Bản án 07/2020/LĐ-PT ngày 26/06/2020 về tranh chấp đòi tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, bồi thường thiệt hại

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 07/2020/LĐ-PT NGÀY 26/06/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TIỀN TRỢ CẤP THÔI VIỆC, TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI 

Ngày 26 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 04/2020/TLPT-DS ngày 27/4/2020 về việc “Tranh chấp đòi tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, bồi thường thiệt hại” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 08/2020/QĐPT-LĐ ngày 22/5/2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1961 (đã chết).

Những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị M: ông Vũ Văn C, anh Vũ Trường S, anh Vũ Thanh T (là chồng, con của bà Nguyễn Thị M). Cùng địa chỉ: 37/13 Nguyễn Công Tr, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền của anh Vũ Trường S và anh Vũ Thanh T là ông Vũ Văn C (Văn bản ủy quyền ngày 04/6/2020) – có mặt.

Bị đơn: Công ty Cổ phần đăng kiểm Đ; Địa chỉ: Km 4, Quốc lộ 14, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk; Địa chỉ: 08 Trần Hưng Đ, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

 Tại đơn khởi kiện đề ngày 02/5/2013 và quá trình tố tụng, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị M trình bày:

Ngày 30/11/2011, Công ty Cổ phần đăng kiểm Đ ký quyết định cho bà được nghỉ việc theo thỏa thuận. Theo quyết định bà được nghỉ việc từ ngày 01/12/2011, nhưng từ đó cho tới nay bà chưa nhận được tiền trợ cấp thôi việc và tiền trợ cấp thất nghiệp mà bà đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp kể từ ngày 01/01/2009. Do vậy, bà khởi kiện yêu cầu Công ty Cổ phần đăng kiểm Đ phải trả tiền trợ cấp thôi việc là 42.728.400đ, trợ cấp thất nghiệp 8.673.000 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán các khoản tiền trợ cấp cho bà.

Quá trình tố tụng, đại diện Công ty Cổ phần đăng kiểm Đ (viết tắt Công ty) trình bày:

Đối với yêu cầu trả tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 42.728.400đ của bà M thì Công ty đã tính toán số tiền phải trả trợ cấp thôi việc cho bà M là 46.289.100đ, nhưng trước đó Công ty đã đóng bảo hiểm xã hội cho bà M với số tiền 8.784.400đ nên Công ty phải trừ số tiền này trước khi trả tiền trợ cấp thôi việc, tuy nhiên bà M không đồng ý. Vì vậy, yêu cầu trả tiền trợ cấp thôi việc của bà M, Công ty đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với yêu cầu trả tiền trợ cấp thất nghiệp thì lỗi là của Công ty do không chốt sổ kịp thời dẫn đến bà M không được Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk trả nên Công ty đồng ý trả khoản tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 6.409.260đ cho bà M.

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại do Công ty chậm trả tiền trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp thì Công ty không đồng ý.

Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk trình bày:

Tại thời điểm bà Nguyễn Thị M nghỉ việc tháng 11/2011, Công ty Cổ phần đăng kiểm Đ còn nợ bảo hiểm xã hội nên Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk không xác nhận sổ bảo hiểm và không giải quyết chế độ thất nghiệp cho bà M. Nay thời hiệu giải quyết chế độ thất nghiệp đã hết, do vậy Bảo hiểm xã hội không có cơ sở để trả số tiền trợ cấp thất nghiệp đối với bà M.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 02/2014/LĐ-ST ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên xử: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị M về việc kiện đòi tiền trợ cấp thất nghiệp.

Buộc Công ty Cổ phần đăng kiểm Đ phải trả tiền bảo hiểm thất nghiệp cho bà Nguyễn Thị M là 6.409.260đ.

Áp dụng khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự để tính lãi trong giai đoạn thi hành án khi đương sự có đơn yêu cầu.

Bác đơn khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu Công ty cổ phần đăng kiểm Đắk Lắk trả trợ cấp thôi việc là 42.728.400 đồng và bồi thường thiệt hại do chậm trả tiền trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp là 15.674.703 đồng.

Đình chỉ xét xử đối với đơn phản tố của bị đơn Công ty cổ phần đăng kiểm Đắk Lắk về việc yêu cầu bà Nguyễn Thị M phải trả lại cho Công ty khoản tiền đóng bảo hiểm là 8.784.679 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo cho đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 01/7/2014 nguyên đơn bà Nguyễn Thị M có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc Công ty Cổ phần đăng kiểm Đắk Lắk trả tiền bảo hiểm thôi việc và tiền trợ cấp thất nghiệp cho bà.

Tại bản án số 02/2014/LĐ-PT ngày 15 tháng 9 năm 2014 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị M – Sửa một phần bản án sơ thẩm.

Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Công ty Cổ phần đăng kiểm Đ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp cho bà Nguyễn Thị M là 8.673.000 đồng.

Bác đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị M đối với yêu cầu Công ty cổ phần đăng kiểm Đắk Lắk trả trợ cấp thôi việc là 42.728.400 đồng và bồi thường thiệt hại do chậm trả tiền trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp là 15.674.703 đồng.

Ngày 14/9/2018, bà M có đơn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án lao động phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2020/LĐ-GĐT ngày 30/3/2020 Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định:

Hủy toàn bộ Bản án lao động phúc thẩm số 02/2014/LĐ-PT ngày 15/9/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm với lý do:

[1] Đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc: Bà M có đơn xin thôi việc và Công ty đăng kiểm cho bà M thôi việc theo nguyện vọng nên thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận. Bà M thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng bà M đã được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng nên không được hưởng trợ cấp thôi việc là không đúng.

[2] Đối với yêu cầu bồi thường do chậm thanh toán tiền trợ cấp: Việc chậm thanh toán tiền trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp là lỗi của Công ty đăng kiểm. Cấp sơ thẩm và phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu này là không đúng. Cần áp dụng khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005 để tính lãi chậm trả tiền trợ cấp cho bà M.

Tại phiên tòa hôm nay, ông Vũ Văn C vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Yêu cầu Công ty thanh toán tiền trợ cấp thôi việc theo đúng quy định của pháp luật cho người lao động là 46.289.100đ – đây là số tiền trợ cấp thôi việc mà Công ty đã tính toán đúng – và tiền chậm thanh toán khoản tiền trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật tính từ ngày được hưởng (01/12/2011) cho đến ngày xét xử phúc thẩm. Đối với khoản tiền trợ cấp thất nghiệp, thì Công ty đã thanh toán nên không yêu cầu nữa.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk:

- Về thủ tục tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Đơn kháng cáo của bà M là có căn cứ chấp nhận, bởi lẽ:

+ Về khoản tiền trợ cấp thôi việc: Ngày 30/11/2011, Công ty đăng kiểm cho bà M thôi việc theo đơn xin thôi việc của bà M là trường hợp hai bên chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận. Tại thời điểm chấm dứt hợp đồng, bà M có thời gian 25 năm 11 tháng đóng bảo hiểm, nhưng chưa đủ 55 tuổi nên theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động năm 1994 thì bà M thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc. Quá trình giải quyết vụ án, Công ty đăng kiểm đồng ý thanh toán tiền trợ cấp cho bà M 46.289.100 đồng nhưng phải trừ đi 8.784.679 đồng Công ty đăng kiểm đã đóng bảo hiểm xã hội cho bà M là không đúng. Bởi lẽ, bà M là nhân viên công ty nên Công ty phải có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm xã hội cho bà M. Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu này của nguyên đơn là không phù hợp quy định pháp luật. Do đó, cần chấp nhận nội dung kháng cáo của bà M, buộc Công ty Cổ phần đăng kiểm Đ thanh toán cho bà M tiền trợ cấp thôi việc theo quy định.

+ Đối với yêu cầu đòi tiền trợ cấp thất nghiệp: Hiện nay, Công ty đã thanh toán xong cho bà M khoản tiền trợ cấp thất nghiệp theo bản án đã có hiệu lực pháp luật nên không đề cập xử lý.

+ Đối với yêu cầu bồi thường do chậm thanh toán tiền trợ cấp thôi việc: Việc chậm thanh toán tiền trợ cấp thôi việc là lỗi của Công ty đăng kiểm. Do đó, Công ty phải trả lãi trên số tiền chưa thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005, tính từ ngày 01/12/2011 cho đến ngày xét xử phúc thẩm (26/6/2020).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án, thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về nội dung: Bà Nguyễn Thị M có thời gian công tác tại Công ty công trình giao thông (Nay là Công ty cổ phần đăng kiểm Đ – viết tắt là Công ty) từ tháng 12 năm 1985 đến ngày 20/11/2011 thì bà M làm đơn xin thôi việc. Ngày 30/11/2011, Công ty cổ phần đăng kiểm Đ ban hành Quyết định không số với nội dung: “Chấp thuận cho bà M được nghỉ việc từ ngày 01/12/2011. Phòng kế toán quỹ trích công ty để hỗ trợ cho bà M số tiền 5.000.000 đồng”, nhưng bà M không đồng ý mà yêu cầu Công ty phải trả tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp và tiền lãi chậm trả của các khoản trợ cấp chưa thanh toán.

