Bản án 08/2019/DS-PT ngày 14/05/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 08/2019/DS-PT NGÀY 14/05/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2019/TLPT-DS ngày 09/01/2019 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 02/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Â, tỉnh Hưng Yên bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2019/QĐ-PT ngày 07 tháng 03 năm 2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Chu Thanh V, sinh năm 1960

Địa chỉ: Ấp S, xã B, huyện L, tỉnh Đồng Nai

- Bị đơn: Ông Chu Văn T, sinh năm 1952

Địa chỉ: Thôn P, xã Đ, huyện Â, tỉnh Hưng Yên

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Cụ Nguyễn Thị Đ1, sinh năm 1926. Cụ Đ1 ủy quyền cho ông V

2. Bà Chu Thị H, sinh năm 1963

3. Bà Chu Thị H1 sinh năm 1966

Đều có địa chỉ: Thôn P, xã Đ, huyện Â, tỉnh Hưng Yên

4. Bà Chu Thị H2 sinh năm 1972

Địa chỉ: Ấp S, xã B, huyện L, tỉnh Đồng Nai

5.Bà Chu Thị L1 sinh năm 1955

Địa chỉ: Thôn Y, xã T1, huyện Y1, tỉnh Hưng Yên

6. Bà Chu Thị T2 sinh năm 1969

Địa chỉ: Ấp 4, xã B1, huyện L, tỉnh Đồng Nai

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các lời khai của ông V, cụ Đ1, bà H1, bà L1, bà H trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa thể hiện:

Cụ Chu Văn T3 và cụ Nguyễn Thị Đ1 sinh được 07 người con gồm: Chu Minh T, Chu Thị L1, Chu Thanh V, Chu Thị H, Chu Thị H1, Chu Thị T2, Chu Thị H2. Hai cụ có 02 thửa đất tổng diện tích 312m2. Cụ thể thửa 473 có diện tích 131m2 và thửa 474 có diện tích181m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1996 mang tên Chu Văn T3. Phía trước hai thửa đất là ao nên quá trình ở và sử dụng, hai cụ cạp lấn thêm thành diện tích 893m2. Năm 2007, xã tiến hành đo đạc lại đất, hai cụ đã đề nghị xã tách thửa 474 thành 03 thửa: Thửa 339 có diện tích 250m2 cho ông V, thửa 324 có diện tích 139m2 cụ T3 cụ Đ1 sử dụng, thửa 325 có diện tích 355m2 để làm nhà thờ, còn lại thửa 473 (nay là thửa 323) có diện tích 149m2 cụ T3, cụ Đ1 cũng cho ông V. Ngoài ra theo cụ Đ1 khai thì năm 1986 vợ chồng cụ đã cho ông T một mảnh đất có diện tích 400m2 ở ngoài đê cùng thôn P, xã Đ, huyện Â.

Năm 2012, cụ T3 chết, cụ Đ1 là người quản lý toàn bộ tài sản của hai cụ. Khi 50 ngày cụ T3, ông Chu Văn H3 có công bố bản di chúc của cụ T3 lúc đó gia đình mới được biết, nội dung bản di chúc như thế nào ông V, cụ Đ1, bà H1, bà L1 không nắm được vì khi ông H3 công bố thì xảy ra tranh cãi nên chưa công bố hết nội dung di chúc.

Năm 2017, do cụ Đ1 đau yếu không có ai trông nom nên cụ Đ1 gọi ông V từ Đồng Nai về chăm sóc. Cụ Đ1 cho ông V xây dựng nhà trên phần đất của hai cụ thì ông T ngăn cản không cho xây, hai bên xảy ra tranh chấp. Vì anh em trong gia đình không tự giải quyết được với nhau nên ông V đề nghị Tòa án chia thừa kế di sản của cụ T3 để lại là hai mảnh đất tại thửa số 324 và 325 tờ bản đồ số 22 năm 2007 xã Đ1 có tổng diện tích là 494m2 theo quy định của pháp luật. Cụ Đ1, ông V, bà L1, bà H1 và bà H không chấp nhận bản di chúc của cụ T3 do ông H3 công bố.

Cụ Đ1 không yêu cầu đề nghị gì về phần chi phí mai táng cho cụ T3 và công sức quản lý di sản của cụ T3. Phần đất trước đây cụ và cụ T3 tách làm nhà thờ tại thửa 325 nay cụ không đồng ý làm nhà thờ nữa. Phần tài sản được hưởng thừa kế của cụ T3 và cả phần tài sản là đất đai trong khối tài sản chung với cụ T3, cụ Đ1 cho cả ông V.

