Bản án 08/2018/DS-ST ngày 10/10/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HỮU LŨNG, TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 08/2018/DS-ST NGÀY 10/10/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN

Ngày 10 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 11/2018/TLST-DS, ngày 10/5/2018 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 10/2018/QĐXXST-DS, ngày 29 tháng 8 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Vi Văn V, sinh năm 1954. Có mặt.

Địa chỉ: Thôn T, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

- Bị đơn: Bà Ngô Thị H, sinh năm 1962. Có mặt.

Địa chỉ: Thôn T, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Hoàng Văn S, sinh năm 1962. Có mặt.

2. Anh Hoàng Văn H, sinh năm 1984. Có mặt.

3. Bà Triệu Thị N, sinh năm 1960. Vắng mặt.

4. Anh Hoàng Văn H1, sinh năm 1990. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Triệu Thị N và anh Hoàng Văn H1: Ông Hoàng Văn S. Có mặt.

Cùng địa chỉ: Thôn T, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện cùng những lời khai tiếp theo và tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn ông Vi Văn V trình bày:

Diện tích đất tôi và bà Ngô Thị H tranh chấp với nhau ở tại khu đồi C, Thôn T, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, tại đơn khởi kiện tôi có ghi diện tích đất tranh chấp là khoảng 360m2 là do tôi tự ước lượng, sau khi xem xét thẩm định tại chỗ diện tích đất bà Ngô Thị H tranh chấp của tôi 334m2 nằm trong lô số 7a, khoảnh 5, diện tích 01ha tại khu đồi C, thôn T, xã H. Về nguồn gốc đất, năm 1972 tôi về ở rể nên được bố mẹ vợ cho khu rừng Cây Cọng, việc tặng cho thừa kế không có giấy tờ gì, không có người làm chứng; năm 1975 gia đình ông cải tạo đất trồng các cây dược liệu làm thuốc.

Tại khu đồi C gia đình tôi đang sử dụng khai thác cây thuốc nam, năm 2006 bà H tự ý trồng xoài xuống diện tích đất của gia đình tôi nên tôi đã phát nhổ đi khoảng 07 cây vớt ra cạnh vườn, từ đó xảy ra tranh chấp, ngoài ra còn có ông Hoàng Văn S, ông Đàm Văn T đến tranh chấp ở vị trí khác cùng một quả đồi. Sau tôi đã làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân xã đến giải quyết, kết quả giải quyết là cho ông Hoàng Văn S, bà H và ông T được canh tác sử dụng quản lý sử dụng nhưng tôi không nhất trí và từ đó tôi tiếp tục canh tác khai thác các cây dược liệu và các con vật nuôi trên đất đến năm 2017 không thấy các ông bà đến canh tác gì.

