TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NAM ĐÔNG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
BẢN ÁN 10/2017/HSST NGÀY 25/07/2017 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Ngày 25 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân dân huyện Nam Đông xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 09/2017/HSST ngày 17 tháng 5 năm 2017 đối với các bị cáo:
Hồ Văn Th, sinh năm 1982, tại T, N, Thừa Thiên Huế; nơi cư trú: Thôn 1, xã T, huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế; số CMND: 191646329; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hoá: Chưa qua trường lớp nào; dân tộc: Cơ Tu; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hồ Văn Rí, sinh năm: 1950 (đã chết) và bà Hồ Thị Xư, sinh năm: 1955 (đã chết); có vợ Hồ Thị Hè, sinh năm: 1985 và conHồ Thị Lâm Tiểu Cát, sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Chưa; bị cáo bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.
Trần Đình Tr, sinh năm 1986, tại T, N, Thừa Thiên Huế; nơi cư trú: Thôn 1, xã T, huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế; số CMND: 191636244; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hoá: 4/12; dân tộc: Cơ Tu; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Đình T, sinh năm: 1961 và bà Lê Thị Th, sinh năm: 1961; có vợ Trần Thị V, sinh năm: 1988 và có hai con, con lớn 11 tuổi, con nhỏ 7 tuổi; tiền án, tiền sự: Chưa; bị cáo bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.
- Người bào chữa cho các bị cáo: Bà Nguyễn Thị Sương, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.
- Nguyên đơn dân sự:
Uỷ ban nhân dân huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa chỉ: Thị trấn K, huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại diện theo uỷ quyền: Ông Phạm Tấn S, sinh năm 1973; chức vụ: Trưởng phòng Tư pháp huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế (Giấy uỷ quyền ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện N). Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
Cộng đồng dân cư thôn Lấp, xã T, huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại diện theo uỷ quyền: Ông Hồ Văn V, sinh năm 1971; nơi cư trú: Thôn2, xã T, huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.
- Giám định viên: Ông Lê Hạ, Giám đốc Trung tâm quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp. Có mặt.
- Người phiên dịch: Bà Hồ Thị Bồng, công tác tại: Đài phát thanh và truyềnhình huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào tháng 4 năm 2016, Hồ Văn Th, sinh năm 1982, Trần Đình Tr, sinh năm 1986 cùng cư trú tại thôn 1, xã T, huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế lên khu vực rừng thuộc lô d1, d2, e3, khoảnh 5, tiểu khu 423 của Cộng đồng dân cư thôn Lấp (Thôn 2), xã T, huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý để xem rừng. Sau khi xem xong, Th và Tr đã thống nhất cùng chặt phá rừng để lấy đất trồng keo. Do Trần Đình Tr bị ốm không trực tiếp phát rừng được nên Tr nói với Th thuê người phát và Th đã thuê 9 người gồm: Trần Đình V, Hồ Văn R, Hồ Văn L1, Hồ Văn L2, Trần Đình K, Trần Văn T, Phạm Văn V, Phạm Văn N và Trần Thị H. Th và những người làm thuê nói trên đã dùng rựa phát thực bì và chặt những cây nhỏ, còn những cây to Th đã thuê anh Hồ Văn Phút, sinh năm 1988 dùng máy cưa để cưa hạ. Trong lúc cưa, máy cưa bị hỏng nên anh Phút không làm nữa. Sau đó, Th thuê một người (không biết tên và địa chỉ ở đâu) đang khai thác gỗ keo gần đó cưa giúp trong khoảng thời gian một buổi và Th đã trả cho người đó300.000 đồng. Còn Tr đưa cho Th 2.000.000 đồng để trả tiền công thuê người phát rừng. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2016, Tr và Th cùng nhau lên đốt và trồng keo bằng hình thức trỉa hạt.
Kết quả giám định ngày 10/11/2016 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế xác định: Diện tích rừng bị chặt phá: 29.998 m2, khối lượng gỗ bị thiệt hại: 96,854m3 gỗ quy tròn, loại rừng: Rừng sản xuất.
Theo Kết luận số 07/KL- HĐĐG ngày 22/11/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện N xác định giá trị tài sản 96,854m3 gỗ quy tròn tại thời điểm 4/2016 là 30.993.000 đồng.
