Bản án 09/2017/HS-ST ngày 20/09/2017 về tội hủy hoại rừng

TOÀ ÁN ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Q, TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 09/2017/HS-ST NGÀY 20/09/2017 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 20 tháng 9 năm 2017, Tại trụ sở tổ dân phố 03, thị trấn T, huyện Q, tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 08/2017/HSST ngày 18 tháng 8 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 08/2017/HSST-QĐ ngày 06 tháng 9 năm 2017 đối với các bị cáo:

1. Ly Mí S; Tên gọi khác: Không; Sinh năm 1976 tại xã Du Già, huyện Y, tỉnh Hà Giang; Nơi cư trú: Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Làm nương; trình độ văn hóa: 3/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Ly Chúa P (đã chết) và bà Vàng Thị C, sinh năm 1947; có vợ Hạng Thị S, sinh năm 1978 và 03 con, con lớn nhất sinh năm 2006, con nhỏ nhất sinh năm 2009; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; bị bắt, tạm giam ngày 17/3/2017, hiện đang tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Q, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

2. Hạng Mí L; Tên gọi khác: không; Sinh năm 1977 tại xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang; Nơi cư trú: Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Làm nương; Trình độ văn hóa: 1/12; dân tộc : Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hạng Chẩn S (Đã chết) và bà Lò Thị M, sinh năm 1936; có vợ Lò Thị M (Đã chết) và 02 con, con lớn nhất sinh năm 2001, con nhỏ nhất sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; Bị bắt tạm giam ngày 31/5/2017, hiện đang tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Q, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

3. Hạng Thị S; Tên gọi khác: Không; Sinh năm 1978 tại xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang; Nơi cư trú: Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Làm nương; trình độ văn hóa: 0/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hạng Chẩn C (Đã chết) và bà Ly Thị B, sinh năm 1943; có chồng Ly Mí S, sinh năm 1976; và 03 con, con lớn nhất sinh năm 2006, con nhỏ nhất sinh năm 2009; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; hiện đang tại ngoại tại nơi cư trú. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Ly Mí S: Ông Cao Xuân Bé là Luật sư cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang. Vắng mặt (có đơn xin xét xử vắng mặt ngày 14/9/2017, kèm theo bản luận cứ bào chữa).

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang.

- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: Ông Vàng Vần C, chức vụ: Chủ tịch, ủy quyền ông Viên Ngọc T, chức vụ: Phó chủ tịch (giấy ủy quyền ngày 20/5/2017). Có mặt.

- Người tham gia tố tụng khác:

Người làm chứng: Bà Ma Thị S, Lù Thị D, Hạng Mí Q, Hạng Thị D, cùng trú tại: Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang . Có mặt.

Người phiên dịch tiếng mông: Bà Vương Thị H, trú tại tổ 03 thị trấn T, huyện Q, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 19 giờ ngày 06/02/2017, Ly Mí S bàn với vợ Hạng Thị S là nhà mình ít ruộng nương, nhà ông Hạng Mí L có mảnh nương bỏ cách đây 10 năm không trồng ngô, nay đã thành rừng, đi hỏi ông L cho mình phát để trồng ngô, S đồng ý. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, Ly Mí S cầm 01 chai rượu loại chai AB dung tích 500ml đến nhà Hạng Mí L tại Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang, S và L cùng uống rượu, sau đó S hỏi xin L cho S chặt phá cây rừng trên mảnh đất cách đây 10 năm gia đình L đã trồng ngô, thuộc Thôn S, xã T, huyện Q để trồng ngô, L biết khu rừng này đã không thuộc mình quản lý nhưng L vẫn nhất trí. L nói cho S chặt phá cây rừng để trồng ngô một năm thì S phải cho L 700.000 đồng, S nói là 400.000 đồng thôi, L nhất trí, S lấy trong túi ra đưa cho L 200.000 đồng, còn 200.000 đồng S bảo trả sau, L nhất trí cầm 200.000 đồng, sau đó S đi về nhà. Từ ngày 07 đến ngày 10/02/2017, Ly Mí S và Hạng Thị S đi trồng ngô đổi công với các hộ cùng Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang.