Diện tích đất tranh chấp tôi chưa được Nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng. Đến tháng 1 năm 2017 gia đình bà H tiếp tục chặt phá các cây dược liệu, vật nuôi và lấn chiếm đất của tôi nên tôi làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân xã giải quyết, khi xã giải quyết tranh chấp đất giữa tôi và ông Hoàng Văn S thì tôi mới biết toàn bộ diện tích đất khu đồi C ông Hoàng Văn S được Nhà nước cấp sổ giao quyền quản lý sử dụng đất rừng, gọi là sổ bìa xanh từ năm 1994 tại lô 7a khoảng 5. Năm 1994 tôi được Nhà nước cấp sổ bìa xanh một số lô đất ở vị trí khác, nhưng không có lô đất C, sau khi nhận sổ bìa xanh tôi có làm đơn gửi trực tiếp lên Hạt kiểm lâm huyện Hữu Lũng để trình bày về việc không được cấp khu đất C, thì được biết là đất đang tranh chấp nên không được cấp; đơn gửi lên Hạt kiểm lâm là đơn tôi đã nộp cho Tòa án đề ngày 07/02/1993 có xác nhận của Công an viên và trưởng thôn.... Nội dung đơn đề nghị được cấp thêm lô đất 7a, đồi C, thôn T, xã H. Từ năm 1993 tôi đã trồng các cây dược liệu trên đất gồm: Tô mộc 05 cây, mít 05 cây, chó đẻ răng cưa 500 cây, phù nhung 50 cây, ba nhạc 10 cây, dây đòn gáng 20 cây, găng tu hú 30 cây, sắn truyền 10 cây, táo rừng 10 cây, me 30 cây, lá khôi 50 cây, cỏ dạ cầm 100 cây, củ cấu tích 50 cây, kác kè đá 50 cây, dây đâu xương 30 cây, cây hy thiêm 300 cây, cây sung 10 cây, củ thiên niên kiện 100 cây, củ phục linh 50 cây, củ tỳ giải 50 cây, gối hạc 50 cây, kim xương ớt rừng 1000 cây, mỏ quạ 10 cây, dây lá tơ mành 05 cây, cây gạo 05 cây, cây duỗi 10 cây, củ gió 10 cây, vây cối xay 30 cây, củ bách bộ 30 cây, cây xoan 30 cây, cây mộc hoa trắng 30 cây, cỏ hoàng liên 10 cây, hoàng liên gai 30 cây, hoàng liên ô rô 10 cây, hoàng đắng 10 cây, dây vàng đắng 10 cây, thổ hoàng liên 10 cây, ba gạc ấn độ 10 cây, ba gạc 10 cây, vạn tuế 10 cây, mào gà đỏ 100 cây, mào gà trắng 100 cây, củ tam thất 50 cây, cây huyết dụ 10 cây, đậu chiều 10 cây, cây sòi 10 cây, bòn bọt 100 cây, dành dành 50 cây, cây ba kích 10 cây, câu đắng 05 cây, đỗ trọng 02 cây, hồi núi 01 cây, cây sở 05 cây, cây trẩu 05 cây, cây lim 05 cây, củ thạch xương bồ 100 cây, đum đũm 100 cây, xa nhân 30 cây, thành ngạnh 100 cây, thị 02 cây, vối 02 cây, muối bột tử 10 cây, ổi 10 cây, sim 300 cây, trầm hương 10 cây, củ nâu 30 củ, sấu 10 cây, củ một lá 100 củ... Tổng cộng 90 loại cây với 5 vạn cây; các con vật nuôi như: Tắc kè, bọ cạp, rễ dũi, giun đất, nhện, rắn, chim sẻ, thằn lằn, con quy, ốc sên, rết và xây một nhà thờ thổ địa trên đất. Cùng năm 1993 có Ủy ban nhân dân xã H đến giải quyết nhưng không giải quyết về đất đai mà chỉ giải quyết về việc tôi lập bàn thờ cúng thổ địa, vì thời điểm đó chưa xảy ra tranh chấp về đất.

Đầu năm 2017 khi tôi vào rừng thấy nhiều cây chặt phá, sau đó chuyển hết cây cối đi và san ủi đất nhưng không nhìn thấy ai, sau đó tôi được hàng xóm nói cho biết là do gia đình bà Ngô Thị H chặt phát trên diện tích mà bà quản lý 334m2 nên tôi có làm đơn lên Ủy ban nhân dân xã đề nghị giải quyết nhưng không được xã đến lập biên bản giải quyết, sau nhiều lần làm đơn nhưng hai bên không thương lượng được nên tôi khởi kiện tại Tòa án giải quyết.

Tôi yêu cầu bà Ngô Thị H phải trả lại diện tích đất đang tranh chấp 334m2 tại khu đồi C, thôn T và bồi thường thiệt hại các tài sản trên đất bị chặt phá và con vật nuôi với tổng số tiền là 18.000.000đ.

Bị đơn bà Ngô Thị H trình bày:

Gia đình tôi có 334m2 đất rừng tại đồi C, Thôn T, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Về nguồn gốc do bố mẹ chồng tôi để lại không có giấy tờ gì. Năm 1981 tôi về làm dâu thì tôi đã thấy bố mẹ chồng tôi làm trên khu đất này, sau đó tôi và chồng là Hoàng Văn H (đã chết năm 2016) liên tục đến khu đất này theo bố mẹ để trồng ngô, sắn. Từ đó đến nay gia đình tôi vẫn sử dụng thường xuyên khu đất này để trồng ngô, sắn, đến khoảng năm 2005 gia đình chuyển sang trồng khoảng 30 cây xoài, năm 2007 không hiểu lý do gì ông Vi Văn V lên chặt phá toàn bộ số cây xoài do gia đình nhà tôi trồng, nay còn sót lại 01 cây. Sự việc xảy ra chồng tôi là ông Hoàng Văn H đã làm đơn đề nghị xã giải quyết, sau đó cán bộ xã đến giải quyết và lập biên bản. Thời gian tiếp theo không thấy ông V đến tranh chấp nữa, gia đình tôi tiếp tục trồng luân phiên ngô, đỗ xanh, sắn, quá trình trồng ngô, sắn có con trai tôi là Hoàng Văn H2 và con dâu tôi tên là Luân Thị L giúp tôi làm. Hiện nay tôi vẫn đang quản lý, sử dụng không có ai đến tranh chấp với ai khu đất này. Hơn một năm nay do tôi bị ốm nên đã bỏ không vào khu đất này canh tác và cũng không biết hiện nay trên đất còn có cây gì, tài sản gì. Đất đang tranh chấp gia đình tôi chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng chưa đi đăng ký kê khai quyền sử dụng đất. Đất tranh chấp giáp với đất nhà ông Hoàng Văn S, một phần giáp với đất nhà ông Lục Văn T. Quá trình sử dụng đất gia đình ông Hoàng Văn S và ông Lục Văn T đều biết và chúng tôi không có tranh chấp, mâu thuẫn gì với nhau.

