Bản án 100/2017/DS-PT ngày 13/07/2017 về tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 100/2017/DS-PT NGÀY 13/07/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ LÚA

Ngày 13 tháng 7 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 40/2017/TLPT-DS ngày 12 tháng 5 năm 2017, về việc “Tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 13/2017/DS-ST ngày 27/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện A bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 99/2017/QĐ-PT, ngày 30 tháng 5 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn

Ông T; Địa chỉ: ấp E, xã F, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

2. Bị đơn

Ông C; Địa chỉ: ấp D, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

3. Ng ười có quyề nlợi , nghĩa vụ liên quan:

Bà M Địa chỉ: ấp D, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

4. Người kháng cáo: Ông C là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

- Nguyên đơn ông T trình bày: Vụ lúa đông xuân năm 2015 - 2016, ông có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa RVT với ông C, hợp đồng có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã B. Ông C và bà con nông dân chọn ông X làm tổ trưởng tổ sản xuất.

Vào ngày 27/01/2016 tổ trưởng và bà con trong tổ sản xuất yêu cầu ông chốt giá lúa cố định là 5.500đ/1kg lúa tươi, địa phương có họp dân và có biên bản chốt giá lúa cố định. Đến ngày thu hoạch lúa, giá lúa thị trường biến động, ông có tự giác hỗ trợ thêm cho ông C 200đ/kg, như vậy ông thu mua lúa của ông C với giá là 5.700đ/1kg lúa tươi, với điều kiện là ông C phải thực hiện đúng theo hợp đồng là bán hết số lúa trong diện tích đã hợp đồng với ông là 40 công, loại công 1.296m2, năng suất ước đạt 1.000kg đến 1.300kg lúa tươi/01 công. Nhưng thực tế năng suất thu hoạch bình quân là 900kg/01 công có xác nhận của địa phương. Như vậy, số lúa mà ông C phải bán cho ông là 900kg/01 công x 40 công = 36.000kg, nhưng ông C chỉ bán cho ông được 11.000kg, ông C còn bán thiếu cho ông 25.000kg lúa tươi. Căn cứ theo hợp đồng số lúa ông C bán ra bên ngoài thì phải bồi thường cho ông 2.000đ/01kg lúa, với số tiền là: 25.000kg x 2.000đ/1kg = 50.000.000đồng.

- Bị đơn ông C trình bày: Ông thừa nhận là có hợp đồng bao tiêu lúa với ông T vụ lúa đông xuân năm 2015 - 2016. Theo hợp đồng thì ông T phải cung cấp cho ông giống lúa RVT loại 1, độ nảy mầm từ 85% - 90%, tuy nhiên khi ngâm lúa chuẩn bị gieo sạ thì lúa giống nảy mầm không đạt chất lượng chỉ từ 15% - 20%, ông không sạ được phải đổi giống khác, khi ông T mang giống lúa khác đổi thì ông sạ lúa đã bị trễ mùa vụ, gây thiệt hại đến năng suất của ông, chỉ đạt khoảng 300kg/1công. Sau khi chừa lại lúa để ăn, lúa giống và lúa để chăn nuôi thì phần còn lại là 10.520kg ông đã bán hết cho ông T, vì vậy ông đã hoàn thành nghĩa vụ với ông T theo hợp đồng. Việc ông T căn cứ theo năng suất lúa 900kg/công để quy ra số lượng buộc ông bồi thường phần còn thiếu là không có căn cứ thực tế. Do vậy, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà M: không có ý kiến gì trong vụ án này.

* Sự việc được Tòa án nhân dân huyện A thụ lý, giải quyết. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 13/2017/DSST, ngày 27/3/2017 đã quyết định như sau:

Áp dụng Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; điểm b khoản 1 Điều 227, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 428 và điểm a khoản 2 Điều 435 Bộ luật dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 37 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án. Áp dụng điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T đối với bị đơn ông C và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà M trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa”.

- Buộc ông C và bà M cùng có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ông T số tiền 50.000.000đ.

- Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm trả do chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án, án phí dân sự sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

* Ngày 10/4/2017, bị đơn ông C kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm nêu trên, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T.

* Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên đơn kháng cáo; Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

* Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo, về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm; Đồng thời, phát biểu quan điểm về nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận, ý kiến phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng khác, Hội đồng xét xử nhận định:

[I] Về tố tụng:

[1] Thời gian, chủ thể và hình thức đơn kháng cáo của ông C là còn trong thời hạn và đúng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, nên được chấp nhận về hình thức.

