Bản án về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp số 08/2021/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 08/2021/HS-ST NGÀY 19/01/2021 VỀ TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI DO VI PHẠM QUY TẮC NGHỀ NGHIỆP

Hôm nay, ngày 19 tháng 01 năm 2021 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện K xét xử sơ thẩm công khai sơ thẩm vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 228/2020/TLST- HS ngày 14 tháng 12 năm 2020; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 228/2020/QĐXXST-HS ngày 21 tháng 12 năm 2020, đối với bị cáo:

Họ và tên: Nguyễn Duy T (Tên gọi khác: không); sinh năm 1983; Giới tính: Nam; Nơi ĐKHKTT và nơi ở: Thôn Q, xã X, huyện K, T phố Hà Nội; Nghề nghiệp: Công nhân Điện dân dụng-Công ty Điện lực K; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Nguyễn Duy P – Sinh năm 1960; Con bà: Nguyễn Thị Liên – Sinh năm 1960; Gia đình có 03 anh chị em, bị cáo là con thứ 2; Vợ: Đỗ Thị T – Sinh năm 1983; Có 01 con, sinh năm 2019; Nhân thân: Theo danh chỉ bản số 0347, lập ngày 10/9/2020 tại Công an huyện K, T phố Hà Nội; tiền sự: Không; tiền án: Không.

(Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa)

*Người bị hại : Anh Ngô Văn M - Sinh năm 1993; Trú tại: Bản K, xã M Cang, huyện Q, tỉnh Sơn La (đã chết)

* Những người Đại diện hợp pháp của người bị hại: - Bà Dương Thị Đuyển (mẹ đẻ anh M) sinh năm 1960; Trú tại: Bản Kiền Lâm, xã M Cang, huyện Q, tỉnh Sơn La - Chị Trần Thị N (Vợ anh Ngô Văn M) sinh năm 1995; Địa chỉ: Thôn Bãi Khê, C, L, Hưng Yên (Bà Đuyển, chị N đều vắng mặt tại phiên tòa).

*Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty Điện Lực K – Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội. Trụ sở: Thôn E, xã U, huyện K, T phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật của Công ty Điện lực K: Ông Nguyễn Văn T – Chức vụ: Giám đốc; Đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Duy Dương – Chức vụ: Phó giám đốc. Theo giấy ủy quyền số 3552/GUQ-PCGIALAM ngày 23/12/2020. (Ông Dương có mặt tại phiên tòa)

2. Anh Hoàng Gia G – Sinh năm 1994; Trú tại: Số 19 đường Ngô Gia Khảm, phường M An, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La. (Anh G có mặt tại phiên tòa) 3. Anh Đào Tiến C - Sinh năm 2000; Trú tại: Thôn Đào Xuyên, xã Z, huyện K, T phố Hà Nội. (Anh C có mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 14/6/2020, Công an huyện K, Hà Nội nhận được tin báo của người dân về vụ việc tai nạn điện giật gây chết người tại thôn X, xã T, huyện K, T phố Hà Nội, nội dung sự việc: Khoảng 18 giờ 15 phút ngày 14/06/2020, anh Ngô Văn M (Sinh 1993, trú tại: xã M Cang, Q, Sơn La) cùng với anh Hoàng Gia G (Sinh 1994, trú tại: phường M An, TP Sơn La, tỉnh Sơn La), anh Đào Tiến C (Sinh 2000, trú tại: xã Z, K, Hà Nội) và anh Hoàng Đức Nhật (Sinh 1993, trú tại: xã Dương Xá, K, Hà Nội) là lao động tự do có tiến hành kéo dây điện trong thôn M3, xã T, K, Hà Nội. Trong quá trình kéo dây lên trên cột điện thì thấy thiếu dây nên anh M cùng anh C có sang thôn X, xã T để cắt dây điện đem về đấu nối. Tại thôn X, xã T, anh M trèo lên cột điện số TQ 3 2B-14A (Nay là số: TQ9 1.9) và dùng kìm cắt dây điện loại dây bọc 4 sợi xoắn Alus 4x70mm trên cột điện với ý định đem sang M3 đấu nối thì bị điện giật, được người dân đưa xuống đất và đưa đi viện cấp cứu thì tử vong.

