Bản án 10/2017/DSST ngày 30/10/2017 về yêu cầu chia di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THANH BA, TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 10/2017/DSST NGÀY 30/10/2017 VỀ YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Hôm nay, ngày 30 tháng 10 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 07/2017/TLST- DS ngày 11 tháng 5 năm 2017 về việc tranh chấp “Yêu cầu chia di sản thừa kế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 138/2017/QĐXXST-DS ngày 16 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự;

* Nguyên đơn:

1. Cụ Đinh Thị C: Sinh năm 1929 (có đơn xin xét xử vắng mặt).

2. Ông Trần Ngọc Q: Sinh năm 1953 (có mặt).

Đều có địa chỉ tại: Khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P.

* Bị đơn:

1. Bà Trần Thị T: Sinh năm 1955

Địa chỉ tại: Khu 2, xã H, huyện T, tỉnh P.

2. Ông Trần Ngọc C: Sinh năm 1958

3. Ông Trần Ngọc T: Sinh năm 1961

4. Ông Trần Ngọc V: Sinh năm 1963

5. Ông Trần Ngọc H: Sinh năm 1965

6. Ông Trần Ngọc T: Sinh năm 1968

7. Ông Trần Ngọc A: Sinh năm 1970

Đều có địa chỉ: Khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P.

8. Bà Trần Thị V: Sinh năm 1973

Địa chỉ: Khu 6, xã H, huyện T, tỉnh P.

Tất cả các bị đơn đều có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị Y- sinh năm 1953

Địa chỉ: Khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P. (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là cụ Đinh Thị C, ông Trần Ngọc Q:

- Cụ Đinh Thị C vắng mặt tại phiên tòa nhưng theo đơn khởi kiện, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cụ C trình bày như sau: Cụ và cụ Trần Ngọc Á kết hôn và sinh được 09 người con chung gồm:

1. Trần Ngọc Q - Sinh năm 1953, hiện đang ở tại khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P.

2. Trần Thị T - Sinh năm 1952, hiện đang tại ở khu 2, xã H, huyện T, tỉnh P.

3. Trần Ngọc C - Sinh năm 1958, hiện đang ở tại khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P.

4. Trần Ngọc T - Sinh năm 1960, hiện đang ở tại khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P.

5. Trần Ngọc V - Sinh năm 1963, hiện đang ở tại khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P.

6. Trần Ngọc H - Sinh năm 1964, hiện đang ở tại khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P.

7. Trần Ngọc T - Sinh năm 1968, hiện đang ở tại khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P.

8. Trần Văn A - Sinh năm 1969, hiện đang ở tại khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P.

9. Trần Thị V - Sinh năm 1974, hiện đang tại ở khu 6, xã H, huyện T, tỉnh P.

Trong quá trình chung sống cụ và cụ Á có tài sản chung gồm: Quyền sử dụng đất ở, đất vườn và đất trồng lúa đều ở tại khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P. Nguồn gốc đất là do vợ chồng cụ khai hoang từ lâu, rồi canh tác sử dụng ổn định không có tranh chấp và đã được Nhà nước công nhận. Quá trình sử dụng đất, vợ chồng cụ đã làm nhà gỗ 05 gian và công trình phụ. Năm 1997, chồng cụ là Trần Ngọc Á chết không để lại di chúc, toàn bộ tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cụ tiếp tục quản lý sử dụng ổn định không có tranh chấp. Ngày 18/01/1999, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thanh Ba cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số P 742169 đứng tên hộ bà Đinh Thị C với diện tích đất được giao sử dụng gồm: Thửa số 99, tờ bản đồ số 18 diện tích 1460.0m2 (trong đó có 400.0m2 đất ở, 1060.0m2 đất vườn); thửa số 101 tờ bản đồ số 18 diện tích 580.0m2  (đất vườn); thửa số 129-1, tờ bản đồ số 26 diện tích 360.0m2 đất lúa; thửa số 127 tờ bản đồ số 18 diện tích 243.0m2 đất lúa; thửa số 128, tờ bản đồ số 18 diện tích 198.0m2 đất lúa; thửa số 129, tờ bản đồ số 18 diện tích 314.0m2 đất lúa. Tổng diện tích là 3155.0m2.

