Bản án 09/2019/DS-PT ngày 22/03/2019 về tranh chấp hợp đồng hợp tác

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 09/2019/DS-PT NGÀY 22/03/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC

Trong các ngày 21 và 22 tháng 3 năm 2019 tại Hội trường xét xử tầng 2 - Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm công khai vụ án Dân sự thụ lý số: 08/2019/TLPT-DS, ngày 25 tháng 01 năm 2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác”. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 53/2018/DS-ST, ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện H bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 12/2019/QĐ-PT, ngày 06 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Ma Hoa T, sinh năm 1958; Địa chỉ: Thôn M, xã P, huyện H, tỉnh Tuyên Quang, (có mặt).

2. Bị đơn: Ông Đỗ Đại C, sinh năm 1964; Địa chỉ: Tổ dân phố T, thị trấn T, huyện H, tỉnh Tuyên Quang, (có mặt).

3. Người kháng cáo bị đơn ông Đỗ Đại C

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, bản tự khai và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện nguyên đơn ông Ma Hoa T trình bày:

Khoảng cuối tháng 8 năm 2016 ông ra thị trấn T, huyện H có việc, do có mối quan hệ quen biết trước đó với ông Đỗ Đại C - Trú tại tổ dân phố T, thị trấn T, nên ông vào nhà ông C để rửa xe. Khi gặp ông C thì ông C có trao đổi với ông về việc đang có dự án vừa được cấp phép khai thác cát sỏi do bên quân đội đứng ra, có đầy đủ giấy tờ thủ tục theo quy định pháp luật, ông không phải lo thủ tục, bến bãi và chi phí gì mà chỉ cần hợp tác với ông C cùng nhau đóng một con tàu hút cát với trị giá 1.200.000.000 đồng (Một tỷ hai trăm triệu đồng), tỷ lệ đóng góp là 50/50, lợi nhuận và chi phí là ăn chia hai bên là 50/50. Do tin tưởng ông C, ông đã giao trực tiếp cho ông C số tiền 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng) để cùng ông C đầu tư mua tàu hút cát. Ngày 16/9/2016 ông và ông C ký kết Hợp đồng giao kèo với nhau (Hợp đồng không Có số) với nội dung chính của Hợp đồng giao kèo là “Hai bên hợp tác cùng nhau đóng góp mua tàu để sản xuất cát sỏi; cùng tiến hành sản xuất khi tàu được vận chuyn đến nơi sản xuất; thực hiện quy ước cùng đóng góp và hưởng theo lợi nhuận cùng những chi phí theo định mức 50/50”. Việc đi mua tàu hút cát ở đâu, đặc điểm như thế nào, giá cả bao nhiêu là do ông C trực tiếp đi mua. Sau khi ông C đặt mua được tàu hút cát, đến cuối tháng 10 năm 2016 tàu hút cát được lắp đặt tại xã T, huyện V, tỉnh Hà Giang và tiến hành khai thác cát sỏi. Tuy nhiên sau một thời gian ông nghi ngờ và không tin tưởng ông C nên ông trực tiếp đi tìm hiểu thì được biết con tàu hút cát ông C mua trị giá là 460.710.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi triệu bảy trăm mười nghìn đồng), có báo giá chi tiết của chủ cơ sở đóng tàu là ông Bùi Văn A- Trú tại xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương cung cấp, chứ không phải là 1.200.000.000 đồng (Một tỷ hai trăm triệu đồng) như ông C trao đổi với ông trước đó. Khi tàu hút cát vào hoạt động ông có giao cho con rể là anh Hoàng Trọng B đại diện cho ông tham gia quản lý hoạt động của tàu hút cát tại tỉnh Hà Giang và mọi việc liên quan đến giao dịch bán cát sỏi là do ông C trực tiếp đứng ra bán và thu tiền. Khi tàu hút cát vào hoạt động có thu được lợi nhuận, nhưng ông C chưa chi trả cho ông theo cam kết hưởng lợi nhuận là 50/50. Ông T xác định thực tế ông C đã nhận của ông số tiền là 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng) trừ đi số tiền thực tế mua tàu là 460.710.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi triệu bảy trăm mười nghìn đồng) như ông Bùi Văn A xác định, số tiền còn lại ông C vẫn cầm của ông là 139.290.000 đồng (Một trăm ba mươi chín triệu hai trăm chín mươi nghìn đồng). Do vậy ông yêu cầu ông C giao lại tàu hút cát cho ông được sở hữu, vì toàn bộ số tiền mua tàu hút cát do ông bỏ ra, nhưng ông C không nhất trí, nên ông khởi kiện ông C ra tòa và yêu cầu Tòa án giải quyết các nội dung sau:

Hủy hợp đồng giao kèo ngày 16/9/2016 giữa ông và ông Đỗ Đại C về việc góp vốn mua tàu hút cát sỏi.

