Bản án 10/2019/HS-ST ngày 15/03/2019 về tội phá hoại chính sách đoàn kết

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 10/2019/HS-ST NGÀY 15/03/2019 VỀ TỘI PHÁ HOẠI CHÍNH SÁCH ĐOÀN KẾT

Ngày 15 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 03/2019/TLST-HS ngày 24 tháng 01 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 64/2019/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 3 năm 2019 đối với bị cáo:

Ksor R, (tên gọi khác: Ama San), sinh năm 1975 tại huyện K, tỉnh Gia Lai; Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở: Buôn Toát, xã I, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ học vấn: 02/12; nghề nhiệp: làm nông; giới tính: nam; dân tộc: Jrai; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Tin lành; Con ông Nay K (đã chết) và bà Ksor H, sinh năm 1938; Có vợ là Nay H1, sinh năm 1980; Có 05 con,lớn nhất sinh năm 1999, nhỏ nhất sinh năm 2014; Tiền án: 01 tiền án, tại Bản án số 59/2007/HSST ngày 25/4/2007 bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai kết án 06 (sáu) năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”; tiền sự: không; Bị bắt ngày 30/10/2018, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai.Có mặt.

- Người phiên dịch tiếng Ja rai: Bà Nay H’Yan. Có mặt.

 NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

a.Về hành vi phạm tội của bị cáo:

Năm 2011, sau khi chấp hành xong hình phạt tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”, Ksor R trở về địa phương sinh sống. Đến tháng 7/2016, Ksor Phom (chú của Ksor R) bị kết án tù 07 năm về tội “Phá rối an ninh” đã chấp hành xong hình phạt tù năm 2009 đã yêu cầu Ksor R hoạt động phục hồi “Tin Lành Đê Ga” khu vực Lệ Bắc, huyện K, tỉnh Gia Lai. Sau đó, Ksor R đi tuyên truyền, lôi kéo nhiều người tham gia nhóm họp bầu ra Ban chấp sự “Tin Lành Đê Ga” khu vực Lệ Bắc do Ksor Kl làm chấp sự trưởng; Ksor Drunh làm Chấp sự phó; Ksor Núi là thư ký và Nay Kueo làm thủ quỹ. Đồng thời Ban chấp sự “Tin Lành Đê Ga” khu vực Lệ Bắc đã họp bầu ra Ban chấp sự “Tin Lành Đê Ga” tại 09 buôn, với mục đích để tuyên truyền, kêu gọi những người trước đây đã từng tham gia “Tin Lành Đê Ga” tái nhóm họp, cầu nguyện, nhằm tập hợp lực lượng khi có điều kiện sẽ đấu tranh thành lập “Nhà nước Đê Ga” do Ksor Kơk làm Tổng thống. Tuy nhiên, hoạt động “Tin Lành Đê Ga” nêu trên duy trì đến tháng 10/2016 thì bị Cơ quan Công an phát hiện và đưa các đối tượng ra kiểm điểm, giáo dục nên đã chấm dứt hoạt động.

Đến tháng 10/2017, Nay Ph (con của Ksor Phom) là đối tượng FULRO sống lưu vong ở Mỹ đã điện thoại và chỉ đạo cho Ksor R tiếp tục hoạt động phục hồi tổ chức FULRO, “Tin Lành Đê Ga” trên địa bàn huyện K tỉnh Gia Lai và huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên; khôi phục lại Ban chấp sự “Tin Lành Đê Ga” huyện K, tỉnh Gia Lai như năm 2016 và thành lập Ban chấp sự “Tin Lành Đê Ga” từ cấp huyện đến cấp xã và cấp buôn; Đồng thời, tìm cách liên lạc với các đối tượng trước đây tham gia “Tin Lành Đê Ga” nay đã hết hạn tù về, động viên họ tiếp tục tham gia hoạt động trong tổ chức FULRO, “Tin Lành Đê Ga” như trước đây không được từ bỏ “Tin Lành Đê Ga”, tiếp tục tin tưởng vào sự thành công của “Nhà nước Đê Ga” và thu thập số điện thoại của các đối tượng này cung cấp cho Nay Ph.

