Bản án 07/2020/HS-PT ngày 14/02/2020 về tội hủy hoại tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 07/2020/HS-PT NGÀY 14/02/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 149/2019/TLPT- HS ngày 26 tháng 12 năm 2019 đối với bị cáo Lành Quang V và đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo, bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 60/2019/HS-ST ngày 31 tháng 10 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

- Các bị cáo có kháng cáo và bị kháng cáo:

1. Lành Quang V; sinh ngày 15-11-1954 tại huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; dân tộc: Tày; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: 10/10; nghề nghiệp: Giáo viên nghỉ hưu; con ông: Lành Thư N (đã chết) và bà: Vi Thị C (đã chết); có vợ là Lý Thị Đ và có 05 con; tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại; có mặt.

2. Lành Văn B; sinh ngày 16-02-1962 tại huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; dân tộc: Tày; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: 7/10. Nghề nghiệp: Lao động tự do. Con ông: Lành Văn Đ (đã chết) và bà: Hoàng Thị N (đã chết); có vợ là Nông Thị S và có 03 con tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại; có mặt. 3. Lành Văn Đ1; sinh ngày 15-8-1977 tại huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; dân tộc: Tày; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 1/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; con ông: Lành Quang V và bà: Lý Thị Đ; có vợ là Hoàng Thị B và có 03 con; tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại; có mặt.

4. Lành Văn P (tên thường gọi khác: Lành Văn O); sinh ngày 09-02- 1980 tại huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; dân tộc: Tày; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 2/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; con ông: Lành Văn V (đã chết) và bà: Hoàng Thị T; có vợ là Lành Thị X và có 02 con, tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại; có mặt.

5. Lành Văn T; sinh ngày 14-12-1972 tại huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Khu M, thị trấn L, huyện L, Lạng Sơn; dân tộc: Tày; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: 04/12; Nghề nghiệp: Làm ruộng; con ông: Lành Văn V (đã chết) và bà: Hoàng Thị T; có vợ Đinh Thị Đ và có 02 con, tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại; có mặt.

6. Lành Văn T1 (tên thường gọi khác Lành Văn T2); sinh ngày 10-9- 1969 tại huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Khu tái định cư C, xã Y, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; dân tộc: Tày; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 6/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông: Lành Văn V (đã chết) và bà: Hoàng Thị T; có vợ là Chu Thị T và có 03 con, tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại; có mặt.

7. Lành Văn L; sinh ngày 07-01-1990 tại huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; dân tộc: Tày; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; con ông: Lành Quang V và bà: Lý Thị Đ; có vợ là Nông Thị T và có 01 con: tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại; có mặt.

Ngoài ra trong vụ án còn có 01 bị cáo khác không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị.

Bị cáo Lành Văn V1; sinh ngày 05-8-1940 tại huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt. - Người bào chữa cho bị cáo Lành Văn T: Ông Nông Chí K, Luật sư Văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Người bào chữa cho các bị cáo Lành Văn P, Lành Văn T1, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Quang V: Ông Nguyễn Tài H, Luật sư Văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Lành Văn V1: Bà Hoàng Tô Minh H, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lạng Sơn, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Lành Văn L: Ông Bế Quang H, Luật sư cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Bị hại: Ông Ma Văn C, sinh năm 1930. Nơi cư trú: Thị trấn N, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, vắng mặt Anh Ma Văn Đ, sinh năm 1961. Nơi cư trú: Thị trấn N, huyện L, tỉnh Lạng Sơn là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 03-8-2015); có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn.

Ông Hoàng Văn H: Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L, tỉnh Lạng Sơn là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 05-7- 2019); vắng mặt.

- Người giám định: Ông Đàm Văn T: Giám định viên. Hiện công tác tại Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

- Người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa 1. Ủy ban nhân dân xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn Người đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Văn Đ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

2. Hạt Kiểm lâm huyện L, tỉnh Lạng Sơn Ông Dương Văn D: Kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm huyện L, tỉnh Lạng Sơn là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 11-02-2020); có mặt, 3. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn Ông Phạm Văn T: Cán bộ Đồn biên phòng B là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 18-5-2017); vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lô đất 52, tiểu khu 383, đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn được Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn giao cho gia đình ông Ma Văn C theo Quyết định số 34/UB-QĐ ngày 20-7-1995. Sau khi nhận đất, gia đình ông Ma Văn C đã trồng cây, quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại lô đất trên. Tháng 5-1996, gia đình ông Ma Văn C đã ký Hợp đồng với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn để trồng rừng theo Dự án 327, sau đó chuyển thành Dự án 661. Gia đình ông Ma Văn C tiếp tục đã quản lý, sử dụng lô đất 52 tiểu khu 383 đồi P và tài sản trên đất. Theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05-12-2005 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1833/QĐ-UBND ngày 08-10-2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về phê duyệt dự án, rà soát quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lạng Sơn thì lô 52, tiểu khu 383 đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn thuộc rừng sản xuất.

