TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 108/2019/HSPT NGÀY 10/04/2019 VỀ TỘI SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 10-4-2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử ẩm công khai vụ thụ lý số 41/2018/HSPT ngày 14-12-2018 đối với Phan Chí T, bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên kết án về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Do có kháng cáo của người người bị hại đối với Bản án sơ thẩm số 21/2018/HSST ngày 08/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên.
Bị cáo bị kháng cáo: Phan Chí T (tên gọi khác Heo), sinh năm: 1995 tại Phú Yên; địa chỉ cư trú: khu phố P, thị trấn H, huyện Đ, tỉnh Phú Yên; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 11/12; nghề nghiệp: làm nông; con ông T1, sinh năm 1968 và bà T2, sinh năm 1966; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 05-6-2018, có mặt.
Người tham gia tố tụng có kháng cáo và có liên quan đến kháng cáo:
- Người bị hại kháng cáo: Chị A, sinh năm 1992; địa chỉ cư trú: số 5, ngách 12, ngõ 35, phố T3, phường QT, quận Đ1, Thành phố Hà Nội, có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Những người bị hại có liên quan đến kháng cáo:
1. Chị B, sinh năm 1979; địa chỉ cư trú: Phòng 1201, Tòa C, Chung cư GL, số 275, đường N1, phường T4, quận X1, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.
2. Chị C, sinh năm 1981; địa chỉ cư trú: số 39, ngõ 156, phố T5, phường Y, quận Y1, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.
3. Chị D, sinh năm 1986; địa chỉ cư trú: số 01, ngõ 594/35, đường L1, phường L2, quận Đ1, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.
4. Chị E, sinh năm 1991; địa chỉ cư trú: số 14, đường M1, phường T6, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, vắng mặt.
6. Chị F, sinh năm 1993; địa chỉ cư trú: nhà số 19, tổ 2, phố G2, phường N2,quận X1, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.
7. Chị G, sinh năm 1984; địa chỉ cư trú: nhà số 6, ngõ 21, phố V1, phường V1, quận L3, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.
8. Chị I, sinh năm 1985; địa chỉ cư trú: nhà số 6A, ngõ 414, đường L1, phường L2, quận Đ1, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông K, sinh năm 1968; địa chỉ cư trú: khu phố P, thị trấn H, huyện Đ, tỉnh Phú Yên, vắng mặt.
2. Anh L, sinh năm 1992; địa chỉ cư trú: khu phố P, thị trấn H, huyện Đ, tỉnh Phú Yên, vắng mặt.
3. Chị M, sinh năm 1995; địa chỉ cư trú: thôn P2, xã H1, huyện Đ, tỉnh Phú Yên, vắng mặt.
4. Anh N, sinh năm 1995; địa chỉ cư trú: khu phố P3, thị trấn H, huyện Đ, tỉnh Phú Yên, vắng mặt.
5. Chị P, sinh năm 1997; địa chỉ cư trú: ấp A1, xã A2, huyện C2, Thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.
6. Chị Q, sinh năm 2000; địa chỉ cư trú: khu phố 4, phường P4, thành phố T7, tỉnh Phú Yên, vắng mặt.
7. Chị V, sinh năm 1983; địa chỉ cư trú: nhà số 11, phố C1, quận K1, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phan Chí T nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội Facebook. Do đó, khoảng tháng 7-2017, T đăng nhập vào trang “Google Adsense Viet Nam” tìm mua các tài khoản Facebook kinh doanh mua bán túi xách, ba lô... của các nhãn hàng nổi tiếng thế giới, có lượng người truy cập cao. Sau khi mua tài khoản Faceboook, T sử dụng các hình ảnh đã đăng tải sẵn có và dùng điện thoại tải hình ảnh sản phẩm các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel... về để đăng bán trên các trang Facebook này với giá rẻ hơn giá thị trường. Khi có người hỏi mua, T và người mua hàng nhắn tin trao đổi thông tin liên quan đến sản phẩm trên các tài khoản Facebook mà T đã mua trước đó và thống nhất giá bán. Sau đó, T cung cấp các tài khoản Ngân hàng gồm: tài khoản Ngân hàng B1 số 0481000715872 tên M (do T nhờ N mượn từ bạn của N); tài khoản Ngân hàng B1 số 0751000035027 tên Q (do T nhờ chị Q đứng tên mở tài khoản rồi đưa lại cho T sử dụng) và tài khoản Ngân hàng B1 số 0441000745342 tên P (do T mua trên mạng) để người mua hàng chuyển tiền vào các tài khoản này cho T. Sau khi nhận được tiền, T không giao hàng và chặn liên lạc với người mua. Số tiền người mua hàng chuyển, T sử dụng các dịch vụ MobileBanking chuyển đến tài khoản Ngân hàng khác rồi dùng thẻ ATM rút tiền tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn trên, T đã thực hiện 08 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 185.500.000 đồng, cụ thể như sau:
- Vụ thứ nhất: ngày 01-9-2017, Phan Chí T sử dụng tài khoản Facebook tên “Tang Hang”, ID 100004467480999 đăng bán 01 túi xách hiệu Chanel Woc, với giá 21.000.000 đồng. Thông qua phần mềm tin nhắn trên Facebook, chị B, tên tài khoản Facebook “B Pham” hỏi mua túi xách trên. T và chị B nhắn tin trao đổi thông tin sản phẩm và thống nhất giá bán là 20.000.000 đồng. Sau khi thỏa thuận, T đưa tài khoản Ngân hàng B1 số 0751000035027 tên Q để chị B chuyển tiền. Ngày 02-9-2017, chị B chuyển 20.000.000 đồng vào tài khoản trên cho T, nhưng khi nhận được tiền trong tài khoản, T không giao hàng cho chị B mà chặn Facebook “B Pham”. Sau đó, T sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng B1 số 0481000715872 tên M rồi dùng thẻ ATM rút toàn bộ số tiền trên sử dụng cá nhân.
