TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 10/2018/HS-PT NGÀY 01/02/2018 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Ngày 01/02/2018 tại Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 225/2017/TLPT-HS ngày 01 tháng 12 năm 2017 đối với bị cáo Đỗ Văn Đ do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 63/2017/HS-ST ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Bị cáo có kháng cáo:
Đỗ Văn Đ, sinh năm 1983, tại huyện H, tỉnh T.
Nơi ĐKHKTT: Thôn 7, xã H, huyện H, tỉnh T; Nơi cư trú: Thôn 1, xã H, huyện H, tỉnh T; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 5/12; con ông Đỗ Văn C và bà Trần Thị V; có vợ là Bùi Thị T và 01 con; tiền án: Ngày 13/02/2006 bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 21 tháng tù về các tội “Trộm cắp tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (ngày 23/7/2007 chấp hành xong án phí, ngày 27/4/2009 tiếp tục phạm tội trộm cắp tài sản, ngày 03/01/2013 bị TAND huyện Nga Sơn xử phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, chấp hành xong bản án ngày 30/9/2015), tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 20/9/2012 bị TAND huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương xử phạt 18 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và xử phạt 14 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, ngày 03/4/2013 chấp hành xong bản án); bị bắt ngày 19/5/2017, tạm giam ngày 28/5/2017 đến nay; Có mặt.
Ngoài ra còn có 07 bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Vũ Văn Thiệu - Luật sư của Công ty Luật Hợp danh INCIP, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bào chữa cho bị cáo Đỗ Văn Đ; Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Do có mâu thuẫn trên mạng xã hội facebook với Trần Thị P nên chiều ngày 18/5/2017 Phạm Văn C chuẩn bị hung khí gồm dao tự chế, tuýp sắt, gậy gỗ lim bỏ vào một bì xắc rắn rồi gọi thêm Lê Văn C, Nghiêm Văn Th, Đặng Thái S, Nguyễn Ngọc A, Lại Thế T cùng đi xuống Hà Phú để giải quyết mâu thuẫn. C gọi điện cho anh Mai Thanh H để thuê xe ô tô và bỏ bì xắc rắn đựng hung khí đã chuẩn bị sẵn lên xe taxi của anh H, sau đó C cùng và đồng bọn xuống nhà anh M là bố của Trần Thị P. Xuống đến nơi thấy nhà anh M đóng cửa nên nhóm của C dừng lại khu vực trước cổng nhà ông Trần Văn K là bố của anh M. C mở cốp xe lấy bì đựng hung khí ra để vào gốc cây si và dặn mọi người trong nhóm “Cẩn thận bị đánh, nếu nó đánh thì mình đánh luôn”. Biết nhóm của C đến gây sự thì anh M gọi điện thoại cho Đỗ Văn Đ (là em họ của M) nhờ đến giải quyết, Đ đồng ý và lấy 01 khẩu súng cồn tự chế đi đến nhà anh Trần Văn Ng ngồi chờ nhóm của C xuống. Lúc này Đ gọi điện cho Nguyễn Ngọc K đến để cùng vào nhà anh M. Đang ngồi chờ thì Đ nhận được tin nhắn của anh M báo là nhóm của C đã đến, nên K chở Đ vào nhà anh M. Khi đến nơi, Đ đứng nói chuyện với C, hai bên thách thức đánh nhau. Thấy Đ cầm súng, C hỏi “Mày cầm súng định bắn tao à?”, Đ trả lời “Mày đừng thách tao”, C tiếp tục hỏi Đ “Mày thích nói chuyện hay mày thích đánh nhau?”, Đ trả lời “Tao thích đánh nhau” rồi Đ lên đạn bắn vào bụng C. Sau đó cả nhóm của C lấy hung khí trong bì xắc rắn ra đánh nhau với Đ.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 63/2017/HSST, ngày 30/10/2017 của Toà án nhân dân huyện Hà Trung đã quyết định:
Áp dụng: Điểm a, e khoản 2 Điều 245; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 33; Điều 53 BLHS 1999.
