Bản án 10/2019/HS-ST ngày 31/07/2019 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ST - TỈNH KT

BẢN ÁN 10/2019/HS-ST NGÀY 31/07/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 31 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh K xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 11/2019/HSST ngày 04 tháng 5 năm 2019 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 10/2019/QĐXXST-HS, ngày 16 tháng 7 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. AL (Tên gọi khác: Không); Sinh năm: 1981 tại tỉnh K; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Làng O, xã Y, huyện ST, tỉnh K; Nghề nghiệp: làm nông; Trình độ văn hoá: 05/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Gia rai; Tôn giáo: không; Con ông A P và bà Y K; Bị cáo có vợ là Y G và 05 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 17/12/2018 - có mặt tại phiên toà.

2. A T (Tên gọi khác: Không); Sinh năm: 1983 tại tỉnh KT; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Làng L, xã IC, thành phố KT, tỉnh K; Nghề nghiệp: làm nông; Trình độ văn hoá: 01/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Gia rai; Tôn giáo: không; Con ông A P và bà Y K; Bị cáo có vợ là Y H và 02 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/10/2018 - có mặt tại phiên toà.

3. A W (Tên gọi khác: Không); Sinh năm: 1981 tại tỉnh K; Trú tại: Làng O, xã YX, huyện ST, tỉnh K; Nghề nghiệp: làm nông; Trình độ văn hoá: 01/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Gia rai; Tôn giáo: không; Con ông A R và bà Y Y; Bị cáo có vợ là Y D và 02 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 02/11/2018 - có mặt tại phiên toà.

4. A NG; Tên gọi khác: Không; Sinh năm: 1980 tại tỉnh K; Trú tại: xã IC, thành phố KT, tỉnh K; Nghề nghiệp: làm nông; Trình độ văn hoá: 04/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Gia rai; Tôn giáo: không; Con ông A P(đã chết) và bà Y Y ; Bị cáo chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn với chị Y D và có 03 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 02/11/2018 - có mặt tại phiên toà.

* Nguyên đơn dân sự: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp ST.

Địa chỉ: Thôn 1 thị trấn S, huyện ST, tỉnh KT Do ông Nguyễn Văn T - chức vụ: Giám đốc công ty TNHH MTV Lâm nghiệp ST là người đại diện theo pháp luật. Ông Nguyễn V T ủy quyền cho ông Lê Phúc L - chức vụ: Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp ST tham gia tố tụng. (Có mặt)

* Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Anh Nguyễn H N, sinh năm: 1984. (Có mặt)

Địa chỉ: Thôn 1 thị trấn ST, huyện ST, tỉnh KT

- Anh Mai H V L, sinh năm: 1993.(Có mặt)

Địa chỉ: Thôn 5, xã C H, thành phố K T

- Anh Ngô HT, sinh năm: 1974. (Có mặt)

Địa chỉ: Thôn 2 thị trấn ST, huyện ST, tỉnh KT.

- Anh Đào Văn M, sinh năm: 1981. (Vắng- có đơn xin xét xử vắng mặt)

Địa chỉ: Phường QT, thành phố KT

- Anh Giả Đ H, sinh năm: 1983. (Có mặt)

Địa chỉ: Đường TS, phường TL, thành phố KT

- Anh A T, sinh năm: 1976. (Có mặt)

Địa chỉ: Làng T, xã M, huyện ST, tỉnh KT

- Chị Phạm T A, sinh năm: 1989. (Có mặt)

Địa chỉ: Thôn 2, thị trấn S, huyện S, tỉnh K - Y Y, A D, A K (Có mặt)

Cùng trú tại: làng L, xã IC, thành phố KT, tỉnh K

- A Ng (Vắng- có đơn xin xét xử vắng mặt)

Trú tại: Làng O, xã Y, huyện ST, tỉnh KT;

* Người làm chứng:

- Anh A K, sinh năm: 2001. (Có mặt)

Địa chỉ: Làng O, xã Y, huyện ST, tỉnh K.

- A N, sinh năm: 1986. (Có mặt)

Địa chỉ: Làng L, xã IC, thành phố KT.

