Bản án 08/2019/HNGĐ-PT ngày 07/03/2019 về tranh chấp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 08/2019/HNGĐ-PT NGÀY 07/03/2019 VỀ TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN CHUNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN

Trong các ngày 28 tháng 02 đến ngày 07 tháng 3 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2019/TLPT-HNGĐ ngày 11 tháng 01 năm 2019 về tranh chấp “Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân”.

Do Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 126/2018/HNGĐ-ST ngày 11/10/2018 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 49/2019/QĐ-PT ngày 01 tháng 02 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Nguyễn Thị M (Nguyễn Thị L), sinh năm 1943;

Địa chỉ: Ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Dương Hiền H, sinh năm 1960; (có mặt)

Địa chỉ: Số 450, Nguyễn Thị Minh K, phường N, Quận B, thành phố Hồ Chí Minh.

 (Theo văn bản ủy quyền ngày 16 tháng 5 năm 2018)

- Bị đơn: Phạm Văn C, sinh năm 1941;

Địa chỉ: Ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện theo ủy quyền: Phạm Thị L, sinh năm 1969 (có mặt);

Địa chỉ: Ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang. (Theo văn bản ủy quyền ngày 23 tháng 5 năm 2016)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Phạm Thị L, sinh năm 1969;

2. Cao Thanh T, sinh năm 1966 (có mặt);

3. Cao Tấn T, sinh năm 1986 (có mặt);

4. Cao Ngọc D1, sinh năm 1988 (có mặt);

5. Cao Ngọc D2, sinh năm 1990 ;

6. Nguyễn Thị D, sinh năm 1985;

Cùng địa chỉ: Ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của Cao Ngọc D2: Cao Thanh T, sinh năm 1966;

Địa chỉ: Ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang. (Theo văn bản ủy quyền ngày 22 tháng 4 năm 2015)

Người đại diện theo ủy quyền của Nguyễn Thị D: Cao Tấn T, sinh năm 1986;

Địa chỉ: Ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang. (Theo văn bản ủy quyền ngày 22 tháng 4 năm 2015)

7. Lâm Thị H, sinh năm 1977 (có mặt);

8. Phan Phú P, sinh năm 1977 (có mặt);

Địa chỉ: Ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

9. Huỳnh Kim L1, sinh năm 1958 (có mặt);

Địa chỉ: Ấp M, xã L, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người kháng cáo: Nguyên đơn Nguyễn Thị M.

Theo án sơ thẩm;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cụ Nguyễn Thị M là ông Dương Hiền H trình bày:

Cụ M với cụ C chung sống vợ chồng năm 1963, không có đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống, vợ chồng cụ M tạo lập được khối tài sản chung gồm 03 phần đất thuộc thửa số 356, tờ bản đồ số 25 diện tích 12.203m2, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang, gồm: Năm 1969, cụ M nhận thừa kế của cha, mẹ là cụ Nguyễn Kim Q và cụ Văn Thị L để lại cho cụ M 4.000m2; Năm 1974, cụ M và cụ C mua 4.203m2, hiện trên phần đất này có nhà kiên cố trị giá khoảng 200.000.000 đồng; Năm 1988, cụ M và cụ C mua 4.000m2 cặp lộ 864.

Nay do có nhu cầu sử dụng riêng nên cụ M khởi kiện yêu cầu Tòa án chia đôi tài sản chung của vợ chồng, cụ thể: Cụ M yêu cầu chia 4.000m2 đất của cha mẹ cụ để lại và 2.000m2 đất mặt tiền cặp tỉnh lộ 864, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang; Chia cho cụ M ½ giá trị căn nhà theo biên bản định giá ngày 10/01/2018.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn cụ Phạm Văn C là bà Phạm Thị L trình bày:

Cụ M yêu cầu cụ C chia ½ quyền sử dụng đất trong tổng diện tích 12.203m2, do cụ C đại diện hộ đứng tên quyền sử dụng đất và chia ½ giá trị căn nhà theo Biên bản định giá ngày 10/01/2018 thì cụ C có ý kiến như sau:

Đối với phần đất 4.000m2, cụ M cho rằng là đất của cha mẹ để lại, thật ra phần đất này cha, mẹ vợ của cụ C đã cầm cố cho cụ Nguyễn Văn C1 (8 C1), quá thời hạn nhưng cụ C1 không trả. Nên vào năm 1971, bản thân cụ C trực tiếp nhờ chính quyền xã T lúc bấy giờ (chế độ cũ) để lấy lại và tiếp tục canh tác cho đến nay; Đối với 2.000m2 đất cặp tỉnh lộ 864, năm 1986 vợ chồng cụ C gã con gái là bà cho chồng nhưng bắt rễ và bên chồng cho 1.000m2 đất. Đến năm 1989, bà và chồng là ông T bán đất bên chồng cho để hùn tiền mua thêm 4.000m2 nên phần đất này không phải của riêng vợ chồng cụ C, cụ M; Đối với căn nhà cụ M yêu cầu chia ½ giá trị theo biên bản định giá ngày 10/01/2018, cụ C cho rằng tài sản là của vợ chồng và con, không phải tài sản của riêng vợ chồng. Do đó, cụ C không đồng ý chia đôi theo yêu cầu của cụ M mà cụ C chia cho cụ M 1/3 diện tích đất và 1/3 giá trị căn nhà, phần còn lại chia chung cho cụ C và gia đình bà.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị L trình bày:

Thửa đất số 356, tờ bản đồ số 25, diện tích 12.203m2, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang được cấp lại từ các thửa đất số 2182, diện tích 867m2; thửa 2183, diện tích 2.750m2; thửa đất số 2180, diện tích 4.250m2; thửa đất 2150, diện tích 450m2 và thửa 2151, diện tích 2.535m2, cấp lần đầu cho hộ vào ngày 06/12/1996. Khi đó, bà đã là thành viên trong hộ, chồng của bà là ông T cũng đã về chung sống vào năm 1986, vợ chồng bà là canh tác chính trên các thửa đất này, có công việc cải tạo đất ruộng thành đất vườn như hiện nay. Do đó, bà yêu cầu xác định toàn bộ phần đất đang tranh chấp là của hộ và chia cho cụ M 1/3 diện tích đất nêu trên. Căn nhà mà cụ M yêu cầu chia, vợ chồng bà cũng đã đóng góp tiền và công sức để xây dựng nên bà cũng yêu cầu chia cho cụ M 1/3 giá trị theo định giá ngày 10/01/2018. Đối với căn nhà liền kề với căn nhà cụ M yêu cầu là của vợ chồng bà cất thêm và cây trồng trên đất là của vợ chồng bà trồng, không phải tài sản chung của cụ M và cụ C nên yêu cầu cụ M trả lại giá trị cây trồng trên đất chia cho cụ M.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Cao Thanh T đồng thời là đại diện theo ủy quyền của chị Cao Ngọc D2 trình bày: Thống nhất lời trình bày của bà L.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Cao Tấn T đồng thời là đại diện theo ủy quyền của chị Nguyễn Thị D trình bày: Thống nhất lời trình bày của bà L.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Cao Ngọc D1 trình bày: Thống nhất với lời trình bày của bà L. Riêng căn nhà mới xây cặp tỉnh lộ 864 là của ông ngoại chị là cụ C cho chị sử dụng để làm nơi mua bán.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Lâm Thị H đồng thời là đại diện theo ủy quyền của bà L1 và anh P trình bày: Trước đây mẹ chồng của chị là bà L1 có mua của cụ M phần đất chiều ngang 7,5m, chiều dài 27m, sau khi mua mới làm giấy tay có cụ C và bà L1 ký tên. Sau đó, bà L1 cho vợ chồng chị phần đất này để vợ chồng chị cất nhà ở. Nay chị yêu cầu được tiếp tục ở trên phần đất mà bà L1 đã mua từ cụ M.

