông P xác định: Tai nạn và lỗi là do ông Út N1 phát hiện đường dây điện mắc ngang sông, có khả năng vướng vào xà lan, nhưng ông Út N1 dùng cây đước đỡ để xà lan đi qua làm cho dây tải điện phóng điện, hậu quả làm cho ông Út N1 cụt 02 chân và 01 tay phải. Căn cứ vào biên bản hiện trường thì trên cột điện mắc ngang qua sông có 03 sợi dây điện, sợi dây thấp nhất có chiều cao từ mặt nước lên là 6,7m là dây điện Viettel, sợi dây thứ hai là dây nguội không có võ bọc (không có điện áp) của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam có độ cao là 7,7m; sợi dây cao nhất là sợi dây điện trần có chiều cao là 9m so với mặt nước, đây là dây đã phóng điện gây tai nạn cho ông Út N1. Đối với xà lan chỉ có chiều cao là 5m thấp hơn so với dây phóng điện là 4m, nếu ông Út N1 không đứng trên ca bin dùng cây đỡ thì không bị phóng điện và không có tai nạn xảy ra. Do ông Út N1 chủ quan nên dùng cây đước tác động đến hành lan an toàn của hệ thống điện cao áp gây ra hiện tượng phóng điện. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn cho ông Út N1. Vì vậy, tai nạn xảy ra không phải do lỗi của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam.

Việc ông Út N1 có hành vi dùng cây đước đỡ đường dây điện là làm theo sự phân công của thuyền trưởng là ông Lê Công V, chủ phương tiện là ông Lê Văn H1. Do đó, ông V và ông H1 phải có phần trách nhiệm lỗi trong việc để xảy ra tai nạn cho ông Út N1.

Do lỗi không phải của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam gây ra, nên Tổng Công ty Điện lực Miền Nam không có trách nhiệm bồi thường cho ông Út N1 số tiền như ông Út N1 yêu cầu các khoản đến thời điểm xét xử lại là 10.089.365.000 đồng và tiền tổn thất về tinh thần theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, do thiệt hại thực tế mà ông Út N1 phải gánh chịu là lớn, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam chấp nhận hỗ trợ một phần yêu cầu của ông Út N1 gồm: Chi phí điều trị, chăm sóc, thăm khám tại bệnh viện là 130.965.000 đồng; chi phí lắp chân và tay giả là 110.000.000 đồng theo yêu cầu ban đầu; thu nhập bị mất trong thời gian điều trị 18.000.000 đồng, tổng số tiền bồi thường cho ông Út N1 là 258.965.000 đồng, số tiền này do ba bên liên quan là ông V, ông H1 và Tổng công ty Điện lực Miền Nam liên đới hỗ trợ bồi thường.

Như vậy, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam chỉ hỗ trợ là 86.321.667 đồng theo Quyết định của Bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đây đã tuyên. Tổng Công ty Điện lực Miền Nam không chấp nhận các yêu cầu còn lại mà ông Út N1 đặt ra.

* Tập đoàn viễn thông Quân đội trình bày:

Cáp quang của Viettel kéo trên cột điện lực là được sự thống nhất của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, đường dây kéo trên cột điện lực cũng được kiểm tra thường xuyên, một tháng 02 lần vẫn đảm bảo an toàn. Khi sự việc xảy ra thì Viettell có đến kiểm tra, độ cao vẫn an toàn và đường dây điện này không phóng điện gây tai nạn cho ông Út N1. Do không có lỗi nên Tập đoàn viễn thông Quân đội không chấp nhận bồi thường cho ông Út N1.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Công V trình bày:

Sau khi sự việc xảy ra thì ông V có lo chi phí điều trị cho ông Út N1 với số tiền khoảng 200.000.000 đồng (trong đó đã có số tiền 68.793.000 đồng ông đã đưa cho ông H1 chi trả chi phí điều trị cho ông Út N1). Tất cả phương tiện, giấy tờ của xà lan là ông là ông Lê Công V được cha là ông H1 đứng tên chủ phương tiện, đã giao cho anh V quản lý, sử dụng khai thác kinh doanh từ trước khi xảy ra tai nạn cho ông Út N1 đến nay.

