Bản án 08/2017/HSST ngày 20/06/2017 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

 TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THẠCH HÀ, TỈNH HÀ TĨNH

BẢN ÁN 08/2017/HSST NGÀY 20/06/2017 VỀ TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 20 tháng 6 năm 2017, tại Trụ sở - Toà án nhân dân huyện Thạch Hà mở phiên  toà xét  xử công khai vụ  án hình sự thụ lý số: 08/2017/TLST-HS, ngày 11/5/2017 đối với bị cáo:

Phạm Tùng L, Sinh ngày 20/02/1985.

Nơi cư trú: Thôn T, xã A , huyện H, tỉnh Hà Tĩnh.

Trình độ học vấn: Lớp 12/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do.

Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam.

Con ông Phạm Văn T, sinh năm 1959 và bà Đoàn Thị Đ, sinh năm 1950. Ông hiện đang sinh sống và làm rẫy tại tỉnh Đak Lak, bà hiện đang sinh sống tại: xã A, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh.

Anh, chị, em ruột: Có 6 người(trong đó có 04 anh em cùng cha khác mẹ), bị cáo là con thứ 2.

Vợ, con: Chưa có.

*Tiền sự: Không.

*Tiền án: Bị cáo có một tiền án (ngày 22/02/2012 bị Tòa án nhân dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xử phạt 27 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, đã chấp hành xong hình phạt tù ngày 26/4/2013, chấp hành xong nghĩa vụ thi hành án dân sự tháng 7/2012)

*Biện pháp ngăn chặn: Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt tại phiên tòa.

*Nguyên đơn dân sự: Công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S

Đại diện theo pháp luật có ông Lê Sơn L1, chức vụ: Giám đốc công ty ủy quyền cho ông Phạm Công D, sinh năm 1980. Chức vụ: Phó Giám đốc công ty tham gia phiên tòa. (Có mặt)

Địa chỉ: xã N, thành phố V, tỉnh Nghệ An.

NHẬN THẤY

Bị cáo Phạm Tùng L bị Viện kiểm sát nhân dân huyện H truy tố về các hành vi phạm tội như sau:

Vào ngày 01/01/2014, Phạm Tùng L, sinh năm 1984 trú tại thôn T, xã A, huyện H, tỉnh, Hà Tĩnh ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S (gọi tắt là công ty S), có địa chỉ thuộc địa phận xã N, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Với công việc được giao là nhân viên kinh doanh giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, bán hàng và thu tiền hàng từ các đại lý trên địa bàn Hà Tĩnh nộp về cho công ty S.

Từ tháng 5/2014 đến đầu tháng 02/2015, Phạm Tùng L được giao bán hàng và thu tiền tại đại lý B có địa chỉ tại xã Thạch T, huyện H, Hà Tĩnh để về nộp lại cho công ty. Và cũng trong thời gian này công ty giao cho L nhiệm vụ hàng tháng đến đại lý B để ký các biên bản đối chiếu kiêm xác nhận công nợ do Công ty S phát hành để làm căn cứ đối chiếu giữa công ty và đại lý mua hàng. Lợi dụng sự tin tưởng và thiếu kiểm tra của công ty L đã tự mình ký vào các biên bản và nộp về công ty mà không cần đi đến đại lý. Để hợp lý các biên bản đối chiếu kiêm xác nhận công nợ, L đã nhiều lần tự mình ký giả chữ ký, chữ viết của chủ đại lý B, kế toán đại lý vào biên bản rồi chuyển về nộp cho công ty để bộ phận kế toán đối chiếu. Thấy việc giả chữ ký, chữ viết của đại lý B diễn ra trong một thời gian nhưng Ban giám đốc và bộ phận kế toán của công ty S cũng như chủ đại lý B không phát hiện được, từ đó L nảy sinh ý định lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của công ty về sử dụng vào mục đích cá nhân.

Tại thời điểm trước ngày 31/8/2014 (Căn cứ biên bản đối chiếu kiêm xác nhận công nợ đề ngày 29/8/2014, giữa công ty S với đại lý B đã tiến hành đối chiếu kiêm xác nhận công nợ với nhau và đã chốt lại số tiền còn nợ như sau (số tiền ghi nợ trên được gọi là nợ đầu kỳ). Đại lý B còn nợ công ty S số tiền là: 236.132.910 đồng. Tuy nhiên, do L đã nâng giá bán hàng cao hơn giá bán của công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S ban hành. Nên tại sổ sách ghi chép của đại lý B ghi nhận còn nợ công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S tính đến ngày 29/8/2014 với số tiền là: 238.833.000 đồng (số tiền chênh lệch 2.700.090 đồng do L hưởng lợi). Tuy nhiên, tại thời điểm này xác định L chưa có hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty S.