Mặc dù những người trong dòng họ L tại thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn không ai trực tiếp quản lý, sử dụng đất và không có giấy tờ chứng minh lô đất 52 trên là đất của họ L; nhưng vì muốn có lô đất này để quản lý, sử dụng riêng cho họ L nên năm 2013, Lành Quang V đã viết giấy với danh nghĩa của Lành Văn V để gửi và yêu cầu gia đình ông Ma Văn C không được tiếp tục quản lý sử dụng lô đất trên nhưng ông Ma Văn C không đồng ý. Sau đó một thời gian các thành viên trong họ Lành gồm: Lành Văn V, Lành Văn V1, Lành Quang V, Lành Văn B cùng nhau thống nhất sẽ đến lô đất 52 tiểu khu 383 đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn chặt những cây đang có trên đất, mỗi người có trách nhiệm huy động con cháu trong nhà cùng tham gia để lấy đất trồng bạch đàn cao sản.

Sáng ngày 17-5-2015, tại lô đất 52, tiểu khu 383 đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, các đối tượng Lành Văn B, Lành Văn V, Lành Văn V1, Lành Quang V, Lành Văn Đ1, Lành Văn L, Lành Văn P, Lành Văn T1 và Lành Văn T cùng nhau đến khu đồi chặt cây đang có trên đất. Khi đi Lành Văn B mang theo một con dao quắm và một máy cưa, Lành Văn Đ1 mang theo một con dao quắm và một máy cưa, Lành Văn T mang theo một chiếc búa và một con dao quắm, những người khác mang theo dao quắm để chặt, cắt cây. Trong buổi sáng, Lành Văn V, Lành Quang V dùng dao phát những cây bụi và chỉ đạo việc chặt cây; Lành Văn B vừa chỉ đạo việc chặt vừa dùng cưa máy cắt cây; Lành Văn V1 chỉ đạo việc chặt cây; Lành Văn Đ1, Lành Văn L, Lành Văn P, Lành Văn T1 và Lành Văn T cùng nhau phát những cây bụi và cùng nhau dùng máy cưa chặt những cây trên đồi đến hơn 11 giờ thì nghỉ, đến chiều lại cùng nhau lên đồi tiếp tục chặt phá cây. Sáng ngày 18-5-2015, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P, Lành Văn T1 và Lành Văn T cùng nhau đến khu đồi P lô đất 52, tiểu khu 383, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn để chặt phá cây.

Qua khám nghiệm hiện trường, qua các biên bản kiểm tra đã xác định được tổng số cây bị chặt phá ngày 17-5-2015 là 209 cây, bao gồm: 85 cây thông đường kính gốc 10cm đến 20cm; 73 cây thông đường kính gốc 21cm đến 30cm; 36 cây thông đường kính gốc trên 30cm; 09 cây bạch đàn, cây gỗ tạp đường kính gốc 10 đến 20cm; 04 cây dã hương đường kính gốc 11cm đến 20cm; 02 cây dã hương đường kính gốc trên 30cm.

Tại Kết luận định giá tài sản số: 13/KL-HĐĐGTS ngày 01-9-2015 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện L, tỉnh Lạng Sơn đã xác định: Tổng số thiệt hại về tài sản đối với 209 cây là: 17.757.000 đồng.

Tại Văn bản số: 1995/BCH-HC ngày 12-10-2016 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn thể hiện: Hợp đồng nhận khoán bảo vệ - gây trồng rừng phòng hộ ngày 11-5-1996 giữa Bản quản lý Dự án 327/BĐBP với gia đình ông Ma Văn C nói riêng và toàn bộ diện tích hợp đồng trồng rừng theo Dự án 327 thuộc 2 xã Y, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn nói chung là chưa thanh lý. Toàn bộ số cây trồng trên đất theo Hợp đồng hiện nay do hộ ông Ma Văn C có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, bảo vệ và khai thác sản phẩm phụ theo đúng quy định của pháp luật. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn không có quyền sở hữu đối với số cây trồng trên diện tích trên.

Tại Kết luận giám định tư pháp ngày 31-01-2019 của Giám định viên Đàm Văn T kết luận: Lô đất xảy ra hành vi phá hoại tài sản, ngày 17-5-2015 tại đồi P, thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn thuộc phạm vi lô đất 52, tiểu khu 383 theo Bản đồ giao đất, giao rừng năm 1995 được cấp hồ sơ giao quyền quản lý, sử dụng rừng và đất trồng rừng cho hộ ông Ma Văn C theo Quyết định số 34/UB-QĐ ngày 20-7-1995 của Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Lô đất 52, tiểu khu 383 theo Bản đồ giao đất lâm nghiệp năm 1995 thuộc phạm vi thửa đất 93 và thửa đất số 94 Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1:10.000 số 01 xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn lập năm 2008. Thửa đất số 93 và thửa đất số 94, tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1:10.000, số 01 xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất.

