Bản án 09/2018/HNGĐ-PT ngày 16/11/2018 về ly hôn, tranh chấp cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 09/2018/HNGĐ-PT NGÀY 16/11/2018 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP CẤP DƯỠNG NUÔI CON KHI LY HÔN

Ngày 16 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 11/2018/TLPT-HNGĐ ngày 17 tháng 10 năm 2018, về việc“Ly hôn, tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn”. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 27/2018/QĐ-PT ngày 30 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Trần Thanh S - Sinh năm 1979.

Địa chỉ cư trú: Bản H1, xã N, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.

Nơi làm việc: Đài phát thanh truyền hình tỉnh Điện Biên (Có mặt).

- Bị đơn: Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1979.

Địa chỉ cư trú: Số n, tổ dân phố m, phường N1, thành phố P, tỉnh Điện Biên.

Nơi làm việc: Trường A tỉnh Điện Biên (Có mặt).

- Người kháng cáo: Bị đơn chị Nguyễn Thị H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 05/6/2018 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn anh Trần Thanh S trình bày:

- Anh Trần Thanh S và chị Nguyễn Thị H kết hôn trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện không bị ai ép buộc. Ngày 12/7/2001 đăng ký kết hôn tại UBND xã S1 (nay là xã P1, huyện Đ). Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chung sống hòa thuận hạnh phúc được một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân là do trong quá trình sinh sống vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bất hòa, mục đích hôn nhân không đạt được, hạnh phúc gia đình không có, không thể tiếp tục chung sống. Anh và chị đã không sống chung như vợ chồng từ năm 2014 cho đến nay. Nay anh S đề nghị Tòa án giải quyết cho anh được ly hôn với chị H.

- Về con chung: Vợ chồng anh S, chị H có hai con chung là cháu Trần Diệu V, sinh ngày 05/10/2001 và cháu Trần Duy H2, sinh ngày 26/8/2007. Hiện hai cháu đang sống với mẹ là chị Trần Thị H, do nguyện vọng của chị H muốn được trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng cả hai cháu V và H2 nên anh S đồng ý và sẽ cấp dưỡng nuôi cháu Trần Duy H2 với số tiền là 1.500.000đ/tháng cho đến khi cháu H2 đủ tuổi thành niên.

- Về tài sản: Anh S không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại văn bản trả lời thụ lý vụ án ngày 18/5/2018, trong quá trình tố tụng bị đơn chị Nguyễn Thị H trình bày:

Chị và anh S kết hôn như anh S đã trình bày. Sau khi kết hôn, chung sống hòa thuận, hạnh phúc. Từ năm 2014 phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân là do anh S có lối sống đua đòi, buông thả, quan hệ bất chính với nhiều người phụ nữ. Chị và anh S đã không sống chung như vợ chồng từ năm 2014 cho đến nay, anh S không quan tâm gì đến tôi. Nay anh S yêu cầu ly hôn, tuy đã ly thân nhiều năm nay nhưng vì tôi vẫn còn tình cảm với anh S, hơn nữa hai cháu Trần Diệu V, sinh ngày 05/10/2001 và cháu Trần Duy H2, sinh ngày 26/8/2007 đang ở lứa tuổi vị thành niên, rất cần sự quan tâm, chăm sóc dạy dỗ của cả bố và mẹ, tôi sẽ chấp nhận ly hôn khi cháu H2 đủ 18 tuổi, nên tôi không đồng ý ly hôn.

Về con chung: Chúng tôi có hai con chung là Trần Diệu V, sinh ngày 05/10/2001 và Trần Duy H2, sinh ngày 26/8/2007. Nguyện vọng của tôi nếu phải ly hôn tôi xin được nuôi cả hai cháu vì hai cháu còn nhỏ, cần sự quan tâm chăm sóc của người mẹ. Bản thân anh S từ khi ly thân không quan tâm gì đến mẹ con tôi. Tôi đề nghị anh S cấp dưỡng nuôi cháu H2 là 2.500.000đ/tháng cho đến khi cháu thành niên.