Nay Ph giao nhiệm vụ cho Ksor R, trực tiếp đến gặp những người đứng đầu “Tin Lành Đê Ga” các buôn đã bầu năm 2016 để tuyên truyền, giao nhiệm vụ cho họ giữ lại chức vụ cũ; tuyên truyền, vận động, lôi kéo, động viên họ không được từ bỏ “Tin Lành Đê Ga”; Nếu không nhóm họp tập trung được, thì nhóm họp riêng lẻ theo từng hộ, ngoài việc cầu nguyện cho cuộc sống bình an, hạnh phúc … thì phải cầu nguyện để cho “Nhà nước Đê Ga” của người dân tộc thiểu số nhanh chóng được thành công; nếu có nhiều người tham gia, có điều kiện thuận lợi thì cùng nhau đứng lên đấu tranh đòi lại đất đai của người Jrai, đuổi người Kinh ra khỏi Tây Nguyên, đòi ly khai, tự trị để thành lập “Nhà nước Đê Ga” của người dân tộc ở Tây Nguyên do Ksor Kơk làm Tổng thống.

Để tránh sự phát hiện của Công an, Nay Ph yêu cầu Ksor R sử dụng facebook để liên lạc. Ksor R không biết sử dụng mạng xã hội facebook nên đã nhờ Nay Bông sử dụng facebook của Nay Bông có tên là “Sít Tơi Lơi” liên lạc qua facebook của Nay Ph có tên là “Tơi Lơi Pogop” để nhận sự chỉ đạo của Nay Ph vào các sáng chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra, Nay Ph còn tuyên truyền cho Ksor R và Nay Bông ở nước Mỹ đã có Nhà thờ “Tin Lành Đê Ga”, có “Nhà nước Đê Ga” do Ksor Kơk làm Tổng thống.

Sau khi nhận sự chỉ đạo của Nay Ph, Ksor R đến gặp Ksor Kl và truyền đạt lại nội dung Nay Ph chỉ đạo. Ksor Kl và Ksor R thống nhất tái phục hồi Ban chấp sự “Tin Lành Đê Ga” huyện K, tỉnh Gia Lai đã bầu như năm 2016. Ksor R phân công nhiệm vụ cho Ksor Klđi tuyên truyền, động viên về tinh thần, củng cố niềm tin cho những người theo “Tin Lành Đê Ga”, tổ chức cầu nguyện để động viên mọi người tiếp tục tin tưởng vào sự thành công của “Nhà nước Đê Ga”. Còn nhiệm vụ của Ksor R là trực tiếp nhận sự chỉ đạo của Nay Ph; đến gặp những người phụ trách “Tin Lành Đê Ga” của các buôn trước đây để hỏi về tình hình, số lượng các hộ theo “Tin Lành Đê Ga” trong buôn và truyền đạt lại nội dung do Nay Ph chỉ đạo, lôi kéo và yêu cầu những người này giữ lại chức vụ đã bầu như năm 2016, Cụ thể:

*Tại tỉnh Gia Lai:

-Khu vực huyện K:

Ksor R đã đến gặp, tuyên truyền và giao nhiệm vụ cho 10 người phụ trách “Tin Lành Đê Ga” tại 10 buôn thuộc 07 xã như sau:

1/ Ksor Drunh phụ trách buôn Toát, Ia Rsươm;

2/ Ksor Puch phụ trách buôn Nu B, Ia Rsươm;

3/ Ksor Chung phụ trách buôn Tieng, Uar;

4/ Hiao Krum phụ trách buôn Choanh, Uar;

5/ Ksor Tý phụ trách buôn Ban, Krông Năng;

6/ Nay Phik phụ trách buôn H’Ngôm, Chư Đrăng;

