Bản án 108/2020/HNGĐ-ST ngày 29/12/2020 về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn và tranh chấp cấp dưỡng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KẾ SÁCH, TỈNH SÓC TRĂNG

 BẢN ÁN 108/2020/HNGĐ-ST NGÀY 29/12/2020 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON KHI LY HÔN VÀ TRANH CHẤP CẤP DƯỠNG

Ngày 29 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 451/2020/TLST-HNGĐ ngày 14 tháng 10 năm 2020 về việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 340/2020/QĐXXST-HNGĐ ngày 09 tháng 12 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà T. Địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Chỗ ở hiện nay: Ấp A1, xã B1, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

 Bị đơn: Ông H. Địa chỉ: Ấp A2, xã B2, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Chỗ ở hiện nay: Ấp A3, xã B1, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

 NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo nội dung đơn khởi kiện đề ngày 12/10/2020, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn bà T trình bày: Vào năm 2019 bà T và ông H kết hôn với nhau trên tinh thần tự nguyện, được Ủy ban nhân dân xã B2 cấp giấy chứng nhận kết hôn vào ngày 17/7/2019. Quá trình chung sống hai người có với nhau 01 người con chung là cháu V sinh ngày 24/10/2019, hiện nay cháu V đang sinh sống cùng với bà T và mẹ bà T tại nhà của mẹ bà T.

Quá trình chung sống đến khoảng tháng 8/2020, giữa hai người phát sinh mâu thuẫn (lý do ông H có vài lần đánh bà T, mỗi lần cãi nhau thì ông H hay qua nhà cha mẹ bà T nói là sẽ ly hôn với bà T), do không khắc phục được mâu thuẫn nên đến khoảng tháng 9/2020 bà T đã dẫn cháu V dọn về nhà mẹ bà T sinh sống và hai người ly thân từ đó cho đến nay. Trong thời gian này, ông H và mẹ ông H có đến nhà để tìm gặp bà T năn nỉ bà T cho ông H cơ hội để hàn gắn tình cảm và đoàn tụ vợ chồng, cha mẹ bà T cũng có động viên bà T quay về chung sống với ông H, nhưng bà T đều không đồng ý. Ông H cũng thường xuyên đến thăm nom cháu V nhưng chưa có lần nào gửi tiền để bà T nuôi dưỡng cháu V.

Mâu thuẫn vợ chồng chỉ là vấn đề nội bộ trong gia đình nên vợ chồng trước nay không có báo nhờ Ban nhân dân ấp, Công an xã hoặc Ủy ban nhân dân xã can thiệp. Tuy nhiên, cha mẹ bà T biết việc vợ chồng mâu thuẫn.

Hiện nay, thu nhập hàng tháng của bà T là khoảng trên 2.000.000đồng, mẹ bà T cũng có trích thu nhập từ công việc bán vé số để phụ giúp tiền cho bà T nuôi dưỡng cháu V; còn ông H làm bảo vệ ở Ngân hàng X với thu nhập hàng tháng là khoảng 6.000.000đồng, thu nhập này ông H chủ yếu sử dụng cho cá nhân ông H chứ không phải lo cho ai vì cha mẹ ông H vẫn còn khả năng lao động để tạo ra thu nhập.

Nay bà T yêu cầu Tòa án giải quyết:

+ Về hôn nhân: Bà T yêu cầu được ly hôn với ông H.

+ Về con chung: Bà T yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu V sinh ngày 24/10/2019 đến tuổi trưởng thành. Về cấp dưỡng nuôi con: Bà T yêu cầu ông H phải cấp dưỡng nuôi cháu V với mức là 1.500.000đồng/tháng cho đến khi cháu V đến tuổi trưởng thành hoặc cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo quy định của pháp luật.

+ Về tài sản chung, nợ chung: Bà T và ông H tự thỏa thuận, nên bà T không yêu cầu giải quyết.

- Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn ông H trình bày: Vào năm 2019 ông H và bà T kết hôn với nhau trên tinh thần tự nguyện, được Ủy ban nhân dân xã B2 cấp giấy chứng nhận kết hôn vào ngày 17/7/2019. Quá trình chung sống hai người có với nhau 01 người con chung là cháu V sinh ngày 24/10/2019, hiện nay cháu V đang sinh sống cùng với bà T và mẹ bà T.

Quá trình chung sống đến khoảng tháng 8/2020, giữa hai người phát sinh mâu thuẫn (lý do hai người có lời qua tiếng lại, khi cãi nhau ông H có đánh bà T 01 bạt tay…), do không khắc phục được mâu thuẫn nên đến khoảng tháng 9/2020, bà T có xin mẹ ông H cho bà T về nhà mẹ bà T sống vài ngày, sau đó ông H và mẹ ông H có đến nhà để tìm gặp bà T kêu bà T về nhưng bà T nói là để bà T nói chuyện lại với ông H sau, nhưng hiện nay bà T lại gửi đơn xin ly hôn với ông H. Ông H cũng đến thăm nom cháu V mỗi ngày, những ngày ông H không bận lịch trực cơ quan thì ông H đều ngủ lại với bà T và cháu V tại nhà mẹ bà T.

Mâu thuẫn vợ chồng chỉ là vấn đề nội bộ trong gia đình nên vợ chồng trước nay không có báo nhờ Ban nhân dân ấp, Công an xã hoặc Ủy ban nhân dân xã can thiệp. Ngoài ra, không ai khác biết việc vợ chồng mâu thuẫn.

Hiện nay, thu nhập hàng tháng của bà T là khoảng bao nhiêu thì ông H không rõ, mẹ bà T đi bán vé số hàng ngày, cha bà T không thấy có làm việc gì để tạo thu nhập; còn ông H hiện làm bảo vệ ở Ngân hàng X với thu nhập hàng tháng là khoảng 5.300.000đồng, thu nhập này ông H sử dụng cho cá nhân ông H khoảng từ 1.500.000đồng đến 2.000.000đồng/tháng, ngoài ra ông H còn phải lo cho vườn tược (tiền phân bón, thuốc…) và chăm lo cho cha mẹ ông H (hiện nay đều đã lớn tuổi, có nhiều bệnh) khoảng 1.000.000đồng/tháng, do đó toàn bộ thu nhập hàng tháng ông H đã chi tiêu hết không còn có dư khoản nào. Công việc bảo vệ của ông H hiện nay cũng không ổn định, có thể bị cơ quan điều đi nơi khác hoặc cho nghỉ việc bất cứ lúc nào. Tuy hiện nay ông H được cha bà T giao cho một mảnh vườn khoảng 02 công tại ấp A, xã B nhưng ông H chỉ mới bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu để trồng chanh, dừa, nhãn… chứ mảnh vườn này chưa tạo được thu nhập, dự kiến ít nhất là 03 năm sau mới có được thu nhập từ mảnh vườn này.

Đối với yêu cầu khởi kiện của bà T, ông H có ý kiến như sau:

+ Về hôn nhân: Ông H đồng ý ly hôn với bà T.

+ Về con chung: Ông H đồng ý giao con chung là cháu V sinh ngày 24/10/2019 cho bà T trực tiếp nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành. Về cấp dưỡng nuôi con: Do thu nhập hàng tháng ông H đã chi tiêu hết và công việc bảo vệ cũng không có sự ổn định nên ông H không có khả năng cấp dưỡng nuôi cháu V, yêu cầu giải quyết cho ông H không phải cấp dưỡng nuôi cháu V.