Tại bản Cáo trạng số 08/QĐ/KSĐT ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện N đã truy tố các bị cáo Hồ Văn Th và Trần Đình Tr về tội “Huỷ hoại rừng” theo khoản 3 Điều 189 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra và tại phiên toà, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế giữ nguyên quan điểm truy tố bị các cáo về tội, “Huỷ hoại rừng” theo khoản3 Điều 189 của Bộ luật hình sự và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng:
Điểm a khoản 3, Điều 189; điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Hồ Văn Th từ 36 đến 40 tháng tù;
Điểm a khoản 3, Điều 189; điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Trần Đình Tr từ 39 đến 42 tháng tù.
Về bồi thường thiệt hại: Buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền còn lại là27.993.000 đồng.
Xử lý vật chứng:
Áp dụng điểm a khoản 2, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 tuyên tịch thu tiêu huỷ: 01 (một) cái rựa dài 81 cm, lưỡi rựa làm bằng kim loại dài 38 cm, cán rựa làm bằng gỗ, trên cán rựa có 06 khuy, rựa đã qua sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Sương, Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho các bị cáo trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Nghị quyết 109/2015 ngày 27/01/2015 và Nghị quyết 144/2016 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội và khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015; áp dụng điểm b, k, p khoản 1, khoản 2, Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; khoản 3, Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Trần ĐìnhTr từ 12 đến 18 tháng tù; áp dụng thêm điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 xử phạt bị cáo Hồ Văn Th từ 18 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Về bồi thường dân sự: Đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn dân sự, ông Phạm Tấn Sanh yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại số tiền 30.993.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện N, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện N, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, người bào chữa cho bị cáo xuất trình tài liệu, chứng cứ phù hợp với quy định của pháp luật, người bào chữa cho các bị cáo, các bị cáo và nguyên đơn dân sự không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng theo quy định.
Lời khai nhận tội của các bị cáo Hồ Văn Th, Trần Đình Tr tại phiên tòa phù hợp với lời khai nhận tội tại Cơ quan điều tra, biên bản khám nghiệm hiện trường, thể hiện: Vào tháng 4 năm 2016, Hồ Văn Th và Trần Đình Tr đã có hành vi phá rừng trái phép tại khu vực lô d1, d2, e3, khoảnh 5, tiểu khu 423 thuộc thôn 2, xã T, huyện N, tỉnh Thừa Thiên Huế để lấy đất trồng cây Keo; diện tích rừng bị chặt phá: 29,998m2 (Trong đó diện tích đất trống là 7.804m2, diện tích rừng tự nhiên là 22.194m2), khối lượng gỗ bị thiệt hại: 96,854m3, loại rừng: Rừng sản xuất; giá trị tài sản thiệt hại 96,854m3 gỗ quy tròn là 30.993.000 đồng. Theo quy định tại khoản 1, Điều 189 của Bộ Luật hình sự năm 1999 thì “Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một Tr triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”; điểm a, khoản 3 Điều189 quy định: “Huỷ hoại diện tích rừng đặc biệt lớn” và có khung hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Vì vậy, đủ cơ sở để kết luận các bị cáo Hồ Văn Th, Trần Đình Tr phạm tội: “Huỷ hoại rừng” theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 189 của Bộ Luật hình sự năm 1999.
Xét tính chất và mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương.
Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì thấy rằng: Trong quá trình điều tra c ng như tại phiên toà bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi phạm tội bị cáo đã tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại cho nguyên đơn dân sự; các bị cáo là lao động chính trong gia đình và đang nuôi con nhỏ, vợ của các bị cáo không có nghề nghiệp ổn định; Riêng bố mẹ bị cáo Hồ Văn Th là gia đình có công với cách mạng (Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và hạng Ba). Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các bị cáo không phạm vào tình tiết nào quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự.