Tại bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 126/2018/HNGĐ-ST ngày 11 tháng 10 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang đã quyết định: Áp dụng các điều 33, 34, 38 Luật Hôn nhân và gia đình; điểm a Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội; Thông tư liên tịch số 01/2000/TTLT ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp; các điều 208, 210, 212, 213 và 219 Bộ luật dân sự; các khoản 9, 29 Điều 3 và Điều 95 Luật đất đai; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ Nguyễn Thị M.

2. Chia cho cụ Nguyễn Thị M phần đất diện tích 1.300,6m2, trong đó có 100m2 đất ở nông thôn và diện tích 202,5m2, nằm trong thửa đất số 356, tờ bản đồ 25, diện tích 12.203m2, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang do cụ Phạm Văn C đại diện hộ đứng tên (Có sơ đồ kèm theo).

Phần đất diện tích 1.300,6m2 có tứ cận như sau:

+ Phía Đông: Giáp đất chia cho cụ Phạm Văn C, bà Phạm Thị L dài 66,14m;

+ Phía Tây: Giáp đất của Phạm Ngọc D dài 64,71m;

+ Phía Nam: Giáp đất Nguyễn Văn X dài 22m;

+ Phía Bắc: Giáp tỉnh lộ 864 dài 20m.

Và phần đất diện tích 202,5m2 có tứ cận như sau:

+ Phía Đông: Giáp đất của Nguyễn Văn H dài 27m;

+ Phía Tây: Giáp đất chia cho cụ Phạm Văn C, bà Phạm Thị L dài 27m;

+ Phía Nam: Giáp đất chia cho cụ Phạm Văn C, bà Phạm Thị L dài 7,5m;

+ Phía Bắc: Giáp đất của Phạm Văn K dài 7,5m.

3. Chia cho cụ Phạm Văn C và bà Phạm Thị L phần đất diện tích 10.699,9m2, trong đó có 200m2 đất ở nông thôn, nằm trong thửa đất số 356, tờ bản đồ 25, diện tích 12.203m2, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang do cụ Phạm Văn C đại diện hộ đứng tên (có sơ đồ kèm theo). Phần đất diện tích 10.699,9m2 có tứ cận như sau:

+ Phía Đông: Giáp đất của Cao Văn T, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị N dài 207,39m;

+ Phía Tây: Giáp phần đất chia cho cụ Nguyễn Thị M, đất của Nguyễn Văn X, Huỳnh Thành T, Nguyễn Thị M1 và Rạch công cộng dài 153,46m;

+ Phía Nam: Giáp đất của Nguyễn Văn X, Huỳnh Thành T, Rạch công cộng và Nguyễn Thị N dài 113,71m;

+ Phía Bắc: Giáp tỉnh lộ 864, đất của Cao Văn T, Trần Văn C và Phạm Văn K dài 98,84m.

4. Chia cho cụ Phạm Văn C căn nhà kết cấu mái tole, kèo gỗ quy cách, nền gạch caramic, cột bê tông cốt thép, vách tường không tô, không khu phụ, diện tích 67,32m2; mái che tole nền đất, diện tích 20,448m2; mái che lá nền đất đất, diện tích 19,516m2, sân xi măng diện tích 60,26m2 và nhà tắm diện tích 3,84m2, nằm trên thửa đất số 356, tờ bản đồ 25, diện tích 12.203m2, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang do cụ Phạm Văn C đại diện hộ đứng tên. Căn nhà và công trình phụ này hiện cụ C đang quản lý.

5. Buộc cụ Phạm Văn C có nghĩa vụ trả ngay cho cụ Nguyễn Thị M phần giá trị căn nhà mà cụ M được hưởng là 51.554.000 đồng (Năm mươi mốt triệu, năm trăm năm mươi bốn nghìn đồng).

6. Buộc cụ Phạm Văn C và bà Phạm Thị L có nghĩa vụ trả ngay cho cụ Nguyễn Thị M phần giá trị đất mà cụ M được hưởng là 307.668.000 đồng (Ba trăm lẻ bảy triệu, sáu trăm sáu mươi tám nghìn đồng).

