Bản án 09/2017/DS-ST ngày 06/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

A ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ BÌNH LONG, TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 09/2017/DS-ST NGÀY 06/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 06 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân thị xã Bình Long xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 16/2017/TLST-DS ngày 20 tháng 3 năm 2017 về việc Tranh chấp hợp đồng vay tài sản, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 08/2017/QĐXXST – DS ngày 11/8/2017, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1969

Trú tại: tổ 1, ấp PL, xã TP, thị xã BL, tỉnh Bình Phước.

Bị đơn: Bà Trần Thị N, sinh năm 1954

Trú tại: Tổ 4, ấp PL, xã TP, thị xã BL, tỉnh Bình Phước.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ kèm theo và lời trình bày của nguyên đơn tại tòa thì bà Trần Thị N có vay tiền của bà Nguyễn Thị M nhiều lần với hình thức vay có lãi và vay trả góp. Tới ngày 09/2/2016 hai bên thống nhất số tiền bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi mà bà N phải trả cho bà M là 46.000.000 đồng (bốn mươi sáu triệu đồng). Ngày 15/6/2016 bà N đã trả cho bà M 16.000.000 đồng (mười sáu triệu đồng), còn lại 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng), bà N trả góp mỗi ngày 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) cho đến khi hết nợ. Tuy nhiên bà N chỉ thực hiện việc trả góp được 11 ngày bằng 2.200.000 đồng (hai triệu hai trăm ngàn đồng) và ngày 13/8 trả 50.000 đồng, ngày 24/8 trả 100.000 đồng, tháng 9/2016 (không nhớ rõ ngày) trả 1.000.000 đồng (một triệu đồng). Tổng cộng bà N trả góp được 3.350.000 đồng (ba triệu ba trăm năm mươi ngàn đồng).

Bà M yêu cầu bà N phải trả khoản nợ còn lại là 27.000.000 đồng (hai mươi bảy triệu đồng), không yêu cầu trả lãi.

Bà N cho rằng ban đầu bà N chỉ vay bà M số tiền 4.000.000 đồng (bốn triệu đồng) với lãi suất thỏa thuận là 20.000 đồng/triệu/ngày. Do bà N trả lãi không đầy đủ nên bà M cộng lãi vào gốc thành 46.000.000 đồng (bốn mươi sáu triệu đồng). Sau đó thì việc trả nợ đúng như bà M đã trình bày. Tuy nhiên số tiền 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) hai bên thỏa thuận trả góp mỗi ngày 200.000 đồng thì bà N đã trả xong, tới nay bà N không còn nợ bà M khoản tiền nào nên bà N không đồng ý trả nợ 27.000.000 đồng (hai mươi bảy triệu đồng) như bà M yêu cầu.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 10/8/2017 và tại phiên tòa bà M trình bày về các khoản vay của bà N dẫn tới khoản nợ 46.000.000 đồng như sau:

Ngày 15/3/2014  bà N vay 10.000.000 đồng (mười triệu đồng), hình thức vay trả góp, góp trong thời hạn 30 ngày, mỗi ngày góp 400.000 đồng (bốn trăm ngàn đồng). Tổng số tiền bà N phải trả trong khoản vay này là 12.000.000 đồng (mười hai triệu đồng) nhưng bà N chưa trả được đồng nào (chưa góp tiền ngày nào);

Ngày 27/3/2014 bà N vay 5.000.000 đồng (năm triệu đồng), thời hạn vay là một tuần, lãi suất 20%/tháng, bà N đã trả gốc và lãi là 5.221.000 đồng (Năm triệu hai trăm hai mươi mốt ngàn đồng), trả vào ngày 04/4/2014;

Ngày 15/4/2014 bà N vay tiếp 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng), lãi suất 20.000 đồng/ngày/triệu. Bà N lấy 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) trong số nợ này để trả lãi cho khoản vay 10.000.000 đồng ngày 15/3/2014. Khoản vay này bà N chưa đóng lãi;

Ngày 23/6/2014 bà N vay tiếp 10.000.000 đồng (mười triệu đồng), hình thức vay trả góp, góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 400.000 đồng (bốn trăm ngàn đồng), khoản vay này bà N chỉ góp được ba ngày bằng 1.200.000 đồng (một triệu hai trăm ngàn đồng);

Ngày 12/9/2014 bà N vay tiếp 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng), hình thức vay trả góp, góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 280.000 đồng (hai trăm tám mươi ngàn đồng) nhưng bà N chưa góp được ngày nào.

Như vậy tính tới ngày 12/9/2014 tổng cộng số tiền nợ gốc mà bà N vay của bà M còn lại là 42.000.000 đồng (bốn mươi hai triệu đồng).

Tới ngày 09/2/2016 bà M và bà N cộng nợ, tổng cộng các khoản nợ gốc còn lại là 42.000.000 đồng (bốn mươi hai triệu đồng). Bà N chỉ đồng ý chịu thêm 4.000.000 đồng (bốn triệu đồng) nợ lãi, hai bên lập giấy nợ tổng cộng cả gốc và lãi là 46.000.000 đồng (bốn mươi sáu triệu đồng).