Kể từ khi được cấp GCNQSDĐ, cụ vẫn tiếp tục quản lý sử dụng ổn định thửa đất mà không có tranh chấp. Năm 2010, cụ chuyển về ở cùng với vợ chồng con trai trưởng là Trần Ngọc Q và Trần Thị Y. Năm 2012, cụ đã bán nhà gỗ và sau này có cho vợ chồng con trai là Trần Ngọc Quỹ xây 01 ngôi nhà trên đất của vợ chồng cụ. Việc cụ bán nhà và cho vợ chồng ông Q xây nhà trên đất không ai có ý kiến gì. Cụ C xác định toàn bộ các thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ đứng tên hộ bà Đinh Thị C như trên là tài sản chung của cụ và chồng là Trần Ngọc Á. Trên thửa đất 101 tờ bản đồ số 18 (đất vườn) là toàn bộ cây chè do cụ trồng, còn thửa số 99 tờ bản đồ số 18 thì hiện không có tài sản gì của vợ chồng cụ mà chỉ có 01 ngôi nhà xây của vợ chồng ông Q.

Nay do cụ có nguyện vọng muốn chuyển nhượng, tặng cho cháu một phần tài sản của cụ vì vậy cụ yêu cầu Tòa án xác định rõ phần tài sản là quyền sử dụng đất của cụ và chồng cụ mỗi người cụ thể là bao nhiêu. Đối với phần tài sản của chồng cụ thì do khi chết chồng cụ không có di chúc nên phần tài sản của chồng cụ là Trần Ngọc Á cụ yêu cầu chia thừa kế cho 10 người gồm cụ và 09 người con đẻ.

Đối với đất trồng lúa: Cụ C yêu cầu được sử dụng 01 thửa là thửa số 129-1, tờ bản đồ 18. Các thửa ruộng còn lại cụ đề nghị sẽ giao cho con trai là Trần Ngọc V được quản lý sử dụng.

Đối với diện tích đất được chia gồm phần tài sản riêng của cụ, phần tài sản mà cụ được hưởng thừa kế, phần mà người con khác cho cụ nếu có sự chênh lệch về diện tích (nếu phần của cụ được nhận ít hơn) thì cụ C không yêu cầu ai phải thanh toán phần giá trị chênh lệch.

Đối với ngôi nhà của vợ chồng ông Quỹ, bà Y xây dựng trên đất nếu vào phần đất cụ được giao sử dụng thì cụ tiếp tục cho vợ chồng ông Quỹ, bà Y sử dụng và không có yêu cầu gì.

- Ông Trần Ngọc Q trình bày: Ông xác nhận bố mẹ đẻ ông là Đinh Thị C và Trần Ngọc Á, bố mẹ đẻ ông có 09 người con đẻ và hiện đều còn sống như mẹ đẻ ông đã trình bày trên là hoàn toàn đúng. Năm 1997, bố đẻ ông là Trần Ngọc Á chết không để lại di chúc. Ông Q cũng xác nhận toàn bộ tài sản là các thửa đất mà mẹ đẻ ông là Đinh Thị C đã trình bày ở trên là hoàn toàn đúng và đây là tài sản chung của bố mẹ đẻ ông (các thửa đất này đã được cấp GCNQSDĐ đứng tên mẹ đẻ ông). Quá trình sử dụng đất của bố mẹ đẻ ông từ trước cho đến nay là hoàn toàn ổn định, không có tranh chấp. Sau khi bố đẻ ông chết, mẹ đẻ ông tiếp tục quản lý sử dụng ổn định và không có phát sinh tranh chấp, cũng không phát sinh về việc chia thừa kế. Đối với thửa đất số 101 tờ bản đồ số 18 (đất vườn) thì trên đất là toàn bộ cây chè do mẹ đẻ ông trồng, còn thửa số 99 tờ bản đồ số 18 thì không có tài sản gì của bố, mẹ đẻ ông mà chỉ có 01 ngôi nhà xây là tài sản của vợ chồng ông.

Về đất lúa: Ông cũng xác nhận có 04 thửa đất lúa như mẹ đẻ ông đã trình bày. Ông cũng nhất trí với yêu cầu của mẹ đẻ ông là mẹ đẻ ông sẽ sử dụng 01 thửa đất lúa, 03 thửa còn lại sẽ giao cho em trai ông là Trần Ngọc V quản lý sử dụng.

