Bản án 105/2017/HSPT ngày 26/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 105/2017/HSPT NGÀY 26/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 26 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện V, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử lưu động phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 97A/2017/TLPT-HS ngày 03/11/2017 đối với bị cáo Trịnh Văn P, do có kháng cáo của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 44/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Toà án nhân dân huyện V, tỉnh Hưng Yên.

* Bị cáo bị kháng cáo: Trịnh Văn P, sinh năm 1984; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn N, xã C, huyện V, tỉnh Hưng Yên; nghề nghiệp: Thợ xây; trình độ văn hoá: 5/12; con ông Trịnh Văn A và bà Trần Thị L; Có vợ là chị Nguyễn Thị H, con chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giam từ ngày 17/4/2017; hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hưng Yên, “có mặt”.

* Người bị hại có kháng cáo:

1 - Anh Trịnh Văn S, sinh năm 1992;

2 - Anh Nguyễn Phúc X, sinh năm 1996;

Đều trú tại: thôn M, xã C, huyện V, tỉnh Hưng Yên. (Đều có mặt). Ngoài ra còn có 07 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trịnh Văn P làm thợ xây và thuê một nhóm thợ làm thuê cho mình. Ngày 05/11/2016, trong khi ngồi tại quán nước ở rìa đường thuộc Khu công nghiệp Phố Nối A, huyện V thì P đã gặp và thuê 01 thợ xây tên là D quê ở Tuyên Quang đến làm cho mình, D còn giới thiệu thêm Đ ở Vĩnh Phúc, Â ở Bắc Cạn và Q ở Thanh Hóa đến làm thuê cho P. D, Q, Đ và Â đều đến làm cho P từ ngày 06/11/2016 và ở trọ tại nhà của P. Buổi tối ngày 09/11/2016, các anh Trịnh Văn B, Trịnh Xuân K, Lê Thanh E ở cùng thôn và anh Phạm Văn U ở thôn M, xã C đến nhà của P ăn cơm uống rượu. D, Q, Đ,  ăn xong trước và rủ nhau đi hát Karaoke tại quán L1 của gia đình ông Phạm Văn T. Đến khoảng hơn 20 giờ cùng ngày thì P, B, E, U và K cũng ăn xong và ngồi uống nước. Lúc này, D gọi điện thông báo cho P biết là D cùng nhóm thợ xây bị mấy thanh niên dọa đánh ở quán L1. Sau khi nghe điện thoại, P đã bảo B, K, E, U cùng đi với P đến quán để can ngăn và đưa nhóm thợ xây về, tất cả đồng ý. Tại phòng hát số 3 tầng 2 có các anh Trịnh Văn G, Nguyễn Phúc X và Trịnh Văn S, còn nhóm thợ xây làm thuê cho P đang hát ở phòng hát số 4 tầng 3. Khi đến nơi P, B, E, K đi lên phòng hát số 4 để gặp nhóm thợ xây, còn U thì ngồi lại ở quầy lễ tân. P vào phòng hỏi D thì được biết những người dọa đánh D đang ở phòng hát số 3. P đi xuống phòng hát số 3 trước, B, K, E cùng nhóm của D cũng đi theo xuống. P mở cửa phòng đi vào, lúc đó anh G ngồi ở ghế sofa đối diện cửa ra vào, X và S ngồi đối diện với G. P đi đến đứng trước mặt anh S, còn K và E thì đứng ngay sau P, B thì đi đến đứng đối diện với vị trí anh X ngồi, còn nhóm thợ xây thì đứng ngoài cửa phòng. P hỏi S “tại sao lại dọa đánh bọn hát ở phòng trên”. Do P đã uống rượu và thấy bực tức vì không thấy ai trả lời cho nên P đã dùng tay phải lấy 01 chiếc cốc nhựa màu trắng có quai cầm, cao khoảng 15cm, đường kính miệng cốc khoảng 8cm, đường kính đáy cốc khoảng 5cm đang để ở trên bàn giơ lên đập 01 cái vào vùng trán phải và 01 cái vào vùng gáy của anh S làm anh S bị rách da chảy máu. Do biết anh X từ trước nên B hỏi “mày biết tao là ai không”, anh X trả lời “em có biết anh”. B muốn cảnh cáo X về việc đã dọa đánh người khác nên dùng tay đấm mấy cái vào người, vào đầu anh X. Cùng lúc đó P quay sang phía anh X lấy 01 xô kim loại được làm bằng inox màu trắng cao khoảng 20cm, đường kính miệng 18cm, đường kính đáy khoảng 15cm có 02 tai móc bên thành xô, có quai xách chuyên dùng để đựng đá lạnh trong phòng hát lật ngược xô lên rồi úp phần miệng của xô vào đầu anh X làm anh X bị sưng ở phần trán, rách ra chảy máu ở vùng cung mày phải. P còn dùng tay đấm anh X máy cái nữa làm anh X bị ngã ra ghế. Khi anh X đứng dậy thì bị P và B tiếp tục dùng tay không đấm tiếp mấy cái vào người anh X. Khi anh X bị ngã ra nền nhà do trượt chân vào đá thì Q đi vào dùng chân đá vào người anh X. G định can ngăn thì bị P quay lại dùng tay phải đấm thẳng vào mặt 01 cái rồi túm cổ áo ghì xuống, dùng đầu gối phải thúc vào ngực G mấy cái làm G bị ngã. E có vào can ngăn kéo P ra ngoài thì thấy anh X định đứng dậy thì E cầm chai bia giơ lên và nói “chúng mày thích chết à mà định đứng dậy, cứ nằm ở đấy”, sau đó E đặt chai bia xuống bàn. Ông Phạm Văn T là chủ quán phát hiện có đánh nhau nên đã đi lên can ngăn, đuổi nhóm của P đi về. Sau khi về đến nhà, D đã nói cho P biết D đã chỉ nhầm người dọa đánh D tại quán L1. Đến sáng ngày 10/11/2016, D, Q, Đ và Â cũng bỏ đi khỏi nhà P.

