Bản án 08/2018/DS-PT ngày 25/01/2018 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 08/2018/DS-PT NGÀY 25/01/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN

Ngày 25 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý  số  70/2017/TLPT-DS ngày 17/11/2017 về việc “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 30/2017/DS-ST ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện T bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 62/2017/QĐPT-DS ngày 20/12/2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Phan Ngọc Đ, sinh năm 1950.

Trú tại: Tổ 1, thị trấn Hà Lam, huyện T, tỉnh Quảng Nam.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Văn H

- Văn phòng Luật sư T, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam.

Địa chỉ: 73 Phan Chu Trinh, thành phố T, tỉnh Quảng Nam.

2. Bị đơn: Ông Hoàng Ngọc T, sinh năm 1948.

Trú tại: Tổ 3, thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Quảng Nam.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn Văn T1 - Văn phòng Luật sư H, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Địa chỉ: Thôn Đ, xã N, huyện Đ, thành phố Hà Nội.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Trương Thanh M, sinh năm 1953.

Trú tại: Tổ 3, thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Quảng Nam.

+ Ông Phan Thanh V, sinh năm 1978.

Trú tại: Tổ 1, thôn 3, xã B1, huyện T, tỉnh Quảng Nam.

+ Ông Trần Đình H1, sinh năm 1969.

Trú tại: Tổ 3, thôn T, xã P, huyện Q, tỉnh Quảng Nam.

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Hoàng Ngọc T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các văn bản có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa người nguyên đơn Phan Ngọc Đ trình bày:

Trước đây vào năm 2002 khi Nhà nước có các chủ trương về trồng cây gây rừng đối với các diện tích đất cát ven biển nhằm hạn chế việc hoang hóa cũng như làm trang trại phát triển kinh tế tại những vùng ven biển đang chậm phát triển. Bản thân ông đã đứng ra xin làm dự án trang trại để phát triển kinh tế, khi đó đề án của ông đã được các cấp có thẩm quyền tại địa phương chấp nhận và tạm giao cho ông 05 ha đất (Một cạnh có chiều dài là 250m và rộng là 200m) giáp đường ĐT 613 và giáp với khu vực đất giao cho Công ty Quốc tế V1. Trên diện tích đất được giao này có nguồn gốc đất rừng do Ủy ban nhân dân (UBND) xã B2 quản lý theo dự án PAM 4034. Sau khi được giao đất bản thân ông cùng với ông Trương Thanh M và ông Phan Thanh V đã trồng trên diện tích đất này hơn 4.000 cây keo lá tràm và 400 cây đào lộn hột cũng như đã làm trang trại để chăn nuôi trên khu đất được giao. Hằng năm khi đến mùa mưa các ông đã trồng bổ sung thêm các loại cây trên diện tích đất này. Đến năm 2013 các ông đã bán tỉa được 100 cây trong tổng thể khu vực đang trồng. Trong năm đó ông Hoàng Ngọc T đã đốn của các ông 200 cây keo, tiếp đó vào ngày 07/12/2016 ông Hoàng Ngọc T lại kêu người đến bán tiếp 200 cây keo trên diện tích đất của các ông đã trồng. Tuy nhiên, khi người mua đang đốn được 64 cây thì ông đã báo chính quyền địa phương đến lập biên bản quả tang và ngăn chặn việc mua bán này. Vì vậy, nay ông khởi kiện yêu cầu ông Hoàng Ngọc T phải trả lại 64 cây keo đã khai thác với tổng giá trị bằng số tiền mà ông Hoàng Ngọc T đã nhận của người mua là 5.500.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn ông Hoàng Ngọc T trình bày:

Năm 1988, ông được UBND huyện T cấp diện tích 0,3 ha đất trống tại xã B để sản xuất lâm nghiệp và sau đó ông còn khai hoang sử dụng thêm diện tích 25 ha nữa. Năm 2008 ông Phan Ngọc Đ đã tự ý chặt của ông 200 cây dương liễu và số cây keo hiện nay tranh chấp do ông trồng nên ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Phan Ngọc Đ.