Về tài sản: Chị H không yêu cầu Tòa án giải quyết. Tại các buổi hòa giải anh S và chị H đều thống nhất chị H được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Trần Diệu V và cháu Trần Duy H2. Anh S sẽ cấp dưỡng nuôi cháu Trần Duy H2 với số tiền là 2.500.000đ/tháng.

Vì các lẽ trên bản án sơ thẩm hôn nhân và gia đình số: 24/2018/HNGĐ-ST, ngày 07 tháng 9 năm 2018 quyết định:

1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84, Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Trần Thanh S về việc: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn.

2.1. Về hôn nhân: Anh Trần Thanh S được ly hôn với chị Nguyễn Thị H.

2.2. Về con chung: Chị Nguyễn Thị H được quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Trần Diệu V, sinh ngày 05/10/2001 và cháu Trần Duy H2, sinh ngày 26/8/2007 đến khi các cháu thành niên hoặc đến khi có thay đổi khác. Anh S cấp dưỡng nuôi cháu Trần Duy H2 với số tiền là 2.500.000đ/tháng (hai triệu năm trăm nghìn đồng trên tháng) đến khi cháu H2 thành niên.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Vì lợi ích của con, trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2.3. Về tài sản: Không đề cập giải quyết.

3. Về án phí: Áp dụng khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và điểm a khoản 5, điểm a khoản 6 Điều 27, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Anh Trần Thanh S phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn và 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 300.000đ tại biên lai thu tiền số AA/2016/0001870 ngày 05/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố P, tỉnh Điện Biên anh S còn phải nộp 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng;

Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự, quyền được yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Ngày 20 tháng 9 năm 2018 bị đơn chị Nguyễn Thị H kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm hôn nhân và gia đình số: 24/2018/HNGĐ-ST ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố P. Không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn, giao con chung và cấp dưỡng nuôi con chung, với lý do:

- Chị vẫn còn tình cảm với anh S. Anh S xin ly hôn là do anh có mối quan hệ bất chính với người phụ nữ khác. Tòa án cho anh ly hôn với chị là dung túng cho việc ngoại tình của anh S, chưa bảo vệ quyền lợi của chị và các con. Chị không ly hôn nên không cần giải quyết về con chung.

- Tòa án cấp sơ thẩm tuyên “không đề cập giải quyết” tài sản chung là vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị vì thực tế tài sản chung giữa anh và chị không có nên tòa phải tuyên “tài sản chung không có”, để sau này anh S không có quyền khởi kiện chia tài sản. Nhà đất của chị và anh S hiện nay chị đã có văn bản công chứng công nhận là tài sản riêng của chị.

- Tòa án đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng theo quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS không thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp.

Theo quy định của khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình “...Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng... làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Anh S ngoại tình là nguyên nhân xin ly hôn. Tòa án kết luận hôn nhân của anh và chị có mâu thuẫn trầm trọng và không thể kéo dài và chấp nhận cho ly hôn là không có căn cứ.

Tòa án không xác minh để xác định quan hệ hôn nhân của chị và anh có mâu thuẫn hay không là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Vì Tòa án không thu thập chứng cứ nên Viện kiểm sát nhân dân thành phố P không tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn giữ nguyên ý kiến xin ly hôn, giao con chung và cấp dưỡng nuôi con chung.

- Bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho chị được ly hôn với anh S.

Kiểm sát viên tại phiên tòa có ý kiến: Trong quá trình thụ lý, xét xử vụ án Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định tố tụng. Các đương sự được đảm bảo quyền tố tụng, công khai, bình đẳng trước pháp luật. Xét nội dung kháng cáo thấy mâu thuẫn trong hôn nhân giữa anh S và chị H là trầm trọng, không thể kéo dài mục đích hôn nhân không đạt được. Cấp sơ thẩm cho ly hôn là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo hủy bản án sơ thẩm của chị Nguyễn Thị H.