Do bố đẻ ông chết không có di chúc, vì vậy ông yêu cầu xác định phần tài sản là quyền sử dụng đất của bố đẻ và mẹ đẻ ông mỗi người là bao nhiêu sau đó chia thừa kế đối với phần di sản là quyền sử dụng đất của bố đẻ ông cho 10 người trong cùng hàng thừa kế gồm cụ C (mẹ đẻ ông) và 09 người con là ông, bà T, ông C, ông T, ông V, ông H, ông T, ông A và bà V.

Đối với phần di sản thừa kế là quyền sử dụng đất mà ông được hưởng theo luật thì ông đề nghị giao toàn bộ cho mẹ đẻ ông là Đinh Thị C được quyền sử dụng và nếu có sự chênh lệch về diện tích đất (nếu ít hơn) ông không yêu cầu ai phải thanh toán phần giá trị chênh lệch.

* Các bị đơn là ông Trần Ngọc C, Trần Thị T, Trần Ngọc T, Trần Ngọc V, Trần Ngọc H, Trần Ngọc T, Trần Ngọc A Trần Thị V vắng mặt tại phiên tòa nhưng đều đã có lời khai, trình bày trong quá trình giải quyết vụ án như sau: Tất cả các bị đơn đều xác nhận bố mẹ đẻ là cụ Đinh Thị C và Trần Ngọc Á và bố mẹ đẻ có 09 người con như cụ C, ông Q đã trình bày ở trên là hoàn toàn đúng. Bố mẹ đẻ các ông, bà có tài sản là quyền sử dụng đất ở, đất vườn và đất lúa như cụ Chử, ông Quỹ đã trình bày ở trên. Năm 1997, bố đẻ là cụ Trần Ngọc Á chết không có di chúc, toàn bộ các thửa đất đều do mẹ đẻ là Đinh Thị C quản lý sử dụng. Quá trình sử dụng đất khi cụ Á còn sống và sau khi cụ Á đã chết hoàn toàn ổn định, không có tranh chấp. Các ông, bà đều xác nhận toàn bộ các thửa đất mà mẹ đẻ là Đinh Thị C và ông Trần Ngọc Q đã trình bày, kê khai là hoàn toàn đúng và đây là tài sản chung của bố, mẹ đẻ các ông bà. Tài sản trên thửa đất số 101 tờ bản đồ số 18 (đất vườn) là toàn bộ cây chè do mẹ đẻ các ông, bà trồng. Còn thửa số 99 tờ bản đồ số 18 thì không có tài sản gì của bố, mẹ đẻ mà chỉ có 01 ngôi nhà xây của vợ chồng ông Q, bà Y và các ông, bà không có yêu cầu gì về tài sản trên đất này.

Do bố đẻ các ông, bà chết không có di chúc nên nay mẹ đẻ là Đinh Thị C và anh trai là ông Trần Ngọc Q yêu cầu xác định phần tài sản là quyền sử dụng đất của mẹđẻ và bố đẻ mỗi người là bao nhiêu sau đó chia thừa kế đối với phần tài sản của bố đẻ cho 10 người gồm mẹ đẻ và 09 người con thì các ông bà đều hoàn toàn đồng ý, nhưng có yêu cầu cụ thể như sau: Bà V, ông V đều thống nhất tự nguyện giao toàn bộ phần di sản thừa kế là quyền sử dụng đất mà mình được hưởng theo quy định cho mẹ đẻ là Đinh Thị C được toàn quyền sử dụng và không có yêu cầu gì. Còn ông C, ông H, ông A, bà T, ông T và ông Tuấn đều tự nguyện thống nhất phần di sản thừa kế là quyền sử dụng đất mà mình được hưởng theo quy định sẽ không tách riêng mà nhập chung vào một phần và giao toàn bộ cho ông T trực tiếp quản lý sử dụng và cũng không có yêu cầu nào khác.

Đối với đất lúa: Các bị đơn cũng xác nhận có 04 thửa đất lúa và nhất trí như yêu cầu của cụ C và ông Q đó là cụ C sẽ sử dụng 01 thửa số 129-1, tờ bản đồ 18. 03 thửa còn lại sẽ giao cho ông Trần Ngọc V quản lý sử dụng.