Tại các văn bản có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trương Thanh M trình bày:

Bản thân ông và ông Phan Ngọc Đ trước đây có đứng ra xin đất làm trang trại để phát triển kinh tế, khi đó chính quyền địa phương chấp nhận đề án làm trang trại và tạm giao cho các ông diện tích 05 ha đất rừng (Một cạnh có chiều dài là 250m và rộng là 200m) do UBND xã B2 quản lý theo dự ám PAM 4034. Sau khi được giao đất, bản thân ông cùng với ông Phan Ngọc Đ và ông Phan Thanh V đã trồng trên diện tích đất này các loại cây chịu hạn và xây dựng các công trình để sản xuất và chăn nuôi. Tuy nhiên, sau đó do việc làm ăn không đạt nên trên đất chỉ còn lại cây trồng và không ai ở lại để quản lý và chăm sóc. Hàng năm khi đến mùa mưa các ông đã trồng bổ sung thêm các loại cây trên diện tích đất này. Vào năm 2013 ông Hoàng Ngọc T đã đốn của các ông 200 cây keo, khi đó các ông đã báo chính quyền địa phương nhưng chưa giải quyết triệt để. Tiếp đó vào ngày 07/12/2016 ông Hoàng Ngọc T lại kêu người đến bán tiếp 200 cây keo trên diện tích đất của các ông đã trồng. Vì vậy, nay ông Phan Ngọc Đ khởi kiện buộc ông Hoàng Ngọc T phải trả lại giá trị của 64 cây keo đã khai thác thì ông đồng ý với yêu cầu của ông Phan Ngọc Đ.

Tại các văn bản có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phan Thanh V trình bày:

Trước đây khi ông Phan Ngọc Đ được cấp đất làm trang trại thì bản thân ông có tham gia đóng góp vốn và công sức vào việc trồng và sản xuất trên diện tích đất đã được giao. Tuy nhiên do làm ăn thua lỗ nên sau đó ông không tham gia nữa. Hiện nay, ông Phan Ngọc Đ khởi kiện buộc ông Hoàng Ngọc T phải trả lại 64 cây keo đã khai thác thì đó là quyền của ông Phan Ngọc Đ và ông không có ý kiến gì.

Tại các văn bản có trong hồ sơ vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Đình H1 trình bày:

Qua giới thiệu của người quen nên ông biết được ông Hoàng Ngọc T có nhu cầu bán 200 cây keo lá tràm. Khi đến thực địa khảo sát và xác định số lượng cây mua, bản thân ông thống nhất là mua 200 cây với tổng giá trị là 15.000.000 đồng. Tuy nhiên, khi tiến hành khai thác tại rừng keo thì ông bị chính quyền địa phương mời về trụ sở UBND xã B làm việc, từ đó ông mới biết các cây keo trên không phải của ông Hoàng Ngọc T mà là keo của ông Phan Ngọc Đ ở thị trấn Hà Lam. Sau đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho ông được phép chở toàn bộ số keo đã khai thác là 64 cây, còn mọi việc giải quyết sau này là giữa ông Phan Ngọc Đ và ông Hoàng Ngọc T chứ bản thân ông không liên quan gì nữa do ông đã giao đủ số tiền mua cây là 5.500.000 đồng cho ông Hoàng Ngọc T. Nay ông Phan Ngọc Đ khởi kiện ông Hoàng Ngọc T thì ông không có ý kiến gì.

Với nội dung như trên, bản án dân sự sơ thẩm số 30/2017/DS-ST ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Quảng Nam đã áp dụng các Điều 163, Điều 164, Điều 166 và Điều 170 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 162 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phan Ngọc Đ với ông Hoàng Ngọc T về việc “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản” đối với 64 cây keo bị đốn trong khu vực diện tích đất trang trại đã được cấp cho ông Phan Ngọc Đ.

2. Buộc ông Hoàng Ngọc T phải có trách nhiệm thối trả lại giá trị tương đương của 64 cây keo với giá 5.500.000 đồng.

3. Buộc ông Hoàng Ngọc T phải có trách nhiệm hoàn trả lại khoản chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 500.000 đồng.

Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, ông Phan Ngọc Đ có đơn yêu thi hành án, nếu ông Hoàng Ngọc T không thanh toán số tiền trên thì hằng tháng ông Hoàng Ngọc T còn phải chịu một khoản tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm thi hành án.

4. Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Hoàng Ngọc T không phải nộp. Ông Phan Ngọc Đ không phải chịu án phí, hoàn trả lại số tiền đã nộp tạm ứng án phí 300.000 đồng cho ông Phan Ngọc Đ theo biên lai thu số 0020126 ngày 16/01/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quy định nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn ông Hoàng Ngọc T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam cho rằng: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và các đương sự được thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Hoàng Ngọc T, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 30/2017/DS- ST ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Quảng Nam.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa. Sau khi nghe ý kiến đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông Phan Ngọc Đ không rút đơn khởi kiện, bị đơn ông Hoàng Ngọc T không rút đơn kháng cáo mà cho rằng bản án của Tòa án nhân dân huyện T xử là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng dân sự, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Do đó, ông Hoàng Ngọc T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại.

