Bản án 08/2019/HS-ST ngày 12/03/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN C, TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 08/2019/HS-ST NGÀY 12/03/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 12 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bến Tre, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 05/2019/HS-ST ngày 28 tháng 01 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:06/2019/QĐST-HS ngày 22 tháng 02 năm 2019, đối với bị cáo:

Lê Văn S, sinh năm 1978; Nơi cư trú: ấp B, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: Làm đóng đáy; trình độ văn hóa: 02/12; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Lê Văn V (đã chết) và bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1955; Anh, chị, em ruột: có 03 người, lớn nhất sinh năm 1976, nhỏ nhất sinh năm 1984; Vợ là chị Huỳnh Thị N, sinh năm 1979; Bị cáo có 03 người con lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2006.

Tiền án, tiền sự: Không.

Biện pháp ngăn chặn đã áp dụng: Bị cáo được tại ngoại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C trong giai đoạn điều tra và của Viện kiểm sát nhân dân huyện C trong giai đoạn truy tố, từ ngày 11/7/2018 cho đến ngày 03/02/2019. Trong giai đoạn xét xử, bị cáo được tiếp tục cho tại ngoại theo Quyết định cấm đi khởi nơi cư trú số 01/2019/HSST- QĐCĐKNCT ngày 28 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện C, kể từ ngày 04/02/2019 cho đến nay. (Bị cáo có mặt tại phiên tòa).

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Hồ Tấn P – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bến Tre (Có mặt).

- Bị hại: Anh Đỗ Đức T, sinh năm 1978 (Có mặt). Địa chỉ: ấp Bình Chiến, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

Anh Huỳnh Văn T2, sinh năm 1985 (Có mặt).

Địa chỉ: ấp Bình Chiến, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre.

- Người làm chứng:

1. Chị Lê Thị Cẩm T3, sinh năm 1980 (Có mặt).

2. Anh Đỗ Đức H, sinh năm 1977 (Có mặt).

3. Anh Huỳnh Văn S2, sinh năm 1968 (Có mặt).

4. Anh Huỳnh Thanh V2, sinh năm 1984 (Có mặt)

5. Chị Lê Huỳnh G, sinh ngày 14/10/1998 (Có mặt).

6. Chị Huỳnh Hoàng O, sinh 30/4/2000 (Có mặt). Cùng địa chỉ: ấp B, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên Tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 18/12/2017, sau khi có uống rượu Đỗ Đức T cầm một đoạn gỗ dài 88 cm, đi bộ từ chòi nuôi tôm của mình đến nhà Lê Văn S để nói chuyện về vấn đề ranh đất có liên quan đến việc anh T khoan cây nước mặn.

Khi đến nơi, S không có ở nhà do đi đám cúng tuần cha vợ mà chỉ có 02 người con gái của S là Lê Huỳnh G và Lê Thị Hoàng O nên anh T có lớn tiếng la chửi, đi xung quanh nhà của S, làm cho 02 người con của S hoảng sợ, chạy ra núp ở đám lá sau nhà. Lúc này, Giao điện thoại cho cậu ruột của mình là anh Huỳnh Văn T2 nhờ anh Tòng đưa diện thoại cho S để Giao thông báo cho cha mình biết sự việc đang xảy ra ở nhà để S về.

