Bản án 10/2018/DS-PT ngày 26/01/2018 về đòi lại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

BẢN ÁN 10/2018/DS-PT NGÀY 26/01/2018 VỀ ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Ngày 26/01/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 99/2017/TLPT-DS ngày 03/8/2017 về viêc “Đòi lại tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện X bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 113/2017/QĐPT-DS ngày 01/9/2017; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 116/2017/QĐ-PT ngày 27/9/2017; Thông báo về việc mở lại phiên tòa số 02/2018/TB-TA ngày 03/01/2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Giáo hội phật giáo V.

Đại diện theo pháp luật: Hòa thượng Thích Quảng H – Trưởng ban trị sự.

Địa chỉ: Chùa T – đường L, phường H, thành phố V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Ngô Hồng T, sinh năm 1986 (có mặt).

Địa chỉ: đường Nguyễn An N, phường C, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (theo Giấy ủy quyền ngày 01/4/2016).

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Trương Xuân T2 (vắng mặt) và ông Nguyễn Văn N (có mặt) – Luật sư thuộc Văn phòng luật sư Tường Trương Xuân T2 – Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các bị đơn:

1. Ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1), sinh năm 1967 (có mặt).

Địa chỉ: Chùa B - ấp S, xã N, huyện X, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2. Ông Nguyễn Văn C (Thích Thiện T3), sinh năm 1978 (vắng mặt).

3. Ông Hoàng Ngọc P2 (Thích Thiên D), sinh năm 1992 (vắng mặt).

4. Ông Lê Văn P3 (Thích Thiên P4, Thích Thiên Q), sinh năm 1994 (vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Tịnh thất Đ, xã L, huyện X, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Người kháng cáo: Bị đơn ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn, ông Trương Ngô Hồng T đại diện theo ủy quyền của Giáo hội Phật giáo V trình bày:

Tịnh thất Đ được ông Lê C2 là tu sỹ (pháp danh Thích Thiện D2) xây dựng để tu hành dưới sự quản lý của chính quyền huyện X và Giáo hội Phật giáo V.

Ngày 21/6/2008, tu sỹ Lê C2 có đơn xin hợp thức hoá cơ sở tôn giáo Tịnh thất Đ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Giáo hội Phật giáo V xin công nhận Tịnh thất Đ là cơ sở tôn giáo hợp pháp dưới sự quản lý của Giáo hội Phật giáo V.

Năm 2010, Tịnh thất Đ có quyết định cho phép hợp thức hoá, công nhận là cơ sở tôn giáo hợp pháp trực thuộc Giáo hội Phật giáo V.

Do Tịnh thất Đ là cơ sở tôn giáo hợp pháp trực thuộc Giáo hội Phật giáo V nên theo quy định pháp luật về đất đai, về tín ngưỡng tôn giáo và Hiến chương giáo hội Phật giáo Việt Nam thì Tịnh thất Đ là giáo sản (tài sản) của Giáo hội Phật giáo V.

Sau khi được hợp thức hoá, Tịnh thất Đ được Giáo hội Phật giáo V giao cho tu sỹ Lê C2 tiếp tục trực tiếp quản lý.