Năm 2017 ông V tiếp tục đến tranh chấp và cho rằng tôi chặt phá các cây thuốc dược liệu và các con vật nuôi của ông hết là không có, vì hai năm nay tôi ốm đã bỏ khu đất không canh tác, hiện trên đất qua xem xét thẩm định tại chỗ không có cây dược liệu nào mà chỉ có các cây phân xanh, cây bụi mọc tự nhiên.

Ông Vi Văn V khởi kiện yêu cầu tôi trả lại đất và bồi thường thiệt hại tôi không đồng ý vì gia đình tôi đã canh tác, quản lý khu đất này từ lâu và tôi không được phá hủy cây cối hoặc vật nuôi nào của ông V.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Hoàng Văn S trình bày: Tôi có một thửa đất rừng ở đồi C, Thôn T, xã H, huyện H với diện tích là 01 ha đã được giao quyền quản lý và sử dụng rừng, đất trồng rừng (bìa xanh) vào ngày 10/6/1994 có số lô 7a khoảng 5. Nguồn gốc khu đất này trước đây là đồi trọc, sau đó khoảng năm 1988 có phong trào phát cây cho quang để giữ rừng, mẹ tôi là Trần Thị L (đã chết năm 2015) phát quang khu đồi này, phát xong mẹ tôi chưa trồng cây, không có ai tranh chấp. Sau khi được cấp sổ giao quyền quản lý, sử dụng rừng, đất trồng rừng, năm 1995 gia đình tôi phát tiếp phía dưới chân đồi, trồng sắn, đỗ; đến năm 2005 do đất cằn nên gia đình tôi chuyển sang trồng xoài phía dưới chân đồi, tháng 09/2005 ông Vi Văn V mang một tượng phật, bàn thờ đặt lên trên đỉnh đồi đất nhà tôi, phát hiện ra sự việc và đã được chính quyền xã và Ủy ban nhân huyện giải quyết. Sau đó ông Vi Văn V đã di dời tượng ra khỏi khu đồi của tôi, được một thời gian sau ông V tiếp tục tranh chấp. Đến năm 2010, tôi chặt cây để làm cọc rào, mấy hôm sau thấy cán bộ xã đến khu rừng để xác minh về các loại cây tôi đã chặt. Đến năm 2015, gia đình tôi phát hết cây gỗ tạp để trồng bạch đàn, ông V lại tranh chấp và làm đơn đến Ủy ban nhân dân xã yêu cầu giải quyết, kết quả xã công nhận việc khai phá rừng của tôi là đúng, ông V không đồng ý tiếp tục làm đơn, sau đó tôi trồng bạch đàn vào các năm 2015, 2016. Năm 2017, gia đình tôi tiếp tục chăm sóc cây bạch đàn, sau đó ông V lại đến tranh chấp đất gia đình tôi diện tích 3.845m2.

Diện tích đất đang tranh chấp giữa ông Vi Văn V và bà Ngô Thị H nằm trong thuộc lô số 7a, khoảng 5, diện tích 01ha tại đồi C, Thôn T, xã H, huyện H gia đình tôi đã được cấp hồ sơ giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng. Trên lô đất 7a ngoài gia đình tôi quản lý sử dụng còn có gia đình bà Ngô Thị H quản lý canh tác diện tích 334m2, ông Đàm Văn T quản lý canh tác diện tích 333m2 chúng tôi không xảy ra tranh chấp gì.

