Bản án 110/2018/DS-PT ngày 31/05/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 110/2018/DS-PT NGÀY 31/05/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Trong các ngày 27 tháng 02 và ngày 31 tháng 5 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 189/2017/TLPT-DS ngày 27 tháng 11 năm 2017 về yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản. Do bản án dân sự sơ thẩm số 33/2017/DS-ST ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 75/2017/QĐ-PT ngày 12 tháng 02 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Nguyễn Văn C, sinh năm 1966 (có mặt).

2. Ông Lê Văn K, sinh năm 1976 (có mặt).

3. Bà Lê Thị L, sinh năm 1966 (có mặt).

4. Ông Lê Văn L, sinh năm 1944 (vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của ông L: Bà Cao Thị X, sinh năm 1949, theo văn bản ủy quyền ngày 18/01/2017 (có mặt).

5. Bà Phạm Thị L1, sinh năm 1948 (có mặt).

6. Ông Lê Văn N, sinh năm 1938 (vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của ông N: Bà Lê Thị H, sinh năm 1971, theo văn bản ủy quyền ngày 18/01/2017 (có mặt).

7. Bà Lê Thị X, sinh năm 1964 (đã chết).

Người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà X: Chị Trần Thị Ngọc D, sinh năm 1985; chị Trần Thị Ngọc P, sinh năm 1988; chị Trần Thị Ngọc H, sinh năm 1990.

Người đại diện hợp pháp của chị D, chị H: Chị Trần Thị Ngọc P, sinh năm 1988, theo văn bản ủy quyền ngày 15/5/2018 (có mặt).

Cùng địa chỉ: Ấp T, xã Y, huyện A, tỉnh Kiên Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn: Luật sư Trần Quang Á, Văn phòng luật sư Quang Á, thuộc đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang (có mặt).

- Bị đơn: Ông Huỳnh Văn M, sinh năm 1965; địa chỉ: Ấp T, xã Y, huyện A, tỉnh Kiên Giang (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho của bị đơn: Luật sư Tiêu Tường T, Văn phòng luật sư Tường T, thuộc đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. NLQ1 (có đơn xin vắng mặt).

2. NLQ2.

Người đại diện hợp pháp của NLQ2: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1966, theo văn bản ủy quyền ngày 31/01/2018 (có mặt).

3. NLQ3 (vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của NLQ3: Bà Lê Thị H, sinh năm 1971, theo văn bản ủy quyền ngày 22/9/2016 (có mặt).

4. NLQ4 (vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của NLQ4: ông Lê Văn K, sinh năm 1976, theo văn bản ủy quyền ngày 22/9/2017 (có mặt).

5. NLQ5 (có mặt).

6. NLQ6 (vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của NLQ6: Bà Lê Thị L, sinh năm 1966, theo văn bản ủy quyền ngày 22/9/2016 (có mặt).

Cùng địa chỉ: Ấp T, xã Y, huyện A, tỉnh Kiên Giang.

- Người kháng cáo: Ông Huỳnh Văn M – bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Đồng nguyên đơn ông Nguyễn Văn C, ông Lê Văn K, bà Lê Thị L, ông Lê Văn L, bà Phạm Thị L1, ông Lê Văn N và Lê Thị X trình bày: Ngày 12/12/2014, ông Huỳnh Văn M đã đưa hai chiếc rôbe vào múc vuông bờ ruộng của ông M, nhưng sau khi múc xong ông M đắp đập lại không kiên cố, đến ngày 22/12/2014, đập ngăn nước mặn đó bị bể làm nước mặn tràn vào ruộng lúa của các nguyên đơn. Sau đó, các nguyên đơn có báo cho ông M và Trưởng ấp T biết để đắp đập lại, khắc phục hậu quả nhưng ông M không chịu đắp đập lại. Do đó, nước mặn tràn vào ruộng lúa đang trổ chờ thu hoạch. Nguyên nhân dẫn đến việc thu hoạch lúa bị thiệt hại là do nước mặn tràn vào từ việc ông M đưa rô be vào múc bờ vuông, sau đó đắp đập không kiên cố dẫn đến đập bị bể làm nước mặn tràn vào ruộng lúa của đồng nguyên đơn, còn những nơi khác bị bể tại đất của ông Thương E và ông L không ảnh hưởng đến ruộng lúa của các nguyên đơn, vì nước tràn vào rất ít và khi phát hiện khắc phục lại nên không tràn qua ruộng lúa của các hộ xung quanh.

