Bản án 102/2019/DS-ST ngày 09/10/2019 về tranh chấp hợp đồng dần sự vay tài sản và hợp đồng dân sự về hụi

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHỢ MỚI, TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 102/2019/DS-ST NGÀY 09/10/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DẦN SỰ VAY TÀI SẢN VÀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ VỀ HỤI

Ngày 09 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 169/2019/TLST-DS ngày 09 tháng 4 năm 2019 về “tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản và hợp đồng dân sự về hụi” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 341/2019/QĐXXST-DS ngày 05 tháng 8 năm 2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 298/2019/QĐST-DS ngày 27 tháng 8 năm 2019 và Thông báo số 16/2019/TB-TA ngày 13 tháng 9 năm 2019 về việc thay đổi thời gian mở phiên tòa, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Diễm T1, sinh năm 1972; địa chỉ: tổ 03, ấp M, xã M, huyện C, tỉnh An Giang; vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Lưu Q, sinh năm 1984; địa chỉ: số 96/61, khóm Đ, phường M, thành phố L, tỉnh An Giang; là người đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền được Văn phòng công chứng Huỳnh Thị N chứng nhận ngày 15 tháng 8 năm 2019); có mặt.

Bị đơn:

- Bà Tạ Kim T2, sinh năm 1965; địa chỉ: tổ 01, ấp M, xã M, huyện C, tỉnh An Giang; váng mặt.

- Ông Lê Văn T, sinh năm 1963; địa chỉ: tổ 01, ấp M, xã M, huyện C, tỉnh An Giang; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện ngày 18/9/2018 và các lời khai cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho rằng, ông T, bà T2 có tham gia các dây hụi do bà T1 làm chủ hụi, cụ thể như sau:

+ Dây hụi 2.000.000 đồng/tháng, mở hụi ngày 06/06/2016 âm lịch, có 22 hụi viên, ngày mãn hụi 06/02/2018 âm lịch (do năm 2017 có tháng nhuần), ông T tham gia 01 phần. Đến kỳ mở hụi ngày 06/10/2016 âm lịch, ông T lĩnh hụi với giá mở hụi 320.000 đồng. Bà T1 giao tiền lĩnh hụi 36.050.000 đồng cho bà T2 (vợ ông T) nhưng không làm biên nhận. Sau khi lĩnh hụi, bà T2 góp hụi chết được 02 lần rồi ngưng góp hụi chết kể từ kỳ mở hụi ngày 06/01/2017 âm lịch cho đến khi mãn hụi. Hàng tháng, Bà T1 góp phần hụi chết thay cho ông T với tổng số tiền của 15 lần là 30.000.000 đồng.

+ Dây hụi 1.000.000 đồng/tháng, mở ngày 25/9/2015 âm lịch, có 26 hụi viên, ngày mãn hụi 25/9/2017 âm lịch, bà T2 tham gia 02 phần. Vào kỳ mở hụi ngày 25/9/2015 âm lịch, bà T2 xin lĩnh hết 02 phần hụi với giá mở hụi 250.000 đồng. Bà T1 giao tiền lĩnh hụi cho bà T2 39.000.000 đồng (mỗi phần 19.500.000 đồng) nhưng không làm biên nhận. Sau khi lĩnh hụi, bà T2 góp hụi chết được 10 lần rồi ngưng góp hụi chết kể từ kỳ mở hụi ngày 25/8/2016 âm lịch cho đến khi mãn hụi. Hàng tháng, bà T1 góp 02 phần hụi chết này thay cho bà T2 với tổng số tiền của 15 lần là 30.000.000 đồng.

Bên cạnh việc giao dịch hụi, Bà T1 có cho ông T, bà T2 vay tiền nhiều lần, cụ thể:

Ngày 15/7/2016, ông T, bà T2 vay 30.000.000 đồng, thời hạn 02 tháng, lãi suất 4%/tháng. Sau khi vay, bà T2 đóng lãi được 04 tháng với số tiền 4.800.000 đồng rồi ngưng trả nợ lãi, nợ gốc cho bà T1.

Ngoài ra, bà T2 còn vay của Bà T1 nhiều lần. Khi hai bên chốt nợ vay thì bà T2 còn nợ 32.000.000 đồng.

Tổng tiền hụi và tiền vay mà ông T, bà T2 còn nợ Bà T1 là 122.000.000 đồng theo biên nhận ngày 29/4/2018. Sau đó, ông T, bà T2 trả được 6.000.000 đồng, còn nợ lại 116.000.000 đồng.

