TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 103/2019/DS-PT NGÀY 12/08/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN
Trong các ngày 12 và 14 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 82/2019/TLPT-DS, ngày 30 tháng 5 năm 2019, về tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2018/DS-ST, ngày 18-4-2019 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 140/2019/QĐ-PT ngày 25 tháng 6 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông M, địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, Sóc Trăng. (Có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông M1 - Luật sư của Văn phòng luật sư M1 thuộc Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng (Có mặt).
- Bị đơn: Công ty N, địa chỉ: tỉnh D.
Ngưởi đại diện theo pháp luật của Công ty N: Ông N1 – Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Người đại diện theo ủy quyền của Công ty N: Ông N2, địa chỉ: thành phố D1 (Văn bản ủy quyền ngày 19/11/2018 - Có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Bà P, địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
2/ Bà Q, địa chỉ: ấp C8, xã B1, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
3/ Bà O, địa chỉ: ấp C7, xã B2, huyện A3, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện theo ủy quyền của bà P, bà Q, bà O: Ông M, địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, Sóc Trăng. (Văn bản ủy quyền ngày 02/3/2017 và ngày 09/3/2017 - Có mặt)
4/ Ban quản lý S, địa chỉ: thành phố D1.
Người đại diện theo ủy quyền của Ban quản lý S: Ông S1 - Phó trưởng Ban quản lý S. (Văn bản ủy quyền ngày 08/7/2019 - Vắng mặt)
5/ Công ty R. địa chỉ: ấp C6, xã B3, huyện A2, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty R: Ông R1 – Giám đốc. (Vắng mặt)
- Người làm chứng:
1/ Ông NLC. (Vắng mặt)
Địa chỉ: ấp C5, xã B4, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
2/ Ông NLC1. (Vắng mặt)
Địa chỉ: ấp C4, xã B5, huyện A1, tỉnh Sóc Trăng.
3/ Ông NLC2. (Vắng mặt)
Địa chỉ: ấp C3, xã B6, huyện A1, tỉnh Sóc Trăng.
4/ Ông NLC3. (Vắng mặt)
Địa chỉ: ấp C2, xã B7, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
5/ Ông NLC4. (Vắng mặt)
Địa chỉ: ấp C1, xã B8, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông M.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 17/10/2016 cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn ông M trình bày như sau: Vào ngày 18/3/2004 dương lịch, chiếc xáng dây của Công ty N đang thi công tuyến kênh J thuộc Ấp C, huyện A, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Khi thi công lần đầu thì không làm ảnh hưởng gì đến căn nhà của cha ông là ông T (đã chết ngày 24/12/2012), đến khi xáng múc lần 2 do đất nhiều quá đã tràn vào làm sập nhà cha ông là ông T. Sự việc xáng múc làm sập nhà ông T thì có ông NLC5 (đã chết) là Bí thư chi bộ ấp cùng với ông NLC6 Phó ban nhân dân ấp C lập biên bản sự việc. Sau đó, gia đình ông có nhiều lần có đơn yêu cầu bồi thường gởi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phía Ban quản lý S cùng Công ty N có hứa cử người xuống thỏa thuận bồi thường nhưng đến nay vẫn không ai bồi thường, cha ông T hiện nay cũng đã chết. Căn nhà và tài sản của cha ông bị thiệt hại gồm:
- Căn nhà ngang 7m5 x dài 13m, trị giá 195.000.000 đồng. Ngoài ra, nhà gồm 20 cây cột xưa gỗ căm xe giá trị 20.000.000 đồng.
- Tài sản trong gia đình bị thiệt hại gồm: 01 cái tủ thờ bằng cây xưa màu đen, có chạm chuỗi xung quanh bằng cây Bênh, trị giá 28.000.000 đồng; 01 cái bàn hình chữ U bằng cây Bênh, trị giá 12.000.000 đồng; 08 cái ghế bằng cây Bênh trị giá 8.000.000 đồng; 01 cái tủ áo bằng cây Bênh, trị giá 14.000.000 đồng; 02 bộ Vạc bằng cây thao lao trị giá 22.000.000 đồng; 01 bộ Vạc bằng cây Gõ, trị giá 28.000.000 đồng; 03 cái lu chống đạn bằng xi măng, trị giá 6.000.000 đồng; 01 cái lu sành trị giá 500.000 đồng.
Nay ông đại diện cho các anh chị em gồm bà P, bà Q, bà O khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân huyện A giải quyết buộc Công ty N bồi thường số tiền 338.000.000 đồng, lãi suất 0,3%/tháng x 11 năm = 133.848.000 đồng, tổng cộng 471.848.000 đồng.
- Đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty N ông N2 trình bày như sau: Trong khoảng thời gian 2004 thì Công ty N có trúng thầu tiểu dự án Quãng lộ - Phụng Hiệp do Ban quản lý S làm Chủ đầu tư, phía Công ty N có thuê Công ty R tại Sóc Trăng thi công múc Kênh. Hiện nay các giấy tờ liên quan đến việc thi công công trình không còn lưu giữ tại Công ty vì Công ty đã thay đổi nhiều lần, đồng thời các cán bộ lãnh đạo và cán bộ trực tiếp điều hành công trình đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Sau khi nhận được thông báo thụ lý của Tòa án thì phía Công ty cũng đã liên hệ với Công ty S là Chủ đầu tư để xin trích lục hồ sơ liên quan nhưng hiện nay Công ty S cũng đã thay đổi Ban lãnh đạo nên cũng không còn lưu giữ hồ sơ liên quan đến vụ việc. Mặt khác, tại biên bản thanh lý hợp đồng thì phía Chủ đầu tư cũng không đề cập đến việc gây thiệt hại, do Công ty hiện nay là Công ty cổ phần liên quan đến các cổ đông nên việc bồi thường cần phải có chứng cứ cụ thể mới có thể lập phương án bồi thường. Tuy nhiên, theo các chứng cứ mà Tòa án tiến hành xác minh cũng thể hiện gia đình ông T cũng có thiệt hại do xáng múc kênh nhưng thiệt hại không nhiều như đơn khởi kiện đã nêu, do hiện nay phía Công ty đang gặp khó khăn nên Công ty đồng ý hỗ trợ cho gia đình ông T số tiền 20.000.000 đồng để khắc phục thiệt hại.
- Đại diện theo ủy quyền của Ban quản lý S ông S1 trình bày như sau:
Từ năm 2016 thì toàn bộ Ban lãnh đạo của Ban quản lý S đã thay đổi so với năm 2004, tên cũng thay đổi từ Ban quản lý S1 thành Ban quản lý S. Trong kho lưu giữ hồ sơ của Ban quản lý S không còn tài liệu, chứng cứ gì liên quan đến việc thi công làm thiệt hại nhà ông T và Ban lãnh đạo cũ trước đây cũng không đề cập đến vấn đề này. Do đó, Ban quản lý S đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2018/DS-ST, ngày 18-4-2019 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng, quyết định như sau:
Căn cứ vào khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 2 Điều 229; Điều 266; Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ vào Điều 485; Điều 489 Bộ luật dân sự năm 2015;
Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông M về việc yêu cầu Công ty N bồi thường số tiền 471.848.000 đồng (Bốn trăm bảy mươi mốt triệu, tám trăm bốn mươi tám ngàn đồng).
2/ Ghi nhận ý kiến tự nguyện của Công ty N hỗ trợ bồi thường cho ông M, bà P, bà Q, bà O số tiền 20.000.000 đồng (Hai chục triệu đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 02-5-2019 nguyên đơn ông M kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và nội dung đơn kháng cáo; Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm. Về nội dung vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông M, đồng thời căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông M phát biểu ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Người kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo theo đơn kháng cáo ngày 02-5-2019 của nguyên đơn ông M là đúng theo quy định tại Điều 271, Điều 272 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên kháng cáo hợp lệ và đúng theo luật định.
[2] Tại phiên Tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của Ban quản lý S là ông S1, người đại diện theo pháp luật của Công ty R là ông R1 và người làm chứng gồm ông NLC, ông NLC2, ông NLC1, ôngNLC3, ông NLC4 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hainhưng vắng mặt không có lý do. Căn cứ vào khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vụ án.