Đến ngày 12/02/2017, Ly Mí S và Hạng Thị S gọi những người mà vợ chồng S đã đổi được công và dặn họ mỗi người mang 01 con dao quắm để đi chặt phá rừng trả công cho vợ chồng S, gồm: Hạng Mí S, sinh năm 1992; Ma Thị S, sinh năm 1980; Ly Mí S, sinh năm 1998; Ly Mí P, sinh năm 2003; Lù Thị D, sinh năm 1986; Hạng Mí Q, sinh năm 1982, Ly Mí L, sinh năm 1962, cùng trú tại Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang và Sùng Thị V, sinh năm 2005, trú tại xã Đ, huyện Y, tỉnh Hà Giang. Vợ chồng S cùng 08 người này chặt phá cây rừng tại diện tích rừng Hạng Mí L cho S chặt từ khoảng 09 giờ đến 17 giờ cùng ngày.

Ngày 13/02/2017, vợ chồng Ly Mí S lại gọi tiếp 02 người: Vàng Thị D, sinh năm 1991 và Hạng Thị D, sinh năm 1968, cùng trú tại: Thôn S, xã T, huyện Q đến vị trí khu rừng trên cùng vợ chồng Ly Mí S dùng dao tiếp tục chặt phá từ khoảng 09 đến 17 giờ cùng ngày.

Ngày 14/02/2017, Ly Mí S cùng Hạng Thị S tiếp tục đến khu rừng trên dùng dao chặt phá từ 9 đến 17 giờ cùng ngày.

Ngày 02/3/2017, đội tuần tra của Ủy ban nhân dân xã T phát hiện khu rừng trên bị chặt phá với diện tích lớn, đã tiến hành xác minh Ly Mí S và nhiều người tham gia chặt phá, báo cáo các cơ quan chức năng của huyện để giải quyết theo thẩm quyền. Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 03/3/2017, Biên bản xác minh hiện trường ngày 22/5/2017 và biên bản kiểm tra hiện trường ngày 24/5/2017 của các cơ quan chức năng xác định: Khu rừng Hạng Mí L cho vợ chồng Ly Mí S, Hạng Thị S chặt phá để trồng ngô là khu rừng phòng hộ thuộc lô 30, 31, khoảnh 15, tiểu khu 56B (theo trích lục bản đồ hiện trạng rừng năm 2015 xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang, theo Quyết định số 456/QĐ-UBND ngày 24/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng tỉnh Hà Giang). Tổng diện tích rừng bị chặt phá là 3.350m2, (đo bằng máy DPS MAP 78 thành một vòng khép kín nối lại). Trong đó: Ngày 12/02/2017, Ly Mí S, Hạng Thị S, Hạng Mí S, Ma Thị S, Ly Mí S, Ly Mí P, Lù Thị D, Hạng Mí Q, Ly Mí L và Sùng Thị V chặt phá là 1.450m2; Ngày 13/02/2017, Ly Mí S, Hạng Thị S, Vàng Thị D, Hạng Thị D chặt phá là 920m2; Ngày 14/02/2017, Ly Mí S và Hạng Thị S chặt phá là 980m2. Tổng số cây bị chặt phá là 110 cây gỗ = 7,991m3, gồm các loại gỗ thuộc nhóm VI đến nhóm VIII, có đường kính từ 10cm đến 20cm, dài từ 2 mét đến 9 mét.

Tại bản kết luận về việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 03/KL- HĐĐGTS ngày 27/3/2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Q, khối lượng gỗ 7,991m3 từ nhóm VI đến nhóm VIII có giá trị là 4.927.786 đồng.

Vật chứng thu giữ được:

- 02 dao quắm (01 dao dài 30cm, rộng 6cm; 01 dao dài 27cm, rộng 4cm).

-110 cây gỗ = 7,991m3, gồm các loại gỗ thuộc nhóm VI đến nhóm VIII, có đường kính từ 10cm đến 20cm, dài từ 2 mét đến 9 mét đang để tại hiện trường, đã giao cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Hà Giang.

Vật chứng chưa thu giữ được: Ngày 06/02/2017 Hạng Mí L nhận số tiền 200.000 đồng từ Ly Mí S, ngày 24/2/2017 Ly Mí S đã đòi lại nhưng Hạng Mí L mới trả cho Ly Mí S 100.000 đồng, còn 100.000 đồng Hạng Mí L đã chi tiêu cá nhân hết.