Bà L1, bà H1, bà H: Đề nghị Tòa chia thừa kế di sản của cụ T3 để lại tại 02 thửa đất như ông V yêu cầu. Phần tài sản được hưởng thừa kế của cụ T3, các bà cho ông V để ông V chăm sóc cụ Đ1.

Bà T2 và H2: Cụ Đ1 và cụ T3 có tài sản chung là quyền sử dụng đất có diện tích 494m2 ở thôn P, xã Đ. Do hai bà sinh sống tại L, tỉnh Đồng Nai đã lâu nên các bà không rõ thông tin về thửa đất. Cụ T3 chết năm 2012 và không để lại di chúc. Khi còn sống ý chí của cụ T3 đối với đất đai là chia cho ông V một phần, một phần làm nhà thờ ở sát phần đất của ông V, còn một phần là của cụ T3 và cụ Đ1. Đối với phần đất làm nhà thờ chưa được Nhà nước công nhận, vẫn nộp thuế bình thường nên đất làm nhà thờ là di sản thừa kế yêu cầu chia theo pháp luật. Phần tài sản được hưởng thừa kế của cụ T3, các bà cho cả ông V để ông V có trách nhiệm chăm sóc cụ Đ1. Vì ở xa nên bà T2 và bà H2 không có điều kiện đi lại, hai bà đã có đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện  giải quyết và xét xử vụ án vắng mặt.

Ông T là bị đơn trình bày: Nguồn gốc mảnh đất của bố mẹ ông là do cụ B để lại, lúc đầu mảnh đất chỉ có 312m2 sau đó một mình ông san lấp ao và bố ông là cụ T3 phun cát lên đất nên mới có diện tích đất như bây giờ. Năm 2012, cụ T3 chết có để lại di chúc khi 50 ngày cụ T3 thì ông H3 công bố, bản di chúc ông H3 công bố là bản photo ông đã cung cấp cho Tòa án, bản gốc hiện nay đã bị mất. Khi cụ T3 chết, ông là người đứng ra chi phí mai táng, sau đó gia đình đã trả cho ông số tiền này từ tiền phúng viếng. Ông không có yêu cầu đề nghị gì về phần công sức.

Nay ông V đề nghị Tòa án chia thừa kế di sản của cụ T3 tại 02 thửa đất 324 và 325 ông không nhất trí bởi lẽ 03 thửa 339, 324 và 325 có tổng là diện tích 488m2 của cụ T3 và cụ Đ1 phải để lại diện tích 224m2 làm nhà thờ, vì theo sơ đồ cụ T3 vẽ năm 2006 thì diện tích nhà thờ là 224m2, có chiều rộng là 10,80m và 9,20m, chiều dài 22,50m và 22,30m, diện tích còn lại 264m2 đề nghị Tòa chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Thửa 339 có diện tích 166m2 ông không chấp nhận là của ông V vì ông là con trưởng nhưng không được chia đất, do vậy bây giờ đất đai của bố mẹ phải được chia đều cho các con.

Hai ngôi nhà cấp 4 trên đất do cụ T3 và cụ Đ1 xây dựng từ lâu, các đương sự đều không đề nghị xem xét, giải quyết.

Lời khai của những người làm chứng:

- Ông Chu Thanh H3: Nguồn gốc mảnh đất của cụ T3 và cụ Đ1 là của cụ B (bố đẻ cụ T3) để lại, khi cụ T3 còn sống cụ có thống nhất với một số người trong họ về việc để lại diện tích đất là 397m2 làm nhà thờ (một nhánh họ Chu) theo sơ đồ cụ T3 vẽ vào năm 2006. Lúc còn sống cụ T3 có đưa cho ông bản di chúc (bản photo) là trang 33, 34 của cuốn gia phả họ Chu và dặn nếu cụ T3 chết trước thì khi 50 ngày cụ T3, ông hãy công bố bản di chúc đó. Năm 2012, khi 50 ngày cụ T3, ông đã công bố bản di chúc của cụ T3 trước gia đình và họ hàng, sau đó ông đưa lại bản di chúc cho ông T giữ.