7. Buộc cụ Nguyễn Thị M có nghĩa vụ trả ngay giá trị cây trồng cho ông Cao Thanh T và bà Phạm Thị L là 58.160.000 đồng (Năm mươi tám triệu, một trăm sáu mươi nghìn đồng).

8. Các đương sự có quyền đăng ký đất đai đối với phần diện tích đất được chia nêu trên theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 25/10/2018, nguyên đơn cụ Nguyễn Thị M có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng chia đôi phần diện tích đất 12.203m2 cho cụ M và cụ C.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện ủy quyền của cụ Nguyễn Thị M vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày: Phần đất 12.203m2 thửa 356, tờ bản đồ 25 tọa lạc ấp B, xã T, huyện C là tài sản chung của cụ Phạm Văn C, cụ Nguyễn Thị M. Trong tổng diện tích 12.203m2 có 4.000m2 là do cụ M được cha mẹ cho từ năm 1969 nên yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chia cho cụ M phần đất 4.000m2 để làm đất hương hỏa.

Đại diện ủy quyền của cụ Phạm Văn C không đồng ý theo yêu cầu của cụ M.

Hai bên đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến: Về tố tụng việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án là đúng theo pháp luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Án sơ thẩm nhận định phần đất 12.203m2 thửa 356, tờ bản đồ 25 là tài sản chung thuộc sở hữu chung hộ gia đình cụ Phạm Văn C là có căn cứ, đúng qui định pháp luật. Cụ M kháng cáo cho rằng trong tổng 12.203m2 đất có 4.000m2 là tài sản cụ M được nhận thừa kế từ cha mẹ nhưng cụ M không có

chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của cụ M. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện ủy quyền của cụ C tự nguyện không nhận số tiền bồi hoàn giá trị cây trồng của cụ M nên đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận, sửa án sơ thẩm.

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, cùng lời trình bày của các đương sự. Căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của cụ Nguyễn Thị M thực hiện đúng qui định tại Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự, thời hạn kháng cáo đúng qui định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về quan hệ tranh chấp: Căn cứ đơn khởi kiện của nguyên đơn Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp “Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân” theo qui định tại Điều 38 Luật hôn nhân gia đình là đúng qui định pháp luật.

 [3] Về nội dung: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án có cơ sở xác định, Cụ Phạm Văn C và cụ Nguyễn Thị M chung sống vào năm 1963. Quá trình chung sống hai cụ tạo lập được phần đất 12.203m2 thuộc thửa 356, tờ bản đồ số 25, đất tọa lạc ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang do cụ Phạm Văn C đại diện hộ gia đình đứng tên quyền sử dụng đất. Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích 12.203m2 là tài sản của hộ gia đình và xác định mỗi thành viên trong hộ được sở hữu diện tích 4.067m2 là có căn cứ.

Xét kháng cáo của cụ Nguyễn Thị M yêu cầu chia ½ diện tích quyền sử dụng đất và yêu cầu được nhận phần đất 2.000m2 đất cặp tỉnh lộ 864, diện tích 4.000m2 đất có nguồn gốc của cha mẹ cụ M chia cho.

Xét thấy: Về nguồn gốc đất các bên đương sự trình bày thống nhất phần đất diện tích 12.203m2 do vợ chồng cụ C tạo lập trong quá trình chung sống. Căn cứ vào đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 25/9/1996 do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện C cung cấp thể hiện nguồn gốc đất của cụ C canh tác từ trước đến ngày đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ M kháng cáo cho rằng trong tổng diện tích 12.203m2 có 4.000m2 đất do cha mẹ cụ cho cụ từ năm 1969 là không có cơ sở vì cụ M không có chứng cứ chứng minh. Đồng thời, tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1996 cụ M không có ý kiến phản đối khi Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cụ C nên không có căn cứ xác định nguồn gốc đất do cụ M nhận thừa kế.

Xét tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình vào ngày 06/12/1996 các thành viên trong hộ gia đình cụ C gồm có: Cụ C, cụ M và bà L cùng các con bà L.