Sau khi nhận được tin báo Cơ quan CSĐT Công an huyện K đã tiến hành phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường thấy: tại cột điện số: TQ3 2B-14A đặt tại thông X có 02 dây điện 3 pha loại dây 4 sợi soắn bọc nhựa (Alus nhôm 4x70mm) đã đưa vào vận hành lưới điện, cột điện cao 7,5m. tại vị trí đầu 01 dây điện ba pha có 01 kìm điện có hai cám bọc nhựa màu đỏ đầu hình tròn, cặp chặt vào dây điện 3 pha. Tiến hành dung ampe kìm kiểm tra điện dò thấy: Dây điện 3 pha loại dây 4 sợi soắn bọc nhựa (Alus nhôm 4x70mm) treo trên cột điện có 03 pha lửa, 01 pha mát. Tiến hành đo điện áp trên chiếc kìm đang kẹp chặt vào dây điện thấy có điện áp là 237 vôn, còn các vị trí khác trên cột và dây dẫn không có điện dò. Mở rộng hiện trường đến thôn M3 xã T thấy tại cột điện ký hiệu: QM11 có dây điện 3 pha, loại dây 4 sợi soắn bọc nhựa (Alus nhôm 4x50mm) kéo dài xuống chưa đưa vào sử dụng dài khoảng 120m phía đầu dây có quấn băng dính đen owe 4 sợi.

Vật chứng thu giữ tại hiện trường gồm: 01 cuộn dây điện soắn 4 sợi bọc nhựa màu đen dài 120m loại dây Alus 4x50mm.

Tại Cơ quan điều tra, Công an huyện K anh Hoàng Gia G khai nhận: khoảng tháng 6/2020 trong khi đi làm thuê lắp đặt điện tại T, anh G gặp Nguyễn Duy T là nhân viên đội quản lý điện số 1 thuộc Công ty điện lực K. T có thuê anh G đi kéo dây điện và cắt hạ dây điện trên các cột điện do Công ty điện lực K quản lý. G đồng ý và thỏa thuận với T giá thuê là 3 triệu đồng, công việc là cắt hạ dây điện tại thôn Lại Hoàng và thôn X đem về thôn M3 kéo lắp lên cột điện. Sau đó, T đã dẫn anh G đến thôn Lại Hoàng và chỉ dẫn đến cột điện số 6.3 và 6.6 lộ II trạm biến áp Lại Hoàng 2 để cắt hạ dây điện tại các cột điện trên, sau đó T lại dẫn anh G đến thôn X và chỉ dẫn đến cột điện số TQ3 2B-14A để cắt hạ và mang dây về kéo lên cột điện tại thôn M3 từ cột điện số: QM 11 đến cột số: QM11-4. Sau khi được chỉ dẫn, anh G về và liên hệ gọi anh Ngô Văn M, anh Đào Tiến C, anh Hoàng Đức Nhật là những người lao động tự do đi cắt hạ và kéo dây điện cùng anh G, tất cả thỏa thuận cùng đi làm và lấy tiền công chia nhau. Anh G đã tranh thủ dẫn anh Ngô Văn M đến vị trí các cột điện mà Nguyễn Duy T đã chỉ dẫn và chỉ lại cho M vị trí các cột điện cần hạ dây. Sau khi thống nhất, đầu giờ chiều ngày 14/6/2020 anh G cùng anh M, anh C và anh Nhật đi đến thôn Lại Hoàng, xã T. Tại đây bốn người đã cắt hạ một đoạn dây điện bọc nhựa soắn 4 sợi loại dây Alus nhôm 4x50 được treo trên cột điện số: 6.3 đến cột số: 6.6 lộ 2 trạm biến áp Lại Hoàng 2 có độ dài 120m. Sau khi cắt hạ, cả nhóm cuốn dây lại và mang về thôn M3 kéo lắp lên cột điện số: QM11, khi cả nhóm kéo lắp đến cột số: QM11-4 thì thấy thiếu dây, cả nhóm phân công anh G đi mua vật tư, còn anh M và anh C sang thôn X tiếp tục cắt hạ một đoạn dây điện trên cột điện mà T đã chỉ dẫn cho anh G và anh G đã chỉ lại cho anh M. Sau đó G đi ra thị trấn Yên Viên mua vật tư, đến khoảng 18 giờ 30 cùng ngày thì anh G nhận được tin anh M bị điện giật tại thôn X. Anh G đến nơi thấy anh M đang treo lơ lửng trên cột điện số: TQ3 2B-14A bằng sợi dây bảo hiểm, phía trên có một chiếc kìm điện vẫn gắn chặt vào sợi dây điện, sau đó anh G đã cùng anh C hạ anh M xuống đất thì thấy M bất tỉnh, anh G gọi xe cấp cứu đến đưa anh M đi viện cấp cứu, trên đường đi thì anh M đã tử vong.

