TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KON RẪY, TỈNH KONTUM
BẢN ÁN 07/2017/HS-ST NGÀY 24/11/2017 VỀ TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI
Trong ngày 24/11/2017, tại Hội trường Nhà văn hóa xã ĐắkRuồng, Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy xét xử lưu động công khai sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 08/2017/HSST ngày 11/10/2017 đối với bị cáo:
Họ và tên: Chu Văn B; tên gọi khác: Không; sinh năm: 1995;
- Hộ khẩu thường trú: Thôn 03, xã ĐT, huyện K, tỉnh K.
- Trú tại: Thôn 10, xã Đ, huyện K, tỉnh K.
- Nghề nghiệp: Làm nông
- Trình độ văn hóa: 02/12;
- Dân tộc: Tày; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Thiên chúa giáo.
- Con ông Chu Văn Q, sinh năm: 1972 và bà Y U, sinh năm: 1973 đều làm nông và trú tại: Thôn 03, xã ĐT, huyện K, tỉnh K.
- Bị cáo có 03 anh em, bị cáo là con cả trong gia đình.
- Có vợ tên: Y T; sinh năm: 1996, nghề nghiệp: Làm nông
Bị cáo có hai con sinh năm 2013 và 2016.
- Tiền án, tiền sự: không.
Bị cáo được tại ngoại - Có mặt .
- Người đại diện hợp pháp cho người bị hại A K (đã chết):
+ Bà Y J, sinh năm: 1953 ;
+ Chị Y T, sinh năm: 1996 ;
Đều trú tại: Thôn 10, xã ĐắkRuồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum . Đều có mặt
+ Anh A L, sinh năm: 1989;
Trú tại: Thôn 11, xã ĐắkRuồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Có mặt.
(Bà Y J và chị Y T ủy quyền cho anh A L làm đại diện tham gia tố tụng.)
Người phiên dịch: Bà Y G, giáo viên nghỉ hưu.
NHẬN THẤY
Bị cáo Chu Văn B bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kon Rẫy truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Vào khoảng 17 giờ ngày 22/3/2017, Chu Văn B đi về nhà ông A K tại thôn 10 – xã Đ – huyện K, thấy ông A K và bà Y J (là Bố mẹ vợ của Bắc) đang ngồi uống rượu. Sau đó, bà Y Jông đưa cho Bắc 10.000 đồng để mua rượu về uống. Đến 19 giờ cùng ngày, thì có ông A Ln đến chơi. A Ln ngồi uống rượu cùng ông A K, bà Y J và B được một lúc thì hết rượu. Ông A Ln hỏi A K: “Có tiền mua rượu không?” thì A K trả lời: “Có thuốc lá thì đưa tiền mua rượu”. Thấy A Ln đưa ra bì nilon đựng thuốc lá nên A K đứng dậy để lấy 10.000 đồng cho A Ln đi mua rượu thì Chu Văn B nói: “Ông già đừng đưa tiền cho A Ln”; A K liền nói: “Mày nhỏ mày biết gì, Tao lớn hơn mày, tao không sợ mày đâu”. Khi A K chuẩn bị đưa tiền cho A Ln thì Chu Văn B đứng dậy dùng tay phải đẩy vào ngực ông A K một cái, làm ông A K ngã ngửa về phía sau đập đầu vào tường nhà và nằm bất động tại chỗ. Thấy vậy, B đến đỡ A Kiun và cùng vợ đưa ông A K đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện K nhưng ông A K đã tử vong.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 36/TT-TTPY ngày 23/03/2017 của trung tâm giám định pháp y tỉnh Kon Tum kết luận nguyên nhân chết của A K là do chấn thương sọ não.
Tại bản cáo trạng số: 06/KSĐT ngày 11/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Rẫy đã truy tố bị cáo Chu Văn B về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên Quyết định truy tố bị cáo Chu Văn B về tội “Vô ý làm chết người”, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Điểm b, p khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự 2009; Khoản 1 điều 128 Bộ luật hình sự 2015 để xét xử đối với bị cáo.