Trên diện tích đất 1,0ha tại lô 7a, khoảnh 5 đồi C có hộ bà Ngô Thị H canh tác 334m2 là do mẹ chồng bà H phát làm nương trước năm 1988. Năm 1988 mẹ tôi phát lúc đó đất đang bỏ hoang không ai canh tác gì, gia đình tôi canh tác toàn bộ diện tích tại khu đồi C đến năm 1994 tôi kê khai và được cấp hồ sơ giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng không có ai tranh chấp. Vào khoảng năm 2000 mẹ chồng bà H đến xin mẹ tôi làm lại phần đất mà trước đó đã canh tác nên tôi và mẹ tôi cũng đồng ý và hai bên cùng lên khu đồi thỏa thuận cắm mốc giới sử dụng đến nay.

Nay tôi vẫn tiếp tục cho bà H canh tác sử dụng diện tích như trước đây đã thỏa thuận, tôi không yêu cầu lấy lại. Còn diện tích đất bà H đang canh tác nằm trong bìa xanh của tôi thì tôi khác tự thỏa thuận giải quyết và sẽ có trách nhiệm tách đất cho bà H khi bà H yêu cầu.

Ông Vi Văn V khởi kiện bà H đòi lại đất tôi không liên quan, tôi yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại các lời khai của bà Triệu Thị N, anh Hoàng Văn H1 trình bày: Về nội dung diện tích đất tranh chấp giữa ông V và bà H, như ông S trình bày là đúng, tôi không bổ sung gì thêm.

Anh Hoàng Văn H trình bày: Về nội dung diện tích đất tranh chấp giữa ông V và bà H như ông Hoàng Văn S trình bày là đúng, tôi không bổ sung gì thêm.

Ngày 17 tháng 7 năm 2018 Hội đồng xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản đã xác định:

Hiện trạng diện tích đất tranh chấp tại khu đồi C, thôn T xã H, huyện Hữu Lũng là 334m2 là đất rừng thuộc một phần của thửa đất số 7a, khoảnh 5, diện tích 01ha, theo bản đồ F48 Bộ Quốc Phòng, diện tích đất tranh chấp có các phía tiếp giáp: Phía Bắc giáp đất nhà ông S cạnh dài 6,3m + 10m; Phía Nam giáp đất ông S cạnh dài 9,7m +3,8m + 6,6m; phía Tây giáp đường đi cạnh dài 07m + 8,2m + 8,7m; phía Đông giáp đất ông S có cạnh dài 11,2m + 6,2m. Có giá trị là 2.338.000đ.

Tài sản trên đất tranh chấp hiện có: 01 cây xoài đường kính 02 - 05cm có giá trị 134.000đ, 01 cây xoài đường kính từ 10 - 15cm có giá 1.040.000đ; 01 cây keo đường kính gốc 05 - 10cm có giá 24.000đ. Giá trị tài sản trên đất là 1.198.000đ

Tổng trị giá đất tranh chấp và tài sản trên đất là: 3.536.000đ.

Qua kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy: Diện tích đất tranh chấp thuộc một phần thửa đất số: 7a, khoảnh 5 theo bản đồ F48 Bộ Quốc Phòng, diện tích 01ha khu đồi C, thôn T. Nguồn gốc diện tích đất trên do gia đình ông Hoàng Văn S khai phá, sử dụng. Năm 1994, hộ ông Hoàng Văn S kê khai và đã được Ủy ban nhân dân huyện Hữu Lũng cấp Hồ sơ quản lý và sử dụng đất rừng và đất trồng rừng cho hộ ông Hoàng Văn S đúng theo quy định của pháp luật, tại thời điểm cấp không có xảy ra tranh chấp gì với ai. Trong quá trình sử dụng ông S có thỏa thuận cho gia đình bà H 334m2 canh tác là do thỏa thuận. Hộ bà H canh tác đến năm 2007 ông Vi Văn V xảy ra tranh chấp với hộ bà H và ông V đã chặt phá toàn bộ cây xoài của gia đình bà H, tại thời điểm đó Ủy ban nhân dân xã vào kiểm tra hiện trạng trên đất không có tài sản gì ngoài các cây tạp mọc tự nhiên. Đến năm 2017 ông V lại tiếp tục tranh chấp với các hộ gia đình ông Hoàng Văn S, ông Đàm Văn T và bà Ngô Thị H và cho rằng các hộ này đã chặt phá cây cối, tài sản trên đất của ông là không có, vì qua kiểm tra trên đất không có tài sản cây cối gì của ông V.