Xét kháng cáo của ông Hoàng Ngọc T thì thấy:

[2] Về thủ tục tố tụng: Bị đơn ông Hoàng Ngọc T cho rằng bản thân ông không nhận được giấy triệu tập xét xử vào ngày 21/8/2017 của Tòa án cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, tại hồ sơ thể hiện bị đơn ông Hoàng Ngọc T mặc dù đã được Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập nhiều lần nhưng ông vẫn vắng mặt trong các phiên hòa giải, các lần làm việc khác cũng như phiên tòa xét xử vụ án nên việc Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành thủ tục niêm yết và xét xử vắng mặt ông là đúng theo quy định tại Điều 179, điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về nội dung:

Năm 2002, ông Phan Ngọc Đ có làm dự án trang trại tại thôn T, xã B, huyện T và làm đơn xin chính quyền xã B2, huyện T cấp đất để thuận lợi trong việc làm trang trại do thời điểm đó diện tích đất xin làm trang trại là vùng giáp ranh giữa hai xã B và B2 cũng như ranh giới địa chính giữa hai xã chưa phân định và cắm mốc cụ thể. Ông Phan Ngọc Đ sau đó được chính quyền xã B2 cũng như các cơ quan chức năng giao 05 ha đất rừng tại khu vực Bầu Gộc, thôn 6, xã B2. Trên trích lục bản đồ chỉ thể hiện khu đất được giao có một cạnh có chiều dài là 250m và rộng 200m, không thể hiện ký hiệu đất có số thửa và tờ bản đồ nào. Tuy vậy, tứ cận của thửa đất có mô tả rõ ràng: Đông giáp đất hoang cách đường 613 là 170m; Tây giáp đất hoang cách tường rào Công ty V1 20m; Nam giáp đất hoang và Bắc giáp đất hoang cách biên giới B2 là 25m (BL 03). Trên diện tích đất được giao này có nguồn gốc đất rừng do UBND xã B2 quản lý theo dự án PAM 4034. Sau khi được giao đất bản thân ông Phan Ngọc Đ cùng với ông Trương Thanh M và ông Phan Thanh V đã trồng trên diện tích đất này hơn 4.000 cây keo lá tràm và 400 cây đào lộn hột cũng như đã làm trang trại để chăn nuôi trên khu đất được giao. Điều này phù hợp với nội dung các giấy xác nhận của chính quyền địa phương, đơn xin khai thác bán tỉa keo trên khu đất của ông Phan Ngọc Đ được UBND xã B chấp nhận và lời khai của các nhân chứng là người dân sinh sống tại địa phương, người làm công trước đây khi trồng keo cũng như làm tại trang trại và người thu mua keo đều khẳng định số cây keo tranh chấp này do ông Phan Ngọc Đ và ông Trương Thanh M trồng và quản lý trên diện tích khu đất làm trang trại được giao.

[4] Ngoài ra, khu đất mà ông Phan Ngọc Đ đã được giao làm trang trại và có 64 cây keo bị ông Hoàng Ngọc T khai thác, trước đây ông Hoàng Ngọc T có tranh chấp và khởi kiện yêu cầu ông Phan Ngọc Đ phải bồi thường giá trị 200 cây dương liễu nhưng không được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam và Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận (BL 14 - 17). Bởi lẽ khu vực đất mà các bên tranh chấp số cây dương liễu không nằm trong diện tích đất đã cấp cho ông Hoàng Ngọc T, mà được cấp có thẩm quyền giao đất cho ông Phan Ngọc Đ và ông Trương Thanh M nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đất nằm trong khu quy hoạch sinh thái của huyện T.

[5] Mặt khác, theo Biên bản sự việc và Biên bản kiểm tra hiện trạng do Công an xã B lập vào ngày 08/12/2016 thể hiện có sự khai thác 64 cây keo tại tổ 5, thôn T, xã B, huyện T. Người trực tiếp khai thác keo là ông Trần Đình H1 thừa nhận có mua lại của ông Hoàng Ngọc T 200 cây keo nhưng mới đốn được 64 cây thì bị chính quyền địa phương mời về làm việc. Bản thân ông Hoàng Ngọc T cũng thừa nhận việc bán số cây keo trên cho ông Trần Đình H1 nhưng trong quá trình giải quyết vụ án bản thân ông không hợp tác và tại phiên tòa hôm nay ông không cung cấp được chứng cứ gì mới chứng minh các cây keo trên thuộc quyền sở hữu của ông.