- A G, sinh năm: 1982 (Có mặt)

Địa chỉ: Làng KB, xã SB, huyện ST, tỉnh KT

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2016, AL có nhận khoán quản lý, trông coi bảo vệ cao su của Công ty đầu tư phát triển DTKT tại tiểu khu 697, xã M, huyện ST. Sau khi nhận khoán, A L đã dựng lán để ở đồng thời mượn đất của Công ty để trồng mì cũng như trông coi bảo vệ, chăm sóc cao su cho Công ty. Trong thời gian ở tại đây, A L đi đặt bẫy và chặt đọt mây đắng về ăn thì phát hiện tại khoảnh 12, 14, 15 tiểu khu 697 Lâm trường M, Công ty TNHH - MTV Lâm nghiệp ST thuộc địa giới hành chính làng R, xã M, huyện S, tỉnh K có nhiều cây gỗ có đường kính lớn gồm chủng loại: Sao, sến, huỷnh, phay, chò mọc rải rác trên ba tiểu khu trên, nên nảy sinh ý định tìm người có nhu cầu mua để cưa hạ bán lấy tiền. Khoảng cuối tháng 01 đến đầu tháng 02 năm 2018, A L đã gặp chị Phạm TA và nói với chị A là trong khu vực rẫy của mình có nhiều gỗ và hỏi chị A có mua không, nghe vậy chị A nói chỉ có nhu cầu mua gỗ rục để làm bàn ghế gia đình sử dụng ngoài trời. Nghe vậy, A L điện thoại cho A Th thuê đi khai thác gỗ, Th đồng ý và gọi thêm A Ng cùng đi cưa hạ gỗ chung với số tiền ban đầu là 150.000 đồng /một ngày, A Ng đồng ý. Sau đó A L dẫn A Th, A Ng đến lán của mình tại tiểu khu 697 chỉ cho A Th và A Ng vị trí cây gỗ để cưa hạ rồi đi về. A Th và A Ng dùng máy cưa của A L làm trong ba ngày và cưa hạ được 03 (ba) cây gỗ Sến mủ, cắt thành 04 (bốn) lóng gỗ và xẻ được 07 (bảy) hộp thì máy cưa bị hỏng nên A Th dùng điện thoại của mình gọi báo cho A L và cùng A Ng đi về nhà. Tiếp đó A L gọi thêm A Wh, A B, A N và A G đi làm cho mình và thông báo cho chị A biết không có máy cưa và tiền để làm. Sau đó A L dẫn A Th và A W ra gặp chị A ứng được 5.000.000 đồng và lấy hai máy cưa chuẩn bị xăng nhớt, đồ ăn cùng cả bọn đi vào lán của A L tại tiểu khu 697 xã M. Quá trình khai thác, A L là người chỉ khu vực, vị trí cây gỗ và sắp xếp công việc cho đồng bọn khai thác. Trong khi cả bọn khai thác gỗ thì L về nhà rồi khoảng 04 đến 05 ngày mang đồ ăn vào và đi đến để kiểm tra số lượng, quy cách gỗ đã khai thác có đúng như mình đưa ra từ trước không. Để đảm bảo cho quá trình khai thác gỗ A L đã sắp xếp cho đồng bọn sau khi khai thác gỗ xong thì tối về nghỉ ngơi tại chòi rẫy của mình. Trong khi làm thì A Th là người trực tiếp cưa hạ cây, xẻ hộp và cắt lóng, A W có nhiệm vụ dùng rựa phát dọn gốc, đo chiều dài và phụ Th cắt lóng, A Ng dùng rựa phát vòng quanh gốc để A Th cưa hạ cây, A N, G có nhiệm vụ phát dọn đường để cho xe ô tô độ chế vào kéo, A B có nhiệm vụ đi theo để nấu cơm, thỉnh thoảng cùng đi theo để phát đường. Cả bọn ban ngày cùng nhau lên rừng cưa hạ gỗ, tối về lán của A L ngủ nghỉ và làm trong khoảng nửa tháng thì cưa hạ được 19 (mười chín) cây gỗ gồm sao xanh, sao cát, huỷnh, sến, chò chai, phay. Trong 19 cây bị cưa hạ thì A W trực tiếp tham gia phát dọn gốc, đo gỗ đồng thời cưa hạ cây phụ cho A Th và cắt lóng 12 cây với khối lượng là 65,492m3 gỗ tròn, A Ng trực tiếp tham gia phát dọn gốc cho Th để cưa là 09 cây gỗ với khối lượng 19,733m3 gỗ tròn và 7,252m3 gỗ xẻ, sau đó A W và A Ng đi về không làm nữa. Còn lại A Th, A N, A b, A G tiếp tục sang khoảnh 12 tiểu khu 697. Tại đây A Th dùng cưa xăng cắt lóng 02 hai cây gỗ sến bobo đã bị cưa hạ cũ và cưa 02 (hai) cây gỗ huỷnh để chờ gió to xô đổ thì bị tổ công tác của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp S phát hiện lập biên bản. Đối với chị Phạm TA, quá trình làm việc tại Cơ quan điều tra khai: Khoảng đầu tháng 1 năm 2018 trong khi đi thu mua mủ trong xã SS có gặp A L thì A L có hỏi chị A là “ở dưới suối gần rẫy có một cây gỗ rục to chị có lấy không, nếu lấy tôi làm mang về bán cho”, nghe L nói vậy chị A nghĩ nhà mình thiếu bộ bàn ghế để ngoài sân nên nói với A L mang về đây chị A sẽ mua. Khoảng 01 tuần sau, A L nói với chị A, không có máy cưa và tiền nên không làm được. Chị A mua hai máy cưa của chị H với giá 9.000.000 đồng và bán lại cho A L với giá 10 triệu đồng để kiếm lời. Khi hỏi được, chị A đã báo cho L biết sau đó L dẫn Th và W ra nhà chị A ứng 5.000.000 đồng, đồng thời lấy hai máy cưa.

