Bản án 08/2018/KDTM-PT ngày 31/01/2018 về tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 08/2018/KDTM-PT NGÀY 31/01/2018 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRONG VIỆC SỬ DỤNG CHUNG CƠ SỞ HẠ TẦNG

Trong các ngày 25 và 31 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 19/2017/TLPT-KDTM ngày 13 tháng 11 năm 2017 về việc “tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng”.

Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 08/2017/KDTM-ST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã D, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 34/2017/QĐ-PT ngày 21 tháng 12 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty T; địa chỉ: khu phố N, phường B, thị xã D, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông C, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị Kiêm Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông K, sinh năm 1974; thường trú: ngõ M, ngách B, đường N, xã Đ, huyện T, Thành phố H (nay là phường Đ, quận B, Thành phố Hà Nội); chỗ ở: khu đô thị Đ, huyện G, Thành phố Hà Nội (văn bản ủy quyền ngày 04/12/2017) – có mặt khi xét xử vắng mặt khi tuyên án.

 - Bị đơn: Công ty L; địa chỉ: đường L, phường T, thị xã D, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật: Bà A; địa chỉ: đường P, khu phố T, phường T, thị xã D, tỉnh Bình Dương – có mặt khi xét xử vắng mặt khi tuyên án.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà L, sinh năm 1951; địa chỉ: đường H, Phường C, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh (văn bản ủy quyền ngày 04/01/2017) – có mặt khi xét xử vắng mặt khi tuyên án.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty Đ; địa chỉ: đường L, khu phố T, phường T, thị xã D, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật ông L.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông T, sinh năm 1958; địa chỉ: đường L, khu phố T, phường T, thị xã D, tỉnh Bình Dương (văn bản ủy quyền ngày 06/02/2017) vắng mặt.

3.2. Công ty G; địa chỉ: khu phố 1, phường T, thị xã D, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông C.

Người đại diện theo ủy quyền bà T, sinh năm 1980; địa chỉ: khu phố T, phường T, thị xã D, tỉnh Bình Dương (Văn bản ủy quyền ngày 14/02/2017) vắng mặt.

3.3 Ủy ban nhân dân thị xã D, tỉnh Bình Dương; địa chỉ: Trung tâm hành chính thị xã D, tỉnh Bình Dương. Người đại diện hợp pháp của Ủy ban nhân dân thị xã D: Ông P – Chức vụ: Chủ tịch (có yêu cầu xét xử vắng mặt).

Người kháng cáo: - Nguyên đơn Công ty T.

- Bị đơn Công ty L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung bản án sơ thẩm:

Nguyên đơn r nh y Công ty T được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư Cụm Công nghiệp T tại xã T, huyện D (nay là phường T, thị xã D), tỉnh Bình Dương tại quyết định số 2359/QĐ-UB ngày 06/7/2001 và phê duyệt dự án đầu tư tại quyết định số 6325/QĐ-UB ngày 25/11/2003. Khi tiến hành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với diện tích là 550.000m2 (55ha). Công ty T có trách nhiệm xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật (bao gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước, xử lý nước, điện, cây xanh… (theo Quyết định số 2884/QĐ-CT ngày 15/4/2002 về phê duyệt quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp T). Ngày 25/11/2002, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 6235/QĐ-UB về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật công trình Cụm Công nghiệp T. Quá trình thực hiện công ty T đã đầu tư thi công xong tuyến đường chính (là đường P hiện nay) phục vụ cho Cụm Công nghiệp T với chiều dài 2,2 km (gồm các hạng mục mương thoát nước, nền đường, cán nhựa) với tổng giá trị thực hiện 11.771.968.683 đồng. Công ty T được cổ phần hóa và Công ty T nhận chuyển giao tất cả các quyền, nghĩa vụ của công ty T vào năm 2010.