Tuy nhiên tại phiên tòa các đương sự đều khai tại các phiên hòa giải các đương sự thỏa thuận cấp dưỡng theo tháng với mức cấp dưỡng 2500.000,0đồng/01 tháng cho cháu Trần Duy H2 là có thỏa thuận cả về mức cấp dướng và phương thức cấp dưỡng. Bản án sơ thẩm chưa quy định phương thức cấp dưỡng là chưa quy định rõ ràng.

Các đương sự thỏa thuận được giải quyết mức cấp dưỡng, phương thức cấpdưỡng trước khi mở phiên tòa. Cấp sơ thẩm buộc anh S phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm về cấp dưỡng nuôi con là chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 147BLTTDS, điểm b khoản 6 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016của Uỷ ban thường Vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Từ những phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các Điều 308, 309 BLTTDS sửa bản án sơ thẩm.

Buộc các đương sự chịu án phí theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường Vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Anh S yêu cầu ly hôn và cấp dưỡng nuôi con chung. Tòa án áp dụng điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự và Luật hôn nhân gia đình giải quyết đúng thẩm quyền. Quá trình giải quyết xét xử đảm bảo quyền của các đương sự và đúng trình tự tố tụng.

 [2] Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm anh S đề nghị Hội đồng xét xử xét lại mức trợ cấp nuôi con mà bản án sơ thẩm đã tuyên thấy: Trong quá trình giải quyết vụ án, tại các buổi hòa giải anh S và chị H đều thống nhất chị H được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Trần Diệu V và cháu Trần Duy H2. Anh S sẽ cấp dưỡng nuôi cháu Trần Duy H2 với số tiền là 2.500.000đ/tháng đến khi cháu H2 đủ tuổi thành niên. Bản án ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trong thời hạn kháng cáo anh S, chị H không kháng cáo về nội dung này. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm anh S đề nghị nội dung mới vượt quá nội dung kháng cáo. Căn cứ vào khoản 3 Điều 298 BLTTDS Hội đồng xét xử không xem xét nội dung thay đổi mức trợ cấp nuôi con của anh S.

 [3] Xét kháng cáo của chị H:

 [3.1] Ngày 20 tháng 9 năm 2018 bị đơn chị Nguyễn Thị H kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án số: 24/2018/HNGĐ-ST ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố P trong thời hạn kháng cáo. Nội dung kháng cáo trong phạm vi bản án đã tuyên. Yêu cầu kháng cáo của chị H thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa phúc thẩm theo quy định Điều 270 BLTTDS.

 [3.2] Chị H và anh S kết hôn ngày 12/7/2001, có 02 người con chung. Anh chị đều khai do có mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Từ năm 2014 đến nay chị và anh đã sống ly thân. Tổ trưởng tổ dân phố 6 phường N1, thành phố P nơi cư trú của chị H, trưởng thôn H1, xã N, huyện Đ, nơi cư trú của anh S và Phòng Thương binh xã hội thành phố P đều xác nhận tình trạng không sống chung như vợ chồng của anh S và chị H từ năm 2014 đến nay là sự thật. Tại biên bản trình bày ngày 20/6/2018 và các phiên hòa giải cũng như tại phiên tòa sơ thẩm chị khai anh S sống buông thả, chơi bời đua đòi, có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ, không quan tâm đến chị và các con (gia đình). Tại phiên tòa sơ thẩm chị H chỉ đồng ý ly hôn khi anh S trả tiền cấp dướng nuôi con từ năm 2014 đến khi xét xử và bố mẹ của anh S trả hết khoản nợ đã vay của chị. Tại các đơn trình bày của cháu Trần Duy H2 và Trần Diệu V đều thể hiện anh S đã bỏ nhà đi, trong thời gian bỏ nhà đi không quan tâm chăm sóc các cháu. Khi các cháu ốm đau đều do một mình chị H vay mượn tiền chạy chữa, chăm nom. Cháu V cảm thấy danh dự bị xúc phạm khi người bố sống lêu lổng, chơi bời và tai tiếng.

Tại phiên tòa hôm nay anh S và chị H khai trong cuộc sống chung có xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô sát nhiều lần. Thấy cuộc sống chung không thẻ kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Năm 2014 anh chị cũng đã cùng yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn, nhưng sau đó rút đơn yêu cầu để đoàn tụ.