Kiểm tra Hồ sơ giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng của hộ ông Vi Văn V cấp năm 1994 cho thấy gia đình ông V cũng không được cấp lô đất số 7a, khoảnh 5 khu đồi C, thôn T.

Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ông Vi Văn V và Ngô Thị H không tự thỏa thuận được về giá trị tài sản tranh chấp, ngày 27/6/2018 ông Vi Văn V gửi đơn yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản và nộp tạm ứng số tiền là 4.500.000đ. Do hai bên không thỏa thuận được khoản tiền chi phí định giá và đều yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử:

Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán: Trong quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán đã tuân thủ đúng và đầy đủ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, thư ký: Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm.

Về chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án các đương sự đã chấp hành và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Áp dụng khoản 6, 9 Điều 26, khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166, 203 Luật đất đai năm 2013 và khoản 3 Điều 26, điểm đ Điều 12, 14 Nghị quyết số 326/2016/NĐ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí tòa án.

Bác yêu cầu khởi kiện của ông Vi Văn V yêu cầu bà Ngô Thị H trả lại diện tích 334m2 nằm trong tổng diện tích 1,0ha thuộc lô 7a, khoảnh 5, tại khu đồi C, Thôn T, xã H, huyện H đã được UBND huyện Hữu Lũng giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng cho ông Hoàng Văn S đối với lô 7a, khoảnh 5, diện tích 1,0ha, tại đồi C, Thôn T, xã H, huyện H và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản trị giá 18.000.000đ vì không có căn cứ.

Bà Ngô Thị H tiếp tục được canh tác diện tích 334m2 nằm trong diện tích 1,0ha thuộc lô 7a, khoảnh 5, tại khu đồi C, Thôn T, xã H, huyện H và tiếp tục được quản lý, sử dụng các tài sản trên đất.

Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ông Vi Văn V phải chịu 4.400.000đ tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.

Về án phí: Áp dụng khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 26, điểm đ Điều 12, 14 Nghị quyết số 326/2016/NĐ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí tòa án. Ông Vi Văn V phải chịu án phí dân sự có giá ngạch là 1.016.900đ. Tuy nhiên, do ông Vi Văn V đã trên 60 tuổi, thuộc diện người cao tuổi được miễn tiền án phí. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn án phí đối với ông Vi Văn V theo quy định.

Hoàn trả lại cho ông Vi Văn V số tiền đã nộp tạm ứng án phí là 1.500.000đ (một triệu năm trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền AA/2012/04694 ngày 09/5/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng các đương sự không thỏa thuận được với nhau về toàn bộ nội dung của vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Tại phiên tòa hôm nay những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm: Bà Triệu Thị N, anh Hoàng Văn H1 và đều vắng mặt. Tuy nhiên, bà N và anh H1 đã có văn bản ủy quyền cho ông Hoàng Văn S tham gia tố tụng. Xét thấy việc vắng mặt bà N, anh H1 đã có văn bản ủy quyền cho ông S tham gia tố tụng, trong quá trình giải quyết vụ án bà N, anh H1 đã khai rõ những vấn đề liên quan đến vụ án trong bản tự khai. Do vậy, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án vắng mặt các đương sự theo quy định chung.

[2] Về quan hệ pháp luật: Theo thông báo thụ lý vụ án được xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản” là đúng theo quy định tại khoản 6, 9 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về yêu cầu của ông Vi Văn V đòi quyền sử dụng diện tích đất đang tranh chấp và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, Hội đồng xét xử xét thấy:

[4] Theo yêu cầu của ông Vi Văn V diện tích đất tranh chấp là khoảng 360m2 tại phía nam, thuộc thửa đất số 7a, khoảnh 5, diện tích 01ha tại thôn T, xã H; còn theo bà Ngô Thị H diện tích đất mà ông Vi Văn V tranh chấp là khoảng 350m2. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ xác định được diện tích đất tranh chấp là 334m2, thuộc tiểu khu Cây Cọng, khoảnh 5, lô 7a, diện tích 1,0ha, loại hình trạng thái I. Đất đã được giao hồ sơ giao quyền quản lý sử dụng rừng, đất trồng rừng cho ông Hoàng Văn S theo quyết định số 68/UB-QĐ ngày 10/6/1994