Tại Cơ quan điều tra, Công an huyện K anh Nguyễn Duy T khai nhận: T là công nhân Đội quản lý điện số 1 thuộc Công ty điện lực K. Đội quản lý điện của T quản lý một số xã Bắc Đuống trong đó có xã T. Đầu tháng 6/2020 T được anh Nguyễn Thọ Nam là nhân viên cùng Đội quản lý điện số 1 nói chuyện là có nhà bà Hòa ở thôn M3, T có nhu cầu kéo dây điện 3 pha phục vụ sản xuất may mặc, anh Nam thấy dây đường trục vào nhà bà Hòa bé không đủ điều kiện để lắp đặt công tơ. Sau khi nghe được thông tin, T không báo cáo lãnh đạo Đội quản lý điện số 1 và không báo cáo lãnh đạo Công ty điện lực K do nghĩ là công việc ngoài giờ không phải của Công ty điện lực K mà tìm người đi cắt hạ và kéo dây điện vào ngõ nhà bà Hòa. T đã gặp anh G và thuê anh G đi cắt hạ và kéo dây điện, hai bên thỏa thuận số tiền thuê là 03 triệu đồng. Sau khi G đồng ý, T đã dẫn anh G đi và chỉ dẫn vị trí cột điện cần cắt hạ dây tại thôn X và thôn Lại Hoàng để đem về M3 kéo lắp lên cột điện. T đã chỉ dẫn anh G cắt hạ dây điện treo trên cột điện số: 6.3 và cột điện số: 6.6 lộ II trạm biến áp Lại Hoàng 2, cột điện số: TQ3 2B-14A tại X để đem về M3 kéo lắp lên cột cho nhà bà Hòa. Sau khi thuê và chỉ dẫn xong, G không báo cho T thời gian kéo dây nên T không giám sát công việc đã thuê. Đến chiều ngày 14/6/2020 khi T đang ở nhà thì nhận được tin nhóm thợ của G bị điện giật tại thôn X, T đi đến thì được biết anh M bị điện giật khi trèo lên cột điện cắt dây điện, T cùng anh G đã đưa anh M đi viện cấp cứu sau đó anh M đã tử vong.

Bản thân T là công nhân của Công ty điện lực K đã được tập huấn về an toàn điện và quy định của ngành điện lực là khi tổ chức, cá nhân ngoài ngành điện lực tham gia hoạt động trên mạng lưới điện phải có lệnh công tác hoặc có văn bản đồng ý của lãnh đạo Công ty điện lực thì mới được hoạt động.

Đối với Công ty điện lực K là đơn vị chủ quản, quản lý toàn bộ hệ thống điện nông thôn tại xã T, công ty điện lực K cho biết quy định của ngành điện lực là khi tổ chức, cá nhân ngoài ngành điện lực tham gia hoạt động trên mạng lưới điện phải có lệnh công tác hoặt có văn bản đồng ý của lãnh đạo Công ty điện lực thì mới được hoạt động. Việc Nguyễn Duy T thuê lao động tự do bên ngoài đi cắt hạ kéo dây điện trên các cột điện do Công ty quản lý nhưng không báo cáo và không có văn bản chỉ đạo đồng ý cho T làm việc trên là vi phạm quy định của ngành và đề nghị Cơ quan công an giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Đối với anh Hoàng Gia G là lao động tự do được Nguyễn Duy T thuê đi cắt hạ dây điện trên cột điện, anh G đã rủ anh Ngô Văn M, anh Đào Tiến C, anh Hoàng Đức Nhật là những lao động tự do đi cùng làm để lấy tiền công chia nhau, bản thân anh G không được tập huấn về an toàn điện và không phải trong ngành điện lực nên không biết được các quy định an toàn khi hoạt động trên lưới điện, không nhận thức được sự nguy hiểm của công việc mình làm thuê nên không có lỗi vì vậy cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện K không đề cập xử lý.