Xử phạt: Bị cáo Đỗ Văn Đ 36 (ba mươi sáu) tháng tù về tội: “Gây rối trật tự công cộng”, thời hạn tù tính từ ngày 19/5/2017.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên hình phạt đối với các bị cáo khác, án phí, xử lý tang vật, và quyền kháng cáo của bị cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 06/11/2017, bị cáo Đỗ Văn Đ kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa đề nghị: Bản án sơ thẩm, xác định bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”, là không chính xác, mà theo quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự 2015, lần phạm tội này của bị cáo thuộc trường hợp “tái phạm”, sửa về tình tiết định khung hình phạt. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên hình phạt của án sơ thẩm,
Quan điểm của Luật sư: Đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát bỏ tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm”. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân mà bị cáo phạm tội. Hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, là hộ nghèo, bị cáo là lao động chính, đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Chiều ngày 18/5/2017, các bị cáo trong vụ án đã có hành vi dùng hung khí là súng tự chế, tuýp sắt, dao phay, cưa sắt đuổi đánh nhau hô la gây náo động, làm mất trật tự trị an trong khu vực dân cư, gây ảnh hưởng đến trật tự trị an, an toàn xã hội trên địa bàn thôn 5 xã H, huyện H. Bị cáo Đỗ Văn Đ dùng vũ khí là súng cồn tự chế có thể bắn các viên bi sắt nhỏ dùng săn bắn, để bắn vào bụng bị cáo C, thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 245 BLHS 1999.
[2] Về tình tiết “tái phạm nguy hiểm”, HĐXX thấy rằng: ngày 13/02/2006, bị cáo bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 21 tháng tù về các tội “Trộm cắp tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; ngày 23/12/2006, bị cáo chấp hành xong hình phạt và ngày 23/7/2007 chấp hành xong án phí. Ngày 27/4/2009 tiếp tục phạm tội trộm cắp và bỏ trốn; ngày 03/01/2013 bị TAND huyện Nga Sơn xử phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, chấp hành xong bản án ngày 30/9/2015. Như vậy theo quy định có lợi cho người phạm tội, căn cứ vào khoản 3 Điều 7; Điều 70 BLHS năm 2015, thì bản án năm 2006 của TAND tỉnh Thanh Hóa đối với bị cáo Đ đã được xóa án tích, kể từ ngày 23/12/2008 (sau 02 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính). Tính đến ngày 27/4/2009 (ngày bị cáo phạm tội mới) bị cáo đã được xóa án tích. Nên lần phạm tội này của bị cáo không thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” và là tình tiết định khung như bản án sơ thẩm đã quyết định, mà chỉ là tái phạm và bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận. Tại phiên tòa, Luật sư cung cấp tài liệu mới, gia đình bị có thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo là lao động chính trong gia đình (có xác nhận của chính quyền địa phương). Bị cáo có thêm tình tiết mới ở cấp phúc thẩm và phạm tội với một tình tiết định khung theo điểm a khoản 2 Điều 245 BLHS và phải chịu một tình tiết tăng nặng là tái phạm, nên cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo để giảm cho bị cáo một phần hình phạt là phù hợp.
Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bị cáo không phải chịu án phí HSPT vì kháng cáo được chấp nhận để sửa.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; Điểm c khoản 1 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự.
QUYẾT ĐỊNH
Sửa bản án số 63/2017/HSST, ngày 30/10/2017 của Toà án nhân dân huyện Hà Trung, đối với bị cáo Đỗ Văn Đ.
Áp dụng: Điểm a khoản 2 Điều 245; điểm p khoản 1, 2 Điều 46; Điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33; Điều 53 Bộ luật hình sự 1999.
Xử phạt: Bị cáo Đỗ Văn Đ 30 (ba mươi) tháng tù về tội: “Gây rối trật tự công cộng”, thời hạn tù tính từ ngày 19/5/2017.
Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Bản án 10/2018/HSPT ngày 01/02/2018 về tội gây rối trật tự công cộng
Số hiệu: | 10/2018/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 01/02/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về