Bản án 07/2017/HSST ngày 28/11/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TAM ĐƯỜNG, TỈNH LAI CHÂU

BẢN ÁN 07/2017/HSST NGÀY 28/11/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 28/11/2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện T Đ, tỉnh Lai Châu, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, thụ lý số 05/2017/TLST-HS ngày 10/11/2017, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2017/HSST-QĐ ngày 15/11/2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: GIÀNG A N - Sinh ngày: 07/6/2001; Tại: T Đ - Lai Châu.

Nơi ĐKHKTT và chỗ ở trước khi bị bắt: Bản S, xã B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu;

Nghề nghiệp: Làm ruộng; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Mông; Tôn giáo:

Không; Trình độ học vấn: 9/12; Tiền án, tiền sự: Không; Con ông Giàng A C, sinh năm 1971 và bà Thào Thị D, sinh năm 1971; Anh, chị và em ruột có 05 người, bị cáo là con thứ 04 trong gia đình; Bị cáo chưa có vợ, con

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 24 tháng 8 năm 2017, tại Nhà tạm giữ - Công an huyện T Đ, tỉnh Lai Châu cho đến nay (Có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo:

1. Ông Trần Đình T – Luật sư Cộng tác viên thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lai Châu (Có mặt).

2. Ông Tẩn A G – Bào chữa viên nhân dân.

Nơi công tác: Huyện đoàn T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt). Người bị hại: Anh Hàng A L, sinh năm 1997.

Trú tại: Bản M, xã K, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có đơn xin vắng mặt)

Người đại diện hợp pháp cho bị cáo và là người có quyền lợi và nghĩa vụ liênquan: Ông Giàng A C, sinh năm 1971.

Trú tại: Bản S, xã B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt.

Người làm chứng1: Ông Hảng A P - Sinh năm 1969

Trú tại: Bản M, xã K, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 2: Anh Giàng A S - Sinh năm 1999

Trú tại: Bản Hxã B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 3: Anh Lý A G -  Sinh năm 2001

Trú tại: Bản H, xã B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 4: Anh Lý A D, sinh năm 1999

Trú tại: Bản H, xã B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 5: Anh Lý A S, sinh năm 2000

Trú tại: Bản H, xã B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 6: Anh Chảo A H, sinh năm 1994

Trú tại: Bản C, xã S, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 7: Anh Sùng A D, sinh năm 1998

Trú tại: Bản M, xã K, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 8: Anh Hàng A T, sinh năm 1999

Trú tại: Bản C, xã K, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 9: Anh Chang A C, sinh năm 2000

Trú tại: Bản M, xã K, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng10: Anh Lù A T, sinh năm 2000

Trú tại: Bản C, xã K, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 11: Anh Chang A C, sinh năm 1999

Trú tại: Bản C, xã K, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

(Tất cả những người làm chứng đều vắng mặt không có lý do)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Tối ngày 28 tháng 7 năm 2017, Giàng A N cùng với Lý A D, sinh năm 1999, Lý A S, sinh năm 2000 (cùng trú tại bản H, xã B) đến chơi tại bản N xã K. Tại đây N xẩy ra mâu thuẫn với Hàng A L, sinh năm 1997, trú tại bản M và Trang A T, sinh năm 1999, trú tại bản C (cùng thuộc xã K, huyện T Đ) nên L và T dùng chân, tay đánh N nhưng sau đó được mọi người can ngăn. Vì vậy, tối ngày 30 tháng 7 năm 2017 trước khi đi chơi, N đem theo một con dao, loại gấp bằng kim loại dài 21 cm, phần lưỡi dao nhọn dài 9 cm giấu ở cạp quần đang mặc với mục đích để phòng thân rồi cùng với D, S và một số người bạn khác tiếp tục vào xã K chơi.

Đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày 30 tháng 7 năm 2017, trong lúc N cùng với nhóm bạn của mình đang chơi tại bãi đất trống thuộc bản N, xã K thì Hàng A L cùng với nhóm bạn của L đến. L bật đèn pin của điện thoại lên rồi hỏi “N đâu”, thì được N trả lời lại “N đây”. L tiến về phía N, dùng tay trái nắm lấy cổ áo và đẩy N ra giữa sân. Chảo A H là bạn đi cùng với N vào can ngăn nhưng L nói to“Việc này không liên quan đến dân Hoa Dì Hồ và dân Chu Va”, rồi dùng tay phải đấm một cái vào cằm bên trái của N, H tiếp tục vào can ngăn nhưng bị L đẩy ngã xuống đất nên Lý A D là bạn đi cùng với N tiếp tục vào can ngăn. D đẩy N ra phía sau, còn mình đứng giữa, dơ tay chắn để L không xông vào đánh N nhưng L vẫn tiếp tục xông về phía N cách 60 cm, N đưa tay phải xuống cạp quần lấy con dao gấp đã cất sẵn từ trước, bấm nút để lưỡi dao bật ra nhưng bị kẹt nên lấy tay trái kéo lưỡi dao ra thẳng với cán dao rồi tay phải cầm dao, vung theo hình vòng cung từ sau ra trước, từ phải qua trái theo chiều song song với mặt đất về phía Hàng A L thì lưỡi dao trúng vào vùng bụng bên trái của L gây nên vết thương kích thước dài 2cm, sâu khó xác định. N rút dao, dơ chân đạp về phía L nhưng không trúng nên chạy đi và ném con dao xuống mương nước phía tà luy dương, cách vị trí đâm 12,7m sau đó chạy về nhà mình. Còn L được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện T Đ rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu điều trị đến ngày 09 tháng 8 năm 2017 thì xuất viện.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 57/BKL-TTPY ngày 22/8/2017 của Trung tâm pháp y kết luận: Dấu hiệu chính qua giám định:“Mổ khâu lỗ thủng hỗng tràng đã ổn định”. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Hàng A L do thương tích gây nên hiện tại là 31% (Ba mốt phần trăm).