Ông Nguyễn Văn C yêu cầu: Diện tích ruộng lúa đo đạc thực tế 6.614m2, đất tọa lạc tại ấp T, xã Y, huyện A, tỉnh Kiên Giang. Hậu quả làm diện tích lúa của ông bị thiệt hại chỉ bán đồng vịt với số tiền 4.000.000 đồng. Yêu cầu tính sản lượng lúa thu hoạch theo quy định pháp luật. Về chi phí thực tế cụ thể: Tiền trục đất là 585.000 đồng; tiền lúa giống là 2.080.000 đồng; Tiền dầu bơm nước 546.000 đồng; Tiền phân thuốc 3.500.000 đồng; tiền dặm lúa 720.000 đồng; Tiền mướn xịt thuốc 150.000 đồng; tiền mướn đất 2.250.000 đồng. Nay ông chỉ yêu cầu ông M bồi thường thiệt hại 8.000.000 đồng.

Ông Lê Văn K yêu cầu: Diện tích ruộng lúa đo đạc thực tế 5.240m2, đất tọa lạc tại địa chỉ trên. Hậu quả làm thiệt hại toàn bộ diện tích. Yêu cầu tính sản lượng lúa thu hoạch theo quy định pháp luật. về chi phí thực tế cụ thể: Tiền trục đất là 630.000 đồng; tiền lúa giống là 870.000 đồng; Tiền dầu bơm nước 330.000 đồng; Tiền phân thuốc 2.837 đồng; tiền dặm lúa 320.000 đồng. Nay ông chỉ yêu cầu ông M bồi thường thiệt hại 6.000.000 đồng.

Bà Lê Thị L yêu cầu: Diện tích ruộng lúa đo đạc thực tế 14.23,7m2, đất tọa lạc tại địa chỉ trên. Hậu quả làm thiệt hại toàn bộ diện tích. Yêu cầu tính sản lượng lúa thu hoạch theo quy định pháp luật. Về chi phí thực tế cụ thể: Tiền trục đất là 1.500.000 đồng; tiền lúa giống là 3.000.000 đồng; Tiền dầu bơm nước 770.000 đồng; Tiền phân thuốc 8.500.000 đồng; tiền dặm lúa 200.000 đồng. Nay bà chỉ yêu cầu ông M bồi thường thiệt hại 20.000.000 đồng.

Ông Lê Văn L yêu cầu: Diện tích ruộng lúa đo đạc thực tế 19.545,7m2, đất tọa lạc tại địa chỉ. Hậu quả làm thiệt hại một phần. Yêu cầu tính sản lượng lúa thu hoạch theo quy định pháp luật. Về chi phí thực tế cụ thể: Tiền trục đất là 1.680.000 đồng; tiền lúa giống là 3.780.000 đồng; Tiền dầu bơm nước 1.100.000 đồng; Tiền phân thuốc 7.450.000 đồng; tiền thuốc 3.080.000 đồng; tiền dặm lúa 2.000.000 đồng; tiền mướn xịt thuốc 280.000 đồng; tiền cắt lúa 5.180.000 đồng; tiền suốt lúa là 1.680.000 đồng. Nay ông chỉ yêu cầu ông M bồi thường thiệt hại 14.000.000 đồng.

Bà Phạm Thị L1 yêu cầu: Diện tích ruộng lúa đo đạc thực tế 21.687m2, đất tọa lạc tại địa chỉ trên. Hậu quả làm thiệt hại toàn bộ diện tích. Yêu cầu tính sản lượng lúa thu hoạch theo quy định pháp luật. Về chi phí thực tế cụ thể: Tiền trục đất là 2.640.000 đồng; tiền lúa giống là 3.200.000 đồng; Tiền dầu bơm nước 770.000 đồng; Tiền phân thuốc 15.150.000 đồng; tiền dặm lúa 2.500.000 đồng; tiền xạ lúa 300.000 đồng, tiền mướn xịt thuốc 1.750.000 đồng. Nay bà chỉ yêu cầu ông M bồi thường thiệt hại 45.000.000 đồng.