Giao toàn quyền sở hữu chiếc tàu hút cát, sỏi mà ông C đứng ra mua để ông sở hữu vì chiếc tàu trên là dùng tiền của ông để mua.

Buộc ông C trả lại cho ông số tiền 139.290.000 đồng (Một trăm ba mươi chín triệu hai trăm chín mươi nghìn đồng) mà ông C còn giữ của ông, vì ông C mua tàu hút cát chưa hết số tiền mà ông C đã nhận của ông.

* Bị đơn ông Đỗ Đại C trình bày:

Do quen biết với ông Nguyễn Văn D- Giám đốc Công ty Thọ Giang, địa chỉ tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang và ông Chu Văn H- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự thành phố Hà Giang, nên ông C được ông D và ông H cho biết hai ông được cấp phép sản xuất cát sỏi tại km 17 thuộc xã T, huyện V, tỉnh Hà Giang. Ông D và ông H giao cho ông toàn quyền sử dụng bến bãi để sản xuất với điều kiện ông phải đầu tư toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, vật tư để khai thác cát sỏi, sau đó bán cho ông D và ông H. Do vậy ông đã mua 01 chiếc tàu hút cát và đưa vào sản xuất từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2016, qua quá trình sản xuất thấy việc đầu tư có hiệu quả, mặt khác phía ông D, ông H cần số lượng cát nhiều, nên ông muốn đầu tư thêm phương tiện khai thác cát sỏi. Do có mối quan hệ quen biết từ trước với ông Ma Hoa T, nên ngày 16/9/2016 ông và ông Ma Hoa T có ký Hợp đồng giao kèo về việc góp vốn mua thêm 01 con tàu hút cát, đầu tư cơ sở sản xuất, thuê nhân công, bến bãi, mua máy móc, dầu mỡ....Các bên thỏa thuận làm ăn kinh tế được thì cùng ăn, thua thì cùng chịu, tiền lợi nhuận chia 50/50. Ông T góp 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng) để cùng tham gia khai thác, sản xuất cát sỏi. Trong đó ông có trách nhiệm mua tàu, vận chuyển tàu, lắp ráp tại nơi sản xuất. Ông và ông T cùng nhau tổ chức sản xuất, cùng hưởng lợi nhuận 50/50 sau khi đã trừ chi phí cần phải đầu tư trước. Đến tháng 10/2016 thì con tàu được lắp đặt tại tỉnh Hà Giang và đi vào sản xuất, công việc đang tiến hành ổn định thì đến tháng 4 năm 2017 ông T khiếu nại đến Công an huyện H nên tàu hút cát dừng hoạt động. Nay ông T khởi kiện ông ra Tòa ông không nhất trí các nội dung yêu cầu khởi kiện của ông T với lý do:

Hợp đồng giao kèo ngày 16/9/2016 giữa ông với ông Ma Hoa T vẫn còn nguyên giá trị, các bên chưa thanh lý hợp đồng nên không thể hủy hợp đồng được.

Tàu hút cát ông và ông T mua chung theo thỏa thuận đây là tài sản chung (góp tiền mua chung), tất cả hóa đơn chứng từ mua con tàu hút cát đều do ông đứng tên và con tàu này không phải là tài sản riêng của ông T, nên không thể giao cho ông T quản lý, sử dụng được.

Về việc ông T yêu cầu ông có trách nhiệm trả lại cho ông T số tiền còn lại là 139.290.000 đồng, ông không nhất trí.