* Lê Văn H1 trình bày:

Sự việc xảy ra điện giật ông Út N1 vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 03 tháng 10 năm 2015 làm cho ông Út N1 bị thương, tất cả phương tiện, giấy tờ của xà lan là do con ông là ông Lê Công V quản lý. Chi phí điều trị của ông Út N1, chi phí nuôi bệnh từ ngày 4-10-2015 đến ngày 19-11-2015 là 68.793.000 đồng, ông H1 đã thanh toán đủ (từ số tiền của ông V).

Quá trình giải quyết vụ án này:

Quyết định giám đốc thẩm số: 219/2019/DS-GĐT ngày 10-10-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên xử hủy 02 Bản án Dân sự phúc thẩm số:

232/2017/DS-PT ngày 28-12-2017 của TAND tỉnh Cà Mau và Bản án dân sự sơ thẩm số: 18/2017/DS-ST ngày 18-5-2017 của TAND huyện Ngọc Hiển, theo hướng xác định: Án sơ thẩm cho rằng lỗi của ông Út N1 chủ quan đứng trên cabin xà lan dùng cây đước đỡ dây điện, nên không có cơ sở buộc Tổng công ty Điện lực Miền Nam bồi thiệt hại là không phù hợp với chứng cứ có tại hồ sơ. Tòa án chưa trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn, để tìm nguyên nhân phóng điện làm điện giật đối với ông Út N1. Theo Thông báo số: 40 ngày 18-5-2016 của Công an huyện Ngọc Hiển xác nhận sự việc xảy ra ngày 03-10-2015 nhưng đến ngày 19-11- 2015 mới khám nghiệm hiện trường. Hiện trường xảy ra tai nạn, cột điện, dây điện đã được sửa chữa khắc phục lỗi, không còn như hiện trạng ban đầu, nên tính chính xác không còn đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Giách là công an viên ấp Xẻo Ngay xác định đường điện đã được sửa chữa cao hơn nhiều lần. Theo Thông báo số 40 thì Tổng Công ty điện lực Miền Nam thiếu kiểm tra, để lưới điện không đảm bảo an toàn cho người dân tham gia lưu thông trên sông, do đó cần phải bồi thường chi phí hợp lý theo quy định pháp luật, thì mới đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Út N1.

Theo nội dung án nêu trên Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2020/DS-ST ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Út N1 đối với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe.

Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông Nguyễn Út N1 với tổng số tiền là 2.270.005.333 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 01-9-2020 ông Nguyễn Út N1 kháng cáo 1 phần Bản án sơ thẩm: Đối ới số tiền nguyên đơn bị bác yêu cầu gồm:

Tiền lắp tay chân giả phải là 4.940.000.000 đồng, tiền bồi thường mất thu nhập cho người bệnh đến 60 tuổi là 6.300.000 đồng x 12 tháng x 34 năm = 2.570.400.000 đồng; người nuôi bệnh suốt đời mỗi tháng 6.000.000 đồng, 34 năm là 2.448.000.000 đồng.

Ngày 08-9-2020 Tổng Công ty điện lực Miền Nam kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu nguyên đơn căn cứ:

1. Án sơ thẩm không xem xét lỗi của ông Nguyễn Út N1 để buộc bị đơn bồi thường thiệt hại. Lỗi hoàn toàn do ông Nguyễn Út N1 chủ động dùng cây, tay đỡ dây điện theo phân công của thuyền trưởng Lê Công V.

2. Tòa sơ thẩm dựa vào lời khai người làm chứng cho rằng dây điện bị võng mắc vào phương tiện, không có chứng cứ chứng minh. Nhân chứng: Ông Bi, ông Giách dây điện có chiều cao so với mặt nước 4m đến 5m. Giả sử đây là dây thấp nhất cũng là dây của Viettel, đến dây nguội (không phóng điện), trên cùng mới là dây của điện lực, phải cao hơn 2,3m từ chiều cao dây điện lực từ 6,3m – 7,3m. Nếu chiều cao xà lan không quá 05m, thì không có sự tác động dùng cây chỏi đỡ của nguyên đơn – bị hại thì điện sẽ không phóng.

