Bản án 09/2020/HS-PT ngày 31/12/2020 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 09/2020/HS-PT NGÀY 31/12/2020 VỀ TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Trong các ngày 30, 31 tháng 12 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 10/2020/TLPT-HS ngày 02 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo Nguyễn Hải P do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hải P đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 68/2020/HS-ST ngày 24/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên.

* Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Hải P (tên gọi khác: Không), sinh năm 1962, tại thành phố S, tỉnh S; nơi ĐKHKTT: Tổ dân phố 20 (nay là tổ dân phố 06), phường X, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên; nơi cư trú: Khối Y, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Cán bộ; Trình độ văn hoá: Lớp 10/10 PT;

dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Trọng H (đã chết), con bà Lò Thị C, sinh năm 1942; có vợ Mào Thị V, sinh năm 1965 và 02 con, con lớn sinh năm 1985, con nhỏ sinh năm 1987; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị kết án và chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 16/5/2019 cho đến nay, có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hải P:

- Ông Trần Ngọc N, là bào chữa viên nhân dân; đơn vị công tác: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, là Hội viên hội nhà báo tỉnh Điện Biên. Địa chỉ: Số 55, tổ dân phố 27, phường M, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Bà Nguyễn Thị Minh C, Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư B và cộng sự;

địa chỉ: 521 Y, phường A, quận H, thành phố Hà Nội, có mặt.

* Bị hại: Ông Dương Đức Đ, sinh năm: 1977; trú tại: Khối K, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên, có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện T, tỉnh Điện Biên.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Trọng A, chức vụ: Phó Giám đốc phụ trách, vắng mặt có lý do.

- Ông Nguyễn Mạnh D, sinh năm: 1993; địa chỉ: Xóm 4, xã V, huyện V, thành phố P; chỗ ở hiện nay: Tổ dân phố 13, thị trấn C, huyện C, thành phố P, có mặt.

- Ông Nguyễn Trọng T, sinh năm: 1987; địa chỉ: Khối Y, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Bà Quàng Thị Như Q, sinh năm: 1979; trú tại: Khối K, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên, vắng mặt có lý do.

- Ông Nguyễn Văn H, sinh năm: 1968; trú tại: Khối Z, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên, vắng mặt có lý do.

- Bà Bùi Thị Ư, sinh năm: 1969; trú tại: Khối Z, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên, vắng mặt có lý do.

* Người làm chứng:

- Ông Phạm Trọng A, sinh năm: 1982; trú tại: Khối Z, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên, vắng mặt có lý do.

- Ông Nguyễn Văn U, sinh năm: 1982; trú tại: Khối 20/7, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên, vắng mặt không có lý do.

- Ông Nùng Lâm H, sinh năm: 1985; trú tại: Khối Ô, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên, vắng mặt có lý do.

- Bà Lò Thị E, sinh năm: 1948; trú tại: Khối K, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên, có mặt * Người tham gia tố tụng khác:

- Ông Phạm Văn Q, Điều tra viên thuộc cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T, tỉnh Điện Biên, vắng mặt có lý do.

- Ông Bùi Văn T, Điều tra viên thuộc cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T, tỉnh Điện Biên, vắng mặt có lý do.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng đầu năm 2017, ông Dương Đức Đ trú tại khối K, thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên có đặt vấn đề xin việc làm cho anh Nguyễn Mạnh D (là cháu của ông Đ) với bị cáo Nguyễn Hải P là Trưởng Đài truyền thanh, truyền hình huyện T (nay là Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện T), tỉnh Điện Biên. Đến khoảng 17 giờ ngày 11/8/2017, Nguyễn Hải P đi xe máy đến nhà ông Dương Đức Đ. Tại đây, bị cáo P đã nhận của ông Đ số tiền 248.000.000 đồng, với mục đích để xin việc cho cháu của ông Đ vào làm việc tại Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện T, tỉnh Điện Biên. Khi thấy bị cáo P đến, ông Đ đã bảo vợ là bà Quàng Thị Như Q vào mở két lấy tiền ra đếm, còn ông Dương Đức Đ và Nguyễn Hải P thống nhất, thỏa thuận cùng nhau soạn thảo giấy biên nhận. Ông Đ lấy máy tính xách tay của Đ ra đánh giấy biên nhận, với nội dung: “Hôm nay, ngày 11 tháng 8 năm 2017 tại nhà riêng gia đình ông Dương Đức Đ: Cư trú: Khối K, thị trấn T, tỉnh Điện Biên, Bên giao tiền: Ông Dương Đức Đ; địa chỉ cư trú: Khối K, thị trấn T, tỉnh Điện Biên; số CMTND: 040540487, ngày cấp 04/8/2016, nơi cấp Công an tỉnh Điện Biên.