Quá trình đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, công ty T có phát sinh vướng mắc với công ty L (sau đây viết tắt là Công ty L) và công ty TNHH Đ (sau đây gọi tắt là công ty Đ), vì thời điểm phê duyệt dự án hai công ty đang hoạt động kinh doanh một phần diện tích đất quy hoạch. Do đó, UBND tỉnh Bình Dương đồng ý cho Công ty L đầu tư sản xuất với quy mô diện tích đất 120.000m2 (thực tế sử dụng 158.748,8m2, công ty Đ 8.000m2 (thực tế sử dụng 40.308m2), công ty Đất Mới 10.000m2, công ty G 15.961,8m2 trong Cụm Công nghiệp T.

Đối với hệ thống thoát nước cuối nguồn cho tuyến đường chính của Cụm Công nghiệp T thì công ty T đã có hồ sơ thiết kế kỹ thuật nhưng do có sự thay đổi về quy hoạch đối với Cụm Công nghiệp T, nên công ty phải thực hiện các thủ tục hành chính liên quan gửi UBND tỉnh Bình Dương chờ phê duyệt, dẫn đến kéo dài thời gian. Vì nhu cầu cần thiết trong hoạt động sản xuất của Công ty L không chờ đợi được nên công ty này đã chủ động xin UBND tỉnh Bình Dương để đầu tư thi công toàn bộ hệ thống thoát nước cuối nguồn để đưa vào sử dụng đồng bộ. Vấn đề này UBND tỉnh có giao cho Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương chủ trì, tại buổi làm việc cũng có nhiều ý kiến đưa ra nhưng chưa thống nhất nên không lập biên bản.

Theo Thông báo số 152/TB-UB ngày 16/7/2003 của UBND tỉnh Bình Dương thì chi phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của Cụm Công nghiệp T có liên quan và được sử dụng chung giữa 03 công ty là công ty T, Công ty L và công ty Đ căn cứ theo diện tích đất mỗi công ty quản lý, sử dụng.

Ngày 23/01/2008, tại trụ sở công ty T, đại diện công ty này và Công ty L đã lập biên bản xác định diện tích đất dự án Cụm Công nghiệp T phân bổ cho Công ty L là 158.748,8m2, diện tích tuyến đường chính mà Công ty L sử dụng tương ứng với diện tích đất được phân bổ là 16m x 290m = 4.640m2, chi phí phân bổ là 3.237.111.348 đồng. Còn diện tích đất phân bổ cho công ty T 166.604,5m2 và Công ty T 1422.889,3 m2. Ngày 08/12/2008, Công ty L đã thanh toán cho công ty T 2.200.000.000 đồng, còn nợ 978.041.244 đồng. Công ty T đã có Văn bản số 97/CV-CT ngày 28/8/2009 và Văn bản số 57/CV-CT ngày 21/7/2011 gửi Công ty L yêu cầu thanh toán số tiền còn nợ nêu trên trước ngày 20/8/2011 nhưng Công ty L không thực hiện.

Ngày 24/12/2012, công ty T đã khởi kiện Công ty L nhưng hai bên muốn tự thỏa thuận giải quyết với nhau nên đã rút đơn khởi kiện. Ngày 24/9/2013, Tòa án nhân dân thị xã D đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Sau đó, hai công ty có thương lượng với nhau nhiều lần, không rõ thời gian và không lập biên bản nhưng không thống nhất được với nhau. Năm 2016, công ty T khởi kiện lại để yêu cầu Công ty L thanh toán số tiền còn nợ là 978.041.244 đồng và tiền lãi chậm thanh toán tính từ ngày 01/01/2013 (thời điểm cổ phần hóa công ty) đến ngày 31/12/2015, yêu cầu tính tròn 36 tháng là: 978.041.244 đồng x 36 tháng x 1% = 352.094.848 đồng.

Đối với yêu cầu phản tố của Công ty L buộc công ty T phải thanh toán số tiền đầu tư hệ thống thoát nước cuối nguồn là 1.004.151.032 đồng và tiền lãi chậm thanh toán của số tiền trên thì nguyên đơn không đồng ý. Bởi vì: Công ty L đã tự ý đầu tư khi chưa được sự đồng ý của công ty T, việc đầu tư không đúng thiết kế do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, công trình chưa được kiểm toán theo quy định.