Ngày 23/03/2018 Hạt kiểm lâm huyện S đã mời Cơ quan CQĐT cùng các thành phần có liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường tại khoảnh 12, 14, 15 tiểu khu 697 phát hiện 26 cây gỗ bị cưa hạ với khối lượng là 102,480m3 gỗ tròn và 7,252m3 gỗ xẻ, gồm chủng loại: Sao xanh, sao cát, sến mủ, sến bobo, huỷnh, phay, chò chai từ nhóm II đến nhóm VI. Cơ quan CSĐT đã tiến hành định giá số lượng gỗ bị thiệt hại, kết luận định giá 102,480m3 gỗ tròn và 7,252m3 (Gỗ quy tròn là 114,083m3) có giá là 533.278.855đ (Năm trăm ba mươi ba triệu hai trăm bảy mươi tám nghìn tám trăm năm mươi lăm đồng), trong đó A L và A Th phải cùng chịu trách nhiệm với tổng số thiệt hại trên. Riêng A W trực tiếp khai thác 65,492m3 gỗ tròn với tổng thiệt hại là 244.691.975 (Hai trăm bốn mươi bốn triệu sáu trăm chín mươi mốt nghìn chín trăm bảy mươi lăm đồng), A Ng trực tiếp khai thác 19,733m3 gỗ tròn và 7,252m3 gỗ xẻ (Gỗ quy tròn là 11,603m3) với tổng thiệt hại là 161.448.000 (Một trăm sáu mươi mốt triệu bốn trăm bốn mươi tám nghìn đồng chẵn).

Tại bản cáo trạng số 09/CT-VKS ngày 03 tháng 5 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện S truy tố các bị cáo A L, A Th, A W về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự, truy tố bị cáo A Ng về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại khoản 2 Điều 232 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo A L, A Th, A W, A Ng phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Đề nghị Hội đồng xét xử: áp dụng điểm b khoản 3 Điều 232, Điều 38, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự : Xử phạt bị cáo A L từ 36 tháng đến 42 tháng tù, thời hạn tù kể từ ngày bắt tạm giam (Ngày 17/12/2018); Xử phạt bị cáo A Th từ 30 tháng đến 36 tháng tù, thời hạn tù kể từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (Ngày 09/10/2018); Xử phạt bị cáo A W từ 24 tháng đến 30 tháng tù, thời hạn tù kể từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (Ngày 02/11/2018); Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 232, Điều 38, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo A Ng từ 09 tháng đến 12 tháng tù, thời hạn tù kể từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (Ngày 02/11/2018)

