Bản án 111/2017/HSST ngày 15/09/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 111/2017/HSST NGÀY 15/09/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 15/9/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 120/2017/HSST ngày 23 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo:

Hoàng Văn T, sinh năm 1976 tại Thanh Hóa; ĐKNKTT: Thôn 4B, xã A, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; chỗ ở: Thôn C, xã D, huyện E, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Bảo vệ; trình độ văn hoá: Lớp 3/12; con ông Hoàng Văn T1 (đã chết) và bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1942; có vợ là Vũ Thị P, sinh năm 1984; chưa có con; tiền án, tiền sự: Không; ra đầu thú, bị tạm giữ từ ngày 30/12/2016 đến ngày 06/01/2017 chuyển tạm giam. Có mặt.

Người bị hại: Anh Nguyễn Văn H1, sinh năm 1975; trú tại: Thôn C, xã D, huyện E, thành phố Hải Phòng. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn T: Ông Nguyễn Đăng Khoa – Luật sư của Văn phòng Luật sư Á Đông thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng. Có mặt.

NHẬN THẤY

Bị cáo Hoàng Văn T bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Khoảng 21h50’ ngày 29/12/2016, Hoàng Văn T đến nhận ca trực bảo vệ tại Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp ở xã D, huyện E, thành phố Hải Phòng thì nảy sinh mâu thuẫn với anh Nguyễn Văn H1, sinh năm 1975 trú tại: Xã D, huyện E, thành phố Hải Phòng trong việc xin nghỉ trực ca bảo vệ. T cúi xuống gầm bàn trong phòng bảo vệ của Công ty, dùng tay phải cầm phích nước, bên trong có chứa nước nóng giơ lên đập một nhát vào vùng vai trái của anh H1 làm chiếc phích bị vỡ, nước trong phích bắn vào người làm anh H1 bị bỏng. Anh H1 đứng dậy, dùng tay phải đấm 2 – 3 cái vào ngực T, nhưng không gây thương tích gì. T liền với tay phải lên nóc tủ sắt trong góc phòng bảo vệ lấy 01 thanh tuýp sắt có đặc điểm dài 65cm, đường kính 2,1cm vung lên vụt một nhát vào vùng đầu bên trái của anh H1. Lúc này, anh Trần Văn M, sinh năm 1968 trú tại: Xã F, huyện E, thành phố Hải Phòng (cùng là nhân viên bảo vệ của Công ty) chạy tới ôm T để can ngăn và bảo anh H1 chạy đi, anh H1 bỏ chạy ra ngoài sân được khoảng 5 – 6m thì bị vấp ngã. T vùng ra khỏi anh M, cầm theo thanh tuýp sắt chạy tới chỗ anh H1 đang nằm vụt liên tiếp 4 - 5 nhát vào vùng đầu, mặt và tay trái anh H1, vừa đánh T vừa hô: “Mày giết con tao, tao giết mày”. Anh M lao vào can ngăn, T vẫn tiếp tục vụt với 01 nhát nữa về phía anh H1. Sau đó T vứt tuýp sắt lại đó rồi chạy lên phòng anh Mai Văn T2, sinh năm 1969, trú tại: Số 38A/15/106 đường G, quận I, thành phố Hà Nội (là giám đốc Công ty) nói: “Nó giết con em, em giết nó rồi, anh gọi Công an đến bắt em đi” rồi chạy xuống lấy xe máy chở anh M ngồi sau ôm anh H1 đưa đến Bệnh viện huyện Kim Thành - tỉnh Hải Dương cấp cứu, sau đó đến Công an đầu thú.

Tại bản Kết quả giám định pháp y về thương tích số 01/2017-TgT ngày 05/01/2017 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng kết luận: Anh Nguyễn Văn H1 bị chấn thương sọ và não, chấn thương hàm mặt, gãy xương hàm dưới. Gãy kín mỏm khuỷu xương trụ trái, gãy đốt I ngón III tay trái, bỏng vùng mặt, ngực. Hiện tại nạn nhân đang trong tình trạng hôn mê, thở máy hỗ trợ, sa sút trí tuệ mức độ nặng, đang được theo dõi, điều trị...

Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do chấn thương sọ não còn sa sút trí tuệ nặng (hôn mê) gây nên tại thời điểm giám định là 63% sức khỏe. (Các thương tích còn lại đề nghị khi nào nạn nhân ổn định sẽ giám định bổ sung sau). Các thương tích có đặc điểm do vật tày tác động trực tiếp gây nên. Riêng các vết thương vùng mặt, ngực có đặc điểm do nhiệt (nước nóng) gây nên.