Bị đơn rình bày: Công ty L xác nhận còn nợ công ty T số tiền 978.041.244 đồng chi phí đóng góp đầu tư tuyến đường chính của Cụm Công nghiệp T. Công ty L đồng ý thanh toán khoản tiền này nhưng yêu cầu được cấn trừ chi phí đóng góp đầu tư hệ thống thoát nước cuối nguồn cho Công ty L với số tiền 1.004.151.032 đồng. Công ty L không đồng ý thanh toán tiền lãi 352.094.848 đồng vì đại diện hai công ty có thỏa thuận bằng lời nói là công ty T chỉ yêu cầu trả nợ gốc, không tính tiền lãi.

Công ty T là đơn vị chủ đầu tư nhưng sau khi thi công xong tuyến đường chính thì ngưng không thi công hệ thống thoát nước làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các công ty trong cụm công nghiệp T. Vì tính cấp thiết nên UBND tỉnh Dương có thông báo số 152 ngày 16/7/2003 chấp nhận cho Công ty L làm chủ đầu tư hệ thống thoát nước cuối nguồn để đấu nối vào tuyến đường chính của công ty T xây dựng, chi phí xây dựng hệ thống thoát nước cũng chia theo tỷ lệ như tuyến đường chính. Công ty L đã thông báo cho các đơn vị liên quan và tiến hành các thủ tục theo quy định trước khi thi công. Công trình cũng được nghiệm thu của Trung tâm cầu đường Phía Nam và tiến hành bàn giao. Mặc dù công trình không sử dụng bản thiết kế của công ty T nhưng bản thiết kế của Công ty L cả hai bản thiết kế đều do một công ty thực hiện và được kiểm định. Công ty L đã đầu tư hệ thống thoát nước cuối nguồn với tổng giá trị đầu tư là 1.734.198.881 đồng. Công ty L cũng chấp nhận các tính của công ty T về diện tích đất phân bổ cho công ty T 166.604,5m2 và Công ty T 1422.889,3 m2, tổng chi phí phân bổ cho hai công ty này là 1.004.151.032 đồng.

Từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay công trình không gặp sự cố gì, vẫn hoạt động rất tốt từ các điểm đấu nối ra đường xả chính. Do công ty T có sử dụng hệ thống thoát nước của Công ty L đầu tư nên phải thanh toán chi phí đầu tư cho Công ty L là 1.004.151.032 đồng và tiền lãi phát sinh tính từ ngày 01/01/2013 (là ngày bị đơn yêu cầu nguyên đơn trả nợ) đến ngày 30/6/2016 (thời điểm yêu cầu phản tố) là 42 tháng, với mức 1%/tháng là 423.749.780 đồng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan công ty Đ trình bày: Công ty ĐM xác định không có yêu cầu độc lập trong vụ án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan công ty TNHH G trình bày: Công ty T nhận chuyển nhượng cơ sở hạ tầng của công ty Đ và bắt đầu hoạt động từ năm 2005 đến nay. Công ty T có sử dụng tuyến đường chính do công ty T đầu tư và đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán tiền chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho công ty T, bao gồm cả tiền đầu tư hệ thống thoát nước. Việc thanh toán như trên là do thời điểm này công ty không biết chủ đầu tư hệ thống thoát nước là Công ty L. Công ty T xác định không có yêu cầu độc lập trong vụ án.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 08/2016/KDTM-ST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã D, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

1. Buộc công ty TNHH L thanh toán cho Công ty T tổng số tiền 1.242.112.404 đồng (một tỷ hai trăm bốn mươi hai triệu một trăm mười hai ngàn bốn trăm lẻ bốn đồng); trong đó: Tiền nợ gốc là 978.041.244 đồng, tiền lãi là 264.071.160 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T yêu cầu công ty TNHH L thanh toán tiền lãi do chậm trả là 88.023.688 đồng (tám mươi tám triệu không trăm hai mươi ba ngàn sáu trăm tám mươi tám đồng).