Khi về đến nhà, lúc này khoảng 19 giờ cùng ngày, S cầm một đoạn gỗ dài 1,52 m (cây dùng để gài cửa nhà) đi ra đường bêtông hướng về phía chòi tôm của anh T. Nghe tiếng của S, từ trong chòi, anh T cầm một ống tuýp sắt dài 57 cm, đường kính rộng 3,4 cm đi ra gặp S và cả hai cùng xông vào đánh nhau. Cùng lúc này, anh Huỳnh Văn T2 là em vợ của S cầm một đoạn gỗ dài 01 mét chạy đến đánh vào vai (nhưng không xác định được vai trái hay phải) của anh T một cái nhưng không gây ra thương tích, thì S không cho và nói “Đây là chuyện của tao để tao giải quyết” nên Tòng dừng lại và vứt bỏ cây và đi chỗ khác. Lúc này S cầm cây bằng 02 tay đánh trúng vào tuýp sắt của T làm cây bị tét. S cầm cây đánh tiếp từ trên xuống trúng vào vùng trán của anh T làm cho anh đoạn gỗ bị gãy làm 03 đoạn và làm cho anh T té nhào xuống đất, bị sây sát do ở dùng hông, ngực, bụng, lưng bên phải trên cơ thể. Sau đó, anh T được chị Lê Thị Cẩm T3 (em ruột của S, chị dâu của T) và anh Đỗ Đức H (em ruột của T, chồng chị T3) can ngăn, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện C.

Riêng S khai trong lúc đánh nhau, anh T cũng đánh gây thương tích ở bàn tay trái và gối trái cho S nhưng anh T không nhận việc đã gây ra thương tích cho S.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 36-0118/TgT ngày31/01/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Bến Tre kết luận thương tích của anh Đỗ Đức T như sau: Vết thương trán giữa hai chân mày dài 03 cm, trên nền sưng nề kích thước 05 cm x 05 cm: lõm sọ trán: 10%, vết thương lành sẹo hình vòng cung kích thước 03 cm x 0,3 cm, sẩm màu có ảnh hưởng đến thẩm mỹ: 11%; sây sát da ngực phải kích thước 10 cm x 02 cm, 15 cm x 0,3 cm đã lành, để lại vết sạm da kích thước 0,6 cm x 0,4 cm, 06 cm x 0,2 cm; sây sát da hông - lưng bên phải kích thước 05 cm x 05 cm đã lành, để lại vết sạm da kích thước 07 cm x 01 cm: 01%. Kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích là 21%.

Ngày 28/3/2018, Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh T. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 49/18/TgT ngày 18/4/2018 của Phân viện pháp y quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tích trên cơ thể của anh Đỗ Đức T như sau: sẹo nhỏ vùng trán ảnh hưởng thẩm mỹ: 11% và vỡ lún thành trước xoang trán: 11%; tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 21% theo nguyên tắc cộng trừ thông tư. Bầm hai mắt, sây sát da vùng ngực, vùng bụng, vùng hông hiện không còn dấu vết. Vết thương vùng trán do vật tày có cạnh tác động trực tiếp vào vùng trán gây nên.

Theo bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 211-718/TgT ngày 27/7/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Bến Tre kết luận thương tích của Lê Văn S như sau: trật khớp ngón - bàn ngón I bàn tay trái đã hết; sẹo cũ mặt lưng ngay khớp đốt 2 - 3 ngón II bàn tay trái, kích thước 1,5 cm x 0,1 cm; sẹo cũ mặt trước từ đầu gối đến cẳng chân trái kích thước 5 cm x 0,3 cm. Kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích là 5%.

Ngày 30/11/2018 và ngày 09/01/2019, Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể của S và giám định bổ sung về cơ chế hình thành thương tích. Tại các bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 02/19/TgT ngày 04/01/2019 và số 20BS/19/TgT ngày 11/01/2019 của Phân viện pháp y quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của Lê Văn S là 2% với thương tích là 02 sẹo nhỏ ngón II bàn tay trái và vùng gối trái; không đủ cơ sở khoa học để xác định thời điểm hình thành thương tích; ống tuýp sắt dài 57 cm, đường kính 3,4 cm không gây ra được thương tích bàn tay trái và gối trái cho Lê Văn S.

Ngày 04/7/2018, Cơ quan điều tra tiến hành cho S nhận dạng và xác định đúng đoạn gỗ mà S đã sử dụng để đánh anh T. Ngày 23/10/2018, Cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm điều tra vụ án để kiểm tra, xác minh lại các tình tiết của vụ án.

Vật chứng của vụ án đã bị thu giữ và được nhập kho bảo quản, quản lý gồm:

+ Một đoạn cây gỗ dài 76 cm, kích thước nơi rộng nhất 03 cm x 2,5 cm.