Tại Văn bản số 481/UBND-TNMT ngày 26-4-2019 của Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn thể hiện: Về diện tích tại lô 52, tiểu khu 383 có diện tích 0,75ha, địa danh đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, năm 1995 huyện L, tỉnh Lạng Sơn giao cho ông Ma Văn C theo Bản đồ giao đất, giao rừng xã T năm 1995 chỉ được thực hiện bằng phương pháp khoanh vẽ do vậy độ chính xác không cao. Đối với Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã T được đo đạc năm 2008-2009 thì thửa đất số 93 diện tích 0,36ha và thửa đất 94 diện tích 0,78ha, tờ bản đồ số 01 được thực hiện đo đạc bằng máy GPS (thuộc dự án thành lập Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp từ tư liệu bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ 1:10.000 tỉnh Lạng Sơn) có độ chính xác cao hơn so với Bản đồ giao đất, giao rừng năm 1995. Do vậy, về diện tích giữa 02 loại bản đồ có sự không trùng khớp, tuy nhiên về hình thể và vị trí thửa đất không có sự thay đổi.

Tại Văn bản số 528a/UBND-TNMT ngày 10-5-2019 của Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn thể hiện: Ông Lành Văn V có tên quy chủ trên Bản đồ địa chính lâm nghiệp cũng như trong Sổ mục kê đất đai của xã T đối với thửa đất số 94, tờ bản đồ số 01 là do sai sót trong quá trình dẫn đạc; việc khẳng định ông Lành Văn V có quyền sử dụng thửa đất số 94 phải được thể hiện bằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cấp có thẩm quyền. Qua kiểm tra hồ sơ do Hạt Kiểm lâm huyện quản lý, lô đất 52, thuộc tiểu khu 383 tại đồi P, thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn được Ủy ban nhân dân huyện giao cho chủ hộ Ma Văn C, trú tại thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn quản lý, sử dụng rừng, đất trồng rừng (sổ bìa xanh) tại Quyết định số 34/UB-QĐ ngày 20- 7-1995 cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Đối chiếu với Bản đồ và Hồ sơ giao đất, giao rừng năm 1995 của xã T, các thửa đất số 93 và 94, tờ bản đồ số 01, Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1:10.000 của xã T được đo đạc năm 2008 nằm trong lô đất 52, thuộc tiểu khu 383 Bản đồ giao đất, giao rừng năm 1995 xã T. Do vậy, ông Lành Văn V không có quyền quản lý, sử dụng thửa đất số 94, tờ bản đồ số 01 Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã T. Ông Lành Văn V không được nhận tiền đền bù về đất vì thửa đất số 94, tờ bản đồ số 01 không thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Lành Văn V. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Thông báo số 742/TB-UBND ngày 20-10-2017 về việc điều chỉnh một số nội dung tại Thông báo số 417/TB-UBND ngày 14-11-2016, trong đó có điều chỉnh việc thu hồi đất tại thửa đất số 94, tờ bản đồ số 01 Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã T.

Tại Văn bản số 807/UBND-TNMT ngày 16-7-2019 của Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn thể hiện: Qua kiểm tra hồ sơ giao đất, giao rừng năm 1995 (sổ bìa xanh) của xã T được lưu trữ tại Hạt Kiểm lâm huyện L, tỉnh Lạng Sơn cho thấy: Hộ ông Lành Văn V được giao quản lý theo Sổ lâm bạ với các lô đất sau: Lô 136, diện tích 6,25ha, địa danh P1; lô 73, diện tích 0,3ha, địa danh P2; lô 24, diện tích 1,0ha, địa danh N; lô 54, diện tích 0,45ha, địa danh P3; lô 91, diện tích 0,25ha, địa danh H, các lô đất trên đều thuộc tiểu khu 383. Thửa đất số 94, tiểu khu 383B, diện tích 0,75ha, địa danh P4 được giao năm 1995 cho hộ ông Vi Văn S theo Sổ lâm bạ. Lô 43, tiểu khu 383, diện tích 0,65ha, địa danh L được giao năm 1995 cho hộ ông Hoàng Văn M theo Sổ lâm bạ. Thửa đất số 94, tờ bản đồ số 01, Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã T thuộc địa danh P, thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn đã được cấp cho hộ ông Ma Văn C theo Quyết định số 34/UB-QĐ ngày 20-7-1995. Thửa đất 94, tiểu khu 383B không trùng với thửa đất số 94, tiểu khu 383, lô số 52, đồi P, thôn B, xã T mà ông Ma Văn C đang quản lý, sử dụng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 60/2019/HS-ST ngày 31 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định: Căn cứ vào khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, khoản 1, 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa XIV về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14; khoản 1 Điều 178, điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo Lành Văn B, Lành Quang V, Lành Văn Đ1, Lành Văn L, Lành Văn P, Lành Văn T và Lành Văn T1; điểm b khoản 1 điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn L; điểm i, o khoản 1, 2 điều 51, khoản 1, 2 Điều 36 đối với bị cáo Lành Văn V1; Điều 584, Điều 585, Điều 587 Bộ luật Dân sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106, khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm a, c, g khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5- 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Tuyên bố các bị cáo Lành Văn B, Lành Văn V1, Lành Quang V, Lành Văn Đ1, Lành Văn L, Lành Văn P, Lành Văn T1 và Lành Văn T phạm tội Hủy hoại tài sản.

