TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUẢN BẠ, TỈNH HÀ GIANG
BẢN ÁN 08/2017/HS-ST NGÀY 23/08/2017 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ RỪNG
Hôm nay, ngày 23 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 07/2017/HSST ngày 21 tháng 7 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 07/2017/HSST- QĐ ngày 09 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo:
Ma Văn T - Tên gọi khác: Không ; Sinh năm 1987, tại huyện B, tỉnh Hà Giang;
Nơi ĐKHKTT: Thôn Đ, xã L, huyện B, tỉnh Hà Giang; Chỗ ở hiện nay: Thôn N, xã B, huyện Y, tỉnh Hà Giang; Dân tộc: Tày; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: không; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 10/12; Đảng, đoàn thể: Không; Con ông: Ma Quang C (Mã Quang C), sinh năm: 1954 và bà Lăng Thị Q, sinh năm: 1964; Có vợ là Nùng Thị T1, sinh năm 1993 và một con sinh năm 2017; Tiền án: Không; tiền sự: Tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 29/QĐ-XPHC ngày 26/02/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q1, huyện Q, tỉnh Hà Giang xử phạt về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật và mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với quy định của Nhà nước với tổng mức phạt là 6.000.000đ;
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 09/5/2017, hiện đang tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang; (Có mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Chị Nùng Thị T1, sinh năm:1993; Trú tại: Thôn N, xã B, huyện Y, tỉnh Hà Giang; (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 06 giờ ngày 05/5/2017 Ma Văn T sinh năm 1987 đi xe máy nhãn hiệu Sirius, biển kiểm soát 22F1.018.41 từ nhà ở thôn N, xã B, huyện Y xuống thành phố Hà Giang có việc, sau khi giải quyết xong công việc T quay về đến km 10 quốc lộ 4c đường Hà Giang - Đồng Văn thuộc địa phận xã T, huyện V, T dừng lại nghỉ và gặpmột số người dân ở đó nói chuyện về vấn đề mua bán gỗ nghiến dạng thớt, T hỏi “Có thớt bán không” thì một người nói là “Có hai cục gỗ nghiến dạng thớt” Sau đó T hỏi giá và mua hai cục gỗ nghiến với giá là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) một cục, tổng hai cục gỗ Nghiến dạng thớt là 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng) T cho hai cục gỗ vào hai hộp bìa cattong rồi chằng để vận chuyển về nhà ở xã B, huyện Y, đến khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày khi đi đến địa phận thôn S, xã Đ, huyện Q thì bị tổ công tác của Công an xã Đ yêu cầu T dừng xe kiểm tra và lập biên bản đưa toàn bộ tang vật, phương tiện đưa Ma Văn T về trụ sở xã Đ điều tra, xác minh làm rõ.
Ngày 05/5/2017 Công an xã Đ, huyện Q đã ra biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính số 04 đối với Ma Văn T về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật gồm hai khúc gỗ nghiến nhóm IIA (dạng thớt); 01 xe máy BKS: 22F1 01841 đã qua sử dụng mua vào năm 2016 với giá 5.000.000đ (Năm triệu đồng) và chuyển toàn bộ vật chứng vụ án tới cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Q.
Qua điều tra xác minh vào 08 giờ ngày 26/02/2017, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Q1, huyện Q,tỉnh Hà Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 29/QĐ-XPHC đối với Ma Văn T về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật và mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với quy định của nhà nước với tổng mức phạt là 6.000.000đ. Tịch thu tang vật đã sử dụng gồm 03 khúc gỗ nghiến dạng thớt kích thước 22 x 45cm, 23 x 42cm, 23 x 44cm.
Ngày 09/5/2017 cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Q đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Ma Văn T về hành vi "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng".
Ngày 26/5/2017 cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Q đã trưng cầu giám định giá trị tài sản trong tố tụng hình sự, 02 (hai) khúc gỗ nghiến nhóm IIA dạng thớt kích thước 43 x 23cm = 0,066m3.
Tại bản kết luận số 08/KL-HĐĐGTS ngày 01/6/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của huyện Q kết luận: Tổng khối lượng đưa ra định giá là 02 khúc gỗ nghiến (dạng thớt) kích thước 43 x 23cm = 0,066m3 gỗ nghiến nhóm IIA có tổng trị giá là: 466.666đ (Bốn trăm sáu mươi sáu nghìn sáu trăm sáu mươi sáu đồng).
