Bản án 100/2019/DS-PT ngày 09/04/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 100/2019/DS-PT NGÀY 09/04/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 09 tháng 4 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 59/2019/TLPT-DS ngày 21 tháng 02 năm 2019 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 52/2018/DS-ST ngày 12 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 97/2019/QĐ-PT ngày 18 tháng 3 năm 2019 giữa các đương sự:

-Nguyên đơn : Bà Lê Thị T1 – sinh năm 1949 (có mặt).

Địa chỉ: Khóm 3, thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Ông Lê Văn Q – sinh năm 1950 (có mặt).

Địa chỉ: Ấp Ô, xã L, thành phố C, tỉnh C.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư TrịnhThanh L – Văn phòng Luật sư Trịnh Thanh L thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau (có mặt).

- Bị đơn:

Ông Trịnh Văn N - sinh năm 1947

Bà Nguyễn Thị T2 – sinh năm 1950

Cùng địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện T, tỉnh C.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Trịnh Hồng Đ (Trịnh Thị D) – sinh năm 1981 (có mặt).

2. Anh Trương Văn T3 – sinh năm 1973 (vắng mặt).

3. Anh Trương Ngọc T4 - sinh năm 1999 (vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Ấp Q, xã B, huyện T, tỉnh C.

Người đại diện theo ủy quyền của anh T3, ông N, bà T2 là chị Trịnh Hồng Đ (có mặt).

- Người kháng cáo:

Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị T, ông Lê Văn Q. Bị đơn là ông Trịnh Văn N, bà Nguyễn Thị T2.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Trương Văn T3, bà Trịnh Hồng Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn là bà Lê Thị T1 và ông Lê Văn Q trình bày:

Nguồn gốc phần đất tranh chấp với gia đình ông N, bà T2 là của ông bà ngoại nguyên đơn là cụ Phạm Văn B và cụ Đặng Thị N khai phá trước năm 1945 có chiều ngang 100m, chiều dài 500m tại ấp Q, xã B, huyện T, tỉnh C. Sau khi cụ B và cụ N qua đời thì để lại cho mẹ ruột của nguyên đơn là cụ Phạm Thị L nhưng do năm 1962 chiến tranh ác liệt nên đất bị bỏ hoang. Đến năm 1990, nhà nước giao toàn bộ phần đất trên cho nguyên đơn quản lý và canh tác đến cuối năm 1993 nguyên đơn đã cho vợ chồng ông N, bà T2 (bà T2 là chị em bạn dì ruột với nguyên đơn) mượn canh tác. Năm 1997, nguyên đơn về nhận lại đất canh tác và có nhờ ông N làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất nhưng do cơn bão số 5 năm 1997 nên nguyên đơn chưa hoàn thành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được. Năm 2000, vợ chồng ông N, bà T2 giao phần đất này lại cho nguyên đơn canh tác. Đến năm 2002, nguyên đơn làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phát hiện con ông N, bà T2 là anh Trịnh Hoàng V và anh Trịnh Trọng N đứng tên quyền sử dụng đất diện tích 30.000m2 nên phát sinh tranh chấp từ năm 2002 đến nay nhưng phần diện tích đất 30.000m2 đã được xét xử tại bản án dân sự phúc thẩm số 70/2014/DS-PT ngày 02 tháng 4 năm 2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau. Phần còn lại đang tranh chấp hiện nay có diện tích theo đo đạc thực tế là 15.734m2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay do chị Đ và anh T3 là con ông N, bà T2 đang trực tiếp quản lý, sử dụng.

Nguyên đơn yêu cầu giao toàn bộ phần đất nói trên cho chị Đ, anh T3 tiếp tục quản lý, sử dụng nhưng chị Đ, anh T3 cùng với ông N và bà T2 phải trả lại ½ giá trị phần đất bằng tiền theo giá Nhà nước quy định là 20.000 đồng/m2với số tiền là 170.000.000 đồng. Trường hợp chị Đ, anh T3 không thống nhất thì giao đất lại cho nguyên đơn, nguyên đơn sẽ trả cho anh T3, chị Đ số tiền 170.000.000 đồng.