3. Buộc Công ty T thanh toán cho công ty TNHH L tổng số tiền 1.320.458.618 đồng (một tỷ ba trăm hai mươi triệu bốn trăm năm mươi tám ngàn sáu trăm mười tám đồng); trong đó: Tiền nợ gốc 1.004.151.032 đồng, tiền lãi là 316.307.586 đồng.

4. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty TNHH L yêu cầu Công ty T thanh toán tiền lãi do chậm trả là 107.442.194 đồng (một trăm lẻ bảy triệu bốn trăm bốn mươi hai ngàn một trăm chín mươi bốn đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí giám định và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 04/10/2017 nguyên đơn Công ty T nộp đơn kháng cáo đề ngày 02/10/2017 kháng cáo một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã D, tỉnh Bình Dương. Công ty T không đồng ý thanh toán cho bị đơn số tiền 1.320.458.618 đồng (gồm tiền nợ gốc 1.004.151.032 đồng, tiền lãi là 316.307.586 đồng) với lý do: Công ty L tự ý đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cuối nguồn mà chưa được sự cho phép của công ty T và các cơ quan có thẩm quyền, chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật về xây dựng và do thời hiệu khởi kiện đã hết.

Ngày 06/10/2017 bị đơn công ty TNHH L nộp đơn kháng cáo đề ngày 02/10/2017 kháng cáo một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã D không đồng ý thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi là 352.094.848 đồng. Với lý do các bên thỏa thuận không tính lãi.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Ý kiến của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có đơn kháng cáo: Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo như đơn ngày 02/10/2017. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu phản tố của bị đơn.

Ý kiến của người đại diện hợp pháp của bị đơn có đơn kháng cáo: yêu cầu thay đổi đơn phản tố bổ sung ngày 14/02/2017. Công ty L tự nguyện giảm thời gian tính tiền lãi chậm thanh toán như nguyên đơn. Cụ thể: Tiền lãi phát sinh tính từ ngày 01/01/2013 (là ngày bị đơn yêu cầu nguyên đơn trả nợ) đến ngày 31/12/2015, yêu cầu tính tròn 36 tháng như nguyên đơn là: 1.004.151.032 đồng x 1%/tháng x 36 tháng = 361.494.360 đồng.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát: Về tố tụng, người tham tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa phúc thẩm. Về nội dung, sửa án sơ thẩm, ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm

Về thủ tục tố tụng:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Những người đại diện hợp pháp của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Công ty Đ, công ty TNHH G, Ủy ban nhân dân thị xã D đã được triệu tập hợp lệ lần hai nhưng vẫn vắng mặt. Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự quyết định xét xử vắng mặt đương sự.

 [2] Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn vẫn thừa nhận tuyến đường chính phục vụ cho Cụm Công nghiệp T do công ty T đầu tư (là đường P hiện nay) vẫn đang đấu nối và sử dụng hệ thống công thoát nước cuối nguồn do Công ty L đầu tư xây dựng. Đồng thời, hiện nay bị đơn thừa nhận nghĩa vụ thanh toán số tiền đóng góp làm đường là 978.041.244 đồng với điều kiện phải thanh toán cho bị đơn số tiền đóng góp làm hệ thống thoát nước cuối nguồn. Nguyên đơn chấp nhận sự thừa nhận của bị đơn nên phát sinh lại thời hiệu khởi kiện đối với cả hai khoản nợ của nguyên đơn và bị đơn. Nguyên đơn Công ty T kháng cáo không đồng ý thanh toán cho bị đơn chi phí xây dựng hệ thống thoát nước và tiền lãi chậm trả vì cho rằng hết thời hiệu khởi kiện là không phù hợp nên không được chấp nhận.

[3] Nguyên đơn Công ty T kháng cáo không đồng ý thanh toán cho bị đơn Công ty L số tiền đóng góp làm hệ thống thoát nước 1.004.151.032 đồng, tiền lãi chậm thanh toán của số tiền này với lý do: Công ty L tự ý đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cuối nguồn mà chưa được sự cho phép của công ty T và các cơ quan có thẩm quyền, việc đầu tư của Công ty L không đúng thiết kế do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt cho công ty T, công trình chưa được kiểm toán theo quy định.