[5] Về nguồn gốc và quá trình sử dụng diện tích đất tranh chấp: Ông Vi Văn V cho rằng diện tích đất đang tranh chấp là của bố mẹ vợ chia cho vợ chồng ông từ năm 1972, sau đó ông trồng các loại cây thuốc dược liệu, nuôi các con vật nuôi và dựng nhà thờ thổ địa trên đất. Việc ông cải tạo đất trồng cây thuốc nam, nuôi con vật nuôi và lập nhà thờ thổ địa có ông Hoàng Văn V, Hoàng Văn T nguyên là phó công an viên thôn T, ông Lục Văn M nguyên công an viên thôn T, ông Lương Văn N nguyên là xã đội trưởng xã H, ông Lại Văn V là cán bộ nghỉ hưu cùng xác nhận trong đơn của ông Vi Văn V về việc đất tranh chấp khu đồi C có nguồn gốc là do bố mẹ vợ chia cho vợ chồng ông V từ năm 1972, ông V đã sử dụng trồng thuốc nam và nuôi các con vật nuôi, lập nhà thờ thổ địa từ đó. Tuy nhiên, ngoài lời xác nhận của những người trên ông V không cung cấp được thêm tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của gia đình ông. Ngoài ra ông còn cho rằng quá trình sử dụng đất ông đã trồng các cây thuốc nam và khai thác liên tục đến năm 2017 thì bị gia đình bà H đến chặt phá hủy toàn bộ thuốc nam của ông đã trồng để chiếm đất. Qua xem xét thẩm định tại chỗ trên diện tích đất đang tranh chấp chỉ thấy có 02 cây xoài do bà H trồng, 01 cây keo không rõ ai trồng và các cây một số cây cỏ dại mọc tự nhiên, không có cây thuốc nam và các con vật nuôi như ông V trình bày.

[6] Cây nhãn, thừng mực, thành ngạnh và các cây bụi khác... Các cây này ông Vi Văn V cũng thừa nhận là cây mọc tự nhiên, ông không được trồng. Ngoài ra ông Vi Văn V cũng thừa nhận diện tích đất đang tranh chấp ông chưa được Nhà nước cấp quyền quản lý và sử dụng khu đất đồi C. Gia đình ông được Nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng đất rừng ở vị trí khác, không có khu đồi C, năm 1994 khi được Nhà nước giao đất ông mới biết đất có tranh chấp nên không được giao, ông đã gửi đơn đến Hạt kiểm lâm huyện Hữu Lũng thì được trả lời đất đang tranh chấp nên không được cấp cho ai. Đến năm 2017 ông mới biết đất tranh chấp đã được Nhà nước cấp giao cho ông Hoàng Văn S từ năm 1994. Tuy nhiên qua các tài liệu, chứng cứ không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện vào năm 1994 lô đất số 7a, khoảnh 5 diện tích 1,0ha tại khu đồi C đã xảy ra tranh chấp. Mặt khác qua các lời khai ông V cũng thừa nhận năm 2006 ông và ông Hoàng Văn S mới xảy ra tranh chấp đối với khu đồi C hiện đang tranh chấp.

[7] Bà Ngô Thị H cho rằng khu đất đồi C hiện đang tranh chấp có nguồn gốc là của bố mẹ chồng để lại, gia đình vẫn đang canh tác thường xuyên để trồng ngô, sắn. Năm 2005 gia đình bà chuyển sang trồng xoài, năm 2007 ông V đến tranh chấp đất và chặt toàn bộ số xoài gia đình bà đã trồng, chính quyền xã giải quyết ông V không tranh chấp nữa. Bà H khẳng định nguồn gốc đất tranh chấp là của gia đình bà nhưng bà cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh về nguồn gốc đất, hơn nữa tại lời khai của bà H cũng thể hiện đất tranh chấp gia đình bà cũng chưa được giao quyền quản lý sử dụng.

[8] Qua xem xét các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện đất tranh chấp đã được Ủy ban nhân dân huyện Hữu Lũng giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng cho hộ ông Hoàng Văn S theo Quyết định số 68/UB-QĐ ngày 10/6/1994, trong đó có lô 7a, khoảnh 5, diện tích 1,0ha tại tiểu khu Cây Cọng, thôn T, xã H. Theo ông S đất tranh chấp giữa ông V và bà H đã được Nhà nước giao quyền sử dụng cho gia đình ông từ năm 1994, đến năm 2000 ông có thỏa thuận với gia đình bà H để cho bà H được canh tác trên diện tích đất tranh chấp cho đến nay, gia đình ông không ai yêu cầu lấy lại diện tích đất đã cho bà H canh tác.