Tại bản cáo trạng số 08/VKS-HS ngày 17/8/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Q đã truy tố các bị cáo: Ly Mí S, Hạng Thị S và Hạng Mí L về tội Hủy hoại rừng theo điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự và theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Q thực hành quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quan điểm đã truy tố các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; Điều 31; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7, điểm c khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuyên phạt bị cáo Ly Mí S từ 15 đến 18 tháng tù; Hạng Mí L từ 30 đến 36 tháng cải tạo không giam giữ; Hạng Thị S từ 20 đến 24 tháng cải tạo không giam giữ, giao các bị cáo L, S cho UBND xã T, huyện Q giám sát giáo dục.

Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa các bị cáo Ly Mí S, Hạng Thị S và Hạng Mí L đã thỏa thuận cùng nhau liên đới trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá theo quy định tại khoản 1 Điều 589 của Bộ luật Dân sự.

Về vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự, Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên truy thu sung quỹ Nhà nước: Số tiền 200.000 đồng, của Ly Mí S 100.000 đồng, Hạng Mí L 100.000 đồng. Tịch thu sung quỹ Nhà nước 110 cây gỗ =7,991m3, gồm các loại gỗ thuộc nhóm VI đến nhóm VIII, có đường kính từ 10cm đến 20cm, dài từ 2 mét đến 9 mét; Tịch thu tiêu hủy 02 con dao quắm dùng vào việc phạm tội.

Đối với các đối tượng tham gia chặt phá rừng cùng vợ chồng Ly Mí S, nhưng diện tích chặt phá chưa đến mức truy tố nên cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan Hạt kiểm lâm huyện Q để xử lý theo thẩm quyền.

Án phí: Các bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo Ly Mí S, Hạng Thị S, Hạng Mí L đã khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội như nội dung bản Cáo trạng truy tố, không có ý kiến tranh luận và nhất trí với lời luận tội của Kiểm sát viên, hứa sẽ cùng nhau khắc phục hậu quả trồng lại diện tích rừng đã chặt, phá. Xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Tại bản luận cứ của Luật sư Cao Xuân Bé bào chữa cho bị cáo Ly Mí S thể hiện quan điểm: Hành vi phát rừng của bị cáo Ly Mí S và Hạng Thị S là nguy hiểm cho xã hội, bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Q truy tố để xét xử về tội hủy hoại rừng là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, bị cáo là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 46 của Bộ luật hình sự. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo Ly Mí S, Hạng Thị S được hưởng sự khoan hồng của pháp luật với hình phạt là cải tạo không giam giữ cũng là nghiêm khắc để Ly Mí S, Hạng Thị S có cơ hội cải tạo sớm trở thành công dân có ích cho xã hội, lao động nuôi các con còn nhỏ, trồng lại diện tích rừng do mình đã phá.

Ý kiến của Viện kiểm sát: Bản luận cứ của Luật sư Cao Xuân Bé bảo vệ quyền lợi cho bị cáo S ghi “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là không đúng, vì theo khoản 3 Điều 8 của Bộ luật Hình sự quy định, tội phạm ít nghiêm trọng là trường hợp tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù. Trong vụ án này truy tố các bị cáo theo điểm b khoản 3 Điều 189 của Bộ luật Hình sự có khung hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm và áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, điểm c khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định có khung hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự, ông Viên Ngọc T nhất trí lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến điều kiện, hoàn cảnh gia đình của các bị cáo rất khó khăn và là hộ nghèo tại xã, việc các bị cáo tự nguyện cam kết hứa sẽ cùng nhau trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã bị chặt phá, đại diện nguyên đơn dân sự nhất trí và không có đề nghị gì thêm. Mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Lời nói sau cùng của các bị cáo: Các bị cáo đều nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật, Hội đồng xét xử xử phạt các bị cáo là đúng người đúng tội, rất mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q, Điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Q, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, nguyên đơn dân sự và những người tham gia tố tụng khác không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, Hội đồng xét xử khẳng định các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Khoảng 19 giờ ngày 06/02/2017, bị cáo Ly Mí S bàn bạc với vợ là Hạng Thị S sang hỏi Hạng Mí L cho mượn đất rừng đã bỏ hoang cách đây 10 năm để phát nương trồng ngô, S nhất trí. Ly Mí S sang hỏi Hạng Mí L, L nhất trí cho vợ chồng Ly Mí S mượn đất rừng phát nương để trồng ngô nhưng phải trả cho Hạng Mí L 400.000 đồng một năm, Ly Mí S đồng ý và đưa trước cho L 200.000 đồng. Được sự đồng ý cho thuê đất rừng của Hạng Mí L nên ngày 12, 13, 14/2/2017, vợ chồng Ly Mí S gọi những người mà vợ chồng S đã đổi được công và dặn họ mỗi người mang 01 con dao quắm để đi chặt phát rừng trả công cho vợ chồng S tại diện tích rừng mà Hạng Mí L cho mượn thuộc lô 30, 31, khoảnh 15, tiểu khu 56B, Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang. Diện tích rừng này là rừng phòng hộ (theo trích lục bản đồ hiện trạng rừng năm 2015 xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang, theo Quyết định số 456/QĐ-UBND ngày 24/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng tỉnh Hà Giang), do Ủy ban nhân dân xã T quản lý.

