TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 106/2021/DS-PT NGÀY 15/07/2021 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 15 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 45/2021/TLPT- DS ngày 01 tháng 4 năm 2020 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DSST ngày 29/01/2021 của Toà án nhân dân huyện Krông Búk bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 68/2021/QĐPT-DS ngày 19 tháng 5 năm 2021, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Lê Đức D; địa chỉ: Thôn E, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk;
2. Bị đơn: Ông Bùi Xuân Đ; địa chỉ: Thôn E, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk;
3. Người kháng cáo: Ông Lê Đức D và ông Bùi Xuân Đ (Đều có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
1/ Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, nguyên đơn trình bày:
Ngày 28/12 âm lịch, ngày dương lịch ông D không nhớ rõ của năm 2019, ông D có đi ăn tất niên xóm và gặp ông Bùi Xuân Đ. Trong quá trình nói chuyện thì ông Đ biết ông D đang bị ngứa mu bàn chân và đầu gối ở chân trái. Ông Đ có gợi ý là ông Đ trị bệnh được nên sau tết nguyên đán ông D có qua nhà ông Đ để khám và điều trị. Cụ thể:
Đợt 1: từ ngày 07/3/2019 đến ngày 13/3/2019, tại nhà ông Đ thì ông Đ có tiêm vào vùng đầu gối và mu bàn chân trái ông D 11 lọ thuốc K-cort, cụ thể: vào ngày 07/3/2019 ông Đ tiêm 01 lọ, vào ngày 8/3/2019 đến ngày 13/03/2019 ông Đ tiêm 02 lọ/lần/ngày.
Đợt 2: Cách khoảng 10 ngày sau thì ông D thấy chân có dấu hiệu sưng tấy đỏ thì ông Đ dùng dao y tế rạch vết thương và tiếp tục tiêm 6 lọ với liều lượng 2 lọ/lần/ngày. Sau đó bệnh tình không đỡ mà chân ông D tiếp tục sưng tấy nên ông Đ tiếp tục dùng dao y tế rạch vết thương, nặn mủ, rửa sạch vết thương, băng bó và bảo ông D giữ vết thương cho sạch sẽ, không nói ông D đi bệnh viện xử lý.
Qua tìm hiểu thì ông D được biết là ông Đ đã tiêm quá liều K-cort vào cơ thể nên dẫn tới gối trái bị hoại tử, áp xe mô mềm phải nhập viện điều trị, cụ thể quá trình điều trị bệnh và chi phí khám chữa bệnh như sau:
* Tiền xe đi lại và chi phí điều trị tại bệnh viện đa khoa TH:
Đợt 1: Từ ngày 06/4/2019 đến ngày 25/4/2019:
- Tiền thuê xe đi và về: 1.500.000 đồng.
- Tiền viện phí (theo hoá đơn ngày 25/4/2019): 20.300.997 đồng.
Đợt 2: Từ ngày 23/7/2019 đến 09/8/2019.
- Tiền thuê xe đi và về: 1.500.000 đồng.
- Tiền viện phí (theo hoá đơn ngày 9/8/2019): 4.879.697 đồng.
Thay băng, tiểu phẫu, khâu vết thương vào các ngày 26/4/2019, 28/4/2019, 4/5/2019, 7/5/2019, 13/5/2019, 2/6/2019, 11/8/2019, 15/8/2019:
- Tiền thuê xe đi tái khám (08 lần trong 08 ngày): 1.500.000đ x 8 = 12.000.000 đồng.
- Tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 26/4/2019: 694.000 đồng;
- Tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 28/4/2019:228.000 đồng.
- Tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 4/5/2019: 341.350 đồng.
- Tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 7/5/2019: 129.400 đồng.
- Tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 13/5/2019: 740.000đ + 40.000đ = 780.000 đồng.
- Tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 2/6/2019: 370.000đ + 40.000đ = 410.000 đồng.
- Tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 15/8/2019: 370.000đ + 40.000đ = 410.000 đồng.
- Tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 11/8/2019: 7.000đ + 17.200đ = 24.200 đồng.
Tổng cộng: 43.197.644 đồng.
* Tiền thuê xe đi lại và chi phí điều trị tại bệnh viện đa khoa thị xã BH:
Tổng cộng 1.704.572đồng, bao gồm:
Đợt 1: từ ngày 12/6/2019 đến ngày 19/6/2019:
- Tiền thuê xe từ nhà đến bệnh viện BH và ngược lại: 500.000 đồng.
- Tiền viện phí theo hoá đơn ngày 19/6/2019: 278.372 đồng.
Đợt 2: Từ ngày 19/8/2019 đến ngày 25/8/2019:
- Tiền thuê xe từ nhà đến bệnh viện BH và ngược lại: 500.000 đồng.
- Tiền viện phí theo hoá đơn ngày 26/8/2019: 426.200 đồng.
* Tiền thuê xe đi lại và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng T Từ ngày 26/6/2019 đến ngày 8/7/2019: Tổng cộng: 2.645.013 đồng.
- Tiền thuê xe từ nhà đến bệnh viện vùng T và ngược lại: 1.500.000 đồng.
- Tiền viện phí theo hoá đơn ngày 8/7/2019: 1.145.013 đồng.
* Tiền xe đi lại và điều trị tại bệnh viện R TP. Hồ Chí Minh:
Tổng cộng: 5.483.421 đồng.
- Tiền thuê xe từ nhà đến bệnh viện R và ngược lại (2 người, 1 người bệnh và 1 người chăm sóc trong 3 đợt): 229.000đ x 2 người x 6 lượt (đi và về) = 2.748.000 đồng.
- Phí khám, chữa bệnh theo hoá đơn (ngày 22/7/2019): 1.870.000đ + 100.000đ = 1.970.000 đồng.
- Phí khám, chữa bệnh theo hoá đơn (ngày 17/12/2019): 321.600đ +66.303đ = 387.903 đồng.
- Phí khám, chữa bệnh theo hoá đơn (ngày 24/12/2019):191.629đ + 185.880đ= 377.509 đồng.
* Tiền thuê xe đi lại và điều trị tại bệnh viện Y TP. Hồ Chí Minh: Tổng cộng: 40.627.014 đồng.
- Tiền thuê xe từ nhà đến bệnh viện Y và ngược lại đối với 2 người (1 người bệnh và 1 người chăm sóc; lượt đi ngày 4/10/2019, lượt về ngày 25/10/2019), có biên lai: 240.000 x người x 2 lượt (đi và về) = 960.000 đồng;
- Tiền thuốc theo hóa đơn: 79.716đ (ngày 21/10/2019) + 109.046đ (ngày 4/10/2019) + 11.310đ (ngày 18/10/2019) + 109.046đ (ngày 10/10/2019) = 309.118 đồng.
- Tiền viện phí (theo hoá đơn ngày 25/10/2019): 30.392.896 đồng.
- Tiền phí chụp cổng hưởng từ khớp và chụp MRI gối tại bệnh viện Q ngày 9/10/2019: 5.300.000 đồng.
- Tiền thuê xe đi tái khám và ngược lại; lần tái khám có biên lai ngày 01/11/2019: 240.000đ x 2 (lượt đi + lượt về) = 480.000 đồng.
- Tiền thuốc theo hoá đơn, phí thay băng vết thương ngày 01/11/2019: 3.075.000đ + 109.900đ + 110.000đ = 3.185.000 đồng.
* Tiền thu nhập thực tế bị mất, công người chăm sóc, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ: Tổng cộng 113.000.000 đồng.
- Tiền thu nhập thực tế bị mất trong thời gian nằm viện điều trị: 95 ngày x 300.000đ/ngày = 28.500.000 đồng.
- Tiền thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ phục hồi sức khỏe: 120 ngày x 300.000đ/ngày = 36.000.000 đồng.
- Tiền công người chăm sóc trong thời gian điều trị, tái khám: 97 ngày x 300.000đ/ngày = 28.500.000 đồng.