Bản  Kết  luận  giám  định  pháp  y  bổ  sung  về  thương  tích  số  317  ngày 19/6/2017 của Trung tâm pháp y Hải Phòng kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do các thương tích còn lại gây nên là 27%. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể theo phương pháp cộng lùi và làm tròn số là: 73%.

Kết quả khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra đã thu giữ một số mẫu dấu vết nghi máu và 01 tuýp sắt dài 65cm, đường kính 2,1cm, có bám dính tạp chất nghi máu.

Tại bản Kết luận giám định số 03/2017/GĐSH ngày 03/02/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng kết luận: Mẫu dấu vết thu tại vị trí số 2 tại hiện trường và trên tuýp sắt là máu của anh Nguyễn Văn H1.

Tại bản Cáo trạng số 120/CT-VKS-P2 ngày 22/8/2017, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã truy tố bị cáo Hoàng Văn T về tội "Giết người" quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Văn T khai nhận hành vi phạm tội của mình cơ bản như bản Cáo trạng đã nêu.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như nội dung bản Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm a, b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 18; Điều 52; Điều 33 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Hoàng Văn T

Xử phạt: Hoàng Văn T: Từ 12 năm đến 13 năm tù.

Về xử lý vật chứng và bồi thường dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn T: Không ý kiến về tội danh và khung hình phạt; đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như Kiểm sát viên đã đề nghị gồm các điểm a, b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ khác: Gia đình bị cáo có công với Cách mạng, bị cáo tham gia quân đội, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, mức hình phạt Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo là cao. Trong vụ án này, bị cáo đang có sự cố gia đình, chỉ vì câu nói của anh H1 làm bị cáo bị tổn thương và không cho bị cáo nghỉ làm khiến bị cáo bị bức xúc, tiềm ẩn bột phát. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của các bị cáo, ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo, ý kiến của người bị hại và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Lời khai của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, phù hợp với Biên bản khám nghiệm hiện trường, Kết luận giám định pháp y, lời khai của người bị hại, lời khai của những người làm chứng và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, nên đủ cơ sở kết luận: Do nảy sinh mâu thuẫn trong việc xin nghỉ trực bảo vệ, khoảng 21h50p ngày 29/12/2016, tại Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp ở xã D, huyện E, thành phố Hải Phòng, Hoàng Văn T đã có hành vi dùng phích nước có chứa nước nóng đập 1 nhát vào vùng vai của anh Nguyễn Văn H1 gây bỏng. Sau đó, T tiếp tục lấy 1 thanh tuýp sắt vụt nhiều nhát vào đầu và người anh H1 nhằm mục đích giết anh H1. Hậu quả làm anh H1 giảm 73% sức khỏe.

Bị cáo T có ý thức thực hiện tội phạm đến cùng, mặc dù anh H1 đã bỏ chạy, bị cáo đã bị người khác ngăn cản nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo đánh anh H1; khi người bị hại ngã, bị cáo nhằm vào vùng đầu là vùng nguy hiểm đến tính mạng để tấn công, chỉ khi anh H1 nằm bất tỉnh, bị cáo mới dừng lại, việc người bị hại chưa chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Do đó, có đủ căn cứ kết luận Hoàng Văn T phạm tội “Giết người” (chưa đạt) theo Điều 93 Bộ luật Hình sự

Đánh giá tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, quyền được sống của con người, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, gây mất trật tự trị an xã hội nên cần xét xử nghiêm.

Về tình tiết định khung hình phạt:

Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong việc xin nghỉ trực bảo vệ, bị cáo T không được anh H1 đồng ý. Bị cáo đã dùng phích nước và tuýp sắt liên tiếp đánh nhiều nhát vào những vùng nguy hiểm của anh H1, mặc dù anh H1 đã bỏ chạy, ngã không còn khả năng chống cự. Hành vi của bị cáo đã thể hiện tính chất côn đồ nên bị xét xử theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Về hình phạt:

Xét thấy, bị cáo nhân thân không có tiền án, tiền sự. Sau khi phạm tội, bị cáo đã ra đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo cũng là người đưa người bị hại đi cấp cứu làm giảm bớt tác hại của tội phạm và bồi thường cho anh H1 số tiền 145.000.000 đồng, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, tại phiên tòa, người bị hại vẫn tiếp tục xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo có mẹ đẻ tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; bố bị cáo tham gia kháng chiến, cậu ruột là Liệt sĩ; bản thân bị cáo cũng tham gia quân đội. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm a, b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Mặt khác, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt” được quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự, khi quyết định hình phạt, cần áp dụng thêm Điều 52 Bộ luật Hình sự, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Hội đồng xét xử chấp nhận một phần quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo T.