Đề nghị Hội đồng xét xử phạt bị cáo Chu Văn B từ 24 đến 30 tháng cải tạo không giam giữ;
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo và người đại diện hợp pháp của người bị hại và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Chu Văn B khai nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo hoàn toàn phù hợp với lời khai nhận tại cơ quan điều tra; Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng, những người tham gia tố tụng khác; phù hợp với kết quả giám định pháp y và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được kiểm tra tại phiên tòa, qua đó thể hiện:
Vào khoảng 17 giờ ngày 22/3/2017, bị cáo Chu Văn B đi về nhà ông A K tại thôn 10 – xã Đ – huyện K, thấy ông A K và bà Y J (là bố, mẹ vợ của B) đang uống rượu, bà Y J đưa cho B 10.000 đồng để mua rượu về cùng uống. Đến 19 giờ cùng ngày, thì có ông A Ln đến chơi và ông A Ln có nói với ông A K đưa tiền đi mua thêm rượu; ông A K đưa tiền cho ông A Ln đi mua rượu thì bị cáo B ngăn cản không cho A K đưa tiền cho A Ln đi mua rượu về uống tiếp vì sợ ông A K và ông A L say, nhưng do nói với ông A K không được nên bị cáo dùng tay phải đẩy vào ngực ông A K một cái, làm ông A K ngã ngửa về phía sau đập đầu vào tường nhà và nằm bất tỉnh. Thấy vậy, bị cáo đến đỡ, gọi A K nhưng thấy AK không tỉnh lại, bị cáo cùng vợ đưa ông A K đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Kon Rẫy nhưng ông A K đã tử vong.
Như vậy với mục đích ngăn cản không cho ông A K và A Ln tiếp tục mua rượu về uống nhưng bị cáo đã xô đẩy làm ông A K ngã dẫn đến chết; hành vi của bị cáo không nhằm mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại; nhưng khi đẩy vào người bị hại, bị cáo đã không lường trước được hậu quả sảy ra, hành vi của bị cáo đã trực tiếp gây ra cái chết của A K, hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Vô ý làm chết người” được qui định tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự 1999 như Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Rẫy đã truy tố là đúng pháp luật.
Tuy nhiên đối chiếu các quy định tại Điều 128 với Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017 thấy khung hình phạt tại khoản 1 điều 128 có mức hình phạt từ Cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm; tại khoản 1 điều 98 BLHS 2009 có hình phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm như vậy hình phạt được quy định tại khoản 1 điều 128 BLHS 2015 nhẹ hơn do vậy căn cứ khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự 2015; Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 điều 128 BLHS 2015 để xét xử theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
Thấy rằng mặc dù bị cáo không có động cơ, mục đích nhằm xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của ông A K nhưng khi bị cáo thực hiện hành vi ngăn cản ông AK bằng cách đẩy vào ngực ông A K trong tình trạng ông A K đã uống nhiều rượu, buộc bị cáo phải nhận thức được mối nguy hiểm có thể sảy ra đối với ông A K và trên thực tế ông A K đã ngã, chết do đó thấy cần xử phạt bị cáo một mức án cần thiết để đủ sức răn đe và giáo dục với bị cáo.
Tuy nhiên, cũng thấy rằng tại phiên tòa và trong quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo cũng đã tự nguyện thanh toán phần lớn chi phí mai táng cho người bị hại; đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b,p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nên hội đồng xét xử áp dụng để giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo. Mặt khác, đại diện hợp pháp của người bị hại cũng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có điều kiện nuôi dưỡng mẹ và các con.
Xét thấy bị cáo có nhân thân tốt; gia đình bị cáo thuộc diện hộ nghèo; bản thân bị cáo là lao động chính đang phải nuôi dưỡng hai con nhỏ, mẹ già vì vậy Hội đồng xét xử xét thấy nên xử phạt bị cáo bằng hình phạt cải tạo không giam giữ để bị cáo có điều kiện vừa cải tạo bản thân vừa có điều kiện lao động để nuôi dưỡng gia đình. Xét thấy bị cáo thuộc diện hộ nghèo, thu nhập không ổn định nên Hội đồng xét xử miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự:
Tại phiên tòa, anh A L đại diện hợp pháp của người bị hại không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Chu Văn B phạm tội: “Vô ý làm chết người”.
Áp dụng khoản 3 Điều 7; khoản 1 điều 128 Bộ luật hình sự 2015; điểm b, p khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự 2009.
- Xử phạt bị cáo Chu Văn B 24 (hai mươi bốn) tháng cải tạo không giam giữ. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Đ - nơi bị cáo cư trú, giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt.
Thời hạn chấp hành hình phạt được tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.
Về án phí: Căn cứ Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án và danh mục kèm theo Bị cáo Chu Văn B phải nộp 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm .
Áp dụng các Điều: 231, 234 Bộ luật tố tụng hình sự; Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án: Bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại được quyền làm đơn kháng cáo bản án để xin xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Bản án 07/2017/HS-ST ngày 24/11/2017 về tội vô ý làm chết người
Số hiệu: | 07/2017/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Kon Rẫy - Kon Tum |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về