Từ các chứng cứ nêu trên thấy tòa án cấp sơ thẩm kết luận tình trạng mâu thuẫn trong hôn nhân giữa anh S và chị H trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được và chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của anh S là có căn cứ.

 [3.3] Trong quá trình tố tụng cấp sơ thẩm đã có lời khai của anh S và chị H. Có ý kiến của con chung (Cháu V và H2). Có ý kiến của của đại diện tổ dân phố nơi cư trú của anh S và phòng Thương binh xã hội thành phố P đều xác nhận tình trạng không sống chung như vợ chồng của anh S và chị H từ năm 2014 đến nay. Trong quá trình chuẩn bị xét xử Tòa án đã hòa giải hai lần không thành. Chị H cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng dân sự theo quy tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS không thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp là chưa phù hợp với tài liệu chứng cứ hồ sơ vụ án. Vì vậy không chấp nhận hủy án sơ thẩm theo yêu cầu kháng cáo.

 [3.4] Trong đơn khởi kiện (BL01) và bản tự khai (BL04) của anh S và bản trình bày của chị H (BL 22) đều xác định tài sản chung đã được anh chị tự giải quyết, vụ kiện này không yêu cầu tòa án giải quyết về tài sản chung. Trong đơn kháng cáo chị H cho rằng (Tòa án cấp sơ thẩm tuyên “không đề cập giải quyết” tài sản chung là vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị vì thực tế tài sản chung giữa anh và chị không có nên tòa phải tuyên “tài sản chung không có”, để sau này anh S không có quyền khởi kiện chia tài sản. Nhà đất của chị và anh S hiện nay chị đã có văn bản công chứng công nhận là tài sản riêng của chị). Anh chị không khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản chung. Việc tòa án không đề cập giải quyết tài sản chung trong vụ kiện là phù hợp với quy định tố tụng dân sự. Bản án không làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự đối với tài sản chung của anh, chị và tài sản riêng của chị. Chị H kháng cáo yêu câu hủy án sơ thẩm để xét xử và ghi nhận bằng bản án nội dung “tài sản chung không có”, để sau này anh S không có quyền khởi kiện chia tài sản là không có căn cứ vì: Quyền tài sản là quyền gắn liền với một tài sản nhất định phù hợp với quy định của pháp luật của chủ tài sản. Trong vụ kiện chị H và anh S không yêu cầu giải quyết về tài sản chung nên yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản của chị để anh S không có quyền khởi kiện là vượt quá yêu cầu khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 244 BLTTDS. Quyền khởi kiện hưởng quyền dân sự đối với tài sản là quyền được quy định trong tố tụng dân sự và bộ luật dân sự. Chị yêu cầu Tòa án tuyên “tài sản chung không có”, để sau này anh S không có quyền khởi kiện chia tài sản là không phù hợp với quy định pháp luật, vì vậy chị H kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm là không có căn cứ.

 [3.5] Sau khi thụ lý vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã ra thông báo thụ lý vụ án số148 ngày 05/6/2018 gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố P và các đương sự. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố P không cử kiểm sát viên tham gia trực tiếp trong quá trình giải quyết, xét xử sơ thẩm. Căn cứ vào khoản 2 Điều 21 BLTTDS quy định: Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn về nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 điều 4 của bộ luật này. Trong đơn kháng cáo chị H cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng vì không xác minh để xác định quan hệ hôn nhân của chị và anh có mâu thuẫn hay không. Việc Tòa án không thu thập chứng cứ nên Viện kiểm sát nhân dân thành phố P không tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, là chưa phù hợp với quy định của Điều 21 BLTTDS nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu hủy bản án sơ thẩm. [4] Xét nội dung bản án liên quan đến nội dung kháng cáo.