Về bồi thường dân sự: Người bị hại Nguyễn Văn H1 yêu cầu bị cáo phải bồi thường các khoản tiền viện phí, chi phí khám chữa bệnh, cụ thể:

1. Các khoản chi phí khám chữa bệnh từ Bệnh viện Đa khoa Kim Thành, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đến Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.

Có hóa đơn (hóa đơn thuốc, phiếu khám, phiếu thu) Tổng cộng: 180.000.000 đồng (1).

2. Các khoản chi phí khám, chữa bệnh không có hóa đơn:

- Lần 1 cấp cứu tại Đa khoa Phú Thái (tiền sơ cấp cứu, bông băng, gạc, thuốc): 500.000 đồng

- Tiền xe từ Bệnh viên Đa khoa Phú Thái đến Bệnh viện Đa khoa Hải Dương: 1.000.000 đồng.

- Tiền mua đồ sơ cấp cứu tại bệnh biên Đa khoa Hải Dương (bông, băng, gạc): 1.000.000 đồng.

- Tiền bồi dưỡng ca mổ: Đầu, xương hàm mặt cho các y, bác sĩ: 3.000.000 đồng.

- Tiền chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Việt Đức (tiền xe, tiền cáng): 5.000.000 đồng.

- Tiền thuê máy theo dõi hoạt động não và hộp sọ: 13.000.000 đồng.

- Tiền bông, băng gạc: 1.000.000 đồng

- Tiền bỉm, lót lưng, giấy ướt, giấy khô (trong 26 ngày nằm viện): 3.000.000 đồng.

- Tiền mua đệm hơi: 1.000.000 đồng

- Tiền ăn uống hàng ngày của người chăm sóc: 100.000 đồng/2 người x 26 ngày = 2.600.000 đồng.

- Tiền đi lại người nuôi bệnh nhân: 200.000 x 20 lần = 4.000.000 đồng

- Tiền đi khám mổ tay phải: 4 lần x 400.000 đồng/người = 1.600.000 đồng.

- Tiền thuê phòng trọ mổ tay phải: 300.000 đồng/đêm.

- Tiền sữa tắm khô, đánh răng, bàn chải (trong 26 ngày) = 1.500.000 đồng.

- Tiền khám bác sĩ ở làng (thay băng, cắt băng hàng ngày): 1.000.000 đồng

- Tiền bồi dưỡng cho các y bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa Việt Đức, Hà Nội (mổ hộp sọ, mổ tay phải, tay trái, ngon tay trái): 20.000.000 đồng.

- Tiền sữa sau phẫu thuật: 2 hộp x 655.000 đồng = 1.310.000 đồng. Tổng cộng: 60.810.000 đồng (2).

3. Tổng số tiền bồi thường về một năm người bị hại không đi làm được (lương  hàng  tháng  là 5.000.000  đồng):  12  tháng  x  5.000.0000  đồng/tháng  = 60.000.000 đồng (3).

Tổng cộng (1) + (2) + (3) = 300.810.000 đồng

Ngoài ra, người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thêm thường khoản tiền tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật.

Hi đồng xét xử xét:

Theo Bộ luật Dân sự 2015Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Hội đồng xét xử chấp nhận những khoản chi phí sau:

1. Đối với các khoản chi phí khám chữa bệnh từ Bệnh viện Đa khoa Kim Thành, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đến Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, có hóa đơn (hóa đơn thuốc, phiếu khám, phiếu thu).

Hội đồng xét xử không chấp nhận các khoản người bị hại tạm ứng có hóa đơn bởi các khoản tạm ứng này đã được trừ đi và trả lại khi người bị hại khi thanh toán tiền viện phí. Tổng số tiền gia đình người bị hại đã tạm ứng là: 64.000.000 đồng (tại các Phiếu thu tạm ứng, Giấy tạm ứng tiền – BL 254, 255, 264, 273, 282, 291, 295, 297).

Các khoản chi phí còn lại là chi phí hợp lý nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Do đó, với các khoản chi phí khám chữa bệnh có hóa đơn chứng từ, Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi thường cho người bị hại số tiền: 180.000.000  – 64.000.000 = 116.000.000 đồng (4).