Bị đơn, ông Trịnh Văn N, bà Nguyễn Thị T2 trình bày:

Nguồn gốc phần đất tranh chấp là của cụ B và cụ N khai phá. Cụ B và cụ N cũng là ông bà ngoại của bà T2. Năm 1959, cụ B và cụ N qua đời nên phần đất bỏ hoang. Năm 1990 bà T1, ông Q làm đơn xin nhận lại đất và được Hội đồng cấp đất xã Biển Bạch Đông chấp nhận giao đất cho bà T1, ông Q. Khi đó, ông N cũng là thành viên Hội đồng cấp đất. Hội đồng cấp đất có quy định, nếu nhận đất từ 06 đến 12 tháng mà không có canh tác, thì giao cho người khác sản xuất. Bà T1 và ông Q được nhận phần đất có diện tích khoảng 48.000m2 nhưng chỉ canh tác diện tích khoảng 04 đến 05 công từ năm 1990 đến năm 1991 thì bỏ hoang đất. Đến năm 1992, ông Dương Quốc Hội vào cày đất để canh tác nhưng do anh Vinh (con ông N, bà T2) phát hiện ngăn cản nên ông Hội yêu cầu bị đơn trả lại cho ông Hội tiền công cày với số tiền 300.000 đồng. Bị đơn đã trả tiền cho ông Hội để nhận lại phần đất canh tác một thời gian thì giao cho chị Đ và anh T3 sản xuất đến nay. Năm 2002 thì xảy ra tranh chấp với bà T1, ông Q. Trên toàn bộ phần đất tranh chấp có một phần đất diện tích 30.000m2 đã được Tòa án giải quyết xong vào năm 2014, phần đất còn lại có diện tích theo đo đạc thực tế là 15.734m2 hiện nay đang tranh chấp do chị Đ và anh T3 trực tiếp quản lý và sử dụng thì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về số tiền đầu tư cải tạo trên phần đất tranh chấp hiện nay là do chị Đ, anh T3 đầu tư, ông N, bà T2 không có đầu tư.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Anh Trương Văn T3, chị Trịnh Hồng Đ và anh Trương Ngọc T4 trình bày:

Phần đất trên ông N, bà T2 đã cho chị Đ, anh T3 sử dụng từ năm 1997 đến nay. Hiện nay phần đất này do anh T3 và chị Đ cùng con anh, chị là Trương Ngọc T4 quản lý, sử dụng nên không chấp nhận giao đất cho nguyên đơn.

Từ nội dung trên, tại bản án sơ thẩm số: 52/2018/DS-ST ngày 12 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị T1, ông Lê Văn Q, buộc ông Trịnh Văn N, bà Nguyễn Thị T2, chị Trịnh Hồng Đ (Đầm), anh TrươngVăn T3 giao lại cho bà T1, ông Q giá trị phần đất tranh chấp với số tiền 5.000m2 x 20.000 đồng = 100.000.000 đồng.

Ông Trịnh Văn N, bà Nguyễn Thị T2, chị Trịnh Hồng Đ (Đầm), anh Trương Văn T3 được tiếp tục sử dụng phần đất có diện tích 15.734m2 tại ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Ông N, bà T2, chị Đ, anh T3 được làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Vị trí đất như sau: Mặt tiền giáp Lộ nhựa mốc M2, M3 dài 33,04m, mặt hậu giáp phần đất của ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Đồng K mốc M1, M4 dài 34,33m; cạnh bên phải (nhìn từ mặt tiền) mốc M1, M2 giáp với phần đất của ông Dương Thanh T dài 478,85m; cạnh bên trái (nhìn từ mặt tiền) mốc M3, M4 giáp với phần đất của ông Trịnh Hoàng V dài 480,15m.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 26 tháng 12 năm 2018 nguyên đơn là bà Lê Thị T1 và ông Lê Văn Q có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông N, bà T2, chị Đ, anh T3 giao trả cho nguyên đơn giá trị ½ diện tích đất tranh chấp với số tiền 170.000.000 đồng.

Ngày 27 tháng 12 năm 2018, ông Trịnh Văn N, bà Nguyễn Thị T2, chị Trịnh Hồng Đ và anh Trương Văn T3 có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Nguyên đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà T1 tranh luận cho rằng, nguồn gốc đất tranh chấp hiện nay là của ông bà ngoại nguyên đơn và bà T2 nhưng nguyên đơn đã được Hội đồng xét cấp đất và giao đất vào năm 1990, nguyên đơn đã cải tạo canh tác đến năm 1993 thì cho bị đơn mượn đất để canh tác, mặc dù việc mượn đất các bên không có làm giấy tờ nhưng việc Nhà nước giao đất cho nguyên đơn được bị đơn thừa nhận. Toàn bộ phần đất của nguyên đơn được Nhà nước giao đất có tranh chấp từ năm 2002 đến nay nhưng trong đó có một phần đất diện tích 30.000m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được Tòa án xét xử xong vào năm 2014 chia đôi cho nguyên đơn và bị đơn mỗi người ½ diện tích đất và đã được thi hành xong, phần đất còn lại hiện nay đang tranh chấp có diện tích 15.734m2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nguyên đơn yêu cầu chia cho nguyên đơn và bị đơn mỗi người ½ diện tích đất, phần đất của nguyên đơn được chia thì tiếp tục giao cho bị đơn quản lý, sử dụng nhưng bị đơn phải trả lại giá trị bằng tiền theo giá đất hai bên thống nhất định giá là 20.000 đồng/m2.