7/ Rơ Ô Thuy phụ trách buôn Chai, Chư Đrăng;

8/ Ksor Nhung phụ trách buôn Blái, Ia Rmok;

9/ Rơ Ô Bai phụ trách buôn Lang, Chư Rcăm;

10/ Siu Nhíp phụ trách buôn Jrông, Ia Hdreh;

Trong tháng 6/2018, Ksor R đã tổ chức và chủ trì hai cuộc họp để thành lập Ban chấp sự “Tin Lành Đê Ga” tại buôn Toát và buôn Nu A xã I, cụ thể:

Tại buôn Toát:

- Ksor Drunh phụ trách buôn Toát;

- Ksor Wim giúp việc cho Ksor Drunh;

- Nay Hôn và Nay Ty có nhiệm vụ đi tuyên truyền, lôi kéo người ở nhiều địa phương khác tham gia vào tổ chức “Tin Lành Đê Ga”;

- Nay Bông giúp việc cho Ksor R trong việc đi lại và liên lạc với Nay Ph.

Tại buôn Nu A:

- Ksor Kl (Ama Nuy) Chấp sự trưởng buôn Nu A, xã I.

- Ksor Phô (Ơi Đét) giúp việc cho Ksor Kltrong buôn Nu A.

Ksor R nói rõ việc phục hồi lại ban chấp sự các buôn đã được Ksor R và Ksor Kl thống nhất và yêu cầu những người trên đến gặp Ksor Kl để bàn bạc và trao đổi thêm.

- Khu vực huyện Ia Pa: Vào khoảng cuối tháng 9/2018, Ksor R đến nhà Ksor Jan (buôn Tul, xã Broãi, huyện Ia Pa), Ksor R đã hỏi thăm tình hình và được biết tại buôn Tul còn 06 hộ theo “Tin Lành Đê Ga” nên đã tuyên truyền, động viên vợ chồng Ksor Jan và Ksor Tuy (cùng buôn với Ksor Jan) tiếp tục duy trì nhóm họp và không được từ bỏ “Tin Lành Đê Ga”, tin tưởng vào sự thành công của “Nhà nước Đê Ga”.

Ngoài ra, ngày 13/7/2018, tại đám cưới của Nay Ty (buôn Toát, xã I, huyện K), thông qua Nay Ty giới thiệu, Ksor R đã lấy thông tin, số điện thoại của Rơ Lan Blom, Nưm, Nhi, Kpă H’Sanh (là đối tượng theo “Tin lành Đê Ga” đã chấp xong án phạt tù cùng với Nay Ty) để cung cấp cho Nay Ph. Sau đó, Nay Ph đã trực tiếp liên lạc với Rơ Lan Blom, động viên Blom không được từ bỏ “Tin Lành Đê Ga” vì sau này “Nhà nước Đê Ga” sẽ thành công. Do Blom không có tiền mua điện thoại thông minh để sử dụng facebook nên Nay Ph đã gửi cho Blom 3.000.000 đồng thông qua một người phụ nữ (không rõ lai lịch, địa chỉ cụ thể). Blom đã sử dụng số tiền trên mua 01 điện thoại di động và đi khám bệnh. Đến nay, Phoan chưa giao nhiệm vụ gì cho Blom.

Ngoài việc, Nay Ph liên lạc với Ksor R và Nay Bông ra, thì Nay Ty đã sử dụng Facebook để liên lạc với Nay Ph và được Nay Ph tuyên truyền ở nước Mỹ đã có “Nhà nước Đê Ga” do Ksor Kơk làm tổng thống, có nhà thờ Đê Ga đang hoạt động được Quốc tế công nhận, ủng hộ; động viên không được từ bỏ “Tin Lành Đê Ga” và giao cho Nay Ty giúp việc cho Ksor R. Sau đó, Nay Ty đã đi đến nhà một số đối tượng theo “Tin lành Đê Ga” đã chấp hành xong án phạt tù cùng với Nay Ty để động viên những người này tiếp tục duy trì, hoạt động, không được từ bỏ “Tin Lành Đê Ga” và giữ Giấy ra trại để sau này có cơ hội sẽ được ưu tiên đi Mỹ.

*Tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên :

Vào khoảng tháng 12/2017 đến tháng 9/2018, Ksor R và Nay Bông đã 05 lần đến nhà của Ksor Thuy (buôn Bưng, Ea Lâm, Sông Hinh, Phú Yên) để hỏi thăm tình hình, số lượng các hộ “Tin Lành Đê Ga” trong buôn và tuyên truyền các nội dung do Nay Ph chỉ đạo. Ksor R đã họp và giao nhiệm vụ Ban chấp sự “Tin Lành Đê Ga” ở buôn Bưng, cụ thể:

+ Ksor Y Thêm làm Chấp sự trưởng buôn Bưng, Ea Lâm;

+ Nay Y Blang làm Chấp sự phó

+ Ksor Thuy giúp việc cho Ksor YThêm và nhận liên lạc từ Ksor R

Ngoài ra, Ksor R giao cho Ksor Y Khóa và Ama Drai (buôn Danh, Ia Bia, Sông Hinh) tự quản lý hoạt động “Tin Lành Đê Ga” ở buôn của mình, vì ở đó ít có người theo “Tin Lành Đê Ga”, có việc gì thì báo cho Ruk thông qua Ksor Thuy.

Đối với các đối tượng được giao phụ trách “Tin Lành Đê Ga” ở các buôn, sau khi được Ksor R giao nhiệm vụ, do sợ bị công an phát hiện nên họ chưa đi tuyên truyền, lôi kéo được người nào trong buôn tham gia “Tin Lành Đê Ga” và họ cũng chưa báo kết quả thực hiện nhiệm vụ cho Ksor R.

Sau khi thực hiện sự chỉ đạo của Nay Ph, Ksor R đã báo cho Nay Ph biết người đứng đầu “Tin Lành Đê Ga” huyện K và phụ trách “Tin Lành Đê Ga” tại các buôn thuộc huyện K, tỉnh Gia Lai và huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên để tiếp tục nhận sự chỉ đạo từ Nay Ph. Do sợ bị phát hiện, nên Ksor R đã yêu cầu Nay Bông xóa tất cả nội dung tin nhắn, nhật ký các cuộc gọi liên quan đến việc liên lạc giữa Ksor R và Nay Ph.

Quá trình điều tra, Ksor R đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị can phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án.

Tại bản cáo trạng số: 08/CT-VKS-P1 ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã truy tố Ksor R về tội: "Phá hoại chính sách đoàn kết” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

b. Về các vấn đề khác của vụ án:

Vật chứng của vụ án:

- 01 điện thoại hiệu Iphone 4 và 01 sim điện thoại số 01663220151 (thu của Nay Bông).

- 01 điện thoại hiệu OPPO và 01 sim điện thoại số 01629172295 (thu của Nay Bông).

- 01 điện thoại hiệu OPPO và 02 sim điện thoại số 01635912413, 0163524744 (thu của Nay Ty).

- 01 điện thoại hiệu Sam Sung và 02 sim điện thoại số 0397770325, 0817485057 (thu của RơLan Blom).

2. Quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa:

Ý kiến của bị cáo: Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận thực hiện hành vi phạm tội như Cáo trạng đã truy tố, bị cáo đã bị kết án, kiểm điểm, giáo dục nhiều lần về hành vi phá hoại chính sách đoàn kết nên bị cáo nhận thức được việc tuyên truyền, lôi kéo bà con người đồng bào dân tộc thiểu số theo “Tin lành Đê Ga” là hành vi trái pháp luật, gây mất đoàn kết dân tộc. nhưng vì hám lợi, vì muốn có cuộc sống sung sướng, muốn được hưởng quyền lợi về kinh tế, chính trị nên bị cáo đã nghe theo sự chỉ đạo của đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài tiếp tục hoạt động tái phục hồi tổ chức phản động Fulrô. Bị cáo rất hối hận về hành vi phạm tội của mình, mong Hội đồng xét xử mở lượng khoan hồng, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát: Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa, giữ nguyên quan điểm truy tố Ksor R về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”; Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 116, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt: Ksor R từ 10 năm đến 11 năm tù; về hình phạt bổ sung: phạt quản chế tại địa phương 03 năm, tính từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

 NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

 [2] Về hành vi phạm tội của bị cáo:

Tại phiên tòa, bị cáo Ksor R khai nhận thực hiện hành vi phạm tội đúng như cáo trạng đã truy tố, phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người có liên quan,vật chứng thu giữ và các chứng cứ tài liệu khác có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Đủ cơ sở khẳng định, Ksor R là đối tượng từng bị kết án về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đã được chính quyền địa phương kiểm điểm, giáo dục nhiều lần về hành vi chống chính quyền nhân dân, thế nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học, không ăn năn, hối cải mà vẫn tiếp tục hoạt động tuyên truyền, lôi kéo bà con đồng bào dân tộc thiểu số tham gia “Tin lành Đề Ga” để tập hợp lực lượng đấu tranh thành lập “Nhà nước Đề Ga” ở Tây nguyên do Ksor Kơk làm tổng thống. Theo sự chỉ đạo của Nay Ph là đối tượng FulRo sống lưu vong tại Mỹ, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, Ksor R đã hoạt động tuyên truyền tái phục hồi tổ chức Fulro, Tin lành Đề Ga ở địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên; Tại huyện K, tỉnh Gia Lai, Ksor R đã: Tái phục hồi Ban chấp sự “Tin lành Đề Ga” cấp huyện và phân công nhiệm vụ cho 10 người phụ trách “Tin lành Đê Ga” tại 10 buôn/07 xã; thành lập bộ khung Ban chấp sự “Tin lành Đề Ga” tại buôn Toát và buôn Nu A xã I với tổng số 18 người tham gia. Tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên Ksor R đã phục hồi Ban chấp sự “Tin lành Đề Ga” tại 01 buôn/ 01 xã với 05 người tham gia. Ngoài ra, Ksor R còn tuyên truyền cho 03 người tại huyện IaPa, tỉnh Gia Lai không được từ bỏ “Tin lành Đề Ga” và cung cấp số điện thoại của 04 đối tượng theo “Tin lành Đề Ga” đã chấp hành xong án phạt tù cho Nay Ph. Để thực hiện phục hồi tổ chức phản động Fulrô bị cáo đã đến gặp những người có uy tín, những người đứng đầu ở các xã, thôn, làng trước đây đã từng tham gia “Tin lành Đề Ga”, tới các hộ gia đình tuyên truyền, lôi kéo họ tiếp tục theo “Tin Lành Đề Ga”, không được bỏ “Tin lành Đề Ga”, phải cầu nguyện cho “Nhà nước Đề Ga” của người đồng bào dân tộc thiểu số mau thành công, phải tập hợp lực lượng để khi có điều kiện sẽ đứng lên đấu tranh đấu tranh đòi đất đai của người Jarai, đuổi người kinh ra khỏi Tây Nguyên.

Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, đi ngược lại chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, gây mất đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, nhưng vì hám lợi, vì muốn được hưởng quyền lợi về chính trị, kinh tế bị cáo đã bất chấp pháp luật tiếp tục hoạt động tái phục hồi tổ chức phản động Fulrô. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương, gây hằn thù, kì thị, chia rẽ dân tộc. Hành vi của bị cáo phạm vào tội “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Hình sự năm 2015 như Cáo trạng của viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã truy tố đối với bị cáo.