Các anh S, X, G được đưa đi sơ cứu tại Trung tâm y tế huyện V, xác định: Anh X bị 01 vết thương rách da cung lông mày phải kích thước 01cm, vùng trán trái sưng nề, anh G vùng trán xước da không chảy máu, anh S bị 01 vết thương vùng chẩm kích thước khoảng 3cm nham nhở sát xương, rách da cung lông mày phải. Anh S tự đến Bệnh viện Việt Đức Hà Nội chụp city rồi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Phố Nối đến ngày 14/11/2016 ra viện. Anh X cũng chuyển đến điều trị tại Bệnh biện đa khoa Phố Nối đến ngày 14/11/2016 thì ra viện. Sau đó anh X và anh S đều phải nghỉ tại nhà đến ngày 21/11/2016 thì đi làm bình thường tại Công ty TNHH L2, còn anh G được Trung tâm y tế huyện V điều trị theo dõi toàn trạng đến sáng ngày 10/11/2016 ra viện về nhà tự điều trị đến ngày 24/11/2016 thì bình phục.

Ngày 08/02/2017, các anh S, X, G làm đơn đề nghị khởi tố gửi cơ quan CSĐT - Công an huyện V. Ngày 15/02/2017, cơ quan CSĐT - Công an huyện V đã quyết  định  trưng cầu  giám định thương  tích  của các anh  S, X, G.  Ngày27/02/2017, Viện khoa học hình sự Bộ công an đã kết luận: Tại bản kết luận giám định số 701/C54-TT1 xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể của anh X tại thời điểm giám định là 01%, cơ chế hình thành thương tích là do vật tày gây nên; bản kết luận số 702/C54-TT1 xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể của anh S tại thời điểm giám định là 03%, cơ chế hình thành thương tích là do vật tày gây nên; bản kết luận số 703/C54-TT1 xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể của anh G tại thời điểm giám định là 0%, do không còn dấu vết thương tích nên không có cơ sở xác định chơ chế hình thành thương tích.

Quá trình điều tra không xác định được lai lịch, địa chỉ cụ thể của D, Q, Đ, Â là những người đã làm thuê cho P. Đối với chiếc điện thoại di động P đã dùng để liên lạc với D, P khai đã làm mất nên không thu giữ được. Đối với 01 chiếc cốc nhựa và 01 xô đựng đá lạnh P sử dụng để gây thương tích cho anh S và anh X, ngày 09/11/2016 khi thu dọn phòng hát, cốc đã bị vỡ, xô bị méo nên ông T đã vứt đi nên không thu giữ được. Ngày 18/4/2017, ông T đã tự nguyên giao nộp cho cơ quan điều tra 01 chiếc cốc nhựa và 01 chiếc xô kim loại đựng đá cùng chủng loại với chiếc cốc và xô đựng đá mà P đã sử dụng để phạm tội ngày 09/11/2016. Bị cáo P và những người bị hại, người làm chứng, người liên quan đều xác định chiếc cốc và chiếc xô nêu trên có đặc điểm và chủng loại tương tự như vật chứng mà P đã sử dụng để phạm tội. Ông T tự nguyện không yêu cầu bồi thường về chiếc cốc và chiếc xô đựng đá.