Ngoài ra ông C xác định ông và ông T không phải chỉ góp vốn mua chung con tàu mà thỏa thuận góp vốn cùng sản xuất kinh doanh, trong đó ông đã phải bỏ chi phí cho hoạt động sản xuất cát sỏi với số tiền là 2.156.000.000 đồng (Hai tỷ một trăm năm mươi sáu triệu đồng), cụ thể:

- Chi mua tàu = 490.000.000 đồng (Bốn trăm chín mươi triệu đồng);

- Chi thuê xe chở tàu từ Hải Dương lên Hà Giang = 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng);

- Thuê cẩu lên, xuống, thuê kỹ thuật lắp ráp tàu = 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng);

- Chi cho người môi giới mua tàu = 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng);

- Thuê thợ chính vận hành: 04 người x 15.000.000 đồng/người/ tháng; thuê thợ phụ: 04 người x 6.000.000 đồng/người/tháng; thuê người quản lý tàu hút cát: 02 người x 10.000.000 đồng/người/tháng; tiền ăn cho 10 người x 120.000 đồng/người/ngày. Tất cả x 07 tháng = 896.000.000 đồng (Tám trăm chín mươi sáu triệu đồng);

- Tiền dầu DIEZEN ước tính 50.000.000 đồng/tháng x 07 tháng = 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng);

- Mua các thiết bị như củ sên, dây cáp, đầu khuấy, ắc quy tạm tính khoảng 40.000. 000 đồng/tháng x 07 tháng = 280.000.000 đồng (Hai trăm tám mươi triệu đồng);

- Quan hệ ngoại giao tạm tính khoảng 15.000.000 đồng/tháng x 07 tháng = 105.000.000 đồng (Một trăm linh năm triệu đồng);

- Thuê máy cuốc xúc cát lên xe: 35.000.000 đồng/tháng x 07 tháng = 245.000.000 đồng (Hai trăm bốn mươi lăm triệu đồng);

- Tiền dầu cho máy cuốc xúc cát: 40.000.000 đồng/tháng x 07 tháng = 280.000.000 đồng (Hai trăm tám mươi triệu đồng).

Tuy nhiên số lượng cát bán ra chỉ được số tiền 316.680.000 đồng (Ba trăm mười sáu triệu sáu trăm tám mươi nghìn đồng). Do vậy ngoài nội dung ông C không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, ông C còn đề nghị Tòa án giải quyết việc ông T phải bồi hoàn lại cho ông C các chi phí ông C đã bỏ ra. Tuy nhiên ông C chưa xác định cụ thể yêu cầu ông T phải bồi hoàn lại cho ông C số tiền là bao nhiêu, ông C xác định sẽ yêu cầu bằng văn bản sau.

Quá trình giải quyết, Tòa án đã hòa giải và để các đương sự tự thỏa thuận việc giải quyết vụ án nhưng không thành.

Vụ án trên đã được Tòa án nhân dân huyện H xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; hòa giải không thành và đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số: 53/2018/DS-ST, ngày 13/11/2018 Tòa án nhân dân huyện H, Quyết định:

- Căn cứ vào các Điều 26; 147; 235; 266; 267; 271; 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 357; 385; 468; 504; 505; 512 của Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

* Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Ma Hoa T.

1.1. Hủy Hợp đồng giao kèo lập ngày 16/9/2016 ông Ma Hoa T và ông Đỗ Đại C.

1.2. Giao cho ông Ma Hoa T được sở hữu 01 (một) tàu hút cát có đặc điểm chiều dài 10,1 m, rộng 3,6m gồm hai boong sắt đặt song song hai bên, mỗi boong có chiều dài 10,1m, rộng 1,3m, cao 0,6m. Phần giữa khoảng trống có máy nổ (máy hút) không có ký hiệu riêng nối liền củ sên hút và các thiết bị khác để phục vụ việc khai thác cát, phía trên đầu tàu có 01 trục cần sục cát bằng sắt hàn hộp vuông kích thước một đầu 50cm x 50cm, một đầu 30cm x 30cm, một đầu trục nối liền máy nổ và 01 cột sắt hình chữ A, tàu có mái che bằng tôn.

1.3. Buộc ông Đỗ Đại C phải có nghĩa vụ trả lại cho ông Ma Hoa T tổng số tiền là 139.290.000 đồng (Một trăm ba mươi chín triệu hai trăm chín mươi nghìn đồng).

Khoản tiền phải trả kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và ông Ma Hoa T có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Đỗ Đại C chậm trả tiền thì phải chịu thêm khoản tiền lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất chậm trả thực hiện theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự.