Về trách nhiệm dân sự: Do đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự đã rút yêu cầu bồi thường và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan xin nhận lại tiền đã nộp thay các bị cáo để khắc phục hậu quả nên đề nghị HĐXX trả lại cho bà Y Y 800,000đ, trả lại cho ông A N 800.000đ và trả lại cho ông A K số tiền 800.000 đồng, trả lại cho A D số tiền 1.800.000 đồng.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự ; khoản 1, khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị tuyên: Tịch thu bán đấu giá để nộp ngân sách Nhà nước khối lượng 102,480 m3 gỗ tròn các loại và 7,252m3 gỗ xẻ sến mủ. (Hiện tại Cơ quan CSĐT đang tiến hành ký kết hợp đồng để vận chuyển 102,480 m3 gỗ tròn và 7,252m3 gỗ xẻ từ hiện trường về nơi bảo quản);

- Tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 01 (Một) máy cưa xăng nhãn hiệu STIHL MS 381. Tịch thu tiêu hủy hai lam cưa, hai rựa phát; 01 (Một) điện thoại di động màu hồng trắng, loại bàn phím bấm, nhãn hiệu GiGi Dream. (Theo biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan điều tra Công an huyện S và Chi cục Thi hành án dân sự huyện S ngày 14/5/2019).

Về án phí: Các bị cáo A L, A Th, A W, A Ng phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa HĐXX nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng : Việc điều tra, truy tố đều đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi quyết định của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sa thầy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sa Thầy đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]Về hành vi phạm tội của các bị cáo: quá trình điều tra và tại phiên tòa thể hiện Trong quá trình nhận khoán quản lý, trông coi bảo vệ cao su của Công ty đầu tư phát triển DT KT tại tiểu khu 697, xã M, huyện ST, tỉnh KT, A L phát hiện tại khoảnh 12, 14, 15 tiểu khu 697 Lâm trường M, Công ty TNHH - MTV Lâm nghiệp S thuộc địa giới hành chính làng R, xã M, huyện S, tỉnh K nhiều cây gỗ có đường kính lớn nên nảy sinh ý định khai thác gỗ trái phép để bán. Khoảng cuối tháng 01 đến đầu tháng 02 năm 2018, A L thuê A Th (là em trai của mình), A W, A B, A N và A G đi khai thác gỗ cho mình. Sau đó, A Th gọi thêm A Ng đi làm cùng. A L là người chỉ khu vực, vị trí cây gỗ cho đồng bọn khai thác, sau vài ngày thì mang đồ ăn tới, đồng thời kiểm tra số lượng, quy cách gỗ đã khai thác có đúng theo hướng dẫn của mình chưa và sắp xếp cho đồng bọn sau khi khai thác gỗ xong thì tối về nghỉ ngơi tại chòi rẫy của mình. A Thlà người trực tiếp cưa hạ cây, xẻ hộp và cắt lóng. A W dùng rựa phát dọn gốc, đo chiều dài và phụ Th cắt lóng. A Ng dùng rựa phát vòng quanh gốc để A Th cưa hạ cây. A Ng, A G phát dọn đường để cho xe ô tô độ chế vào kéo, A B có nhiệm vụ đi theo để nấu cơm, thỉnh thoảng cùng đi theo để phát đường. Các bị caó đã khai thác 26 cây gỗ, gồm các chủng loại: Sao xanh, sao cát, sến mủ, sến bobo, huỷnh, phay, chò chai từ nhóm II đến nhóm VI với khối lượng là 102,480m3 gỗ tròn và 7,252m3 gỗ xẻ. Tổng khối lượng gỗ quy tròn là 114,083m3 Tại Bản Kết luận định giá tài sản kết luận giá trị số lượng gỗ bị thiệt hại là 533.278.855đ (Năm trăm ba mươi ba triệu hai trăm bảy mươi tám nghìn tám trăm năm mươi lăm đồng), trong đó A L và A Th phải chịu chung với tổng số thiệt hại trên. Riêng A W trực tiếp khai thác 65,492m3 gỗ tròn với tổng thiệt hại là 244.691.975 (Hai trăm bốn mươi bốn triệu sáu trăm chín mươi mốt nghìn chín trăm bảy mươi lăm đồng). Do vậy, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện S truy tố các bị cáo A L, A Th, A W về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại khoản 03 Điều 232 Bộ luật Hình sự là có cơ sở Đối với A Ng được A Th rủ đi khai thác gỗ trong 02 đợt và trực tiếp phụ A Th cưa hạ 09 cây gỗ với khối lượng là 19,733m3 gỗ tròn và 7,252m3 gỗ xẻ (gỗ quy tròn là 11,603m3) với tổng thiệt hại là 161.448.000 (Một trăm sáu mươi mốt triệu bốn trăm bốn mươi tám nghìn đồng chẵn). Bản cáo trạng của VKSND huyện s truy tố A Ng về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại Khoản 02 Điều 232 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo: Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, trong đó A L là người chủ mưu, khởi xướng việc khai thác gỗ trái phép. Mặc dù A L không trực tiếp tham gia khai thác nhưng A L là người phát hiện tại khoảnh 12, 14, 15 tiểu khu 697 Lâm trường M có gỗ lớn, sau đó đã gọi đồng bọn vào khai thác gỗ, cung cấp cưa, tiền và lương thực đồng thời thường xuyên giám sát quá trình đồng bọn khai thác gỗ nên A L phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ khối lượng gỗ mà cả bọn đã khai thác. Đối với A Th là người trực tiếp cưa hạ 24 cây gỗ, A W phụ A Th cưa hạ 12 cây gỗ, A Ng phụ A Th cưa hạ 09 cây gỗ nên các bị cáo A Th, A W và A NG cũng phải chịu trách nhiệm hình sự với thiệt hại mà mình đã gây ra với vai trò là người thực hành.