Sự việc bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 31/8/2014 đến 30/11/2014, trong giấy tờ lưu tại công ty S ghi nhận đã bán cho đại lý B tổng số 09 đơn hàng tương ứng với số tiền là 1.039.315.972 đồng. Tại sổ ghi chép mua bán hàng của đại lý B cũng ghi nhận đã mua của Công ty S 09 đơn hàng. Nhưng do quá trình bán hàng, L đã nâng giá bán và chiếm đoạt một phần hàng trong số 09 đơn hàng nói trên. Vì vậy, khi L bán 09 đơn hàng này cho đại lý B thì số hàng còn lại tương ứng với số tiền là 1.005.245.910 đồng (giá trị 09 đơn hàng gọi là nợ trong kỳ).

Trong quá trình giao dịch mua, bán giữa hai đơn vị thì vào ngày 25/9/2014, Công ty S đã mua lại một đơn hàng (thép) từ đại lý B tương ứng với số tiền là 17.280.000 đồng.

Ngày 30/11/2014, Công ty S có chính sách giảm giá bán hàng cho đại lý B số tiền là 1.260.000 đồng. Tuy nhiên, số tiền này L đã hưởng lợi riêng mà không thông báo cho đại lý B biết.

Như vậy, tính đến ngày 30/11/2014, căn cứ vào sổ sách ghi chép của đại lý B ghi nhận còn nợ công ty S số tiền là: 238.833.000 đồng (nợ đầu kỳ) + 1.005.245.910 đồng (nợ trong kỳ) - 17.280.000 đồng (tiền công ty S mua lại hàng của đại lý B) = 1.226.798.910 đồng (số tiền mà đại lý B phải trả cho công ty S).

Đối chiếu với nợ gốc phải trả đầu kỳ và trong kỳ tính đến ngày 30/11/2014 thì đại lý Bình Tường đã giao cho Phạm Tùng L tổng số tiền là 1.055.597.910 đồng để nộp cho công ty S. Như vậy, tính đến ngày 30/11/2014 đại lý B chỉ còn nợ công ty S 02 đơn hàng của ngày 24/11/2014 và 27/11/2014 tương ứng với số tiền là 171.201.000 đồng (còn công ty S ghi nhận 02 đơn hàng ngày 24/11/2014 và 27/11/2014 là 171.203.000 đồng).

Theo số liệu mà công ty S ghi nhận đến ngày 30/11/2014, xác định Phạm Tùng L phải nộp về cho công ty S số tiền là: 236.132.910 đồng (nợ đầu kỳ) + 1.039.315.972 đồng (nợ trong kỳ) - 17.280.000 đồng (tiền công ty S mua lại hàng của đại lý B) - 1.260.000 đồng (tiền chính sách giảm giá cho đại lý) - 171.203.000 đồng (số tiền 02 đơn hàng ngày 24/11/2014 và 27/11/2014 chưa trả) = 1.085.705.882 đồng (số tiền Phạm Tùng L phải nộp về công ty S. Tuy nhiên, tính đến  ngày 30/11/2014, Phạm Tùng  L chỉ  mới nộp về cho công ty số tiền là 986.854.718 đồng. Số tiền còn lại L chưa nộp về cho công ty là (1.085.705.882 đồng - 986.854.718 đồng) = 98.851.164 đồng. Đây chính là số tiền mà Phạm Tùng L đã chiếm đoạt của công ty S về sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đến ngày 30/11/2014, chị Trần Thị Thanh T1 là nhân viên kế toán kiêm thủ quỹ của công ty S đã gửi biên bản đối chiếu kiêm xác nhận công nợ cho L để đến đối chiếu xác nhận công nợ với đại lý B. Để tránh bị phát hiện việc chiếm đoạt tiền của công ty nên L đã không đưa cho đại lý B ký xác nhận mà tự ý ký giả chữ ký, chữ viết của anh Nguyễn Văn T2 là kế toán của đại lý B vào biên bản đối chiếu kiêm xác nhận công nợ trên rồi đưa về nộp lại cho công ty S.

