TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 105/2020/DS-PT NGÀY 02/03/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG SỬ DỤNG THẺ TÍN DỤNG
Vào ngày 01/3/2020, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 613/2019/TLPT-DS ngày 24/12/2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 381/2019/DS-ST ngày 30/9/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị nguyên đơn kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 40/2020/QĐ-PT ngày 08/01/2020 và quyết định hoãn phiên tòa số 549/2020/QĐ-PT ngày 03/02/2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP E Địa chỉ: A, phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Ngọc T, sinh năm 1987 (có mặt) Địa chỉ: X, Phường Y, quận Z, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị đơn: Ông Đặng Phước C, sinh năm 1981 (vắng mặt) Địa chỉ: M, phường N, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ cư trú: H, phường I, Quận J, Thành phố Hồ Chí Minh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Bị đơn đã ký hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế với nguyên đơn và được nguyên đơn cấp 03 thẻ tín dụng quốc tế, cụ thể như sau:
1. Ngày 23/12/2014, bị đơn ký Hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế VisaGold số 87/14-VG với nguyên đơn, hạn mức 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng). Ngày 24/12/2014, nguyên đơn phát hành thẻ tín dụng số VG860070, hiệu lực thẻ đến tháng 12/2015 (12 tháng), bị đơn nhận thẻ cùng ngày 24/12/2014; lãi suất cho vay có thể được điều chỉnh áp dụng theo quy định của ngân hàng trong từng thời kỳ, cụ thể: từ tháng 01/2015 đến tháng 04/2016 mức lãi là 1,6%/tháng, từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2018 mức lãi là 1,9%/tháng, từ tháng 7/2018 đến nay mức lãi là 2%/tháng.
Quá trình sử dụng thẻ từ ngày 23/01/2015 cho đến ngày 23/5/2016, bị đơn đã thực hiện giao dịch rút tiền mặt và thanh toán hàng hóa dịch vụ tổng số tiền 436,090,960 đồng, nhưng chỉ thanh toán được tổng số tiền là 202.000.000 đồng, gồm nợ gốc, tiền lãi và các loại phí khác và ngưng không thanh toán tiếp mặc dù nguyên đơn nhiều lần thông báo nhắc nợ.
Ngày 23/5/2016, nguyên đơn thông báo chuyển số dư nợ của bị đơn là 304.771.456 đồng sang nợ quá hạn, chấm dứt việc sử dụng thẻ của bị đơn và khởi kiện.
Theo Bảng tính lãi thẻ tín dụng, tạm tính đến ngày 23/9/2019, bị đơn còn nợ tổng số tiền là 2.639.003.439 đồng, trong đó gồm số tiền dư nợ là 2.476.470.031 đồng, tiền lãi là 60.534.400 đồng, phí trễ hạn là 99.058.801 đồng, phí vượt hạn mức là 2.940.207 đồng.
2. Ngày 30/12/2014, bị đơn ký Hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế MasterGold số 91/14-MG, hạn mức 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng). Ngày 31/12/2014, nguyên đơn phát hành thẻ tín dụng số MG717757, hiệu lực thẻ đến 12/2015 (12 tháng), bị đơn nhận thẻ cùng ngày; lãi suất cho vay có thể điều chỉnh áp dụng theo quy định của ngân hàng trong từng thời kỳ, cụ thể: từ tháng 01/2015 đến tháng 04/2016 mức lãi là 1,6%/tháng, từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2018 mức lãi là 1,9%/tháng, từ tháng 7/2018 đến nay mức lãi là 2,0%/tháng.
Quá trình sử dụng thẻ từ ngày 20/01/2015 cho đến ngày 20/5/2016, bị đơn đã thực hiện giao dịch rút tiền mặt và thanh toán hàng hóa dịch vụ với tổng số tiền 438.789.112 đồng, nhưng chỉ thanh toán được số tiền là 203.700.000 đồng gồm nợ gốc, tiền lãi và các loại phí khác và ngưng không thanh toán tiếp, mặc dù nguyên đơn nhiều lần thông báo nhắc nợ.
Ngày 20/5/2016, nguyên đơn thông báo chuyển số dư nợ của bị đơn là 304.617.775 đồng sang nợ quá hạn, chấm dứt việc sử dụng thẻ của bị đơn và khởi kiện.
Theo Bảng tính lãi thẻ tín dụng đến ngày 20/9/2019, bị đơn còn nợ tổng số tiền 2.619.908.796 đồng, trong đó gồm số tiền dư nợ là 2.458.813.494 đồng, tiền lãi là 60.032.400 đồng, phí trễ hạn là 98.352,540 đồng, phí vượt hạn mức là 2.710.335 đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà bị đơn nợ từ việc sử dụng 02 thẻ tín dụng quốc tế nêu trên tạm tính đến ngày 20/9/2019 là 5.258.912.208 đồng (Năm tỷ hai trăm năm mươi tám triệu chín trăm mười hai nghìn hai trăm lẻ tám đồng), trong đó tổng nợ gốc là 4.935.283.525 đồng; tổng tiền lãi, phí, phạt là 323.628.683 đồng; nguyên đơn yêu cầu cá nhân bị đơn phải thanh toán ngay, đồng thời có trách nhiệm thanh toán tiền lãi tiếp tục phát sinh theo mức lãi suất, mức phí quy định trong hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng cho đến khi bị đơn thanh toán xong nợ.