Xét hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến tài nguyên rừng, đồng thời xâm phạm đến quy định về khai thác và bảo vệ rừng của Nhà nước. Vì vậy, phải xử phạt các bị cáo một mức án nghiêm khắc tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả do mỗi bị cáo gây ra, để giáo dục các bị cáo trở thành người biết tôn trọng pháp luật.

[4] Xét về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của các bị cáo:

- Về nhân thân: Các bị cáo A L, A Th, A W, A Ng đều có nhân thân tốt, chấp hành tốt các quy định tại địa phương, chưa có tiền án, tiền sự.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Sau khi sự việc bị phát hiện, các bị cáo A L, A Th, A W, A Ng đã đến cơ quan điều tra - Công an huyện ST đầu thú, quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, các bị cáo đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo A L, A Th, A W, A Ng không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào.

Do các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự nên có đủ cơ sở để áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự để xử phạt các bị cáo một mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt để các bị cáo thấy được lượng khoan hồng của pháp luật.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy, cần phải xử phạt các bị cáo một mức án tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả do bị cáo gây ra nhằm giáo dục các bị cáo trở thành người biết tôn trọng pháp luật, đồng thời răn đe giáo dục phòng ngừa chung. Tuy nhiên, cũng cần xem xét các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế, gia đình các bị cáo đông con, các bị cáo đều là lao động chính trong gia đình nên khi quyết định hình phạt đảm bảo tính răn đe phòng ngừa chung vừa đảm bảo tính khoan hồng. Xét tính chất, mức độ, hậu quả của các bị cáo cần thiết phải cách ly khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ để các bị cáo tự cải tạo sớm trở thành công dân tốt có ích cho xã hội.

[5] Các vấn đề khác:

- Đối với chị Phạm TA khai không có ý định mua gỗ do A L khai thác trái pháp luật mà chỉ định mua cây gỗ rục trong rẫy của A L để làm bàn ghế ngoài trời. Cơ quan CSĐT đã tiến hành đối chất giữa chị A và A L để xác định sự thật khách quan của vụ án, kết quả đối chất mỗi người vẫn khẳng định lời khai của mình là đúng. Tại phiên tòa, đã xác định rõ chị Phạm TA chỉ có ý định mua gỗ rục trong rẫy của A L, không xác định được A L và các đối tượng liên quan khai thác gỗ ở khu vực nào. Hơn nữa, A L và các bị cáo đều thừa nhận chị An không biết việc các bị cáo khai thác gỗ ở đâu, loại gỗ gì nên không có cơ sở giải quyết trong vụ án này. Bên cạnh đó, A L đã khai có nhận 30.000.000 đồng từ một người tên V mà không rõ họ tên, địa chỉ để khai thác gỗ. Như vậy, lời khai của A L chưa thống nhất nên HĐXX không có căn cứ để xử lý đối với chị Phạm TA.