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tạm giữ con dao có đặc điểm như trên là công cụ Giàng A N dùng để phạm tội, tạm giữ 01 chiếc áo len dài tay là áo Hàng A L mặc trên người khi bị N đâm

Cáo trạng số 27/KSĐT-TA ngày 10/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện T Đ, truy tố bị cáo Giàng A N phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3 Điều 104 của Bộ luật hình sự.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Giàng A N đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của những người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án về không gian, thời gian và địa điểm phạm tội.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tam Đường, trình bày lời luận tội, giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Giàng A N phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Về hình phạt, đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 104, điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 68, Điều 69, Điều 71, Điều 74 của Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009, khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 134/Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Nghị quyết 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội, đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án từ 03 năm 09 tháng đến 04 năm 09 tháng tù và đề nghị xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.

Những người bào chữa trình bày lời bào chữa: Bị cáo Giàng A N là người chưa thành niên, bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, bên cạnh đó do tuổi đời còn quá trẻ nên nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế, dẫn đến hành động bột phát. Bị cáo phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của người bị hại, quá trình điều tra đã tích cực tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho người bị hại, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, vì vậy đề nghị HĐXX xem xét áp dụng khoản 3 Điều 104, điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 60, Điều 68, Điều 69/ Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009; khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 134/Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo.

Quá trình điều tra và trong đơn xin vắng mặt, người bị hại Hàng A L trình bày: Việc bị cáo Giàng A N gây thương tích cho tôi có một phần lỗi của tôi là đã đánh N vào tối ngày 28/7/2017, đến tối ngày 30/7/2017 khi gặp N tôi lại chủ động dùng tay đánh N trước. Sau khi gây thương tích cho tôi gia đình N đã đến thăm hỏi, động viên tôi tại Bệnh viện và đã thanh toán toàn bộ viện phí là 5.000.000 đồng, đến ngày16/8/2017 gia đình Giàng A N đã đến nhà bồi thường cho tôi số tiền 30.000.000 đồng, nên tôi không yêu cầu bị cáo N phải bồi thường thêm, nay đề nghị HĐXX xemxét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo N.

Người đại diện hợp pháp và là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Giàng A C trình bày: Tôi là bố đẻ bị cáo Giàng A N, sau khi gây thương tích cho anh L, do là người chưa thành niên, không có tài sản để bồi thường cho người bị hại nên tôi đã đứng ra chi trả toàn bộ viện phí cho anh L, sau đó đã thay mặt N bồi thường thêm số tiền 30.000.000 đồng, nay không yêu cầu bị cáo N phải trả lại số tiền nói trên. Bị cáo N tại thời điểm phạm tội là người chưa thành niên, do vậy tôi đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để con tôi có điều kiện sửa chữa lỗi lầm, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích.

Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo, người bào chữa, người đại diện hợp pháp và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi phạm tội và cấu thành tội phạm: Khoảng 21 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 7 năm 2017, tại bãi đất trống thuộc bản N, xã K, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu. Giàng A N đã thực hiện hành vi dùng hung khí nguy hiểm là con dao, loại dao gấp bằng kim loại, kích thước dài 21 cm, phần lưỡi dao nhọn dài 9 cm đâm một nhát theo hình vòng cung từ sau ra trước, từ phải qua trái theo chiều song song với mặt đất trúng vào phần bụng bên trái của Hàng A L gây tổn hại sức khỏe với tỷ lệ tổn thươnglà 31% (ba mốt phần trăm).

[2]. Về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội: Hành vi của bị cáo thực hiện, là nguy hiểm cho xã hội, đã gây mất trật tự trị an trên địa bàn, xâm phạm trực tiếp sức khỏe của người khác. Do đó Viện kiểm sát nhân dân huyện T Đ truy tố hành vi phạm tội của bị cáo tại Cáo trạng số 27/KSĐT-TA là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Sức khỏe của con người là khách thể được pháp luật bảo vệ, do vậy mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác đều phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật, đồng thời góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

[3]. Về động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo: Bị cáo Giàng A N thực hiện hành vi phạm tội với mục đích trả thù cá nhân do trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người bị hại Hàng A L đã có hành vi trái pháp luật thông qua việc chủ động tấn công bị cáo trước.