3. Hiện chưa xác định, đánh giá đường dây điện bị nghiêng ngã do sự tác động. Cũng theo lời khai của ông Bi, ông Giách thì sau khi va chạm lúc đó trụ điện bị nghiêng so với ban đầu, dây điện bị võng xuống, đứt dây neo trụ. Như vậy, sự việc xảy ra là do ông V (thuyền trưởng) và nguyên đơn đã chuẩn bị cây tác động vào công trình điện, việc tác động này là nguyên nhân chính làm nghiêng hệ thống điện dẫn đến tai nạn.

4. Việc án sơ thẩm buộc bồi thường chi phí lắp tay chân giả do phỏng đoán số tiền 625.000.000 đồng (khi chưa có giám định lắp tay chân giả), điều này không phù hợp. Việc tuyên xử bồi thường cho nguyên đơn suốt đời là không phù hợp. Việc tuyên bồi thường cho người nuôi bệnh cũng không phù hợp, vì người được chăm sóc chỉ vệ sinh cá nhân.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bà Nguyễn Thị Thu H2 đại diện cho nguyên đơn trình bày:

Do chi phí lắp tay chân giả cho ông Nguyễn Út N1 là 169.100.000 đồng, nên nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, thay đổi một phần yêu cầu kháng cáo; không yêu cầu chi phí lắp tay chân giả 4.940.000.000 đồng như trước đây, mà chỉ yêu cầu 169.100.000 đồng, những nội dung yêu cầu khởi kiện, kháng cáo khác vẫn giữ nguyên. Riêng đối với chi phí điều trị 130.965.000 đồng (trong đó bà H2 thừa nhận đã kê luôn số tiền mất thu nhập 06 tháng lương, mỗi tháng 6.000.000 đồng của người bệnh là 36.000.000 đồng; tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh 35.000.000 đồng) (Bút lục: 27-28).

Đối với số tiền nguyên đơn đã nhận của ông Lê Công V từ trước đến nay tổng số là 200.000.000 đồng (làm tròn), ngoài ra không còn nhận bất cứ khoản tiền nào của ông V và ông H1 nữa.

Đại diện cho Tổng Công ty Điện lực Miền Nam: Vẫn giữ nguyên quan điểm như đã trình bày từ trước đến nay, không chấp nhận yêu cầu nguyên đơn, chỉ chấp nhận hỗ trợ số tiền 86.321.667 đồng theo 02 Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên xử trước đây.

Luật sư bảo ệ quyền lợi ích hợp pháp cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam:

Đề nghị chấp nhận lời trình bày của bị đơn. Bản án sơ thẩm xác định chi phí lắp tay chân giả 625.000.000 đồng, khi chưa qua giám định, trong khi thực tế chưa lắp là chưa đúng. Tiền mất thu nhập tuyên xử cho người nuôi bệnh sau khi xuất viện là chưa phù hợp. Đồng thời, bồi thường tiền mất thu nhập cho người bệnh đến 60 tuổi, bồi thường một lần cũng không phù hợp, điều này vi phạm nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó. Đối với số tiền nguyên đơn kê ra 130.965.000 đồng chi phí điều trị (nhưng đã ghi luôn tiền mất thu nhập của người bệnh 36.000.000 đồng, và mất thu nhập của người nuôi bệnh 35.000.000 đồng) là chưa đúng, phải đối trừ ra.

Không có chứng cứ nào xác định đường điện của Tổng công ty Điện lực thấp đến mức tàu thuyền không thể lưu thông, và gây tai nạn cho ông Út N1 (hiện cũng không thể giám định được nguyên nhân phóng điện). Lỗi hoàn toàn do bị nguyên đơn và chủ phương tiện đã vi phạm an toàn lưới điện khi tham gia giao thông đường thủy, trong khi phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng thuyền trưởng đã chỉ đạo cho ông Út N1 dùng cây chống đỡ điện, dẫn đến gây tai nạn cho ông Út N1.

Đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel): Việc dây Viettel có thấp nhất nhưng là dây không phóng điện, vì vậy Viettel không có lỗi, nên không đồng ý bồi thường cho nguyên đơn.

Ông Lê Công V xác định: Từ khi ông Út N1 bị tai nạn đến nay, ông Lê Công V đã xuất tổng cộng 200.000.000 đồng để bồi thường cho ông Út N1 (số tiền 68.793.000 đồng trước đây khai là của ông H1 hỗ trợ cho ông Út N1, đây cũng là tiền của ông V xuất ra (vấn đề này được ông H1 thừa nhận số tiền 68.793.000 đồng là tiền của ông Lê Công V tại biên bản làm việc ngày 17-5-2021). Ông V đề nghị, nếu Tòa án buộc ông bồi thường thì cần đối trừ khoản tiền 200.000.000 đồng ông đã xuất ra (gồm: 68.000.000 đồng ông H1 giao (trong đó có 35.000.000 đồng mất thu nhập của người nuôi bệnh); 100.000.000 đồng chuyển tiền mặt; 32.000.000 đồng chuyển khoản).

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu: Về tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định. Về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ Luật Tố tụng dân sự, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện nguyên đơn, chấp nhận chi phí lắp tay chân giả 169.100.000 đồng; cần bồi thường tiền mất thu nhập người nuôi bệnh đến giai đoạn lắp xong tay chân giả. Những vấn đề khác đề nghị giữ nguyên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét kháng cáo của các bên. Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1] Về tố tụng: Tòa sơ thẩm đã thụ lý đúng thẩm quyền và giải quyết đúng quan hệ pháp luật tranh chấp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Ông Lê Văn H1 xin vắng mặt, nên vụ án vẫn được tiếp tục xét xử theo quy định chung.

[2] Về nội dung tranh chấp: Nguyên đơn là ông Nguyễn Út N1 cho rằng bị đơn đã có lỗi hoàn toàn trong việc để xảy ra tai nạn điện giật (bị thương tật 95%) đối với ông (tại trụ điện vượt sông số 33 và 34, tuyến trung thế 01 pha 474.3A.3-7 vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 03/10/2015 thuộc ấp Xẻo Ngay, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển). Đối với bị đơn cho rằng không có lỗi đối với nguyên đơn, việc nguyên đơn dùng cây chống đỡ sợi dây điện, dẫn đến bị phóng điện làm điện giật là lỗi hoàn toàn của nguyên đơn. Vào năm 2015 nguyên đơn kiện đòi bị đơn bồi thường 2.076.965.000 đồng. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 18/2017/DS-ST ngày 18-5-2017 của TAND huyện Ngọc Hiển và Bản án dân sự phúc số: 232/2017/DS- PT ngày 28-12-2017 của TAND tỉnh Cà Mau xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn: Tự nguyện bồi thường cho nguyên đơn số tiền 86.321.667 đồng (bị đơn đã thi hành án khoản tiền này xong cho nguyên đơn) (Bút lục số: 556).

[2.1] Tại Quyết định giám đốc thẩm số: 219/2019/DS-GĐT ngày 10-10-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM, tuyên xử hủy 02 Bản án nêu trên để thụ lý lại theo thủ tục chung, theo hướng đã nhận định: Cho trưng cầu giám định để tìm nguyên nhân phóng điện; từ ngày xảy ra tai nạn (ngày 03-10-2015) đến ngày 19- 11-2015 mới khám nghiệm hiện trường, thì hiện trường xảy ra tai nạn, cột điện, dây điện đã được sửa chữa khắc phục lỗi, không còn như hiện trạng ban đầu, nên tính chính xác không còn đảm bảo; Tổng công ty điện lực Miền Nam thiếu kiểm tra lưới điện, để lưới điện không đảm bảo an toàn cho người dân tham gia lưu thông trên sông, do đó cần phải bồi thường chi phí hợp lý theo quy định pháp luật, thì mới đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Út N1. Tuy nhiên, tại Công văn số: 1241/SCT-TTr ngày 28-7-2020 của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau phúc đáp Công văn số: 78/CV-TA ngày 10-7-2020 của TAND huyện Ngọc Hiển, đã từ chối giám định tìm nguyên nhân phóng điện, vì sự việc xảy ra gần 05 năm, hiện trường đã không còn nguyên vẹn như ban đầu.