Đối với 01 cuộn dây điện soắn 4 sợi bọc nhựa màu đen dài 120m loại dây Alus 4x50mm mà nhóm thợ được T Thuê đi cắt hạ tại thôn Lại Hoàng và đem về thôn M3 kéo lắp lên cột điện, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện K đã tiến hành xác minh, xác định: cuộn dây điện trên không phải là tài sản của Công ty điện Lực K và của Ủy ban nhân dân xã T. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện K đã ra thông báo tìm người bị hại, nhưng đến nay chưa xác định được chủ sở hữu của đoạn dây điện bị cắt hạ trên.

Về dân sự: Bản thân Nguyễn Duy T cùng anh Hoàng Gia G đã tự nguyện bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân M. Gia đình nạn nhân có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Duy T.

Với nội dung trên tại Bản cáo trạng số 220/CT-VKSGL, ngày 09/12/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện K đã quyết định truy tố bị cáo Nguyễn Duy T ra trước tòa với tội danh “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”, tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 129 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa:

Bị cáo Nguyễn Duy T đã khai nhận toàn bộ hành vi đúng như nội dung bản cáo trạng truy tố. Bị cáo T thừa nhận là nhân viên của Công ty điện Lực K, bản thân không có chức năng nhiệm vụ thuê người thực hiện các công việc đòi hỏi nghiệp vụ về điện và đã tự ý thuê nhóm thợ của G kéo, cắt hạ dây điện 3 pha tại thôn X, xã T, huyện K, T phố Hà Nội dẫn đến việc anh Ngô Văn M chết do điện giật.

Tại Cơ quan điều tra - Công an huyện K người đại diện hợp pháp của người bị hại là chị: Trần Thị N (là vợ anh M) cùng gia đình đã nhận đủ số tiền bồi thường dân sự, không có yêu cầu gì đối với bị cáo về trách nhiệm dân sự và có Đơn xin miễn giảm trách nhiệm hình sự, đơn xin miễn không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo T tại Cơ quan điều tra – Công an huyện K.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K, T phố Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo theo Cáo trạng số 220/CT-VKSGL, ngày 09/12/2020. Trong phần luận tội đã phân tích nguyên nhân, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo đã đưa ra những chứng cứ, lý lẽ kết tội đối với bị cáo. Sau khi phân tích hành vi phạm tội, căn cứ nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Duy T phạm tôi “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 129; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Duy T mức án phạt tù từ 12 tháng tù đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 tháng đến 30 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo T về Ủy ban nhân dân xã X, huyện K, TP. Hà Nội nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Về hình phạt bổ sung: Đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề đối với bị cáo Nguyễn Duy T với thời hạn 01 năm.

Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo và gia đình bị hại đã thỏa thuận bồi thường xong, đại diện hợp pháp cho bị hại không có yêu cầu gì khác về trách nhiện dân sự nên không đề nghị HĐXX xem xét.

Về xử lý vật chứng: Đối với 01 cuộn dây điện soắn 4 sợi bọc nhựa màu đen dài 120m loại dây Alus 4x50mm đề nghị tịch thu và sung vào Ngân sách Nhà nước.

