TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN HOÀN KIẾM, TP HÀ NỘI
BẢN ÁN 10/2017/KDTM-ST NGÀY 28/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 28 tháng 9 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh sơ thẩm thụ lý số 61/2013/TLST- KDTM ngày 01/10/2013 về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 13/2017/QĐXXST- KDTM ngày 26/8/2017; Quyết định hoãn phiên tòa số 47/2017/QĐHST-KDTM ngày 12/9/2017 giữa:
- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn V (Công ty V).
Trụ sở chính: phố V, phường T, quận H, thành phố Hà Nội.
Người được ủy quyền: Ngân hàng thương mại cổ phần D (Ngân hàng D).
Người được ủy quyền của Ngân hàng D: ông Vũ Đình K - Trưởng ban xử lý nợ. Ông Vũ Đình K đã ủy quyền lại cho bà Nguyễn Thị B và ông Nguyễn Ngọc A theo Giấy ủy quyền số 4551 ngày 06/10/2016, đã được Công ty V xác nhận việc ủy quyền lại tại văn bản số 679 ngày 15/06/2017.
- Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn A (Công ty A).
Trụ sở: Phố T, phường B, quận H, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: ông Phùng Thế K - Chức vụ: Chủ tịch công ty kiêm Tổng Giám đốc. Nơi ở: Xóm N, xã T, huyện V, tỉnh Thái Bình.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Ông NLQ1
2. Bà NLQ2
3. Anh NLQ3.
Cùng HKTT và nơi ở: phố P, phường Q, quận B, thành phố Hà Nội.
4. Anh NLQ4. Địa chỉ: phố C, phường N, quận L, thành phố Hà Nội.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 05/9/2013, đơn khởi kiện sửa đổi bổ sung ngày 23/9/2016 và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn – trình bày như sau:
Ngày 17/9/2010, Công ty A và Ngân hàng D – CN H đã ký Hợp đồng tín dụng hạn mức số DN 10.09.09 với những nội dung chính như sau:
- Hạn mức cho vay tối đa: 9.900.000.000 đồng (Chín tỷ chín trăm triệu đồng chẵn);
- Thời hạn duy trì hạn mức: 12 tháng;
- Mục đích sử dụng vốn vay: Bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn 2010 -2011;
- Lãi suất vay: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13 tháng cá nhân nhận lãi suất cuối kỳ + 4,3%/năm. Lãi suất vay có thể được điều chỉnh theo thông báo của Ngân hàng D trong từng thời kỳ trên cơ sở phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước;
- Lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn và được áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn và hoặc dư nợ lãi quá hạn.
Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, Ngân hàng D đã tiến hành giải ngân nhiều lần, lần cuối theo giấy nhận nợ số 05 ngày 06 tháng 9 năm 2011 Ngân hàng giải ngân cho công ty A là: 6,250,000,000.00 đồng.
Tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay là: Quyền sử dụng đất 57 m2 đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa số 130b, thuộc tờ bản đồ số 330-8, tại địa chỉ: đường C, phường N, quận L, thành phố Hà Nội; theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 236441, số vào sổ cấp GCNQSDĐ số 199/2007/QĐ-UB/112/2007 MS: 10127652042 do UBND quận L cấp ngày 14/02/2007 cho bà NLQ2. Chi tiết việc thế chấp theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 2054.2011/HĐTC ngày 06/9/2011 ký tại Văn phòng công chứng N, thành phố Hà Nội. Việc thế chấp được đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Tài sản này đảm bảo cho Công ty A với dư nợ gốc cao nhất là8.928.571.000 đồng cùng toàn bộ lãi phát sinh từ Hợp đồng tín dụng ký giữa các bên.
Tài sản bảo đảm này đồng thời đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu K (Công ty K – trụ sở tại: ngõ B, phố Q, phường V, thành phố Hà Nội) theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 2054.2011/HĐTC ngày 06/9/2011 ký tại Văn phòng công chứng N, thành phốHà Nội. Tài sản đảm bảo dư nợ gốc tối đa cho khoản vay của Công ty K là 3.383.429.000 đồng và tiền lãi phát sinh từ Hợp đồng tín dụng ký giữa các bên. Đối với nghĩa vụ trả nợ của Công ty K với Ngân hàng D, Ngân hàng D sẽ khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ và yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm ở một vụ kiện khác.