[3] Đánh giá về lỗi dẫn đến thiệt hại, Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2020/DS-ST ngày 24-8-2020 của TAND huyện Ngọc Hiển xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bị đơn là chưa phù hợp. Xét thấy, trong sự việc để xảy ra tai nạn này, các bên đều có một phần lỗi, như sau:

[3.1] Về phía người quản lý, sử dụng phương tiện và ông Nguyễn Út N1:

Tại đoạn sông xảy ra tai nạn, từ xa ông Nguyễn Út N1 và thuyền trưởng ông Lê Công V đã phát hiện đường dây điện mắc ngang sông, có khả năng vướng vào xà lan, nhưng lúc này không có biện pháp điều khiển xà lan để tránh. Nhận định dùng cây chống đỡ được dây điện để xà lan qua, nên thuyền trưởng Văn đã kêu ông Út N1 dùng cây đước đỡ dây điện (dây thấp nhất là dây Viettel), hậu quả làm cho dây điện cao nhất phóng điện gây thương tật 95% (cụt 02 tay, 01 chân) cho ông Út N1. Ông Lê Công V cho rằng do khoảng 10 lần như thế trước khi qua các đoạn sông, ông V cũng kêu ông Út N1 dùng cây đỡ dây điện vẫn an toàn, nên lần này tiếp tục kêu ông Út N1 thực hiện, không may để xảy ra tai nạn. Xét ông Út N1 là người làm công ăn lương cho chủ phương tiện, ông H1 đưa xà lan cho ông V sử dụng (cha đưa tài sản cho con khai thác, không thông giao dịch qua thuê mướn), nhưng ông V đã không tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn lao động, vi phạm quy định về an toàn lưới điện, hành vi dùng cây chống đỡ đường điện là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 8 Điều 7 Luật Điện Lực. Tuy nhiên, việc làm của ông Út N1 dùng cây đỡ dây điện là do ông V phân công, chỉ đạo, ông Út N1 là người làm công không thể không làm, nên xét lỗi này là lỗi của phía chủ phương tiện, và người quản lý, sử dụng phương tiện. Từ đó, cần buộc ông V và ông H1 phải có trách nhiệm liên đới bồi thường một phần thiệt hại cho ông Út N1 là 50% là phù hợp. Xét thấy, mặc dù ông Út N1 có lỗi nghe và làm theo ông V đi chống đỡ dây điện, dẫn đến thiệt hại cho chính ông. Tuy nhiên, ông Út N1 chỉ là người làm công, chịu sự chỉ đạo, phân công trực tiếp của người quản lý phương tiện, sử dụng phương tiện, ông đã thực hiện công việc nguy hiểm như vậy hơn 10 lần (đều do sự chỉ đạo chủ người quản lý, sử dụng phương tiện), nên cần xét ông Út N1 không có lỗi trong khi dẫn đến thiệt hại cho chính ông, từ đó không nhất thiết phải bù trừ thiệt hại của ông.

[3.2] Về phía Tổng Công ty Điện lực và Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel):

