Bản án 09/2017/HS-ST ngày 27/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THUẬN BẮC, TỈNH NINH THUẬN

BẢN ÁN 09/2017/HS-ST NGÀY 27/07/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 27 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 08/2017/HSST ngày 31 tháng 5 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/QĐXX-HSST ngày 17 tháng 7 năm 2017 đối với bị cáo: A, sinh ngày 01-6-1984, tại xã N, huyện P, tỉnh Ninh Thuận; nơi cư trú: thôn P, xã M, huyện N, tỉnh Ninh Thuận; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Thiên chúa giáo; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa: học lớp 12/12; con ông B, sinh năm 1966 và bà C, sinh năm 1966; có vợ là chị D, sinh năm 1984 và 01 người con, sinh ngày 13-11-2015; tiền án, tiền sự: không có; bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. (có mặt)

Người bào chữa: ông Lê Trung, Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH MTV Trung Hiếu. (có mặt)

Người làm chứng:

1. Chị D, sinh năm 1984. (có mặt)

2. Ông E, sinh năm 1970. (có mặt)

3. Anh E1, sinh năm 1995. (vắng mặt)

4. Anh E2, sinh năm 1993. (vắng mặt)

5. Bà E3, sinh năm 1972. (có mặt)

6. Bà E4, sinh năm 1973. (có mặt)

7. Ông E5, sinh năm 1944. (vắng mặt)

8. Ông E6, sinh năm 1970. (có mặt)

Cùng trú tại: thôn M, xã N, huyện P, tỉnh Ninh Thuận.

Người giám định: ông Trần Việt Sơn – Bác sỹ, Giám định viên thuộc Trung tâm pháp y tỉnh Ninh Thuận. (có mặt)

Bị hại: anh G, sinh năm 1984; nơi cư trú: thôn M, xã N, huyện P, tỉnh Ninh Thuận, đang bị tạm giam tại Công an huyện P. (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Theo Bản Cáo trạng: Khoảng 19 giờ ngày 18-6-2016, bị cáo A và vợ là chị D, ngồi ăn cơm với ba mẹ chị D ở phòng khách thì anh G và những người thân là bà E3, ông E, anh E2 và một số người khác, trú cùng thôn với A, kéo đến đứng trước sân nhà A để hỏi sự việc A đánh bà E3 (chị ruột của anh G). Thấy vậy, A ra sau nhà lấy một cây mỏ gảy (dài 1,87m, cán tre, đường kính 03cm, hai thanh lưỡi kim loại sắc nhọn, dài 37cm) dựng ở vách tường trong nhà, rồi đứng ở đường đi giữa phòng khách và phòng ngủ, cãi nhau với anh G. Anh G bước vào nhà để đánh A, khi cách khoảng 03m thì bị A cầm mõ gảy bằng hai tay hướng phần lưỡi về phía anh G đâm hai nhát liên tiếp. Anh G cúi đầu tránh bị lưỡi mỏ gảy trúng sượt vào vùng đỉnh đầu. A đâm tiếp nhát thứ ba thì anh G lấy cây quạt bàn nhà A đưa lên đỡ được, rồi ném cây quạt vào người A và bỏ chạy ra trước sân. Tại đây, A và anh G cùng nhóm người thân của anh G xô xát nhau gây thương tích cho A. Ông E bị chị D (vợ A) dùng khúc gỗ đánh vào đầu gây thương tích 3%. Sau đó, mọi người được can ngăn ra về.

Tại phiên tòa, theo lời khai của Bị cáo, Bị hại và những người làm chứng thì trước đó, vào khoảng 16 giờ 40 phút cùng ngày, anh G và anh E2 có đến nhà A gây sự, đập hư hỏng cửa chính (bằng sắt). Người nhà của A đã báo Công an xã N lập biên bản sự việc. Đến 19 giờ xảy ra sự việc nêu trên. Bị cáo và Người bào chữa khiếu nại hành vi tố tụng của Điều tra viên khi không thu thập sự kiện anh G và người thân đập phá tài sản nhà A để đánh giá toàn diện vụ án.

Cơ quan Điều tra đã ra quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi anh G gây thương tích cho A.

Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 104/TgT ngày 15-8- 2016, Trung tâm Pháp y tỉnh Ninh Thuận xác định tình trạng thương tích của anh G như sau:

- Vết thương dọc giữa đỉnh đầu, sẹo liền phẳng, kích thước (4,5 x 0,2)cm (01%); (01%).

- Vết thương dọc đỉnh đầu phải, sẹo liền tốt, phẳng, kích thước (3 x 0,1)cm,

Cơ chế hình thành vết thương: Nhận định do vật tày có cạnh gây nên. Kết luận: Sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên hiện tại là 02%.

Bị hại yêu cầu Bị cáo bồi thường thiệt hại 4.086.000 đồng.

Bản Cáo trạng số 09/CT-VKS ngày 29-5-2017 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện P truy tố bị cáo A về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Theo tài liệu tại hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa, Bị cáo đã có hành vi dùng cây mỏ gảy là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho anh G tỉ lệ tổn thương cơ thể 02%. Hành vi của Bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, và Bị hại yêu cầu khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104 của BLHS năm 1999.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đề nghị áp dụng cho Bị cáo: Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của Bị hại gây ra; Bị hại cũng có lỗi; tại phiên tòa, Bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho Bị cáo. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm đ, h, p khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 46 của BLHS năm 1999. Bị cáo có nhân thân tốt nên đề nghị phạt Bị cáo từ 06 đến 09 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách tương ứng.