+ Một đoạn cây gỗ dài 103,5 cm, kích thước nơi rộng nhất 02 cm x 2,5 cm.

+ Một đoạn cây gỗ dài 86 cm, kích thước nơi rộng nhất 01 cm x 2,5 cm.

+ Một ống tuýp sắt dài 57 cm, đường kính rộng 3,4 cm.

+ Một đoạn cây gỗ khô dài 88 cm, hình tròn, đường kính rộng nhất 02 cm, nhỏ nhất 0,7 cm, có dính nhiều bùn đất khô.

Ngày 07/9/2018, Cơ quan điều tra đã tổ chức truy tìm đoạn cây gỗ mà anhTòng sử dụng để đánh anh T nhưng không tìm được.

Căn cứ vào giấy chứng nhận thương tích, các bản kết luận giám định pháp y về thương tích và biên bản kiểm tra dấu vết trên thân thể của anh T ghi nhận không có dấu vết thương tích trên vai trái và vai phải.

Tại bản Cáo trạng số 06/CT-VKS-HS ngày 28 tháng 01 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện C truy tố bị cáo Lê Văn S về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 (thuộc điểm a khoản 1) Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 2015).

Tại Tòa Kiểm sát viên tham gia phiên Tòa và giữ quyền công tố giữ nguyên quan điểm truy tố như nội dung cáo trạng và phát biểu quan điểm luận tội và tranh luận, đề nghị như sau:

- Về tội danh và điều khoản áp dụng: Xuất phát từ những mâu thuẫn trong việc tranh chấp ranh đất có liên quan đến việc khoan cây giếng nước mặn, anh Đỗ Đức T đã chủ động tìm đến nhà bị cáo Lê Văn S và có những lời lẽ la lối, chửi bới nên dẫn đến hai bên đánh nhau, hậu quả anh T bị bị cáo S dùng đoạn gỗ là hung khí nguy hiểm đánh trúng vào vùng trán gây thương tích cho anh T với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 21% nên có đủ căn cứ để truy tố bị cáo Lê Văn S về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 (thuộc điểm a “Dùng hung khí nguy hiểm” khoản 1) Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

- Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Do trước đó giữa bị cáo và bị hại đã có mâu thuẫn nên trong thời điểm trời tối, sau khi đã có uống rượu, bị hại cầm đoạn cây gỗ đến nhà gây sự lúc bị cáo không có ở nhà. Sau khi nghe con mình thông báo về việc bị hại đến nhà gây sự, khi về đến nhà thấy con núp sau đám lá. Đây là những điều kiện, lý do làm bị cáo bực tức, bị kích động tinh thần nên dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, bị cáo đã tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại cho bị hại với số tiền 10.000.000 đồng, đây là những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.

Ngoài ra, bị cáo là lao động chính trong gia đình, có trình độ học vấn thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, bị cáo thuộc diện hộ nghèo, có chú ruột và cậu ruột đều là liệt S, là những người có công với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hơn nữa, trong vụ án này bị hại có một phần lỗi, đó là sau khi có uống rượu, trong khi không có bị cáo ở nhà, lúc trời tối đã chủ động đến nhà bị cáo, tay cầm đoạn gỗ có hành vi la chửi lớn tiếng, nếu bị hại không đến nhà bị cáo thì không có vụ án xảy ra. Đây là những tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.

Từ những phân tích trên, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 2 (thuộc điểm a khoản 1) Điều 134, khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.

Xử phạt bị cáo Lê Văn S mức án từ 02 (Hai) năm tù đến 03 (Ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 04 năm đến 05 năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46, khoản1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015 và các Điều 357, 468, 584, 585, 586 và 590 Bộ luật dân sự buộc bị cáo Lê Văn S bồi thường cho anh Đỗ Đức T số tiền 32.933.950 đồng. Riêng đối với số tiền 10.000.000 đồng do bị cáo nộp để bồi thường thiệt hại cho anh T nhưng anh T không nhận nên được tạm giữ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện C để đảm bảo thực hiện việc bồi thường sau này khi chuyển qua giai đoạn thi hành án.