Chị Trịnh Hồng Đ là người đại diện cho ông N, bà T2 và anh T3 tranh luận cho rằng, vào năm 1990 Nhà nước giao đất cho nguyên đơn thì nguyên đơn chỉ canh tác trên phần đất khoảng 05 công, đến năm 1992 thì bỏ hoang không canh tác, phần đất nguyên đơn cải tạo và canh tác là phần đất nằm trong diện tích 30.000m2 đã được giải quyết vào năm 2014, phần đất hiện nay chị Đ và anh T3 đang quản lý thì nguyên đơn được Nhà nước giao nhưng không có cải tạo và canh tác mà do đất bỏ hoang nên bị đơn quản lý và cải tạo đất để canh tác từ năm 1992 đến năm 1997 thì cho chị Đ và anh T3 tiếp tục quản lý và sử dụng cho đến nay. Do đó không chấp nhận trả đất và trả tiền giá trị đất cho nguyên đơn theo yêu cầu của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu về thủ tục tố tụng: 

Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định. Về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình theo hướng buộc bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả cho nguyên đơn ½ giá trị đất tranh chấp bằng tiền là 157.340.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét yêu cầu kháng cáo của ông Q và bà T1, Hội đồng xét xử xét thấy: Về nguồn gốc đất tranh chấp các đương sự đều thừa nhận do cụ B và cụ N là ông bà ngoại của ông Q, bà T1 và bà T2 khai phá diện tích khoảng 48.000m2 nhưng sau khi cụ B và cụ N qua đời thì đất bỏ hoang đến năm 1990, ông Q và bà T1 được Hội đồng cấp đất của xã B, huyện T, tỉnh C xét và giao đất. Bị đơn thừa nhận nguyên đơn có canh tác trên đất từ năm 1990 đến năm 1992. Nguyên đơn cho rằng năm 1993 nguyên đơn cho bị đơn mượn đất nhưng không có làm giấy tờ, bị đơn cho rằng năm 1993 nguyên đơn bỏ hoang đất nên bị đơn quản lý đất và canh tác đến năm 2002 thì phát sinh tranh chấp. Tại hồ sơ thể hiện, năm 1997 bà T1 có nhờ ông N làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phòng địa chính huyện Thới Bình đã có giấy hẹn nhưng bà T1 và ông Q không tiếp tục thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình. Các chứng cứ có tại hồ sơ thể hiện ông Q và bà T1 có công cải tạo và quản lý sử dụng đất từ năm 1990 đến năm 1993. Phần đất tranh chấp hiện nay là phần đất có diện tích 15.734m2 liền kề với phần đất có diện tích đất 30.000m2 đã được giải quyết tại bản án dân sự phúc thẩm số 70/2014/DS-PT ngày 02 tháng 4 năm 2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã chia cho nguyên đơn ½ diện tích đất và hiện nay đã thi hành xong.

[2] Xét thấy phần đất tranh chấp hiện nay có diện tích 15.734m2 bị đơn cho rằng nguyên đơn không có cải tạo và canh tác nhưng bị đơn không có chứng cứ chứng minh. Bị đơn cũng thừa nhận từ năm 1993 đến nay bị đơn quản lý và canh tác trên phần đất nhưng không được Nhà nước giao đất trong khi đó phần đất này nguyên đơn đã được Nhà nước giao đất. Xét về quá trình khai hoang, phục hóa thì công sức, thời gian quản lý, cải tạo, tu bổ đất của bà T1, ông Q ít hơn ông N, bà T2, chị Đ, anh T3. Các bên đương sự thống nhất giá trị đất tranh chấp là 20.000 đồng/m2 nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, chị Đ thừa nhận giá trị đất theo giá thị trường hiện là 40.000.000 đồng/01 công tầm lớn bằng 1.296m2 tương đương với giá 1m2 bằng 30.000 đồng. Do đó, hiện nay nguyên đơn yêu cầu giao hết phần đất tranh chấp cho bị đơn, bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn ½ giá trị đất tranh chấp theo giá đất 20.000 đồng/m2 là phù hợp và có lợi cho bị đơn.

Cụ thể ½ diện tích đất tranh chấp là 7.867m2 x 20.000 đồng/m2 =157.340.000 đồng. Buộc ông N, bà T2, chị Đ và anh T3 phải trả cho ông Q và bà T1 số tiền 157.340.000 đồng.

Xét thấy nguyên đơn kháng cáo yêu cầu bị đơn trả ½ giá trị đất bằng tiền theo giá 20.000 đồng/m2 nhưng yêu cầu bị đơn trả 170.000.000 đồng là không phù hợp.