Hạng Mí L, không được Nhà nước giao quản lý, sử dụng diện tích rừng đã bị chặt phá trên, vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng L vẫn cố tình cho vợ chồng Ly Mí S chặt phá, để được nhận 400.000 đồng. Từ việc L nhất trí cho mượn nên vợ chồng Ly Mí S đã nhờ một số người cùng phát rừng, dẫn tới  hậu quả 3.350m2 rừng phòng hộ bị chặt phá. Căn cứ vào điểm c khoản 5 Điều 20 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì diện tích mà các bị cáo Ly Mí S, Hạng Thị S đã chặt phá rừng phòng hộ vượt trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 3.6 mục 3 phần IV Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì hành vi của các bị cáo Ly Mí S, Hạng Thị S thuộc trường hợp rất nghiêm trọng theo điểm b khoản 3 Điều của 189 của Bộ luật Hình sự.

Hành vi của bị cáo Hạng Mí L mặc dù không trực tiếp tham gia chặt phá rừng nhưng bị cáo đã tạo niềm tin giúp sức về mặt tinh thần cho vợ chồng Ly Mí S thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, nếu không có sự đồng ý của Hạng Mí L thì sẽ không xảy ra việc chặt phá rừng của vợ chồng Ly Mí S, từ hành vi của bị cáo làm xảy ra hậu quả nghiêm trọng là một diện tích lớn rừng phòng hộ đã bị chặt phá, vì vậy bị cáo L là đồng phạm với vai trò người giúp sức nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 3 Điều của 189 của Bộ luật Hình sự.

Hành vi hủy hoại rừng của các bị cáo đã xâm hại trực tiếp tới các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, gây thiệt hại cho môi trường sinh thái, dẫn đến mất cân bằng sinh thái của môi trường, làm giảm tác dụng bảo vệ của rừng đối với cộng đồng dân cư khi có thiên tai, làm xấu đi ý thức của nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Từ những căn cứ nêu trên, đã có đủ cơ sở để kết luận hành vi của các bị cáo Ly Mí S, Hạng Thị S và Hạng Mí L đã phạm vào tội Hủy hoại rừng. Do vậy Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ lời luận tội của Kiểm sát viên đối với hành vi của các bị cáo theo điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có cơ sở.

Khoản 3 Điều 189 của Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định:

“ 1. …

2

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

a)…

b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; …”

Căn cứ theo điểm b khoản 1; điểm h, i khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13. Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Theo đó cần áp dụng khung hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo quy định có hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm là có lợi cho người phạm tội.

Các bị cáo tham gia thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm, căn cứ Điều 53 của Bộ luật hình sự, để có mức án tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo, do đó cần xem xét vai trò, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của từng bị cáo trong vụ án. Bị cáo Ly Mí S là người giữ vai trò chính trong việc chặt phá rừng, vì vậy cần có mức hình phạt nghiêm khắc hơn các bị cáo còn lại, mới tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Gia đình bị cáo khó khăn, nếu áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo thì bị cáo không có khả năng thi hành được, nếu xử phạt cải tạo không giam giữ theo đề nghị của Luật sư bào chữa thì không đủ tác dụng dăn đe, phòng ngừa chung nên bác đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Do đó, cần cách ly bị cáo thêm một thời gian nhất định đủ để cải tạo giáo dục bị cáo thành công dân tốt, biết tuân thủ pháp luật.