Bên nhận tiền: Ông Nguyễn Hải P, sinh năm 1962; địa chỉ cư trú: Khối Y, thị trấn T; Nghề nghiệp: Trưởng đài truyền thanh truyền hình huyện T; Số CMTND: 040155292, ngày cấp 04/02/2010, nơi cấp: Công an tỉnh Điện Biên, có tạm nhận của ông Dương Đức Đ số tiền là 248.000.000 đồng. Lý do ông P có hứa xin việc cho cháu của ông Dương Đức Đ vào làm việc tại Đài truyền thanh, truyền hình huyện T. Ông Nguyễn Hải P đã nhận đủ số tiền trên và cam kết xin cho cháu của ông Dương Đức Đ vào làm việc tại Đài truyền thanh truyền hình huyện T. Nếu đến ngày 30/3/2018 ông P không xin được việc làm cho cháu ông Đ thì ông P phải trả lại cho ông Đ toàn bộ số tiền trên”.

Khi đánh máy “Giấy biên nhận” ông Đ để trống một số thông tin cá nhân và ngày hẹn trả tiền để cho bị cáo P tự đọc và viết bằng tay. Khi đang ngồi soát lại giấy biên nhận thì mẹ vợ của ông Đ là bà Lò Thị E sang nhà ông Đ để lấy đồ, nên ông Đ đã nhờ bà E làm chứng cho việc giao nhận tiền giữa ông Đ và bị cáo P. Sau đó, ông Đ in giấy biên nhận ra cho bị cáo P tự đọc, tự điền thông tin cá nhân và tự nguyện ký giấy biên nhận, bà E ký người làm chứng. Sau khi nhận tiền xong, bị cáo P giao một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Đài truyền thanh, truyền hình huyện T và một thẻ hội viên Hội nhà báo Việt Nam mang tên Nguyễn Hải P cho ông Đ để làm tin. Bị cáo P đem số tiền 248.000.000 đồng nhận từ ông Đ về nhà, nhưng bị cáo không sử dụng số tiền này để xin việc làm cho cháu ông Đ như đã cam kết mà sử dụng với mục đích cá nhân.

Đến thời hạn đã cam kết, không thấy bị cáo P xin được việc làm cho cháu và cũng không thấy P trả lại tiền nên vợ chồng ông Đ, bà Q đã nhiều lần đòi lại tiền bằng hình thức trực tiếp đến cơ quan của bị cáo P công tác và gọi điện thoại cho bị cáo P để đòi lại tiền. Việc ông Đ đòi tiền bị cáo P có ông Phạm Trọng A, ông Nùng Lâm H, ông Nguyễn Văn U biết. Mặc dù bị cáo P có điều kiện, khả năng để trả lại số tiền trên cho ông Đ nhưng bị cáo cố tình không trả, với lý do ông Đ làm đơn khiếu nại bị cáo gửi đến Ủy ban nhân dân huyện T và làm đơn tố cáo bị cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T. Ngày 22/01/2019, ông Dương Đức Đ đã gửi đơn đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T đề nghị xem xét giải quyết.

Tại Kết luận giám định số 304/GĐ-PC09 ngày 08/3/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Điện Biên kết luận: Chữ ký, chữ viết đứng tên Nguyễn Hải P dưới mục người nhận tiền trên giấy biên nhận đề ngày 11/8/2017 ký hiệu A với chữ ký, chữ viết đứng tên Nguyễn Hải P trên Bản tự khai đề ngày 13/02/2019 ký hiệu M là do cùng một người ký, viết ra.