2. Đối với các khoản chi phí khám, chữa bệnh không có hóa đơn: Hội đồng xét xử không chấp nhận các khoản sau:

- Tiền bồi dưỡng ca mổ (đầu, xương hàm mặt) và bồi dưỡng cho các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức (mổ hộp sọ, mổ tay phải, tay trái, ngón tay trái): 3.000.000 + 20.000.000 = 23.000.000 đồng – khoản tiền bồi dưỡng này không được tính là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa.

Đối với các khoản tiền còn lại, mặc dù không có hóa đơn nhưng đây là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người bị hại và chi phí hợp lý cho người chăm sóc. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận các khoản tiền này, buộc bị cáo phải bồi thường cho người bị hại số tiền: 60.810.000 – 3.000.000 – 20.000.000 = 37.810.000 đồng (5).

3. Đối với số tiền bồi thường thu nhập thực tế bị mất:

Theo Hợp đồng lao động, lương của người bị hại là 5.700.000 đồng/tháng, tuy nhiên, người bị hại chỉ xác định lương của mình là 5.000.000 đồng/tháng; trong khoảng thời gian 12 tháng không đi làm nên không có thu nhập. Do đó, buộc bị cáo phải bồi  thường cho người bị hại số tiền:  12 tháng x 5.000.000 đồng = 60.000.000 đồng (6).

4. Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần:

Căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần của người bị hại; buộc bị cáo phải bồi thường cho người bị hại 40 tháng lương cơ sở tại thời điểm xét xử vụ án với số tiền là: 40 x 1.300.000 đồng = 52.000.000 đồng (7).

Như vậy, bị cáo Hoàng Văn T phải bồi thường cho người bị hại Nguyễn Văn H1, tổng số tiền: (4) + (5) + (6) +(7) = 116.000.000 + 37.810.000 + 60.000.000 + 52.000.000 = 265.810.000 đồng.

Bị cáo T đã tác động gia đình bồi thường số tiền 145.000.000 đồng; còn phải tiếp tục bồi thường số tiền: 265.810.000 – 145.000.000 = 120.810.000 đồng.

Về xử lý vật chứng:

Đối với 01 ống tuýp sắt; 01 cổ phích nhựa; 02 mảnh nhựa của vỏ phích: Đây là những đồ vật bị cáo sử dụng để đánh anh H1, không còn giá trị sử dụng nên tịch thu, tiêu hủy.

Đối với 01 điếu cày tre: Thu giữ tại hiện trường, không liên quan đến vụ án, không xác định được chủ sở hữu và không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu, tiêu hủy.

Đối với 01 áo len, 01 áo sơ mi; 01 áo khoác gió; 01 quần kaki: Bị cáo mặc khi đánh anh H1, xét không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu, tiêu hủy.

Đối với 01 chứng minh thư nhân dân mang tên Hoàng Văn T: Đây là giấy tờ tùy thân của bị cáo nên trả lại cho bị cáo.

Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Hoàng Văn T phạm tội "Giết người” (chưa đạt).

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm a, b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 18; Điều 52; Điều 33 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt:

Hoàng Văn T: 12 (Mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 30/12/2016.

2. Về dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 584, Điều 590 Bộ luật Dân sự, xử:

Buộc bị cáo Hoàng Văn T phải bồi thường cho người bị hại Nguyễn Văn H1 số tiền: 120.810.000 (Một trăm hai mươi triệu, tám trăm mười nghìn) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người bị hại cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bị cáo còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự; Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, xử:

Tịch thu, tiêu hủy: 01 (Một) điếu cày; 01 (Một) ống tuýp sắt; 01 (Một) cổ phích, 02 (Hai) mảnh nhựa của vỏ phích; 01 (Một) áo len; 01 (Một) áo sơ mi; 01 (Một) áo khoác gió; 01 (Một) quần kaki.

Trả lại cho bị cáo: 01 (Một) chứng minh thư nhân dân mang tên Hoàng Văn T.

(Vật chứng có đặc điểm chi tiết theo Biên bản giao, nhận vật chứng ngày 21 tháng 8 năm 2017 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng).

4. Về án phí: Bị cáo phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 6.040.500 (Sáu triệu, không trăm bốn mươi nghìn, năm trăm) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo đối với Bản án:

Bị cáo, người bị hại được quyền kháng cáo trong hạn 15 (Mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp Bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

506
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 111/2017/HSST ngày 15/09/2017 về tội giết người

Số hiệu:111/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về