Ông Lê Văn N yêu cầu: Diện tích ruộng lúa đo đạc thực tế 13.300m2, đất tọa lạc tại địa chỉ trên. Hậu quả làm thiệt hại toàn bộ diện tích. Yêu cầu tính sản lượng lúa thu hoạch theo quy định pháp luật. Về chi phí thực tế cụ thể: Tiền trục đất là 1.440.000 đồng; tiền lúa giống là 2.700.000 đồng; Tiền dầu bơm nước 1.100.000 đồng; Tiền phân thuốc 8.131.000 đồng; tiền dặm lúa 1.000.000 đồng; tiền mướn xịt thuốc 405.000 đồng. Nay ông chỉ yêu cầu ông M bồi thường thiệt hại 20.000.000 đồng.

Bà Lê Thị X yêu cầu: Diện tích ruộng lúa đo đạc thực tế 2.236m2, đất tọa lạc tại địa chỉ trên. Hậu quả làm thiệt hại toàn bộ diện tích. Yêu cầu tính sản lượng lúa thu hoạch theo quy định pháp luật. Về chi phí thực tế cụ thể: Tiền trục đất là 270.000 đồng; tiền lúa giống là 600.000 đồng; Tiền phân thuốc 1.867.000 đồng. Nay bà chỉ yêu cầu ông M bồi thường thiệt hại 5.500.000 đồng.

Bị đơn ông Huỳnh Văn M trình bày: Ông thừa nhận vào ngày 12/12/2014 âm lịch, ông có thuê rô be múc cái bờ xáng để làm đường đưa rô be vào múc vuông bờ ruộng của ông với chiều ngang 3m, chiều sâu khoảng 6 đến 7cm, thời gian 02 ngày thì múc xong. Sau khi múc vuông xong thì ông có đắp đập lại y hiện trạng như ban đầu. Đến ngày 22/12/2014 âm lịch, thời điểm đó nước sông dâng cao làm nhiều nơi tại khu vực này bị nước mặn tràn vào liên tiếp 03 ngày, cụ thể tại vị trí cái đập của ông, vị trí đất của ông Thương E và ông L.

Vị trí cái đập của ông bị tràn nước vào là do mặt nước cao hơn mặt đập khoảng 20cm và lúc đó đập chỉ bị lở mặt trong chứ không bể như nguyên đơn trình bày. Vị trí của ông Thương E bị bể 01 đoạn khoảng 1,5m, chiều sâu ông không biết nên nước tràn vào đất của ông Thương E và tiếp tục tràn qua đất của ông và ruộng lúa của các hộ dân bị thiệt hại nhưng ông không xác định nước tràn nhiều hay ít. Vị trí của ông L cũng bị tràn và bị bể một đoạn 01m và rất sâu, từ đó nước mặn tràn vào ruộng lúa của các hộ dân bị thiệt hại.

Nguyên nhân dẫn đến ruộng lúa của các nguyên đơn bị thiệt hại do nước mặn tràn vào là có thật, nhưng nước mặn tràn vào vị trí cái đập của ông thì còn hai vị trí khác là đất của ông Thương E và ông L. Nước mặn làm ảnh hưởng đến ruộng lúa của các nguyên đơn là không phải do lỗi của ông. Do đó, ông không đồng ý bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của các nguyên đơn.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: NLQ1: Thống nhất với ý kiến và yêu cầu của ông M. NLQ2: Thống nhất với ý kiến và yêu cầu của ông C.

NLQ3: Thống nhất với ý kiến và yêu cầu của ông N. NLQ4: Thống nhất với ý kiến và yêu cầu của ông K. NLQ5: Thống nhất với ý kiến và yêu cầu của ông L. NLQ6: Thống nhất với ý kiến và yêu cầu của bà L.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 33/2017/DS-ST ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn C, ông Lê Văn K, bà Lê Thị L, ông Lê Văn L, bà Phạm Thị L1, ông Lê Văn N và bà Lê Thị X về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản đối với ông Huỳnh Văn M.

2. Buộc ông Huỳnh Văn M phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại tài sản cho các nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như sau:

- Bồi thường cho vợ chồng ông Nguyễn Văn C, NLQ2 số tiền 8.000.000 đồng (tám triệu đồng).

- Bồi thường cho vợ chồng ông Lê Văn K, NLQ4 số tiền 6.000.000 đồng (sáu triệu đồng).

- Bồi thường cho vợ chồng bà Lê Thị L, NLQ6 số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

- Bồi thường cho vợ chồng ông Lê Văn L, NLQ5 số tiền 14.000.000 đồng (mười bốn triệu đồng).