Bị cáo T sau khi nghe quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K, bị cáo thừa nhận có tội và thừa nhận hành vi thuê G kéo, cắt dây điện 03 pha và G lại rủ C, Nhật và M cùng làm dẫn đến hậu quả anh Ngô Văn M bị điện giật chết là ngoài ý chủ quan của bị cáo. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm quy tắc nghề nghiệp “Quy định của ngành điện lực là khi tổ chức, cá nhân ngoài ngành điện lực tham gia hoạt động trên mạng lưới điện phải có lệnh công tác hoặt có văn bản đồng ý của lãnh đạo Công ty điện lực thì mới được hoạt động” dẫn đến hậu quả làm chết người là vi phạm pháp luật. Bị cáo không có ý kiến bào chữa, tranh luận. Lời nói sau cùng bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Căn cứ vào chứng cứ và các tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, lời khai của bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện K, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện K, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện theo trình tự thủ tục tố tụng của Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, đại diện hợp pháp cho người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hoặc khiếu nại gì khác về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2]. Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Duy T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng. Lời khai nhận tội của bị cáo Nguyễn Duy T tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với biên bản thu giữ vật chứng, sơ đồ hiện trường, phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác đã được Cơ quan điều tra thu thập được có trong hồ sơ vụ án thể hiện: Bị cáo T là công nhân Đội quản lý điện số 1 thuộc Công ty điện lực K quản lý địa bàn xã T, huyện K, T phố Hà Nội đã được tập huấn về an toàn điện và quy định của ngành điện lực “ Khi tổ chức, cá nhân ngoài ngành điện lực tham gia hoạt động trên mạng lưới điện phải có lệnh công tác hoặc có văn bản đồng ý của lãnh đạo Công ty điện lực thì mới được hoạt động”. Tuy nhiên, việc Nguyễn Duy T thuê lao động tự do là anh Hoàng Gia G sau đó anh G đã rủ anh M, anh C và anh Nhật là những người không được đào tạo, huấn luện về công tác an toàn điện để thực hiện công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đi cắt, hạ, kéo dây điện trên các cột điện do Công ty Điện lực K quản lý nhưng không báo cáo và không có văn bản chỉ đạo đồng ý của người có thẩm quyền vi phạm quy chế của Ngành điện, hậu quả dẫn đến việc anh Ngô Văn M bị điện giật chết. Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận hành vi nêu trên của bị cáo Nguyễn Duy T đã đủ yếu tố cấu T tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”, theo khoản 1 Điều 129 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

[3]. Đánh giá về quan điểm truy tố, đề nghị của Viện kiển sát: Khẳng định nội dung bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện K, truy tố bị cáo Nguyễn Duy T đã đủ yếu tố cấu T tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”, theo khoản 1 Điều 129 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Quan điểm của Viện kiểm sát là có căn cứ pháp luật nên được chấp nhận. Mức hình phạt của Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra. Bị cáo nhận tội và không có ý kiến bào chữa, tranh luận. Lời nói sau cùng, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

[4]. Đánh giá tính chất vụ án: Đánh giá tính chất vụ án là nghiêm trọng.

Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo phạm tội với lỗi vô ý, bị cáo là người có thể chất phát triển bình thường, có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực trách nhiệm hình, bị cáo có chuyên môn nghiệm vụ về điện, đã được tập huấn, biết về các quy định của ngành điện như thuê lao động tự do bên ngoài đi cắt, hạ, kéo dây điện trên các cột điện do Công ty quản lý nhưng không báo cáo và không có văn bản chỉ đạo đồng ý của người có thẩm quyền vi phạm quy chế của Ngành điện, hậu quả dẫn đến việc anh Ngô Văn M bị điện giật chết là xâm phạm khách thể là quyền sống của con người được Bộ luật hình sự bảo vệ. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm nhưng để thuận tiện cho bản thân bị cáo vẫn thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần áp dụng một mức hình phạt nghiêm minh tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo để giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung

[5]. Về nhân thân bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự: Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự. Hội đồng xét xử đánh giá bị cáo có nhân thân tốt.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo T khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình để Cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra kết thúc vụ án sớm. Bị cáo phạm tội lần đầu và đã chủ động khắc phục hậu quả bồi thường thiệt hại cho đại diện hợp pháp của người bị hại và được người đại diện hợp pháp cho người bị hại Đơn xin miễn giảm trách nhiệm hình sự, đơn xin miễn không truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, cần cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Về tình tiết tăng nặng, bị cáo T không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[6]. Về áp dụng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Duy T: Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đã viện dẫn, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 và 01 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 của BLHS, bị cáo không có tình tiết tặng nặng. Bị cáo T có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng; ngoài lần phạm tội này bị cáo luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Do đó, cần áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng như đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát và đại diện hợp pháp của người bị hại xử phạt bị cáo hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo vẫn có tác dụng răn đe, giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung, đồng thời còn thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

[7]. Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo và gia đình người bị hại đã thỏa thuận bồi thường xong, đại diện hợp pháp cho người bị hại không có yêu cầu gì khác về trách nhiện dân sự nên HĐXX xem xét, giải quyết.