- Vụ thứ hai: ngày 19-9-2017, Phan Chí T sử dụng tài khoản Facebook tên “Hoàng Hiền Thương”, ID 100004978514511 đăng bán 01 túi xách hiệu Chanel, với giá 26.000.000 đồng. Chị C, tên tài khoản Facebook “Vu C” hỏi mua túi xách trên. T và chị C nhắn tin trao đổi thông tin sản phẩm và thống nhất giá bán là 25.500.000 đồng. Sau khi thỏa thuận, T đưa tài khoản Ngân hàng B1 số 0441000745342 tên P để chị C chuyển tiền. Ngày 20-9-2018, chị C chuyển 25.500.000 đồng vào tài khoản trên cho T, nhưng khi nhận được tiền trong tài khoản, T không giao hàng cho chị C mà chặn Facebook “Vu C”. Sau đó, T sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng B1 số 0751000032348 tên L rồi dùng thẻ ATM rút tiền sử dụng cá nhân.
- Vụ thứ ba: ngày 02-10-2017, Phan Chí T sử dụng tài khoản Facebook tên “Cao Thi Thanh Thuy”, ID 100004978514511 đăng bán 01 túi xách hiệu Chanel Woc với giá 25.000.000 đồng. Chị D, tên tài khoản Facebook “Nguyễn D” hỏi mua túi xách trên. T và chị D nhắn tin trao đổi thông tin sản phẩm và thống nhất giá bán là 21.000.000 đồng. Sau khi thỏa thuận, T đưa tài khoản Ngân hàng B1 số 0441000745342 tên P để chị D chuyển tiền. Ngày 02-10-2017, chị D chuyển 21.000.000 đồng vào tài khoản trên cho T, nhưng nhận được tiền trong tài khoản, Tkhông giao hàng cho chị D mà chặn Facebook “Nguyễn D”. Sau đó, T sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng B1 số0751000032348 tên L rồi dùng thẻ ATM rút tiền sử dụng cá nhân.
- Vụ thứ tư: khoảng đầu tháng 01-2018, chị E, sử dụng Facebook “E Bi” vào nhóm Facebook “TÍN ĐỒ HÀNG HIỆU.NET” đăng thông tin cần mua ba lô hàng hiệu. Đọc được thông tin, T nhắn tin vào trang Facebook “E Bi” là có bán ba lô hàng hiệu và thống nhất giá bán ba lô hiệu MCM là 11.500.000 đồng. Sau khi thỏa thuận, T đưa tài khoản Ngân hàng B1 số 0441000745342 tên P để chị E chuyển tiền. Ngày 15-01-2018, chị E chuyển 5.000.000 đồng và ngày 17-01-2018 tiếp tục chuyển 6.500.000 đồng vào tài khoản trên, nhưng khi nhận được tiền trong tài khoản, T không giao hàng cho chị E mà chặn Facebook “E Bi”. Sau đó, T sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng B1 số 0751000040110 của T rồi dùng thẻ ATM rút tiền sử dụng cá nhân.