Tháng 9/2013 tu sỹ Lê C2 qua đời, các ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1), Nguyễn Văn C (Thích Thiện T3), Hoàng Ngọc P2 (Thích Thiên D), Lê Văn P3 (Thích Thiên P4, Thích Thiên Q) đã tự ý đến chiếm hữu, sử dụng, tổ chức sinh hoạt tôn giáo và xây dựng tại Tịnh thất Đ mà không được sự cho phép của Giáo hội Phật giáo V. Khi ban trị sự Phật giáo huyện X cử hai cư sỹ đến trông coi, quản lý Tịnh thất Đ thì các ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1), Nguyễn Văn C (Thích Thiện T3), Hoàng Ngọc P2 (Thích Thiên D), Lê Văn P3 (Thích Thiên P4, Thích Thiên Q) không cho cư sỹ của ban trị sự Phật giáo huyện X cử đến vào quản lý mà tiếp tục chiếm giữ trái phép Tịnh thất Đ, nên Giáo hội Phật giáo V yêu cầu các ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1), Nguyễn Văn C (Thích Thiện T3), Hoàng Ngọc P2 (Thích Thiên D), Lê Văn P3 (Thích Thiên P4, Thích Thiên Q) chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép Tịnh thất Đ, trả lại Tịnh thất Đ cho Giáo hội Phật giáo V quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Các bị đơn ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1), ông Nguyễn Văn C (Thích Thiện T3), Ông Hoàng Ngọc P2 (Thích Thiên D) và ông Lê Văn P3 (Thích Thiên P4, Thích Thiên Q) đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng đều vắng mặt.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 22/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện X đã áp dụng Điểm b, khoản 2, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 631; Điểm a, khoản 1, Điều 106 Luật đất đai năm 2003; Điều 234, 255 Bộ luật dân sự 2005, tuyên bố di chúc do ông Lê C2 (Pháp danh Thích Thiện D2) lập ngày 10/08/2013 là vô hiệu; chấp nhận yêu cầu của Giáo hội Phật giáo V đối với các ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1), Nguyễn Văn C (Thích Thiện T3), Hoàng Ngọc P2 (Thích Thiên D), Lê Văn P3 (Thích Thiên P4, Thích Thiên Q).

Buộc các ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1), Nguyễn Văn C (Thích Thiện T3), Hoàng Ngọc P2 (Thích Thiên D), Lê Văn P3 (Thích Thiên P4, Thích Thiên Q) chấm dứt hành vi chiếm giữ, sử dụng trả lại Tịnh thất Đ cho Giáo hội Phật giáo V. Bao gồm:

+ 01 nhà xây diện tích 163m2.

+ 01 nhà tạm diện tích 51m2.

+ 01 nhà tạm diện tích 13m2.

+ 01 nhà tạm diện tích 50m2.

+ 01 nhà bệ tượng phật diện tích 08m2.

+ 01 ao diện tích 287m2.

+ 01 nhà vệ sinh.

Được xây dựng trên thửa đất 1722 và thửa đất 1723 tờ bản đồ số 71 xã L, huyện X, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo sơ đồ vị trí do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện X lập ngày 04/4/2017.

Giáo hội Phật giáo V có trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSD đất theo quy định.

Các ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1), Nguyễn Văn C (Thích Thiện T3), Hoàng Ngọc P2 (Thích Thiên D), Lê Văn P3 (Thích Thiên P4, Thích Thiên Q) có trách nhiệm trả lại cho Giáo hội Phật giáo V 3.848.301đ (Ba triệu, tám trăm bốn mươi tám ngàn, ba trăm linh một đồng) chi phí đo vẽ.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm trả, án phí, trách nhiệm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Ngày 13/6/2017, Tòa án nhân dân huyện X nhận được đơn kháng cáo đề ngày 12/6/2017 của ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1) kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 với lý do: Năm 2008, ông Thích Thiện D2 làm đơn xin cho Tịnh thất Đ vào trong hệ thống Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là theo quy định của nhà nước. Điều này không có nghĩa là toàn bộ tài sản của Tịnh thất sẽ thuộc về Giáo hội phật giáo. Do đó, ông Thích Thiện D2 (tu sĩ Lê C2) vẫn là người chủ sở hữu hợp pháp đất đai cũng như Tịnh thất Đ. Ông Lê C2 đã di chúc lại quyền sở hữu đất đai và Tịnh thất Đ lại cho ông P là hoàn toàn hợp đạo và hợp pháp. Vì vậy, việc UBND xã L và TAND huyện X ra quyết định không công nhận quyền sở hữu hợp pháp của ông đối với Tịnh thất Đ là hoàn toàn trái pháp luật, đi ngược lại tinh thần tự do tôn giáo của nhà nước. Nay ông P đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét hủy bản án sơ thẩm 22/2017/DS-ST ngày 30/5/2017. Đồng thời, ra quyết định công nhận quyền sở hữu hợp pháp của ông đối với Tịnh thất Đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Ông T đại diện theo ủy quyền của Giáo hội Phật giáo V thừa nhận cho đến thời điểm hiện nay không có chứng cứ xác định tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại Tịnh thất Đ thuộc thửa 1722, 1723 tờ bản đồ số 71 xã L huyện X, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là thuộc quyền sở hữu của Giáo hội Phật giáo V. Tuy nhiên vì Tịnh thất Đ là một cơ sở tôn giáo trực thuộc Giáo hội Phật giáo V nên căn cứ vào Điều 63 Hiến chương Giáo hội phật giáo Việt Nam thì Tịnh thất Đ là giáo sản của Giáo hội Phật giáo V.