[4]. Về nhân thân bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và những quy định có lợi cho người phạm tội: Giàng A N được sinh ra trong gia đình lao động, được ăn học hết lớp 9/12, tại thời điểm phạm tội bị cáo là người chưa thành niên nhưng không chịu khó tu dưỡng rèn luyện, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, bị cáo đã không kìm chế được bản thân dẫn đến hành vi phạm tội. Bị cáo là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình, ý thức được dùng hung khí nguy hiểm tấn công, xâm hại sức khỏe của người khác là bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý. Vì vậy cần có một mức án nghiêm khắc tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để bị cáo có điều kiện cải tạo trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên quá trình điều tra cũng như tại phiên toà, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Quá trình điều tra đã tích cực tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho người bị hại, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại. Tại thời điểm phạm tội, bị cáo là người chưa thành niên, theo nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 69 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa lỗi lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội, vì vậy Hội đồng xét xử cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, áp dụng chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và những người bào chữa. Bị cáo Giàng A N không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Mặt khác so sánh mức hình phạt về cùng một hành vi phạm tội HĐXX xét thấy quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có mức hình phạt cao nhất thấp hơn mức hình phạtcao nhất của tội danh, điều khoản và hình phạt tương ứng quy định tại khoản 3 Điều104 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, vì vậy áp dụng thêm khoản3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, do vậy cần áp dụng Điều 47/Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 để quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với bị cáo.

Tại phiên tòa Kiểm sát viên đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án từ 03 năm 09 tháng đến 04 năm 09 tháng tù đối với bị cáo là quá nghiêm khắc, quá chú trọng tính răn đe, trừng trị, không mang tính khoan hồng của pháp luật đặc biệt đối với người chưa thành nên phạm tội. Những người bào chữa đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo là không tương xứng với hành vi và hậu quả của hành vi trái pháp luật mà bị cáo đã thực hiện, không đảm bảo tính răn đe giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

[5]. Về vật chứng: 01 con dao nhọn, loại dao gấp bằng kim loại thu giữ khi bắt Giàng A N là công cụ, phương tiện bị cáo sử dụng vào việc phạm tội không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu để tiêu hủy; 01 áo len dài tay đã qua sử dụng có nhiều vết ố màu đỏ của anh Hàng A L là tài sản hợp pháp của anh L nên cần trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

[6]. Về trình tự thủ tục tố tụng và hành vi của những người tiến hành tố tụng:

Quá trình giải quyết vụ án, từ khi vụ án được khởi tố đến thời điểm vụ án được đưa ra xét xử đã được điều tra, truy tố và xét xử theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tiến hành tố tụng khác đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với vụ án theo quy định tại các Điều 12, Điều 23, Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 56 và Điều 58 của Bộ luật tố tụng hình sự.

[7]. Một số vấn đề liên quan trong vụ án:

Đối với hành vi dùng tay, chân đánh N của Hàng A L, Trang A T vào ngày 28 tháng 7 năm 2017 tại bản N, xã K. Do thương tích nhẹ nên Giàng A N không đề nghị giải quyết theo pháp luật và từ chối giám định thương tích nên Cơ quan CSĐT - Công an huyện T Đ đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với L và T bằng hình thức phạt tiền là phù hợp.

[8]. Về án phí: Bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, thuộc trường hợp hộ cận nghèo có xác nhận của UBND xã B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu và có đơn xin miễn án phí nên sẽ được miễn án phí HSST.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 104, điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 41, Điều 68, Điều 69, Điều 74 của Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009; Khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội; Điều 76, Điều 99, Điều 234 của Bộ luật tố tụng hình sự; Điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội án phí, lệ phí Tòa án.

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Giàng A N phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Giàng A N 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù tính từngày 24/8/2017.

3. Về vật chứng: Tịch thu 01 con dao nhọn, loại dao gấp bằng kim loại của Giàng A N để tiêu hủy; Trả lại cho anh Hàng A L 01 áo len dài tay đã qua sử dụng có nhiều vết ố màu đỏ.

Các vật chứng nêu trên đang được bảo quản, lưu giữ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Tam Đường. Tình trạng, đặc điểm vật chứng như Biên bản giao nhận vật chứng tài sản ngày 10/11/2017 giữa Công an huyện T Đ và Chi cục thi hành án dân sự huyện T Đ.

4. Về án phí: Miễn án phí HSST cho bị cáo.

5. Quyền kháng cáo: Bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị cáo, người bào chữa, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án này trong hạn mười lăm ngày lên Toà án cấp trên kể từ ngày tuyên án, người bị hại có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn mười lăm lên Tòa án cấp trên kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết công khai.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

323
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2017/HSST ngày 28/11/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:07/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tam Đường - Lai Châu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về