- Về xử lý vật chứng: Đề nghị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015; các điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tịch thu và tiêu hủy:

+ Một đoạn gỗ dài 76 cm, kích thước nơi rộng nhất 03 cm x 2,5 cm.

+ Một đoạn gỗ dài 103,5 cm, kích thước nơi rộng nhất là 02 cm x 2,5 cm.

+ Một đoạn gỗ dài 86 cm, kích thước nơi rộng nhất 01 cm x 2,5 cm.

+ Một ống tuýp sắt dài 57 cm, đường kính rộng 3,4 cm.

+ Một đoạn gỗ dài 88 cm, hình tròn đường kính rộng nhất 02 cm, nhỏ nhất0,7 cm, có dính nhiều bùn khô.

Vì đây là công cụ gây án, là hung khí nguy hiểm có liên quan đến tội phạm và không còn giá trị.

- Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên Tòa, bị cáo Lê Văn S khai: Bị cáo xác định nội dung bản cáo trạng mà Viện kiểm sát truy tố bị cáo là đúng. Thương tích vùng trán của anh T là do một mình bị cáo dùng đoạn cây gỗ đánh gây ra với tỷ lệ tổn thương cơ thể cho anh T 21% là đúng nên bị cáo không có ý kiến khác. Nguyên nhân bị cáo phạm tội là do bực tức việc anh T đến nhà bị cáo la lối, chửi bới. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo chấp nhận bồi thường số tiền chi phí điều trị, mất thu nhập, tổn thất tinh thần theo yêu cầu của anh T là 42.933.950 đồng. Trong quá trình điều tra, bị cáo đã khắc phục hậu quả được số tiền 10.000.000 đồng, số tiền còn lại bị cáo sẽ tiếp tục khắc phục. Đối với thương tích của bị cáo là 2%, bị cáo đã rút yêu cầu khởi tố nên không có ý kiến.

- Tại phiên tòa người bào chữa cho bị cáo trình bày: Thống nhất về tội danh, điều luật mà Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo không có ý kiến gì khác. Tuy nhiên, trong vụ án này bị hại là anh T có lỗi khi đến nhà bị cáo vào buổi tối, có hành vi la lối, chửi bới khi bị cáo không có ở nhà nên khi nghe con mình thông báo anh T đến nhà gây sự nên bị cáo đã bị kích động tinh thần nên dẫn đến việc gây thương tích cho bị hại. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử cần xem xét đến động cơ, mục đích phạm tội, hoàn cảnh gia đình bị cáo là hộ nghèo, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Trong quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa bị cáo rất thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo cũng đã khắc phục một phần hậu quả cho bị hại, bị cáo cũng có người thân là người có công với đất nước, bị cáo có nơi cư trú ổn định, không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. Do đó, bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo, để bị cáo có điều kiện cải tạo tạo tốt hơn. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo chấp nhận bồi thường số tiền 42.933.950 đồng theo yêu cầu của bị hại.

- Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị hại anh Đỗ Đức Ttrình bày: Anh xác định thương tích ở vùng trán với tỷ lệ tổn thương cơ thể là21% của anh là do bị cáo S gây ra cho anh. Anh yêu cầu bị cáo S bồi thường số tiền 42.933.950 đồng gồm các khoản như sau:

+ Chi phí cho việc điều trị thương tích là 7.933.950 đồng.

+ Thu nhập thực tế bị mất là 03 tháng (Từ ngày 18/12/2017 đến 18/3/2018) với số tiền là 15.000.000 đồng (5.000.000 đồng/tháng).

+ Tiền bù đắp tổn thất tinh thần 20.000.000 đồng.