Xét thấy đại diện nguyên đơn xác định sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giao làm Chủ đầu tư Cụm Công nghiệp T tại thị xã D, tỉnh Bình Dương với diện tích là 106 ha, nguyên đơn tiến hành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với diện tích là 550.000m2 (55ha), đã đầu tư thi công xong tuyến đường chính phục vụ cho Cụm Công nghiệp thì ngưng không đầu tư tiếp do thời điểm phê duyệt dự án hai Công ty L và công ty Đ đang hoạt động kinh doanh tại một phần diện tích đất quy hoạch.

Ngày 16/7/2003, UBND tỉnh Bình Dương có Thông báo số 152/TB-UB (BL 516) đồng ý cho Công ty L và công ty Đ đầu tư xây dựng trong cụm công nghiệp T 1, trên cơ sở diện tích đất các công ty đã đền bù cho các hộ dân (Công ty L khoảng 15,7ha). Hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào doanh nghiệp do Công ty L, và công ty Đ chịu trách nhiệm xây dựng. Các công trình hạ tầng của Công ty L và công ty Đ phải bảo đảm được đấu nối và chung nhất với các công trình hạ tầng ngoài hàng rào doanh nghiệp do công ty T xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết đã được duyệt. Chi phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp T 1 có liên quan và được sử dụng chung giữa 3 công ty T, L, Đ do 3 công ty cùng chịu trách nhiệm theo tỷ lệ diện tích đất mỗi công ty sử dụng. Ủy quyền cho UBND huyện D thay mặt UBND tỉnh cùng các công ty giải quyết các vấn đề trên và phát sinh tương tự như Công ty L và Đ liên quan đến cụm công nghiệp T 1.

Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn thừa nhận hệ thống thoát nước cuối nguồn có tranh chấp theo bản đồ quy hoạch thuộc vị trí đất của Công ty L quản lý. Công ty T chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước cuối nguồn thì bị thay đổi quy hoạch do thuộc đất của Công ty L. Khi thi công tuyến đường chính phục vụ cho Cụm Công nghiệp thì công ty T làm mương thoát nước của tuyến đường chính đấu nối vào sử dụng hệ thống thoát nước cuối nguồn của Công ty L. Vị trí hệ thống thoát nước cuối nguồn của Công ty L tương ứng với bản đồ quy hoạch của công ty T. Đại diện nguyên đơn cho rằng công trình chưa được kiểm toán theo quy định. Tuy nhiên, UBND thị xã D ban hành văn bản số: 2442/UBND- KTTH ngày 31/7/2012 với nội dung đồng ý thông qua hai khoản chi phí làm đường và hệ thống thoát nước mà không cần kiểm toán. Cấp sơ thẩm đã thực hiện trưng cầu giám định chất lượng công trình với kết quả giám định chất lượng công trình thể hiện tại Phiếu kết quả thí nghiệm ngày 06/5/2017 của Công ty cổ phần tư vấn kiểm định xây dựng Bách Khoa (bút lục 566 - 569) xác định các thông số kỹ thuật kiểm tra đối với mác thiết kế thành hố ga, cường độ bê tông và độ dốc thoát nước đạt yêu cầu. Tại phiên tòa, cả đại diện nguyên đơn và đại diện bị đơn đều không yêu cầu xem xét thẩm định giá, giám định lại chất lượng công trình đường chính và hệ thống thoát nước vì hai công trình này đã được đưa vào sử dụng từ rất lâu. Vì vậy, kháng cáo của nguyên đơn với các lý do nêu trên là không có cơ sở chấp nhận.