Sau khi xảy ra tai nạn, hiện trường đã được khắc phục, sau khi sửa chữa xác định được: Cột điện mắc ngang qua sông có 03 sợi dây điện, sợi dây thấp nhất có chiều cao từ mặt nước lên là 6,7m là dây điện Viettel, sợi dây thứ hai là dây nguội không có võ bọc (không có điện áp) của Tổng công ty Điện lực Miền Nam có độ cao là 7,7m; sợi dây cao nhất là sợi dây điện trần có chiều cao là 9m so với mặt nước, đây là dây đã phóng điện gây tai nạn cho ông Út N1. Theo tranh luận của phía bị đơn, đối với xà lan chỉ có chiều cao là 5m thấp hơn so với dây phóng điện là 4m, nếu ông Út N1 không đứng trên ca bin dùng cây đỡ thì không bị phóng điện và không có tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, như đã nêu hiện trường đã được khắc phục thì không thể lấy số đo chiều cao nêu trên làm cơ sở. Về nguyên nhân phóng điện cũng không thể giám định được, vì tại Công văn số: 1241/SCT-TTr ngày 28-7- 2020 của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã từ chối giám định tìm nguyên nhân phóng điện, vì sự việc xảy ra gần 05 năm, hiện trường đã không còn nguyên vẹn như ban đầu. Đối với những người hiểu biết sự việc như ông Nguyễn Văn Giách, là Công an viên ấp Xẻo Ngay, ông Võ Văn Bi và những bà con xung quanh đường điện trung thế đều xác nhận: dây điện bị võng cách mặt nước khoảng 04m đến 05m, xà lan khó di chuyển khi không có chở hàng hóa, nên nổi cao hơn mặt nước, hiện trường đường điện đã được sửa chữa cao hơn khi xảy ra tai nạn… (Thông báo số: 40 ngày 18-5-2016 của Công an huyện Ngọc Hiển).

Từ đó cần kết luận, do Tổng Công ty Điện lực và Tập đoàn viễn thông Quân đội thiếu kiểm tra thường xuyên về đường điện mắc qua đoạn sông gây tai nạn, có sự việc 03 dây bị võng (dây Viettel là thấp nhất) và tạo nên chướng ngại vật, ông Út N1 vì sợ xà lan vướng dây điện này, nên đã nghe theo lời chỉ đạo của ông V, đứng lên dùng cây đỡ các đường điện, dẫn đến đường điện cao nhất phóng điện, làm ông Út N1 bị điện giật và bị thương tật vĩnh viễn 95%. Như vậy, về phía của Tổng công ty Điện lực và Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) đều có một phần lỗi trong vụ việc để xảy ra tai nạn này, nên 02 đơn vị này phải chịu bồi thường 50% (mỗi đơn vị 25%); (ông H1, ông V liên đới bồi thường 50%) cho ông Út N1 là thỏa đáng, phù hợp với các Điều 584, 585, 587, 590, 593 Bộ luật Dân sự 2015.

[3.3] Như vậy, về khoản tiền các đương sự đã bồi hoàn một phần: Ông H1, ông V giao cho ông Út N1 200.000.000 đồng; Tổng Công ty điện lực Miền Nam đã thi hành Bản án trước đây 86.321.667 đồng cần phải được đối trừ.

[4] Về bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Út N1: Ông Út N1 bị thương tật 95% vĩnh viễn được xem là mất hoàn toàn khả năng lao động, thì người thiệt hại được bồi thường thiệt hại (chi phí cho việc chăm sóc người bị thiệt hại) cho đến khi chết là phù hợp với Điều 593 Bộ luật dân sự và Mục 4, Phần III của Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Bản án sơ thẩm tuyên xử bồi thường mất thu nhập cho ông Út N1 một lần đến 60 tuổi là không phù hợp với điều luật đã viện dẫn. Theo đó, tiểu mục 1.4, mục 1 Phần II của Nghị quyết: 03/2006/NQ-HĐTP quy định: Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc khi bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên, thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

[4.1] Án sơ thẩm xác định số tiền mất thu nhập phải bồi thường sau khi ông Út N1 điều trị là chưa đúng, vì mất hoàn toàn khả năng lao động thì không thể có thu nhập, mà cần xét bồi thường chi phí cho việc chăm sóc người bị thiệt hại cho ông Nguyễn Út N1. Án sơ thẩm lấy mức 3.430.000 đồng/tháng (theo Nghị định số: 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng), đây cũng là điều kiện tối thiểu cho một người có thể sinh sống tại nơi cư trú, cho nên cần giữ mức bồi thường 3.430.000 đồng/tháng cho ông Nguyễn Út N1 đến khi ông chết là phù hợp. Đồng thời, thời hạn bắt đầu tính bồi thường cho ông Nguyễn Út N1 từ ngày ông Nguyễn Út N1 ra viện là phù hợp (nhập viện ngày 04- 10-2015 ra ngày 19-11-2015, số ngày điều trị 01 tháng 15 ngày) (Giấy ra viện: Bút lục số 122).