Quá trình đôn đốc thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm:
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng tín dụng nêu trên, Công ty A đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng D. Sau khi khoản vay quá hạn, Ngân hàng D đã nhiều lần đôn đốc, yêu cầu Bên vay vốn thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng Công ty A đều không thực hiện. Tính đến thời điểm này Công ty A vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ được phần nào cho Ngân hàng D, bao gồm cả gốc, nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn của số tiền vay 6,250,000,000.00 đồng.
Đối với Bên thế chấp tài sản: Ngân hàng D đã yêu cầu Bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình theo thỏa thuận trong Hợp đồng thế chấp đã ký, tuy nhiên Bên thế chấp không thực hiện nghĩa vụ của mình, không đồng ý bàn giao tài sản để Ngân hàng D xử lý thu hồi.
Như vậy, Bên vay và Bên thế chấp đã vi phạm các nghĩa vụ cam kết, thỏa thuận với Ngân hàng D theo các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và các văn bản, giấy tờ khác có liên quan đã ký với Ngân hàng D.
Ngày 02/7/2015, Công ty V và Ngân hàng D đã tiến hành ký Hợp đồng mua, bán nợ số 7552/2015/MBN.V-D để mua toàn bộ các khoản nợ của Công ty A tại Ngân hàng D. Đồng thời, Công ty V và Ngân hàng D đã ký kết các Hợp đồng ủy quyền số 7553/2015/UQ.V-D ngày 02/7/2015 và Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng ủy quyền số 7553/2015/UQ.V-D ngày 02/7/2015 số: 2298/2016/UQ1.V-D ngày 12/7/2016 để ủy quyền cho Ngân hàng D thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Công ty V liên quan đến Công ty A và các khoản nợ tại hợp đồng mua, bán nợ số 7552/2015/MBN.V-D ngày 02/7/2015, theo đó Ngân hàng D được quyền thay mặt Công ty V thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Công ty V trong việc khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân các cấp để giải quyết vụ việc khởi kiện Công ty A.
Nay Công ty V khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết:
Buộc Công ty A phải trả Công ty V số tiền tính đến ngày 25 tháng 8 năm 2017 là 15,347,222,222 đồng, trong đó nợ gốc là 6,250,000,000.00 đồng, nợ lãi quá hạn 8,676,215,278 đồng và nợ lãi trong hạn là 421,006,944 đồng.
Buộc Công ty A phải tiếp tục trả Công ty V số tiền nợ lãi tính theo lãi suất quá hạn quy định tại Hợp đồng tín dụng hạn mức số DN 10.09.09 ngày17/9/2010 kể từ ngày 26/8/2017 cho đến khi trả hết nợ cho Công ty V.
Trong trường hợp, bị đơn không trả hết cho Công ty V số tiền nợ gốc và nợ lãi đề nghị Tòa án tuyên buộc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thực hiện nghĩa vụ thế chấp tài sản dùng bảo đảm cho khoản vay.
Số tiền sau khi tiến hành phát mại tài sản thế chấp nếu không đủ thì bị đơn tiếp tục có nghĩa vụ trả hết toàn bộ số tiền còn thiếu cho Công ty V.
*Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn - Công ty A không có ý kiến trong suốt toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, khi Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng giải quyết vụ án, người đại diện theo pháp luật của bị đơn là bà Đỗ Minh T và sau là ông Phùng Thế K không nhận các văn bản pháp luật, không có mặt tại các buổi làm việc do Tòa án thông báo, quyết định.
*Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông NLQ1, bà NLQ2 có ý kiến trình bày tại biên bản hòa giải ngày 17/12/2013 tại Tòa án như sau:
Ông bà là chủ tài sản nhà đất tại địa chỉ đường C, phường N, quận L, thành phố Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 236441, số vào sổ cấp GCNQSDĐ số 199/2007/QĐ-UB/112/2007 MS: 10127652042 do UBND quận L cấp cho bà NLQ2 ngày 14/02/2007, có diện tích 57 m2 đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa số 130b, thuộc tờ bản đồ số 330-8.
Chị Đỗ Minh T - người đại diện theo pháp luật của công ty A (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty A số 0104005036 ngày 09/1/2009) gọi bà NLQ2 là dì, chị T đã hỏi ông bà mượn sổ đỏ nhà đất để thế chấp vay tiền của ngân hàng D trong thời hạn 06 tháng. Tuy nhiên khi Ngân hàng D ký hợp đồng với chị T thì ông bà không được biết Ngân hàng D cho chị T vay bao nhiêu tiền, thời gian vay bao lâu.
