Bản án 103/2020/HSPT ngày 24/09/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật quý, hiếm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 103/2020/HSPT NGÀY 24/09/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT QUÝ, HIẾM

Ngày 24 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình mở phiên toà phúc thẩm xét xử công khai vụ án hình sự thụ lý số 81/2020/HSPT ngày 31 tháng 8 năm 2020 đối với bị cáo Hồ Văn T do có kháng cáo của bị cáo Hồ Văn T và do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HSST ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

- Bị cáo có kháng cáo và bị kháng nghị: Hồ Văn T, sinh ngày 07 tháng 5 năm 1998 tại xã K, huyện L, tỉnh Quảng Bình; Nơi cư trú: Bản H, xã K, huyện L, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Bru-Vân Kiều; giới tính: Nam; Tôn giáo: Không tôn giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hồ Văn C, sinh năm 1967 và bà Hồ Thị V, sinh năm 1969; có vợ Hồ Thị M, sinh năm 1998. Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Hồ Văn T: Ông Phan Trọng Hùng, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình, có mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Hồ Văn C, sinh năm 1967, địa chỉ: Bản H, xã K, huyện L, tỉnh Quảng Bình, có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 10 năm 2019, Hồ Văn T vào vườn sắn do gia đình trồng tự phát nằm xen lẫn trong khu rừng tự nhiên thuộc lô 8, khoảnh 82, tiểu khu 519, có tọa độ E: 00568875, N: 01879896 do Ủy ban nhân dân xã K, huyện L, tỉnh Quảng Bình quản lý để đặt bẫy thú rừng. T đào một cái hố rộng 20cm, sâu khoảng 10cm, trên miệng hố đặt một que gỗ tròn gác ngang mép hố và đặt một sợi dây phanh tạo thành một cái vòng để rút vào chân con thú khi con thú đi vào bẫy. Khoảng 03 ngày T đi kiểm tra bẫy một lần. Ngày 09/01/2020, T điều khiển xe môtô nhãn hiệu Yamaha Sirius, biển kiểm soát 73H1- 438.64 của ông Hồ Văn Cum (bố của T) đi kiểm tra bẫy thì thấy 01 cá thể loài Sơn dương lông màu đen, có 04 chân, đầu có hai sừng, có trọng lượng khoảng 40- 50 kg bị mắc bẫy. Hồ Văn T lấy bao tải bịt đầu và dùng các cây dạng thân leo buộc 04 chân cá thể Sơn dương lại với nhau. Sau đó, T gùi cá thể Sơn dương bỏ lên xe môtô đưa về nhà. Trên đường về đến địa phận bản H, xã K, T bị tổ công tác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Công an huyện Lệ Thủy, Hạt kiểm Lâm huyện Lệ Thủy, Đồn Biên phòng Làng Ho phát hiện, bắt giữ.

Tại Kết luận giám định số 41/KLGĐ-KL ngày 16/01/2020, Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình kết luận: Mẫu vật giám định là cá thể loài Sơn dương; tên khác: Dê rừng, Dê núi, con than; tên khoa học: Naemorhedus sumatraensis; thuộc lớp thú (Mammalia); Bộ: Móng vuốt ngón chẵn (Artiodactyla); Họ: Trâu bò (Bovidae). Là loài động vật rừng thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ Ban hành kèm theo Nghị định số 160/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Là loài động vật rừng nhóm IB thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Ban hành Kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Về vật chứng: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lệ Thủy đã tiến hành tạm giữ 01 cá thể Sơn dương, 01 chiếc xe môtô biển kiểm soát 73H1- 438.64, 01 bẫy thú rừng. Ngày 11/01/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lệ Thủy ra quyết định tiêu hủy cá thể động vật rừng bị tạm giữ ngày 09/01/2020 vì lý do đã chết. Ngày 12/02/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trả lại 01 chiếc xe mô tô biển kiểm soát 73H1- 438.64 cho ông Hồ Văn C, là chủ sở hữu xe mô tô.