Về diện tích đất mà các ông bà được chia thừa kế nếu có sự chênh lệc về diện tích (nếu ít hơn), kể cả diện tích đất ở thì tất cả các ông, bà đều không yêu cầu ai phải thanh toán giá trị chênh lệch.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Y trình bày: Bà là vợ của ông Trần Ngọc Q và là con dâu của vợ chồng cụ Trần Ngọc Á, Đinh Thị C. Việc cụ C, ông Q (chồng bà) cùng các anh chị em ruột trong gia đình yêu cầu chia thừa kế tài sản của bố chồng bà không có ý kiến gì. Tuy nhiên, trên đất của bố mẹ chồng có 01 ngôi nhà xây là tài sản của vợ chồng bà, việc vợ chồng bà xây nhà được sự đồng ý của cụ Chử, các anh chị em trong gia đình chồng bà cũng không ai phản đối. Nếu Tòa án chia thừa kế đối với thửa đất này thì bà đề nghị Tòa án xem xét không làm ảnh hưởng đến ngôi nhà, để cho vợ chồng bà tiếp tục sử dụng ngôi nhà và cụ Chử cũng đã đồng ý cho vợ chồng bà tiếp tục sử dụng nhà trên phần đất mà cụ Chử được giao. Ngoài ra bà không có yêu cầu nào khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà. Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về quyền khởi kiện và thời hiệu khởi kiện:

- Cụ Trần Ngọc Á chết năm 1997 không để lại di chúc. Theo quy định tại Điều 623 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế vẫn còn vì vậy cụ C, ông Q hoặc những người đồng thừa kế khác đều có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế là phần tài sản của cụ Ánh theo quy định của pháp luật.

- Phiên tòa vắng mặt nguyên đơn là cụ C và tất cả các bị đơn nhưng đều có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, vì vậy việc Tòa án vẫn Quyết định đưa vụ án ra xét xử là phù hợp khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2]. Xét về nguồn gốc và quyền sử dụng đối với tài sản là quyền sử dụng đất của vợ chồng cụ Đinh Thị C và cụ Trần Ngọc Á:

- Căn cứ vào lời khai của các đương sự, tài liệu chứng cứ đã thu thập và kết quả xem xét thẩm định thì vợ chồng cụ Đinh Thị C và Trần Ngọc Á có diện tích đất ở, đất vườn và đất lúa đều ở tại khu 6, xã T, huyện T, tỉnh P đã được UBND huyện Thanh Ba cấp GCNQSDĐ số P 742169 ngày 18/01/1999 đứng tên hộ bà Đinh Thị C gồm các thửa đất sau:

+ Thửa đất số 99, tờ bản đồ 18 (loại bản đồ ĐC 299) có diện tích 1460.0m2 (trong đó có 400.0m2 đất ở, 1060.0m2 đất vườn) và nay là thửa số 121, tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) có hiện trạng thực tế sử dụng là 2717.5m2 (tăng 1257.5m2 so với diện tích được cấp trong GCNQSDĐ);

+ Thửa số 101, tờ bản đồ số 18 diện tích 580.0m2 (đất vườn) và nay là thửa số 130, tờ bản đồ số 46 có diện tích đo đạc thực tế là 580.0m2;

+ Thửa số 129-1 tờ bản đồ số 26 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 360.0m2, nay là thửa số 93, tờ bản đồ số 68 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 407.6m2 (đất lúa);

+ Thửa số 127 tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 243.0m2, nay là thửa số 247, tờ bản đồ số 47 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 209.6m2 (đất lúa);

+ Thửa số 128, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 198.0m2, nay là thửa số 196, tờ bản đồ số 47 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 176.4m2 (đất lúa);

+ Thửa số 129, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 314.0m2, nay là thửa số 197, tờ bản đồ số 47 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 345.6m2 (đất lúa).