- Vụ thứ năm: ngày 01-3-2018, Phan Chí T sử dụng tài khoản Facebook tên “Kiều Oanh”, ID 100004018820957 đăng bán 01 túi xách hiệu Dior Pouch, với giá 25.000.000 đồng. Chị A, tên tài khoản Facebook “Sâu A” hỏi mua túi xách trên, Tvà chị A nhắn tin trao đổi thông tin sản phẩm và thống nhất giá bán là 23.000.000đồng. Sau khi thỏa thuận, T đưa số tài khoản Ngân hàng B1 số 0441000745342 tên P để chị A chuyển tiền. Ngày 01-3-2018, chị A chuyển 23.000.000 đồng vào tài khoản trên. Ngày 06-3-2018, chị A tiếp tục thấy tài khoản Facebook tên “Kiều Oanh” đăng bán 01 túi xách hiệu Dior da cá sấu, với giá 23.000.000 đồng nên hỏi mua. Qua nhắn tin trao đổi, T thống nhất bán với giá 19.500.000 đồng, nên ngày 06-3-2018, chị A chuyển 19.500.000 đồng vào tài khoản trên cho T. Sau khi nhận 42.500.000 đồng của chị A, T không giao hàng mà chặn Facebook “Sâu A”. Sau đó, T sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng B1 số 0751000040110 của T rồi dùng thẻ ATM rút tiền sử dụng cá nhân.
- Vụ thứ sáu: ngày 20-3-2018, Phan Chí T sử dụng tài khoản Faceboook tên “Minh Thủy”, ID 100004392123833 đăng bán 01 túi xách hiệu Gucci, với giá 21.000.000 đồng. Chị F, tên tài khoản Facebook “F” hỏi mua túi xách trên. T và chị F nhắn tin trao đổi thông tin sản phẩm và thống nhất giá bán là 20.500.000 đồng. Sau khi thỏa thuận, T đưa tài khoản Ngân hàng B1 số 0441000745342 tên P để chị F chuyển tiền. Ngày 20-3-2018, chị F chuyển 20.500.000 đồng vào tài khoản trên cho T, nhưng khi nhận được tiền, T không giao hàng cho chị F mà chặn Facebook “F”.
Sau đó, T sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng B1 số 0751000040110 của T rồi dùng thẻ ATM rút tiền sử dụng cá nhân.
- Vụ thứ bảy: ngày 26-3-2018, Phan Chí T sử dụng tài khoản Facebook tên “V”, ID 1000013906624550 đặt mua một đôi giày của tài khoản Facebook tên “V” của chị V, với giá 2.300.000 đồng. Để trả tiền mua giày, T sao chép hình ảnh túi xách hiệu Gucci của tài khoản Facebook “V” rồi đăng bán trên tài khoản Facebook “V” của T với giá 21.000.000 đồng. Chị G, tên tài khoản Facebook “Sakura Luu” hỏi mua túi xách trên. T và chị G nhắn tin trao đổi thông tin sản phẩm và thống nhất giá bán là 21.000.000 đồng. Sau khi thỏa thuận, T đưa số tài khoản Ngân hàng B1 số 0011004223552 của chị V để chị G chuyển tiền. Ngày 29-3-2018 và ngày 02-4-2018, chị G hai lần chuyển tiền, tổng cộng là 21.000.000 đồng vào tài khoản của chị V. Sau khi chị G chuyển tiền, T không giao hàng mà chặn tài khoản Facebook “Sakura Luu” rồi T nhắn tin cho tài khoản Facebook “V” yêu cầu chuyển hàng và trả lại tiền thừa 18.700.000 đồng vào tài khoản Ngân hàng B1 số 0441000745342 tên P. Từ ngày 29-3-2018 đến ngày 02-4-2018, chị V đã chuyển bán cho T một đôi giày và 18.700.000 đồng. Sau đó, T sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng B1 số 0751000040110 của T rồi dùng thẻ ATM rút tiền sử dụng cá nhân.