Về trách nhiệm hình sự, anh đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

- Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án anh Huỳnh Văn T2 khai như sau: Thương tích vùng trán của anh T là do bị cáo S gây ra, anh chỉ đánh anh T có một cái vào vùng vai, sau đó thì bị cáo S không cho đánh nữa nên đã bỏ đi nơi khác. Anh đánh anh T trước khi bị cáo S gây thương tích ở vùng trán cho anh T, anh không có bàn bạc gì trước với bị cáo trong việc đánh anh T. Hành vi của anh cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, anh đã chấp hành xong nên trong vụ án này anh không có ý kiến.

- Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa người làm chứng chị Lê Thị Cẩm T3 khai như sau: Vào khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 18/12/2017, sau khi có uống rượu anh T có đến nhà bị cáo S để nói chuyện về việc có liên quan đến ranh đất và việc khoan cây nước mặn trên đất nhưng không có S ở nhà mà chỉ có hai người con gái của bị cáo S tên là Lê Huỳnh G và Lê Huỳnh Hoàng O, nên tôi có khuyên anh T và nói “Xỉn rồi về ngủ đi, có chuyện gì thì ngày mai nói, la lói om sòm chòm xóm quở oan”. Sau đó, anh T bỏ về chòi tôm của mình. Khoảng 19 giờ, thì chị thấy anh S chạy xe về và cầm cây đi về phía chòi tôm của anh T vừa đi vừa chửi, anh T bị bị cáo S đánh vào vùng trán và té xuống đất. Sau đó, chị cùng chồng can ngăn và đưa anh T đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện C.

Lời nói sau cùng của bị cáo: Bị cáo rất hối hận về hành vi phạm tội của mình, bị cáo xin lỗi bị hại và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt, để bị cáo có điều kiện cải tạo tốt, chăm lo cho gia đình mình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện C, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện C, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo xuất trình tài liệu, chứng cứ phù hợp với quy định của pháp luật, bị cáo, bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

 [2] Hành vi phạm tội của bị cáo xảy ra ngày 18/12/2017 trước ngày Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực pháp luật thi hành thuộc trường hợp phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 (thuộc điểm a khoản 1) Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm có hình phạt nặng hơn so với tội danh, điều khoản tương ứng của tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm đ khoản 2 (thuộc điểm a khoản 1) Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 có mức phạt tù từ 02 năm đến 06 năm. Do đó, để bảo đảm nguyên tắc có lợi cho bị cáo nên việc xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 (thuộc điểm a khoản 1) Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 là phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015.

 [3] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Lê Văn S đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình phù hợp với các tình tiết trong vụ án. Lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với nội dung cáo trạng và những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án như: những lời khai của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu nhận vật chứng, bản ảnh hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra, biên bản nhận dạng, kết luận giám định pháp y cũng như các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận vào khoảng 19 giờ ngày 18/12/2017 do mâu thuẫn trong việc tranh chấp ranh đất nên sau khi có uống rượu anh T chủ động đến nhà bị cáo S gây sự khi bị cáo không có ở nhà nên bị cáo S đã có hành vi dùng đoạn gỗ (dùng để cài cửa) là hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trán của anh T gây thương tích cho anh T với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 21%. Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện C truy tố bị cáo Lê Văn S về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 (thuộc điểm a “Dùng hung khí nguy hiểm” khoản 1) Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

 [4] Xét hành vi gây thương tích của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, đồng thời còn làm mất an ninh, trật tự tại địa phương, gây dư luận không tốt trong nhân dân nơi bị cáo sinh sống. Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo là người thành niên có đầy đủ năng lực để nhận biết và thấy được tính mạng, sức khỏe của con người là vô giá, không ai được quyền xâm phạm, mọi hành vi xâm phạm đều bị pháp luật xử lý. Vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, lẽ ra bị cáo có cách xử lý khác tốt hơn nhưng với ý thức coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người khác nên bị cáo đã gây thương tích cho anh T với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 21%. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra.

 [5] Xét tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là lỗi cố ý, hậu quả làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác. Cụ thể trong vụ án này làm cho anh T bị thương tật và tổn hại sức khỏe 21%.

 [6] Về nhân thân bị cáo: Bị cáo là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, không có tiền án, tiền sự.