Do việc ký giả chữ ký, chữ viết của mình vào các biên bản xác nhận công nợ để chiếm đoạt tiền không bị phát hiện nên Phạm Tùng L vẫn tiếp tục lấy tài sản của công ty S về sử dụng vào mục đích cá nhân, cụ thể như sau: Từ ngày 01/12/2014 đến 06/02/2015, công ty S ghi nhận chỉ bán cho đại lý B 04 đơn hàng với giá trị là 557.920.705 đồng. Tuy nhiên, vào ngày 19/01/2015 do có đại lý H ở huyện L, tỉnh Hà Tĩnh (đại lý do L phụ trách trong giao dịch bán hàng) gọi điện thông báo cần nhập hàng, nên L đã liên hệ về công ty để xuất hàng bán cho đại lý H 01 đơn hàng có trị giá 66.494.000 đồng. Nhưng sau đó vì lý do khách quan nên đại lý H đã thông báo hủy đơn hàng. Do hàng đã xuất kho nên L đã tự ý chuyển đơn hàng đó bán cho đại lý mà không thông báo lại để công ty S biết. Vì vậy, từ ngày 01/12/2014 đến 06/02/2015, đại lý B ghi nhận mua của công ty S 05 đơn hàng (nhiều hơn Công ty S ghi nhận 01 đơn hàng) tương ứng với số tiền là 624.306.000 đồng.

Trong thời gian này, do đang làm nhà ở cho gia đình nên L đã liên hệ với chủ đại lý B để lấy vật liệu xây dựng gồm: xi măng, sắt, thép, gạch tap lô, ngói....từ đại lý B về để một phần làm nhà cho gia đình, một phần L bán lại cho chủ thầu xây dựng mương nước ở xã A, huyện H tương ứng với số tiền là 97.495.000 đồng. L đã thỏa thuận với anh Nguyễn Văn T2 khi nào có tiền L sẽ trả, nếu không thì trừ vào tiền nợ hàng mà đại lý B còn đang nợ Công ty S.

Tính đến thời điểm xác nhận công nợ ngày 30/11/2014, thì đại lý B còn nợ của công ty S số tiền là 171.201.000 đồng (nợ đầu kỳ). Trong thời gian từ 01/12/2014 đến ngày 06/02/2015, đại lý B đã mua của công ty S 05 đơn hàng tương ứng với số tiền là 624.306.000 đồng (gọi là nợ trong kỳ). Do vậy, đại lý B phải trả cho công ty S số tiền là: 171.201.000 đồng + 624.306.000 đồng = 795.507.000 đồng.

Tuy nhiên, do L đã tự ý lấy vật liệu xây dựng từ đại lý B về làm nhà ở và bán cho chủ thầu xây dựng tương ứng với số tiền là 97.495.000 đồng, nên đại lý B đã trừ số tiền đó vào số tiền hàng mà đại lý còn nợ của Công ty S, do đó số nợ còn lại của đại lý B là 795.507.000 đồng - 97.495.000 đồng = 698.012.000 đồng.

Sau khi tính toán số nợ còn lại nói trên, đại lý B tiếp tục thanh toán cho L số tiền là 637.835.000 đồng. Và tính đến ngày 06/02/2015, đại lý B chỉ còn nợ công ty S số tiền là: 698.012.000 đồng - 637.835.000 đồng = 60.177.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền hàng từ đại lý B thì L chỉ nộp về cho Công ty S số tiền là 597.000.000 đồng thông qua 05 lần nộp tiền về cho công ty S, còn lại số tiền (637.835.000 đồng - 597.000.000 đồng) = 40.835.000 đồng L đã sử dụng vào mục đích cá nhân. Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 01/12/2015 đến ngày 06/02/2015, Phạm Tùng L đã lấy của Công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S số tiền là (97.495.000 đồng + 40.835.000 đồng) = 138.330.000 đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đến ngày 06/02/2015, đại diện công ty S đã đến trực tiếp tại đại lý B tiến hành đối chiếu xác nhận công nợ, thì mới phát hiện được trong thời gian qua Lâm đã lợi dụng việc công ty giao tài sản đi bán đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt một phần hàng và tiền của công ty S.

Tại bản Kết luận giám định số 341/PC54, ngày 12/10/2016 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh kết luận: “… chữ viết, chữ ký dưới mục đại lý B mang tên Nguyễn Văn T2 trên biên bản đối chiếu kiêm xác nhận công nợ đề ngày 29/8/2014 và mang tên Nguyễn Văn T3 trên biên bản đối chiếu kiêm xác nhận công nợ đề ngày 30/11/2014 so với các chữ ký, chữ viết của Phạm Tùng L trên tài liệu mẫu so sánh là do cùng một người ký và viết ra”.

Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 31/8/2014 đến 30/11/2014 Phạm Tùng L đã có hành vi làm giả chữ ký, chữ viết để chiếm đoạt số tiền 98.851.164 đồng của công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S sử dụng vào mục đích cá nhân.