Theo qui định tại khoản 29 Điều 3 Luật đất đai thì “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, theo qui định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.” 

Khoản 9 Điều 3 Luật đất đai qui định:“ Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định”. Theo qui định trên thì hộ cụ C được công nhận quyền sử dụng đất gồm các thành viên cụ C, cụ M, bà L. Do đó, thửa đất số 356, tờ bản đồ 25 diện tích 12.203m2 chia làm 03 phần, mỗi phần được sở hữu 4.067m2.

Án sơ thẩm chia cho cụ M diện tích 1.300m2 trong đó có 100m2 đất ở nông thôn, để cụ M có nơi sinh sống. Phần đất mà cụ M bán cho bà L1, hiện do vợ chồng chị H, anh P cất nhà ở diện tích 202,5m2 để thuận tiện cho việc sang tên cho bà L1. Đối với diện tích còn lại 2.563,9m2 Tòa án cấp sơ thẩm chia cho cụ M bằng giá trị là có căn cứ vì theo nhận định của bản án sơ thẩm nhận định phần đất cụ M yêu cầu chia nằm phía sau căn nhà chung của cụ M, cụ C và căn nhà bà L xây dựng thêm, cặp con kênh công cộng lấy nước tưới tiêu cho toàn bộ đất phía trước có nhiều cây Sầu riêng và nếu chia cho cụ M phần diện tích đất này thì phần đất không có lối đi ra đường công cộng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện ủy quyền của cụ M yêu cầu được nhận bằng đất không đồng ý nhận giá trị. Tuy nhiên, đại diện ủy quyền của cụ M không yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm thẩm định lại hiện trạng phần đất mà cụ M yêu cầu chia không có lối đi như án sơ thẩm đã nhận định nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu được nhận bằng đất của cụ M.

Đối với cây trồng trên đất: Theo biên bản định giá ngày 10/01/2018 thì trên diện tích 1.300m2 đất chia cho cụ M có 24 cây Sầu riêng loại A; 02 cây loại B; 02 cây loại C giá trị cây trồng là 58.160.000 đồng. Án sơ thẩm tuyên buộc cụ M có nghĩa vụ trả giá trị cây trồng trên đất cho bà L, ông Tú số tiền 58.160.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà L, ông T tự nguyện không yêu cầu cụ M trả số tiền giá trị cây trồng 58.160.000 đồng theo án sơ thẩm xử nên Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận sự tự nguyện của bà L, ông Tú.

 [4] Về án phí: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 qui định:“ Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí…đ/ Trẻ em, cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi..” Đối chiếu với qui định trên thì cụ M, cụ C là người cao tuổi nên thuộc đối tượng được miễn án phí theo điều luật đã viện dẫn trên.

Từ những phân tích trên, xét kháng cáo của cụ M là không có căn cứ nên không được chấp nhận. Quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ các điều 33, 34, 38 Luật Hôn nhân và gia đình; điểm a Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội;

Các điều 208, 210, 212, 213 và 219 Bộ luật dân sự; các khoản 9, 29 Điều 3 và Điều 95 Luật đất đai;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2000/TTLT ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Ghi nhận sự tự nguyện của bà Phạm Thị L, ông Cao Văn T không yêu cầu cụ

Nguyễn Thị M trả số tiền 58.160.000 đồng giá trị cây trồng trên đất. Sửa án sơ thẩm số 126/2018/HNGĐ-ST ngày 11/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ Nguyễn Thị M.

2. Chia cho cụ Nguyễn Thị M phần đất diện tích 1.300,6m2, trong đó có 100m2 đất ở nông thôn và diện tích 202,5m2, nằm trong thửa đất số 356, tờ bản đồ 25, diện tích 12.203m2, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang do cụ Phạm Văn C đại diện hộ đứng tên (Có sơ đồ kèm theo).