Ngày 31/10/2019, Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên đã xét xử vụ án, tuyên bố bị cáo Nguyễn Hải P phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và áp dụng điểm a khoản 3 Điều 174; điểm b, điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo 07 năm tù. Không đồng ý với quyết định tại bản án hình sự sơ thẩm số 94/2019/HS-ST ngày 31/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện T, ngày 08/11/2019 bị cáo Nguyễn Hải P đã làm đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án. Ngày 16/3/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã quyết định chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hải P, tuyên hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 94/2019/HS-ST ngày 31/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện T, giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên để điều tra lại theo quy định. Căn cứ, kết quả điều tra lại vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T và Viện kiểm sát nhân dân huyện T đã ban hành Quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án và Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với bị cáo Nguyễn Hải P từ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 174 của Bộ luật hình sự sang tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Hải P không thừa nhận hành vi phạm tội như bản Kết luận điều tra và bản Cáo trạng đã truy tố bị cáo, bị cáo chỉ thừa nhận: Vào ngày 11/8/2017, bị cáo đã vay của ông Dương Đức Đ số tiền 200.000.000 đồng, với lãi suất 2.000 đồng/01 triệu/01 ngày. Bị cáo đã được đọc nội dung và ký vào biên bản giao nhận tiền có người làm chứng là chị Bùi Thị Ư, tuy nhiên, bị cáo không xuất trình được giấy vay tiền này cho cơ quan điều tra. Bị cáo khẳng định bị cáo và bị hại ông Dương Đức Đ là quan hệ dân sự vay nợ thông thường. Bị cáo cho rằng không đủ căn cứ buộc tội bị cáo, các cơ quan tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo không nhất trí với quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện T về tội danh cũng như điều luật áp dụng đối với bị cáo, người bào chữa cho rằng không đủ cơ sở chứng minh bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Người bào chữa cho rằng quan hệ giữa bị cáo và bị hại là quan hệ dân sự, cụ thể là vay nợ có bảo đảm. Ngoài ra, người bào chữa cho rằng có một số thủ tục tố tụng vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, do đó người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 157 và điểm a khoản 1 Điều 282 của Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án và trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện T đã quyết định: Căn cứ khoản 3 Điều 175; điểm b, điểm v khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 và Điều 54 của Bộ luật hình sự tuyên bố bị cáo Nguyễn Hải P phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hải P 03 năm 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam ngày 16/5/2019.

Ngoài ra bản án còn tuyên về phần xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo của những người tham gia tố tụng.

Ngày 02/10/2020, bị cáo Nguyễn Hải P kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện T. Yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tuyên bố bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên tham gia phiên tòa phúc thẩm cho rằng: Bị cáo Nguyễn Hải P nhận tiền của ông Dương Đức Đ 248.000.000 đồng là có thật, đến thời hạn trả theo giấy nhận tiền, ông Đ đã nhiều lần đến đòi tiền, mặc dù có khả năng trả tiền nhưng bị cáo không trả nhằm chiếm đoạt số tiền này. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 175 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hải P không có cơ sở nên không được chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số: 68/2020/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên.

Luật sư Nguyễn Thị Minh C trình bày lời bào chữa: Việc các cơ quan tố tụng huyện T khởi tố, điều tra và xét xử Nguyễn Hải P về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và kết án P với mức hình phạt 03 năm 06 tháng tù là kết án oan, không có căn cứ pháp luật. Bởi lẽ, việc vay tiền giữa P và Đ là giao dịch dân sự đơn thuần, nội dung ghi trong giấy nhận tiền ngày 11/8/2017 là không có thật. Tại thời điểm năm 2018, năm 2019, ông Đ nhiều lần thúc trả nợ nhưng P đang điều trị vết thương do bị gãy tay và đang có nhiều khoản nợ khác phải trả, mặc dù bị cáo có thu nhập nhưng kinh tế khó khăn, không có khả năng trả nợ cho ông Đ là sự thực. Ngày 12/5/2019, P đã vay tiền của mẹ đẻ 60.000.000 đồng để trả nợ cho Đ nhưng Đ không nhận mà đề nghị trả qua cơ quan điều tra, điều này thể hiện P có ý thức trả nợ cho Đ chứ không có mục đích chiếm đoạt.