Sau khoảng 7 tháng từ ngày Ngân hàng D đến gặp ông bà thì chị T vẫn không trả sổ đỏ nên ông NLQ1 có đến trụ sở ngân hàng D ở phố T hỏi về số tiền chị T vay nhưng người đại diện của ngân hàng nói rằng để bảo vệ khách hàng nên không cho ông Hải biết cụ thể khoản vay của chị T. Nay ngân hàng D khởi kiện chị T thì ông bà có quan điểm chị T vay Ngân hàng D thì chị T phải có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng D, Ngân hàng D không thể thu nhà của ông bà.
Tại phiên tòa.
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn – trình bày giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Về số liệu, đề nghị HĐXX chấp nhận số nợ tính đến ngày xét xử sơ thẩm, cụ thể:
Buộc Công ty A phải trả Ngân hàng D số tiền tính đến ngày 28 tháng 9 năm 2017 là 15,494, 791,666 đồng, trong đó nợ gốc là 6,250,000,000.00 đồng, nợ lãi quá hạn 8,823,784,722 đồng và nợ lãi trong hạn là 421,006,944 đồng.
Bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng vắng mặt không có lý do.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án như sau: Tòa án đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thụ lý vụ án, tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự, tiến hành hòa giải, thu thập chứng cứ và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.Từ khi thụ lý vụ án đến khi đưa vụ án ra xét xử là quá thời hạn xét xử.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã tiến hành đúng các thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự vể phiên tòa sơ thẩm.
Bị đơn và những người có quyền lợi , nghĩa vụ liên quan đã không chấp hành đúng các quy định tại Điều 70, 72, 234 của Bộ luật tố tụng Dân sự.
Về nội dung vụ án đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn phải trả số nợ gốc và nợ lãi cho nguyên đơn cho đến ngày xét xử sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có tỏng hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, sau phần tranh luận và nghị án, HĐXX nhận định:
[1]. Về thẩm quyền giải quyết vụ án và xác định tranh chấp: Căn cứ vào Điều 30, điểm b, khoản 1 của Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Công ty A có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm; Các bên đương sự đều là pháp nhân, ký kết hợp đồng với mục đích lợi nhuận; Vì vậy, việc xác định đây là tranh chấp kinh doanh thương mại, thẩm quyền giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” do Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
[2].Về việc tham gia tố tụng:
Sau khi thụ lý vụ án, tùy từng giai đoạn Tòa án đã xác định người đang quản lý tài sản thế chấp tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, lần lượt là anh NLQ3 (là con của ông NLQ1 và bà NLQ2), anh Nguyễn Xuân H và nay là anh NLQ4. Nay anh Nguyễn Xuân H không còn quản lý tài sản thế chấp trong vụ án nên không còn quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì vậy Tòa án không đưa vào tham gia tố tụng tiếp tục để giải quyết vụ án.
[3].Về việc xét xử vắng mặt các đương sự:
Về bị đơn, người đại diện theo pháp luật của Công ty A trước đây là bà Đỗ Minh T, sau này được thay đổi là ông Phùng Thế K. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã triệu tập nhiều lần, tống đạt các văn bản tố tụng theo đúng quy định của pháp luật cho bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông NLQ1, bà NLQ2, anh NLQ3, anh NLQ4.
Ông NLQ1 và bà NLQ2 có đến Tòa án tham gia duy nhất một buổi hòa giải sau đó không đến Tòa, không có ý kiến bổ sung cũng như không giao nộp tài liệu, chứng cứ và không nhận các văn bản tố tụng của Tòa án.
Bà T, ông K, anh NLQ3 và anh NLQ4 đã được Tòa án triệu tập nhiều lần, nhưng không đến Tòa án tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, cũng không có văn bản trình bày ý kiến, không giao nộp tài liệu chứng cứ, không nhận các văn bản tố tụng của Tòa án .
Tòa án đã triệu tập phiên tòa hai lần đối với bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như trên nhưng các đương sự vẫn tiếp tục vắng mặt. Căn cứ theo Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử vắng mặt các đương sự là đúng theo quy định của pháp luật.
[4].Về nội dung vụ án:
*Xét Hợp đồng tín dụng hạn mức số DN 10.09.09 ngày 17/9/2010: Đây là văn bản được người có thẩm quyền của Ngân hàng D do người đại diện theo ủy quyền - Bà Nguyễn Thị Hương G, chức vụ Phó Tổng giám đốc Ngân hàng D kiêm giám đốc chi nhánh H và Công ty A là bà Đỗ Minh T, chức vụ Giám đốc ký hợp đồng là đúng thẩm quyền.