- Về tài sản chung, nợ chung: Ông H và bà T tự thỏa thuận, nên ông H không yêu cầu giải quyết.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà T thay đổi yêu cầu khởi kiện về vấn đề cấp dưỡng nuôi con, theo đó chỉ yêu cầu ông H phải cấp dưỡng nuôi con chung là cháu V sinh ngày 24/10/2019 với mức là 1.200.000đồng/tháng cho đến khi cháu V đến tuổi trưởng thành hoặc cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo quy định của pháp luật, đối với các vấn đề về hôn nhân, tài sản chung, nợ chung thì bà T vẫn giữ nguyên theo nội dung yêu cầu khởi kiện ban đầu; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng dân sự của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Về nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T; Về hôn nhân: Cho bà T được ly hôn với ông H; Về con chung: Giao cháu V cho bà T trực tiếp nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành và dành quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục cháu V cho ông H không ai được cản trở; Về cấp dưỡng nuôi con: Buộc ông H phải cấp dưỡng nuôi cháu V theo quy định của pháp luật; Về tài sản chung, nợ chung: Do bà T và ông H tự thỏa thuận, nên không đặt ra xem xét, giải quyết; Về án phí sơ thẩm: Buộc bà T và ông H phải chịu theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, theo phát biểu và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Theo nội dung yêu cầu khởi kiện ban đầu, về hôn nhân, bà T yêu cầu được ly hôn với ông H; về con chung và cấp dưỡng nuôi con, bà T yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu V sinh ngày 24/10/2019 đến tuổi trưởng thành và yêu cầu ông H phải cấp dưỡng nuôi cháu V với mức là 1.500.000đồng/tháng cho đến khi cháu V đến tuổi trưởng thành hoặc cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo quy định của pháp luật; về tài sản chung, nợ chung, bà T và ông H tự thỏa thuận, nên bà T không yêu cầu giải quyết. Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử, xác định quan hệ pháp luật ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Do vậy, Hội đồng xét xử xác định lại quan hệ pháp luật ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn và tranh chấp về cấp dưỡng theo đúng quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Trinh thay đổi yêu cầu khởi kiện về vấn đề cấp dưỡng nuôi con, theo đó chỉ yêu cầu ông H phải cấp dưỡng nuôi cháu V với mức là 1.200.000đồng/tháng cho đến khi cháu V đến tuổi trưởng thành hoặc cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo quy định của pháp luật. Xét thấy, việc thay đổi yêu cầu khởi kiện trên của bà T là không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu và phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3] Ông H là bị đơn, có địa chỉ thường trú tại ấp A2, xã B2, huyện C, tỉnh Sóc Trăng và chỗ ở hiện nay tại ấp A3, xã B1, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[4] Về quan hệ hôn nhân: Bà T và ông H là những người có đủ điều kiện kết hôn, hai người đã tự nguyện tiến đến hôn nhân, có đăng ký kết hôn và được Ủy ban nhân dân xã B2 cấp giấy chứng nhận kết hôn vào ngày 17/7/2019, nên quan hệ hôn nhân giữa bà T và ông H là hợp pháp. Quá trình giải quyết vụ án, bà T và ông H đều thừa nhận sau khi kết hôn thì đến khoảng tháng 8/2020, giữa hai người bắt đầu phát sinh nhiều mâu thuẫn, có xảy ra việc cãi vả nhau và ông H có đánh bà T…, do không khắc phục được mâu thuẫn nên đến khoảng tháng 9/2020 bà T đã dẫn cháu V về sống cùng với mẹ bà T và hai người đã sống ly thân từ đó cho đến nay; mặc dù ông H, mẹ ông H và cha mẹ bà T có khuyên nhủ bà T quay trở về chung sống với ông H nhưng bà T đều không đồng ý. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cũng đã tiến hành hòa giải nhưng hai người không tìm ra được cách thức để hàn gắn tình cảm và khắc phục mâu thuẫn để vợ chồng có thể đoàn tụ với nhau, từ đó việc hòa giải không thành. Việc bà T và ông H phát sinh nhiều mâu thuẫn và đã sống ly thân từ tháng 9/2020 cho đến nay, mỗi người sống ở một nơi và không còn tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau cũng như thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác của vợ chồng, mặc dù đã được gia đình hai bên khuyên nhủ và Tòa án hòa giải nhiều lần nhưng vẫn không hàn gắn được cho thấy quan hệ hôn nhân giữa hai người đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà T vẫn kiên quyết yêu cầu được ly hôn với ông H và ông H cũng đồng ý ly hôn với bà T. Vì vậy, việc bà T yêu cầu được ly hôn với ông H là có căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nên được Hội đồng xét xử chấp nhận và giải quyết cho bà T được ly hôn với ông H.

[5] Về con chung: Trong thời kỳ hôn nhân, bà T và ông H có với nhau 01 người con chung là cháu V sinh ngày 24/10/2019. Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”, về nguyên tắc khi giải quyết cho bà T và ông H ly hôn thì cháu V dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho bà T trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp bà T không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng cháu V hoặc giữa bà T và ông H có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của cháu V. Quá trình giải quyết vụ án, bà T yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng cháu V và ông H cũng đồng ý giao cháu V cho bà T trực tiếp nuôi dưỡng, đây được xem là sự thỏa thuận giữa bà T và ông H về người trực tiếp nuôi con theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Đồng thời, từ tháng 9/2020 cho đến nay cháu V sống cùng với bà T và do bà T trực tiếp muôi dưỡng, tuy thu nhập hàng tháng của bà T chỉ khoảng trên 2.000.000đồng nhưng mẹ bà T cũng có trích thu nhập để phụ giúp tiền cho bà T nuôi dưỡng cháu V, nên bà T vẫn có đủ khả năng để trực tiếp nuôi dưỡng cháu V, việc tiếp tục giao cháu V cho bà T trực tiếp nuôi dưỡng là phù hợp. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông H cũng thừa nhận việc ông H đồng ý giao cháu V cho bà T trực tiếp nuôi dưỡng là do hiện nay ông H không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng cháu V. Do đó, căn cứ vào sự thỏa thuận giữa bà T và ông H về người trực tiếp nuôi con trên cơ sở xem xét quyền lợi về mọi mặt của cháu V, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng cháu V của bà T và giải quyết giao cháu V cho bà T trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đến tuổi trưởng thành. Ông H được quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu V, không ai được cản trở ông H thực hiện các quyền này. Ông H không được lạm dụng việc thăm nom cháu V để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu V của bà T. Trường hợp ông H có các hành vi này thì bà T có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom cháu V của ông H. Sau khi ly hôn, người trực tiếp nuôi con có thể được Tòa án quyết định thay đổi theo quy định của pháp luật.