- Luật sư N bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Giáo hội Phật giáo V có quan điểm: Ông P thừa nhận hiện nay ông P không còn là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong khi Tịnh thất Đ là tài sản của Giáo hội Phật giáo V, nên ông P không có tư cách quản lý Tịnh thất Đ là tài sản của Giáo hội Phật giáo V. Đối với tài sản của tổ chức tôn giáo thì nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người đại diện đứng đầu tổ chức tôn giáo quản lý chứ không phải cấp cho cá nhân do đó việc ông C2 lập di chúc để lại Tịnh thất Đ cho ông P là không đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông P, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Ông P có quan điểm: Tịnh thất Đ là tài sản riêng của ông C2 đồng thời cũng là một cơ sở tôn giáo hoạt động theo tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc Tịnh thất Đ là cơ sở tôn giáo không có nghĩa là cơ sở tôn giáo đó là tài sản của Giáo hội Phật giáo V. Việc ông P tiếp nhận quản lý và ủy quyền cho người khác quản lý Tịnh thất Đ là trên cơ sở có di chúc của ông C2 để lại Tịnh thất Đ cho ông P thừa kế. Do đó ông P được toàn quyền quản lý Tịnh thất Đ nên ông P không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Giáo hội Phật giáo V.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quan điểm: Về tố tụng những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật; Về nội dung: Giáo hội Phật giáo V có đơn khởi kiện đòi lại tài sản là Tịnh thất Đ, tuy nhiên trong hồ sơ không có chứng cứ thể hiện trước đây ông C2 đã có đơn hiến cúng Tịnh thất Đ và Giáo hội Phật giáo V cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản đối với Tịnh thất Đ. Do đó không có căn cứ để xác định Tịnh thất Đ là tài sản của Giáo hội Phật giáo V nên Giáo hội Phật giáo V không có quyền đòi lại tài sản là Tịnh thất Đ. Quá trình giải quyết vụ án, ông P không có đơn yêu cầu phản tố đề nghị công nhận di chúc của ông C2 để lại Tịnh thất Đ cho ông P nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của ông P, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án đã tiến hành tống đạt hợp lệ thủ tục xét xử phúc thẩm cho các ông Nguyễn Văn C (Thích Thiện T3), Hoàng Ngọc P2 (Thích Thiên D), Lê Văn P3 (Thích Thiên P4, Thích Thiên Q) nhưng các đương sự này vẫn vắng mặt, do đó Tòa án vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét kháng cáo của ông P như sau:

- Về nguồn gốc tài sản tại Tịnh thất Đ: Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện: Nguyên cơ sở Tịnh thất Đ trước đây là do ông C2 nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cất nhà ở tu tại gia. Quá trình tu hành, trên cơ sở cúng dường của bá tánh, ông C2 đã xây dựng nên Tịnh thất Đ như hiện nay.