[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn ông M thấy rằng:
Theo nội dung đơn khởi kiện nguyên đơn ông M yêu cầu Tòa án giải quyết giải quyết buộc Công ty N bồi thường số tiền 338.000.000 đồng, lãi suất 0,3%/tháng x 11 năm = 133.848.000 đồng, tổng cộng 471.848.000 đồng (BL01). Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thấy rằng: Tại thời điểm xảy ra sự việc Ban quản lý S1 (Nay là Ban quản lý S) là Chủ đầu tư thực hiện dự án của tiểu dự án Quản lộ - Phụng Hiệp và Công ty N đã trúng thầu thi công công trình. Theo nguyên đơn trình bày trong quá trình thi công công trình nạo quét kênh J1 đã làm sập nhà ông T (đã chết), sự việc có Phó Ban nhân dân ấp ông NLC6 lập biên bản, nay ông M đại diện cho các con ông T yêu cầu Công ty N bồi thường số tiền thiệt hại và tiền lãi tổng cộng là 471.848.000 đồng. Chứng cứ nguyên đơn cung cấp gồm Biên bản v/v xáng thi công lộ kênh J thiệt hại tài sản của nhân dân do ông NLC6 lập ngày 18/3/2004 (BL11-12) cùng các tài liệu chứng cứ thể hiện gia đình ông T có khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bồi thường. Theo các tài liệu nguyên đơn cung cấp, ngày 10/7/2013 UBND huyện huyện A ban hành Công văn số 223/UBND-VP, trả lời yêu cầu khiếu nại của bà K là người được ông T ủy quyền khiếu nại với nội dung sự việc ông T yêu cầu bồi thường không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (BL22). Đến ngày 07/11/2016 thì ông M mới khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường.
Xét chứng cứ nguyên đơn cung cấp là tờ biên bản do ông NLC6 lập ngày 18/3/2004có thể hiện xáng múc làm sập nhà ông T nhưng không ghi rõ kết cấu căn nhà, cũng như các tài sản cụ thể bị thiệt hại gồm những vật gì và có giá trị là bao nhiêu. Theo ông M trình bày thì sau khi xáng múc sập nhà thì gia đình ông có khiếu nại lên Ủy ban, Ủy ban có cho đoàn xuống xác minh lập biên bản do ông NLC1 là Chánh thanh tra huyện A làm trưởng đoàn cùng một số cán bộ huyện, xã, ấp tham gia, do sự việc lâu quá ông không nhớ rõ mà chỉ nhớ ấp có ông NLC6, xã B ông NLC cùng ông G không rõ họ tên. Tòa án cũng đã tiến hành xác minh đối với ông NLC1 ngày 25/10/2018 (BL321-322), ông NLC1 trình bày: thời điểm 2004 khi nhận được đơn khiếu nại của ông T thì ông được UBND huyện A phân công vào xác minh cùng ông NLC địa chính xã B và một số người lâu quá ông không nhớ, khi vào xác minh thì vật dụng trong nhà ông T không còn vì gia đình đã di dời đi hết, đất xáng múc có tràn vào làm xiêu quẹo nhà trước, kết cấu nhà cột gỗ đã cũ, sau khi xác minh thì đoàn không tiến hành lập biên bản vì nhà ông T nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nên ông có hướng dẫn kiện ra Tòa án, sau đó sự việc như thế nào thì ông không biết. Tại biên bản xác minh ngày 28/9/2018 ông NLC trình bày (BL138) năm 2004 ông làm cán bộ địa chính xã B, ông có tham gia đoàn khảo sát nhà ông T cùng ông NLC1 nhưng nhà ông T không bị thiệt hại gì, chỉ có hàng ba trước nhà ông T bị đất tràn vào làm xiêu quẹo 01 cây cột và bể 01 cái lu đựng nước, lời trình bày của ông NLC cũng phù hợp với lời trình bày của ông G đại diện cho ấp C (BL324) tham gia đoàn khảo sát cùng ông NLC1.