- Đối với diện tích đất ở và đất vườn thì cụ C, cụ Á đã có nguồn gốc từ lâu, vợ chồng cụ C, cụ Á đã sử dụng ổn định, lâu dài không có tranh chấp. Năm 1997, cụ Á chết không để lại di chúc, cụ C tiếp tục quản lý sử dụng toàn bộ các thửa đất và cũng không có tranh chấp. Ngày 18/11/1999, UBND huyện Thanh Ba cấp GCNQSDĐ đối với toàn bộ các thửa đất trên đứng trên đứng tên hộ bà Đinh Thị C. Kể từ khi được cấp GCNQSDĐ, cụ C vẫn sử dụng ổn định các thửa đất và không phát sinh tranh chấp. Quá trình giải quyết vụ án, tất cả các đương sự cũng như chính quyền địa phương đều xác nhận toàn bộ các thửa đất trên đến nay vẫn là tài sản chung của vợ chồng cụ Chử và cụ Á. Như vậy có đủ cơ sở để xác định toàn bộ các thửa đất trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng cụ Đinh Thị C và Trần Ngọc Á và đây cũng là tài sản chung của cụ C và cụ Á. Giá trị đất ở là 230.000.đ/m2, giá trị đất vườn là 35.000.đ/m2.

[3]. Về phần tài sản của cụ Chử và cụ Ánh trong trong tổng số tài sản chung là quyền sử dụng các thửa đất trên: Như đã nêu, toàn bộ các thửa đất trên là tài sản chung của vợ chồng cụ C và cụ Á vì vậy cả hai cụ đều có quyền bình đẳng đối với tài sản chung của vợ chồng và kỷ phần về tài sản trong số tài sản chung là như nhau. Cụ thể cụ C và cụ Á mỗi người sẽ có 1/2 số tài sản chung là quyền sử dụng các thửa đất trên.

Để thuận lợi cho việc sử dụng cũng như việc chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất theo yêu cầu của các đương sự vì vậy phần tài sản của cụ C và cụ Á sẽ được xác nhận và giao sử dụng cụ thể như sau:

- Phần tài sản là quyền sử dụng đất của cụ C được giao gồm toàn bộ đất vườn thuộc thửa số 101, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 580.0m2, nay là thửa số 130, tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) có diện tích thực tế là 580.0m2 và 400.0m2 thuộc thửa số số 99, tờ bản đồ 18 (loại bản đồ ĐC 299), nay là thửa số 121, tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) và 01 thửa đất trồng lúa (như các đương sự đã thống nhất) và toàn bộ phần đất này là tài sản riêng của cụ C.

- Phần quyền sử dụng đất còn lại là 1060.0m2 của thửa số 99 tờ bản đồ 18 (loại bản đồ ĐC 299) và nay là thửa số 121 tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) được xác nhận là tài sản riêng của cụ Trần Ngọc Á. Tuy nhiên, do cụ Á đã chết vì vậy căn cứ vào Điều 612 của Bộ luật dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.3 mục 1 phần II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình” thì phần diện tích đất là tài sản riêng của cụ Á được xác định là di sản của cụ Á để lại cho những người thừa kế. Việc đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là phần quyền sử dụng đất của cụ Á là hoàn toàn phù hợp pháp luật và cần được chấp nhận.

[4]. Về quyền được hưởng di sản thừa kế: Vợ chồng cụ C và cụ Á có 09 người con đẻ hiện đều còn sống gồm: Ông Trần Ngọc Q, Trần Thị T, ông Trần Ngọc C, ông Trần Ngọc T, ông Trần Ngọc V, ông Trần Ngọc H, ông Trần Ngọc T, ông Trần Ngọc A và bà Trần Thị V. Do khi chết, cụ Ánh không để lại di chúc và tất cả các đương sự trong vụ án đều không có tranh chấp về người thừa kế và hàng thừa kế, vì vậy theo quy định tại các Điều 609, 610, 649, điểm a khoản 1 Điều 650 và điểu a khoản 1 Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì di sản của cụ Á sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Cụ C là vợ của cụ Á và những người con đẻ của cụ Á và cụ C đều cùng hàng thừa kế nên đều có quyền được hưởng thừa kế và bình đẳng về thừakế đối với phần di sản mà cụ Á để lại. Như vậy, di sản của cụ Á sẽ được chia đều cho 10 người gồm cụ C, ông Q, bà T, ông C, ông T, ông V, ông H, ông T, ông A và bà V.