Xử phạt bị cáo Lành Quang V 10 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 20 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (31-10-2019).

Xử phạt bị cáo Lành Văn B 09 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (31-10-2019) Xử phạt bị cáo Lành Văn Đ1 08 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (31-10-2019).

Xử phạt bị cáo Lành Văn T 08 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 (mười sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (31-10-2019).

Xử phạt bị cáo Lành Văn T1 08 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (31-10-2019).

Xử phạt bị cáo Lành Văn P 08 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (31-10-2019).

Xử phạt bị cáo Lành Văn L 06 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (31-10-2019).

Xử phạt bị cáo Lành Văn V1 07 tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về việc giao các bị cáo cho chính quyền địa phương nơi cư trú giám sát, giáo dục; tuyên về việc người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú; tuyên về hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách, tuyên về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, về xử lý vật chứng, về án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

Các bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn P, Lành Văn T, Lành Văn T1, Lành Văn L, Lành Văn Đ1 có đơn kháng cáo kêu oan, yêu cầu cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ phạm vi ranh giới thửa đất số 94 của Lành Văn V và thửa đất số 93 của Ma Văn C tại tờ bản đồ số 01, Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn.

Bị hại ông Ma Văn C kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc không cho các bị cáo được hưởng hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ; yêu cầu các bị cáo phải di chuyển toàn bộ số cây bạch đàn đã trồng trên đất của gia đình bị hại để trả lại đất cho bị hại tiếp tục canh tác.

Ngày 13-02-2020, người đại diện theo ủy quyền của bị hại ông Ma Văn C là anh Ma Văn Đ có Đơn xin rút một phần nội dung kháng cáo về việc rút toàn bộ nội dung kháng cáo liên quan đến bị cáo Lành Văn V1. Ngày 13-02-2020, Tòa án cấp phúc thẩm đã ra Quyết định định chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Lành Văn V1.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn P, Lành Văn T, Lành Văn T1, Lành Văn L, Lành Văn Đ1 giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bị cáo Lành Văn L đề nghị được tự mình bào chữa hành vi của bản thân và từ chối người bào chữa ông Bế Quang H.

Người đại diện theo ủy quyền của bị hại ông Ma Văn C là anh Ma Văn Đ rút tiếp một phần nội dung kháng cáo, cụ thể: Bị hại rút nội dung kháng cáo về việc yêu cầu các bị cáo phải di chuyển toàn bộ số cây bạch đàn đã trồng trên đất của gia đình bị hại để trả lại đất cho bị hại tiếp tục canh tác. Bị hại kháng cáo yêu cầu không cho các bị cáo được hưởng hình phạt tù cho hưởng án treo.

Đại diện của Hạt Kiểm lâm huyện L, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lô đất 52 tiểu khu 383, đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn được Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn giao cho gia đình ông Ma Văn C theo Quyết định số 34/UB-QĐ ngày 20-7-1995. Các lô đất gia đình ông Lành Văn V được giao theo Bản đồ giao đất, giao rừng năm 1995 không tiếp giáp với lô đất 52 tiểu khu 383, đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn được Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn giao cho gia đình ông Ma Văn C theo Quyết định số 34/UB-QĐ ngày 20-7-1995.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Đối với nội dung kháng cáo của các bị cáo, bị hại thấy rằng: Lô đất 52, tiểu khu 383, đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn được Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn giao cho gia đình ông Ma Văn C được quyền quản lý, sử dụng rừng, đất trồng rừng theo Quyết định số 34/QĐ-UB ngày 20-7-1995. Tháng 5-1996, gia đình ông Ma Văn C ký hợp đồng với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn để trồng rừng theo Dự án 327, sau này chuyển thành Dự án 661. Như vậy, bị hại có toàn quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất. Các bị cáo cho rằng lô đất trên do ông cha để, giao cho Lành Văn V quản lý, sử dụng nhưng không có tài liệu nào thể hiện về vấn đề này. Về tài sản (cây) trên thửa đất đó, các bị cáo cho rằng do Lành Văn V trồng nhưng chính Lành Văn V khẳng định cây trên đất là cây tự mọc, Lành Văn V không trồng cây trên đất, Lành Văn V cũng không chăm sóc, quản lý cây trên đất. Căn cứ Kết luận giám định tư pháp ngày 31-01-2019 của giám định viên Đàm Văn T. Căn cứ vào các văn bản, tài liệu mà Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án trong đó có Công văn 528a, thấy rằng yêu cầu của các bị cáo về việc xác định ranh giới thửa đất 93, 94 là không có căn cứ để chấp nhận. Tất cả các bị cáo kháng cáo cũng như Lành Văn V, Lành Văn V1 đều thừa nhận có việc chỉ đạo và cùng nhau chặt phá tổng cộng 209 cây trồng trên lô đất 52, tiểu khu 383. Theo Biên bản định giá tài sản, giá trị 209 cây trồng bị chặt phá là 17.757.000 đồng, tài sản bị thiệt hại là của bị hại ông Ma Văn C. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo với tội danh Hủy hoại tài sản là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị cáo, đã xem xét nhân thân, áp dụng chính xác các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và ấn định mức hình phạt đối với các bị cáo là phù hợp. Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có đủ điều kiện để được hưởng án treo nên Tòa án cấp sơ thẩm đã cho các bị cáo được hưởng án treo là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm, ngoài đơn kháng cáo đại diện hợp pháp của bị hại không xuất trình được thêm chứng cứ nào mới làm căn cứ cho yêu cầu kháng cáo đã đưa ra. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và bị hại.