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Ma Văn T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và không có ý kiến hay khiếu nại gì về kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của huyện Q nói trên.
Bản Cáo trạng số 07/VKS-HS ngày 21/7/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Q đã truy tố bị cáo Ma Văn T về tội "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng" theo khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ mức hình phạt để có cơ hội phấn đấu làm người có ích cho gia đình và xã hội.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Q giữ quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố hành vi của bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử:
Áp dụng khoản 1 Điều 175, điểm g, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7; điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Ma Văn T với mức án bằng thời gian bị cáo đã bị tạm giam và không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
Xử lý vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự; Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước hai khúc gỗ nghiến (dạng thớt) thuộc nhóm IIA kích thước 43 x 23cm = 0,066m3, có tổng trị giá là: 466.666đ (Bốn trăm sáu mươi sáu nghìn sáu trăm sáu mươi sáu đồng).
Đối với 01 chiếc xe máy nhãn hiệu Sirius - BKS: 22F1.018.41 đã qua sử dụng số khung RLCS5C640BY566342, số máy 5664 – 566357 được xác định là tài sản chung của vợ chồng, bị cáo đã sử dụng làm phương tiện dùng vào việc phạm tội, chị T1 (vợ bị cáo) không biết nên áp dụng khoản 2 Điều 41 Bộ luật Hình sự; điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trả lại cho chị Nùng Thị T1 chiếc xe máy trên. Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa bị cáo khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội như nội dung bản Cáo trạng truy tố, không có ý kiến tranh luận và nhất trí với lời luận tội của Kiểm sát viên.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án chị Nùng Thị T1 nhất trí với lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Lời nói sau cùng của bị cáo: Từ khi bị bắt tạm giam đến nay, bị cáo rất ăn năn hối cải về tội lỗi của mình, kính mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ mức hình phạt và cho bị cáo cơ hội cuối cùng để trở về gia đình làm ăn lương thiện, nuôi dạy con nhỏ với quyết tâm trở thành người chồng, cha và công dân tốt cho gia đình và xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Q, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Q, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, Hội đồng xét xử khẳng định các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Tại phiên tòa bị cáo Ma Văn T đã thành khẩn khai nhận toàn bộ diễn biến quá trình bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, các lời khai và lời nhận tội của bị cáo trước tòa phù hợp với các lời khai của bị cáo và phù hợp với biên bản, sơ đồ, bản ảnh hiện trường, Bản kết luận về việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự cùng với toàn bộchứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Như vậy, Hộiđồng xét xử có đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ lời luận tội của Kiểm sát viên, đề nghị kết tội các bị là có cơ sở.
Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng, hành vi phạm tội của bị cáo đã tiếp tay cho các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại về kinh tế, làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, xâm hại đến quản lý, sử dụng tài nguyên được Nhà nước quản lý, pháp luật Hình sự bảo vệ. Bản thân bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, chỉ vì hám lợi nên sáng ngày 05/5/2017 bị cáo đã mua và vận chuyển trái phép hai khúc gỗ nghiến nhóm IIA (dạng thớt) có kích thước 43 x 23cm = 0,066m3, có giá trị là: 466.666đ. Trước đó ngày 26/02/2017 bị cáo đã bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật và mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với quy định của Nhà nước, đến ngày 05/5/2017 bị cáo lại thực hiện hành vi trên khi chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính. Theo hướng dẫn tại mục1 phần I Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/03/2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản về một số tình tiết là yếu tố định tội thì hành vi của bị cáo là đã bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính mà lại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự. Từ các tình tiết, chứng cứ, động cơ, mục đích phạm tội như đã nêu trên Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Ma Văn T đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng", tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự:
"Điều 175. Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóaán tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng,cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Khai thác …;
b) Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 154 của Bộ luật này.
Hành vi của bị cáo vận chuyển, buôn bán gỗ nghiến quý hiếm nhóm IIA là nguy hiểm cho xã hội, trái với các quy định của Nhà nước, hành vi này còn làm mất an ninh trật tự tại địa phương, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, trong khi các cấp, các ngành đã và đang nỗ lực đấu tranh, tăng cường các giải pháp phòng, chống các hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Do đó, cần lên một mức án đủ nghiêm để cải tạo giáo dục bị cáo thành người tốt cho xã hội.