2. Dành quyền khởi kiện cho ông Đỗ Đại C, khi ông C có đủ căn cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình đối với các khoản chi phí và yêu cầu bồi hoàn.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 28/11/2018 Tòa án đã nhận được đơn kháng cáo của bị đơn ông Đỗ Đại C với nội dung: Không nhất trí với bản án dân sự sơ thẩm số 53/2018/DS-ST, ngày 13/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện H, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết: Đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tính tổng số tiền đầu tư cho đến khi sản xuất được trừ đi 600.000.000đ, còn lại thiệt hại phải ông T phải trả cho ông C. Định giá con tàu và trả lại cho ông C. Yêu cầu ông T phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng, trả lại cho ông số tiền 778.000.000 đồng (Bảy trăm by mươi tám triệu đồng).

Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo ông Đỗ Đại C trình bày: Ông giữ nguyên nội dung kháng cáo như đơn kháng cáo đã nêu, đồng thời bổ sung nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm vì không giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng, Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn ông phải nộp những tài liệu nào, sau đó tách phần giải quyết hậu quả là không đúng quy định.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn ông Ma Hoa T trình bày: Ông không nhất trí với nội dung kháng cáo của ông C, quá trình thực hiện hợp đồng đều nêu là góp vốn 50/50, chia lợi tức theo tỷ lệ vốn góp, hàng ngày quyết toán số lượng với nhau. Khi mua tàu về theo hợp đồng ông C phải giao tàu cho ông T quản lý khai thác để hàng ngày cung cấp cát cho ông C, nhưng trên thực tế ông C không thực hiện đúng hợp đồng, gian dối trong việc mua tàu, quá trình hoạt động không thực hiện việc giao tàu cho ông T quản lý khai thác, không chốt số lượng cát hàng ngày, không thực hiện việc quyết toán theo hợp đồng, không chia lợi tức theo hợp đồng. Quá trình giải quyết đã nhiều lần Công an, Tòa đề nghị cung cấp chứng cứ để thỏa thuận với nhau nhưng ông C đều không thực hiện.

* Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của bị đơn ông Đỗ Đại C là hợp lệ, trong hạn luật định.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về nội dung vụ án: Ngày 16/9/2016 ông Ma Hoa T và ông Đỗ Đại C ký kết hợp đồng giao kèo với nội dung: Điều 1 của Hợp đồng giao quy định “Hai bên hợp tác cùng nhau đóng góp mua tàu để sản xuất cát sỏi; cùng tiến hành sản xuất khi tàu được vận chuyển đến nơi sản xuất; thực hiện quy ước cùng đóng góp và hưởng theo lợi nhuận cùng những chi phí theo định mức 50/50”. Trước khi ký kết Hợp đồng giao kèo ngày 13/9/2016 ông T đã giao cho ông C tổng số tiền là 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng), ông C thừa nhận là đã nhận của ông T số tiền 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng). Sau khi nhận tiền của ông T đưa, ông C trực tiếp đặt và mua tàu, vận chuyển và lắp đặt tại tỉnh Hà Giang, sau đó đưa vào vận hành và sản xuất từ cuối tháng 10/2016 đến đầu 2017 thì phát sinh tranh chấp, những nội dung này ông Ma Hoa T và ông Đỗ Đại C đều thừa nhận và cùng xuất trình bản sao hợp đồng giao kèo, do đó vấn đề này không phải chứng minh. Về nguyên nhân là do ông T cho rằng ông Đỗ Đại C không trung thực trong làm ăn, vi phạm quyền lợi của ông T, trước khi ký kết Hợp đồng giao kèo về việc góp vốn mua tàu hút cát ông C cho biết tàu hút cát có trị giá là 1.200.000.000 đồng (Một tỷ hai trăm triệu đồng) nên ông mới góp 50% là 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng). Tuy nhiên sau khi tàu đưa vào khai thác ông mới biết con tàu trị giá thực là 460.710.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi triệu bảy trăm mười nghìn đồng), có báo giá chi tiết của chủ cơ sở đóng tàu là ông Bùi Văn A - Trú tại xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương cung cấp, chứ không phải 1.200.000.000 đồng (Một tỷ hai trăm triệu đồng) như ông C trao đổi với ông T trước đó vì vậy ông Ma Hoa T làm đơn khởi kiện đề nghị hủy hợp đồng giao kèo giữa ông và ông Đỗ Đại C. Ông Đỗ Đại C không nhất trí hủy hợp đồng và khẳng định hợp đồng này vẫn còn nguyên giá trị.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của ông Đỗ Đại C HĐXX thấy rằng:

1. Về giá mua tàu, chi phí vận chuyển, lắp ráp con tàu: Sau khi phát sinh tranh chấp ông Ma Hoa T làm đơn tố cáo ông Đỗ Đại C gửi Công an huyện H. Quá trình xử lý tin báo Công an huyện H đã tiến hành lấy lời khai của ông Bùi Văn A và những người liên quan, việc làm này là đúng thẩm quyền, những lời khai này được thu thập hợp pháp. Theo đó Ông Bùi Văn A là chủ cơ sở đóng tàu và trực tiếp đóng tàu hút cát theo đặt hàng của ông Đỗ Đại C (Bút lục số 44, 87), ông A xác định sau khi thỏa thuận về việc đóng tàu hút cát ông C đã thanh toán tiền cho ông A 03 (ba) lần, cụ thể: Lần 01 là 160.000.000 đồng (Một trăm sáu mươi triệu đồng); lần 02 là 240.000.000 đồng (Hai trăm bốn mươi triệu đồng). Khi ông A chuyển tàu hút cát đến tỉnh Hà Giang lắp đặt ông C mua thêm một số phụ tùng nữa với tổng số tiền là 60.710.000 đồng (Sáu mươi triệu bảy trăm mười nghìn đồng), trong đó có cả cước vận chuyển là 16.000.000 đồng (Mười sáu triệu đồng), sau khi lắp đặt hoàn thiện và bàn giao cho ông C tại Hà Giang thì ông C đã trả tiếp số tiền còn lại, là chi phí mua phụ tùng phát sinh, ông A đã nhận đủ số tiền đóng tàu cũng như tiền công vận chuyển lắp đặt con tàu, các bên đã thanh toán xong không có vướng mắc gì. Ông A khẳng định ông Nguyễn Văn K là người được ông A thuê lắp ráp tàu tại tỉnh Hà Giang xác định ông K là người trực tiếp tham gia vận chuyển các bộ phận của tàu hút cát từ Hải Dương lên Hà Giang. Quá trình khai báo với Công an huyện H ông Nguyễn Văn K khai, ông là người được ông A thuê lắp ráp tàu tại tỉnh Hà Giang xác định tiền công do ông Bùi Văn A là chủ đóng tàu chi trả tiền công lắp ráp cho ông K chứ không phải ông C chi trả và ông K cũng không được nhận số tiền môi giới từ ông C (BL 83). Ngoài ra ông C không xác định được có thuê ai vận chuyển tàu hút cát và cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc thuê vận chuyển, lắp ráp con tàu.

Tại phiên tòa phúc thẩm cũng như tại các tài liệu gửi kèm theo đơn kháng cáo ông Đỗ Đại C xuất trình bản phô tô hóa đơn bán hàng của cơ sở Đại Hưng thể hiện giá con tàu cũng như các phụ kiện là 462.710.000đ, những chứng cứ này phù hợp với lời khai của ông Ma Hoa T, lời khai của Bùi Văn A, cũng như những tài liệu, báo giá mà ông Bùi Văn A cung cấp cho cơ quan điều tra Công an huyện H.

Như vậy không Có căn cứ chấp nhận lời khai của ông Đỗ Đại C về các khoản như thuê vận chuyển 30.000.000đ, thuê cẩu và lắp đặt 50.000.000đ, môi giới mua tàu 50.000.000đ, cũng như giá trị mua tàu là 490.000.000đ. Đủ căn cứ xác định tổng số tiền ông Đỗ Đại C đã mua, thuê vận chuyển lắp đặt con tàu 460.710.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi triệu bảy trăm mười nghìn đồng). Do vậy Tòa án cấp sơ thẩm xác định số tiền mua, vận chuyển, lắp ráp con tàu là 460.710.000đ là có căn cứ.

2. Về hành vi vi phạm nội dung hợp đồng giao kèo:

- Hợp đồng hợp tác có nội dung chính là đóng góp mua tàu để sản xuất cát sỏi quá trình hoạt động ông Đỗ Đại C vi phạm quy định về hợp đồng hợp tác, cụ thể:

- Điều 1 của hợp đồng quy định “Thực hiện quy ước cùng đóng góp và hưởng theo lợi nhuận cùng những chi phí theo định mức 50/50”

- Điều 3 của Hợp đồng giao kèo ngày 16/9/2016 thể hiện “Khi sản xuất bên B (tức ông Ma Hoa T) cung cp đầy đủ số lượng cát cho bên A (tức ông Đ Đại C) theo công suất của tàu là 400 - 500m3/ngày.