- Ông Chu Văn H4: Ông nghe nói đất đai của cụ T3 và cụ Đ1 là do hai cụ tạo dựng được. Khi cụ T3 còn sống, cụ có nói với ông về việc chia mảnh đất làm 03 phần: một phần làm nhà thờ họ vì họ chưa có nhà thờ, một phần cho ông V, một phần hai cụ sử dụng. Năm 2012, cụ T3 chết, khi 50 ngày cụ T3 thì ông H3 có công bố bản di chúc theo ông H3 nói là của cụ T3 để lại, ông không biết nội dung bản di chúc của cụ T3 như thế nào. Theo ông biết mảnh đất hiện nay ông T đang ở là do cụ T3, cụ Đ1 cho trước đây, vì thế sau này cụ T3 và cụ Đ1 mới cho ông V đất, không cho ông T nữa.

- Ông Chu Văn Q: Theo ông được biết những năm 1956,1957 thời kỳ giảm tô cải cách gia đình cụ B (là bố đẻ cụ T3) thuộc thành phần địa chủ nên bị chính quyền tịch thu nhà đất. Vài năm sau thì vợ chồng cụ T3 về lại mảnh đất của cụ B ở, ông không rõ là do vợ chồng cụ T3 mua lại hay thế nào. Trên đất có một phần ao, vợ chồng cụ T3 đã san lấp ao thành đất liền. Năm 2006, cụ T3 có nói với ông về việc phân chia đất và để một phần đất làm nhà thờ của gia đình hay làm nhà thờ họ ông không biết.

- Ông Chu Thanh K: Trước đây ông có nghe cụ T3 và một số ông trong họ thông báo về việc để lại diện tích đất 377m2 làm nhà thờ của chi, không phải nhà thờ của riêng gia đình cụ T3. Năm 2012 cụ T3 chết, khi 50 ngày cụ T3 thì ông H3 có công bố bản di chúc của cụ T3 nội dung như bản di chúc ông T cung cấp cho Tòa.

Biên bản xác minh với UBND xã Đ: Thửa đất số 473, 474 tờ bản đồ số 02 năm 1994 xã Đ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1996 mang tên ông Chu Văn T3 có nguồn gốc là của cụ B (bố đẻ ông T3) để lại. Trên thực tế theo tờ bản đồ số 02 năm 1994 thì thửa số 474 có diện tích 247m2 nhưng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1996 thửa 474 chỉ có 181m2. Việc này là do nhầm lẫn khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình sử dụng, ông T3 bà Đ1 đã vượt lấp lấn ra ao tập thể nên mảnh đất có diện tích là 744m2, trong đó chỉ có diện tích 488m2 là đất hợp pháp thuộc quyền sử dụng của ông T3, bà Đ1, còn lại diện tích 254,3m2 vẫn là đất của tập thể do UBND xã quản lý.

Năm 2006, ông T3 có đơn xin tách thửa đất 474 làm 03 thửa gồm: Thửa 339 có diện tích 250m2 ông T3, bà Đ1 cho ông V. Thửa 324 có diện tích 139m2 ông T3, bà Đ1 quản lý sử dụng. Thửa 325 có diện tích 355m2 hiến làm nhà thờ, có chữ ký của ông T3 trong Biên bản xác định mốc giới, ranh giới thửa đất.

Đối với thửa đất làm nhà thờ năm 2016 xã mới công nhận và không phải đóng thuế đất. Ngoài ra còn thửa đất 323 (trước là thửa 473) có diện tích 149m2 ông T3, bà Đ1 cũng cho ông V.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 02 - 11 - 2018 của Tòa án nhân dân huyện  đã quyết định: Áp dụng khoản 5 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 611, 612, 613; khoản 1 Điều 650, Điều 651, khoản 1 Điều 357 của Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án

 Xử:

1. Xác định di sản thừa kế của cụ Chu Văn T3 gồm: 88m2 đất tại thửa 325 và 73m2 đất tại thửa 324 thuộc tờ bản đồ số 22 năm 2007 xã Đ có tổng trị giá : (73m2 + 88m2) x 500.000đ/m2 = 80.500.000đ.

2. Việc phân chia di sản như sau:

2.1: Diện tích đất 88m2 tại thửa 325 được giữ lại làm nhà thờ theo ý nguyện của cụ T3 nên không chia thừa kế và sẽ giao cho cụ Đ1 quản lý. Trên đất có 02 gian nhà cấp 4.

Phần đất còn lại tại thửa 325 có diện tích 88m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Nguyễn Thị Đ1, chấp nhận sự tự nguyện của cụ Đ1 về việc cho ông V phần đất này.

2.2: Diện tích đất 73m2 tại thửa 324 được phân chia cho 08 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau là 73m2 : 8 = 9.125m2 trị giá: 9.125m2 x 500.000đ/m2 = 4.560.250đ.