[4.2] Về số tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh: Lẽ ra cần tính đến ngày ra viện, nhưng án sơ thẩm tuyên xử tính đến ngày xét xử sở thẩm là không phù hợp. Đối với số tiền 130.965.000 đồng chi phí điều trị nguyên đơn kê ra (Bút lục số: 28), nguyên đơn đã tính luôn tiền mất thu nhập của người bệnh 36.000.000 đồng (với mức lương nguyên đơn tự khai là 6.000.000 đồng/tháng) và tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh 35.000.000 đồng), vậy cần phải đối trừ ra, còn lại 59.965.000 đồng là phù hợp.

[4.3] Đối với chi phí lắp đặt chân tay giả: Nguyên đơn thay đổi yêu cầu, chỉ còn 169.100.000 đồng, không còn yêu cầu chi phí lắp tay chân giả 4.940.000.000 đồng như đã khởi kiện và kháng cáo, vì thực tế nguyên đơn đã lắp tay chân giả vào ngày 11.12.2020, với chi phí 169.100.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Thu H2 đại diện cho ông Út N1 xác định trước đây bà có yêu cầu chi phí lắp tay chân giả 4.940.000.000 đồng (Bản án sơ thẩm chấp nhận 625.000.000 đồng) và bà kháng cáo, bà có xuất trình phiếu báo giá đóng dấu đã thu tiền 4.940.000.000 đồng, bà H2 cũng cam kết tại biên bản làm việc với Tòa án bà cho rằng đã xuất trả số tiền này (Bút lục số: 656, 657). Tuy nhiên, qua đối chiếu văn bản xác minh của Công ty bán hàng phản hồi, cho thấy bà H2 trình bày là không đúng sự việc, Công ty chỉ bán hàng chân tay giả cho ông Út N1 với số tiền 169.100.000 đồng (có hóa đơn kèm theo), (Bút lục số: 678, 679, 680, 681). Nhận thấy không phù hợp, bà H2 xin rút lại lời trình bày này, bà chỉ yêu cầu số tiền lắp tay chân giả là 169.100.000 đồng. Đối với chi phí phát sinh đi lắp tay chân giả như: thuê xe, ngủ nghỉ, bà H2 có đề cập. Tòa án đã có biên bản ấn định thời hạn nộp đơn yêu cầu, chứng cứ, nhưng hết hạn nguyên đơn không thực hiện, nên không có căn cứ xem xét thêm chi phí này.

[5] Như vậy, các khoản tiền bồi thường cho ông Nguyễn Út N1 gồm:

- Chi phí nằm viện và tái khám điều trị là 59.965.000 đồng (là số tiền 130.965.000 đồng chi phí điều trị nguyên đơn kê ra, trừ đi số tiền mất thu nhập của người bệnh 36.000.000 đồng, tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh 35.000.000 đồng, mà nguyên đơn đã kê chung).

- Tiền mất thu nhập của người bệnh là 9.000.000 đồng (6.000.000 đồng/tháng x 1,5 tháng).

- Tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh là 5.145.000 đồng (3.430.000 đồng x 1,5 tháng).

- Chi phí lắp chân, tay giả có hóa đơn là 169.100.000 đồng.

- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần = 50 lần mức lương cơ sở x 95% x 1.490.000 đồng = 70.775.000 đồng.

- Khoản tiền bồi thường chăm sóc cho người bị thiệt hại là từ sau ngày xuất viện đến ngày xét xử phúc thẩm là 227.980.666 đồng (66 tháng 14 ngày x 3.430.000 đồng).

Tổng số tiền ông Nguyễn Út N1 được bồi thường là 541.965.666 đồng.

[5.1] Ông Lê Văn H1, ông Lê Công V phải liên đới bồi thường 270.982.833 đồng. Đối trừ số tiền 200.000.000 đồng, ông Lê Văn H1 và ông Lê Công V còn phải cùng liên đới bồi thường thêm cho ông Nguyễn Út N1 là 70.982.833 đồng. Tổng Công ty Điện lực Miền Nam phải bồi thường cho ông Nguyễn Út N1 135.491.416 đồng, đã qua bồi thường được 86.321.667 đồng, còn phải bồi thường tiếp tục là 49.169.749 đồng. Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội (Viettel) bồi thường cho ông Nguyễn Út N1 135.491.416 đồng.