Ông Nguyễn Tài H là người bào chữa cho bị cáo Lành Văn P, Lành Văn T1, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Quang V và các bị cáo tự bào chữa trình bày: Lành Văn V đã có tên trong Sổ giao nhận diện tích đối với thửa đất số 94, tờ bản đồ số 01 Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, đó là căn cứ pháp lý thể hiện Lành Văn V là người có quyền quản lý, sử dụng đất. Diện tích đất này theo Lành Văn V là đất của dòng họ L để lại, giao cho Lành Văn V quản lý. Việc Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn cho rằng có sai sót trong dẫn đạc để khẳng định Lành Văn V không có quyền quản lý, sử dụng thửa đất này là không có căn cứ. Mặt khác, sau ngày 17-5-2015 chính Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Thông báo 417 ngày 14-11-2016 thể hiện ông Lành Văn V là người quản lý, sử dụng thửa đất số 94. Mặc dù hiện nay Ủy ban nhân dân huyện đã có Thông báo số 742/TB-UBND ngày 20-10-2017 về việc điều chỉnh một số nội dung tại Thông báo số 417/TB-UBND ngày 14-11-2016, trong đó có điều chỉnh việc thu hồi đất tại thửa đất số 94, tờ bản đồ số 01, Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn nhưng điều đó không phải do lỗi của các bị cáo. Đất do Lành Văn V quản lý nên tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu của Lành Văn V. Số cây mà các thành viên trong dòng họ Lành chặt vào ngày 17-5-2015 nằm trên cả thửa đất 93 và thửa đất 94 tờ bản đồ số 01, Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra chưa điều tra làm rõ số cây trên từng thửa đất để xác định tài sản bị thiệt hại trên từng thửa đất là chưa đầy đủ. Do vậy, căn cứ điểm a, đ khoản 1 Điều 355, Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm; tuyên bố các bị cáo không phạm tội, hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Ông Nông Chí K là người bào chữa cho bị cáo Lành Văn T và bị cáo tự bào chữa nhất trí với ý kiến mà ông Nguyễn Tài H đã đưa ra. Người bào chữa cho rằng bị cáo Lành Văn T thực hiện việc chặt cây theo sự chỉ đạo của bố mình là Lành Văn V, bị cáo tưởng là đây là tài sản của Lành Văn V. Việc Cơ quan điều tra chưa làm rõ giá trị tài sản (cây) bị thiệt hại trên từng thửa đất số 93, 94 là không đầy đủ mà không thể khắc phục được. Do vậy, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị Hội đồng xét xử Hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ đề điều tra bổ sung làm rõ giá trị tài sản trên từng thửa đất. Nếu không Hủy bản án sơ thẩm thì đề nghị tuyên bố bị cáo Lành Văn T không phạm tội.

Bà Hoàng Tô Minh H là người bào chữa cho bị cáo Lành Văn V1 trình bày: Bản án sơ thẩm hoàn toàn khách quan, kết án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai, mức hình phạt đối với các bị cáo trong đó có bị cáo Lành Văn V1 là hoàn toàn phù hợp. Sau khi xét xử, bị cáo Lành Văn V1 không kháng cáo. Do người đại diện hợp pháp của bị hại đã rút kháng cáo liên quan đến Lành Văn V1 trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định đình chỉ đối với vấn đề này nên không có ý kiến gì tranh luận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa, Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P, Lành Văn T1, Lành Văn T, Lành Văn L đều thừa nhận: Sáng ngày 17-5- 2015 tại lô đất số 52, tiểu khu 383 đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, các đối tượng Lành Văn B, Lành Văn V, Lành Văn V1, Lành Quang V, Lành Văn Đ1, Lành Văn L, Lành Văn P, Lành Văn T1, Lành Văn T tham gia chỉ đạo, và có hành vi dùng cưa máy, dao, búa đến cắt, chặt, phá các cây thông, cây bạch đàn, cây dã hương, cây gỗ tạp trên đất. Sáng ngày 18-5-2015, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P, Lành Văn T1, Lành Văn T tiếp tục chặt phá cây trên đất. Tổng giá trị tài sản (cây) bị thiệt hại là 17.757.000 đồng.