[9] Theo kết quả xác minh ngày 28/8/2018 tại Ủy ban nhân dân xã H thì đất tranh chấp giữa ông V và bà H nằm trong diện tích lô 7a, khoảnh 5, diện tích 1,0ha tọa tại khu đồi C, thôn T, xã H đã được Ủy ban nhân dân huyện giao quyền quản lý và sử dụng cho ông Hoàng Văn S. Ông Vi Văn V cho rằng bà H chặt phá cây cối, dược liệu và các con vật nuôi là không đúng.

[10] Với các tài liệu, chứng cứ như đã phân tích trên, xét về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất ông Vi Văn V không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh được ông là người sử dụng đất thường xuyên, liên tục từ năm 1972 cho đến nay và cũng không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh thiệt hại về các cây thuốc nam và các con vật nuôi mà ông cho rằng bị gia đình bà Ngô Thị H phá hủy. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vi Văn V yêu cầu bà Ngô Thị H trả lại diện tích đất tranh chấp là 334m2 thuộc lô 7a, khoảnh 5, diện tích 1,0ha, loại hình trạng thái I, tiểu khu Cây Cọng và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản về các cây thuốc nam, các con vật nuôi với tổng số tiền là 18.000.000đ.

[11] Về chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ngày 17/7/2018 ông Vi Văn V đã nộp tạm ứng tiền chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản số tiền là 4.500.000,đ và Hội đồng đã chi hết số tiền 4.400.000đ, số tiền còn lại 100.000,đ đã được trả lại cho ông Vụ theo biên bản giao nhận ngày 17/7/2018. Do yêu cầu của ông Vi Văn V không được Hội đồng xét xử chấp nhận nên ông phải chịu toàn bộ số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 4.400.000đ.

[12] Về án phí: Yêu cầu của ông Vi Văn V không được Hội đồng xét xử chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 1.016.900đ. Tuy nhiên, do ông Vi Văn V đã trên 60 tuổi, thuộc diện người cao tuổi được miễn tiền án phí. Do vậy ông Vi Văn V được miễn toàn bộ án phí theo quy định.

[13] Hoàn trả lại cho ông Vi Văn V số tiền đã nộp tạm ứng là 1.500.000đ theo biên lai thu tiền AA/2012/04694 ngày 09/5/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

[14] Quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng khoản 6, 9 Điều 26; khoản 1 Điều 174 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166, 203 Luật đất đai năm 2013.

Xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Vi Văn V yêu cầu bà Ngô Thị H trả lại diện tích 334m2 thuộc lô 7a, khoảnh 5, diện tích 1,0ha tại khu đồi C, Thôn T, xã H, huyện H và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản trị giá 18.000.000đ vì không có căn cứ.

Bà Ngô Thị H tiếp tục được canh tác diện tích 334m2 nằm trong diện tích 1,0ha thuộc lô 7a, khoảnh 5, tiểu khu đồi C, Thôn T, xã H, huyện H, diện tích đất có các phía tiếp giáp: Phía Bắc giáp đất nhà ông S cạnh dài 6,3m + 10m; Phía Nam giáp đất ông S cạnh dài 9,7m +3,8m + 6,6m; phía Tây giáp đường đi cạnh dài 07m + 8,2m + 8,7m; phía Đông giáp đất ông S có cạnh dài 11,2m + 6,2m và tiếp tục được quản lý, sử dụng các tài sản trên đất.

2. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ông Vi Văn V phải chịu 4.400.000đ tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.

3. Về án phí: Áp dụng khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 26, điểm đ Điều 12, 14 Nghị quyết số 326/2016/NĐ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí tòa án.

Miễn toàn bộ án phí dân sự cho ông Vi Văn V số tiền là 1.016.900đ (một triệu không trăm mười sáu nghìn chín trăm đồng).

Hoàn trả lại cho ông Vi Văn V số tiền đã nộp tạm ứng án phí là 1.500.000đ (một triệu năm trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền AA/2012/04694 ngày 09/5/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

4. Quyền kháng cáo:

Báo cho các đương sự có mặt tại phiên tòa biết có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Báo cho những người vắng mặt biết có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

365
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2018/DS-ST ngày 10/10/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:08/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hữu Lũng - Lạng Sơn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:10/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về