[2] Bà M là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, liên quan đến việc kháng cáo, đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa phúc thẩm, nhưng bà M vẫn vắng mặt không có lý do và cũng không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tiến hành xét xử vụ án.

[II] Về nội dung:

[1] Theo các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, các đương sự trình bày, và thừa nhận: Nguyên vào vụ lúa đông xuân năm 2015-2016, ông T – Chủ doanh nghiệp với một số hộ nông dân ở ấp D, xã B (do ông X làm tổ trưởng tổ sản xuất) có thỏa thuận và ký kết Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa (RVT). Trên cơ sở thỏa thuận này, giữa ông T và ông C đã ký kết với nhau Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa ngày 03/11/2015, theo hợp đồng thì ông T (Bên A) có nghĩa vụ cung ứng lúa giống cho ông C (bên B) số lượng giống 600kg (giống lúa RVT 15kg/công) đối với diện tích đăng ký là 40 công (1.300m2/công) và thu mua lại toàn bộ lúa tươi của ông C trên diện tích đã đăng ký (ước tính 1.000kg đến 1.300kg/công) với giá cố định là 5.000đ/kg (nếu giá lên trên giá này thì hai bên chia đôi, nếu giá xuống dưới giá này thì ông T vẫn thu mua với giá 5.000đ/kg); ông C có nghĩa vụ bán hết số lúa trong diện tích 40 công như đã đăng ký và ước tính sản lượng như nêu trên cho ông T, nếu ông C bán lúa ra ngoài mất số lúa thì ông C phải bồi thường cho ông T 2.000đ/kg số lúa đã giao không đủ (tính bằng tiền mặt), Hợp đồng có UBND xã B chứng thực theo quy định.

[2] Tuy nhiên, theo ông T gần đến thu hoạch ông cắt giá với ông C là ông mua với giá 5.500đ/1kg lúa tươi (biên bản ngày 27/01/2016), nhưng do giá cả biến động nên ông đồng ý mua của ông C giá 5.700đ/1kg lúa tươi ,với điều kiện là ông C phải thực hiện đúng theo hợp đồng là bán hết số lúa trong diện tích đã hợp đồng với ông là 40 công, năng suất thực tế thu hoạch bình quân là 900kg/01 công (có xác nhận của địa phương). Như vậy, số lúa mà ông C phải bán cho ông là 36.000kg (900kg/01 công x 40 công), nhưng ông C chỉ bán cho ông được 11.000kg, ông C còn bán thiếu số lượng 25.000kg lúa tươi, nên ông C phải bồi thường thiệt hại cho ông số tiền 50.000.000đ (2.000đ/kg lúa x 25.000kg).

[3] Ngược lại, theo ông C thì do ông T cung cấp cho ông lúa giống không đạt chuẩn nên không sạ được và phải đổi giống khác, khi ông T đổi giống khác thì ông sạ lúa đã bị trễ mùa vụ nên gây thiệt hại đến năng suất lúa, năng suất lúa chỉ đạt bình quân khoảng 300kg/công, còn theo ông T năng suất lúa đạt 900kg/công là không đúng. Sau khi thu hoạch chừa lại lúa để ăn, lúa giống và lúa để chăn nuôi thì phần còn lại ông đã bán hết cho ông T là 10.520kg nên ông đã thực hiện đúng đợp đồng. Do vậy, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T.