Giấy biên nhận ngày 11/8/2017 do ông Đ cung cấp, người làm chứng là mẹ vợ ông Đ nên chứng cứ này không đảm bảo sự khách quan. Thời gian, địa điểm lập giấy biên nhận ông Đ, bà Q, bà E khai không phù hợp dữ kiện hoạt động trên gmail của bị cáo P vào cùng thời điểm trên. Các bút lục từ 603 đến 634; việc thu giữ máy tính, máy in của Đ để giám định đã không đủ cơ sở kết luận Giấy nhận tiền ngày 11/8/2017 và các mẫu giấy so sánh có được in ra từ cùng một máy tính hay không. Như vậy, chứng cứ dùng để buộc tội bị cáo có nhiều vi phạm, không phù hợp với sự thật khách quan.

Về hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra có nhiều vi phạm: Có căn cứ để nghi ngờ về người liên quan Nguyễn Mạnh D là không có thật; không có hồ sơ xin việc như nội dung giấy nhận tiền; sử dụng chứng cứ không hợp pháp (các BL 45, 95, 96); vi phạm Điều 13 của Bộ luật tố tụng hình sự về suy đoán vô tội; bỏ qua yêu cầu điều tra xác minh của bị cáo; sử dụng chứng cứ không hợp pháp. Vi phạm khoản 3 Điều 49 của Bộ luật tố tụng hình sự về thay đổi người tiến hành tố tụng. Từ những sai phạm trên, có đủ cơ sở khẳng định đây là vụ án dân sự về tín dụng đen bị hình sự hóa quan hệ dân sự. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm, trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa phúc thẩm.

Ông Trần Ngọc N trình bày bào chữa: Bị cáo Nguyễn Hải P không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bởi hành vi của bị cáo không thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm, hợp đồng nhận tiền ngày 11/8/2017 là trái pháp luật; tại thời điểm đến hạn trả nợ thì bị cáo đang bị gãy tay nên không có điều kiện và khả năng trả nợ cho ông Đ. Về sai phạm trong hoạt động tố tụng: Quá trình điều tra chủ yếu theo hướng buộc tội; sử dụng chứng cứ không khách quan, thiên về ý kiến của bị hại; trong suốt quá trình điều tra chỉ thực hiện một phiên đối chất; việc điều tra không khách quan vô tư vì trước đó Điều tra viên và Kiểm sát viên đã bị bị cáo P viết bài tố cáo hành vi sai phạm, bị cáo có yêu cầu thay đổi những người này nhưng không được chấp nhận; khi thu giữ tài liệu, máy tính của bị cáo không có sự tham gia của bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 359 của Bộ luật tố tụng hình sự tuyên hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa phúc thẩm.

Bị cáo trình bày bào chữa và ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên ông Nguyễn Trọng T: Hoàn toàn nhất trí với lời bào chữa của các Luật sư bào chữa. Đề nghị Hội đồng xét xử sớm trả tự do cho bị cáo.

Bị hại ông Dương Đức Đ, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn D trình bày: Nhất trí với kết luận của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên. Không đồng ý với suy luận thiếu căn cứ của các luật sư bào chữa cho bị cáo và bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về thủ tục tố tụng:

- Về hình thức đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hải P làm trong thời hạn đúng theo quy định tại các Điều 331, Điều 332 và Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự, nên được chấp nhận xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

- Về đề nghị của ông Trần Ngọc N và bà Nguyễn Thị Minh C là người bào chữa cho bị cáo P yêu cầu triệu tập đến phiên toà phúc thẩm hai Điều tra viên là ông Phạm Văn Q và ông Bùi Văn T là những người tiến hành tố tụng tại giai đoạn sơ thẩm và hai giám định viên là ông Hoàng Tuấn A và ông Nguyễn Văn K là những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa sơ thẩm. Xét thấy: Qua bản tường trình của ông Q, ông T và đơn xin xét xử vắng mặt của ông Q và ông T đều có lý do chính đáng, việc thực hiện và tiến hành tố tụng tại giai đoạn sơ thẩm của ông Phạm Văn Q, ông Bùi Văn T đều đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Còn đối với hai giám định viên ông Hoàng Tuấn A và ông Nguyễn Văn K đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, xét thấy, không cần thiết phải triệu tập tham gia phiên tòa. Đối với sự vắng mặt của người làm chứng ông Nguyễn Văn U không có lý do đã có lời khai trong hồ sơ vụ án. Sự vắng mặt ông U tại phiên tòa phúc thẩm không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Căn cứ vào khoản 1 Điều 293, Điều 351 của Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Vì vậy, đề nghị của những người bào chữa cho bị cáo là không có căn cứ, nên không được chấp nhận.