Bản cáo trạng số 11/Ctr-KSĐT, ngày 10/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thạch Hà đã truy tố bị cáo Phạm Tùng L về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS.

Tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện H giữ quyền công tố vẫn giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã truy tố, đồng thời phân tích các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như nhân thân bị cáo và đề nghị HĐXX xử áp dụng điểm d khoản 2 điều 140; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm b, p khoản 1 điều 46 BLHS; điểm x, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Phạm Tùng L mức án từ 27 đến 30 tháng tù giam. Về trách nhiệm dân sự đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường và trả lại số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt và lấy của Công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S. Về xử lý vật chứng và án phí đề nghị HĐXX căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn dân sự anh Phạm Công D cũng đồng ý với quan điểm đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát và đồng thời đề nghị HĐXX xét xử bị cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi thẩm tra các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nghe lời khai của bị cáo, ý kiến của Kiểm sát viên, lời trình bày của nguyên đơn dân sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà.

XÉT THẤY

Tại phiên toà hôm nay bị cáo Phạm Tùng L khai nhận: Trong khoảng thời gian từ ngày 31/8/2014 đến ngày 30/11/2014, lợi dụng sự tín nhiệm khi được Công ty S giao nhiệm vụ làm nhân viên kinh doanh, bán hàng và thu tiền hàng từ đại lý B, bị cáo đã có hành vi gian dối như làm giả chữ ký, chữ viết của chủ đại lý, kế toán đại lý B để chiếm đoạt của Công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S số tiền là 98.851.164 đồng. Lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa hôm nay hoàn toàn phù hợp với lời khai có tại các bản cung ở giai đoạn điều tra, phù hợp với nội dung bản cáo trạng, kết luận giám định và lời khai của các nhân chứng Nguyễn Văn T2, Nguyễn Văn Th3 và Trần Thị Thanh T1.

Xét hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Tùng L là nguy hiểm cho xã hội. Sau khi ký hợp đồng vào làm việc tại công ty S bị cáo đã lợi dụng vào sự tin tưởng và thiếu kiểm tra giám sát của Công ty, nên trong khoảng thời gian được giao nhiệm vụ làm nhân viên kinh doanh thị trường, kiêm thu tiền hàng và ký xác nhận các biên bản đối chiếu công nợ từ các đại lý, bị cáo đã có hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty S để phục vụ cho mục đích tiêu xài cá nhân. Nhằm che đậy và tránh sự phát hiện của công ty qua các lần đối chiếu công nợ bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối là giả mạo chữ ký, chữ viết của kế toán và chủ đại lý B để ký và viết vào các biên bản đối chiếu kiêm xác nhận công nợ rồi đem về nộp lại cho công ty. Vì vậy, nên việc đại lý B đã trả tiền hàng cho Công ty S nhưng công ty vẫn cứ nghĩ rằng đại lý vẫn còn nợ mà không phát hiện ra việc làm sai trái của bị cáo. Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật hình sự ghi nhận và bảo vệ. Bị cáo là người có nhận thức pháp luật đầy đủ, dù biết rằng hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty S là vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nhưng vì động cơ vụ lợi, mục đích cá nhân bị cáo đã bất chấp tất cả để thực hiện hành vi phạm tội.

Chính vì vậy, hành vi phạm tội của bị cáo phải xử phạt thật nghiêm, phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhằm để cải tạo giáo dục bị cáo trở thành người công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, khi lượng hình cũng cần cân nhắc, chiếu cố, xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt bởi sau khi phạm tội bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường được 2/3 giá trị tài sản chiếm đoạt, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn bố mẹ ly thân từ lâu, mẹ tuổi đã cao bị bệnh tật đau yếu và là người có công với cách mạng, bị cáo là lao động duy nhất của gia đình.Và đây cũng là sự thể hiện chính sách khoan hồng, tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Từ những nhận định và phân tích trên đây HĐXX có đủ căn cứ để kết luận hành vi của bị cáo Phạm Tùng L phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm d khoản 2 điều 140 BLHS.