Bị cáo Hạng Mí L là người ủng hộ, cổ súy, giúp sức cho Ly Mí S chặt phá rừng. Bị cáo L không có quyền quản lý, sử dụng rừng nhưng lại cho phép vợ chồng Ly Mí S chặt phá rừng, như vậy bị cáo đã coi thường pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là diện tích 3.350m2 rừng phòng hộ bị chặt phá. Bị cáo Hạng Thị S vì am hiểu pháp luật hạn chế nên đã ủng hộ, nhất trí cùng chồng là bị cáo Ly Mí S tích cực và trực tiếp hủy hoại rừng, do đó cần áp dụng hình phạt đủ nghiêm đối với các bị cáo. Tuy nhiên các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn, hối cải, nhận rõ lỗi lầm của mình và hứa sẽ sửa chữa khắc phục hậu quả là trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã chặt phá, mặt khác các bị cáo đều thuộc hộ nghèo tại xã, là người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ văn hóa thấp, am hiểu pháp luật hạn chế, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cần được áp dụng cho các bị cáo theo quy định tại điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử căn cứ vào nhân thân của các bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trên cơ sở cân nhắc đầy đủ, toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra xét thấy cần phải cách ly bị cáo Ly Mí S ra ngoài xã hội thêm một thời gian nữa có như vậy mới đủ tác dụng răn đe, giáo dục các bị cáo trở thành công dân tốt, có ý thức trong việc chấp hành pháp luật và các quy tắc của đời sống xã hội. Đối với các bị cáo Hạng Mí L và Hạng Thị S đáng lẽ phải cách ly các bị cáo khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục các bị cáo. Nhưng, hoàn cảnh gia đình các bị cáo hiện tại rất khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã: Vợ chồng bị cáo Ly Mí S và Hạng Thị S có 03 con còn rất nhỏ, cần có bố hoặc mẹ chăm sóc, giáo dục; còn đối với bị cáo L thì vợ bị cáo chết năm 2013, hiện đang phải chăm sóc mẹ già và 2 con nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình (bút lục số 309 đến 314). Vì vậy không nhất thiết phải cách ly các bị cáo L, S khỏi đời sống xã hội mà cần cho các bị cáo cải tạo tại địa phương cũng đủ tác dụng giáo dục các bị cáo trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Do đó, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cho các bị cáo để các bị cáo có điều kiện lao động, khắc phục thiệt hại trồng lại rừng và có điều kiện để chăm sóc mẹ già, nuôi dạy, giáo dục các con nhỏ. Giao các bị cáo cho chính quyền địa phương nơi các bị cáo thường trú giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo theo quy định tại Điều 31 của bộ Bộ luật Hình sự. Như vậy cũng đủ tác dụng để cải tạo các bị cáo thành công dân lương thiện, sống có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và được hưởng sự khoan hồng, tính nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta. Các bị cáo đều là người dân lao động, thu nhập chủ yếu từ ruộng, nương, gia đình rất khó khăn, do vậy miễn cho các bị cáo không phải thực hiện nghĩa vụ khấu trừ một phần thu nhập để sung quỹ Nhà nước.

Các đối tượng tham gia chặt phá rừng cùng vợ chồng Ly Mí S, nhưng diện tích chặt phá chưa đến mức truy tố nên cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan Hạt kiểm lâm huyện Q để xử lý theo thẩm quyền, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Về hình phạt bổ sung: Hội đồng xét xử xét thấy, các bị cáo đều là người dân lao động, điều kiện kinh tế thực sự khó khăn, thu nhập thấp và không ổn định nên không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, ông Viên Ngọc T đề nghị các bị cáo phải liên đới trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã bị chặt phá. Xét đề nghị của nguyên đơn dân sự là có căn cứ, do đó cần buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường trồng lại diện tích rừng đã chặt phá theo quy định tại khoản 1 Điều 584, Điều 587 và khoản 1 Điều 589 của Bộ luật Dân sự.