[6] Về cấp dưỡng nuôi con: Bà T yêu cầu ông H cấp dưỡng nuôi cháu V với mức 1.200.000đồng/tháng cho đến khi cháu V đến tuổi trưởng thành hoặc cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo quy định của pháp luật; còn ông H không đồng ý cấp dưỡng nuôi cháu V với lý do với thu nhập hiện nay thì ông H không có khả năng để cấp dưỡng nuôi cháu V. Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên… trong trường hợp không sống chung với con…”, cho nên ông H không sống chung với cháu V thì ông H phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu V, đây là nghĩa vụ bắt buộc theo luật định. Việc cấp dưỡng nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn là nhằm mục đích đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con, nhằm đảm bảo các điều kiện vật chất tối thiểu (về ăn, mặc, ở, học tập, vui chơi, giải trí, khám bệnh, chữa bệnh...) phục vụ cho nhu cầu sống của con, giúp cho con được phát triển bình thường, nhất là sự ổn định về tâm sinh lý của con sau khi cha mẹ ly hôn. Vì vậy, việc ông H không đồng ý cấp dưỡng nuôi cháu V là không có căn cứ.

[7] Về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng: Do giữa bà T và ông H không thỏa thuận được với nhau về việc cấp dưỡng nên Tòa án sẽ quyết định về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng. Khoản 1 Điều 116 và Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết” và “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Ông H cho rằng hiện nay thu nhập hàng tháng của ông H là khoảng 5.300.000đồng, thu nhập này ông H sử dụng cho cá nhân ông H khoảng từ 1.500.000đồng đến 2.000.000đồng/tháng còn lại phải lo chi phí cho mảnh vườn mà cha bà T giao cho ông H canh tác và chăm lo cho cha mẹ ông H (hiện nay đều đã lớn tuổi, có nhiều bệnh), nên toàn bộ thu nhập hàng tháng ông H đã chi tiêu hết không còn có dư khoản nào. Xét thấy, Ngân hàng X (là nơi ông H đang làm việc) xác nhận thu nhập hàng tháng của ông H trong các tháng 6, 7, 8, 9, 10/2020 bao gồm lương, phụ cấp và lương tăng ca là 6.058.000đồng/tháng; ông M (là cha bà T) xác nhận ông M có cho ông H và bà T mượn 01 mảnh vườn để canh tác, hàng tháng ông H có bỏ chi phí cho mảnh vườn này nhưng tối đa chỉ khoảng 500.000đồng, 600.000đồng vì ông M cũng có bỏ công ra làm vườn tiếp và hỗ trợ cho ông H về chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cây… và vài tháng mới bón phân, xịt thuốc một lần chứ không có làm thường xuyên; bà N (là mẹ bà T) và ông R (là Trưởng BND ấp A3, xã B1, huyện C) xác nhận hiện nay mẹ ông H (tên P) có mở một quầy bán bún tại ấp A3, xã B1, huyện C còn cha ông H (tên Q) làm bảo vệ tại Bệnh viện Y, hai người này đều còn khả năng lao động, thu nhập và kinh tế ổn định không cần thiết con cái phải chu cấp hàng tháng. Do đó, lời trình bày của ông H về việc toàn bộ thu nhập hàng tháng ông H đã chi tiêu hết không còn có dư khoản nào nên không có khả năng để cấp dưỡng nuôi cháu V, là không có căn cứ chấp nhận. Tuy nhiên, việc ông H có bỏ chi phí lo cho vườn tược là có thật, đồng thời việc ông H có trích ra một phần thu nhập hàng tháng để lo cho cha mẹ ông H là việc làm phù hợp của một người con trong gia đình, các vấn đề này cần phải được xem xét khi quyết định mức cấp dưỡng. Về mức chi tiêu tối thiểu để nuôi dưỡng một đứa trẻ hàng tháng tại địa phương Tòa án có tham khảo ý kiến thì được ông R (là Trưởng BND ấp A3, xã B1, huyện C) cung cấp là khoảng 2.500.000đồng, ông S (là Trưởng BND ấp A1, xã B1, huyện C) và ông K (là Trưởng BND ấp A, xã B, huyện C) cung cấp là khoảng 3.000.000đồng. Từ đó, căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của ông H và nhu cầu thiết yếu của cháu V, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của bà T về việc cấp dưỡng nuôi con và giải quyết buộc ông H phải cấp dưỡng nuôi cháu V với mức là 1.200.000đồng/tháng (tương đương khoảng 20% mức thu nhập hàng tháng hiện nay của ông H). Việc cấp dưỡng được thực hiện định kỳ hàng tháng, kể từ ngày xét xử sơ thẩm (29/12/2020) cho đến khi cháu V đến tuổi trưởng thành hoặc cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo quy định của pháp luật, địa điểm cấp dưỡng là tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trường hợp sau này khi có lý do chính đáng chẳng hạn trong thời gian cấp dưỡng nuôi cháu V mà ông H có khó khăn về kinh tế như có sự sụt giảm lớn về thu nhập, làm ăn thua lỗ, do tình hình sức khỏe mà không việc được… hoặc mức cấp dưỡng 1.200.000đồng/tháng không còn phù hợp theo thời giá thị trường nữa thì các bên có liên quan có quyền thỏa thuận lại về việc thay đổi mức cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì quyết định của Hội đồng xét xử về việc cấp dưỡng nêu trên được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