[2]. Xét nội dung kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hải P yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tuyên bố bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo.

[2.1]. Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Hải P chỉ thừa nhận có vay tiền của ông Dương Đức Đ với tổng số tiền là 200.000.000 đồng với lãi xuất 2.000 đồng/01 triệu/01 ngày và đã trả cho ông Đ được 30.000.000 đồng tiền lãi vào ngày 27 hoặc 28/11/2017. Số tiền 248.000.000 đồng tại giấy biên nhận ngày 11/8/2017 mà bị cáo nhận của bị hại thực chất là tổng số tiền gốc 200.000.000 đồng và 48.000.000 đồng tiền lãi của 04 tháng (tính từ ngày 28/11/2017 đến ngày 30/3/2018) nhưng bị cáo không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc vay nợ và trả lãi trên. Còn ông Dương Đức Đ thì cung cấp được một giấy biên nhận tiền đề ngày 11/8/2017 giữa bị cáo và bị hại với nội dung: Bị cáo P đã tạm nhận số tiền 248.000.000 đồng của ông Đ để xin việc làm cho cháu của ông Đ vào làm việc tại Đài truyền thanh, truyền hình huyện T. Nếu đến ngày 30/3/2018 bị cáo P không xin được việc cho cháu của ông Đ thì bị cáo P phải trả số tiền trên cho ông Đ. Giấy biên nhận tiền này có sự chứng kiến của bà Lò Thị E (BL số 37).

Hi đồng xét xử phúc thẩm có cơ sở khẳng định rằng: Bị cáo P đã nhận số tiền 248.000.000 đồng của ông Đ được thể hiện tại giấy biên nhận tiền đề ngày 11/8/2017 có sự chứng kiến của bà Lò Thị E. Đồng thời, trước khi ký vào giấy biên nhận tiền bị cáo đã đọc kỹ nội dung, tự nguyện điền các thông tin cá nhân vào giấy biên nhận như: Địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh thư nhân dân và thời hạn trả tiền; không bị ai đe dọa, ép buộc, chữ ký trong giấy biên nhận tiền đề ngày 11/8/2017 đúng là chữ ký của bị cáo và phù hợp Kết luận giám định số 304/GĐ-PC09 ngày 08/3/2019 của phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Điện Biên (BL 40, 499-500, 506). Theo bị cáo khai nhận rằng bị cáo chỉ vay nợ 200.000.000 đồng, lãi xuất 2.000 đồng/01 triệu/01 ngày nhưng bị cáo không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc vay nợ trên. Còn ông Đ cho rằng số tiền 248.000.000 đồng mà bị cáo nhận là số tiền xin việc cho Nguyễn Mạnh D là cháu ông Đ. Tuy nhiên, ông Đ và ông D đều thừa nhận rằng ông D mới chỉ học hết 12/12 phổ thông, không có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ gì, không làm hồ sơ xin việc gửi cho bị cáo P và cũng không biết xin việc cho ông D làm ở vị trí nào trong cơ quan.