Phần đất diện tích 1.300,6m2 có tứ cận như sau:

+ Phía Đông: Giáp đất chia cho cụ Phạm Văn C, bà Phạm Thị L dài 66,14m;

+ Phía Tây: Giáp đất của Phạm Ngọc D dài 64,71m;

+ Phía Nam: Giáp đất Nguyễn Văn X dài 22m;

+ Phía Bắc: Giáp tỉnh lộ 864 dài 20m.

Và phần đất diện tích 202,5m2 có tứ cận như sau:

+ Phía Đông: Giáp đất của Nguyễn Văn H dài 27m;

+ Phía Tây: Giáp đất chia cho cụ Phạm Văn C, bà Phạm Thị L dài 27m;

+ Phía Nam: Giáp đất chia cho cụ Phạm Văn C, bà Phạm Thị L dài 7,5m;

+ Phía Bắc: Giáp đất của Phạm Văn K dài 7,5m.

3. Chia cho cụ Phạm Văn C và bà Phạm Thị L phần đất diện tích 10.699,9m2, trong đó có 200m2 đất ở nông thôn, nằm trong thửa đất số 356, tờ bản đồ 25, diện tích 12.203m2, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang do cụ Phạm Văn C đại diện hộ đứng tên (có sơ đồ kèm theo). Phần đất diện tích 10.699,9m2 có tứ cận như sau:

+ Phía Đông: Giáp đất của Cao Văn T, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị N dài 207,39m;

+ Phía Tây: Giáp phần đất chia cho cụ Nguyễn Thị M, đất của Nguyễn Văn X, Huỳnh Thành T, Nguyễn Thị M và Rạch công cộng dài 153,46m;

+ Phía Nam: Giáp đất của Nguyễn Văn X, Huỳnh Thành T, Rạch công cộng và Nguyễn Thị N dài 113,71m;

+ Phía Bắc: Giáp tỉnh lộ 864, đất của Cao Văn T, Trần Văn C và Phạm Văn K dài 98,84m.

4. Chia cho cụ Phạm Văn C căn nhà kết cấu mái tole, kèo gỗ quy cách, nền gạch caramic, cột bê tông cốt thép, vách tường không tô, không khu phụ, diện tích 67,32m2; mái che tole nền đất, diện tích 20,448m2; mái che lá nền đất đất, diện tích 19,516m2, sân xi măng diện tích 60,26m2 và nhà tắm diện tích 3,84m2, nằm trên thửa đất số 356, tờ bản đồ 25, diện tích 12.203m2, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang do cụ Phạm Văn C đại diện hộ đứng tên. Căn nhà và công trình phụ này hiện cụ C đang quản lý.

5. Buộc cụ Phạm Văn C có nghĩa vụ trả ngay cho cụ Nguyễn Thị M phần giá trị căn nhà mà cụ M được hưởng là 51.554.000 đồng (Năm mươi mốt triệu, năm trăm năm mươi bốn nghìn đồng).

6. Buộc cụ Phạm Văn C và bà Phạm Thị L có nghĩa vụ trả ngay cho cụ Nguyễn Thị M phần giá trị đất mà cụ M được hưởng là 307.668.000 đồng (Ba trăm lẻ bảy triệu, sáu trăm sáu mươi tám nghìn đồng).

7. Các đương sự có quyền đăng ký đất đai đối với phần diện tích đất được chia nêu trên theo quy định của pháp luật về đất đai.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án chậm thi hành thì hành tháng còn phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chậm thi hành án.

8. Về án phí: Cụ Nguyễn Thị M được miễn án phí dân sự phúc thẩm và sơ thẩm. Nên được hoàn lại 4.300.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai thu số 16067 ngày 26/10/2018 và biên lai thu số 12159 ngày 10/02/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Cụ Phạm Văn C được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Phạm Thị L phải chịu 24.899.500 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án dân sự, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Án tuyên lúc hồi 8 giờ 00 phút, ngày 07/3/2019 có mặt cụ M, ông H, bà L, ông T, Đại diện Viện kiểm sát.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2638
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2019/HNGĐ-PT ngày 07/03/2019 về tranh chấp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Số hiệu:08/2019/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 07/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về