Cấp sơ thẩm chấp nhận chia cho nguyên đơn giá trị đất bằng tiền trên diện tích đất 5.000m2 là không có cơ sở nên cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

[3] Xét yêu cầu kháng cáo của ông N, bà T2, chị Đ và anh T3, Hội đồng xét xử xét thấy: Ông N, bà T2, chị Đ và anh T3 thừa nhận phần đất tranh chấp hiện nay là do Hội đồng xét cấp đất của xã Biển Bạch Đông giao cho ông Q và bà T1 vào năm 1990 và thừa nhận ông Q và bà T1 có cải tạo và canh tác trên đất đến năm 1993 thì ông N và bà T2 mới tiếp tục cải tạo và canh tác trên đất, đến năm 1997 thì giao cho anh T3 và chị Đ canh tác cho đến nay. Chị Đ cho rằng ông Q và bà T1 không có cải tạo trên phần đất tranh chấp hiện nay nhưng không có chứng cứ chứng minh, tại hồ sơ và biên bản hòa giải ngày 29/8/2018 của Tòa án, ông N cũng thừa nhận nguyên đơn có canh tác trên đất và đồng ý trả tiền giá trị cải tạo đất cho nguyên đơn là 115.000.000 đồng (BL 241). Do đó hiện nay chị Đ đại điện theo ủy quyền của ông N và bà T2 không thừa nhận công sức cải tạo đất của nguyên đơn và không đồng ý trả tiền giá trị đất cho nguyên đơn là không phù hợp nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông N, bà T2, anh T3 và chị Đ.

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch: Bà T1, ông Q, ông N, bà T2 là người cao tuổi có đơn xin miễn án phí được Hội đồng xét xử chấp nhận nên miễn án phí cho bà T1, ông Q, ông N, bà T2. Chị Đ và anh T3 phải chịu án phí có giá ngạch theo quy định của pháp luật

[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Q và bà T1 nên ông Q và bà T1 không phải chịu. Chị Đ và anh T3 kháng cáo nhưng không được chấp nhận nên phải chịu án phí theo quy định của pháp luật, ông N, bà T2 được miễn nộp án phí phúc thẩm.

[6] Xét đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tại phiên tòa là phù hợp nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Các quyết định khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án;

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là bà Lê Thị T1 và ông Lê Văn Q.

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông Trịnh Văn N, bà Nguyễn Thị T2, anh Trương Văn T3 và chị Trịnh Hồng Đ. 

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 52/2018/DS-ST ngày 12 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị T1, ông Lê Văn Q.

Buộc ông Trịnh Văn N, bà Nguyễn Thị T2, chị Trịnh Hồng Đ (Đầm), anh Trương Văn T3 phải có trách nhiệm liên đới trả cho bà T1 và ông Q tiền giá trị ½ diện tích đất tranh chấp là 157.340.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ông Trịnh Văn N, bà Nguyễn Thị T2, chị Trịnh Hồng Đ (Đầm), anh Trương Văn T3 được tiếp tục sử dụng phần đất có diện tích 15.734m2 tọa lạc tại ấp Q, xã B, huyện T, tỉnh C.

Vị trí đất: Mặt tiền giáp Lộ nhựa mốc M2, M3 dài 33,04m; mặt hậu giáp phần đất của ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Đồng K mốc M1, M4 dài 34,33m; cạnh bên phải (nhìn từ mặt tiền) mốc M1, M2 giáp với phần đất của ông Dương Thanh T dài 478, 85m; cạnh bên trái (nhìn từ mặt tiền) mốc M3, M4 giáp với phần đất của ông Trịnh Hoàng V dài 480,15m.

Ông N, bà T2, chị Đ và anh T3 được quyền làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Về chi phí tố tụng: Buộc bà T1, ông Q phải chịu số tiền là 2.887.500 đồng, bà T1, ông Q đã dự nộp nên được đối trừ. Buộc ông N, bà T2, chị Đ, anh T3 hoàn lại cho bà T1, ông Q chi phí tố tụng số tiền 2.887.500 đồng (hai triệu tám trăm tám mươi bảy nghìn năm trăm đồng).

Về án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch: Bà T1, ông Q, ông N, bà T2 được miễn án phí. Ngày 23/9/2016, bà T1, ông Q có nộp tạm ứng án phí số tiền là 8.166.500 đồng theo biên lai thu số 0018039 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Thới Bình được nhận lại. Chị Đ, anh T3 phải chịu số tiền án phí có giá ngạch là 1.966.000 đồng tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Thới Bình.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án phí dân sự phúc thẩm: Bà T1, ông Q, ông N, bà T2 được miễn án phí. Chị Đ và anh T3 phải chịu 300.000 đồng, ngày 28/12/2018 chị Đ và anh T3 đã dự nộp 300.000 đồng tại biên lai số 0005862 tại Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thới Bình được chuyển thu.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

348
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 100/2019/DS-PT ngày 09/04/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:100/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:09/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về