Bản án 101/2017/HS-PT ngày 13/09/2017 về tội trốn thuế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 101/2017/HS-PT NGÀY 13/09/2017 VỀ TỘI TRỐN THUẾ

Ngày 13 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 100/2017/TLPT-HS ngày 24 tháng 7 năm 2017 đối với các bị cáo Võ Thị T và Nguyễn Thị Mộng T1 do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 35/2017/HS-ST ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Bị cáo Võ Thị T, sinh năm 1946, tại Campuchia; nơi đăng ký hộ khẩu T1 trú: Ấp T, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh; nơi cư trú hiện nay: Khu phố B, thị trấn T, huyện T, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ văn hóa: 02/12; con ông Võ Văn P và bà Đàm Thị P (đều đã chết); chồng là Nguyễn Văn V; con: có 02 con đều đã trưởng thành; tiền án, tiền sự: Không; biện pháp ngăn chặn: Lệnh cấm đi khởi nơi cư trú số 04/L-CQCSĐT ngày 08/02/2017 (có mặt).2. Bị cáo Nguyễn Thị Mộng T1, sinh năm 1977, tại tỉnh Tây Ninh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ấp T, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh; nơi cư trú hiện nay: Khu phố B, thị trấn T, huyện T, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 09/12; con ông Nguyễn Văn V và bà Võ Thị T (là bị cáo trong vụ án); chồng là Huỳnh Văn Đ; con: Có 02 người, lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất 13 tuổi; tiền án, tiền sự: Không; biện pháp ngăn chặn: Lệnh cấm đi khởi nơi cư trú số 14/L- CQCSĐT ngày 20/02/2017 (có mặt).

Người bào chữa cho các bị cáo: Luật sư Trương Quốc P – Chi nhánh Công ty Luật N (địa chỉ: số B, đường 30/4, phường A, thành phố T, tỉnh Tây Ninh), thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Nguyên đơn dân sự: Chi cục Thuế huyện T, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hồ Quang T – Chức vụ: Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục thuế huyện T, tỉnh Tây Ninh. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đoàn Quốc H, sinh năm 1972 – Chức vụ: Đội trưởng Đội kiểm tra thuế Chi cục thuế huyện T, tỉnh Tây Ninh (Theo văn bản ủy quyền đề ngày 03/5/2017, vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty trách nhiệm hữu hạn Đ (viết tắt là Công ty Đ) được Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 03/4/2012; thuộc loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên; mã số doanh nghiệp: 3901069115; địa chỉ trụ sở chính: Số 1996, ấp T, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh; ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán nông, lâm nguyên Liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống. Công ty có vốn điều lệ: 1.000.000.000 đồng; gồm 02 thành viên góp vốn là Võ Thị T 500.000.000 đồng, Nguyễn Thị Mộng T1 500.000.000 đồng. Người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Võ Thị T giữ chức danh Giám đốc Công ty.

Mặt hàng kinh doanh của Công ty là củ mì tươi, mì lát khô được nhập khẩu từ Campuchia qua khu vực cửa khẩu Xa Mát và cửa khẩu Chàng Riệc, sau đó bán lại cho khách hàng tại đây. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Nguyễn Thị Mộng T1 là người trực tiếp thực hiện các hoạt động: kê khai các thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hóa, tìm đối tác, hợp đồng mua bán, viết hóa đơn xuất hàng, thanh toán tiền hàng hóa, thuê kế toán của doanh nghiệp, cung cấp các chứng từ cho kế toán thực hiện việc báo cáo thuế, quản lý con dấu của Công ty. Võ Thị T có nhiệm vụ ký tên giám đốc Công ty vào các tờ khai hàng hóa nhập khẩu, các hợp đồng giao dịch mua bán, hóa đơn bán hàng và giấy tờ khai thuế hàng tháng của Công ty do T1 cung cấp.

Theo sổ sách của Công ty và tài liệu do Chi cục Thuế huyện T cung cấp: từ tháng 01/2013 đến tháng 6/2013, Công ty đã nhập khẩu 34.710.000 kg củ mì tươi và 13.370.021 kg mì lát khô, đã xuất bán hết. Tuy nhiên, Công ty mới kê khai thuế đối với 28.710.000 kg củ  mì  tươi và 3.050.457 kg mì  lát khô. Số  còn lại là 6.000.000 kg củ mì tươi và 10.319.564 kg mì lát khô đã xuất bán hết trong thời gian từ tháng 3/2013 đến tháng 6/2013 nhưng không ghi chép các khoản doanh thu bán hàng trên sổ kế toán, không lập hóa đơn bán hàng giao cho người mua, không kê khai nộp thuế theo quy định. Ngày 23/7/2013, Chi cục Thuế huyện T kiểm tra tại Công ty phát hiện sai phạm nên ngày 22/10/2013 đã ban hành thông báo về việc hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Đ không còn giá trị sử dụng.