Mặc dù được Hội đồng xét xử giải thích pháp luật về việc tính lãi và các khoản phí sử dụng thẻ nhưng nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện vì cách tính này đã được hai bên thỏa thuận khi xác lập hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết buộc cá nhân bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền dư nợ gốc, lãi, phí, phạt của hai thẻ tín dụng cho đến ngày xét xử.
Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành thủ tục xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định của pháp luật.
Bản án sơ thẩm đã tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Buộc ông Đặng Phước C phải trả cho Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam tổng số tiền là 1.143.556.707 đồng (Một tỷ một trăm bốn mươi ba triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn bảy trăm lẻ bảy đồng), trong đó tổng nợ gốc là 609.398.231 đồng, tổng nợ lãi là 534.167.476 đồng, ngay khi án có hiệu lực pháp lực.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự cũng như các quy định về thi hành án dân sự.
Ngày 15/10/2019 nguyên đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo: yêu cầu sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các thành viên Hội đồng xét xử cũng như các đương sự đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, nhận thấy bị đơn có nợ nguyên đơn từ việc sử dụng 02 thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên số nợ này đã được chuyển sang nợ quá hạn, nên không còn phát sinh các khoản lãi, phí, phạt chậm trả, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 381/2019/DS- ST ngày 30/9/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào lời khai của đương sự và phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Xét kháng cáo của nguyên đơn- Ngân hàng E, Hội đồng xét xử thấy rằng: Về hình thức: Đơn kháng cáo của nguyên đơn được thực hiện trong hạn luật định, hợp lệ nên được chấp nhận.
Về nội dung: Nguyên đơn kháng cáo yêu cầu sửa một bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn thanh toán tổng nợ gốc, lãi, phí, phạt chậm trả của 02 thẻ tín dụng quốc tế với tổng số tiền là 5.258.912.208 đồng, Hội đồng xét xử phúc thẩm NHẬN THẤY
Hợp đồng ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn là “Hợp đồng sử dụng thẻ ín dụng quốc tế”, bản chất là “Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng” theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2019/HĐTP ngày 01/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
Hợp đồng giữa hai bên là hợp đồng vay có lãi, được xác lập trước ngày 01/01/2017 mà khi đến hạn bên vay trả không đầy đủ, nên khi có tranh chấp, sẽ được điều chỉnh bởi Bộ Luật dân sự 2005 và Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP này. Theo tinh thần của Bộ Luật dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, thì khi xác định lãi, lãi suất, Tòa án không được tính lãi trên nợ lãi chưa trả (Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP) Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 12 của Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP còn quy định việc xử lý việc không trả đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản: Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn hoặc hình thức khác áp dụng đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay, thì Tòa án căn cứ quy định tương ứng của Bộ luật dân sự, Luật các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất để xem xét, quyết định xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn theo nguyên tắc: “chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”.
Như vậy, phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm tại bản án số 381/2019/DS-ST ngày 30/9/2019 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Vì lẽ đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với lời đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Án phí dân sự sơ thẩm: bị đơn phải chịu theo quy định.
Án phí dân sự phúc thẩm: nguyên đơn phải chịu theo quy định.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điều 293; Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Căn cứ Nghị quyết 01/2019/HĐTP ngày 01/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 381/2019/DS-ST ngày 30/9/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Buộc bị đơn- ông Đặng Phước C trả cho Ngân hàng TMCP E tổng số tiền là 1.143.556.707 đồng (Một tỷ một trăm bốn mươi ba triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn bảy trăm lẻ bảy đồng), trong đó tổng nợ gốc là 609.398.231 đồng, tổng nợ lãi là 534.167.476 đồng.
2. Án phí dân sự sơ thẩm:
Ông Đặng Phước C phải chịu 46.306.701 đồng (Bốn mươi sáu triệu ba trăm lẻ sáu nghìn bảy trăm lẻ một đồng).
Ngân hàng TMCP E phải chịu 112.115.355 đồng (Một trăm mười hai triệu một trăm mười lăm nghìn ba trăm năm mươi lăm đồng), được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 15.974.706 đồng theo biên lai thu số AA/2014/0004671 ngày 09/11/2016 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng TMCP E còn phải nộp thêm số tiền 96.140.649 đồng (Chín mươi sáu triệu một trăm bốn mươi nghìn sáu trăm bốn mươi chín đồng).
3. Án phí dân sự phúc thẩm:
Ngân hàng TMCP E phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), được cấn trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số AA/2019/0005199 ngày 31/10/2019 của Chi cục Thi hành án Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thi hành sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, theo Luật Thi hành án dân sự. Các đương sự thi hành án theo các Điều 2, 6, 7, 7a, 7b, 9 và 30 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 105/2020/DS-PT ngày 02/03/2020 về tranh chấp hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng
Số hiệu: | 105/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 02/03/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về