- Tiền bồi dưỡng sức khỏe: 20.000.000 đồng.
* Tiền thiệt hại tổn thất tinh thần: 10 lần mức lương cơ sở x 1.490.000đ/tháng = 14.900.000 đồng.
Tổng cộng các khoản ông D yêu cầu bồi thường là: 221.557.655 đồng.
Từ khi ông D đi điều trị biến chứng của vết thương do ông Đ chữa trị gây ra thì ông Đ đã bồi thường cho ông D được 15.300.000 đồng. Ngoài ra, ông Đ không bồi thường gì thêm.
2/ Trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, bị đơn ông Bùi Xuân Đ trình bày:
Khoảng cuối tháng 02, đầu tháng 3/2019, ông Lê Đức D có đến nhà ông Đ, bảo bị ngứa không khỏi nên nhờ ông Đ chữa giúp, sau khi thăm khám và qua kiểm tra thì chẩn đoán ông D bị chứng viêm da cơ địa đối xứng, căn bệnh này ông Đ đã chữa khỏi cho nhiều người. Do đó, ông Đ điều trị cho ông D bằng thuốc tiêm Corticoid (K-cort) dung dịch dạng 2ml, màu trắng sữa.
Quá trình điều trị đợt đầu tiên, ông Đ tiêm cho ông Lê Đức D 01 lọ K-cort loại 8mg, dung dịch 2ml, liều lượng tiêm là 01 lọ/ngày vào mu bàn chân và đầu gối trái, thời gian tiêm liên tục trong 10 ngày. Ông Đ tiêm hết 10 ngày, thấy ông D khỏi bệnh thì không tiêm nữa. Sau 10 ngày kể từ khi hết đợt tiêm đầu tiên, ông D có sang nhà bảo ông Đ tiêm thêm mấy mũi nữa cho khỏi hẳn, ông Đ tiêm thêm cho ông D 03 lọ K-cort loại 8mg, dung dịch 2ml, tiêm trong 03 ngày, liều lượng mỗi ngày 01 lọ. Đến ngày thứ 3 thì có hiện tượng chân sưng phù nề bên chân trái. Ông Đ dùng dao rạch vết thương, nặn mủ, rửa sạch vết thương, băng bó lại và bảo ông D giữ vết thương cho sạch sẽ, đến bệnh viện xử lý.
Sau khi ông D điều trị tại Bệnh viện TH, ông Đ có gửi trước cho ông D 300.000 đồng thăm hỏi. Khoảng 3 ngày sau, ông Đ gửi thêm 5.000.000đ. Ngày ông D xuất viện về, ông Đ có qua thăm hỏi và gửi chi phí thuốc men cho ông D thêm số tiền 10.000.000 đồng. Ông D đã viết giấy cam kết và xác nhận lại đã nhận 15.300.000 đồng và không có kiện cáo gì đối với gia đình ông Đ.
Nay ông D yêu cầu Toà án buộc ông Đ phải bồi thường tổng số tiền 221.557.655 đồng, thì ông Đ không đồng ý, vì đây là vết thương phần mềm nên chi phí khám chữa bệnh không nhiều như lời trình bày của ông D. Mặt khác khi điều trị tiêm thuốc K-cort cho ông D thì ông D đã dấu việc ông bị bệnh tiểu đường dẫn đến quá trình điều trị bệnh bị biến chứng, đây hoàn toàn là lỗi của ông D, vì vậy đề nghị toà án xem xét giải quyết theo quy định.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DSST ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Krông Búk đã quyết định:
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Đức D.
1. Buộc ông Bùi Xuân Đ phải bồi thường một phần chi phí điều trị hợp lý cho ông Lê Đức D số tiền 51.725.644 đồng, ông Đ được khấu trừ số tiền 15.300.000 đồng đã bồi thường cho ông D trước đó, ông Đ còn phải bồi thường cho ông D số tiền 36.425.644 đồng (Ba mươi sáu triệu bốn trăm hai lăm nghìn sáu trăm bốn mươi bốn đồng).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật.
Ngày 05/02/2021, nguyên đơn kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ các chi phí cho việc điều trị thương tích, đồng thời xác định ông D cũng có lỗi nên chỉ buộc ông Đ bồi thường 2/3 thiệt hại là không đúng.
Ngày 17/02/2021, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng giảm mức bồi thường thiệt hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và đơn kháng cáo, bị đơn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
Quan điểm của Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk tại phiên tòa:
- Về tố tụng: Các đương sự trong vụ án, Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Qua phân tích đánh giá các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự, đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Cấp sơ thẩm buộc ông Đ phải bồi thường cho ông D các chi phí hợp lý cho việc điều trị vết thương là có căn cứ. Tuy nhiên, vào ngày 13/5/2019, ông D có viết biên nhận đã nhận của ông Đ số tiền 15.300.000 đồng và không yêu cầu bồi thường thêm nên đối với các chi phí điều trị trước ngày 13/5/2019 thì không tính vào chi phí điều trị để buộc ông Đ bồi thường. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền 54.241.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về nội dung:
Nguyên đơn và bị đơn thừa nhận, vào khoảng đầu tháng 3 năm 2019, ông Bùi Xuân Đ có khám và điều trị bệnh viêm da cơ địa cho ông Lê Đức D bằng hình thức tiêm thuốc K-cort loại 8mg, dung dịch 2ml vào mu bàn chân và đầu gối trái của ông D. Quá trình điều trị thì có hiện tượng đầu gối và mu bàn chân trái của ông D bị sưng phù nề, ông Đ đã dùng dao rạch, nặn mủ rửa vết thương, băng bó lại và bảo ông D đến bệnh viện xử lý.
Từ ngày 06/4/2019 đến ngày 25/4/2019, ông Lê Đức D đã đến Bệnh viện TH điều trị. Sau đó, ông D liên tục điều trị vết thương tại nhiều bệnh viện khác nhau. Ông D đã làm đơn tố giác đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K. Tại bản kết luận pháp y thương tích số 1086/ TgT-TTPY, ngày 16/9/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Ông Lê Đức D bị tổn thương cơ do thương tích gây nên là 9%. Nguyên nhân hình thành: là do tác động trực tiếp của vật sắc bén lên vùng gối trái trên bệnh nhân tiểu đường Type II và điều trị Corticoid (K-cort) quá liều. Tại Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 900 ngày 18/10/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công huyện K, tỉnh Đắk Lắk xác định hành vi của ông Bùi Xuân Đ không cấu thành tội phạm.
Do đó, cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Đức D, buộc ông Bùi Xuân Đ phải bồi thường các chi phí cho việc điều trị vết thương là có căn cứ.
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn đề nghị tăng mức bồi thường và bị đơn đề nghị giảm mức bồi thường, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Trong các lần điều trị tại các bệnh viện, do ông Lê Đức D có Bảo hiểm y tế nên đã được Bảo hiểm thanh toán một phần chi phí. Do đó, cấp sơ thẩm chỉ buộc ông Đ phải bồi thường đối với khoản tiền mà ông D thực tế đã thanh toán cho Bệnh viện là phù hợp quy định của pháp luật.
Các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn giao nộp và tài liệu chứng cứ mà Tòa án đã thu thập được thể hiện:
Trong quá trình điều trị tại các bệnh viện, theo hồ sơ bệnh án, giấy ra viện và nội dung Công văn số 773/BVTH ngày 31/10/2020 của Bệnh viện Đa khoa TH (BL 272) thì ngoài nội dung điều trị vết thương, ông D còn điều trị bệnh Đái tháo đường và tăng huyết áp. Khi xem xét các khoản tiền thuốc mà ông D đã điều trị, cấp sơ thẩm bỏ sót không tính một số hóa đơn điều trị vết thương, một số khoản tiền thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp trong bảng kê chi phí điều trị tại các bệnh viện vẫn tính vào chi phí điều trị buộc ông Đ bồi thường là chưa phù hợp nên HĐXX cần xem xét, tính toán lại theo đúng quy định.
Đối với chi phí liên quan đến việc xét nghiệm tại bệnh viện, Công văn số 406/BVTH-KHTH ngày 25/6/2021 của Bệnh viện Đa khoa TH cung cấp thông tin: Việc thực hiện các xét nghiệm là để xác định các yếu tố nguy cơ phục vụ cho cuộc phẫu thuật và đánh giá mức độ nguy cơ của bệnh lý nền (đái tháo đường) phục vụ công tác điều trị trước, trong và sau mổ. Do đó, cấp sơ thẩm tính chi phí xét nghiệm tại các bệnh viện vào chi phí điều trị vết thương là có căn cứ.
Đối với khoản tiền xe đi lại, do ông D bị thương ở chân, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 9% nên cấp sơ thẩm không chấp nhận việc thuê xe dịch vụ mà chỉ tính theo giá sử dụng phương tiện công cộng là có căn cứ. Tuy nhiên, đối với những đợt ông D điều trị nội trú tại các bệnh, cần tính thêm tiền xe đi lại của người chăm sóc.
Do đó, chi phí liên quan đến việc điều trị của ông D bao gồm:
[2.1] Tại Bệnh viện TH, ông Lê Đức D điều trị 02 đợt.
- Chi phí điều trị đợt 1 (Từ ngày 06/4/2019 đến ngày 25/4/2019): Tiền viện phí (theo hoá đơn giá trị gia tăng ngày 25/4/2019 – BL 132, 133) là 20.300.997 đồng. Tuy nhiên, vào ngày 13/5/2019, ông Lê Đức D có viết bản cam kết đã nhận của ông Đ số tiền 15.000.000 đồng, từ nay về sau không kiện cáo gì nữa. Đây là sự tự nguyện thỏa thuận của các bên nên các chi phí điều trị (gồm tiền thuốc, tiền mất thu nhập…) giai đoạn trước ngày 13/5/2019 không được xem xét chấp nhận.
- Chi phí điều trị đợt 2: Từ ngày 23/7/2019 đến ngày 09/8/2019.
Tiền viện phí (theo hoá đơn giá trị gia tăng ngày 9/8/2019 – BL 283) là 4.879.697 đồng. Trong đó, thuốc điều trị đái tháo đường là 18.865 đồng, chi phí điều trị vết thương là 4.860.832 đồng.
Một số hóa đơn tái khám tại bệnh viện TH chưa được cấp sơ thẩm xem xét như hoá đơn ngày 25/4/2019 tại các BL 139 + 140 + 143; ngày 7/5/2019 tại BL 145; ngày 18/5/2019 tại BL 137, cần cộng thêm vào khoản chi phí điều trị cho ông D. Cụ thể, chi phí tái khám bao gồm:
Tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 25/4/2019: 54.500 đồng + 41.000 đồng + 54.500 đồng = 150.000 đồng; ngày 26/4/2019: 620.000đ + 74.000đ = 694.000 đồng; Ngày 28/4/2019: 74.000 đồng; Ngày 2/5/2019: 114.000đ + 40.000đ + 115.800đ = 269.800 đồng; Ngày 4/5/2019: 74.000 đồng; Ngày 7/5/2019: 7.000đ + 75.360đ + 55.400đ + 74.000 đồng = 211.760 đồng; Ngày 18/5/2019: 40.000 đồng; Ngày 13/5/2019: 740.000đ + 40.000đ + 264.600 = 1.044.600 đồng; Ngày 27/5/2019: 7.000đ + 23.280đ + 110.800 = 141.080 đồng;
Ngày 02/6/2019: 370.000đ + 40.000đ = 410.000 đồng; Ngày 26/6/2019: 7.000đ + 40.000đ = 47.000 đồng; Ngày 18/7/2019: 7.000đ + 254.040đ + 63.664+ 27.080đ = 351.784 đồng; Ngày 11/8/2019: 7.000đ + 17.200đ = 24.200 đồng; ngày 15/8/2019: 40.000đ + 370.000đ = 410.000 đồng. Tổng cộng: 3.942.224 đồng.