Tại cơ quan điều tra, Võ Thị T và Nguyễn Thị Mộng T1 không thừa nhận phạm tội “Trốn thuế”, chỉ thừa nhận là hành vi nợ thuế.

* Kết quả giám định thuế:

Tại Bản Kết luận số 4813/KQGĐ-CT, ngày 11/11/2016 của Cục Thuế tỉnh Tây Ninh kết luận:

- Về thuế giá trị gia tăng: Từ tháng 3/2013 đến tháng 6/2013, Công ty Đ có hành vi bán hàng (6.000.000 kg củ mì tươi và 10.319.546 kg mì lát khô) nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế  giá trị gia tăng, trốn thuế với số tiền là 3.381.453.707 đồng.

- Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Đối với số hàng hóa (6.000.000 kg củ mì tươi và 10.319.546 kg mì lát khô), Công ty xuất bán không lập hóa đơn, không kê khai thuế giá trị gia tăng trong thời gian từ tháng 3/2013 đến tháng 6/2013: sau khi Chi cục thuế huyện T kiểm tra xong, trong tháng 8 và tháng 9/2013 Công ty Đ đã hợp thức hóa ghi chép, xuất hóa đơn và báo cáo thuế phù hợp với hàng hóa nhập vào, xuất ra trong thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013. Do đó, chưa có đủ cơ sở xác định Công ty Đ có hành vi trốn thuế thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hàng hóa nêu trên.

* Kết quả xác minh tài sản: Công ty Đ và Võ Thị T, Nguyễn Thị Mộng T1 không còn tài sản có giá trị.

Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2017/HS-ST ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã xử:

1. Tuyên bố các bị cáo Võ Thị T, Nguyễn Thị Mộng T1 phạm tội “Trốn thuế”.

Áp dụng khoản 3 Điều 161; điểm b, m, p khoản 1 Điều 46; Điều 53, Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Võ Thị T 02 (Hai) năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm, kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo Võ Thị T cho UBND thị trấn T, huyện T, tỉnh Tây Ninh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

Hủy bỏ Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 04/L-CQCSĐT ngày 08/02/2017 đối với bị cáo Võ Thị T.

Áp dụng khoản 3 Điều 161; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 53 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Mộng T1 02 năm 06 tháng tù (Hai năm sáu tháng tù), thời hạn chấp hành án phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo T1 đi chấp hành án.

Duy trì Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 14/L-CQCSĐT ngày 20/02/2017 đối với bị cáo Nguyễn Thị Mộng T1 đến khi bắt bị cáo đi chấp hành án.

2. Biện pháp tư pháp: Áp dụng khoản 2 Điều 41 Bộ luật Hình sự.

Buộc bị cáo Võ Thị T và Nguyễn Thị Mộng T1 liên đới nộp 3.381.453.707 đồng cho Chi cục Thuế huyện T, tỉnh Tây Ninh để nộp vào ngân sách Nhà nước. Ghi nhận hai bị cáo đã nộp 5.000.000 đồng, hai bị cáo tiếp tục nộp 3.376.453.707 đồng, trong đó bị cáo T1 nộp 2.025.872.224 đồng, bị cáo T nộp 1.350.581.483 đồng.

Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 29 tháng 6 năm 2017, các bị cáo kháng cáo cho rằng mình không phạm tội “Trốn thuế”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị:

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Võ Thị T, Nguyễn Thị Mộng T1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày: Hai bị cáo kháng cáo cho rằng không phạm tội là có căn cứ vì quá trình điều tra chưa làm rõ quá trình kinh doanh thực tế của Công ty; có vi phạm tố tụng về xử lý tin báo tội phạm; Bản kết luận giám định có vi phạm quy định về giám định tư pháp, bổi vì Cục Thuế tỉnh Tây Ninh là đơn vị cấp trên của Chi cục Thuế huyện T nên giám định là không khách quan, không thể xem là chứng cứ để quy kết hai bị cáo phạm tội. Mặt khác, các bị cáo có hành vi nợ thuế, không phải là trốn thuế; các bị cáo không có tình tiết tăng nặng, có tình tiết giảm nhẹ, đã tự khắc phục và báo cáo thuế trong năm 2013 nên việc xử lý trách nhiệm hình sự là chưa hợp lý. Hành vi hai bị cáo chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại bản án sơ thẩm, về biện pháp tư pháp đã buộc hai bị cáo nộp số tiền thuế là trái Luật Doanh nghiệp. Do đó, đề nghị chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan thuế xử lý hành chính theo thẩm quyền.

Lời nói sau cùng của hai bị cáo: Bị cáo T1 xin giảm nhẹ do không am hiểu về luật thuế; bị cáo T xin giảm án

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, trong phần tranh luận, Kiểm sát viên đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, các bị cáo thừa nhận đã thực hiện hành vi vi phạm của mình nhưng cho rằng đó là nợ thuế chứ không phải “Trốn thuế” như cấp sơ thẩm đã tuyên.

[2] Về tố tụng: Công ty trách nhiệm hữu hạn Đ thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, là doanh nghiệp, quy định tại Điều 8 của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Đối với loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì tại điểm b khoản 1 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp quy định: Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Do đó, trường hợp Công ty Đ nếu có nợ thuế, trốn thuế thì Công ty có nghĩa vụ phải nộp nhưng cấp sơ thẩm không đưa Công ty Đ vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn dân sự là thiếu sót nghiêm trọng.

[3] Về nợ thuế giá trị gia tăng:

Trong kỳ tính thuế giá trị gia tăng tháng 6/2013, Công ty Đ đã bán hết số hàng hóa nhập khẩu từ tháng 3 năm 2013 đến tháng 6 năm 2013 nhưng vẫn báo cáo với Chi cục Thuế huyện T là hàng hóa còn tồn bằng cách không ghi chép các khoản doanh thu bán hàng trên sổ kế toán, không lập hóa đơn bán hàng giao cho người mua, không kê khai nộp thuế theo quy định.

Hành vi này đã vi phạm Điều 7 Luật Quản lý thuế quy định về “Nghĩa vụ của người nộp thuế”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T1 cho rằng khi Chi cục Thuế huyện T, tỉnh Tây Ninh T hành kiểm tra thì số hàng hóa củ mì tươi và mì lát khô đã chuyển giao cho bên mua, chờ bên mua trả hết tiền thì mới xuất hóa đơn giá trị gia tăng nhưng sau đó bên mua không mua nữa do không còn tiền hoặc hàng kém chất lượng theo hợp đồng nên bị cáo lấy lại bán cho đối tác khác. Sau khi bán cho đối tác khác thì Công ty đã kê khai, xuất háo đơn bán hàng, báo cáo thuế vào tháng 8 và tháng 9 năm 2013.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy cần điều tra làm rõ việc Công ty đã bán hàng, kê khai, xuất hóa đơn bán hàng, báo cáo thuế vào tháng 8 và tháng 9 năm 2013 như Bản cáo trạng cho rằng hai bị cáo đã hợp thức hóa ghi chép, xuất hóa đơn và báo cáo thuế phù hợp với hàng hóa nhập vào, xuất ra trong thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013. Công ty đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng trong tháng 8 và tháng 9 năm 2013 là đang còn giá trị vì đến ngày 22/10/2013 Chi cục Thuế huyện T mới có thông báo hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Đ không còn giá trị sử dụng. Như vậy, có việc hợp thức hóa hay phản ảnh thực tế kinh doanh?

Mặt khác, khi xác định trị giá số tiền của số hàng mà Công ty Đ vi phạm thì quá trình điều tra chưa điều tra làm rõ giá thực tế hàng hóa do Công ty bán ra mà lại lấy giá do ngành thuế áp giá theo giá trung bình ở địa phương tại thời điểm là không chính xác, bởi lẽ có nhiều doanh nghiệp đã xác nhận mì lát khô do Công ty Đ giao theo hợp đồng là không bảo đảm chất lượng nên không nhận hàng hoặc giảm giá, cụ thể có một số doanh nhiệp xác nhận như sau:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn TP BP mua mì lát khô giá 4.960 đồng/kg (vào tháng 6/2013), khi nhận hàng thì phát hiện mì lát kém chất lượng nên giảm giá còn 4.300 đồng/kg (BL265a).

- Doanh nghiệp tư nhân TT mua mì lát khô giá 4.800 đồng/kg vào 30/5/2013, giá 4.300 đồng/kg vào 01/6/2013 nhưng khi thực hiện hợp đồng do mì lát kém chất lượng nên đã hủy bỏ hợp đồng (BL265c).

- Công ty TNHH MTV ĐT XNK Kim L Tây Ninh mua mì lát khô giá 4.500 đồng/kg vào 09/4/2013, khi nhập hàng do mì lát kém chất lượng nên hủy bỏ hợp đồng (BL265d).

Do đó, cấp sơ thẩm chấp nhận giá trị hàng hóa vi phạm bán ra có doanh thu chưa thuế giá trị gia tăng là 67.629.074.134 đồng, từ đó tính thuế giá trị gia tăng theo thuế suất 5% là 3.381.453.707 đồng là không chính xác, cần phải điều tra làm rõ giá thực tế Công ty Đ đã bán ra, làm cơ sở tính thuế giá trị gia tăng.

Vi phạm trên là nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh điều tra giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

[4] Do hủy bản án sơ thẩm nên không xét kháng cáo của các bị cáo.

[5] Về án phí: Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 248; Điều 250 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Huỷ Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2017/HSST ngày 15/6/2017 của Toà án nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đối với bị cáo Võ Thị T, Nguyễn Thị Mộng T1.

Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để điều tra lại theo thủ tục chung.

Về án phí: Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1254
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 101/2017/HS-PT ngày 13/09/2017 về tội trốn thuế

Số hiệu:101/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:13/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về