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bình Long phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Tòa án thụ lý giải quyết vụ án đúng theo quy định về thẩm quyền; quá trình giải quyết những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.

Về nội dung: bà N thừa nhận có vay tiền của bà M như bà M trình bày nhưng bà N đã trả hết nợ nên không đồng ý trả nợ 27.000.000 đồng cho bà M như yêu cầu của bà M. Tuy nhiên bà N không có chứng cứ nào chứng minh cho việc đã trả hết nợ; về tiền lãi các bên trình bày việc cho vay lãi suất cao hơn so với quy định của pháp luật nhưng bị đơn không nhớ về số tiền gốc đã vay là bao nhiêu, số tiền lãi đã trả là bao nhiêu nên không có cơ sở để xem xét.

Căn cứ các Điều 463, 466 Bộ luật dân sự năm 2015 đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của bà M đối với bà N.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Quan hệ vay tài sản giữa bà M và bà N phát sinh trước năm 2016 thời điểm Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực pháp luật, nên quyền và nghĩa vụ của các bên được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự năm 2005. Hội đồng xét xử áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự 2005 để giải quyết tranh chấp.

Tại phiên tòa bà Trần Thị N vắng mặt, Tòa án đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai.

Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn.

Giữa bà Nguyễn Thị M với bà Trần Thị N có xác lập một giấy biên nhận về việc vay tiền và trả nợ vào ngày 09/2/2016, thể hiện bà N có nghĩa vụ trả nợ cho bà M các khoản nợ gốc và nợ lãi là 46.000.000 đồng (bốn mươi sáu triệu đồng). Như vậy trước ngày 09/2/2016 hai bên đã xác lập hợp đồng vay tài sản, có lãi, không xác định thời hạn trả nợ, tuân thủ Điều 471 và Điều 477 của Bộ luật dân sự năm 2005. Theo đó bên vay tiền phải có nghĩa vụ trả nợ khi bên cho vay thông báo. Cho đến nay bên vay chưa thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ là vi phạm cam kết, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên cho vay. Vì vậy bà M khởi kiện yêu cầu bà N trả nợ là phù hợp pháp luật.

Bà N cho rằng ban đầu bà chỉ vay của bà M 4.000.000 đồng (bốn triệu đồng) với lãi suất 20.000 đồng/ngày/triệu (tức 60%/tháng), sau khi cộng lãi vào gốc thành 46.000.000 đồng (bốn mươi sáu triệu đồng) thì bà N đã trả nợ xong cho bà M. Tuy nhiên lời khai này của bà N không được bà M thừa nhận, bà N cũng không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh cho lời khai của bà N về số tiền vay về lãi suất về số tiền đã trả nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về số tiền vay: Giấy vay nợ chỉ thể hiện số nợ gốc và lãi là 46.000.000 đồng (bốn mươi sáu triệu đồng), vì vậy cần thiết phải làm rõ trong tổng số nợ này có bao nhiêu nợ gốc, bao nhiêu nợ lãi. Do bà N không chứng minh được về số tiền vay, số tiền đã trả nên cần chấp nhận lời khai của bà M về tiền gốc, tiền lãi và số tiền đã trả như lời khai ngày 10/8/2017 và lời trình bày tại phiên tòa. Tổng số tiền nợ gốc trong 4 khoản vay là 42.000.000 đồng (bốn mươi hai triệu đồng), tổng số tiền lãi mà bà N đã trả cho bà M là 3.200.000đ (ba triệu hai trăm ngàn đồng).

Đối với thỏa thuận về lãi suất: các bên thỏa thuận về tiền lãi cao hơn quy định của pháp luật về lãi suất cho vay nên cần phải điều chỉnh lãi suất theo quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 là không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, với mức lãi suất cơ bản tại thời điểm vay là 9%/năm tức 0,75%/tháng thì số tiền lãi từ ngày 9/2/2016 trở về trước được tính cụ thể từng khoản vay như sau:

Khoản vay 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) vay ngày 15/3/2014 tới ngày 09/2/2016 thời gian là 22 tháng 23 ngày. Số tiền lãi là 10.000.000đ x 0,75% x 150% x 22 tháng 23 ngày =  2.561.250 đồng;

Khoản vay 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng) vay ngày 15/4/2014 tới ngày 09/2/2016 là 21 tháng 23 ngày. Số tiền lãi là 15.000.000đ x 0,75% x 150% x 21 tháng 23 ngày = 3.673.125 đồng;

Khoản vay 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) vay ngày 23/6/2014 tới ngày 09/2/2016 là 19 tháng 15 ngày. Số tiền lãi là   10.000.000đ x 0,75% x 150% x 19 tháng 15 ngày =  2.193.750 đồng;

Khoản vay 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng) vay ngày 12/9/2014 tới ngày 09/2/2016 là 16 tháng 27 ngày. Số tiền lãi được tính là 7.000.000đ x 0,75% x 150% x 16 tháng 27 ngày = 1.330.875 đồng.