Như vậy, giấy biên nhận tiền đề ngày 11/8/2017 giữa bị cáo P và ông Đ với số tiền 248.000.000 đồng mà bị cáo đã nhận của bị hại, có bà E làm chứng về bản chất là số tiền vay có kỳ hạn, phù hợp với lời khai của bị cáo tại các bản cung có trong hồ sơ và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm phù hợp với lời bào chữa của những người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Tuy nhiên, sau khi đến hạn ngày 30/3/2018 bị cáo P không trả số tiền 248.000.000 đồng cho ông Đ, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, được thể hiện tại các lời khai của bị cáo về việc thu nhập hàng tháng từ lương và các khoản thu nhập khác ngoài lương khoảng 17.500.000 đồng đến 19.000.000 đồng/01 tháng (BL số 536); tháng 12 năm 2018 hoặc tháng 01 năm 2019, bị cáo được hưởng tháng lương thứ 13 khoảng trên 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng, cộng tác viên với Đài truyền thanh - truyền hình tỉnh Điện Biên được trích 30% tương đương với số tiền 23.400.000 đồng/năm (BL số 537). Tính từ ngày 01/4/2018 đến ngày 13/5/2019 tổng thu nhập của bị cáo từ tiền lương và thu nhập khác ngoài lương như: Tiền nhuận bút viết tin bài, tuyên truyền, hướng dẫn tập sự, tiền phép, phụ cấp báo cáo viên cấp huyện, trợ cấp ốm đau, tiền thi đua, tháng lương thứ 13, các hợp đồng kinh tế với các đơn vị khác là: 257.951.797 đồng (các BL từ 685 đến 756, BL từ 809 đến 813, 814, 816). Bị cáo chỉ trả cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn - Chi nhánh T 60.000.000 đồng qua tài khoản cá nhân nhưng đến tháng 5 năm 2018 đã trả xong, bị cáo còn thừa nhận rằng: Bị cáo không phải trợ cấp cho ai (BL 507, 530, 531, 537). Đặc biệt, tại bản tự khai ngày 16/6/2020, các biên bản hỏi cung bị can ngày 15/6/2020 và ngày 07/7/2020 bị cáo đều thừa nhận có đủ khả năng trả tiền ông Đ nhưng do ông Đ gửi đơn tố cáo bị cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hành vi ông Đ quá tàn nhẫn với bị cáo gây bức xúc nên bị cáo không trả tiền cho ông Đ (Bút lục số 514, 515, 517). Ngoài ra, bị cáo và vợ bị cáo còn có nhà xây hai tầng và đất ở với tổng diện tích là 226m2 tại thửa số 19, tờ bản đồ số 22, thuộc tổ dân phố 06, phường X, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên với tổng giá trị 2.837.320.000 đồng (theo Kết luận giám định số 19/KL-ĐGTS ngày 29/7/2020 của Hội đồng định giá tài sản). Bên cạnh đó, sau khi đến hạn trả ông Đ, bà Q đã trực tiếp đến đòi nợ nhiều lần tại cơ quan bị cáo nhưng bị cáo vẫn cố tình chây ì không trả, gọi điện thoại nhiều lần được thể hiện tại các lời khai của bị cáo (Bút lục 501, 509, 517); phù hợp với lời khai người làm chứng ông Phạm Trọng A (Bút lục 677, 678, 904 - 913); phù hợp với lời khai của ông Nguyễn Văn U (Bút lục 933-936); phù hợp với lời khai của ông Nùng Lâm H (Bút lục 916-919) và lời khai của bà Quàng Thị Như Q (Bút lục số 830, 834).

Như vậy, có cơ sở khẳng định rằng: Bị cáo Nguyễn Hải P vay của ông Dương Đức Đ số tiền 248.000.000 đồng đến thời hạn trả lại tiền mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả cho ông Dương Đức Đ phù hợp với tinh thần của mục 6 phần I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về Hình sự, Dân sự và tố tụng Hành chính của Tòa án nhân dân tối cao. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 175 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[2.2]. Xét lời trình bày của bị cáo và luận cứ bào chữa của Luật sư tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng việc bị cáo P vay số tiền 248.000.000 đồng của ông Đ chỉ là hợp đồng Dân sự; trước đó ông P đã trả cho ông Đ 30.000.000 đồng tiền lãi số còn lại khi đến hạn bị cáo không có điều kiện và khả năng trả nợ vì tai nạn, còn vay nợ nhiều người, nên bị cáo không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Hi đồng xét xử xét thấy: Như đã phân tích tại mục [2.1] nêu trên bản án sơ thẩm kết án bị cáo Nguyễn Hải P về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 175 của Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án bị cáo và người bào chữa không đưa ra được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh việc bị cáo đã trả cho ông Đ số tiền 30.000.000 đồng trong ngày 28/11/2017; trong khi đó, bị cáo có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả. Lập luận của bị cáo, những người bào chữa cho bị cáo không có căn cứ, không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, nên không có cơ sở để chấp nhận.