Mặc khác, Công ty T có công văn số 24/VB-CT.06 ngày 3/10/2006 ký kết cùng với Giám đốc Công ty L và công ty Đ (BL 31) có nội dung: “Tất cả các doanh nghiệp đã, đang và sẽ hoạt động trên địa bàn cụm công nghiệp T đều có trách nhiệm cùng đóng góp tiền đầu tư cơ sở hạ tầng gồm đường, điện, thoát nước… nằm trong quy hoạch chi tiết của cụm công nghiệp T đã được UBND tỉnh phê duyệt. Về phương thức đóng góp được phân chia theo tỷ lệ diện tích đất mà UBND tỉnh đã cấp quyền sử dụng đất cho mỗi doanh nghiệp”. Công văn 24/VB-CT.06 nêu trên cũng căn cứ vào thông báo số 152 ngày 16/7/2003 của UBND tỉnh Bình Dương. Đồng thời theo Thông báo số 24/TB-UBND ngày 21/01/2008 (bút lục 513) kết luận của Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện D (nay là thị xã D) theo buổi họp có mặt của Giám đốc công ty T, Công ty L thể hiện nội dung: “Đối với hệ thống thoát nước do Công ty L đầu tư, thống nhất phương thức đóng góp như tuyến đường chính”. Vì vậy có đủ cơ sở để chứng minh nguyên đơn có nghĩa vụ phải đóng góp cho Công ty L số tiền trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng là hệ thống thoát nước cuối nguồn theo tỷ lệ diện tích đất mà UBND tỉnh đã cấp quyền sử dụng đất cho mỗi doanh nghiệp.

Tại Công văn số 97/CV-CT09 ngày 28/8/2009 (bút lục số 508, 507) của công ty T gửi Công ty L và Ủy ban nhân dân huyện D đã xác định: thống nhất về chi phí của hệ thống thoát nước do Công ty L tính là 1.734.198.881 đồng nhưng lại cho rằng Công ty L tính sai tổng diện tích đất phân bổ 550.000m2 phải trừ diện tích làm đường 15.478m2 còn lại 534.522m2, xác nhận diện tích đất phân bổ cho: công ty T 166.604,5m2 và Công ty T 1422.889 m2 để tính chi phí đóng góp cho hệ thống thoát nước cuối nguồn. Công văn cũng xác định do có sự chênh lệch số liệu trên nên chi phí phân bổ của L gửi chưa chính xác từ đó cấn trừ vào chi phí làm đường chính cụm công nghiệp của T cũng không chính xác. Như vậy, đủ cơ sở để xác định nguyên đơn đã thừa nhận chi phí của hệ thống thoát nước do Công ty L tính là 1.734.198.881 đồng, diện tích đất phân bổ cho công ty T 166.604,5m2 và Công ty T 1422.889 m2. Ngày 03/9/2009, Công ty L có công văn 52 (BL32-33), tính lại chi phí làm hệ thống thoát nước theo các số liệu trên thành tiền công ty T nợ là 1.004.151.032 đồng thì nguyên đơn không có văn bản trả lời. Tuy nhiên, tại công văn 68 ngày 12/11/2012 (BL237) của công ty T vẫn xác định tổng diện tích là 534.522m2, diện tích đất phân bổ cho công ty T 166.604,5m2 và Công ty T 1422.889,3 m2 làm cơ sở tính tiền đóng góp chi phí làm đường cho Công ty L.

Công ty T được cổ phần hóa và Công ty T nhận chuyển giao tất cả các quyền, nghĩa vụ của công ty T. Vì vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty L buộc công ty T thanh toán chi phí đóng góp xây dựng hệ thống thoát nước với số tiền là 1.004.151.032 đồng là có cơ sở. Nguyên đơn chậm thanh toán số tiền trên nên có trách nhiệm thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên cấp sơ thẩm buộc nguyên đơn thanh toán tiền lãi theo yêu cầu phản tố của bị đơn là phù hợp. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm đại diện bị đơn thay đổi yêu cầu phản tố, chấp nhận giảm thời gian tính tiền lãi chậm thanh toán cho nguyên đơn như cách tính của nguyên đơn là từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/12/2015, yêu cầu tính tròn 36 tháng. Đây là sự tự nguyện của đương sự, phù hợp pháp luật nên Hội đồng xét xử ghi nhận và sửa bản án sơ thẩm theo sự thay đổi yêu cầu phản tố của bị đơn. Tuy nhiên, mức lãi suất 1%/tháng mà bị đơn yêu cầu tính cho nguyên đơn là không phù hợp nên cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi suất bình quân của 03 Ngân hàng được công bố gần nhất với thời điểm xét xử sơ thẩm để tính là 0,75%/tháng là phù hợp pháp luật. Vì vậy, số tiền lãi nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn có thay đổi là: 1.004.151.032 đồng x 0,75%/tháng x 36 tháng = 271.120.778 đồng.