[5.2] Ngoài ra, sau ngày xét xử phúc thẩm, vào ngày mỗi đầu tháng, ông Lê Văn H1, ông Lê Công V, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) còn phải bồi thường 3.430.000 đồng cho ông Nguyễn Út N1. Trong đó ông Lê Văn H1, ông Lê Công V liên đới bồi thường 1.715.000 đồng/tháng; Tổng Công ty Điện lực Miền Nam bồi thường 857.500 đồng/tháng; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) bồi thường 857.500 đồng/tháng. Thời gian bồi thường kể từ ngày 05-6-2021 cho đến khi ông Nguyễn Út N1 chết.

[6] Từ phân tích trên, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn là Tổng Công ty Điện lực Miền Nam; sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm là phù hợp.

[7] Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Xét miễn án phí sơ thẩm cho ông Nguyễn Út N1. Ông Lê Văn H1 và Lê Công V cùng phải chịu án phí là: 3.549.141 đồng. Tổng công ty điện lực Miền Nam phải chịu 2.458.487 đồng. Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (Viettel) phải chịu 6.774.570 đồng. Là phù hợp với các Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 12, 14 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

- Về án phí phúc thẩm: Miễn toàn bộ cho ông Nguyễn Út N1. Hoàn lại cho Tổng Công ty Điện Lực Miền Nam 300.000 đồng đã dự nộp.

[8] Đến phần tuyên án, ông Lê Công V vắng mặt không rõ lý do. Việc tuyên án vắng mặt đương sự được thực hiện theo thủ tục chung.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 584, 585, 587, 590, 593, 688 Bộ luật Dân sự 2015; Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08- 7-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Út N1.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Tổng công ty Điện lực Miền Nam.

Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2020/DS-ST ngày 24-8-2020 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Út N1.

Buộc ông Lê Văn H1 và ông Lê Công V phải liên đới tiếp tục bồi thường cho ông Nguyễn Út N1 số tiền là 70.982.833 đồng (Bảy mươi triệu, chín trăm tám mươi hai nghìn, tám trăm ba mươi ba đồng).

Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam phải tiếp tục bồi thường cho ông Nguyễn Út N1 49.169.749 đồng (Bốn mươi chín triệu, một trăm sáu mươi chín nghìn, bảy trăm bốn mươi chín đồng).

Buộc Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội bồi thường cho ông Nguyễn Út N1 135.491.416 đồng (Một trăm ba mươi lăm triệu, bốn trăm chín mươi mốt nghìn, bốn trăm mười sáu đồng).

2. Buộc ông Lê Văn H1 và ông Lê Công V liên đới bồi thường 1.715.000 đồng; Tổng Công ty Điện lực Miền Nam bồi thường 857.500 đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội bồi thường 857.500 đồng cho ông Nguyễn Út N1 vào ngày đầu hàng tháng (Thời gian bồi thường: Kể từ ngày 5-6-2021 cho đến khi ông Nguyễn Út N1 chết).

Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án chậm bồi thường số tiền nói trên, thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi với mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chậm bồi thường.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện còn lại của ông Nguyễn Út N1.

4. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Nguyễn Út N1 được miễn án phí sơ thẩm theo luật định. Ông Lê Văn H1 và Lê Công V cùng phải chịu án phí là: 3.549.141 đồng. Tổng Công ty điện lực Miền Nam phải chịu 2.458.487 đồng. Tập đoàn Viễn thông Quân đội phải chịu 6.774.570 đồng.

- Về án phí phúc thẩm: Miễn toàn bộ cho ông Nguyễn Út N1. Hoàn lại cho Tổng Công ty Điện lực Miền Nam 300.000 đồng theo biên lai thu số: 0006321 ngày 8-9-2020 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

351
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 111/2021/DS-PT ngày 04/06/2021 về tranh chấp bồi thường thiệt hại sức khỏe

Số hiệu:111/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về