- Bồi thường cho bà Phạm Thị L1 số tiền 45.000.000 đồng (bốn mươi lăm triệu đồng).

- Bồi thường cho vợ chồng ông Lê Văn N, NLQ3 số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

- Bồi thường cho bà Lê Thị X số tiền 5.500.000 đồng (năm triệu năm trăm nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, lãi suất chậm trả trong thi hành án và báo quyền kháng cáo theo hạn luật định.

Ngày 11 tháng 10 năm 2017 ông Huỳnh Văn M có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn ông Huỳnh Văn M không rút yêu cầu nội dung kháng cáo; Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông M yêu cầu cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu của các nguyên đơn, bởi vì cần đưa ông L và ông Thương E vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xác định trách nhiệm của hai người này; sau khi ông M đưa Robe múc bờ xáng thì ông M đã đắp đập lại không có căn cứ nào đắp đập lại không kiên cố, hàng năm khu vực này đều bị nước mặn tràn vào, thời điểm này nước sông dâng lên quá cao nên đập bị tràn, không phải lỗi do ông M; tại thời điểm đo độ mặn ngày 19/01/2015 ông M không có chứng kiến và thời điểm đo độ mặn cách thời điểm nước tràn vào ngày 22/12/2014 gần đến một tháng.

Ngược lại các đồng nguyên đơn và người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đồng nguyên đơn không đồng ý kháng cáo của ông M; yêu cầu Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm; các đương sự không tự hòa giải với nhau được, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết.

Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và các đương sự từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm nghị án đã thực hiện và chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, đối với Tòa án cấp sơ thẩm, những người liên quan không yêu cầu và không đóng tiền tạm ứng án phí theo quy định mà cấp sơ thẩm buộc ông M bồi thường cho vợ chồng là chưa phù hợp, nhưng không ảnh hưởng quyền lợi của đương sự, cần rút kinh nghiệm. Về nội dung vụ án: Đề nghị sửa bản án sơ thẩm, theo hướng chấp nhận một phần kháng cáo của ông M

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, nguyên đơn, bị đơn và người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: NLQ1 có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt NLQ1 là đúng quy định tại khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

[2] Trong quá trình giải quyết vụ kiện tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, đồng nguyên đơn, bị đơn thừa nhận: Ngày 12/12/2014, ông Huỳnh Văn M có mướn hai chiếc Rôbe vào múc vuông, sau khi múc vuông xong, ông M có đắp đập lại, đến ngày 22/12/2014 đập ngăn nước mặn đó bị bể làm nước mặn tràn vào ruộng lúa của các đồng nguyên đơn. Tuy nhiên, phía đồng nguyên đơn cho rằng do ông M đắp đập không kiên cố nên đã bị bể đập nước mặn tràn vào ruộng đang trồng lúa của các nguyên đơn gây thiệt hại dẫn đến không thu hoạch được lúa, mặc khác bị đơn ông M cho rằng sau khi đưa Rôbe vào múc bờ thì ông đã đấp lại như cũ, nguyên nhân nước mặn tràn vào ruộng của các đồng nguyên đơn không chỉ phần đập của ông mà còn có phần đập ông Lẹ và ông Thương E đều bị nước mặn tràn vào, đồng thời hàng năm ở khu vực này đều bị nước mặn tràn vào, do năm nay nước dâng lên quá cao bị tràn và sạt lỡ, lỗi này không phải do ông.