 [7] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Trong vụ án này bị cáo không có tình tiết tăng nặng.

 [8] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

 [8.1] Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên Tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, bị cáo cũng đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả cho bị hại số tiền 10.000.000 đồng. Đồng thời, trước đó giữa bị cáo và bị hại đã có mâu thuẫn với nhau, trong thời điểm trời tối bị hại đến nhà gây sự, khi không có bị cáo ở nhà, khi về đến nhà thấy con núp sau đám lá nên đã rất bực tức, bức xúc. Đây là những điều kiện, lý do làm bị cáo bực tức, bị kích động tinh thần nên dẫn đến hành vi phạm tội của mình.

 [8.2] Ngoài ra, bị cáo là người có trình độ học vấn thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế, là lao động chính trong gia đình, thuộc diện hộ nghèo được chính quyền địa phương cấp hộ nghèo ngày 02/01/2019, bị cáo có chú ruột và cậu ruột là liệt S, là những người có công với đất nước. Mặc khác, trong vụ án này bị hại cũng có một phần lỗi, đó là sau khi có uống rượu, trong thời điểm trời tối đã đến nhà bị cáo, tay cầm đoạn gỗ có hành vi la chửi và gây sự trong lúc bị cáo không có nhà. Sự việc đánh nhau bắt nguồn do bị hại, nếu như bị hại không đến nhà gây sự thì không có sự việc xảy ra, đây là nguyên nhân và điều kiện dẫn đến bị cáo phạm tội.

Từ phân tích trên, nhận thấy trong vụ án này bị cáo có những tình tiết giảm trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p, đ khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 cần được xem xét cho bị cáo trong khi quyết định hình phạt.

 [9] Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã xội, trên cơ sở xem xét nhân thân và các tình tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân và điều kiện, động cơ và mục đích phạm tội. Xét thấy, bị cáo không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự và có nơi cư trú ổn định, rõ ràng. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mà chỉ cần cho bị cáo hưởng án treo, giao bị cáo về cho chính quyền địa phương phối hợp cùng gia đình giám sát, giáo dục và ấn định thời gian thử thách cũng đủ sức răn đe, giáo dục đối với bị cáo có ý thức trong việc tôn trọng pháp luật, tôn trọng sức khỏe của người khác và có điều kiện lao động chăm lo cho gia đình, cải tạo trở thành công dân tốt có ích cho xã hội, góp phần trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.

 [10] Lời luận tội và đề nghị của Kiểm sát viên đã cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân xảy ra vụ án để đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo mức án từ 02 (Hai) năm tù đến 03 (Ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 04 (Bốn) năm đến 05 (Năm) năm tính từ ngày tuyên án là có cơ sở phù hợp với Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 2 của Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo và nhận định của Hội đồng xét xử nên được xem xét chấp nhận.

Lời bào chữa của người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa là căn cứ, đúng pháp luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

 [11] Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, anh T yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền 42.933.950 đồng. Trong đó gồm các khoản tiền như: chi phí điều trị thương tích là 7.933.950 đồng, thu nhập thực tế bị mất 3 tháng là 15.000.000 đồng, tiền bù đấp tổn thất tinh thần 20.000.000 đồng. Bị cáo đồng ý bồi thường nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

 [12] Về xử lý vật chứng:

+ Một đoạn gỗ dài 76 cm, kích thước nơi rộng nhất 03 cm x 2,5 cm.

+ Một đoạn gỗ dài 103,5 cm, kích thước nơi rộng nhất là 02 cm x 2,5 cm.

+ Một đoạn gỗ dài 86 cm, kích thước nơi rộng nhất 01 cm x 2,5 cm.

+ Một ống tuýp sắt dài 57 cm, đưởng kính rộng 3,4cm.

+ Một đoạn gỗ dài 88 cm, hình tròn đường kính rộng nhất 02 cm, nhỏ nhất 0,7 cm, có dính nhiều bùn khô.