Sau khi Bà T1 nộp đơn khởi kiện, bà T2 có trả dần cho Bà T1 mỗi ngày 200.000 đồng với tổng số tiền 11.000.000 đồng, còn nợ 105.000.000 đồng cho đến nay. Số tiền mà bà T2 trả được trừ dần vào tổng số nợ, không thể hiện cụ thể trả nợ hụi hay nợ vay. Vì vậy, bà T1 yêu cầu ông T, bà T2 có nghĩa vụ trả bà T1 số tiền còn nợ 105.000.000 đồng, không yêu cầu tính lãi.

Tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp chứng minh cho ý kiến, yêu cầu khởi kiện là: Tờ tự khai ngày 06/11/2018 của bà Nguyễn Thị Diễm T1 và biên nhận nợ ngày 29/4/2018 đề họ tên người nợ Tạ Kim T2 (bản photo).

- Theo lời khai cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà Tạ Kim T2 cho rằng, bà T2 có tham gia hụi do Bà T1 làm chủ và đã lĩnh hết các phần hụi mà bà T2 tham gia nhưng góp lại hụi chết không đầy đủ.

Bên cạnh đó, bà T2 còn vay của Bà T1 20.000.000 đồng vào khoảng năm 2017, lãi mỗi tháng 1.000.000 đồng. Bà T2 đã trả dứt điểm nợ gốc. Đến năm 2018, bà T2 vay thêm số tiền 20.000.000 đồng, trả lãi mỗi ngày 200.000 đồng. Bà T2 trả lãi được khoảng 02 tháng thì ngưng và chuyển sang trả tiền gốc được 5.800.000 đồng, còn nợ lại 14.200.000 đồng.

Bà T2 và Bà T1 có lập biên nhận nợ thể hiện bà T2 còn nợ Bà T1 số tiền 116.000.000 đồng. Sau đó, bà T2 trả dần cho Bà T1 nên chỉ còn nợ 105.000.000 đồng. Số tiền lĩnh hụi, bà T2 sử dụng làm vốn mua bán bò và chi phí điều trị bệnh.

Bà T2 thừa nhận còn nợ lại Bà T1 tổng số tiền hụi và tiền vay 105.000.000 đồng và đồng ý trả nợ theo yêu cầu của bà T1 nhưng xin được trả dần mỗi ngày 50.000 đồng đến khi hết số tiền nợ.

- Bị đơn ông Lê Văn T đã được triệu tập hợp lệ nhưng vẫn váng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án nên Tòa án không ghi nhận được ý kiến.

Tại phiên tòa,

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày ý kiến, yêu cầu như đã cung cấp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và xác định không còn tài liệu, chứng cứ nào khác để cung cấp thêm.

Bên cạnh đó, ông Q còn khai, bà T2, ông T cùng tham gia các dây hụi và vay tiền từ bà T1. Sau khi chốt số nợ 116.000.000 đồng, do bà T2, ông T đã trả được 1.000.000 đồng nên Bà T1 khởi kiện yêu cầu hả 115.000.000 đồng. Sau khi Bà T1 khởi kiện, ông T, bà T2 trả thêm được 11.000.000 đồng. Cho nên, ông Q rút một phần yêu cầu khởi kiện 11.000.000 đồng trong số 115.000.000 đồng yêu cầu trả theo đơn khởi kiện và phần tiền lãi.

Do số tiền lãi mà Bà T1 đã nhận 4.800.000 đồng cao hơn quy định pháp luật nên ông Q đề nghị Tòa án điều chỉnh, trừ vào vốn theo quy định pháp luật.

Ông Q xác định, chỉ yêu cầu ông T, bà T2 trả số nợ 104.000.000 đồng sau khi trừ số lãi đã điều chỉnh, không yêu cầu tính lãi. Do sau khi chốt số nợ 122.000.000 đồng, bà T2, ông T trả lãi không nói rõ trả của khoản nợ hụi hay nợ vay nên không thể xác định cụ thể nợ hụi, nợ vay trong số 104.000.000 đồng.

- Ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa:

Việc tuân theo pháp luật của Thầm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã tuân theo đứng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đã thực hiện đầy đủ guyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định tại các Điều 70, 71 và 234 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn ông T, bà T2 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không lý do nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt ông T, bà T2 là phù hợp với quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về việc giải quyết vụ án: Bà T2, ông T tham gia các dây hụi do Bà T1 làm chủ và vay tiền của bà T1, còn nợ lại số tiền 122.000.000 đồng theo biên nhận nợ ngày 29/4/2018. Sau đó, bà T2 trả được 17.000.000 đồng. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, bà T2 trả được 11.000.000 đồng nên còn nợ lại 104.000.000 đồng. Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 11.000.000 đồng trong số 115.000.000 đồng và không yêu cầu tính lãi.