- Đối với A N, A B, A G được A L thuê đi phát đường để cho xe ô tô độ chế vào kéo gỗ ra và được L trả tiền công 150.000đ/ người/ ngày. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa thể hiện, các đối tượng này không biết việc nhóm A L khai thác gỗ trái phép, hơn nữa hành vi phát đường của các đối tượng này chưa gây ra hậu quả do tang vật (gỗ) của vụ án chưa bị vận chuyển, tẩu tán, tiêu thụ ra thị trường nên cơ quan CSĐT không xử lý theo quy định của pháp luật là phù hợp.

- Đối với những người tên P, V ở Gl theo lời khai của A L, Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, nhưng không xác định được nhân thân lai lịch nên tiếp tục điều tra, khi có đủ cơ sở sẽ xử lý theo quy định.

- Anh Phạm TĐ không hề biết việc A L hỏi chị A mua gỗ mà chỉ chỉ nhà của chị A cho A L nên HĐXX không triệu tập tham gia phiên tòa.

- Đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của cán bộ được giao quản lý bảo vệ rừng, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định của pháp luật

* Trách nhiệm dân sự : Trong quá trình điều tra, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp S yêu cầu các bị cáo A L, A Th, A W, A Ng bồi thường thiệt hại theo Kết luận định giá tài sản giá trị số lượng gỗ bị thiệt hại là 533.278.855đ (Năm trăm ba mươi ba triệu hai trăm bảy mươi tám nghìn tám trăm năm mươi lăm đồng). Tuy nhiên, tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp S không yêu cầu các bị cáo bồi thường nên không đề cập đến nữa.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, các bị cáo đã tác động gia đình nộp tiền khắc phục một phần hậu quả tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy, cụ thể : bà Y Y nộp số tiền 800.000đ tại Biên lai thu tiền số AA/2010/0005135 ngày 30/5/2019 (nộp thay A Ng); A N nộp số tiền 800.000đ tại Biên lai thu tiền số AA/2010/0005793 ngày 08/5/2019 (nộp thay A L ); A K nộp số tiền 800.000đ tại Biên lai thu tiền số AA/2010/0005797 ngày 08/5/2019 (nộp thay A Th) ; A D nộp số tiền 1.800.000đ tại Biên lai thu tiền số AA/2010/0005795 ngày 08/5/2019 (nộp thay A W). Tại phiên tòa, do đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự không yêu cầu bồi thường nữa, bà Y Y xin nhận lại số tiền 800.000 đồng, bị cáo A L xin HĐXX trả lại số tiền 800.000 đồng cho A Ng, A K xin nhận lại 800.000 đồng và A D xin nhận lại 1.800.000 đồng. Xét thấy, cần trả lại số tiền này cho Y Y; A Ng, A K, A D là phù hợp.

- Đối với bà Phạm T H là người đã bán 02 máy cưa cho chị Phạm TA cũng như việc chị A bán 02 máy cưa cho A L là giao dịch dân sự bình thường, quá trình lấy lời khai thể hiện việc mua đi bán lại giữa các đương sự không liên quan trực tiếp đến việc các bị cáo khai thác gỗ trái phép. Việc mua bán cưa diễn ra tại nhà bà H và nhà chị A, hơn nữa chị A và bà H cũng không biết rõ các đối tượng sử dụng cưa vào mục đích khai thác gỗ trái phép nên HĐXX không đề cập đến nữa.

* Về xử lý vật chứng: Quá trình điều tra đã thu giữ:

- 102,480 m3 gỗ tròn các loại và 7,252m3 gỗ xẻ sến mủ. (Hiện tại Cơ quan CSĐT đang tiến hành ký kết hợp đồng để vận chuyển 102,480 m3 gỗ tròn và 7,252m3 gỗ xẻ từ hiện trường về nơi bảo quản) là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước nên tuyên tịch thu bán đấu giá để nộp ngân sách Nhà nước là phù hợp.

- 01 (Một) máy cưa xăng nhãn hiệu STIHL MS 381- đây là công cụ phương tiện phạm tội nên tuyên tịch thu nộp nhân sách nhà nước là phù hợp.