Đây là công cụ gây án, là hung khí nguy hiểm có liên quan đến tội phạm, không có giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

 [13] Đối với hành vi của anh Huỳnh Văn T2 không bàn bạc trước với bị cáo trong việc đánh anh T, không có hành vi giúp sức cho bị cáo, việc anh Tòng đánh vào vai của anh T một cái không gây thương tích, là hành vi độc lập với hành vi gây thương tích của bị cáo S nên anh Tòng không đồng phạm với bị cáo trong vụ án và đã bị Công an huyện C xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 750.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật. Hiện anh Tòng đã nộp phạt xong nên không xét đến.

Đối với thương tích ở bàn tay trái và gối trái của bị cáo với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 2%, qua điều tra, không xác định được thời điểm hình thành thương tích, người gây ra thương tích, ống tuýp sắt dài 57 cm không gây ra được thương tích, bị cáo có đơn yêu cầu khởi tố nhưng sau đó đã có đơn xin rút lại yêu cầu khởi tố và không yêu cầu khởi tố nên ngày 14/01/2019. Cơ quan điều tra đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 06 là có căn cứ pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự.

 [14] Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khởi nơi cư trú theo Quyết định số 01/2019/QĐCĐKNCT ngày 28/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo nên hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú mà Tòa án đã áp dụng cho bị cáo là phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 125 Bộ luật tố tụng hình sự.

 [15] Về án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm: Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Bị cáo thuộc diện hộ nghèo được chính quyền địa phương xét cấp hộ nghèo ngày 02/01/2019 nên miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo là phù hợp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Lê Văn S phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Căn cứ vào điểm đ khoản 2 (thuộc điểm a khoản 1) Điều 134, khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm b, p, đkhoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm b khoản 1Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Lê Văn S 02 (Hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 04 (Bốn) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Lê Văn S cho Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

2. Về biện pháp ngăn chặn: Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 125 Bộ luật tố tụng hình sự. Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” theo Quyết định số 01/2019/QĐCĐKNCT ngày 28/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện C đối với bị cáo Lê Văn S.

3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46, khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 357, 468, 584, 585, 586 và 590 Bộ luật dân sự 2015.

Buộc bị cáo Lê Văn S bồi thường cho anh Đỗ Đức T số tiền 42.933.950 đồng (Bốn mươi hai triệu chín trăm ba mươi ba ngàn chín trăm năm mươi đồng), đã khắc phục trước được 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 29/01/2019 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện C với Cơ quan Thi hành án dân sự huyện C. Bị cáo còn phải bồi thường tiếp số tiền là 32.933.950 đồng (Ba mươi hai triệu chín trăm ba mươi ba ngàn chín trăm năm mươi đồng).

Kể từ ngày bản án này có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày anh Đỗ Đức T có đơn yêu cầu thi hành án, nếu số tiền 32.933.950 đồng chưa được bị cáo Lê Văn S thi hành, thì hàng tháng bị cáo Lê Văn S còn phải trả lãi, đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hànhán dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

4. Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Tịch thu tiêu hủy các vật chứng theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 29/01/2019 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện C với Cơ quan thihành án dân sự huyện C gồm:

+ Một đoạn gỗ dài 76 cm, kích thước nơi rộng nhất 03 cm x 2,5 cm.

+ Một đoạn gỗ dài 103,5 cm, kích thước nơi rộng nhất là 02 cm x 2,5cm.

+ Một đoạn gỗ dài 86 cm, kích thước nơi rộng nhất 01 cm x 2,5 cm.

+ Một ống tuýp sắt dài 57 cm, đường kính rộng 3,4 cm.

+ Một đoạn gỗ dài 88 cm, hình tròn đường kính rộng nhất 02 cm, nhỏnhất 0,7 cm, có dính nhiều bùn khô.

5. Về án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm:

Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Miễn toàn bộ án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo Lê Văn S.

Bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử theo thủ tục phúc thẩm./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

263
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2019/HS-ST ngày 12/03/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:08/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Chợ Lách - Bến Tre
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:12/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về