TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 106/2017/HS-PT NGÀY 19/10/2017 VỀ VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐB
Ngày 19 tháng 10 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 139/2017/TLPT-HS ngày 02 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo Lò Thị H. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 93/2017/HSST ngày 04 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T.
Họ và tên bị cáo có kháng cáo:
Lò Thị H, sinh năm 1990 tại tỉnh Sơn La; nơi cư trú: Thôn B, xã T, huyện P, tỉnh Sơn La; tạm trú: Ấp A, xã H, thị xã T, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Thái; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lò Văn Ê (đã chết) và bà Đinh Thị T, sinh năm 1955; có chồng là Đinh Văn H1, sinh năm 1987; có 01 người con (sinh năm 2010); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại; có mặt.
Ngoài ra, còn có 04 người đại diện hợp pháp của người bị hại do không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Lò Thị H có giấy phép lái xe hạng A1, số 74114700776XY do Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cấp ngày 15/7/2014.
Khoảng 07 giờ ngày 24/7/2016, H điều khiển xe môtô hiệu Honda Vision màu đỏ, không biển số, số máy Y, số khung Z, lưu thông theo hướng từ phường U về xã H. Khi lưu thông đến đoạn đường ĐT74M thuộc khu phố N, phường U, thị xã T, tỉnh Bình Dương, H bật đèn tín hiệu xe môtô để chuyển hướng rẽ trái vào Công ty G nơi H làm việc. Cùng thời điểm này, hướng ngược chiều có xe môtô biển số 67M5-45A do ông Nguyễn Văn A đang lưu thông hướng ngược chiều nên khi H điều khiển xe môtô chuyển hướng thì bánh trước bên phải của xe môtô do H điều khiển va chạm vào phần đầu của xe môtô do ông Nguyễn Văn A điều khiển. Hậu quả ông Nguyễn Văn A bị thương tích được đưa đi cấp cứu, đến ngày 04/8/2016, ông A chết tại Bệnh viện C.
Biên bản khám nghiệm hiện trường và dựng lại hiện trường thể hiện: Đoạn đường rải nhựa, mặt đường bằng phẳng, chiều rộng mặt đường 18m. Xe môtô biển số 67M5-45A sau tai nạn ngã về bên trái, đầu xe quay về hướng xã H, đuôi xe hướng về phường U. Trục bánh trước cách lề chuẩn 8,3m, trục bánh sau cách lề chuẩn 8,3m. Xe môtô hiệu Honda Vision sau tai nạn ngã về bên phải, đầu xe quay về hướng xã H, đuôi xe quay về hướng phường U. Trục bánh trước cách lề chuẩn 07m, trục bánh sau cách lề chuẩn 6,6m. Xe môtô biển số 67M5- 45A để lại vết cày không liên tục dài 3,2m theo hướng từ xã H về phường U. Điểm đầu vết cày cách lề chuẩn là 7,4m, điểm cuối vết cày là điểm dừng của gác chân trước bên trái xe. Điểm đụng đo vào mép lề đường phải (theo hướng của xe môtô biển số 67M5-45A lưu thông) là 7,2m.
Tại Bản kết luận giám định pháp y số 1883/GĐPY ngày 12/8/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Dương kết luận: Nguyên nhân tử vong của ông Nguyễn Văn A do chấn thương cột sống cổ (gãy liên đốt sống cổ 2-3, 3-4).
