Bản án 103/2017/HS-PT ngày 20/12/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 103/2017/HS-PT NGÀY 20/12/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 20 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở TAND huyện H, tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 103/2017/TLPT-HS ngày 13/11/2017 đối với bị cáo Trịnh Quang Đ. Do có kháng cáo của bị cáo Trịnh Quang Đ đối với bản án hình sự sơ thẩm số 47/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Toà án nhân dân huyện H, tỉnh Hưng Yên.

* Bị cáo có kháng cáo: Trịnh Quang Đ, sinh năm 1976; HKTT: thôn X, xã N, huyện H, tỉnh Hưng Yên; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: Lớp 12/12; Nghề nghiệp: Không; Con ông Trịnh Văn Q và bà Phạm Thị T; Vợ, con: chưa có; Tiền án, tiền sự: Chưa. Bị cáo tại ngoại. (có mặt).

* Những người bị hại không kháng cáo:

1. Chị Trần Thị C, sinh năm 1973.

Trú tại: thôn V, thị trấn B, huyện H, tỉnh Hưng Yên. (vắng mặt).

2. Ông Vũ Kim A, sinh năm 1948.

Trú tại: thôn M, xã Ă, huyện H, tỉnh Hưng Yên. (vắng mặt).

3. Ông Vũ Hồng ư, sinh năm 1955.

4. Bà Phạm Thị O, sinh năm 1956.

Đều trú tại: thôn P, xã N, huyện H, tỉnh Hưng Yên. (Đều vắng mặt).

5. Anh Vũ Xuân U, sinh năm 1979.

6. Bà Trần Thị Y, sinh năm 1955.

Đều trú tại: thôn Ê, xã I, huyện H, tỉnh Hưng Yên. (Đều vắng mặt).

7. Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1950.

Trú tại: thôn D, xã G, huyện L, tỉnh Hưng Yên. (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 1998 Trịnh Quang Đ là sinh viên học dự bị của Trường đại học dân lập Đ1, thành phố Hà Nội. Nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, Đ tự giới thiệu Đ là nhân viên của Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm, có người nhà quen biết với nhiều người có khả năng xin được việc vào các cơ quan, tổ chức khiến cho nhiều người tin tưởng nộp hồ sơ, đưa tiền cho Đ để nhờ Đ xin việc, cụ thể:

Vụ thứ nhất: Đ học cùng chị Đỗ Thị R là con gái của ông Vũ Kim A ở thôn M, xã Ă, huyện H, tỉnh Hưng Yên, thấy anh Vũ Văn  (con trai ông  A) vừa tốt nghiệp phổ thông trung học chưa đi học ở đâu nên ngày 20/3/1998 Đ cùng em trai là Trịnh Quang M đến gặp ông A nói: “Hiện nay trường Đại học K1, thành phố Hà Nội đang mở lớp điện tử tin học viễn thông hệ cao đẳng, cháu có ông chú làm ở Vụ đào tạo - Bộ giáo dục và cháu quen biết với một số giáo viên của trường, nếu bác có cho em  đi học thì cháu xin cho”, ông A nói: “Nếu cháu hỏi được thì bảo bác”. Trưa hôm sau Đ và anh M đến gặp ông A, Đ nói với ông A “Trường hợp của  là được nhưng phải nộp lệ phí cho nhà trường là 7.000.000 đồng”, ông A nói: “Cháu giúp bác thì giúp đến nơi, nếu không là thôi đừng lừa bác”. Đ nói: “Bác yên tâm chắc chắn là được cháu đã bảo chú cháu rồi và cháu đã gặp giáo viên nhà trường họ đồng ý và ghi tên em rồi”. Thấy vậy, ông A tin tưởng đưa cho Đ 01 bộ hồ sơ và số tiền 01 triệu đồng. Một tuần sau Đ đến gặpông A nói: “Thủ tục của  đã xong, bác nộp nốt tiền cho cháu”, do ông A chưa có tiền nên ông A nói: “Gia đình không có tiền hay cho bác rút”, Đ nói: “Danh sách của em đã lưu ở máy tính rồi nếu bác không có đủ tiền thì nộp trước 50% hoặc nộp chậm vài ngày, nếu bác không nộp thì sẽ bị mất số tiền 01 triệu đồng đã nộp cho nhà  trường”. Sau đó Đ đi về, mấy ngày sau Đ điện cho ông A nói: “Bác mang tiền ra nộp chuẩn bị nhập học rồi, nếu không sẽ mất số tiền 01 triệu đồng”. Đến ngày 15/4/1998 ông A mang tiền đến chỗ ở của Đ tại số nhà 47 tổ 19 phường K, quận Ô, thành phố Hà Nội đưa cho Đ số tiền 3.000.000 đồng. Đ cầm tiền và nói: “Bác cứ đi về đến 15/6/1998 sẽ có giấy báo nhập học”. Đến ngày 15/6/1998 không thấy  có giấy báo nhập học ông A ra Hà Nội tìm gặp Đ thì Đ nói: “Bác yên tâm hệ cao đẳng học muộn hơn” nên ông A đi về. Sau đó ông A đã nhiều lần tìm gặp Đ đòi tiền nhưng  Đ không trả, sau đó Đ bỏ trốn. Ngày19/8/1998 ông A đã làm đơn trình báo công an huyện H1

Vụ thứ hai: Gia đình Đ và gia đình ông Vũ Hồng ư (Vũ Văn ư ) ở thôn P, xã N, huyện H, tỉnh Hưng Yên có quan hệ họ hàng nên Đ biết anh Vũ Văn Ơ là con của ông ư học xong trung cấp kế toán nhưng chưa xin được việc làm. Ngày 14/4/1998 Đ đến nhà ông ư chơi và nói với vợ chồng ông Ư: “Cháu có người quen bên ngoại xin được cho em Ơ vào làm kế toán cơ quan nhà nước ở Hà Nội, với mức lương 300.000 đồng/tháng. Nếu cô chú đồng ý thì làm hồ sơ cho em và nộp lệ phí 9.000.000 đồng cô chú cứ tin tưởng ở cháu đảm bảo là được, cháu trả ơn cô chú vì cô chú xin cho em cháu đi học”. Đến 16/4/1998 Đ sang nhà ông Ư, vợ chồng ông Ư đã đưa cho Đ 01 bộ hồ sơ và số tiền 3.000.000 đồng, Đ cầm tiền rồi đi về. Do thấy lương thấp và không có nhà ở nên ngày 17/4/1998 ông Ư ra Hà Nội gặp Đ để lấy lại tiền. Đ không trả và nói: “Cháu không để tiền ở đây, ngày mai cháu mang về trả cô chú”. Tối ngày 18/4/1998 thấy Đ về nhà nên ông Ư bảo anh Ơ sang gặp Đ để lấy lại tiền, Đ rút trong túi quần ra một tập tiền và nói với anh Ơ:“Đây là tiền người ta cũng nhờ xin việc, em cứ về đi anh mang sang đưa cho cô chú”. Ông Ư nhiều lần tìm gặp Đ nhưng Đ không trả tiền, sau đó Đ bỏ trốn. Ngày 20/9/1998 ông Ư làm đơn trình báo công an huyện H1.

Vụ thứ ba: Đ quen biết với anh B1, sinh năm 1976, ở thôn V, thị trấn B, huyện H, tỉnh Hưng Yên. Ngày 28/5/1998 Đ đến nhà anh B1 chơi thì gặp bà Nguyễn Thị S1 là mẹ anh B1, Đ giới thiệu Đ làm ở trung tâm giới thiệu việc làm và đặt vấn đề xin việc làm cho anh B1 vào Công ty sản xuất chè D1 nhưng anh B1 không đi nên Đ nói với chị Trần Thị C (chị gái của B1) là:“Em xin cho chị đi bán hàng ở siêu thị C1, thành phố Hà Nội, chị làm hồ sơ đi đến ngày 02/6/1998 nộp cho em”. Đến ngày 02/6/1998 Đ đến nhà bà S1, chị C đưa cho Đ 01 bộ hồ sơ, Đ nói với chị C: “Ngày 10/6/1998 chị ra Hà Nội để sơ tuyển và mang 2.000.000 đồng nộp lệ phí”. Đến ngày 10/6/1998 chị C cùng anh rể là Vũ Khả V1thuê xe ôm  ra nơi ở của Đ ở phường K, quận Ô gặp Đ. Đ đưa chị C ra một công trình đang xây dựng ở đường X1, Đ nói với chị C: “Đây đang xây dựng siêu thị, sau này chị sẽ vào đây làm”. Chị C gặp một thanh niên không rõ họ, tên, tuổi, địa chỉ theo Đ giới thiệu là người phỏng vấn, người đàn ông này nói với chị C đến 20/6/1998 chị ra nhận việc. Sau đó chị C đưa 01 triệu đồng cho anh V1 để anh V1 đưa cho Đ. Đến ngày 14/6/1998 Đ đi xe ôm về nhà chị C, chị C đưa cho Đ số tiền 1.100.000 đồng. Đến ngày 20/6/1998 chị C ra gặp Đ để đi làm thì Đ nói: “Công việc của chị chưa xong, khi nào xong em gọi điện cho chị hoặc em về đónchị”. Sau đó  chị C đi về. Nhiều ngày sau chị C tìm gặp Đ hỏi công việc, Đ hẹn chị C ngày 02/9/1998 đi làm. Đến ngày hẹn chị C không thấy Đ gọi và biết Đ đã bỏ trốn. Ngày 20/11/1998 bà S1 đã làm đơn trình báo công an huyện H1.

Vụ thứ tư: Đ là bạn học với anh Đỗ Trung E, sinh năm 1975, ở thôn D, xã G, huyện L, tỉnh Hưng Yên nên thỉnh thoảng Đ qua nhà E chơi. Chiều một ngày trong tháng 5/1998 Đ đến nhà E gặp bà Nguyễn Thị S (mẹ E), Đ nói: “Cháu có ông bác ruột làm trưởng phòng tổ chức nhà máy phích nước bóng đèn R1, hiện nay nhà máy lắp thêm dây chuyền sản xuất hiện đại đang tuyển công nhân, cô làm hồ sơ cho E đi đợt này và nộp ngay cho cháu lo thủ tục”, bà S nói “Nhưng E chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông”. Đ nói: “Việc đó cháu nhờ người lo cho, để vào được nhà máy cô phải nộp lệ phí 7.500.000 đồng, riêng E chưa có bằng tốt nghiệp thì nộp thêm 1.500.000 đồng, cô làm thủ tục và đưa trước cho cháu 5.000.000 đồng, càng sớm càng tốt, chỉ sau một tuần là có quyết định đi làm”. Mấy ngày sau Đ cùng bà Phạm Thị T là mẹ đẻ của Đ đến nhà bà S, gặp bà S thì Đ nói: “Bác cháu chỉ có 02 chỉ tiêu thôi nếu cô không nhanh thì người ta chen vào mất”. Ngày 01/6/1998 anh E chở bà S ra chỗ ở của Đ ở Hà Nội, bà S đưa cho Đ số tiền 5.000.000 đồng, Đ cầm tiền và nói: “Đến cuối tháng 6/1998 thì E sẽ đilàm, cô không  phải ra, cháu mang quyết định về”. Bà S bảo Đ cho gặp bác của Đ để hỏi công việc của anh E thì Đ nói: “Giờ này bác cháu cũng sắp đi làm rồi, thôi để hôm nào bác cháu về quê thì cháu đưa vào nhà cô, còn 04 triệu đồng hôm nào có quyết định cháu sẽ cầm về và cô nộp nốt” nên bà S đi về.

Sau đó không thấy anh E có quyết định đi làm, bà S và anh E đã nhiều lần ra Hà Nội gặp Đ nhưng không gặp được. Đến tháng 7 năm 1998 Đ đến nhà bà S nói với bà S: “Gia đình cứ yên tâm cháu sẽ lo được việc cho E, hiện nhà máy đang có mâu thuẫn nội bộ, con em công nhân họ có hộ khẩu Hà Nội họ vào trước còn E ở tỉnh ngoài bác cháu nghĩ kế tách quyết định cho E công nhân bậc 3, rất may cho E là chậm chắc đi làm luôn không phải đi học”. Đến cuối tháng 7/1998 không thấy anh E có quyết định đi làm bà S nhiều lần tìm gặp Đ đòi tiền nhưng Đ không trả, sau biết Đ bỏ trốn nên ngày 21/9/1998 bà S đã làm đơn trình báo công an huyện H1.

Vụ thứ năm: Trịnh Quang Đ quen biết với chị Vũ Thị N1 ở thôn P1, xã I, huyện H nên biết anh Vũ Xuân U là em trai chị N1 chưa có việc làm. Đầu tháng 6/1998 Đ đến nhà chị N1 chơi, Đ nói với ông Vũ Xuân G1 là bố đẻ chị N1: “Cháu xin cho em U đi làm bảo vệ ở Hà Nội”, ông G1 đồng ý, Đ nói: “Xin việc hết 01 triệu đồng, bác làm hồ sơ gấp để đến ngày 10/6 hay 15/6/1998 là đi làm” nên ông G1 đã làm hồ sơ đưa cho Đ. Ngày 02/6/1998 ông G1 mang số tiền 01 triệu đồng ra chỗ ở của Đ tại Hà Nội đưa cho Đ. Ngày hôm sau Đ về nhà ông G1 đón anh U ra Hà Nội khám sức khỏe. Đ chở anh U ra Hà Nội sau đó Đ nói muộn rồi không khám sức khỏe được và chở anh U về. Đến ngày 18/6/1998 Đ đến nhà ông G1 nói: “Em U có việc làm rồi”, sau đó Đ chở U ra Hà Nội đi qua hai công ty không rõ tên, địa chỉ, Đ chỉ vào công ty đó và nói với anh U: “Sau này em vào đây làm”, sau đó Đ chở U về và nói với ông G1 “đến ngày 10/7/1998 chắc chắn là sẽ có việc anh sẽ về đón”. Đến hẹn không thấy anh U có việc, ông G1 nhiều lần tìm gặp Đ đòi tiền thì bố mẹ Đ đã trả ông G1 chiếc xe đạp trị giá 400 nghìn đồng. Đến ngày 02/10/1998 ông G1 làm đơn trình báo công an huyện H1.

Quá trình điều tra Đ đã bỏ trốn khỏi địa phương, Cơ quan cảnh sát điều traCông an huyện H1 (nay là H) đã ra quyết định khởi tố và truy nã đối với Đ. Ngày21/6/2017 Đ đến công an huyện H đầu thú và khai nhận về hành vi phạm tội đãnêu trên.

Quá trình điều tra Đ khai nhận: Trong số hồ sơ và tiền Đ nhận của ông  A, ông Ư, bà S, ông G1, chị C có hồ sơ và một phần tiền Đ đưa cho ông Phạm Duy T1 là giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn nghề nghiệp C2 ở số 370 C1, thành phố Hà Nội. Số hồ sơ, số tiền còn lại Đ có mang đi nộp trực tiếp cho cơ quan, tổ chức xong Đ không có tác động gì để xin việc cho họ. Do lâu ngày, Đ không nhớ đã nộp cho cơ quan tổ chức nào và Đ cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ xác định Đ đưa hồ sơ và tiền xin việc cho ông T1. Quá trình bỏ trốn Đ không vi phạm pháp luật.

Quá trình điều tra: Ngày 07/7/2017 Đ đã bồi thường cho ông A 08 triệu đồng; ngày 16/8/2017 Đ bồi thường cho ông Ư 06 triệu đồng và bồi thường cho anh U 01 triệu đồng; ngày 07/7/2017 Đ bồi thường cho chị C 04 triệu đồng; tháng 9/2017 Đ đã bồi thường cho bà S số tiền 15 triệu đồng. Ông  A, ông Ư, bà S, anh U, chị C đã nhận đủ tiền và không có đề nghị bồi thường gì khác đồng thời có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo.

Bà Phạm Thị T đi cùng Đ đến nhà bà S, anh M đi cùng Đ đến nhà ông A nhưng bà T và anh M không biết việc Đ nhận tiền của gia đình bà S và ông A nên không có căn cứ để xử lý.

Đối với các phương tiện xe đạp, mô tô, điện thoại Đ sử dụng là phươngtiện phạm tội, do lâu  ngày Đ không nhớ đi xe gì và mượn xe của ai nên cơ quanđiều tra không có căn cứ xử lý.

Bằng cách thức và thủ đoạn như trên, Đ khai nhận bản thân còn thực hiện một số hành vi chiếm đoạt tại địa bàn quận C1, thành phố Hà Nội. Tháng 2 năm 1999 Đ bị cơ quan công an quận C1, thành phố Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và cũng bị truy nã vào năm1999. Ngày  14/8/2017 Đ đã đến cơ quan công an quận C1 đầu thú về hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra xác định tại thời điểm thực hiện các hành vi chiếm đoạt cụ thể trên Đ đang là sinh viên, hàng tháng bố mẹ Đ vẫn chu cấp tiền cho Đ sinh hoạt, mục đích Đ chiếm đoạt là để chi tiêu cá nhân nên không xác định số tiền Đ đã chiếm đoạt mà có làm nguồn sống chính.

Tại bản án số 47/2017/HSST ngày 29/9/2017 TAND huyện H đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Trịnh Quang Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng: Khoản 1 Điều 139; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 Nghị quyết 32/1999/NQ-QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt: Bị cáo Trịnh Quang Đ 09 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ngoài ra bản án còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí.

Ngày 12/10/2017 bị cáo Trịnh Quang Đ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay:

Bị cáo Trịnh Quang Đ thành khẩn nhận tội, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tham gia phiên toà, sau khi phân tích, đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, cũng như các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo, đề nghị: Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự là người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị cáo đã tự nguyện ra đầu thú, áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248; điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự, giảm cho bị cáo từ 02 tháng đến 03 tháng tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Lời khai nhận tội của bị cáo Trịnh Quang Đ tại phiên toà phúc thẩm phù hợp khách quan với lời khai của những người bị hại cùng các tài liệu, chứng cứ được thu thập có trong hồ sơ vụ án, đã có đủ căn cứ xác định: Trong khoảng thời gian từ tháng 3/1998 đến tháng 6 năm 1998, Trịnh Quang Đ đã dùng thủ đoạn gian dối tự giới thiệu mình là nhân viên của Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm và có người nhà quen biết với nhiều người có khả năng xin được việc nên Đ có khả năng xin cho anh Vũ Văn  đi học, xin việc làm cho anh Vũ Văn Ơ, chị Trần Thị C, anh Đỗ Trung E và anh Vũ Xuân U nhằm chiếm đoạt của ông Vũ Hồng Ư 3.000.000 đồng, chị Trần Thị C 2.100.000 đồng, bà Nguyễn Thị S5.000.000 đồng, ông Vũ Kim A 4.000.000 đồng và ông Vũ Xuân G1 1.000.000 đồng. Tổng cộng, Trịnh Quang Đ đã chiếm đoạt số tiền 15.100.000 đồng. Sau đó Đ bỏ trốn khỏi địa phương đến ngày 21/6/2017 Đ ra đầu thú tại cơ quan công an huyện H.

Xét hành vi bị cáo thực hiện như đã nêu trên thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự năm 1985. Căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm b khoản 1, tiểu mục c.1 mục c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội thì khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về khung hình phạt nhẹ hơn, quy định về dấu hiệu định lượng tài sản chiếm đoạt trong  cấu thành tội phạm có giá trị“từ hai triệu đồng trở lên”, nên theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, áp dụng khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xét xử bị cáo. Do đó, Toà án nhân dân huyện H đã xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, không oan sai, nhưng việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Nghị quyết 32/1999/NQ-QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội đối với bị cáo là chưa chính xác, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ sửa và áp dụng Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội cho phù hợp.

[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo: Hội đồng xét xử, xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; bị cáo có mẹ đẻ là bà Phạm Thị T được tặng Huân chương vì sự nghiệp giáo dục; bị cáo có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, và miễn hình phạt bổ sung có xác nhận của chính quyền địa phương để cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự và xử phạt bị cáo 09 tháng tù là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm còn thiếu sót chưa xem xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự là người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và bị cáo đã tự nguyện ra đầu thú, dođó cấp phúc thẩm sẽ xem xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo có căn cứ chấp nhận, giảm cho bị cáo một phần hình phạt, thể hiện sự nhân đạo nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tại phiên toà có căn cứ chấp nhận.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[4] Về án phí: Bị cáo Trịnh Quang Đ kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; điểm c khoản 1 Điều 249; Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

1.Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trịnh Quang Đ; sửa bản án hình sự sơ thẩm 47/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Toà án nhân dân huyện H, tỉnh Hưng Yên như sau:

Áp dụng: Khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sungnăm 2009); điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; khoản3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999. Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19 tháng6 năm 2009 của Quốc hội.

Xử phạt: Bị cáo Trịnh Quang Đ 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

2. Về án phí: Bị cáo Trịnh Quang Đ không phải chịu án phí hình sự phúcthẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bịkháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

279
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 103/2017/HS-PT ngày 20/12/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:103/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về