Xét yêu cầu của người bào chữa cho bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm k Điều 46 Bộ luật hình sự. Theo quy định tại mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999, thì chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội do lạc hậu” nếu lạc hậu đó là do nguyên nhân khách quan đưa lại, như do đời sống xã hội nên không hiểu biết hoặc kém hiểu biết về pháp luật, không được học tập, không có điều kiện thực tế để nhận biết các đúng sai trong cuộc sống…nhưng tại cơ quan Điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đềukhai rằng: Mặc dù không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, các bị cáo biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
Do đó, khi quyết định hình phạt căn cứ vào điểm a, khoản 3, Điều 189; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự, để có hình phạt tùtương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và hiệu thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 thì trường hợp này được thực hiện theo hướng có lợi cho người phạm tội, cụ thể: Tại khoản 2, Điều 243 Bộ luật hình sự 2015 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm “đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 m2 đến dưới 50.000 m2”.
Đối với Hồ Văn P, Trần Đình V, Hồ Văn R, Hồ Văn L1, Hồ Văn L2, Trần Đình K, Trần Văn T, Phạm Văn V, Phạm Văn N và Trần Thị H do khi đi cưa và phát rừng những người này không biết đây là rừng sản suất và không được phép chặt phá, nên không có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Xét yêu cầu đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn dân sự, ông Phạm Tấn S yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại số tiền 30.993.000 đồng là đúng theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 584, Điều 587, Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên, trước đó bị cáo Hồ Văn Th đã bồi thường được 1.500.000 đồng, Trần Đình Tr đã bồi thường được 1.500.000 đồng (theo biên lai thu tiền số 000538 và biên lai thu tiền số 000537cùng ngày 03/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện N), nên các bị cáo phải tiếp tục bồi thường số tiền còn lại 27.993.000 đồng.
Về xử lý vật chứng vụ án:
Xét vật chứng đã thu giữ trong vụ án, là công cụ phạm tội và vật không có trị quy định tại điểm a, đ khoản 2, Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự nên tịch thu và tiêu huỷ: 01 (một) cái rựa dài 81 cm, lưỡi rựa làm bằng kim loại dài 38 cm, cán rựa làm bằng gỗ, trên cán rựa có 06 khuy, rựa đã qua sử dụng.
Về án phí:
Các bị cáo Hồ Văn Th, Trần Đình Tr phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 21 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Hồ Văn Th, Trần Đình Tr phạm tội: Huỷ hoại rừng.
Áp dụng điểm a, khoản 3 Điều 189; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999; khoản 3 Điều 7; điểm đ, khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt:
Hồ Văn Th 03 (ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
Trần Đình Tr 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
2. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Áp dụng khoản 1, Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 584, Điều 587, Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015. Buộc:
Bị cáo Hồ Văn Th phải bồi thường cho nguyên đơn dân sự số tiền15.496.500 đồng, nhưng được trừ vào số tiền 1.500.000 đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N theo biên lai số 000538 ngày 03/7/2017, nên bị cáo phảitiếp tục bồi thường số tiền còn lại là 13.996.500 đồng (Mười ba triệu chín trăm chín mươi sáu ngàn năm trăm đồng).
Bị cáo Trần Đình Tr phải bồi thường cho nguyên đơn dân sự số tiền15.496.500 đồng, nhưng được trừ vào số tiền 1.500.000 đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N theo biên lai số 000537 ngày 03/7/2017, nên bị cáo phải tiếp tục bồi thường số tiền còn lại là 13.996.500 đồng (Mười ba triệu chín trămchín mươi sáu ngàn năm trăm đồng).
3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên bố tịch thu tiêu huỷ: 01 (một) cái rựa dài 81 cm, lưỡi rựa làm bằng kim loại dài 38 cm, cán rựa làm bằng gỗ, trên cán rựa có 06 khuy, rựa đã qua sử dụng.
4. Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 21 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Buộc:
Bị cáo Hồ văn Th phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và 699.825 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm (13.996.500 x 5% = 699.825), tổng cộng là 899.825 đồng (Tám trăm chín mươi chín ngàn tám trăm hai mươi lăm đồng).
Bị cáo Trần Đình Tr phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và699.825 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm (13.996.500 x 5% = 699.825), tổng cộng là 899.825 đồng (Tám trăm chín mươi chín ngàn tám trăm hai mươi lăm đồng).
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận việc thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thihành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 9 luậtThi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều30 luật Thi hành án dân sự.
Các bị cáo; nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 10/2017/HSST ngày 25/07/2017 về tội huỷ hoại rừng
Số hiệu: | 10/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Nam Đông - Thừa Thiên Huế |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 25/07/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về