[4.1] Án sơ thẩm tuyên: Chị Nguyễn Thị H được quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Trần Diệu V, sinh ngày 05/10/2001 và cháu Trần Duy H2, sinh ngày 26/8/2007 đến khi các cháu thành niên hoặc đến khi có thay đổi khác. Anh S cấp dưỡng nuôi cháu Trần Duy H2 với số tiền là 2.500.000đ/tháng (hai triệu năm trăm nghìn đồng trên tháng) đến khi cháu H2 đủ tuổi thành niên. Tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự khai sự tỏa thuận này bao gồm mức cấp dưỡng 2500.000,0đồng/tháng và phương thức cấp dưỡng theo tháng. Nhưng bản án sơ thẩm chưa xác định phương thức cấp dưỡng theo quy định của Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình để làm căn cứ thi hành cấp dưỡng. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả bản án Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 308, 309 BLTTDS sửa bản án sơ thẩm.

 [4.2] Tại biên bản hòa giải ngày 13/7/2018 và ngày 14/8/2018 anh S và chị H đều thống nhất khi ly hôn chị H trực tiếp nuôi dưỡng hai người con chung. Anh S cấp dưỡng nuôi con cho cháu Trần Duy H2 mỗi tháng 2.500.000,0đồng. Phương thức cấp dưỡng theo tháng. Án sơ thẩm buộc anh Trần Thanh S chịu 300.000,0đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng là áp dụng không đúng quy định khoản 3 Điều 147 BLTTDS, điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án (...Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng trưc khi mở phiên tòa nhưng có yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch…). Để đảm bảo lợi ích của đương sự Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 308, 309 BLTTDS sửa bản án sơ thẩm.

 [5] Về án phí: Căn cứ vào Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và điểm a khoản 5, điểm a khoản 6 Điều 27, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 148 BLTTDS và khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm nên chị H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả cho chị Nguyễn Thị H tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 308, 309 Bộ luật tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo hủy án sơ thẩm của chị Nguyễn Thị H. Sửa bản án dân sự sơ thẩm như sau:

1. Áp dụng khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84, Điều 116, 117 Luật Hôn nhân và gia đình; khoản 1 Điều 2, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản1 Điều 39, khoản 4 Điều 147, khoản 2 Điều 148 và các Điều 244, 293 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm a khoản 5, điểm a khoản 6 Điều 27, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Trần Thanh S về việc: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn.

2.1. Về hôn nhân: Anh Trần Thanh S được ly hôn với chị Nguyễn Thị H. 

2.2. Về con chung:

Chấp nhận sự thỏa thuận của các đương sự:

Chị Nguyễn Thị H trực tiếp nuôi dưỡng hai người con chung: Cháu Trần Diệu V, sinh ngày 05/10/2001. Cháu Trần Duy H2, sinh ngày 26/8/2007. Anh S cấp dưỡng nuôi cháu Trần Duy H2 theo tháng với số tiền là 2.500.000đ/tháng (hai triệu năm trăm nghìn đồng trên tháng) kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (Ngày 16/11/2018) đến khi cháu H2 đủ tuổi thành niên.

Sau khi ly hôn anh S có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở. Vì lợi ích của người con, trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2.3. Về tài sản: Anh S, chị H không yêu cầu tòa án giải quyết.

3. Về án phí:

3.1. Án phí sơ thẩm: Anh Trần Thanh S phải chịu 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng chẵn) án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn và 150.000đ (Một trăm năm mươi ngàn đồng chẵn) án phí dân sự sơ thẩm đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 300.000đ tại biên lai thu tiền số AA/2016/0001870 ngày 05/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố P, tỉnh Điện Biên. Anh S còn phải nộp 150.000đ (Một trăm năm mươi nghìn đồng) án phí dân sự đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng;

3.2. Án phí phúc thẩm: Chị H không phải chịu án phí phúc thẩm. Trả cho chị H 300.000,0đồng dự phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0002046 ngày 28/9/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố P.

Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Án xử công khai có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (Ngày 16/11/2018).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

578
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2018/HNGĐ-PT ngày 16/11/2018 về ly hôn, tranh chấp cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn

Số hiệu:09/2018/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 16/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về