[6] Ngoài ra, khi chính quyền địa phương mời các bên liên quan về trụ sở làm việc và lập biên bản xử lý việc khai thác số keo trên, sau đó đã giao cho người mua chở toàn bộ 64 cây keo khai thác được đi nên 64 cây keo tranh chấp đã bị khai thác hiện nay không còn, vì vậy ông Phan Ngọc Đ khởi kiện yêu cầu ông Hoàng Ngọc T phải hoàn trả lại 64 cây keo khai thác vào ngày 07/12/2016 theo giá trị bằng với số tiền mà người mua đã trả cho ông Hoàng Ngọc T 5.500.000 đồng là phù hợp.

[7] Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông Hoàng Ngọc T là Luật sư Nguyễn Văn T1 cho rằng hồ sơ vụ án là giả tạo, chưa xác định vị trí đất tranh chấp và nguyên đơn ông Phan Ngọc Đ không xác định được loại cây trồng và bị đơn ông Hoàng Ngọc T không được tống đạt giấy triệu tập hợp lệ để tham dự phiên tòa sơ thẩm nên đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm số 30/2017/DS-ST ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện T để giải quyết, xét xử sơ thẩm lại theo quy định, tuy nhiên như đã phân tích trên Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận.

[8] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phan Ngọc Đ, buộc ông Hoàng Ngọc T phải có trách nhiệm thối trả lại cho ông Phan Ngọc Đ giá trị tương đương của 64 cây keo với giá 5.500.000 đồng là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong phần quyết định Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc ông Hoàng Ngọc T phải có trách nhiệm thối trả lại giá trị tương đương của 64 cây keo với giá 5.500.000 đồng nhưng không nêu rõ có trách nhiệm thối trả lại cho ai là thiếu sót nên cần rút kinh nghiệm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hoàng Ngọc T không cung cấp được chứng cứ gì mới để chứng minh cho yêu cầu của mình nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của ông mà giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[9] Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Do yêu cầu của nguyên đơn ông Phan Ngọc Đ được chấp nhận nên bị đơn ông Hoàng Ngọc T phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 500.000 đồng, tuy nhiên số tiền này đã được nguyên đơn ông Phan Ngọc Đ nộp tạm ứng nên ông Hoàng Ngọc T phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông Phan Ngọc Đ là có cơ sở và đúng quy định tại Điều 157, 158 Bộ luật tố tụng dân sự.

[10] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu của nguyên đơn ông Phan Ngọc Đ được chấp nhận nên bị đơn ông Hoàng Ngọc T phải chịu, nhưng ông Hoàng Ngọc T được miễn nộp tiền án phí do thuộc trường hợp người cao tuổi. Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc T không có đơn đề nghị được miễn án phí nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xử cho ông Hoàng Ngọc T không phải chịu do là người cao tuổi là chưa đúng quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án nên cần rút kinh nghiệm.

[11] Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Hoàng Ngọc T được miễn do thuộc trường hợp người cao tuổi theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Hoàng Ngọc T, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 30/2017/DS-ST ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Quảng Nam.

Áp dụng các Điều 163, Điều 164, Điều 166 và Điều 170 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 162 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phan Ngọc Đ với ông Hoàng Ngọc T về việc “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản” đối với 64 cây keo bị đốn trong khu vực diện tích đất trang trại đã được cấp cho ông Phan Ngọc Đ.

2. Buộc ông Hoàng Ngọc T phải có trách nhiệm thối trả lại cho ông Phan Ngọc Đ giá trị tương đương của 64 cây keo với giá 5.500.000 đồng (Năm triệu năm trăm nghìn đồng).

3. Buộc ông Hoàng Ngọc T phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho ông Phan Ngọc Đ khoản chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, ông Phan Ngọc Đ có đơn yêu thi hành án, nếu ông Hoàng Ngọc T không thanh toán số tiền trên thì hàng tháng ông Hoàng Ngọc T còn phải chịu một khoản tiền lãi của số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

4. Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Hoàng Ngọc T được miễn. Ông Phan Ngọc Đ không phải chịu, hoàn trả lại số tiền đã nộp tạm ứng án phí 300.000 đồng cho ông Phan Ngọc Đ theo biên lai thu số 0020126 ngày 16/01/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Quảng Nam.

5. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Hoàng Ngọc T được miễn.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (25/01/2018).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

703
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2018/DS-PT ngày 25/01/2018 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản

Số hiệu:08/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Nam
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:25/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về