[2] Nhận thấy, lô đất số 52, tiểu khu 383 theo Bản đồ giao đất, giao rừng năm 1995 thuộc đồi P, thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn được Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn giao cho gia đình bị hại ông Ma Văn C được quyền quản lý, sử dụng rừng, đất trồng rừng theo Quyết định số 34/QĐ-UB ngày 20- 7-1995. Tháng 5-1996, gia đình ông Ma Văn C ký hợp đồng với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn để trồng rừng theo Dự án 327, sau này chuyển thành Dự án 661, do Đồn biên phòng C trực tiếp ký hợp đồng, triển khai dự án đến các hộ dân trong xã. Theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền thì lô 52, tiểu khu 383, đồi P thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn thuộc rừng sản xuất. Năm 2008, khi đo vẽ Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp thì lô đất 52, tiểu khu 383 theo Bản đồ giao đất, giao rừng năm 1995 được đo vẽ là thửa đất số 93, 94 tờ bản đồ số 01, Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. [3] Năm 2013, Lành Quang V đã thay Lành Văn V gửi Giấy báo cho gia đình ông Ma Văn C đòi quản quản lý, sử dụng khu đất rừng tại đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn nhưng không được gia đình ông Ma Văn C chấp nhận.

[4] Các bị cáo Lành Văn B, Lành Văn V1, Lành Quang V, Lành Văn Đ1, Lành Văn L, Lành Văn P, Lành Văn T1, Lành Văn T và Lành Văn V đều cho rằng: Khu đất rừng tại đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn diễn ra việc chặt cây vào ngày 17-5-2015 là tài sản của dòng họ L để lại, giao cho Lành Văn V quản lý, sử dụng nhưng không làm giấy tờ và phần đất đó chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các bị cáo Lành Văn B, Lành Văn V1, Lành Quang V, Lành Văn Đ1, Lành Văn L, Lành Văn P, Lành Văn T1, Lành Văn T xác định rõ cây trên đất không phải do mình trồng, có bị cáo cho rằng cây trồng trên đất là cây mọc tự nhiên, có bị cáo cho rằng cây trên đất đó là do Lành Văn V trồng vào năm 1999. Tất cả đều khẳng định họ không phải là người chăm sóc, quản lý cây trồng trên đất mà việc quản lý, chăm sóc cây trồng trên đất do Lành Văn V thực hiện.

[5] Tuy năm 2018 Lành Văn V đã chết, nhưng trong quá trình điều tra chính Lành Văn V đã khẳng định: Toàn bộ cây trồng trên khu đất rừng tại đồi P, thuộc thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn diễn ra việc chặt cây vào ngày 17-5-2015 không phải do Lành Văn V trồng; đó là cây mọc tự nhiên, năm nào cũng bị cháy chụi (Bút lục 387-388); từ khi dòng họ L giao đất cho Lành Văn V quản lý đến khi chặt phá cây trên đất vào ngày 17-5-2015, Lành Văn V cũng không từng quản lý, không đi chăm sóc cây tại lô đất 52 đồi P, cây mọc trên đồi chủ yếu là cây mọc tự nhiên (Bút lục 394).

[6] Trên cơ sở Kết luận giám định tư pháp ngày 31-01-2019 của giám định viên Đàm Văn T và các văn bản của Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn (Công văn số 481UBND-TNMT ngày 26-4-2019, Công văn số 528a/UBND-TNMT ngày 10-5-2019 và Công văn số 807/UBND-TNMT ngày 16-7-2019) và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra làm rõ tại phiên tòa (Toàn bộ các tài liệu chứng cứ này được thu thập theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự) có đủ căn cứ xác định gia đình bị hại Ma Văn C có quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên lô đất số 52. Do đó, hành vi của Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn V1, Lành Văn P, Lành Văn T, Lành Văn T1, Lành Văn L đã phạm tội Hủy hoại tài sản.

[7] Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vào năm 2015 nên sẽ áp dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 1999 để giải quyết vụ án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999: Tội Hủy hoại tài sản có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015: Tội Hủy hoại tài sản có khung hình phạt phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khi xét xử các vụ án hình sự thuộc các trường hợp: Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015 Tòa án cần căn cứ vào quy định tại Nghị quyết số: 41/2017/QH 14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa XIV để giải quyết vụ án.

[8] Bản án sơ thẩm tuyên bố Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn V, Lành Văn P, Lành Văn T, Lành Văn T1, Lành Văn L phạm tội Hủy hoại tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, không oan.