- Vụ thứ tám: ngày 02-4-2018, Phan Chí T sử dụng tài khoản Facebook tên “Hoài Tina”, ID 10000415546698 đăng bán 01 túi xách hiệu Louis Vuitton, với giá 27.000.000 đồng. Chị I, tên tài khoản Facebook “Nguyên I” hỏi mua túi xách trên. T và chị I trao đổi thông tin sản phẩm và thống nhất giá bán là 23.500.000 đồng. Sau khi thỏa thuận, T đưa số tài khoản Ngân hàng B1 số 0441000745342 tên P để chị I chuyển tiền. Ngày 03-4-2018, chị I chuyển 23.500.000 đồng vào tài khoản trên cho T, nhưng khi nhận được tiền trong tài khoản, T không giao hàng mà chặn Facebook “Nguyên I”. Sau đó, T sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng B1 số 0751000040110 của T rồi dùng thẻ ATM rút tiền sử dụng cá nhân.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 21/2018/HSST ngày 08-11-2018, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên:
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 290; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xử phạt: Phan Chí T 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 05-6-2018.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định trách nhiệm dân sự; xử lý vật chứng; án phí hình sự, án phí dân sự và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
- Ngày 03-12-02018, người bị hại là chị A kháng cáo tăng hình phạt đối với Phan Chí T và yêu cầu bị cáo bồi thường cho những người bị hại 100.000.000 đồng.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự: không chấp nhận kháng cáo của người bị hại; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bị hại có đơn xin xét xử vắng mặt, nhưng giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo. Bị cáo Phan Chí T cho rằng có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, sau khi phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, nên đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Do trước đó Phan Chí T bán hàng qua mạng Internet, nhưng bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hết tiền, nên T có ý định lừa đảo để lấy lại tiền. Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phan Chí T đã đăng nhập vào trang “Google Adsense Viet Nam” tìm mua các tài khoản Facebook kinh doanh mua bán túi xách, ba lô... của các nhãn hàng nổi tiếng thế giới, có lượng người truy cập cao. Sau khi mua tài khoản Faceboook, T sử dụng các hình ảnh đã đăng tải sẵn có và dùng điện thoại tải hình ảnh sản phẩm các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel... về để đăng bán trên các trang Facebook này với giá rẻ hơn giá thị trường. Khi có người hỏi mua, T và người mua hàng nhắn tin trao đổi thông tin liên quan đến sản phẩm trên các tài khoản Facebook mà T đã mua trước đó và thống nhất giá bán. Sau đó, T cung cấp các tài khoản Ngân hàng mang tên T hoặc mang tên người khác, do T nhờ đứng tên. Từ tháng 9-2017 đến tháng 4-2018, T đã thực hiện 08 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 185.500.000 đồng. Sau đó, T sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng B1 của T rồi dùng thẻ ATM rút số tiền này để tiêu xài cá nhân.
Với hành vi phạm tội như nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Phan Chí T về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2]. Xét kháng cáo của chị A, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
[2.1]. Về yêu cầu tăng hình phạt:
Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet, Phan Chí T đã dùng điện thoại di động Iphone 6 đăng nhập vào các trang mạng xã hội, tìm mua các tài khoản Ngân hàng, tài khoản Facebook, sao chép, tải hình ảnh một số sản phẩm, thời trang hàng hiệu như túi xách, ví da rồi đăng bán Online trên nhiều tài khoản Facebook cá nhân bằng nhiều tên khác nhau. Để mọi người tin tưởng mua hàng, chuyển tiền, T đăng hình ảnh hàng hiệu và bán giá thấp hơn so với giá sản phẩm. Khi có người đồng ý mua hàng, thì T yêu cầu chuyển tiền trước, gửi hàng sau, nhưng thực tế T không có hàng để bán. Do đó, khi nhận được tiền, T liền chặn Facebook của người mua rồi sử dụng dịch vụ MobileBanking chuyển số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng mang tên T hoặc mang tên người khác, do T nhờ đứng tên rồi rút tiền tiêu xài cá nhân, cụ thể từ tháng 9-2017 đến tháng 4-2018, Phan Chí T chiếm đoạt của B 20.000.000 đồng, chị C 25.500.000 đồng, chị D 21.000.000 đồng, chị E 11.500.000 đồng, chị A 42.500.000 đồng, chị F 20.500.000 đồng, chị G 21.000.000 đồng và chị I 23.500.000 đồng.
Hành vi phạm tội của Phan Chí T là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác, gây nhiều dư luận xấu trong nhân dân. Trong thời gian ngắn, Phan Chí T đã sử dụng mạng xã hội để lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt tổng số tiền 185.500.000 đồng, nên cần phải áp dụng đối với bị cáo một hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã khắc phục một phần thiệt hại (30.000.000 đồng); đồng thời, bị cáo có ông nội là Phan Văn X1 là người có công với cách mạng, được tặng Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng, bị địch bắt tù đày. Do đó, khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015, xử phạt bị cáo 03 năm 06 tháng tù là tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo. Vì vậy, kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo của người bị hại không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
[2.2]. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại: Từ tháng 9-2017 đến tháng 4-2018, Phan Chí T thực hiện 08 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền 185.500.000 đồng. Quá trình điều tra, T đã tự nguyện bồi thường 30.000.000 đồng, còn lại là 155.000.000 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo phải bồi thường cho những người bị hại đúng số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết; do đó, kháng cáo về yêu cầu bồi thường thiệt hại của chị A không có căn cứ, nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
[3]. Các quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.
[4]. Về án phí hình sự: do kháng cáo tăng nặng trách nhiệm hình sự không được chấp nhận, nên Phan Chí T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
- Không chấp nhận kháng cáo của người bị hại là chị A.
- Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 21/2018/HSST ngày 08-11-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 290; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Xử phạt: Phan Chí T 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 05-6-2018.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có khán g cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 108/2019/HSPT ngày 10/04/2019 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 108/2019/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 10/04/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về