Bên cạnh đó, số nợ mà Bà T1 kiện đòi phát sinh trong thời kỳ hôn nhân giữa bà T2, ông T. Cho nên, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện đã bị rút; buộc bà T2, ông T trả nợ hụi, nợ vay cho Bà T1 theo yêu cầu của nguyên đơn.

Bà T2 yêu cầu được hả dần mỗi ngày 50.000 đồng cho đến khi dứt nợ nhưng bà T1 không đồng ý nên không có cơ sở xem xét.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 463, 466, 471 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, các Điều 146, 147, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T1; buộc ông T, bà T2 liên đới trả cho Bà T1 với số tiền 104.000.000 đồng sau khi khấu trừ phần tiền lãi vượt quá quy định trong số tiền lãi 4.800.000 đồng mà Bà T1 đã nhận; buộc ông T, bà T2 phải chịu án phí theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

* Về tố tụng

[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Bà Nguyễn Thị Diễm T1 khởi kiện yêu cầu bà Tạ Kim T2 và ông Lê Văn T trả nợ hụi và nợ vay. Bà T2, ông T đang cư trú trên địa bàn huyện Chợ Mới nên yêu cầu kiện của Bà T1 thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới theo quy định tại khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về sự vắng mặt của đương sự: Trước khi phiên tòa được mở, các bị đơn bà Tạ Kim T2, ông Lê Văn T đã được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa lần thứ 2 nhưng vẫn vắng mặt. Cho nên, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bà T2, ông T theo quy định tại khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

* Về nội dung:

[3] Về việc xác lập và thực hiện hợp đồng:

Nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho ràng, đối với nợ hụi, bà T2, ông T có tham gia 02 dây hụi tháng do Bà T1 làm chủ gồm: dây hụi 2.000.000 đồng, mở ngày 06/06/2016 âm lịch, có 22 hụi viên, ông T tham gia 01 phần; dây hụi 1.000.000 đồng, mở ngày 25/9/2015 âm lịch, có 26 hụi viên, bà T2 tham gia 02 phần. Sau khi hốt hụi các phần hụi đã tham gia, bà T2, ông T không góp hụi chết nên Bà T1 phải góp thay cho ông T, bà T2 với số tiền 60.000.000 đồng.

Đối với nợ vay, Bà T1 có cho bà T2, ông T vay tiền nhiều lần gồm: ngày 15/7/2016, cho vay 30.000.000 đồng, thời hạn 02 tháng, lãi suất 4%/tháng. Bà T2 đóng lãi được 04 tháng với số tiền 4.800.000 đồng rồi ngưng. Ngoài ra, bà T2 còn vay của Bà T1 nhiều lần khác và khi hai bên chốt nợ vay, bà T2 còn nợ 32.000.000 đồng.

Tổng cộng tiền hụi, tiền vay mà ông T, bà T2 nợ Bà T1 là 122.000.000 đồng theo biên nhận nợ ngày 29/4/2018. Sau đó, ông T, bà T2 có trả được 7.000.000 đồng, còn nợ lại 115.000.000 đồng.

Bà T2 thừa nhận có tham gia hụi với bà T1 và đã lĩnh hết các phần hụi mà bà T2 đã tham gia nhưng góp lại hụi chết không đầy đủ. Bên cạnh đó, bà T2 còn vay của Bà T1 20.000.000 đồng vào khoảng năm 2017, lãi mỗi tháng 1.000.000 đồng và đã trả dứt điểm nợ gốc. Đến năm 2018, bà T2 vay thêm số tiền 20.000.000 đồng, trả lãi mỗi ngày 200.000 đồng. Bà T2 trả lãi được khoảng 02 tháng thì ngưng và chuyển sang trả tiền gốc được 5.800.000 đồng, còn nợ lại 14.200.000 đồng. Bà T2 và Bà T1 có lập biên nhận nợ thể hiện bà T2 còn nợ Bà T1 số tiền 116.000.000 đồng. Sau đó, bà T2 trả dần cho Bà T1 nên còn nợ 105.000.000 đồng.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án ban hành Thông báo số 02/TB-TA ngày 02/7/2019 yêu cầu bà T2, ông T cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh đối với ý kiến mà bà T2 trình bày nhưng ông T, bà T2 không thực hiện.

Trong khi đó, biên nhận nợ ngày 29/4/2018 do bà T2, Bà T1 lập thể hiện tổng số tiền mà bà T2 còn nợ Bà T1 là 122.000.000 đồng, đã trả 6.000.000 đồng, còn nợ 116.000.000 đồng, rồi sau đó còn nợ lại 115.000.000 đồng.