Tiền xe đi lại: tiền xe đi lại của ông D và người nuôi khi điều trị nội trú là (02 lượt đi + 02 lượt về) x 2 người = 8 lượt; ngoài ra ông D có 11 lần đến Bệnh viện TH thay băng, cắt chỉ (vào các ngày 26/4; 28/4; 02/5; 04/5; 07/5; 13/5; 18/5;
02/6; 18/7; 11/8; 15/8/2019), nên tiền xe đi lại của ông D là 22 lượt, tổng cộng là 30 lượt. Cấp sơ thẩm chỉ tính 20 lượt xe là chưa đúng thực tế. Do đó, tiền xe đi lại để điều trị tại Bệnh viện TH là 50.000 đồng/ lượt x 30 lượt = 1.500.000 đồng.
Tổng chi phí khám chữa bệnh, tiền xe đi lại tại bệnh viện TH là 10.303.056 đồng.
Đối với tiền khám, chữa bệnh theo hoá đơn ngày 02/10/2020 : 10.500đ nội dung khám nội + 317.700đ nội dung nội soi trực tràng; ngày 13/10/2020: 10.500đ nội dung khám nội + 3.500đ nội dung định lượng máu (Từ BL 310 đến 313), trong đơn khởi kiện ông D cũng không yêu cầu nên cấp sơ thẩm không tính khoản tiền này là có căn cứ. Hóa đơn ngày 02/5/2019 (BL 136) số tiền 151.550đ là chi phí điều trị bệnh viêm da dị ứng – là bệnh của ông D nên không được chấp nhận.
[2.2] Tại Bệnh viện Đa khoa thị xã BH: Ông D điều trị tại Bệnh viện Đa khoa BH 02 đợt. Cụ thể:
- Đợt 1 từ ngày 12/6/2019 đến ngày 19/6/2019, tiền viện phí: 278.372 đồng.
- Đợt 2 từ ngày 19/8/2019 đến ngày 25/8/2019, tiền viện phí: 426.200 đồng. Theo Giấy ra viện thì nội dung điều trị là nhiễm trùng vết mổ. Cấp sơ thẩm chấp nhận chi phí điều trị theo các hóa đơn ông D cung cấp là có căn cứ. Tiền xe đi lại của ông D và người nuôi gồm (02 lần đi + 02 lần về) x 2 người x 30.000 đồng/ lượt = 240.000 đồng.
Do đó, chi phí điều trị và tiền xe đi lại tại Bệnh viện Đa khoa thị xã BH là 944.572 đồng.
[2.3] Tại Bệnh viện Đa khoa vùng T:
Theo Giấy ra viện thì ông D được điều trị vết thương gối, vết thương cẳng chân, nhiễm trùng (BL 154) từ ngày 26/6/2019 đến ngày 08/7/2019. Theo giấy thanh toán viện phí (BL 153), số tiền điều trị là 1.145.013 đồng, cấp sơ thẩm chấp nhận theo yêu cầu của ông D là có căn cứ.
Tiền xe đi và về của ông D và người nuôi: 60.000đ/ lượt x 02 lượt x 02 người = 240.000 đồng.
Tổng chi phí điều trị tại Bệnh viện vùng T là 1.385.013 đồng.
[2.4] Tại Bệnh viện Y Thành phố Hồ Chí Minh:
Theo Giấy ra viện (BL 171) thì ông D điều trị nhiễm trùng, đái tháo đường, tăng huyết áp từ ngày 04/10/2020 đến ngày 25/10/2020. Biên lai thu tiền chữa trị (BL 172) là: 30.392.896 đồng. Trong đó, Bảo hiểm y tế trả 12.221.594 đồng, bệnh nhân trả 18.171.302 đồng. Theo bảng kê chi phí điều trị tại BL 221 + 222 thì thuốc điều trị đái tháo đường và tăng huyết áp bệnh nhân trả là 69.453 đồng, nên chi phí điều trị vết thương là 18.101.849 đồng.