[4] Bị đơn Công ty L kháng cáo không chấp nhận thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi chậm thanh toán là 352.094.848 đồng vì cho rằng hai bên thỏa thuận miệng không tính lãi chậm trả. Tuy nhiên, đại diện bị đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh, nguyên đơn không thừa nhận nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Từ những phân tích nêu trên có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn (do bị đơn thay đổi yêu cầu phản tố giảm thời gian tính lãi) và không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

Quan điểm của đại diện Viện Kiểm Sát là có căn cứ.

Về án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 148, khoản 2 Điều 308, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Căn cứ Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn Công ty T.

2. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty L.

3. Sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 08/201/KDTM-ST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã D, tỉnh Bình Dương như sau: Căn cứ các Điều 147, 228, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Căn cứ các Điều 281, 283, 594, 596 Bộ luật Dân sự năm 2005; Căn cứ các Điều 157, 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015;

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T về việc buộc công ty TNHH L thanh toán tiền lãi do chậm trả là 88.023.688 đồng (tám mươi tám triệu không trăm hai mươi ba ngàn sáu trăm tám mươi tám đồng).

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty TNHH L về việc buộc Công ty T thanh toán tiền lãi do chậm trả là 90.373.584 đồng (chín chục triệu ba trăm bảy mươi ba ngàn năm trăm chín mươi ba đồng).

- Buộc công ty TNHH L thanh toán cho Công ty T tổng số tiền 1.242.112.404 đồng (một tỷ hai trăm bốn mươi hai triệu một trăm mười hai ngàn bốn trăm lẻ bốn đồng); trong đó: Tiền nợ gốc là 978.041.244 đồng, tiền lãi là 264.071.160 đồng.

 - Buộc Công ty T thanh toán cho công ty TNHH L tổng số tiền 1.275.271.820 đồng (một tỷ hai trăm bảy mươi lăm triệu hai trăm bảy mươi mốt ngàn tám trăm hai mươi ngàn đồng); trong đó: Tiền nợ gốc 1.004.151.032 đồng, tiền lãi là 271.120.778 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

- Về chi phí giám định công trình: Ghi nhận sự tự nguyện của công ty TNHH L chịu toàn bộ số tiền 10.000.000 đồng (mười triệu đồng), được khấu trừ vào số tiền đã nộp tạm ứng tại Tòa án.

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Công ty T phải chịu 52.898.866 đồng, được khấu trừ 25.952.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0007295 ngày 14/3/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D; Công ty T còn phải nộp tiếp 26.946.866 đồng (hai mươi sáu triệu chín trăm bốn mươi sáu ngàn tám trăm sáu mươi sáu đồng).

Công ty TNHH L phải chịu 51.974.580 đồng, được khấu trừ 31.537.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo các Biên lai thu tiền số 0018078 ngày 10/5/2016 và 0008837 ngày 22/02/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D; công ty TNHH L còn phải nộp 20.437.580 đồng.

4. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

- Công ty T không phải chịu, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D, tỉnh Bình Dương hoàn trả lại cho Công ty T số tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0010117 ngày 04/10/2017.

- Công ty TNHH L không phải chịu, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D, tỉnh Bình Dương hoàn trả lại cho công ty TNHH L số tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0010171 ngày 13/10/2017.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án ngày 31/01/2018 ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

586
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2018/KDTM-PT ngày 31/01/2018 về tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng

Số hiệu:08/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:31/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về