- Hai lam cưa, hai rựa phát; 01 (Một) điện thoại di động màu hồng trắng, loại bàn phím bấm, nhãn hiệu GiGi Dream thuộc sở hữu của A L dùng để liên lạc với đồng bọn khi khai thác gỗ, xét thấy không còn giá trị sử dụng nên tuyên tịch tiêu hủy là phù hợp - Đối với 02 (Hai) máy cưa bị hỏng trong quá trình khai thác gỗ, A Th đã bán phế liệu cho người mua đồng nát dạo không rõ họ tên địa chỉ nên Cơ quan điều tra không thu giữ được. 02 (Hai) xe moto chủ sở hữu là A L và A Th sử dụng để làm phương tiện di chuyển đến rẫy để khai thác gỗ, những xe moto này không có biển kiểm soát, không rõ số khung, số máy. Quá trình để xe tại lán đã bị mất, tài sản không còn nên Cơ quan điều tra không thu giữ được.

- 01 điện thoại di động do A Th là chủ sở hữu, điện thoại đã bị mất trong rừng, không rõ loại máy, dòng máy nên Cơ quan điều tra không thu giữ được.

* Về án phí: Các bị cáo A L, A Th, A W, A Ng phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

 Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố các bị cáo A L, A Th, A W, A Ng phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 232, Điều 38 các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự:

- Xử phạt bị cáo A L 36 (Ba mươi sáu) tháng tù, thời hạn tù kể từ ngày bắt tạm giam (Ngày 17/12/2018)

- Xử phạt bị cáo A Th 30 (Ba mươi) tháng tù, thời hạn tù kể từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (Ngày 09/10/2018)

- Xử phạt bị cáo A W 24 (Hai mươi bốn) tháng tù, thời hạn tù kể từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (Ngày 02/11/2018)

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 232,Điều 38, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự:

- Xử phạt bị cáo A Ng 09 (Chín) tháng tù, thời hạn tù kể từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (Ngày 02/11/2018)

2. Trả lại cho Y Y; A Ngl, A K, A D số tiền mà những người này nộp thay các bị cáo để khắc phục hậu quả tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện S, cụ thể: Trả lại cho bà Y Y số tiền 800.000đ tại Biên lai thu tiền số AA/2010/0005135 ngày 30/5/2019, trả lại cho ông A Ng số tiền 800.000đ tại Biên lai thu tiền số AA/2010/0005793 ngày 08/5/2019; trả lại cho A Kr số tiền 800.000đ tại Biên lai thu tiền số AA/2010/0005797 ngày 08/5/2019 ; trả lại cho A Dr số tiền 1.800.000đ tại Biên lai thu tiền số AA/2010/0005795 ngày 08/5/2019 tại chi cục Thi hành án dân sự huyện S, tỉnh K.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017; khoản 1, khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, tuyên:

- Tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 01 (Một) máy cưa xăng nhãn hiệu STIHL MS 381.

- Tịch thu tiêu hủy hai lam cưa, hai rựa phát; 01 (Một) điện thoại di động màu hồng trắng, loại bàn phím bấm, nhãn hiệu GiGi Dream (Theo biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan điều tra Công an huyện S và Chi cục Thi hành án dân sự huyện S ngày 14/5/2019)

- Tịch thu bán đấu giá để nộp ngân sách Nhà nước khối lượng 102,480 m3 gỗ tròn các loại và 7,252m3 gỗ xẻ sến mủ. (Hiện tại Cơ quan CSĐT đang tiến hành ký kết hợp đồng để vận chuyển 102,480 m3 gỗ tròn và 7,252m3 gỗ xẻ từ hiện trường về nơi bảo quản)

4. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Căn cứ Điều 21; điểm a, c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và mục I phần A Danh mục mức án phí, lệ phí Toà án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016. Buộc các bị cáo A L, A Th, A W, A NgL, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Căn cứ Điều 331; 332; 333 Bộ luật Tố tụng hình sự: các bị cáo, Nguyên đơn dân sự, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (31/7/2019 ). Đối với những người vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

537
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 10/2019/HS-ST ngày 31/07/2019 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:10/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Sa Thầy - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:31/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về