[8] Về tài sản chung và nợ chung: Bà T và ông H tự thỏa thuận và không yêu cầu giải quyết, nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét, giải quyết.

[9] Về cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn: Bà T và ông H không yêu cầu giải quyết, nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét, giải quyết.

[10] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng tại phiên tòa sơ thẩm là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[11] Về án phí sơ thẩm: Bà T phải chịu án phí sơ thẩm với số tiền 300.000đồng (đối với yêu cầu ly hôn) và ông H phải chịu án phí sơ thẩm với số tiền 300.000đồng (đối với nghĩa vụ cấp dưỡng) theo quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 24, điểm a khoản 5, điểm đ khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1, khoản 5 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 147, khoản 1 Điều 244, Điều 266, Điều 271, khoản 1 Điều 273, điểm a khoản 2 Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 56, Điều 58, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84, Điều 107, Điều 110, Điều 116, Điều 117, Điều 118, Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 24, điểm a khoản 5, điểm đ khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: 1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T.

1.1. Về quan hệ hôn nhân: Bà T được ly hôn với ông H. (Theo Giấy chứng nhận kết hôn số: 77, ngày đăng ký: 17/7/2019, do Ủy ban nhân dân xã B2, huyện C, tỉnh Sóc Trăng cấp) 1.2. Về con chung và cấp dưỡng nuôi con:

1.2.1. Giao con chung là cháu V sinh ngày 24/10/2019 cho bà T trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đến tuổi trưởng thành.

- Ông H được quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu V, không ai được cản trở ông H thực hiện các quyền này.

- Ông H không được lạm dụng việc thăm nom cháu V để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu V của bà T. Trường hợp ông H có các hành vi này thì bà T có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom cháu V của ông H theo quy định của pháp luật.

- Sau khi ly hôn, người trực tiếp nuôi cháu V có thể được Tòa án quyết định thay đổi theo quy định của pháp luật.

1.2.2. Ông H phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu V với mức là 1.200.000đồng (Một triệu hai trăm nghìn đồng)/tháng.

- Việc cấp dưỡng được thực hiện định kỳ hàng tháng, kể từ ngày xét xử sơ thẩm (29/12/2020) cho đến khi cháu V đến tuổi trưởng thành hoặc cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo quy định của pháp luật. Địa điểm cấp dưỡng: Tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng nêu trên có thể được thay đổi theo sự thỏa thuận giữa các bên có liên quan hoặc do Tòa án quyết định thay đổi theo quy định của pháp luật.

- Phần quyết định về cấp dưỡng nuôi con nêu trên được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

1.3. Về tài sản chung và nợ chung: Bà T và ông H tự thỏa thuận và không yêu cầu giải quyết, nên Tòa án không đặt ra xem xét, giải quyết.

1.4. Về cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn: Bà T và ông H không yêu cầu giải quyết, nên Tòa án không đặt ra xem xét, giải quyết.

2. Về án phí sơ thẩm:

2.1. Bà T phải chịu án phí sơ thẩm với số tiền là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm mà bà T đã nộp là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0006679, ngày 14 tháng 10 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Như vậy, bà T đã thực hiện xong nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm.

2.2. Ông H phải chịu án phí sơ thẩm với số tiền là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng).

3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Trưng hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

228
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 108/2020/HNGĐ-ST ngày 29/12/2020 về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn và tranh chấp cấp dưỡng

Số hiệu:108/2020/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kế Sách - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 29/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về