[3] Về xác định lỗi: ông M tự ý mở đê ngăn mặn để đưa hai chiếc Rôbe vào múc bờ mương ruộng trong hai ngày, đồng thời ông M cũng không xin phép chính quyền địa phương để việc làm tự ý mở đập và đắp đập lại, đến ngày 22/12/2014 nước sông dâng lên cao đập tự đắp lại đã bị bể, tràn vào ruộng của các hộ dân lân cận kéo dài ba ngày liên tục từ ngày 22 đến ngày 24/12/2014, ngày đầu nước mặn tràn vào ruộng lúa thì ông M đã biết và ông M cũng biết nước mặn tràn vào đất ruộng là thiệt hại lúa của các hộ dân mà ông không khắc phục ngay đến khi nước mặn không tràn vào nữa ông mới đắp đập lại, mặc khác ông vẫn biết khi nước mặn bị tràn vào đất ruộng thì lúa bị thất mùa mà không không khắc phục liền để dẫn đến vụ lúa đông xuân năm 2014 của các đồng nguyên đơn bị thiệt hại về năng suất lúa, đa số là toàn bộ bị hại nặng. Đồng thời, tại biên bản xác minh của Chi Hội nông dân ấp T ngày 24/12/2014 xác định “ … trên đây là do chuyện làm của ông M làm bể để Hai Ba ngày làm hư lúa của một số Bà con trên 9 Hộ và còn làm hư một số hoa màu cá của Bà con ở tổ 9 tổ 10 …”. Như vậy, xác định đây là lỗi của ông M. Tại các biên bản lấy lời khai của ông Nguyễn Văn Đ – là tổ Trưởng Tổ nhân dân nhân tự quản số 11, ấp T; ông Nguyễn Thanh S – là Phó trưởng ấp T; ông Nguyễn Văn Phương E – là Cán bộ địa chính xã Y cùng ngày 16/12/2015 (bút lục số 354, 355, 356) đều xác định phần đập của ông Thương E và ông L cũng bị nước mặn tràn vào nhưng không nhiều không ảnh hưởng đến ruộng lúa của các hộ dân. Như vậy, cần xác định đây không phải trách nhiệm của ông Thương E và ông L.

[3] Xác định mức độ bồi thường thiệt hại về tài sản: Các nguyên đơn đã đưa được các chứng cứ như sau:

Ông Nguyễn Văn C cung cấp: 01 giấy xác nhận thuê đất số tiền 4.500.000 đồng; một giấy xác nhận mua hàng vật tư nông nghiệp số tiền 3.500.000 đồng (bút lục số 593a, 593b), tổng cộng 8.000.000 đồng. Mặt khác, trong bản tự khai của ông C tổng chi phí 9.790.000 đồng (bút lục số 593c).

Ông Lê Văn K cung cấp: 01 sổ mua hàng vật tư nông nghiệp Đông xuân năm 2014 của Hoàng C số tiền 3.377.000 đồng; 01 biên nhận bán lúa giống ngày 25/8/2014 số tiền 870.000 đồng; 01 biên nhận về việc có mướn trụ đất của ông Nguyễn Văn N ngày 05/10/2016 số tiền 630.000 đồng; 01 hóa đơn bán lẻ mua dầu ngày 08/9/2014 số tiền 330.000 đồng (bút lục số 590, 591, 591a, 591b), tổng cộng các chứng từ 5.207.000 đồng.

Bà Lê Thị L cung cấp: 01 sổ mua hàng vật tư nông nghiệp Đông xuân năm 2014 của Hoàng C số tiền 7.756.000 đồng; 01 biên nhận mua dầu của bà Nguyễn Thị S ngày 24/8/2014 số tiền 770.000 đồng; 01 biên nhận về việc có mướn trục đất của ông Nguyễn Văn N ngày 05/10/2016 số tiền 1.530.000 đồng (bút lục số 592, 593, 591a), tổng cộng các chứng từ 10.056.000 đồng.

Ông Lê Văn L cung cấp: 01 giấy xác nhận 05 người dặm lúa số tiền 2.000.000 đồng; 01 giấy người bán dầu, bán nhớt của ông Đặng Văn L số tiền 750.000 đồng; 01 giấy xác nhận của ông Nguyễn Văn B có bán cho ông L vật tư nông nghiệp số tiền 10.530.000 đồng và tiền mua lúa giống số tiền 3.780.000 đồng; 01 biên nhận của ông Âu Hoàng C bán thuốc dưỡng, trừ sâu cho ông L số tiền 2.581.000 đồng (bút lục số 597, 598, 599a, 600), tổng cộng các chứng cứ 19.641.000 đồng. Mặt khác, có bản kê chi phí phục vụ lúa đông xuân năm 2014 của ông L (bút lục số 599).

Bà Phạm Thị L1 cung cấp: 01 sổ mua hàng vật tư nông nghiệp Đông xuân năm 2014 của Hoàng C số tiền 12.671.000 đồng; 01 giấy xác nhận tiền trục đất 2.640.000 đồng, tiền dặm lúa 2.500.000 đồng, tiền xịt thuốc 1.750.000 đồng, tiền mua dầu 770.000 đồng; tiền mua vật tư nông nghiệp của cửa hàng vật tư nông nghiệp Huỳnh T số tiền 2.045.000 đồng (bút lục số 587, 589), tổng cộng các chứng từ 22.376.000 đồng. Mặt khác, trong bản tự khai của bà L1 tổng chi phí 26.310.000 đồng, trong đó có tiền mua lúa giống và tiền xạ lúa, (bút lục số 588).