Bên A (tức ông Đỗ Đại C) có trách nhiệm quyết toán bằng tiền mặt số lượng cát trong ngày, tuần hoặc tháng theo đơn giá 30.000đm3 cát hút lên bờ”

- Phần III mục 2 quy định “Tỷ lệ chia lợi tức: Trừ tất cả chi phí dầu mỡ, công nhân, sửa chữa theo quy định 50/50”.

Tuy nhiên các bên không thực hiện đúng nội dung ghi trong Hợp đồng giao kèo, sau khi mua tàu về ông C không giao tàu cho ông T để ông T trực tiếp vận hành khai thác tàu, ông C lại là người trực tiếp đứng ra khai thác vận hành con tàu. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng ông C không quyết toán số lượng cát, không quyết toán và tính toán chia lợi tức cho ông T như vậy ông Đỗ Đại C đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, mặt khác cả ông Đỗ Đại C và ông Ma Hoa T không có giấy phép khai thác cát, ngày 10/01/2017 UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu dừng việc khai thác tại km16 Thanh Thủy, trên thực tế hoạt động vận hành và khai thác của con tàu đã không còn hoạt động từ đó đến nay. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng giao kèo lập ngày 16/9/2016 giữa ông Ma Hoa T và ông Đỗ Đại C là chưa phù hợp, mà cần tuyên bố chấm dứt hợp đồng hợp tác, Tòa án cấp phúc thẩm chỉnh sửa lại nội dung này cho phù hợp quy định của Bộ luật dân sự.

3. Về việc giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng hợp tác:

3.1 Chi phí mua, vận chuyển lắp đặt tàu:

Tại giấy biên nhận ngày 13/9/2016 giữa ông C và ông T thể hiện ông T giao cho ông C 600.000.000đ với mục đích “Để cùng nhau hợp tác làm ăn (Cổ phần mua tàu hút cát)”.

Mặt khác tại Điều 2 hợp đồng ngày 16/9/2016 về tiến độ đã quy định Bên A (Đỗ Đại C) có trách nhiệm mua tàu, tổ chức vận chuyển đến đúng thời gian, địa điểm để sản xuất.

Như vậy có căn cứ xác định mục đích việc góp vốn 600.000.000đ là để mua tàu hút cát chứ không phải sử dụng để chi phí cho quá trình hoạt động sau này của con tàu. Số tiền góp vốn và số tiền mua con tàu có căn cứ xác định ông C sử dụng tiền từ khoản 600.000.000đ mà ông T góp vốn, do đó Tòa án cấp sơ thẩm đã giao con tàu cho ông T được quyền sở hữu, quản lý, sử dụng và buộc ông C phải thanh toán phần còn lại là 139.290.000đ cho ông T là phù hợp.

3.2 Về chi phí vận hành con tàu cũng như doanh thu phát sinh từ con tàu và yêu cầu kháng cáo của ông Đỗ Đại C về việc yêu cầu ông T bồi hoàn 778.000.000đ: Quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm nhiều lần yêu cầu ông Đỗ Đại C cung cấp các tài liệu chứng cứ về chi phí mua tàu, cũng như chi phí cho hoạt động vận hành và khai thác con tàu (BL101, 102, 137), nhưng ông C đều không cung cấp ông C chỉ nêu ước lượng chi phí Thuê thợ chính vận hành, thuê thợ phụ, thuê người quản lý tàu hút cát, tiền ăn cho 10 người Tất cả x 07 tháng = 896.000.000 đồng; Tiền dầu DIEZEN ước tính 350.000.000 đồng; Mua các thiết bị như củ sên, dây cáp, đầu khuấy, ắc quy tạm tính 280.000.000 đồng; Quan hệ ngoại giao 105.000.000 đồng; Thuê máy cuốc xúc cát lên xe 245.000.000 đồng. Tiền dầu cho máy cuốc xúc cát 280.000.000 đồng. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm tách phần yêu cầu này của ông Đỗ Đại C và dành quyền khởi kiện vụ án khác cho ông C khi có yêu cầu là phù hợp quy định của pháp luật và bảo đảm quyền khởi kiện cho ông C.