Chấp nhận sự tự nguyện của cụ Đ1, bà H1, bà L1, bà H, bà T2, bà H2 về việc cho ông V phần thừa kế được hưởng của cụ T3.

Chấp nhận sự tự nguyện của cụ Đ1 về việc cho ông V diện tích đất còn lại thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ có diện tích 73m2 tại thửa 324.

Do vậy, giao cho ông V diện tích đất 146m2 tại thửa 324.

Ông V có trách nhiệm trả cho ông T số tiền 4.560.250đ.

Ngoài ra, bản án còn quyết định lãi suất chậm thi hành án, án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/11/2018, bị đơn ông Chu Văn T kháng cáo đề nghị giữ nguyên hiện trạng nhà thờ như hiện tại.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông V giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Tòa không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ông T giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, ông xác định đất trước đây bố mẹ đã tách ra làm nhà thờ được tất cả mọi người đồng ý. Hiện tại đã được xã công nhận. Vì vậy đề nghị Tòa tuyên giữ nguyên hiện trạng đất để làm nhà thờ.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, HĐXX phúc thẩm và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.

Về đường lối giải quyết vụ án: Kháng cáo của ông T là có căn cứ, đề nghị HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Chấp nhận kháng cáo của ông T, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên hiện trạng đất để làm nhà thờ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Bị đơn, ông Chu Văn T kháng cáo trong thời hạn quy định của pháp luật, nộp tiền tạm ứng án phí đầy đủ. Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên thụ lý vụ án là đúng quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung:

[2.1] Về xác định người thừa kế:

Cụ Chu Văn T3 và cụ Nguyễn Thị Đ1 sinh được 07 người con. Cụ T3 chết năm 2012. Tòa cấp sơ thẩm đã xác định người thừa kế di sản của cụ T3 gồm 07 người con và cụ Đ1 là đúng quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.

[2.2] Về xác định di sản của cụ T3 để lại:

Tài sản của cụ T3 và cụ Đ1 gồn hai thửa đất:

- Thửa 473 diện tích 131 m2. Năm 2007 đo đạc lại thành thửa 323( đất hợp pháp là 149 m2), hai cụ cho ông V năm 2006.

- Thửa 474 diện tích 247 m2. Trong quá trình sử dụng hai cụ đã lấn thêm nên có diện tích là 742 m2.

Năm 2007, hai cụ đã tách thửa 474 thành 03 thửa: Thửa 339 diện tích 250 m2 hai cụ cho ông V năm 2006 (Trong đó có 166 m2 đất hợp pháp); thửa 324 diện tích 146 m2 đất hợp pháp; thửa 325 diện tích 335 m2 để làm nhà thờ ( có 176 m2 đất hợp pháp).

Năm 2006 hai cụ cho ông V 02 thửa đất gồn thửa 323 diện tích 149 m2, thửa 339 diện tích 166 m2. Việc cho ông V được cụ Đ1 và các đương sự thừa nhận, mặt khác đã được thể hiện trên giấy tờ sổ sách của địa phương.

Đối với thửa 325 cụ T3 và cụ Đ1 khi đo đã thống nhất tách ra để làm nhà thờ, có chữ ký của cụ T3 trong biên bản xác định mốc giới, ranh giới thửa đất. Năm 2016 xã đã công nhận và không phải đóng thuế đất.

Như vậy cụ T3 và cụ Đ1 đã cho ông V đất và tách đất ra để làm nhà thờ được cụ T3, cụ Đ1 và các đương sự thừa nhận, đã được thể hiện trên giấy tờ sổ sách của địa phương, có khuôn viên riêng.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định tài sản chung của cụ T3 và cụ Đ1 gồm có thửa 324 diện tích 146 m2 thuộc tờ bản đồ số 22. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình mỗi người có ½ số tài sản trên. Cụ T3 đã chết, di sản thừa kế của cụ T3 để lại là 146 : 2 = 73 m2 được phân cho các đồng thừa kế gồm cụ Đ1 và 7 người con là đúng quy định của pháp luật về thừa kế.

[2.3] Xét yêu cầu khởi kiện của ông V:

Ông V khởi kiện đề nghị chia di sản của cụ T3 để lại, cấp sơ thẩm đã xác định di sản cụ T3 để lại là 73 m2 đất chia cho 8 đồng thừa kế (gồm cụ Đ1 và 07 người con), mỗi người được hưởng 9,125 m2. Do cụ Đ1, bà L1, bà H1, bà H, bà T2, bà H2 đều tự nguyện cho ông V, nên ông V được hưởng 7 phần = 63,875 m2 đất. Ông T được hưởng 9,125 m2, diện tích đất ông T được hưởng không đủ điều kiện theo quy định của UBND tỉnh về diện tích tách thửa tối thiểu nên cấp sơ thẩm đã giao cho ông V sử dụng phần đất của ông T, ông V có trách nhiệm trả trị giá đất bằng tiền cho ông T là phù hợp.