Bị cáo Phạm Tùng L có tình tiết tăng nặng là tái phạm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS; Bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường được 2/3 giá trị tài sản chiếm đoạt, có mẹ được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1 điều 46 BLHS; và theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc hội và Công văn số 276/TANDTC-PC, ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các điều khoản có lợi cho người phạm tội thì bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là cha, mẹ, vợ chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng” quy định tại điểm x, khoản 1, điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Về trách nhiệm dân sự: Qúa trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay đại diện nguyên đơn dân sự anh Phạm Công D yêu cầu bị cáo phải bồi thường số tiền 98.851.164 đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt. Ngoài ra, anh còn yêu cầu bị cáo phải trả lại cho Công ty S số tiền 138.330.000 đồng. Đây là số tiền mà bị cáo đã lấy cũng như đại lý B đã trừ vào nợ của Công ty vì bị cáo đã lấy hàng của đại lý nhưng chưa trả tiền, do đó yêu cầu bị cáo phải trả lại. Tại phiên tòa bị cáo Phạm Tùng L cũng hoàn toàn thừa nhận khoản nợ này và đồng ý sẽ trả lại cho Công ty S, đại diện nguyên đơn dân sự cũng thống nhất với ý kiến của bị cáo.

Hội đồng xét xử xét thấy rằng yêu cầu của nguyên đơn dân sự là có căn cứ đúng pháp luật luật nên ngoài trách nhiệm phải bồi thường số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt thì bị cáo còn có nghĩa vụ trả lại số tiền mà bị cáo còn nợ của công ty.

Xác định trong quá trình điều tra và xét xử bị cáo đã bồi thường cho Công ty S số tiền 59.066.000đ. Bị cáo còn phải bồi thường tiếp số tiền còn lại là 39.785.164đ. Tổng cộng 2 khoản buộc bị cáo phải bồi thường và trả lại cho Công ty S số tiền là: 178.115.164đ.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra đã xác định trong khoảng thời gian từ ngày 01/12/2014 đến ngày 06/02/2015 bị cáo đã lấy của công ty S số tiền là 138.330.000đ nhưng đây là các giao dịch dân sự thuần túy nên không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo

Về xử lý vật chứng: Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trả lại cho ông Nguyễn Văn T1 01 cuốn sổ ghi chép, trên bìa có ký hiệu chữ “XI -NGÓI - NK”, có kích thước 25cm x 17cm, bên trong sổ có ghi chép lại quá trình mua, bán hàng và trả tiền hàng giữa đại lý B với Phạm Tùng L. Còn các vật chứng:

Biên bản đối chiếu kiêm xác nhận công nợ đề ngày 30/11/2014, Bảng chi tiết công nợ phải thu từ ngày 03/5/2014 đến 13/02/2015; Một quy định chung của công ty S, Một tờ danh sách nhân viên văn phòng, Một tờ đề xuất đóng bảo hiểm; Tất cả các vật chứng này đã được đánh số bút lục và đưa vào hồ sơ vụ án nên không xem xét. Hội đồng xét xử xét thấy cuốn Sổ bảo hiểm xã hội mà Cơ quan điều tra đã thu giữ của bị cáo không liên quan đến vụ án nên cần trả lại cho bị cáo, cuốn sổ này hiện đang được bảo quản cùng hồ sơ vụ án

Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, Toà án nhân dân huyện Thạch Hà;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Tùng L phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

*Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 140; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Phạm Tùng L 24 (Hai mươi bốn) tháng tù giam. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo vào Trại giam để chấp hành án.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng điều 42 BLHS; các Điều 166, 357, 585, 586 và 589 Bộ luật dân sự năm 2015 xử chấp nhận sự thỏa thuận giữa anh Phạm Công D đại diện nguyên đơn dân sự với bị cáo Phạm Tùng L, đồng ý bị cáo phải bồi thường số tiền 98.851.164 và trả lại số tiền 138.330.000đ, tổng cộng 02 khoản là 237.181.164đ. Nhưng bị cáo được trừ đi số tiền 59.066.000đ đã bồi thường trước nay còn phải tiếp tục bồi thường số tiền còn lại. Xác định tổng số tiền mà bị cáo phải bồi thường và trả lại cho Công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S là 178.115.164đ.

Đến thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật nguyên đơn dân sự Công ty cổ phần thép và thiết bị xây dựng S có đơn yêu cầu thi hành án mà bị cáo chưa thi hành thì hàng tháng còn phải chịu một khoản lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 1 Điều 76 BLTTHS: Trả lại cho bị cáo một Sổ bảo hiểm mang tên Phạm Tùng L, số sổ: 4014024411do Bảo hiểm xã hội thành phố V, tỉnh Nghệ An cấp ngày 07/01/2015.

4. Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1, Điều 23, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án xử buộc bị cáo Phạm Tùng L phải chịu 200.000đ tiền án phí hình sự sơ thẩm và 8.905.758đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo, đại diện nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

342
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2017/HSST ngày 20/06/2017 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:08/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:20/06/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về