Tại phiên tòa phúc thẩm ông Đỗ Đại C xuất trình các bản phô tô các loại sổ sách mà ông Cho rằng đã ghi chép việc vận hành tàu cát các chi phí, các khoản thu của việc vận hành con tàu chung của ông C và ông T đồng thời đề nghị HĐXX Phúc thẩm xem xét giải quyết nội dung ông yêu cầu ông T bồi hoàn 778.000.000đ phần chi phí bị lỗ của con tàu, HĐXX thấy rằng việc ông C không xuất trình các tài liệu chứng cứ chứng minh các khoản chi cho hoạt động của con tàu, do đó Tòa án cấp sơ thẩm tách phần yêu cầu này ra và dành quyền khởi kiện cho ông C khởi kiện vụ án khác là đúng quy định của pháp luật. Việc ông C đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét giải quyết luôn là ngoài phạm vi xét xử phúc thẩm, vì vậy HĐXX không chấp nhận nội dung kháng cáo này và không xem xét đối với phần yêu cầu bồi hoàn này.

4. Về yêu cầu kháng cáo định giá lại con tàu và giao lại con tàu cho ông Đỗ Đại C: HĐXX thấy rằng, về giá trị con tàu ông C đóng, mua của ông Bùi Văn A là 460.710.000đ, quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm ông Ma Hoa T không đề nghị định giá con tàu mà mình đang quản lý và chấp nhận mức giá như mới là 460.710.000đ. Quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm ông C không nhất trí hủy hợp đồng giao kèo do đó xét thấy không cần thiết phải định giá con tàu.

5. Về yêu cầu kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì đã tuyên hủy hợp đồng và không hướng dẫn ông giao nộp những loại chứng cứ gì: Như đã phân tích nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành tách phần yêu cầu bồi hoàn của ông C thành vụ kiện khác là đúng quy định, quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc Tòa án thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện của ông T là đúng quy định bởi lẽ khi các bên trong hợp đồng hợp tác có tranh chấp mà không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự xử lý, giải quyết vụ việc là đúng thẩm quyền và đúng về nội dung, do đó không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đỗ Đại C.

Như vậy cần giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác toàn bộ kháng cáo của ông Đỗ Đại C.

[2]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Đỗ Đại C không được chấp nhận nên ông C phải chịu án phí theo quy định của pháp luật

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ các Điều 357; 385; 468; 504; 505; 512, 422 của Bộ luật dân sự năm 2015;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không Chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Đỗ Đại C - Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 53/2018/DS-ST, ngày 13/11/2018 Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Tuyên Quang như sau:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Ma Hoa T.

Tuyên xử Chấm dứt Hợp đồng giao kèo lập ngày 16/9/2016 ông Ma Hoa T và ông Đỗ Đại C.

Giao cho ông Ma Hoa T được sở hữu 01 (một) tàu hút cát có đặc điểm chiều dài 10,1m, rộng 3,6m gồm hai boong sắt đặt song song hai bên, mỗi boong có chiều dài 10,1m, rộng 1,3m, cao 0,6m. Phần giữa khoảng trống có máy nổ (máy hút) không có ký hiệu riêng nối liền củ sên hút và các thiết bị khác để phục vụ việc khai thác cát, phía trên đầu tàu có 01 trục cần sục cát bằng sắt hàn hộp vuông kích thước một đầu 50cm x 50cm, một đầu 30cm x 30cm, một đầu trục nối liền máy nổ và 01 cột sắt hình chữ A, tàu có mái che bằng tôn (Hiện nay ông T đang quản lý).

Buộc ông Đỗ Đại C phải có nghĩa vụ trả lại cho ông Ma Hoa T tổng số tiền là 139.290.000 đồng (Một trăm ba mươi chín triệu hai trăm chín mươi nghìn đồng).

Khoản tiền phải trả kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và ông Ma Hoa T có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Đỗ Đại C chậm trả tiền thì phải chịu thêm khoản tiền lãi đối với s tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất chậm trả thực hiện theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự.

Ông Đỗ Đại C được quyền khởi kiện vụ án dân sự khác đối với các khoản chi phí vận hành và yêu cầu bồi hoàn đối với ông Ma Hoa T, khi còn thời hiệu khởi kiện.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Đỗ Đại C phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tại biên lai thu số No 0006250 ngày 10/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Tuyên Quang. Ông Đỗ Đại C đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 22/3/2019).

Trường hợp bản án Quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

873
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2019/DS-PT ngày 22/03/2019 về tranh chấp hợp đồng hợp tác

Số hiệu:09/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:22/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về