[2] Xét nội dung kháng cáo của bà M, Hội đồng xét xử xét thấy: [2.1] Đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc:

Ngày 30/11/2011, Công ty đăng kiểm cho bà M thôi việc theo đơn xin thôi việc của bà M. Đây là trường hợp hai bên chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động năm 1994, được sửa đổi bổ sung năm 2007. Tại thời điểm chấm dứt hợp đồng, bà M có thời gian 25 năm 11 tháng đóng bảo hiểm, nhưng chưa đủ 55 tuổi nên theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động năm 1994 thì bà M thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà M đã được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng nên không được hưởng trợ cấp thôi việc là không đúng.

Theo Điều 2 Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ lao động thương binh và xã hội sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH quy định về cách tính và chi trả tiền trợ cấp thôi việc thì trợ cấp thôi việc của bà M được tính bằng tổng thời gian bà M làm việc tại Công ty nhân với tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động nhân với ½.

Từ tháng 01/2009 đến tháng 10/2011, bà M đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nên thời gian tính trợ cấp thôi việc cho bà được tính từ tháng 12/1985 đến ngày 31/12/2008 là 26 năm. Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động của bà M là 3.560.700 đồng (= lương cơ bản 830.000 đồng x hệ hố 4.29). Do đó, trợ cấp thôi việc của bà M được tính như sau: 26 năm x 3.560.700 đồng x ½ = 46.289.100 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, Công ty đăng kiểm đồng ý thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho bà M là 46.289.100 đồng nhưng phải trừ đi 8.784.679 đồng Công ty đăng kiểm đã đóng bảo hiểm xã hội cho bà M là không đúng. Bởi lẽ, điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội và trích tiền lương, tiền công của người lao động để đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Bà M là nhân viên công ty từ năm 1985, đến năm 2011 bà M mới được Công ty cho thôi việc nên Công ty phải có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm xã hội cho bà M. Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu này của nguyên đơn là không phù hợp quy định pháp luật. Do đó, cần chấp nhận nội dung kháng cáo của bà M, buộc Công ty Cổ phần đăng kiểm Đ thanh toán cho bà M 46.289.100 đồng tiền trợ cấp thôi việc.

[2.2] Đối với yêu cầu đòi tiền trợ cấp thất nghiệp: Bản án lao động phúc thẩm số 02/2014/LĐ-PT ngày 15/9/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc Công ty cổ phần đăng kiểm Đ phải thanh toán số tiền trợ cấp thất nghiệp cho bà M là 8.673.000 đồng. Hiện nay, Công ty đã thanh toán xong cho bà M khoản tiền này theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Ông C không có ý kiến, yêu cầu gì khác về khoản tiền đã thi hành nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[2.3] Đối với yêu cầu bồi thường do chậm thanh toán tiền bảo hiểm:

Việc chậm thanh toán tiền trợ cấp thôi việc là lỗi của Công ty đăng kiểm. Bộ luật lao động không có quy định về tính lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ nên cần áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết. Tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó, Công ty phải trả lãi trên số tiền chưa thanh toán theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm chi trả là 9%/năm, tính từ ngày 01/12/2011 cho đến ngày xét xử phúc thẩm (26/6/2020) là 08 năm 06 tháng 25 ngày. Số tiền bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là 46.289.100 đồng x 9%/năm x (08 năm 06 tháng 25 ngày) = 35.700.467 đồng.

Tổng số tiền mà Công ty cổ phần đăng kiểm Đ phải thanh toán là 46.289.100 đồng + 35.700.467 đồng = 81.989.567 đồng.

[3] Về án phí:

- Bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu của nguyên đơn được HĐXX chấp nhận là 81.989.567 đồng x 5% = 4.099.000 đồng (Đã làm tròn số).

- Do sửa án sơ thẩm nên nguyên đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308; khoản 1 Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

Căn cứ Điều 36, khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động năm 1994 (được sửa đổi bổ sung năm 2007);

Căn cứ khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 18, Điều 80, 81, 82 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006;

[1] Chấp nhận đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị M – do những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị M giữ nguyên nội dung kháng cáo. Sửa bản án Lao động sơ thẩm số 02/2014/LĐ-ST ngày 18/6/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

[2] Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị M – do những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị M giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Buộc Công ty cổ phần đăng kiểm Đ phải thanh toán cho những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị M là ông Vũ Văn C, anh Vũ Trường S, anh Vũ Thanh T số tiền 81.989.567 đồng (Tám mươi mốt triệu chín trăm tám mươi chín ngàn năm trăm sáu bảy đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

[3] Về án phí: Công ty cổ phần đăng kiểm Đ phải chịu 4.099.000 đồng án phí lao động sơ thẩm.

Trưng hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, không bị kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1708
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2020/LĐ-PT ngày 26/06/2020 về tranh chấp đòi tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, bồi thường thiệt hại

Số hiệu:07/2020/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:26/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về