Anh S và bà Phạm Thị Y (mẹ anh S) yêu cầu P phải bồi thường tổng số tiền là 85.750.000đ; anh X và bà Nguyễn Thị R (mẹ anh X) yêu cầu bồi thường tổng số tiền là 50.937.677đ; Anh G yêu cầu P bồi thường 10.000.000đ.

Anh B không nhất trí bồi thường theo yêu cầu của anh X. Còn P tự xác định toàn bộ thương tích của anh X do một mình P gây ra nên sẽ bồi thường tất cả và đề nghị giải quyết các yêu cầu bồi thường của những người bị hại và anh G theo pháp luật. P đã tác động nhờ vợ là chị Nguyễn Thị H bồi thường thiệt hại cho người bị hại là 5.000.000đ để khắc phục một phần hậu quả.

Đối với hành vi của P đã dùng chân tay không đánh anh Trịnh Văn G, bảnkết luận giám định pháp y thương tích số 703/C54-TT1 ngày 27/02/2017 của Viện khoa học hình sự - Bộ công an xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể của anh G tại thời điểm giám định là 0%, Công an huyện V đã quyết định xử phạt hành chính đối với P.

Anh Trịnh Văn B đã có hành vi dùng chân tay không đánh anh Nguyễn Phúc X, tại bản kết luận số 701/C54-TT1 ngày 27/02/2017 của Viện khoa học hình sự Bộ công an xác định tổn thương cơ thể của anh X chỉ có tỷ lệ là 01% và do hành vi của P dùng hung khí là chiếc xô kim loại gây ra nên căn cứ khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự xác định hành vi nêu trên của anh B tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm không đáng kể, chưa đến mức phải xử lý về hình sự, Công an huyện V đã quyết định xử phạt hành chính đối với B.

Bản án số 44/2017/HSST ngày 20/9/2017, Tòa án nhân dân huyện V đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Trịnh Văn P phạm tội Cố ý gây thương tích.

Áp dụng: điểm a, i khoản 1 Điều 104; điểm b, h, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Trịnh Văn P 09 tháng tù, thời hạn tính từ ngày 17/4/2017. Ngoài ra bản án còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo.

Ngày 02/10/2017, người bị hại Trịnh Văn S và Nguyễn Phúc X kháng cáo, đề nghị làm rõ việc điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm không khách quan, bỏ lọt người phạm tội; đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại để không bỏ lọt tội phạm và đề nghị tăng hình phạt đối với Trịnh Văn P.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Bị cáo Trịnh Văn P thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

Người bị hại là anh Nguyễn Phúc X và anh Trịnh Văn S giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra khởi tố đối với Trịnh Văn Công.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tham gia phiên toà sau khi phân tích, đánh giá tình tiết vụ án xác định trong vụ án còn có đồng phạm. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 2 Điều 248 và Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của người bị hại Trịnh Văn S, Nguyễn Phúc X. Hủy

Bản án hình sự sơ thẩm số 44/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện V đối với bị cáo Trịnh Văn P để điều tra lại theo thủ tục chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trịnh Văn P thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của bị cáo phù lời khai của người bị hại, phù hợp khách quan với các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong hồ sơ vụ án, phù hợp với kết luận giám định số 701/C54-TT1 ngày 27/02/2017, kết luận số 702/C54-TT1 xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể của anh S tại thời điểm giám định là 03% của Viện khoa học hình sự Bộ công an, đã có đủ cơ sở kết luận: Khoảng hơn 20 giờ 00 phút ngày 09/11/2016, tại phòng hát số 3 tầng 2 của quán Karaoke L1 thuộc thôn M, xã C, huyện V, tỉnh Hưng Yên, Trịnh Văn P đã cùng một số đối tượng khác dùng cốc nhựa đánh gây thương tích cho anh Trịnh Văn S ở vùng trán phải và vùng đỉnh chẩm có tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 03% và dùng xô đựng đá lạnh bằng inox chụp vào đầu anh Nguyễn Phúc X, gây thương tích cho anh Nguyễn Phúc X ở vùng cung mày phải có tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 01%. Bởi những hành vi trên, Trịnh Văn P đã bị Tòa án nhân dân huyện V xét xử về tội Cố ý gây thương tích theo điểm a, i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của người bị hại là anh Trịnh Văn S và anh Nguyễn Phúc X đề nghị tăng hình phạt đối với Trịnh Văn P, Hội đồng xét xử xét thấy:

2.1 Đối với kháng cáo người bị hại cho rằng bản án chỉ áp dụng điểm a, i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự mà không áp dụng điểm c khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là “phạm tội đối với nhiều người”, thì căn cứ quy định tại nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn đối với điểm c khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là phạm tội nhiều lần đối với nhiều người trong trường hợp sau: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên (có thể 1 lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) mà mỗi lần tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả các lần từ 11% trở lên. Trong vụ án này, bị cáo P gây thương tích cho hai người nhưng tổng tỷ lệ thương tật chỉ 04% nên không đủ điều kiện áp dụng điểm c khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, nên kháng cáo của người bị hại không có căn cứ chấp nhận.

2.2 Đối với kháng cáo người bị hại cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự là không đúng. Xét thấy: Bị cáo P từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào, lần này là lần phạm tội đầu tiên và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo P đã khai báo đầy đủ và đúng sự thật những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện và tỏ ra ân hận về hành vi mình đã gây ra cho các bị hại; gia đình bị cáo P có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ cận nghèo có xác nhận của chính quyền nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được áp dụng, đã xử phạt bị cáo Trịnh Văn P 09 tháng tù là có cơ sở, nên kháng cáo của người bị hại không có căn cứ chấp nhận.

[3] Đối với kháng cáo của người bị hại đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra khởi tố đối với Trịnh Văn B. Hội đồng xét xử, xét thấy:

Trong vụ án này giữa P, B với các anh S, X, G không có mâu thuẫn gì từ trước; sau khi nhận điện thoại của D thông báo việc có người dọa đánh nhóm của D, P đã rủ B, E, K, U đến quán L1. Khi lên phòng hát số 4 nghe D nói nhóm thanh niên dọa đánh nhóm của D đang ở phòng hát số 3, P cùng nhóm của P đã mở cửa phòng hát số 3 thấy các anh S, X, G đang ngồi trong phòng. Thực tế các anh S, X, G không có lời nói hoặc hành động gì đe dọa nhóm thợ xây làm thuê cho P, nhưng P đã đi vào đứng trước mặt anh S, B đi vào đứng trước mặt anh X. Sau đó P cầm cốc đập vào đầu và trán anh S làm anh S bị thương với tỷ lệ tổn hại sức khỏe 3%; Trịnh Văn B dùng tay không đấm vào người, vào đầu anh X, ngay sau đó P cầm xô inox úp vào đầu anh X và dùng tay đấm anh X mấy cái nữa vào đầu làm anh X bị ngã ra ghế. Khi anh X định đứng dậy thì P và B tiếp tục dùng chân tay không đấm tiếp mấy cái vào người anh X, hậu quả làm anh X bị thương với tỷ lệ tổn hại sức khỏe 1%. Sau đó P còn dùng chân tay không đánh anh G làm anh G bị thương phải đi viện điều trị (do hơn 3 tháng sau mới tiến hành giám định nên thương tích của anh G tỷ lệ 0 %).

Xét thấy, xuất phát từ nguyên nhân nhóm thợ xây làm thuê cho Trịnh Văn P đã chỉ nhầm người trước đó tranh giành phòng hát, nhóm của P, B không xác định rõ sự việc mà Trịnh Văn B đã dùng tay không đánh liên tiếp vào vùng đầu anh Nguyễn Phúc X là vùng xung yếu trên cơ thể, sau đó lại cùng với Trịnh Văn P đánh vào người anh X, hành vi của Trịnh Văn P và Trịnh Văn B thể hiện tính chất côn đồ; đồng thời, thể hiện giữa Trịnh Văn P và Trịnh Văn B có sự thống nhất, tiếp nhận ý chí của nhau, cùng nhau thực hiện hành vi cố ý đánh nhóm của anh S, X, G gây thương tích. Hành vi của Trịnh Văn B là tiền đề, là điều kiện có ý nghĩa, tạo thuận lợi cho việc thực hiện hành vi phạm tội của P đối với anh X, nên có mối quan hệ nhân quả với thương tích của anh X. Do vậy, Trịnh Văn B phải chịu trách nhiệm về hậu quả do hành vi gây thương tích cho anh X và hành vi của Trịnh Văn B có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự với vai trò đồng phạm với Trịnh Văn P.