Nội dung hợp đồng ký kết giữa Ngân hàng D và Công ty A nhằm mục đích Công ty A vay tiền để bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn 2010 - 2011 (Điều 2). Lãi suất trong hạn được xác định tại thời điểm giải ngân của từng món tiền vay được ghi trong từng giấy nợ, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn (khoản 5.1 Điều 5). Về việc chuyển nợ quá hạn Ngân hàng D thực hiện chuyển toàn bộ dư nợ gốc thực tế còn lại bao gồm nợ gốc và nợ lãi trong hạn của bên được cấp tín dụng sang nợ quá hạn khi bên được cấp tín dụng không thanh toán đúng hoặc đầy đủ các khoản nợ gốc,lãi theo đúng thời hạn thỏa thuận (khoản 8.2 Điều 8).
Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, Ngân hàng D đã tiến hành giải ngân toàn bộ số tiền trong hạn mức tín dụng cho công ty A sử dụng với mục đích thanh toán tiền mua hàng (theo hợp đồng kinh tế ngày 06/9/2011 ký giữa công ty A với công ty T).
Quá trình vay Công ty A đã tất toán được các khoản nợ gốc và nợ lãi trước đó, chỉ còn khoản vay là: 6,250,000,000.00 đồng tại giấy nhận nợ số 05 ngày 06 tháng 9 năm 2011 của Công ty A với lãi suất 25%/năm, cho đến nay Công ty A vẫn chưa thanh toán tiền nợ gốc và tiền nợ lãi cho Ngân hàng D nay là Công ty V.
Theo Điều 7 của hợp đồng tín dụng hạn mức số DN 10.09.09 ngày 17/9/2010 các bên thỏa thuận bên vay phải trả lãi vay định kỳ một tháng một lần vào ngày 30 của kỳ hạn trả lãi, lãi vay của kỳ hạn trả lãi cuối cùng được trả cùng ngày với ngày trả nợ gốc. Theo thỏa thuận tại giấy nhận nợ thời hạn vay của khoản tiền 6,250,000,000.00 đồng là 06 tháng kể từ ngày 06/9/2011 đến 06/3/2012.
Kể từ ngày 06/9/2011 cho đến nay, công ty A chưa trả được cho Ngân hàng D (nay là công ty V) một khoản nào trong nợ gốc, nợ lãi trong hạn cũng như nợ lãi quá hạn, do vậy Ngân hàng D (nay là công ty V) chuyển toàn bộ nợ gốc và nợ lãi trong hạn của Công ty A sang nợ quá hạn từ ngày 06/10/2011 là có cơ sở.
Từ nhận định trên có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty V đối với Công ty A về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, xác định số nợ gốc, nợ lãi mà Công ty A phải trả cho công ty V tính đến ngày 28 tháng 9 năm 2017 là 15,494, 791,666 đồng, trong đó nợ gốc là 6,250,000,000.00 đồng, nợ lãi trong hạn là 421,006,944 đồng, nợ lãi quá hạn 8,823,784,722 đồng. *Xét Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ngày 06 tháng 9 năm 2011:
Đây là văn bản được ký kết vào ngày 06/9/2011 giữa ba bên do công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng N tiến hành việc công chứng.
Bên thế chấp gồm ông NLQ1 và vợ là bà NLQ2 đã dùng tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng là quyền sử dụng đất tại đường C, phường N, quận L, thành phố Hà Nội để đảm bảo thực hiện toàn bộ nghĩa vụ dân sự của bên vay (công ty A và công ty K) đối với Ngân hàng D, phát sinh trước hoặc sau thời điểm ký hợp đồng thế chấp này (khoản 1 Điều 1), nghĩa vụ dân sự đối với Công ty A tổng số tiền nợ cao nhất là 8.928.571.000 đồng. Nội dung việc thế chấp cũng được các bên thống nhất rằng toàn bộ vật phụ, trang thiết bị kèm theo và phần giá trị công trình, diện tích cải tạo, đầu tư xây dựng thêm gắn liền với diện tích nhà đất đã được thế chấp cũng đều thuộc tài sản thế chấp trong hợp đồng (khoản 2 Điều 1). Thời hạn thế chấp được tính kể từ ngày ký hợp đồng cho đến khi bên vay vốn hoàn thành toàn bộ các nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp (Điều 4).