[4] Xét thấy, về năng suất lúa theo hợp đồng ước tính từ 1.000kg đến 1.300kg/công (1.300m2), nhưng theo nguyên đơn T thì năng suất lúa của bị đơn C bình quân 900kg/công, bị đơn C thì thừa nhận năng suất lúa của bị đơn bình quân 300kg/công. Để chứng minh các bên đều đưa ra người làm chứng, theo xác nhận và trình bày của ông Y là Phó BND ấp D, xã B (BL 48, 49) và ông X là Tổ trưởng tổ hòa giải ấp D, xã B (BL 13, 47) “năng suất lúa của ông C trong vụ đông xuân năm 2015-2016 là khoảng 900kg/1.296m2, vì đây là năng suất lúa bình quân của các hộ nông dân trong Tổ hợp tác cũng như của ấp D, xã B. Trong trường hợp có hộ nông dân nào có năng suất quá thấp hoặc không đạt so với hợp đồng thì sẽ báo cáo cho Tổ hợp tác và chính quyền địa phương nhưng vụ lúa này không có ai báo cáo”; Đồng thời, theo xác nhận của ông Z là Trưởng BND ấp D, xã B (BL 14) “năng suất lúa đông xuân năm 2015-2016 là khoảng 6,5 – 6,7tấn/ha (10.000m2)” tức là 845kg–950kg/1.300m2. Đối với xác nhận và trình bày của ông W (BL 34, 43) “có cắt lúa cho ông C diện tích đất là 20 công tầm cấy, tổng số khoảng được 160 bao lúa, nhưng ông biết số lượng lúa bao là do ông hỏi người kéo được bao nhiêu cộ lúa và ông ước tính ra” nên lời xác nhận và trình bày của ông W là không chính xác. Theo ông C cho rằng giữa ông với ông Y và ông X có mâu thuẫn với nhau nên những người này mới khai với Tòa án như vậy, nhưng ông C cũng không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh việc các bên có mâu thuẫn. Ngoài ra, ông C còn cho rằng trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày ông có yêu cầu ông X và ông T đến định ngày cắt lúa và coi năng suất lúa nhưng ông X và ông T không đến, do đó ông buộc phải kêu người khác đến cắt, sau khi cắt xong thì người này cũng có xác nhận là năng suất lúa của ông thấp rất nhiều, vấn đề này thì ông X không thừa nhận, đối với người cắt lúa là ông O, xác nhận (tại BL 103) thì ông cắt lúa cho ông C, với số lượng 20 công, nhưng việc ông biết năng suất lúa là khoảng 160 đến 170 bao (loại bao 50kg/bao) là do sau khi cắt lúa xong thì ông C đã nói với ông như vậy, chứ ông không có kiểm đếm chính xác và ông cũng không biết cụ thể năng suất lúa của ông C khi thu hoạch là bao nhiêu kg/công. Do vậy, lời trình bày của ông T phù hợp với xác nhận và trình bày của các ông Y, ông X và ông Z nên theo ông T năng suất lúa của bị đơn C bình quân 900kg/công là có căn cứ.

[5] Mặt khác, tại Biên bản ngày 07/3/2016 thể hiện ông C thu hoạch lúa và có bán lúa cho người khác với diện tích khoảng 10 công và cũng được ông Y, ông X xác nhận diện tích đất ông C thu hoạch và bán lúa cho người khác là phần đất của ông C mua của ông P (BL từ 99 đến 102), nên việc ông C cho là sau khi thu hoạch chừa lại lúa để ăn, lúa giống và lúa để chăn nuôi thì phần còn lại ông đã bán hết cho ông T là không có căn cứ.

 [6] Như vậy, sau khi thu hoạch lúa bị đơn C không thực hiện nghĩa vụ bán hết lúa trong diện tích đăng ký cho nguyên đơn T theo giao kết tại Điều IV của hợp đồng là bị đơn C vi phạm hợp đồng. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn T và buộc bị đơn C bồi thường thiệt hại số tiền 50.000.000đ (2.000đ/kg lúa x 25.000kg) là đúng theo giao kết tại Điều VII của hợp đồng và đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 435 Bộ luật dân sự.

[7] Từ những phân tích trên, nhận thấy kháng cáo của bị đơn ông C là không có cơ sở để chấp nhận. Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông C, áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Sau khi đã thảo luận và nghị án Hội đồng xét xử thống nhất áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuy kháng cáo không được chấp nhận và bản án sơ thẩm được giữ nguyên, nhưng do người kháng cáo bị đơn ông C là người cao tuổi (sinh năm 1954) nên ông C được miễn nộp án phí phúc thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 6 Điều 313, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

1/- Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn C.

2/- Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 13/2017/DS-ST ngày 27/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

Áp dụng Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; điểm b khoản 1 Điều 227, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 428 và điểm a khoản 2 Điều 435 Bộ luật dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 37 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án. Áp dụng điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T đối với bị đơn ông C và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà M trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa”.

- Buộc ông C và bà M cùng có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ông T số tiền 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng).

Để bảo đảm quyền lợi của ông T khi thi hành án, kể từ ngày ông T có đơn yêu cầu thi hành án, phía ông C và bà M còn phải chịu tiền lãi do chậm thi hành án, theo mức lãi suất 10%/năm, tương ứng với thời gian và số tiền chậm trả.

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông C được miễn nộp tiền án phí; bà M phải chịu án phí với số tiền 1.250.000đồng (một triệu hai trăm năm chục ngàn đồng), bà M có nghĩa vụ nộp số tiền này; ông T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, ông được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp 1.250.000đồng (một triệu hai trăm năm chục ngàn đồng) theo biên lai thu tiền số 0000514 ngày 10/5/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

3/- Án phí phúc thẩm: Người kháng cáo là bị đơn ông C được miễn nộp toàn bộ án phí phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

580
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 100/2017/DS-PT ngày 13/07/2017 về tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa

Số hiệu:100/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:13/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về