Đối với các ông bà ký tên vào tờ biên bản do ông NLC6 lập ngày 18/3/2004 gồm: Ông NLC5 (đã chết); bà NLC7 (đã chết); ông NLC6 (đã bỏ địa phương đi); ông NLC8 do bệnh tai biến nên không nhớ sự việc như thế nào. Tòa án cũng tiến hành xác minh tại Phòng Thanh tra huyện A thì toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc bồi thường cho gia đình ông T không có lưu giữ trong phòng thanh tra do lúc đó UBND huyện A đã giao cho Chủ đầu tư cùng đơn vị thi công trực tiếp liên hệ giải quyết với gia đình ông T vì căn nhà ông T không nằm trong quy hoạch giải phóng nên không được bồi thường.
Đối với Đơn xác nhận ngày 04/10/2014 ông M cung cấp cho Tòa án có xác nhận của ông NLC9 là Phó Ban nhân dân khóm C xác nhận gia đình ông T có thiệt hại tài sản như đơn khởi kiện mà ông M nêu là đúng sự thật. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ông M cho rằng đơn ông NLC9 xác nhận là sau khi Tòa án thụ lý vụ án nhưng cho ký lùi ngày lại thành năm 2014. Đồng thời, Tòa án tiến hành xác minh đối với ông NLC9 thì được biết hiện nay ông NLC9 đã không còn giữ chức Phó Ban nhân dân và đã bỏ địa phương đi làm ăn, thời điểm xảy ra sự việc năm 2004 thì ông NLC9 không giữ chức vụ gì ở địa phương, ông NLC9 cũng không có tham gia đoàn khảo xác do UBND huyện A thành lập do ông NLC1 làm trưởng đoàn nên việc ông NLC9 xác nhận vào đơn do ông M cung cấp là không có cơ sở.
Mặt khác chứng cứ duy nhất để chứng minh là thiệt hại thực tế có xảy ra hay không chỉ là bản photo không có chứng thực nên không có giá trị để chứng minh thiệt hại là có thật.
Các công văn của UBND huyện A là chuyển đơn khiếu nại không phải là chứng cứ chứng minh nhà ông T bị thiệt hại. Do vậy không thể dùng các văn bản đó để làm căn cứ bồi thường thiệt hại mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đưa ra.
Từ đó cho thấy, các chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp cũng như các chứng cứ do Tòa án xác minh, thu thập thì phía nguyên đơn ông M không chứng minh được căn nhà ông T bị thiệt hại như thế nào, các tài sản bị thiệt hại gồm những tài sản nào, số lượng cụ thể là bao nhiêu nên cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của nguyên đơn là có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông M cho rằng nếu bị đơn đồng ý bồi thường cho ông số tiền 50.000.000 đồng thì ông sẽ không khởi kiện. Tuy nhiên, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông N2 cho rằng hiện nay Công ty N đang gặp khó khăn nên chỉ có thể hỗ trợ cho ông M số tiền 20.000.000 đồng nên ghi nhận ý kiến này của đại diện bị đơn là hoàn toàn có cơ sở chấp nhận.
Ông M kháng cáo nhưng cũng không cung cấp được chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình là có căn cứ nên yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận.
[3] Ý kiến phát biểu của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là không có căn cứ nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông M thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 130/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, vì vậy ông M không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 và khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Không chấp nhận kháng cáo của ông M. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2018/DS-ST, ngày 18-4-2019 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng, như sau:
Căn cứ vào khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 2 Điều 229; Điều 266; Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Căn cứ vào Điều 485; Điều 489 Bộ luật dân sự năm 2015; Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông M về việc yêu cầu Công ty N bồi thường số tiền 471.848.000 đồng (Bốn trăm bảy mươi mốt triệu, tám trăm bốn mươi tám ngàn đồng).
2/ Ghi nhận ý kiến tự nguyện của Công ty N hỗ trợ bồi thường cho ông M, bà P, bà Q, bà O số tiền 20.000.000 đồng (Hai chục triệu đồng).
3/ Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông M được miễn nộp tiền án phí. Hoàn trả cho ông M số tiền 11.437.000 đồng (Mười một triệu, bốn trăm ba mươi bảy ngàn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng số 004473, ngày 07/11/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
4/ Án phí dân sự phúc thẩm: Ông M được miễn nộp tiền án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 130/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 103/2019/DS-PT ngày 12/08/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản
Số hiệu: | 103/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/08/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về