Ông Lê Văn N cung cấp: 01 sổ mua hàng vật tư nông nghiệp Đông xuân năm 2014 của Hoàng C số tiền 5.200.000 đồng; 01 biên nhận có bán lúa giống của ông Võ Tấn T ngày 25/8/2014 số tiền 2.697.000 đồng; 01 hóa đơn mua dầu đỏ số tiền 1.100.000 đồng; 01 biên nhận về việc có mướn trục đất của ông Nguyễn Văn N ngày 05/10/2016 số tiền 1.440.000 đồng (bút lục số 584, 585, 586, 591a), tổng cộng các chứng từ 10.437.000 đồng.

Bà Lê Thị X cung cấp: 01 sổ mua hàng vật tư nông nghiệp Đông xuân năm 2014 của Hoàng C số tiền 2.069.000 đồng; 01 biên nhận về việc có mướn trục đất của ông Nguyễn Văn N ngày 05/10/2016 số tiền 270.000 đồng (bút lục số 594, 591a), tổng cộng các chứng từ 2.339.000 đồng.

Tuy nhiên, chứng từ mà đồng nguyên đơn cung cấp các chứng từ chưa hợp lý, không được chính quyền địa phương xác nhận, chưa đủ căn cứ vững chắc để buộc ông M bồi thường, như vậy sẽ gây thiệt hại đến quyền lợi của ông M. Do đó, để có căn cứ vững chắc bồi thường cho các nguyên đơn, tại công văn số: 09/NNPTNN của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 23/3/2018 xác định quy trình kỹ thuật canh tác lúa ngắn ngày đối với vụ Đông xuân năm 2014 của Trung tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang triển khai, thực hiện các mô hình trình diễn như sau: Làm đất: 1.800.000 đồng/ha; Giống gieo sạ từ 120kg/ha: 1.440.000 đồng/ha; phân bón các loại: 3.500.000 đồng/ha; thuốc các loại: 3.200.000 đồng/ha; Thu hoạch, vận chuyển: 2.500.000 đồng/ha; chi phí khác (ngâm ủ, sạ lúa, cấy dặm, bơm nước, công phun thuốc, thăm đồng …): 4.500.000 đồng/ha. Tòa án cấp phúc thẩm dựa vào quy trình kỹ thuật mà Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện A để xác định mức độ bồi thường thiệt hại về tài sản của các đồng nguyên đơn như sau:

Ông Nguyễn Văn C canh tác 4,5 công (đo đạc thực tế 6.614m2): Làm đất: 1.800.000đồng/ha = 180.000 đồng/1.000m2 x 6.614m2 = 1.190.500 đồng; tiền lúa giống: 120kg/ha : 1.440.000 đồng/ha = 144.000 đồng/1.000m2 x 6.614m2 = 952.416 đồng; phân bón các loại: 3.500.000 đồng/ha = 350.000 đồng/1.000m2 x 6.614m2 = 2.314.900 đồng; thuốc các loại: 3.200.000 đồng/ha = 320.000 đồng/1.000m2 x 6.614m2 = 2.116.480 đồng; chi phí khác (ngâm ủ, sạ lúa, cấy dặm, bơm nước, công phun thuốc, thăm đồng …): 4.500.000 đồng/ha = 450.000 đồng/1.000m2 x 6.614m2 = 2.976.300 đồng. Tổng các khoản: 9.550.596 đồng.

Ông Lê Văn K canh tác 3,5 công (đo đạc thực tế 5.240m2): Tổng các khoản 7.566.560 đồng.

Bà Lê Thị L canh tác 10 công (đo đạc thực tế 14.237m2): Tổng các khoản 20.564.228 đồng.

Ông Lê Văn L canh tác 14 công (đo đạc thực tế 19.545m2): Tổng các khoản 28.222.980 đồng.

Bà Phạm Thị L1 canh tác 15 công (đo đạc thực tế 21.687m2): Tổng các khoản 31.316.028 đồng.

Ông Lê Văn N canh tác 09 công (đo đạc thực tế 13.300m2): Tổng các khoản 19.205.200 đồng.

Bà Lê Thị X canh tác 02 công (đo đạc thực tế 2.236m2): Tổng các khoản 3.228.784 đồng.

[4] Căn cứ vào thực tế của vụ việc thì thiệt hại của các đồng nguyên đơn là toàn bộ, riêng ông C thu bán đồng vịt được 4.000.000 đồng và ông L có thu nhập được một phần là 1.600.000 đồng và số tiền thu hoạch được lúa cần khấu trừ mà ông C và ông L yêu cầu ông M bồi thường. Nước mặn tràn vào ngày 22 đế 24/12/2014, khi lúa được khoảng 60 ngày, nhưng theo thực tế thì lúa đến khoảng 90 ngày mới thu hoạch được. Thời gian thu hoạch lúa còn khoảng một tháng thì tình hình thời tiết, dịch bệnh như thế nào thì không lường trước được, như vậy do lúa chưa được thu hoạch nên không xác định được năng suất lúa của các đồng nguyên đơn cụ thể thiệt hại như thế nào, không tính được. Do chưa thu hoạch được lúa nên Tòa án không tính phần phí thu hoạch và vận chuyển. Như vậy, chưa có căn cứ nào vững chắc để tính thiệt hại về năng suất của lúa chưa thu hoạch của các đồng nguyên đơn.

[5] Cần xác định lại về chi phí thực tế mà các đồng nguyên đơn bị thiệt hại được xem xét lại như sau:

Ông C là 9.55.596 đồng (chi phí thực tế) – 4.000.000 đồng (tiền bán lúa cho vịt) = 5.550.569 đồng; ông K 7.566.560 nhưng ông K chỉ yêu cầu bồi thường 6.000.000 đồng cần ghi nhận; bà L 20.564.228 nhưng chi phí thực tế bà L thừa nhận là 13.970.000 đồng nên chấp nhận 13.970.000 đồng; ông L 28.222.980 nhưng ông L chỉ yêu cầu 14.000.000 đồng cần ghi nhận; bà L1 31.316.028 đồng, ông N 19.205.200 đồng, bà X 3.228.784 đồng.

Tuy nhiên, tại phần Quyết định của bản án sơ thẩm buộc ông M bồi thường cho đồng nguyên và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chưa phù hợp, bởi vì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là NLQ2, NLQ4, NLQ6, NLQ5, NLQ3, các đương sự này không khởi kiện và không nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định. Nhưng việc buộc bồi thường này không ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự và không ảnh hưởng đến nội dung vụ án, do đó cần rút kinh nghiệm chung đối với Tòa án cấp sơ thẩm.

Từ những nhận định trên, sau khi thảo luận Hội đồng xét xử nghị nên chấp nhận một phần kháng cáo của ông Huỳnh Văn M, chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Sửa bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang.

[6] Án phí:

Về án phí sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn C phải chịu án phí đối với số tiền mà Tòa án không chấp nhận một phần là 8.000.000 đồng – 5.550.569 = 2.449.000 đồng, phải chịu án phí là 200.000 đồng, khấu trừ vào tiền án phí đã nộp 168.000 đồng, ông C còn phải nộp thêm 32.000 đồng; Ông Lê Văn K được chấp nhận toàn bộ yêu cầu nên được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí là 262.000 đồng; Bà Lê Thị L được chấp nhận một phần yêu cầu nên phải chịu án phí đối với số tiền mà Tòa án không chấp nhận 20.000.000 đồng – 13.970.000 đồng = 6.030.000 đồng, phải  chịu án phí là 200.000 đồng, khấu trừ vào tiền án phí đã nộp 750.000 đồng, bà L được nhận số tiền là 550.000 đồng; Ông Lê Văn L được hoàn lại tiền án đã nộp là 700.000 đồng; Bà Phạm Thị L1 phải chịu án phí đối với số tiền mà Tòa án không chấp nhận một phần là 45.000.000 đồng – 31.316.026 đồng = 13.684.000 đồng, phải chịu án phí 684.000 đồng được khấu trừ vào tiền án phí đã nộp là 1.125.000 đồng, bà L1 được nhận lại số tiền 441.000 đồng; Ông Lê Văn N phải chịu án phí đối với số tiền mà Tòa án không chấp nhận một phần là 20.000.000 đồng –19.205.200 đồng = 441.000 đồng, phải chịu án phí là 200.000 đồng được khấu trừ vào tiền án phí đã nộp là 675.000 đồng, ông N được nhận lại số tiền 475.000 đồng; bà Lê Thị X phải chịu án phí đối với số tiền mà Tòa án không chấp nhận một phần là 5.500.000 đồng – 3.228.784 đồng = 2.272.000 đồng, phải chịu án phí là 200.000 đồng được khấu trừ vào tiền án phí đã nộp là 150.000 đồng, bà X còn phải nộp thêm 50.000 đồng.