- Căn cứ hoạt động tôn giáo của Tịnh thất Đ và tính pháp lý về tài sản tại Tịnh thất Đ: Ngày 07/7/2010, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có Quyết định số 445/QĐ/BTS v/v công nhận Tịnh thất Đ là cơ sở tôn giáo hợp pháp trực thuộc Giáo hội Phật giáo V (BL 04). Tuy nhiên quá trình sử dụng và tu hành tại Tịnh thất Đ thì ông C2 chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản đối với Tịnh thất Đ.

- Việc quản lý và ủy quyền cho người khác quản lý Tịnh thất Đ của ông P: Tịnh thất Đ là một cơ sở Phật giáo trực thuộc Giáo hội Phật giáo V, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm ông P xác nhận hiện nay ông P không còn là thành viên của Giáo hội phật giáo Việt Nam nữa. Theo ông P thì ngày 10/8/2013, ông C2 đã lập di chúc với nội dung hiến cúng toàn bộ khu đất và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất là Tịnh thất Đ và tất cả những vật dụng của Tịnh thất Đ cho ông P (Thích Vĩnh P1) hiện đang là chủ trì Chùa B (BL 57). Tuy nhiên về hình thức và nội dung của di chúc do ông C2 lập ngày 10/8/2013 do ông P cung cấp cũng chưa xác định được tính hợp pháp, cụ thể là: Ông C2 có đủ tư cách lập di chúc để lại Tịnh thất Đ cho ông P hay không, đồng thời ông P có thỏa mãn các điều kiện để được thừa kế Tịnh thất Đ hay không và một số vấn đề khác có liên quan cũng chưa được làm rõ. Do đó về mặt pháp lý hiện nay thì ông P không có bất cứ tài liệu chứng cứ nào thể hiện ông P có vai trò, trách nhiệm, quyền lợi gì đối với Tịnh thất Đ. Chính vì vậy, ông P không có quyền trực tiếp quản lý hoặc ủy quyền cho người khác quản lý tại Tịnh thất Đ.

Đối với yêu cầu khởi kiện của Giáo hội Phật giáo V như sau:

- Căn cứ vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì chức năng nhiệm vụ của Giáo hội Phật giáo V là quản lý các vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo Phật giáo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong đó có Tịnh thất Đ, chứ Giáo hội Phật giáo V không quản lý tài sản và cơ sở vật chất của các cơ sở tôn giáo trực thuộc mình.

- Căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan thì về nguyên tắc khi xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sử dụng tài sản cho cơ sở tôn giáo, thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sử dụng tài sản cho chính cơ sở tôn giáo đó chứ không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sử dụng tài sản cho cơ quan quản lý các vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo. Do đó trường hợp nếu quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của cơ sở tôn giáo bị xâm phạm, thì người đứng đầu cơ sở tôn giáo đó được quyền khởi kiện để bảo vệ tài sản của cơ sở tôn giáo mình. Từ các quy định này cho thấy, Giáo hội Phật giáo V là cơ quan quản lý về mặt hoạt động tôn giáo nên không có quyền khởi kiện đòi lại tài sản là Tịnh thất Đ, vì vậy việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý và xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi lại tài sản của Giáo hội Phật giáo V đối với các ông P, C, P2, P3 là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Từ các lý do trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chấp nhận một phần kháng cáo của ông P, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Án phí dân sự phúc thẩm: Ông P không phải nộp. Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 311; Điểm a, khoản 1, Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự:

Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1). Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số: 22/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện X và đình chỉ giải quyết vụ án.

Án phí dân sự sơ thẩm: Hoàn trả lại 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm cho Giáo hội Phật giáo V theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 02599 ngày 24/11/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện X.

Án phí dân sự phúc thẩm: Hoàn trả lại 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm cho ông Phạm Hữu P (Thích Vĩnh P1) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006878 ngày 22/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện X.

“ Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án”.

Bản án  phúc thẩm có  hiệu lực pháp luật kể  từ  ngày tuyên án (ngày 26/01/2018).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1131
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 10/2018/DS-PT ngày 26/01/2018 về đòi lại tài sản

Số hiệu:10/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về