Tiền phí chụp cộng hưởng từ khớp và chụp MRI gối tại Bệnh viện Q ngày 09/10/2019 (BL 192) là 5.300.000 đồng có chỉ định của bác sĩ nên cấp sơ thẩm chấp nhận là có căn cứ.
Biên lai thu tiền thay băng và tiền thuốc theo toa điều trị vết thương ngày 01/11/2019, cấp sơ thẩm chưa tính hóa đơn tại BL 179 là thiếu sót, cần tính thêm cho nguyên đơn. Tổng số tiền điều trị ngày 01/11/2019 là: 110.000 đồng + 109.900 đồng = 219.900 đồng (BL 179 + 181).
Hóa đơn tại (BL 190) số tiền 3.075.000 đồng, nội dung để sát khuẩn vết thương nên cần chấp nhận.
Tiền thuốc theo hoá đơn các ngày 04/10 (BL 184), 10/10 (BL 183), 15/10 (BL 175), 18/10 (BL 186), 21/10 (BL 185): thuốc Janumet 50mg, Diamicron mr tab 60mg và galvus met tab 50mg + 1000mg, theo Công văn trả lời của Sở y tế tỉnh Đăk Lăk là thuốc trị bệnh đái tháo đường, cấp sơ thẩm không chấp nhận là có căn cứ.
Tiền xe đi điều trị của ông D và người nuôi: 240.000 đồng x 02 lượt x 02 người = 960.000 đồng. Tiền xe đi tái khám ngày 01/11/2019 của ông D: 02 lượt x 240.000 đồng/ lượt = 480.000 đồng.
Tổng chi phí điều trị tại Bệnh viện Y là 28.136.749 đồng.
[2.5] Tại Bệnh viện R Thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày 22/7/2019;
17/12/2019; 24/12/2019:
Chi phí điều trị vết thương khớp chân theo biên lai Bệnh viện R cung cấp là:
176.300 đồng + 191.629 đồng + 185.880 đồng + 66.303 đồng = 620.112 đồng (BL 235); 377.509 đồng (BL 239); 66.303 đồng (BL 240). Tổng cộng: 1.063.924 đồng Tiền xe đi lại: 229.000 đồng x 06 lượt (đi và về) = 1.374.000 đồng. Tổng chi phí điều trị tại bệnh viện R là: 2.437.924 đồng.
[2.6] Đối với yêu cầu về tiền thu nhập thực tế bị mất, công người chăm sóc, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ của ông Lê Đức D:
Cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận số tiền mất thu nhập là 10.000.000đ và tiền bồi dưỡng sức khỏe 5.000.000 đồng là chưa hợp lý, bởi lẽ:
Thời gian ông D điều trị nội trú tại các bệnh viện là 68 ngày (Đã trừ thời gian nằm điều trị tại Bệnh viện TH đợt 1). Ngoài ra, ông D còn đi tái khám tại Bệnh viện TH 11 lần, khám tại bệnh viện R 03 lần, tái khám tại bệnh viện Y 01 lần. Theo các giấy chuyển tuyến thì vào các ngày 03/10, 13/12 và 16/12, ông D có đến khám tại bệnh viện thị xã Buôn Hồ, bệnh viện vùng T. Do đó, thời gian ông D điều trị nội trú và những lần đi khám vết thương cần được tính bị mất thu nhập. Đối với nội dung ông D yêu cầu bồi thường khoản thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ phục hồi sức khỏe là 120 ngày, HĐXX thấy rằng: Theo các giấy ra viện của bệnh viện TH, bệnh viện BH và bệnh viện Y thì Bệnh viện yêu cầu ông D nghỉ dưỡng bệnh tại nhà từ 05 đến 07 ngày. Ông D có 07 lần nằm điều trị tại các Bệnh viện nên chỉ chấp nhận thời gian nghỉ dưỡng bệnh bị mất thu nhập là 35 ngày. Như vậy, tổng số ngày ông D bị mất thu nhập khi nằm viện và sau khi ra viện là 121 ngày.