Xét về tình tiết định khung hình phạt: Hành vi của bị cáo không vi phạm các tình tiết định khung tăng nặng khác chỉ bị xét xử ở khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự.
Xét về nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo Ma Văn T xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức am hiểu pháp luật còn hạn chế, ngày 26/02/2017 bị cáo bị xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định số 29/QĐ-XPHC của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q1, huyện Q với tổng mức phạt tiền là 6.000.000 đồng. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, tỏ rõ ăn năn hối cải muốn sửa chữa thành người tốt, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn. Bị cáo là con của người có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu như Bảng gia đình vẻ vang; Bằng khen; Huân chương. Do đó bị cáo cần được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm g, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 và theo điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự 2015, áp dụng theo hướng có lợi cho bị cáo nên bị cáo T còn được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015. Hội đồng xét xử căn cứ vào nhân thân của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trên cơ sở cân nhắc đầy đủ và toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo gây ra xét thấy bị cáo đã bị tạm giam một thời gian dài, thời gian tạm giam đã đủ để bị cáo cải tạo và nhận thức về tội lỗi của mình, mong muốn trở thành công dân lương thiện. Do đó, Hội đồng xét xử đồng thuận với luận tội của đại diện Viện kiểm sát và chấp nhận lời thỉnh cầu của bị cáo để xử phạt mức hình phạt tù đối với bị cáo bằng thời gian bị cáo đã bị tạm giam. Như vậy, cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội, thể hiện tính chất nhân đạo, lượng khoan hồng của pháp luật đối với bị cáo.
Về hình phạt bổ sung: Theo khoản 3 Điều 175 của Bộ luật Hình sự quy định: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, do đó bị cáo có thể bị áp dụng hình phạt tiền. Tuy nhiên theo các tài liệu, chứng cứ và lờikhai của bị cáo tại phiên tòa cho thấy bị cáo là lao động tự do, không có thu nhập và là lao động chính lại đang nuôi con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy, Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo.
Về xử lý vật chứng: 02 (hai) khúc gỗ Nghiến nhóm IIA dạng thớt có đường kính 0,43m, chiều dài 0,23m = 0,066m3, bị cáo đã mua thuộc sở hữu của Nhà nước nên cần tịch thu sung công quỹ Nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự, điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Tại phiên tòa Hội đồng xét xử xác định được số tiền dùng để mua chiếc xe mô tô mà bị cáo sử dụng là tiền của chị Nùng Thị T1 (vợ bị cáo) đưa bị cáo mua xe để sử dụng chung trong gia đình, nên cần áp dụng khoản 2 Điều 41 của Bộ luật Hình sự; điểm b khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự để trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp là chị Nùng Thị T1 chiếc xe máy nhãn hiệu Sirius - BKS: 22F1.018.41.
Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: Bị cáo Ma Văn T phạm tội "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng"
Áp dụng khoản 1 Điều 175, điểm g, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7; điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Ma Văn T 03(ba) tháng 17 (mười bảy) ngày tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (ngày 09/5/2017).
Áp dụng khoản 5 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo Ma Văn T đang bị tạm giam, nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.
2. Về hình phạt bổ sung: Miễn hình phạt tiền cho bị cáo Ma Văn T.
3. Xử lý vật chứng: Áp dụng điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 41 của Bộ luật Hình sự, điểm b khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 02 (hai) khúc gỗ Nghiến nhóm IIA dạng thớt có đường kính 0,43m, chiều dài 0,23m = 0,066m3.
Tuyên trả lại cho chị Nùng Thị T1; Trú tại: Thôn N, xã B, huyện Y, tỉnh Hà Giang 01 (một) chiếc xe máy mang biển kiểm soát 22F1.018.41, cũ nát đã qua sử dụng số khung RLCS5C640BY566342, số máy 5664 - 566357.
Tình trạng vật chứng theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 21/7/2017giữa cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Q và Chi cục Thi hành án dân sự huyệnQ, tỉnh Hà Giang.
4. Về án phí: Áp dụng khoản 1, 2 Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Buộc bị cáo Ma Văn T phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 08/2017/HS-ST ngày 23/08/2017 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng
Số hiệu: | 08/2017/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Quản Bạ - Hà Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về