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 93/2017/HSST ngày 04 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Lò Thị H phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Áp dụng khoản 1 Điều 202; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lò Thị H 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt để thi hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về biện pháp tư pháp, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 18/8/2017, bị cáo Lò Thị H có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt, chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ với các lý do: Nguyên nhân dẫn đến tai nạn một phần do người bị hại điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ, lấn sang phần vạch chia đôi làn đường; bị cáo có cậu ruột là người có công với cách mạng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; bị cáo phạm tội lần đầu, là người dân tộc thiểu số, phải nuôi con nhỏ.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến: Xác định tội danh, điều luật mà Tòa án cấp sơ thẩm xét xử và áp dụng đối với bị cáo Lò Thị H là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Bị cáo chuyển hướng xe không chú ý quan sát, không nhường đường cho phương tiện đi ngược chiều dẫn đến tai nạn, bị cáo cho rằng người bị hại cũng có lỗi là không có căn cứ. Đồng thời, việc Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết bị cáo có cậu ruột là người có công với cách mạng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là đúng quy định. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tại Tòa án cấp phúc thẩm bị cáo không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì bị cáo là lao động chính trong gia đình.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Tại phiên tòa phúc thẩm, lời khai của bị cáo thống nhất với nội dung vụ án đã nêu trên, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đã đủ cơ sở kết luận: Ngày 24/7/2016, tại đoạn đường ĐT74M thuộc khu phố N, phường U, thị xã T, tỉnh Bình Dương, bị cáo Lò Thị H điều khiển xe lưu thông khi rẽ trái thiếu chú ý quan sát nên đã va chạm với xe mô tô của ông Nguyễn Văn A đang lưu thông theo chiều ngược lại. Tai nạn làm ông Nguyễn Văn A bị thương tích được đưa đi cấp cứu, đến ngày 04/8/2016, ông A tử vong tại bệnh viện.
[2]. Hành vi của bị cáo Lò Thị H là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo điều khiển xe mô tô rẽ trái không nhường đường cho xe đi ngược chiều, không chú ý quan sát là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Giao thông đường bộ, hậu quả gây thiệt hại đến tính mạng của người bị hại Nguyễn Văn A. Đồng thời, gây tâm lý bất an cho những người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến tình hình an toàn giao thông đường bộ tại địa phương; bị cáo có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình theo quy định của pháp luật; hành vi bị cáo thực hiện với lỗi vô ý vì cẩu thả. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Lò Thị H về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 1 Điều 202 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
[3]. Xét kháng cáo của bị cáo về việc xin giảm nhẹ hình phạt: Tại Tòa án cấp phúc thẩm, bị cáo không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Mức hình phạt 06 (sáu) tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là không nặng, phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Bị cáo kháng cáo cho rằng người bị hại cũng có lỗi, điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ quy định, lấn sang phần vạch chia đôi làn đường. Tuy nhiên, căn cứ sơ đồ hiện trường và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện phần đường nơi xảy ra tai nạn không có vạch phân chia làn đường thành hai chiều xe chạy; không có chứng cứ nào xác định người bị hại điều khiển xe vượt quá tốc độ quy định, do đó nội dung trình bày của bị cáo cho rằng người bị hại cũng có lỗi là không có căn cứ. Kháng cáo của bị cáo về việc xin giảm nhẹ hình phạt là không có cơ sở chấp nhận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo là phù hợp.
Về xác định những người tham gia tố tụng: Người đại diện hợp pháp của người bị hại gồm bà Nguyễn Thị H2, bà Nguyễn Thị H3, bà Nguyễn Thị Tuyết M và ông Nguyễn Hoài T1. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm ghi người đại diện hợp pháp của người bị hại gồm bà Nguyễn Thị H2 và ông Nguyễn Hoài T1 là thiếu sót. Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
[4]. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[5]. Án phí hình sự phúc thẩm: Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Tố tụng hình sự,
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lò Thị H. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 93/2017/HSST ngày 04 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T:
Áp dụng khoản 1 Điều 202; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự,
Xử phạt bị cáo Lò Thị H 06 (sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt để thi hành án.
2. Án phí hình sự phúc thẩm:
Áp dụng Điều 98; khoản 1 và khoản 2 Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Bị cáo Lò Thị H phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng.
3. Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm về án phí, về xử lý vật chứng không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 106/2017/HS-PT ngày 19/10/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB
Số hiệu: | 106/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/10/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về