Vì vậy, có căn cứ xác định bà T2, ông T có tham gia các dây hụi do Bà T1 làm chủ, vay tiền của Bà T1 và tính đến ngày 29/4/2018 còn nợ lại số tiền 122.000.000 đồng. Sau đó, bà T2 có trả dần được số tiền 6.000.000 đồng và 1.000.000 đồng. Cho nên, đến thời điểm Bà T1 khởi kiện, bà T2, ông T còn nợ lại Bà T1 số tiền 115.000.000 đồng.

[4] Về yêu cầu khởi kiện của bà T1:

Theo đơn khởi kiện, Bà T1 yêu cầu bà T2, ông T trả số nợ hụi, nợ vay 115.000.000 đồng và tính lãi theo quy định của pháp luật kể từ ngày 29/4/2018 đến khi Tòa án xét xử.

Tuy nhiên, sau khi Bà T1 khởi kiện, bà T2 đã trả dần được 11.000.000 đồng. Đồng thời, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tự nguyện rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cậu bà T2, ông T trả cho Bà T1 số nợ hụi, nợ vay 104.000.000 đồng, không yêu cầu tính lãi chậm trả.

Bên cạnh đó, số tiền lãi 4.800.000 đồng mà Bà T1 đã nhận của khoản vay 30.000.000 đồng là cao hơn quy định pháp luật. Việc ông Q chấp nhận khấu trừ tiền lãi đã nhận vượt quá quy định vào vốn là phù hợp quy định pháp luật.

Số tiền lãi theo quy định mà bà T2, ông T phải trả đối với khoản vay 30.000.000 đồng trong 04 tháng là: 30.000.000 đồng x 1,125%/tháng x 4 tháng = 1.350.000 đồng.

Phần tiền lãi chênh lệnh đã trả được khấu trừ vào vốn là: 4.800.000 đồng - 1.350.000 đồng = 3.450.000 đồng.

Cho nên, bà T2, ông T còn nợ Bà T1 nợ hụi, nợ vay sau khi khấu trừ số lãi vượt quá quy định pháp luật vào nợ vốn là 100.550.000 đồng (104.000.000 đồng - 3.450.000 đồng).

Mặc dù, bà T2 chấp nhận trả cho Bà T1 số nợ 105.000.000 đồng nhưng với phân tích bên trên, theo yêu cầu của nguyên đơn, ông T, bà T2 chỉ có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn số nợ 100.550.000 đồng.

Vì vậy, Hội đồng xét xử đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện bị rút theo Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; buộc bà T2, ông T trả cho Bà T1 nợ hụi, nợ vay 100.550.000 đồng.

[5] Về phương thức thanh toán: Bà T2 yêu cầu trả dần mỗi ngày 50.000 đồng cho đến khi dứt nợ nhưng người đại diện hợp pháp của nguyên đơn không chấp nhận. Cho nên, phương thức thanh toán sẽ được xem xét trong giai đoạn thi hành án.

[6] Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà T2, ông T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền phải thanh toán cho Bà T1 là 5.027.500 đồng.

Bà T1 không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; hoàn lại cho Bà T1 số tiền tạm ứng án phí 2.875.000 đồng mà Bà T1 đã nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 463, 466, 468, 470, 471 Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 147, 244, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết sổ 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Diễm T1 về việc yêu cầu bà Tạ Kim T2, ông Lê Văn T trả số nợ 11.000.000 đồng trong số 115.000.000 đồng theo đơn khởi kiện và yêu cầu trả lãi chậm thanh toán.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Diễm T1.

Buộc bà Tạ Kim T2, ông Lê Văn T có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị Diễm T1 số nợ hụi và nợ vay 100.550.000 (một trăm triệu, năm trăm năm mươi nghìn) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Tạ Kim T2 và ông Lê Văn T phải chịu 5.027.500 (năm triệu, không trăm hai mươi bảy nghìn, năm trăm) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Nguyễn Thị Diễm T1 không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Diễm T1 số tiền tạm ứng án phí 2.875.000 (hai triệu, tám trăm bảy mươi lăm nghìn) đồng mà Bà T1 đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2016/0012881 ngày 08/4/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chợ Mới.

4. Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bà Nguyễn Thị Diễm T1 có quyền kháng cáo đê yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm.

Riêng thời hạn kháng cáo của bà Tạ Kim T2, ông Lê Văn T được tính là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao hoặc được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

570
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 102/2019/DS-ST ngày 09/10/2019 về tranh chấp hợp đồng dần sự vay tài sản và hợp đồng dân sự về hụi

Số hiệu:102/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Chợ Mới - An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 09/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về