[5]. Về yêu cầu chia di sản thừa kế của các đương sự: Như đã nêu trên, do cụ Á chết không để lại di chúc nên một trong các đồng thừa kế đều có quyền yêu cầu chia di sản của cụ Á theo quy định của pháp luật. Phần tài sản và cũng là di sản của cụ Á đã được xác định cụ thể ở trên, những người trong cùng hàng thừa kế đều có quyền hưởng di sản của cụ Á. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đã thống nhất như sau: Ông Q, bà V và ông V đều thống nhất tự nguyện phần di sản thừa kế mà mình được hưởng theo quy định sẽ chuyển giao và cho cụ C được toàn quyền sử dụng và không có yêu cầu gì. Còn đối với ông C, ông H, ông A, bà T, ông T thống nhất tự nguyện phần di sản thừa kế mà mình được hưởng theo quy định sẽ không tách riêng từng phần mà nhập vào làm một phần và giao cho ông T trực tiếp quản lý sử dụng. Xét đây sự thống nhất tự nguyện của các đương sự, không trái pháp luật nên được chấp nhận.

-Về diện tích đất trồng lúa có 04 thửa như đã nêu trên. Các đương sự đều thống nhất không định giá và đồng ý giao cho cụ Chử được sử dụng thửa số 129-1, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) nay là thửa số 93, tờ bản đồ số 68 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 407.6m2. Toàn bộ các thửa còn lại sẽ giao cho ông Trần Ngọc V quản lý sử dụng. Đây là sự tự nguyện của các đương sự nên được chấp nhận.

- Đối với diện tích đất tăng thêm so với diện tích đất được giao trong GCNQSDĐ: Diện tích đất ở và đất vườn được giao trong GCNQSDĐ của thửa số 99, tờ bản đồ số 18 (bản đồ ĐC 299) là 1460.0m2 (trong đó có 400.0m2 đất ở). Kết quả đo đạc, thẩm định và theo bản đồ ĐCCQ thì nay là thửa 121, tờ bản đồ số 46, hiện trạng thực tế sử dụng là 2717.5m2 (tăng 1257.5m2 so với GCNQSDĐ). Kết quả xác minh thì phần diện tích đất tăng thêm này gia đình cụ Chử đã sử dụng ổn định lâu dài, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch vì vậy cùng với việc chia di sản thừa kế đối với diện tích đất đã được cấp GCNNQSDĐ thì sẽ tạm giao cho các đương sự phần diện tích đất tăng thêm để các đương sự đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.

- Đối với diện tích đất trồng lúa thì hiện trạng cũng có sự thay đổi so với diện tích được giao theo GCNQSDĐ vì vậy sẽ giao sử dụng theo diện tích hiện trạng (theo bản đồ ĐCCQ).

- Về việc xác định tài sản riêng là quyền sử dụng đất của cụ C và việc chia di sản của cụ Á. Do thực tế hiện trạng của thửa đất và số người được hưởng di sản thừa kế vì vậy khi chia có sự chênh lệch về tổng diện tích, kể cả chênh lệch về diện tích đất ở và đất vườn (có phần diện tích lớn hơn, có phần diện tích nhỏ hơn) nhưng tất c các đương sự đều không có ý kiến gì về sự chênh lệch này, không ai có yêu cầu phải thanh toán giá trị chênh lệch đối với phần tài sản, phần di sản mà mình được hưởng. Đây là sự tự nguyện của các đương sự vì vậy không đặt ra xem xét.

- Về tài sản có trên đất: Trên thửa đất số 99, tờ bản đồ số 18, nay là thửa 121 tờ bản đồ số 46 có tài sản là 01 ngôi nhà xây của vợ chồng ông Q, bà Y. Quá trình xây dựng được sự đồng ý của cụ C, các đồng thừa kế khác không ai có yêu cầu gì về tài sản trên đất. Theo sơ đồ thì ngôi nhà sẽ nằm trên phần diện tích đất giao cho cụ Chử. Giữa cụ C và vợ chồng ông Q, bà Y đã thống nhất vợ chồng ông Q, bà Y tiếp tục sử dụng ngôi nhà, không có yêu cầu nào khác. Còn trên thửa đất số 101, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299), nay là thửa số 130, tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) là toàn bộ cây chè do cụ Chử trồng, các đương sự cũng không có yêu cầu gì về tài sản trên thửa đất này vì vậy Hội đồng xét xử không đặt ra giải quyết.