Ông D làm nghề nông nên cần lấy mức thu nhập trung bình của lao động phổ thông là 150.000 đồng/ ngày để tính là phù hợp. Do đó, thu nhập của ông D bị mất trong và sau thời gian nằm viện là: 121 ngày x 150.000 đồng/ngày = 18.150.000 đồng.
Đối với yêu cầu bồi thường tiền mất thu nhập của người chăm sóc, HĐXX xét thấy: Ông D bị thương ở chân, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 09%, nên không cần thiết phải có người chăm sóc toàn bộ thời gian ông D nằm điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, ông D có 07 lần điều trị nội trú dài ngày tại các bệnh viện, 03 lần tái khám tại Bệnh viện R, 01 lần tái khám tại bệnh viện Y nên phải có người đưa đi và về. Đối với 11 lần tái khám tại Bệnh viện TH thì không cần thiết. Do đó, thời gian bị mất thu nhập của người chăm sóc là 22 ngày x 150.000 đồng/ngày = 3.300.000 đồng.
* Tiền thiệt hại tổn thất tinh thần: Cấp sơ thẩm chỉ tính tổn thất về tinh thần bằng 02 lần mức lương cơ sở là thấp vì tỷ lệ thương tật của ông D là 09%, nên cần chấp nhận kháng cáo, tăng mức bồi thường lên 06 lần mức lương cơ bản là: 6 x 1.490.000 đồng = 8.940.000 đồng.
*Tiền bồi dưỡng sức khỏe: cấp sơ thẩm chấp nhận mức bồi thường 5.000.000 đồng là phù hợp.
Tổng cộng các khoản chi phí hợp lý mà HĐXX xem xét như đã liệt kê trên là: 78.597.314 đồng.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử thấy rằng, ông Bùi Xuân Đ không có giấy phép hành nghề nhưng vẫn tự mình khám chữa bệnh trái với quy định của pháp luật, là người gây thương tích cho ông Lê Đức D, vì vậy lỗi chính thuộc về ông Đ. Nhưng việc điều trị thương tích dài ngày không khỏi một phần do ông D bị bệnh đái tháo đường, ông D phải biết ông Đ không có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh nhưng vẫn đến để khám chữa mà không đến các cơ sở y tế để điều trị, vì vậy ông D cũng có một phần lỗi. Cấp sơ thẩm buộc ông Đ bồi thường 2/3 chi phí hợp lý là phù hợp. Do đó, ông Đ phải bồi thường cho ông D số tiền 52.398.000 đồng (Đã làm tròn số).
Từ những phân tích nêu trên, có cơ sở chấp nhận một phần nội dung đơn kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn.
[3] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm nên án phí sơ thẩm được tính lại theo đúng quy định. Các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự;
Chấp nhận một phần nội dung đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Đức D; Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Bùi Xuân Đ. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2021/DSST ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Krông Búk.
Áp dụng: Điều 584; 585; 586 và Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015;
Áp dụng: Khoản 2 Điều 148 BLTTDS; điểm d khoản 1 Điều 12, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Đức D.
[1]. Buộc ông Bùi Xuân Đ phải bồi thường cho ông Lê Đức D số tiền 52.398.000 đồng (Năm mươi hai triệu ba trăm chín tám ngàn đồng chẵn).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 BLDS năm 2015.
[2]. Về án phí: Ông Bùi Xuân Đ phải chịu 2.619.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí mà ông Đ đã nộp theo biên lai thu số 0018582 ngày 22/02/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện K. Ông Đ còn phải nộp 2.319.000 đồng.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 106/2021/DS-PT ngày 15/07/2021 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Số hiệu: | 106/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 15/07/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về