Tại Bản Cáo trạng số: 27/CT-VKSNDLT ngày 28/5/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lệ Thủy đã truy tố bị cáo Hồ Văn T về “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm g khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Hình sự Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HSST ngày 23/7/2020 của Toà án nhân dân huyện Lệ Thủy quyết định tuyên bố bị cáo Hồ Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” Án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng vụ án, tuyên buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm; tuyên quyền kháng cáo của các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật.

Trong hạn luật định, ngày 27/7/2020 Hồ Văn T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo:

Ngày 17/8/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình có quyết định kháng nghị số 1880/QĐ-VKSQB kháng nghị phần áp dụng pháp luật đối với bị cáo, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử vụ án theo hướng sửa Bản án sơ thẩm: Áp dụng tình tiết "“Phạm tội do lạc hậu" được quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm - Bị cáo Hồ Văn T khai, thừa nhận đã có hành vi phạm tội của mình, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo không am hiểu về luật pháp, cho rằng tại nhà của bị cáo có treo hình ảnh của loại động vật cấm săn bắt gồm: Gà Lôi trắng, Tê Tê, Khỉ Chà và, nên bị cáo không biết Sơn Dương là động vật quý hiếm.

- Người bào chữa cho bị cáo, ông Phan Trọng Hùng trình bày: Bị cáo Hồ Văn T là người dân tộc Bru Vân Kiều – dân tộc ít người sinh sống tại bản Horum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - là vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước đã tuyên truyền về việc cấm săn bắt các loài động vật rừng, nhưng do ở vùng sâu, vùng xa nên bị cáo chỉ nhận thức được việc 03 loài động vật treo ảnh ở nhà bị cáo là động vật cấm săn bắt, bị cáo cho rằng bẫy thú rừng bắt được Sơn Dương là không phạm tội, điều này chứng minh bị cáo không nhận thức đầy đủ pháp luật nên nhất thời phạm tội. Bị cáo thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, con bị cáo nằm bệnh viện đã 02 tháng, bị cáo là lao động chính trong gia đình, bị cáo làm đơn được UBND xã Kim Thủy xác nhận và có đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm m, s, t khoản 1 và khoản 2 của Điều 51, Điều 54, Điều 65 của Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng án treo - Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình phát biểu quan điểm:

Về kháng nghị: Kiểm sát viên vẫn giữ nguyên kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điều 355, 357 của Bộ luật tố tụng hình sự, sửa án sơ thẩm, Đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo Hồ Văn T, - Về kháng cáo của bị cáo:

Đơn kháng cáo của bị cáo làm trong hạn luật định nên được xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Về nội dung kháng cáo: Các quyết định của Bản án sơ thẩm về tội danh là có căn cứ, đúng pháp luật, về hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo 05 năm tù là có phần nặng, do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm điểm m, t khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 65 của Bộ luật hình sự và áp dụng Điều 355, và 357 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Văn T, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt, xử bị cáo 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Bị cáo nói lời sau cùng: Xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo để nuôi gia đình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo được xác định làm ngày 27/7/2020 - trong thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự nên xác định là kháng cáo hợp pháp, được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Quá trình điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận vào ngày 09/01/2020, bị cáo đặt bẫy làm bằng dây phanh, cài làm bằng gỗ, buộc dây màu xanh tại vườn sắn do gia đình tự trồng ở lô 8, khoảnh 82, tiểu khu 519 do UBND xã K quản lý và bẫy được 01 cá thể Sơn dương, khi chở đến bản H, xã K, huyện L thì bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ. Theo Kết luận giám định số 41/KLGĐ-KL ngày 16/01/2020 của Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình: Cá thể loài Sơn dương; là loài động vật rừng thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ Ban hành kèm theo Nghị định số 160/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; là động vật rừng nhóm IB thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Ban hành Kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Hành vi sử dụng bẫy tự chế để bẫy và bắt động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ của bị cáo Hồ Văn T đã phạm vào quy định của pháp luật. Do đó, có đủ cơ sở để kết luận hành vi của bị cáo Hồ Văn T mà Bản án sơ thẩm đã xác định là có căn cứ. Bản án sơ thẩm đã áp dụng điểm g khoản 2 Điều 244 về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” của Bộ luật hình sự để xét xử bị cáo là đúng pháp luật.