Ông Huỳnh Văn M phải chịu án phí sơ thẩm trên số tiền mà bị buộc tổng số tiền phải trả là 93.270.600 đồng x 5% = 4.663.530 đồng.

Án phí dân sự phúc thẩm, ông Huỳnh Văn M không phải chịu. Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự;

Áp dụng các Điều 604, 605, và Điều 608 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 29, Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Huỳnh Văn M; Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 33/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn C, bà Lê Thị L, bà Phạm Thị L1, ông Lê Văn N, bà Lê Thị X. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn K, ông Lê Văn L về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản đối với ông Huỳnh Văn M.

2. Buộc ông Huỳnh Văn M phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại tài sản cho các nguyên đơn như sau:

- Bồi thường cho vợ chồng ông Nguyễn Văn C số tiền 5.550.569 đồng (năm triệu năm trăm năm mười nghìn năm trăm sáu mươi chín đồng).

- Bồi thường cho vợ chồng ông Lê Văn K số tiền 6.000.000 đồng (sáu triệu đồng).

- Bồi thường cho vợ chồng bà Lê Thị L số tiền 13.970.000 đồng (mười ba triệu chín trăm bảy mươi nghìn đồng).

- Bồi thường cho vợ chồng ông Lê Văn L, số tiền 14.000.000 đồng (mười bốn triệu đồng).

- Bồi thường cho bà Phạm Thị L1 số tiền 31.316.028 đồng (ba mươi mốt triệu ba trăm mười sáu nghìn không trăm hai mươi tám đồng).

- Bồi thường cho vợ chồng ông Lê Văn N số tiền 19.205.200 đồng (mười chín triệu hai trăm lẻ năm nghìn hai trăm đồng).

- Bồi thường cho bà Lê Thị X số tiền 3.228.784 đồng (ba triệu hai trăm hai mươi tám nghìn bảy trăm tám mươi bốn đồng).

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Huỳnh Văn M phải chịu 4.663.530 đồng (bốn triệu sáu trăm sáu mươi ba nghìn năm trăm ba mươi đồng).

Ông Nguyễn Văn C phải chịu án phí 200.000 đồng, khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 168.000 đồng theo biên lai thu số 07310 ngày 20/01/2015, ông C nộp thêm 32.000 đồng (ba mươi hai nghìn đồng).

Ông Lê Văn K được nhận lại tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 262.000 đồng theo biên lai thu số 07305 ngày 20/01/2015.

Bà Lê Thị L phải chịu án phí là 200.000 đồng, khấu trừ vào tiền án phí đã nộp 750.000 đồng, theo biên lai thu số 07305 ngày 20/01/2015, bà L được nhận số tiền là 550.000 đồng (năm trăm năm mươi nghìn đồng).

Ông Lê Văn L được nhận lại số tiền đã nộp 700.000 đồng (bảy trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 07304 ngày 20/01/2015.

Bà Phạm Thị L1 phải chịu tiền án phí 684.000 đồng, khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 1.125.000 đồng theo biên lai thu số 07311 ngày 20/01/2015, bà L1 được nhận lại số tiền 441.000 đồng (bốn trăm bốn mươi mốt nghìn đồng).

Ông Lê Văn N phải chịu án phí 200.000 đồng, khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 675.000 đồng theo biên lai thu số 07306 ngày 20/01/2015, ông N được nhận lại 475.000 đồng (bốn trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

Bà Lê Thị X phải chịu tiền án phí 200.000 đồng, khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 150.000 đồng theo biên lai thu số 07307 ngày 20/01/2015 cùng của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Kiên Giang, bà X còn phải nộp thêm 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng).

- Án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả cho ông Huỳnh Văn M tiền tạm ứng án phí phúc thẩm ông M đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), theo biên lai thu số 0006997 ngày 11/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Kiên Giang.

4. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được  thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

787
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 110/2018/DS-PT ngày 31/05/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:110/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về