Như vậy tổng số tiền lãi tính tới ngày 09/2/2016 là 2.561.250 đồng + 3.673.125 đồng + 2.193.750 đồng + 1.330.875 đồng = 9.759.000 đồng (chín triệu bảy trăn năm mươi chín ngàn đồng). Bà N đã trả được 3.200.000 đồng còn lại là 9.759.000đ - 3.200.000 đồng  = 6.559.000 đồng (sáu triệu năm trăm năm mươi chín ngàn đồng). Ngày 09/2/2016 hai bên thỏa thuận số tiền lãi bà N phải trả cho bà M là 4.000.000 đồng tức là thấp hơn số tiền lãi phải trả mà pháp luật cho phép, vì vậy thỏa thuận này được chấp nhận.

Ngày 15/6/2016 bà N trả cho bà M 16.000.000 đồng (mười sáu triệu đồng), còn lại 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) hai bên thỏa thuận bà N phải trả góp mỗi ngày 200.000 đồng. Bà N cho rằng đã trả góp xong toàn bộ số nợ này nhưng không chứng minh được. Mặt khác tại biên bản đối chất bà N thừa nhận giấy nợ do bà N viết, từ ngày 16/6/2016 trở về sau ngày nào trả tiền góp bà đánh dấu X vào giấy, ngày nào không trả góp thì đánh dấu O.

Theo giấy nợ tổng cộng có 11 ngày có dấu X nên số tiền bà N trả góp sẽ là 11 ngày x 200.000 đồng = 2.200.000 đồng, thêm ngày 13/8 trả 50.000 đồng, ngày 24/8 trả 100.000 đồng và tháng 9 trả 1.000.000 đồng. Như vậy từ ngày 16/6/2016 trở về sau bà N trả góp cho bà M được 3.350.000 đồng (ba triệu ba trăm năm mươi ngàn đồng). Nên số tiền còn lại phải trả là hai mươi sáu triệu sáu trăm năm mươi ngàn đồng).

Do bà M không yêu cầu tính lãi nữa nên cần buộc bà N phải trả nợ cho bà M 26.650.000 đồng (hai mươi sáu triệu sáu trăm năm mươi ngàn đồng) là phù hợp.

Bà N cho rằng bà M đã sửa chữa chữ “Góp hết nợ” trong giấy nợ nhưng bà không có yêu cầu giám định chữ viết. Mặt khác kết hợp các chứng cứ giữa lời khai của bà N về quá trình trả tiền góp với giấy vay nợ là hoàn toàn phù hợp về thời gian và số tiền đã trả, không có chứng cứ nào về việc bà N đã trả hết nợ cho bà M.

Đối với khoản vay 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) vay ngày 27/3/2014 các bên đã thanh toán nợ gốc và lãi xong, không ai có yêu cầu tính lại lãi suất nên tòa không xét.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bình Long cho rằng bị đơn không có chứng cứ xác định số tiền gốc đã vay và số tiền lãi đã trả cho nguyên đơn là bao nhiêu nên không có cơ sở xem xét là không đúng. Mà phải căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để tính lại toàn bộ số nợ gốc và nợ lãi, điều chỉnh lãi suất vay cho phù hợp với quy định của pháp luật về lãi suất như Hội đồng xét xử đã trình bày ở trên mới chính xác. Về luật áp dụng: quan hệ vay tài sản giữa hai bên xảy ra trước năm 2016 thời điểm Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực pháp luật nên phải căn cứ vào Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết vụ án. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng các Điều 463, 466 Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết vụ án là không phù hợp. Các chứng cứ và lời trình bày của đương sự tại tòa thì số tiền còn lại mà bà Trần Thị N chưa trả cho bà Nguyễn Thị M chỉ là 26.650.000 đồng nhưng đại diện Viện kiểm sát yêu cầu Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà M đối với bà N là không có căn cứ mà chỉ có thể chấp nhận một phần đối với số tiền bà N phải trả là 26.650.000 đồng (hai mươi sáu triệu sáu trăm năm mươi ngàn đồng).

Về án phí: bà N có nghĩa vụ trả nợ nên phải chịu tiền án phí trên số nợ phải trả, cụ thể là: 26.650.000 đồng  x 5% = 1.332.500 đồng. Trả lại tiền tạm ứng án phí cho bà M.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 471, 476, 477 Bộ luật dân sự năm 2005, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lê phi Toa an. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị M, buộc bà Trần Thị N có nghĩa vụ trả nợ cho bà Nguyễn Thị M 26.650.000 đồng (hai mươi sáu triệu sáu trăm năm mươi ngàn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu mà người phải thi hành án chậm thi hành thì phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Về án phí: bà Trần Thị N phải đóng 1.332.500 đồng án phí Dân sự sơ thẩm. Trả lại cho bà Nguyễn Thị M 750.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0003693, quyển số 00074 ngày 15/3/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Bình Long.

Án xử sơ thẩm, nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

323
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2017/DS-ST ngày 06/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:09/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Bình Long - Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 06/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về