[ 3] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, Hội đồng xét xử thấy:

Đối với kháng nghị về áp dụng điểm m khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo Hồ Văn T, thấy: Bị cáo T sống ở Bản H, xã K là vùng sâu, vùng xa, thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bị cáo là người dân tộc Bru - Vân Kiều, theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự thì, "phạm tội do lạc hậu" là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc hành động theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thói quen cổ hủ, lạc hậu mà không biết là mình phạm tội (mặc dù pháp luật quy định buộc phải biết). Nguyên nhân dẫn đến trình độ lạc hậu có thể do không có điều kiện để học tập, tiếp cận, cập nhật thông tin, môi trường sống lạc hậu... Bị cáo T là người dân tộc, không nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật và cho rằng chỉ 03 loại động vật rừng bị cấm được treo hình ảnh tại nhà của bị cáo nên đã phạm tội, nên cần chấp nhận kháng nghị để sửa Bản án sơ thẩm, áp dụng điểm m khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự cho bị cáo.

[4] Xét kháng cáo của bị cáo:

Về kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt: Theo tính chất, mức độ vụ án, phạm vi ảnh hưởng do hành vi của bị cáo đối với nhân dân nơi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội; yêu cầu đấu tranh đối với loại tội phạm xâm phạm đến các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; xâm phạm đến chế độ quản lý Nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái như bị cáo đã thực hiện; Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy, Bị cáo sinh sống ở bản H, xã K, huyện L, tỉnh Quảng Bình – là người dân tộc Bru Vân Kiều, thuộc vùng đặc biệt khó khăn, được Đảng và Nhà nước có chính sách quan tâm đặc biệt nên việc tiếp cận thông tin, nhận thức pháp luật có phần hạn chế. Bị cáo được áp dụng điểm m, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự, bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính, gia đình thuộc diện hộ nghèo, do đó Hội đồng xét xử áp dụng Điều 54 để xử mức thấp nhất của khung hình phạt là cũng đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. Do đó chấp nhận kháng cáo của bị cáo về giảm nhẹ hình phạt là phù hợp.

Đối với kháng cáo xin được hưởng án treo: Theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, từ trước cho đến ngày phạm tội chấp hành chủ trương, pháp luật của Nhà nước, được Ủy ban nhân dân xã K, nơi bị cáo cư trú xác nhận và đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo; Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, bị cáo đủ điều kiện để được hưởng án treo theo Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/20218 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo, do đó chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt tù và cho bị cáo được hưởng án treo cũng đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung và đảm bảo tính khoan hồng, nhân đạo của Pháp luật.

[3] Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa về sửa Bản án sơ thẩm, giảm hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo là có cơ sở.

[4] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

[5] Bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 357; khoản 2 các Điều 135, 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Văn T, và chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, sửa án sơ thẩm:

Áp dụng điểm g khoản 2 Điều 244, các điểm s, m khoản 1 điều 51, Điều 54, Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt Hồ Văn T 36 (ba mươi sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (sáu mươi) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Giao bị cáo Hồ Văn T cho Ủy ban nhân dân xã K, huyện L, tỉnh Quảng Bình giám sát trong thời gian thử thách của án treo, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành thời gian thử thách.

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Bị cáo Hồ Văn T không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 24 tháng 9 năm 2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

396
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 103/2020/HSPT ngày 24/09/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật quý, hiếm

Số hiệu:103/2020/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 24/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về