[9] Xét thấy: Không có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn đã tuyên trong bản án sơ thẩm; không có việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được; không có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố. Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSND-TANDTC-BCA-BQP ngày 22-12-2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung có đủ cơ sở pháp lý không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và đề nghị của Luật sư Nông Chí K là người bào chữa cho bị cáo Lành Văn T yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

[10] Trong quá trình điều tra do Lành Văn V đã chết nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01 ngày 10-12-2018. Xét thấy, việc đình chỉ bị can là có cứ, đúng quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[11] Đây là vụ án hình sự với tội danh Hủy hoại tài sản mang tính chất đồng phạm giản đơn do nhiều bị cáo cùng cố ý thực hiện tội phạm. Các bị cáo cùng phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình đã gây ra và cùng phải chịu một chế tài do điều luật đó quy định, xong về nguyên tắc mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện hành vi phạm tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự liên quan đến bị cáo nào thì áp dụng đối với riêng bị cáo đó.

[12] Xét kháng cáo của bị hại ông Ma Văn C yêu cầu không cho các bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P, Lành Văn T, Lành Văn T1, Lành Văn L được hưởng án treo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Tòa cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng về nhân thân, vai trò, tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra và đã áp dụng chính xác các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo. Mức hình phạt từ 06 đến 10 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm ấn định đối với các bị cáo là có căn cứ, phù hợp với các quy định của pháp luật. Xét thấy, tất cả 07 bị cáo đều không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, căn cứ vào các quy định của pháp luật, các bị cáo có đủ điều kiện để được hưởng án treo. Do vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm cho 07 bị cáo được hưởng án treo là đúng quy định của pháp luật, đảm bảo có đủ sức để răn đe tội phạm và phòng ngừa chung. Tại cấp phúc thẩm, đại diện hợp pháp bị hại không xuất trình thêm được tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo đã đưa ra nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo mà bị hại đã đưa ra ở trên.

[13[ Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Theo Kết luận định giá thì giá trị tài sản bị hại bị thiệt hại là 17.757.000 đồng. Thiệt hại này do các bị cáo và Lành Văn V gây ra, hiện Lành Văn V đã chết. Tại phiên tòa, các bị cáo còn lại đều nhất trí sẽ có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bị hại toàn bộ số tiền này. Người đại diện hợp pháp của bị hại cũng nhất trí với ý kiến trên. Trên cơ sở lỗi, vai trò, mức độ tham gia của các bị cáo mà buộc bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản với tổng số tiền là 17.757.000 đồng cho bị hại, chia theo phần: Bị cáo Lành Quang V phải bồi thường số tiền 3.000.000 đồng; bị cáo Lành Văn B phải bồi thường số tiền 2.800.000 đồng; bị cáo Lành Văn V1 phải bồi thường số tiền 2.090.000 đồng; bị cáo Lành Văn Đ1, Lành Văn P, Lành Văn T1 mỗi bị cáo phải bồi thường số tiền 2.089.000 đồng; bị cáo Lành Văn L, Lành Văn T mỗi bị cáo phải bồi thường số tiền 1.800.000 đồng. Xác nhận bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn L mỗi người đã nộp số tiền 2.000.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

[14] Về vật chứng: Đối với 01 (một) con dao lưỡi liềm; 01 chiếc búa bổ củi không có giá trị nên cần tịch thu, tiêu hủy theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

[15] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, của những người bào chữa cho bị cáo, đề nghị nào phù hợp với nhận định trên thì được Hội đồng xét xử chấp nhận, đề nghị nào không phù hợp với nhận định trên thì không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[16] Về án phí: Các bị cáo bị kết án nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Các bị cáo có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản nên các bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự. Do kháng cáo của các bị cáo không được chấp nhận nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm a, c, g khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

[17] Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P (tên thường gọi là Lành Văn O), Lành Văn T, Lành Văn T1 (tên thường gọi là Lành Văn T2), Lành Văn L và kháng cáo của bị hại ông Ma Văn C; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 60/2019/HS-ST ngày 31-10-2019 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đối với nội dung có kháng cáo, cụ thể:

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P (tên thường gọi là Lành Văn O), Lành Văn T, Lành Văn T1 (tên thường gọi là Lành Văn T2), Lành Văn L phạm tội Hủy hoại tài sản.

2. Về hình phạt:

2.1. Căn cứ Nghị quyết số: 41/2017/QH 14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa XIV, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 178, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65, Điều 17, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lành Quang V 10 (mười) tháng tù; cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (một) năm 08 (tám) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 31-10-2019.

2.2. Căn cứ Nghị quyết số: 41/2017/QH 14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa XIV, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 178, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65, Điều 17, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lành Văn B 09 (chín) tháng tù; cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 31-10-2019.

2.3. Căn cứ Nghị quyết số: 41/2017/QH 14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa XIV, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 178, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65, Điều 17, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lành Văn L 06 (sáu) tháng tù; cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (một) năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 31-10-2019.

2.4. Căn cứ Nghị quyết số: 41/2017/QH 14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa XIV, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 178, điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65, Điều 17, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lành Văn Đ1 08 (tám) tháng tù; cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (một) năm 04 (bốn) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 31-10-2019.

2.5. Căn cứ Nghị quyết số: 41/2017/QH 14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa XIV, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 178, điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65, Điều 17, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lành Văn P (tên thường gọi khác: Lành Văn O) 08 (tám) tháng tù; cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (một) năm 04 (bốn) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 31-10-2019.