[3] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện T, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân nhân huyện T, Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử sơ thẩm, Thư ký Tòa án nhân dân huyện T trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Bị cáo, người bào chữa cho bị cáo khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm do năm 2013 bị cáo viết tin bài chống tiêu cực, tham nhũng trong vụ án mại dâm tại nhà nghỉ N ở thị trấn T có liên quan đến điều tra viên Phạm Văn Q nên điều tra viên điều tra vụ án không khách quan có tư thù cá nhân, đề nghị thay đổi điều tra viên không được chấp nhận. Căn cứ vào bản giải trình của Điều tra viên Phạm Văn Q và Quyết định số 532/QĐ-CAT-PX13 ngày 18/5/2015 về việc điều động cán bộ của Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đối với Thượng úy Phạm Văn Q công tác tại Công an huyện C đến nhận công tác tại Công an huyện T kể từ ngày 22/5/2015. Như vậy, điều tra viên Phạm Văn Q không liên đến vụ án mại dâm tại nhà nghỉ N như lời khai của bị cáo. Quá trình điều tra: Điều tra viên Phạm Văn Q và Bùi Văn T đều thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[4]. Tại phiên tòa phúc thẩm người bào chữa cho bị cáo cung cấp cho Hội đồng xét xử 04 tờ giấy A4 (01 tờ giấy photo có tiêu đề chương trình phát thanh thứ 6 ngày 11/8/2017 có đóng dấu treo của Trung tâm văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện T; 03 tờ văn bản bổ sung lời khai của Nguyễn Văn U, Phạm Trọng A và Nùng Lâm H đều công tác tại Trung tâm văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện T).

Hi đồng xét xử thấy rằng: Mặc dù người bào chữa có quyền thu thập tài liệu chứng cứ để giao nộp cho Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, những tài liệu người bào chữa giao nộp cho Hội đồng xét xử không theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự như: tờ giấy phôtô có tiêu đề chương trình phát thanh thứ 6 ngày 11/8/2017 không có nội dụng gì liên quan đến số tiền 248.000.000 đồng giữa bị cáo và bị hại; còn 03 tờ văn bản bổ sung lơi khai của Nguyễn Văn U, Phạm Trọng A và Nùng Lâm H mặc dù có xác nhận của Trung tâm văn hóa -Truyền thanh - Truyền hình huyện T nhưng đều có nội dung viết giống nhau, không rõ bổ sung vào lời khai nào, đối với vụ án nào, ai là người đề nghị bổ sung lời khai. Xét thấy những tài liệu trên không có giá trị chứng minh về hành vi phạm tội của bị cáo, nên không có cơ sở chấp nhận.

Từ những phân tích và nhận định nêu trên, có cơ sở kết luận: Hành vi của bị cáo Nguyễn Hải P đã phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 175 Bộ luật hình sự. Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên tại phiên tòa phúc thẩm là đúng pháp luật, nên cần chấp nhận. Không chấp nhận đề nghị của những người bào chữa cho bị cáo và không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Hải P, giữ nguyên toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 68/2020/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên.

[5] Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135; Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Do Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên bị cáo Nguyễn Hải P phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hải P, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số: 68/2020/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên.

1. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Hải P (Tên gọi khác: Không) phạm tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

2. Về hình phạt: Căn cứ khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự; điểm b, điểm v khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51 và Điều 54 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Hải P 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính ngày bắt tạm giam (ngày 16/5/2019).

3. Về xử lý vật chứng: Căn cứ khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự:

- Trả cho Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện T, tỉnh Điện Biên một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT00858 do sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Điện Biên cấp ngày 20/3/2014 cho Đài truyền thanh, truyền hình huyện T;

- Trả cho bị cáo một thẻ hội viên nhà báo Việt Nam mang tên Nguyễn Hải P.

(Toàn bộ vật chứng trên đã được Công an huyện T bàn giao cho Chi cục Thi hành án Dân sự huyện T hồi 09 giờ 20 phút ngày 18 tháng 9 năm 2019).

4. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ các Điều 584, Điều 585 và Điều 589 Bộ luật Dân sự chấp nhận sự tự nguyện: Bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường thêm gì khác. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Trọng T không yêu cầu bị cáo phải bồi thường số tiền anh đã trả thay cho bị cáo.

5. Về án phí:

5.1. Về án phí sơ thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án: Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

5.2. Về án phí phúc thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 135; Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

6. Các quyết định khác của Bản án Hình sự sơ thẩm số: 68/2020/HS-ST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án Hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 31/12/2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

337
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2020/HS-PT ngày 31/12/2020 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:09/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về