[6]. Về án phí: Theo quy định của pháp luật thì các đương sự phải chịu án phí tương ứng với giá trị tài sản mà mình được hưởng. Do các đương sự thống nhất là người nào được quản lý sử dụng tài sản, di sản sẽ có trách nhiệm chịu toàn bộ án phí. Trong vụ án này cụ C, ông T là được quản lý sử dụng tài sản, di sản nên phải chịu án phí đối với phần tài sản, di sản được hưởng. Tuy nhiên, cụ C và ông T đều là gia đình thuộc hộ nghèo nên theo quy định về án phí, lệ phí Tòa án sẽ được miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 609, 610, 612, 613, 623, 649, 650 và 651 của Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 20 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ; khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng  án  phí và lệ phí Tòa án.

* Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Đinh Thị C và ông Trần Ngọc Q.

- Xác nhận toàn bộ các thửa đất sau ở tại khu 6 xã T, huyện T, tỉnh P là tài sản chung của vợ chồng cụ Đinh Thị C và Trần Ngọc Á gồm: Thửa đất số 99, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích theo GCNQSDĐ là 1460.0m2, nay là thửa số121, tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) có diện tích hiện trạng là 2717.5m2 (trongđó có 400.0m2 đất ở còn lại là đất vườn); thửa số 101, tờ bản đồ số 18 diện tích 580.0m2, nay là thửa số 130, tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 580.0m2 (đất vườn), trên toàn bộ thửa đất này là cây chè; thửa số 129-1 tờ bản đồ số 26 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 360.0m2, nay là thửa số 93, tờ bản đồ số 68 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 407.6m2 (đất lúa); thửa số 127 tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 243.0m2, nay là thửa số 247, tờ bản đồ số 47 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 209.6m2 (đất lúa); thửa số 128, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diệ tích 198.0m2, nay là thửa số 196, tờ bản đồ số 47 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 176.4m2 (đất lúa) và thửa số 129, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 314.0m2, nay là thửa số 197, tờ bản đồ số 47 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 345.6m2 (đất lúa).

- Phần tài sản riêng của cụ Đinh Thị C và cụ Trần Ngọc Á trong tổng số tài sản chung là quyền sử dụng đất được xác nhận và giao quyền sử dụng như sau:

+ Giao cho cụ Đinh Thị C được quyền sử dụng toàn bộ thửa đất 101 tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐCCQ), nay là thửa số 130 tờ bản đồ 46 (loại bản đồ ĐCCQ) có diện tích 580.0m2 đất vườn (tài sản có trên thửa đất này là cây chè) có chỉ giới theo sơ đồ là: 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 50. Diện tích 400.0m2 (trong đó có 200.0m2 đất ở và 200.0m2 đất vườn) thuộc thửa số 99, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) nay là thửa số 121, tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) theo sơ đồ có chỉ giới là: 29, 30, 38, 39, 40, 29. Tổng trị giá là 73.300.000.đ (bảy mươi ba triệu ba trăm nghìn đồng); Diện tích đất tạm giao (là diện tích đất không nằm trong GCNQSDĐ) cho cụ C sử dụng là 437.0m2 có chỉ giới theo sơ đồ là: 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 30 và 1, 2, 40, 39, 38, 37, 1.

+ Phần quyền sử dụng đất còn lại là tài sản riêng và cũng là di sản của cụ Trần Ngọc Á là diện tích đất 1060.0m2 (trong đó có 200.0m2 đất ở còn lại là đất vườn) thuộc thửa số 99, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) nay là thửa số 121, tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) có chỉ giới theo sơ đồ là: 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 2627, 28, 29, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 18. Tổng trị giá là 76.100.000.đ (bảy mươi sáu triệu một trăm nghìn đồng) và phần diện tích đất không nằm trong GCNQSDĐ là 820.1m2 có chỉ giới theo sơ đồ là: 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 1314, 15, 16, 17, 18, 49, 48, 47, 46, 45, 44, 43, 42, 41, 40, 2.

- Những người được hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ Trần Ngọc Á gồm: Cụ Định Thị C, ông Trần Ngọc Q, bà Trần Thị T, ông Trần Ngọc C, ông Trần Ngọc V, ông Trần Ngọc H, ông Trần Ngọc T, ông Trần Ngọc A, ông Trần Ngọc T và bà Trần Thị V.