Hồ sơ việc thế chấp thể hiện: Ngày 05 tháng 9 năm 2011, trước ngày ký hợp đồng thế chấp, ba bên bao gồm ông NLQ1, bà NLQ2, Công ty A , Công ty A và Ngân hàng D đã thực hiện việc thẩm định tài sản đảm bảo tiền vay tại thửa số 130b, thuộc tờ bản đồ số 330-8, có địa chỉ hiện nay là đường C, phường N, quận L, thành phố Hà Nội. Hợp đồng thế chấp đã được đăng ký giao dịch bảo đảm cùng ngày ký hợp đồng 06/9/2011 tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất UBND quận L, thành phố Hà Nội.
Với phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy rằng ông NLQ1 và bà NLQ2 đã tự nguyện thế chấp tài sản của ông bà để đảm bảo cho khoản vay của Công ty A, nghĩa vụ của bên thế chấp đã phát sinh kể từ ngày Công ty A không thực hiện nghĩa vụ của bên được cấp tín dụng.
Nay nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ bảo đảm khoản vay cho Công ty A là có căn cứ được chấp nhận.
[4].Về án phí và quyền kháng cáo: Các đương sự phải chịu án phí và có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Bởi các lẽ trên!
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào:
- Khoản 1 Điều 30; điểm b, khoản 1 của Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 271, khoản 1 Điều 273 của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015;
- Điều 336, 338, 342, 345, 348, 349, 355, 463, 474, 476 của Bộ luật dân sự 2005;
- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
- Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
- Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/2/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội;
- Điều 48 của Nghị quyết 326/2016/UBNVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Xö:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn V về “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng” đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn A.
1.1. Buộc Công ty A trả cho Công ty V số tiền vay tính đến ngày 28 tháng 9 năm 2017 là 15,494, 791,666 đồng, trong đó nợ gốc là 6,250,000,000.00 đồng, nợ lãi trong hạn là 421,006,944 đồng, nợ lãi quá hạn 8,823,784,722 đồng.
1.2. Buộc Công ty A phải tiếp tục trả cho số tiền nợ lãi trên số nợ gốc chưa trả theo thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng hạn mức số DN 10.09.09 ngày 17/9/2010 và các giấy nhận nợ kể từ sau ngày 28/9/2017 cho đến khi trả hết nợ cho Công ty V.
1.3.Buộc ông NLQ1, bà NLQ2 (bên có tài sản bảo đảm) phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ngày 06 tháng 9 năm 2011.
1.4.Trong trường hợp ông NLQ1, bà NLQ2 (bên có tài sản bảo đảm) không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ngày 06 tháng 9 năm 2011 thì Công ty V có quyền đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự tiến hành kê biên, phát mại toàn bộ tài sản nhà đất bao gồm: Quyền sử dụng đất ở và các tài sản gắn liền với đất tại thửa số 130b, thuộc tờ bản đồ số 330-8, có địa chỉ: đường C, phường N, quận L, thành phố Hà Nội, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 236441, số vào sổ cấp GCNQSDĐ số 199/2007/QĐ- UB/112/2007 MS: 10127652042 do UBND quận L cấp ngày 14/02/2007 cho bà NLQ2.
Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp trên sẽ được dùng để thanh toán toàn bộ khoản nợ trong hợp đồng tín dụng trên, nếu dư công ty V sẽ trả lại cho bên thế chấp, nếu còn thiếu thì công ty A có nghĩa vụ tiếp tục trả nợ cho công ty V số tiền thiếu.
1.5.Các đương sự gồm ông NLQ1, bà NLQ2, anh NLQ3, anh NLQ4 có nghĩa vụ thi hành án khi tài sản thế chấp bị kê biên, phát mại tài sản.
2. Về án phí: Công ty A phải chịu 112,113,472.00 VNĐ (Một trăm mười hai triệu, một trăm mười ba nghìn, bốn trăm bẩy mươi hai đồng).
Công ty V được trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 59.000.000 đồng (Năm mươi chín triệu đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0000382 tại Chi Cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm ngày 17/10/2013 (Biên lai này do Ngân hàng D ký nộp).
3.Án xử sơ thẩm công khai, có mặt đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.Vắng mặt bị đơn, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn cã quyÒn kh¸ng c¸o bản án trong h¹n 15 ngµy kÓ tõ ngµy tuyªn ¸n. Bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự là 05 năm.
Bản án 10/2017/KDTM-ST ngày 28/09/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng
Số hiệu: | 10/2017/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 28/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về