2.6. Căn cứ Nghị quyết số: 41/2017/QH 14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa XIV, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 178, điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65, Điều 17, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lành Văn T1 (tên thường gọi khác: Lành Văn T2) 08 (tám) tháng tù; cho hưởng án treo, Thời gian thử thách là 01 (một) năm 04 (bốn) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 31-10-2019.

2.7. Căn cứ Nghị quyết số: 41/2017/QH 14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa XIV, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 178, điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65, Điều 17, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lành Văn T 08 (tám) tháng tù; cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (một) năm 04 (bốn) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 31-10-2019.

Giao các bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P (tên thường gọi là Lành Văn O), Lành Văn L cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

Giao các bị cáo Lành Quang T cho Ủy ban nhân dân thị trấn L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

Giao các bị cáo Lành Văn T1 (tên thường gọi là Lành Văn T2) cho Ủy ban nhân dân xã Y, huyện L, tỉnh Lạng Sơn để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Về bồi thường trách nhiệm thiệt hại: Căn cứ vào các Điều 274, 275, 288, 357, 468, 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Buộc các bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P (tên thường gọi là Lành Văn O), Lành Văn T, Lành Văn T1 (tên thường gọi là Lành Văn T2), Lành Văn L phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị hại ông Ma Văn C với tổng số tiền là 17.757.000 đồng (mười bẩy triệu bẩy trăm năm mươi bẩy nghìn đồng), chia theo phần:

- Bị cáo Lành Quang V phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị hại ông Ma Văn C số tiền 3.000.000 đồng. Xác nhận bị cáo Lành Quang V đã bồi thường số tiền 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số: AA/2015/0002031 ngày 07-8-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Sau khi khấu trừ, bị cáo Lành Quang V còn phải bồi thường tiếp cho bị hại ông Ma Văn C số tiền 1.000.000 đồng (một triệu đồng). - Bị cáo Lành Văn B phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị hại Ma Văn C số tiền 2.800.000 đồng. Xác nhận bị cáo Lành Văn B đã bồi thường số tiền 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số: AA/2015/0002032 ngày 07-8- 2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Sau khi khấu trừ, bị cáo Lành Văn B còn phải bồi thường tiếp cho bị hại ông Ma Văn C số tiền 800.000 đồng (tám trăm nghìn đồng).

- Bị cáo Lành Văn V1 phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị hại ông Ma Văn C số tiền 2.090.000 đồng (hai triệu không trăm chín mươi nghìn đồng).

- Bị cáo Lành Văn Đ1 phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị hại ông Ma Văn C số tiền 2.089.000 đồng (hai triệu không trăm tám mươi chín nghìn đồng).

- Bị cáo Lành Văn P (tên thường gọi khác Lành Văn O) phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị hại ông Ma Văn C số tiền 2.089.000 đồng (hai triệu không trăm tám mươi chín nghìn đồng).

- Bị cáo Lành Văn T1 (tên thường gọi khác Lành Văn T2) phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị hại ông Ma Văn C số tiền 2.089.000 đồng (hai triệu không trăm tám mươi chín nghìn đồng).

- Bị cáo Lành Văn T phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị hại ông Ma Văn C số tiền 1.800.000 đồng (một triệu tám trăm nghìn đồng).

- Bị cáo Lành Văn L phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị hại ông Ma Văn C số tiền 1.800.000 đồng. Xác nhận bị cáo Lành Văn L đã bồi thường số tiền 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số: AA/2015/0002033 ngày 07-8- 2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Sau khi khấu trừ, hoàn trả lại cho bị cáo Lành Văn L số tiền 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Về xử lý vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 01 con dao liền (dao quắm) chiều dài 38 cm, có chuôi bằng gỗ dài 14 cm, đường kính chuôi gỗ là 03 cm, đã cũ; 01 chiếc búa bổ củi, rộng 10 cm, có chuôi gỗ dài 51 cm, đã cũ.

(Vật chứng hiện đang lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn theo Biên bản giao, nhận vật chứng ngày 03 tháng 10 năm 2017).

5. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm a, c, g khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

5.1 Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Lành Văn L phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm để sung vào ngân sách Nhà nước. Các bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P (tên thường gọi là Lành Văn O), Lành Văn T, Lành Văn T1 (tên thường gọi là Lành Văn T2) mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm và 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch trong vụ án hình sự để sung vào ngân sách Nhà nước.

5.2 Án phí phúc thẩm: Các bị cáo Lành Quang V, Lành Văn B, Lành Văn Đ1, Lành Văn P (tên thường gọi là Lành Văn O), Lành Văn T, Lành Văn T1 (tên thường gọi là Lành Văn T2), Lành Văn L mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự phúc thẩm để sung vào ngân sách Nhà nước.

Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

260
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2020/HS-PT ngày 14/02/2020 về tội hủy hoại tài sản

Số hiệu:07/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về