- Chia di sản thừa kế là phần quyền sử dụng đất của cụ Trần Ngọc Á thuộc thửađất số 99, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) nay là thửa số 121, tờ bản đồ số 46 (loại bản đồ ĐCCQ) có diện tích 1060.0m2 (diện tích nằm trong GCNQSDĐ) và 820.1m2 (diện tích không nằm trong GCNQSDĐ) cụ thể như sau:

+ Giao cho cụ Đinh Thị C được quyền sử dụng diện tích đất đã được cấ GCNQSDĐ là 401.4m2 (trong đó có 100.0m2 đất ở và 301.4m2 đất vườn) trị giá 33.549.000.đ (ba mươi ba triệu năm trăm bốn mươi chín nghìn đồng), trên đất có 01 ngôi nhà xây của vợ chồng ông Trần Ngọc Q và Trần Thị Y (ông Q, bà Y được tiếp tục sử dụng ngôi nhà theo thỏa thuận với cụ C), có chỉ giới theo sơ đồ là: 25, 26, 2728, 29, 40, 41, 42, 43, 44, 25. Tạm giao cho cụ Chử sử dụng phần diện tích đất không nằm trong GCNQSDĐ là 207.8m2 có chỉ giới theo sơ đồ là: 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 44,43, 42, 41, 40, 2. (là các phần thừa kế của cụ C và của ông Q, ông V, bà V cho cụ C

.+ Giao cho ông Trần Ngọc T được quyền quản lý sử dụng diện tích đất còn lại (đã được cấp GCNQSDĐ) là 658.6m2 (trong đó có 100.0m2  đất ở và 558.6m2  đất vườn) có trị giá 42.551.000.đ (bốn mươi hai triệu năm trăm năm mươi mốt nghìn đồng), có chỉ giới theo sơ đồ là: 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 44, 45, 46, 47, 48, 4918. Tạm giao cho ông T sử dụng phần diện tích đất không nằm trong GCNQSDĐ là612.3m2 có chỉ giới theo sơ đồ là: 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 49, 48, 4746, 45, 44, 8. (là các phần thừa kế của ông T và của ông C, ông H, ông A, bà T, ông T giao cho ông T quản lý sử dụng).

- Về đất trồng lúa:

+ Giao cho cụ Đinh Thị C được quyền sử dụng thửa số 129-1, tờ bản đồ số 18 (bản đồ ĐC 299) nay thuộc thửa số 93, tờ bản đồ số 68 (bản đồ ĐCCQ), diện tích 407.6m2 (đất lúa);

+ Giao cho ông Trần Ngọc V được quyền quản lý sử dụng 3 thửa đất còn lại gồm: Thửa số 127 tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 243.0m2, nay là thửa số 247, tờ bản đồ số 47 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 209.6m2 (đất lúa); thửa số 128, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 198.0m2, nay là thửa số 196, tờ bản đồ số 47 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 176.4m2 (đất lúa) và thửa số 129, tờ bản đồ số 18 (loại bản đồ ĐC 299) diện tích 314.0m2, nay là thửa số 197, tờ bản đồ số 47 (loại bản đồ ĐCCQ) diện tích 345.6m2 (đất lúa).

Đối với diện tích đất tạm giao, các đương sự có trách nhiệm đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ đất nếu có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

(Toàn bộ phần đất chia thừa kế đã giao, tạm giao cho các đương sự được sử dụng ở trên đều có sơ đồ kèm theo bản án).

* Về án phí: Miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm cho cụ Đinh Thị C và ông Trần Ngọc T. Hoàn trả lại cho cụ Đinh Thị C 300.000.đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số AA/2015/0003858, ngày 11/5/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Thanh Ba; hoàn trả lại cho ông Trần Ngọc Q 300.000.đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số AA/2015/0003859, ngày 11/5/2017 của Chi cục Thi hành án huyện Thanh Ba.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Các đương sự có mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Các đương sự vắng mặt được kháng cáo trong hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2952
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 10/2017/DSST ngày 30/10/2017 về yêu cầu chia di sản thừa kế

Số hiệu:10/2017/DSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thanh Ba - Phú Thọ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:30/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về