[3] Xét kháng cáo của ông T về việc giữ nguyên hiện trạng nhà thờ:

Khi cụ T3 còn sống, năm 2007, hai cụ đã chia tách đất, có để thửa 325 lại làm nhà thờ, việc này được hai cụ cùng các con cháu đồng ý, đã đăng ký kê khai tại sổ sách của địa phương, được địa phương công nhận và đã không thu thuế đối với diện tích đất nhà thờ này. Mặt khác diện tích đất để làm nhà thờ là nơi thờ cúng, sử dụng chung của tất cả các con cháu, không phải của riêng thành viên nào trong gia đình. Mọi người đều có quyền ngang nhau đối với nhà thờ chung. Trong vụ án này, ông V là nguyên đơn khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế của cụ T3 theo quy định của pháp luật, nhưng cấp sơ thẩm lại chấp nhận sự tự nguyện của cụ Đ1 về việc cho ông V diện tích 73m2 đất còn lại thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Đ1 tại thửa 324, chấp nhận sự tự nguyện của cụ Đ1 về việc cho ông V 88 m2 đất tại thửa 325 mà trước đây cụ và cụ T3 thống nhất làm nhà thờ chung là không đúng quy định của pháp luật, vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Vì vậy cần sửa lại phần này cho phù hợp, giữ nguyên hiện trạng nhà thờ như trước đây.

Qua những phân tích ở trên, kháng cáo của ông T là có cơ sở, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tại phiên tòa là có căn cứ, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[5] Về án phí: Kháng cáo của bị đơn được chấp nhận, bản án sơ thẩm bị sửa nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Do Tòa sửa bản án sơ thẩm nên án phí sơ thẩm dân sự sẽ được tính toán lại cho phù hợp.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309; Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326 của UBTVQG14 quy định về án, lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Chu Văn T.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 02 - 11 - 2018 của Tòa án nhân dân huyện Â, tỉnh Hưng Yên như sau:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Chu Thanh V.

Xác định di sản của cụ Chu Văn T3 để lại gồm 73 m2 đất tại thửa 324 thuộc tờ bản đồ số 22 thôn P, xã Đ, huyện Â, tỉnh Hưng Yên.

Phân chia di sản cụ thể:

Phân chia cho cụ Nguyễn Thị Đ1, ông Chu Văn T, bà Chu Thị L1, ông Chu Thanh V, bà Chu Thị H, bà Chu Thị H1, bà Chu Thị T2, bà Chu Thị H2 mỗi người 9,125 m2 đất.

Chấp nhận sự tự nguyện của cụ Đ1, bà L1, bà H1, bà H, bà T2, bà H2 cho ông V phần đất được hưởng, như vậy ông V được hưởng 7 phần = 63,875 m2.

Giao cho ông V quản lý 9,125 m2 đất của ông T. Ông V có trách nhiệm trả ông T trị giá đất là 4.562.500 đồng.

Như vậy ông V được quản lý sử dụng 73 m2 đất tại thửa 324 thuộc tờ bản đồ số 22 thôn P theo hình ABCD, có các cạnh như sau: Cạnh AB giáp đất ông V dài 9,96 m. Cạnh BC giáp phần đất của cụ Đ1 dài 6,91 m. Cạnh CD giáp đất nhà thờ dài 9,93 m. Cạnh AD giáp đường xóm dài 7,80 m. (có sơ đồ kèm theo)

Thửa 325 diện tích 176 m2 để làm nhà thờ chung, cụ Nguyễn Thị Đ1 được tiếp tục quản lý.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ, cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành xong nghĩa vụ trả tiền thì phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

Về án phí: Ông T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Án phí sơ thẩm: Ông Chu Văn T phải chịu 300.000đ án phí đã dân sự sơ thẩm. Đối trừ số tiền 300.000 đ tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0000128 ngày 12 tháng 11 năm 2019. Ông Toản đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

Cụ Nguyễn Thị Đ1, bà Chu Thị L1, ông Chu Thanh V, bà Chu Thị H, bà Chu Thị H1, bà Chu Thị T2, bà Chu Thị H2 mỗi người phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

824
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2019/DS-PT ngày 14/05/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:08/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về