Trách nhiệm dân sự: Công nhận sự thỏa thuận của các bên tại phiên tòa, đề nghị buộc Bị cáo bồi thường cho Bị hại số tiền 4.086.000đ.

Vật chứng: Đề nghị tịch thu, tiêu hủy cây mỏ gảy là công cụ phạm tội.

Người bào chữa cho Bị cáo tranh luận: Nhất trí với nội dung vụ án được làm rõ tại phiên tòa, không đồng ý quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát, bởi lẽ, Bị hại và người thân đã có hành vi đập phá tài sản nhà Bị cáo vào lúc 16 giờ 40 phút ngày 18-6-2016, đến 19 giờ cùng ngày, Bị hại và người thân tiếp tục kéo đến nhà Bị cáo có hành vi chửi bới, đe dọa, sau đó Bị hại vào nhà để đánh Bị cáo, vì vậy Bị cáo đã chống trả lại để tự bảo vệ mình và người thân trong gia đình là cần thiết. Đây là hành vi phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 15 của BLHS năm 1999 nên không phải là tội phạm.

Người giám định giải thích kết luận giám định đối với cơ chế với thương của anh G: Cây mỏ gảy có hai lưỡi nhọn, nếu đâm trượt vào vùng đầu có thể để lại vết thương dài. Sau khi điều trị, cơ chế vết thương để lại có đặc điểm tương đồng như do vật tày có cạnh gây ra.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Điều tra Công an P, tỉnh Ninh Thuận, Điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Ninh Thuận, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS năm 2003. Tại phiên tòa, Bị cáo và Người bào chữa có ý kiến khiếu nại về hành vi của Điều tra viên không thu thập sự kiện xảy ra vào lúc 16 giờ 40 phút ngày 18-6-2017 dẫn đến việc đánh giá tính chất vụ án không toàn diện là có căn cứ. Mặt khác, việc tách vụ án của Cơ quan Điều tra đối với hành vi gây thương tích của G cho A là không phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 117 của BLTTHS năm 2003, lẽ ra phải giải quyết trong cùng vụ án.

[2] Bị cáo A là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Do có mâu thuẫn trước đây, anh G và người thân kéo đến nhà A gây sự hai lần trong ngày. Lần thứ nhất, anh G và anh E2 đến nhà A đập phá làm hư hỏng tài sản; lần thứ hai, anh G cùng nhiều người thân đến trước sân nhà A gây gổ, sau đó anh G vào nhà có ý định đánh A bằng tay thì bị A dùng cây mỏ gảy là vật có lưỡi nhọn, được đánh giá là hung khí nguy hiểm, gây thương tích cho anh G tỉ lệ tổn thương cơ thể 02%. Hành vi của Bị cáo thể hiện sự chuẩn bị (lấy hung khí) và sẵn sàng đánh nhau, trong khi có một khoảng thời gian để lựa chọn cách xử sự khác (chẳng hạn như báo cơ quan chức năng xử lý); thực tế anh G chưa thực hiện hành vi xâm phạm lợi ích chính đáng của Bị cáo hoặc người thân của Bị cáo nên hành vi của Bị cáo không thể xem là sự chống trả cần thiết, vì vậy, hành vi này không phải là phòng vệ chính đáng. Do đó, Bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104 của BLHS năm 1999. Việc đập phá tài sản và chủ động gây gổ của Bị hại và người thân là hành vi trái pháp luật làm cho Bị cáo bị kích động về tinh thần dẫn đến thực hiện tội phạm được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 của BLHS năm 1999 theo ý kiến của Viện Kiểm sát là phù hợp.

[3] Các tình tiết giảm nhẹ khác áp dụng cho Bị cáo theo đề nghị của Viện Kiểm sát là có căn cứ nên chấp nhận.

[4] Xét tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội, các tình tiết giảm nhẹ và nhân thân của Bị cáo; tội phạm Bị cáo thực hiện là tội ít nghiêm trọng, Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, đủ điều kiện áp dụng Điều 31 của BLHS năm 1999, phạt cải tạo không giam giữ. Bị cáo làm nông, thu nhập không ổn định và phải nuôi con nhỏ (sinh ngày 13-11-2015) nên không khấu trừ thu nhập.

[5] Trách nhiệm dân sự: Công nhận sự thỏa thuận tại phiên tòa của các bên về việc Bị cáo bồi thường cho Bị hại 4.086.000 đồng.

[6] Ý kiến xử lý vật chứng của Viện Kiểm sát là đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 76 của BLTTHS năm 2003 nên chấp nhận.

[7] Về án phí: Theo quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 26, khoản 1 Điều 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (kèm theo Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án), Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo A phạm tội “cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104, điểm đ, h, p khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 46, Điều 31 của Bộ luật Hình sự năm 1999, phạt bị cáo A 06 (sáu) tháng cải tạo không giam giữ. Thời gian cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định và bản sao Bản án. 

Giao A cho Ủy ban nhân dân xã N, huyện P, tỉnh Ninh Thuận giám sát, giáo dục.

Áp dụng Điều 357, 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc A bồi thường cho anh G 4.086.000 (bốn triệu không trăm tám mươi sáu ngàn) đồng.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thi hành án thì phải chịu lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tịch thu, tiêu hủy một mỏ gảy theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 01-6-2017 của Công an và

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thuận Bắc.

Áp dụng điểm a, c khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 26, khoản 1 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (kèm theo Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án), Bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm ngàn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 300.000 (ba trăm ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bản án này được thi hành theo Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Án xử sơ thẩm có mặt Bị cáo, Bị hại, quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (ngày 27-7-2017).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

356
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2017/HS-ST ngày 27/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:09/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thuận Bắc - Ninh Thuận
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:27/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về