Trong giai đoạn xét xử, Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính, khởi tố, truy tố đối với Trịnh Văn B về tội Cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm với Trịnh Văn P, nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện V không chấp nhận. Hội đồng xét xử sơ thẩm tiếp tục kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện V xử lý đối với B theo đúng pháp luật.

Như vậy, việc không khởi tố, truy tố, xét xử đối với Trịnh Văn B về tội Cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm với Trịnh Văn P của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm huyện V như trên là chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi mà Trịnh Văn B đã gây ra đối với anh Nguyễn Phúc X và bỏ lọt người phạm tội. Tuy nhiên, để xử lý đối với Trịnh Văn B về tội Cố ý gây thương tích, cơ quan tiến hành tố tụng phải làm thủ tục hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công an huyện V đối với Trịnh Văn B, do vậy cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

Mặt khác, người bị hại cho rằng việc điều tra không khách quan: Trong đơn kháng cáo của anh Trịnh Văn S và Nguyễn Phúc X và tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, các người bị hại Trịnh Văn S, Nguyễn Phúc X và người có quyền lợi liên quan Trịnh Văn G đều khẳng định: Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình những người bị hại đã đề nghị chủ quán đóng cửa quán chờ và trình báo chính quyền địa phương xã C, huyện V; Công an xã C đã báo Công an huyện V về ngay trong đêm để tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng. Đồng thời cũng ngay trong đêm 09/11/2016, Công an huyện và Công an xã đã gọi P và nhóm thợ xây ở nhà P và một số thanh niên trong nhóm của P ra UBND xã C để làm việc sau đó lại cho về. Đến ngày 11/11/2016, gia đình những người bị hại đã gửi đơn tố cáo để trình báo sự việc trên và đề nghị xử lý nhóm P, B theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trong hồ sơ không có các tài liệu thể hiện việc giải quyết của Công an xã C và Công an huyện V ngay sau khi xảy ra sự việc như trên; không có Đơn đề nghị của những người bị hại do gia đình người bị hại gửi Công an huyện V ngày 11/11/2016 như lời khai của người bị hại; các tài liệu trong hồ sơ được thu thập bắt đầu từ ngày 08/02/2017; đặc biệt các biên bản ghi lời khai đầu tiên của các anh Trịnh Văn S (BL111, 112), Nguyễn Phúc X (BL126, 127) và Trịnh Văn G (BL140, 141) ghi ngày 10/02/2017 trong hồ sơ vụ án đều bị sửa chữa thời gian lấy lời khai nhưng không rõ lý do, không có xác nhận của người khai theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng hình sự, cần phải xem xét, làm rõ lý do việc sửa chữa thời gian lấy lời khai của người bị hại như trên.

Quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tại phiên toà và kháng cáo của người bị hại có căn cứ chấp nhận.

Từ phân tích trên, đủ căn cứ xác định cấp sơ thẩm điều tra không đầy đủ, cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 248 và khoản 1 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự, cần phải hủy bản án sơ thẩm số 44/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện V để điều tra lại theo thủ tục chung.

[4] Do bản án sơ thẩm bị hủy để điều tra lại, nên các yêu cầu kháng cáo của người bị hại sẽ được cấp sơ thẩm xem xét, quyết định theo thủ tục chung.

[5] Bị cáo Trịnh Văn P không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 248 và khoản 1 Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận kháng cáo của người bị hại Trịnh Văn S và Nguyễn Phúc X. Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 44/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hưng Yên.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện V, tỉnh Hưng Yên để điều tra lại theo thủ tục chung.

Tiếp tục tạm giam bị cáo Trịnh Văn P đến khi Viện kiểm sát nhân dân huyện V, tỉnh Hưng Yên nhận được hồ sơ vụ án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

606
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 105/2017/HSPT ngày 26/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:105/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:26/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về