[3] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội với tính chất rất nghiêm trọng, bị cáo đã từng bị kết án, kiểm điểm, giáo dục nhiều lần về hành vi chống phá chính sách đoàn kết dân tộc, bị cáo nhận thức được trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có một nhà nước duy nhất là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cái gọi là “Nhà nước Đề Ga” thực chất đây là tổ chức phản động do những kẻ phản động Fulro lưu vong ở nước ngoài giật dây, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên thành lập để nhằm gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, gây mất đoàn kết dân tộc nhưng vì muốn có cuộc sống sung sướng, có địa vị về chính trị, kinh tế, vì bị sự xúi giục, lôi kéo của thế lực thù địch bị cáo đã bất chấp pháp luật, bất chấp quyền lợi chính đáng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục hoạt động tiếp tay cho các thế lực phản động. Trước đó bị cáo đã bị kết án về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”, chưa được xóa án tích, nay tiếp tục phạm tội nên lần phạm tội này phạm vào tình tiết tăng nặng “Tái phạm nguy hiểm” được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Xét nhân thân, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà bị cáo thực hiện, Hội đồng xét xử thấy rằng cần phải trừng trị bị cáo thật nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài và phải phạt quản chế bị cáo tại địa phương mới đủ tác dụng răn đe, giáo dục riêng đối với bị cáo và góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.

Tuy nhiên, xét bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo luôn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử sẽ áp dụng cho bị cáo khi lượng hình.

Đối với các đối tượng liên quan trong vụ án: Đối với Nay Ty, Nay Bông, Ksor Wim, Nay Hôn, Ksor Phô, Ksor Drunh, Ksor Puch, Ksor Chung, Hiao Krum, Ksor Tý, Nay Phik, Rơ Ô Thuy, Nay Kueo, Ksor Nhung, Rơ Ô Bai, Siu Nhíp, RơLan Blom: Do bị Ksor R lôi kéo, đã thành khẩn khai báo, nhận thức được việc làm sai trái và cam kết không tái phạm. Công an tỉnh Gia Lai đã giao các đối tượng trên cho chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, quản lý giáo dục, đồng thời đưa ra kiểm điểm trước nhân dân là phù hợp; Đối với Ksor Klvà Ksor Núi đã chết nên không đề cập đến; Đối với các đối tượng tham gia hoạt động FULRO, “Tin Lành Đê Ga” trên địa bàn huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên: Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền là đúng pháp luật.

 [4] Về xử lý vật chứng:

Xét vật chứng gồm 04(bốn) chiếc điện thoại thu giữ được trong vụ án là phương tiện bị cáo và các đối tượng liên quan sử dụng để liên lạc trong quá trình thực hiện tội phạm nên cần tịch thu sung công quỹ.

Đối với có 06 sim điện thoại không có giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

[5] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo luật định.

 Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

 [1] Tuyên bố bị cáo Ksor R phạm tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.

- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 116, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Ksor R 10 (mười) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 30/10/2018.

-Về hình phạt bổ sung: Áp dụng Điều 122 Bộ luật Hình sự.

Phạt quản chế tại địa phương đối với Ksor R thời hạn 03(ba) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

[2] Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự - Tịch thu sung công quỹ: 01 điện thoại hiệu Iphone 4; 01 điện thoại hiệu OPPO; 01 điện thoại hiệu OPPO; 01 điện thoại hiệu Sam Sung.

-Tịch thu tiêu hủy: 06 Sim điện thoại.

(Đặc điểm vật chứng theo biên bản giao nhận vật chứng số 23/2019 ngày 25/01/2019 giữa cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Gia Lai và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai).

[3] Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí lệ, phí Tòa án.

- Buộc bị cáo Ksor R phải chịu 200.000đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

[4] Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị cáo có quyền kháng cáo yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2132
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 10/2019/HS-ST ngày 15/03/2019 về tội phá hoại chính sách đoàn kết

Số hiệu:10/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về