Về vật chứng của vụ án: Trong quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Q đã thu giữ số gỗ các bị cáo đã chặt hạ tại rừng phòng hộ trên là 110 cây gỗ = 7,991m3, gồm các loại gỗ thuộc nhóm VI đến nhóm VIII, có đường kính từ 10cm đến 20cm, dài từ 2 mét đến 9 mét; Các công cụ dùng vào việc phạm tội là 02 con dao quắm (01 con dài 30cm, rộng 06cm; 01 con dài 27cm, rộng 04cm, chuôi dao dài 09cm). Số tiền 200.000 đồng bị cáo S dùng vào việc phạm tội, trong đó bị cáo S đã đòi lại 100.000 đồng, còn 100.000 đồng bị cáo L đã sử dụng. Số gỗ trên là tài sản của Nhà nước, số tiền 200.000 đồng là tiền sử dụng vào việc phạm tội; các công cụ dùng vào việc phạm tội không còn giá trị sử dụng nên cần áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự, Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước số gỗ trên; truy thu của các bị cáo S và L mỗi bị cáo số tiền là 100.000 đồng sung quỹ Nhà nước; tuyên tịch thu tiêu hủy các công cụ dùng vào việc phạm tội.

Về án phí: Buộc các bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1Tội danh: Tuyên bố các bị cáo: Ly Mí S, Hạng Mí L và Hạng Thị S  phạm tội: “Hủy hoại rừng”.

2Hình phạt: Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 189; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự 1999 và theo điểm b khoản 1, điểm h, i khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; điểm c khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Ly Mí S 16 (mười sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam, ngày 17/3/2017;

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 189; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 31 của Bộ luật Hình sự 1999; điểm b khoản 1, điểm h, i khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; điểm c khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Hạng Mí L 30 (ba mươi) tháng cải tạo không giam giữ, được trừ thời gian tạm giam từ ngày 31-5-2017 đến ngày 20-9-2017 là 113 ngày = 339 ngày cải tạo không giam giữ. Buộc bị cáo còn phải chấp hành 18 tháng 21 ngày cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ được tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được Quyết định thi hành án và bản sao Bản án.

Xử phạt bị cáo Hạng Thị S 20 (hai mươi) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ được tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được Quyết định thi hành án và bản sao Bản án.

Miễn cho các bị cáo Hạng Mí L, Hạng Thị S không phải thực hiện nghĩa vụ khấu trừ một phần thu nhập để sung quỹ Nhà nước.

Giao các bị cáo Hạng Mí L, Hạng Thị S cho Uỷ ban nhân dân xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang giám sát và giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Căn cứ khoản 3 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo Hạng Mí L nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.

3. Về hình phạt bổ sung: Miễn hình phạt tiền cho các bị cáo.

4. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ khoản 1 Điều 584, Điều 587 và khoản 1 Điều 589 của Bộ luật Dân sự.

Buộc các bị cáo Ly Mí S, Hạng Mí L và Hạng Thị S phải liên đới bồi thường, khắc phục hậu quả là trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã bị chặt phá là 3.350m2 thuộc Lô 30, 31, khoảnh 15, tiểu khu 56B, Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang.

5Xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 41 của Bộ luật Hình sự; điểm b, c khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước: 110 (một trăm mười) cây gỗ từ nhóm VI đến nhóm VIII = 7,991m3 hiện đang nằm tại Lô 30, 31 khoảnh 15, tiểu khu 56B thuộc rừng phòng hộ thuộc Thôn S, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang.

- Tuyên tịch thu tiêu hủy: Các công cụ dùng vào việc phạm tội là 02 con dao quắm đã qua sử dụng (01 con dài 30cm, rộng 06cm; 01 con dài 27cm, rộng 04cm, chuôi dao dài 09cm).

(Tình trạng, đặc điểm chi tiết của các vật chứng như các Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 18 tháng 8 năm 2017 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Q với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q).

- Truy thu của bị cáo Ly Mí S, Hạng Mí L mỗi bị cáo là 100.000đ (một trăm nghìn đồng) sung quỹ Nhà nước.

6Án phí: Căn cứ Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 6; điểm a, khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.  Buộc các bị cáo Ly Mí S, Hạng Thị S, Hạng Mí L mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

7. Quyền kháng cáo: Các bị cáo, nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

469
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2017/HS-ST ngày 20/09/2017 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:09/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quang Bình - Hà Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về