[8]. Vật xử lý chứng: Đối với 01 cuộn dây điện soắn 4 sợi bọc nhựa màu đen dài 120m loại dây Alus 4x50mm mà nhóm thợ được T Thuê đi cắt hạ tại thôn Lại Hoàng và đem về thôn M3 kéo lắp lên cột điện, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện K đã tiến hành xác minh, xác định: Cuộn dây điện trên không phải là tài sản của Công ty điện Lực K hay của Ủy ban nhân dân xã T. Không xác định được chủ sở hữu của đoạn dây điện bị cắt hạ trên nên cần thiết tịch thu và sung vào Ngân sách Nhà nước.

[9]. Các vấn đề khác trong vụ án:

Đối với Công ty điện lực K là đơn vị chủ quản, quản lý toàn bộ hệ thống điện nông thôn tại xã T, Công ty điện lực K cho biết quy định của ngành điện lực là khi tổ chức, cá nhân ngoài ngành điện lực tham gia hoạt động trên mạng lưới điện phải có lệnh công tác hoặt có văn bản đồng ý của lãnh đạo Công ty điện lực thì mới được hoạt động. Việc Nguyễn Duy T thuê lao động tự do bên ngoài đi cắt hạ kéo dây điện trên các cột điện do Công ty quản lý nhưng không báo cáo và không có văn bản chỉ đạo đồng ý cho T làm việc trên. Do đó Công ty điện lực K không phải chịu trách nhiệm do hành vi của T gây ra.

Đối với anh Hoàng Gia G là lao động tự do được Nguyễn Duy T thuê đi cắt hạ dây điện trên cột điện, anh G đã rủ anh Ngô Văn M, anh Đào Tiến C, anh Hoàng Đức Nhật là những lao động tự do đi cùng làm để lấy tiền công chia nhau, bản thân anh G không được tập huấn về an toàn điện và không phải trong ngành điện lực nên không biết được các quy định an toàn khi hoạt động trên lưới điện, không nhận thức được sự nguy hiểm của công việc mình làm thuê nên không có lỗi. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện K, VKS huyện K không xử lý là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.

[10]. Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 3 Điều 129 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”. Do đó, bị cáo có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt cấm hành nghề. Tuy nhiên, theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo tại phiên tòa cho thấy hành vi của bị cáo là vô ý. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[11]. Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo phải nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm. Bị cáo và những người tham gia tố tụng khác có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Duy T phạm tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”.

2. Áp dụng khoản 1 Điều 129; điểm b, s khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Nguyễn Duy T 12 (mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 (Hai mươi bốn) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo T về Ủy ban nhân dân xã X, huyện K, TP. Hà Nội nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về hình phạt bổ sung: Không áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề đối với bị cáo Nguyễn Duy T.

Về trách nhiệm dân sự: Không xem xét, giải quyết.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

- Tịch thu và sung vào ngân sách Nhà nước: - 01 cuộn dây điện soắn 4 sợi bọc nhựa màu đen dài 120m loại dây Alus 4x50mm (Tình trạng vật chứng có đặc điểm, tình trạng theo biên bản giao, nhận vật chứng giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện huyện K, T phố Hà Nội và Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, T phố Hà Nội ngày 11/12/2020).

4. Về án phí: Áp dụng Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, bị cáo Nguyễn Duy T phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

5. Quyền kháng cáo: Án xử công khai sơ thẩm, có mặt bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vắng mặt người đại diện hợp pháp của người bị hại. Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người đại diện hợp pháp của người bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1231
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp số 08/2021/HS-ST

Số hiệu:08/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Sóc Sơn - Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Nguyễn Duy T là công nhân Đội quản lý điện số 1 thuộc Công ty điện lực K. Bị cáo T đã thuê anh Ngô Văn M, anh Hoàng Gia G và anh Hoàng Đức N là lao động tự do kéo dây điện trong thôn M3, xã T, K Hà Nội.

Trong quá trình kéo dây lên trên cột điện thì thấy thiếu dây nên anh M cùng anh C có sang thôn X, xã T để cắt dây điện đem về đấu nối. Tại thôn X, xã T, anh M trèo lên cột điện và dùng kìm cắt dây điện trên cột điện với ý định đem sang M3 đấu nối thì bị điện giật, được người dân đưa xuống đất và đưa đi viện cấp cứu thì tử vong.

TAND huyện K, thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo T 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp".