Bản án 06/2021/DS-PT ngày 05/02/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 06/2021/DS-PT NGÀY 05/02/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 05 tháng 02 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 63/2020/TLPT-DS ngày 29 tháng 10 năm 2020, về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Do bản án Dân sự sơ thẩm số 04/2020/DS-ST ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện T có kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 77/2020/QĐ- PT ngày 29 tháng 12 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Đào Văn V, sinh năm 1981 Địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Anh Đỗ Gia P, sinh năm 1985; địa chỉ: Số X, đường R, phường L, thành phố Y, tỉnh Vĩnh Phúc là đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 05/02/2021), có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lâm Quang N, Luật sư Văn phòng Luật sư C, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

2. Bị đơn: Cụ Trần Văn B, sinh năm 1931 Địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Lê Văn D, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Đào Thị S, sinh năm 1943; địa chỉ: Tổ dân phố U, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.2. Bà Đào Thị A, sinh năm 1947; địa chỉ: Thôn O, xã G, huyện Z, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.3. Ông Đào Văn W, sinh năm 1954; địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.4. Ông Nguyễn Văn E, sinh năm 1966; địa chỉ: Tổ dân phố F, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.5. Anh Nguyễn Văn I, sinh năm 1990; địa chỉ: Tổ dân phố F, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.6. Chị Nguyễn Thị K, sinh năm 1993; địa chỉ: Tổ dân phố F, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.7. Anh Nguyễn Văn M, sinh năm 1995; địa chỉ: Tổ dân phố F, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.8. Cụ Bùi Thị Q, sinh năm 1939; địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.9. Ông Trần Văn K1, sinh năm 1958; địa chỉ: Thôn Đ1, thị trấn G1, huyện B1, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.10. Bà Trần Thị I1, sinh năm 1965; địa chỉ: Thôn X1, thị trấn G1, huyện B1, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.11. Ông Trần Văn D1, sinh năm 1969; địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.12. Bà Trần Thị N1, sinh năm 1975; địa chỉ: Tổ dân phố H1, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.13. Ông Trần Văn T1, sinh năm 1975; địa chỉ: M1, xã A1, huyện V1, tỉnh Sơn La, vắng mặt.

3.14. Ông Trần Văn Q1, sinh năm 1981; địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

3.15. Ông Trần Văn X2, sinh năm 1984; địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

3.16. Ủy ban nhân dân thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc; Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Xuân N1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn H; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn B2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn H, vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Anh Đào Văn V.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và trong quá trình tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn anh Đào Văn V, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh V trình bày:

Cụ Đào Văn C1 (chết năm 1981) và cụ Kiều Thị S1 (chết năm 2018) có 02 con chung là ông Đào Văn W và bà Đào Thị L1 (chết năm 1998, có chồng là Nguyễn Văn E và 03 con chung là Nguyễn Văn I, Nguyễn Thị K, Nguyễn Văn M) và 02 con riêng của cụ S1 là bà Đào Thị S và bà Đào Thị A. Bà S và bà A được cụ C1 và cụ S1 nuôi dưỡng từ nhỏ và mang họ của cụ C1. Anh là con ông Đào Văn W, cụ C1 và cụ S1 chết không để lại di chúc.

Khoảng năm 1965-1966 cụ C1 và cụ S1 khai hoang thửa đất đồi (liền kề với thửa đất thổ cư của hai cụ) tại thôn Đ, xã H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, theo bản đồ địa chính năm 2013 thửa đất có diện tích 850,9m2, thửa số 269, tờ bản đồ số 20. Năm 1988-1989, vì điều kiện kinh tế khó khăn gia đình anh xuống Hà Nội làm ăn, một mình cụ S1 ở lại quê nên cụ S1 cho cụ B mượn thửa đất trên để trồng sắn, khi mượn không làm văn bản giấy tờ gì, các con của cụ S1 và cụ B đều không biết, thửa đất chưa có giấy tờ gì, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trên đất không có tài sản gì. Sau khi mượn thửa đất, cụ B đã tự ý trồng cây bạch đàn trên đất, năm 1990 ông Đào Văn W từ Hà Nội trở về quê sinh sống và yêu cầu cụ B trả lại đất nhưng cụ B xin khi khai thác hết bạch đàn sẽ trả.

Từ năm 1990 gia đình anh nhiều lần yêu cầu cụ B trả lại đất nhưng cụ tìm mọi lý do xin khất, năm 2010 cụ B tuyên bố không trả lại đất và tự ý xây tường rào, nhà trên đất. Anh làm đơn tố cáo hành vi xây dựng trái phép, cố ý lấn chiếm đất và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Ngày 12/4/2012, Ủy ban nhân dân (viết tắt là: UBND) huyện T có Công văn số: 256/UBND-TTr yêu cầu Chủ tịch UBND xã H đình chỉ việc xây dựng của gia đình cụ B, UBND xã H yêu cầu gia đình cụ B đình chỉ việc xây dựng nhưng gia đình cụ B vẫn tiếp tục lén lút xây dựng nhà cấp bốn trên diện tích đất tranh chấp. Ngày 27/9/2017 UBND huyện T có Công văn số: 1583/UBND- TNMT trả lời đơn đề nghị của gia đình anh, nội dung xác nhận nguồn gốc thửa đất là của cụ Đào Văn C1 và cụ Kiều Thị S1 nhưng chưa giải quyết dứt điểm yêu cầu đòi lại đất của gia đình anh. Ngày 17/10/2018, UBND huyện T có Công văn số: 1663/UBND-TNMT về việc hủy bỏ Công văn số: 1583/UBND-TNMT và chấm dứt giải quyết đối với vụ việc tranh chấp đất đai giữa gia đình anh và gia đình cụ Trần Văn B.

Ngày 18/10/2018 các đồng thừa kế của cụ Đào Văn C1 và cụ Kiều Thị S1 lập Biên bản họp gia đình, thống nhất giao cho anh tiếp quản toàn phần đất trên, có nghĩa vụ đại diện liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết vụ việc tranh chấp, buộc gia đình cụ Trần Văn B phải trả lại đất, khi vụ việc được giải quyết xong anh Đào Văn V được toàn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt. Ngày 07/01/2019, UBND xã H tiến hành hòa giải nhưng không thành.

Anh đề nghị Tòa án giải quyết buộc cụ Trần Văn B: Trả lại diện tích đất 850,9m2 tại thửa số 269, tờ bản đồ số 20 ở thôn Đ, xã H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc; Tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên đất và thu hoạch cây cối, hoa màu trên đất.

Bị đơn cụ Trần Văn B, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày:

Cụ và cụ Bùi Thị Q có 07 con chung là ông Trần Văn K1, bà Trần Thị I1, ông Trần Văn D1, bà Trần Thị N1, ông Trần Văn T1, ông Trần Văn Q1 và ông Trần Văn X2.

Nguồn gốc thửa đất tranh chấp ở thôn Đ, xã H (cụ không nhớ diện tích, số thửa, số tờ bản đồ) là của cụ Đào Văn P1 (em trai cụ Đào Văn C1) khai phá. Tháng 01/1984, cụ đến sinh sống tại thôn Đ, do cụ P1 không có nhu cầu nên cụ P1 để cho cụ sử dụng, khi đó cụ P1 vừa bán vừa cho, cụ trả bao nhiêu thì trả, do lâu ngày nên cụ không nhớ đã trả bao nhiêu, hai bên không làm giấy tờ chuyển nhượng hay tặng cho gì, trên đất không có tài sản. Quá trình sử dụng, cụ đã trồng cây, năm 2012 cụ xây 03 gian nhà cấp bốn, 01 gian bếp, 01 gian công trình phụ, đến nay thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Hiện vợ chồng cụ đang quản lý, sử dụng thửa đất và công trình trên đất, cụ xác định diện tích đất trên là của cụ nên cụ không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của anh Đào Văn V.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

Bà Đào Thị S, bà Đào Thị A, ông Đào Văn W và những người thừa kế của bà Đào Thị L1: Thống nhất với trình bày và quan điểm của anh Đào Văn V về mối quan hệ gia đình, nguồn gốc và quá trình quản lý sử dụng thửa đất. Xác định không có công sức gì trong việc tạo lập tài sản, trường hợp được hưởng thừa kế thì để anh V được sử dụng, đề nghị Tòa án giải quyết theo quan điểm khởi kiện của anh Đào Văn V.

Cụ Bùi Thị Q, ông Trần Văn K1, bà Trần Thị I1, ông Trần Văn D1, bà Trần Thị N1, ông Trần Văn T1, ông Trần Văn Q1 và ông Trần Văn X2: Thống nhất với trình bày và quan điểm của cụ Trần Văn B. Xác định thửa đất là của cụ B và cụ Cậy, hiện hai cụ đang quản lý sử dụng, không có công sức đóng góp gì trong việc tạo lập tài sản, đề nghị Tòa án giải quyết theo quan điểm của cụ B.

Đại diện UBND huyện T trình bày: Qua kiểm tra hồ sơ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa đất đang tranh chấp thuộc quyền quản lý của UBND thị trấn H, chưa giao cho cá nhân, tổ chức nào sử dụng nên chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức nào. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Đại diện UBND thị trấn H trình bày: Qua kiểm tra, rà soát tại Sổ mục kê, Bản đồ 299, Bản đồ hệ tọa độ VN2000 cùng các tài liệu khác về đất đai được lưu giữ tại UBND thị trấn H và công tác quản lý đất đai tại địa phương: Thửa đất diện tích 850,9m2 (qua đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ diện tích là 873,8m2), số thửa 269, tờ Bản đồ số 20 tại thôn Đ, xã H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc (Tổ dân phố Đ, thị trấn H) đang tranh chấp có nguồn gốc là đất ven đồi rừng, gia đình cụ Trần Văn B đang sử dụng. Hiện thửa đất thuộc đối tượng quản lý sử dụng của UBND thị trấn H, chưa cấp giấy chứng nhận cho cá nhân, tổ chức nào cũng như gia đình cụ B. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Người làm chứng:

Ông Trần Văn U1: Nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp giữa anh Đào Văn V và cụ Trần Văn B là đất lâm nghiệp, khoảng năm 1980 Nhà nước giao cho gia đình ông sử dụng toàn bộ khu đồi thuộc thôn Đ, xã H (Tổ dân phố Đ, thị trấn H). Tuy nhiên, diện tích ven đồi ông không nhận nên một số hộ gia đình đến khai phá, khoảng năm 1980 gia đình cụ Trần Văn B cũng có nhà đất ở thôn Đ, xã H đến đó khai phá, sử dụng thửa đất đang tranh chấp. Hiện thửa đất trên đã cấp cho ai, diện tích, số thửa, số tờ bản đồ cụ thể thế nào ông không nắm bắt được. Ông xác định không liên quan cũng như không có quyền lợi đối với thửa đất tranh chấp, ông từ chối tham gia tố tụng với bất cứ tư cách gì.

Bà Đào Thị O1: Cụ Đào Văn P1 và cụ Nguyễn Thị M2 có 04 con chung là ông Đào Tân C2, bà Đào Thị O1, bà Đào Thị T2 và bà Đào Thị L2. Hiện cụ P1, cụ M2, ông C2, bà T2 và bà L2 đã chết, cụ P1 là em cụ Đào Văn C1 (ông nội anh Đào Văn V). Nguồn gốc thửa đất tranh chấp là của cụ Đào Văn P1 và cụ Nguyễn Thị M2, cụ P1 cho cụ Đào Văn C1 thửa đất. Sau đó, bà không nhớ cụ C1 hay cụ P1 cho cụ B mượn, mượn thời gian nào, có giấy tờ gì không. Thửa đất có số thửa, thuộc tờ bản đồ nào, thời điểm đó chưa quy hoạch nên bà không biết, trên đất thời điểm đó không có tài sản gì. Quá trình sử dụng, cụ B xây nhà, công trình trên đất, bà xác định không có công sức gì, khi xây dựng cụ B không nói cho cụ P1 và cụ M2 biết, cụ P1 và cụ M2 cũng không có ý kiến gì. Bà xác định không liên quan, đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.

Với nội dung trên, Tòa án nhân dân huyện T đã căn cứ các Điều 166 Bộ luật Dân sự; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Đào Văn V về việc buộc cụ Trần Văn B: Trả lại diện tích 850,9m2 (theo đo đạc hiện trạng thửa đất có ký hiệu ABCDE, diện tích 873,8m2 đất) tại thửa số 269, tờ bản đồ số 20 ở thôn Đ, xã H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc (Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc); Tháo dỡ, di rời toàn bộ công trình, cây cối lâm lộc trên đất để trả lại mặt bằng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí dân sự, chi phí tố tụng, quyền thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 14/9/2020, nguyên đơn anh Đào Văn V có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết lại vụ án để đảm bảo quyền lợi của anh.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với lý do tòa án cấp sơ thẩm xác minh nguồn gốc đất chưa đúng sự thật; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về nội dung vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án; các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về đường lối giải quyết vụ án: Sau khi phân tích nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của anh Đào Văn V; áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 04/2020/DS-ST ngày 31/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của anh Đào Văn V làm trong hạn luật định, đơn hợp lệ nên được chấp nhận để xem xét.

Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không có lý do, căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt.

[2] Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn về việc đề nghị hủy bản án sơ thẩm do xác minh nguồn gốc đất chưa đúng, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Về hồ sơ quản lý đất đai đối với thửa đất tranh chấp, Ủy ban nhân dân (viết tắt là: UBND) thị trấn H cung cấp: Tại Bản đồ 299 lập năm 1985 thể hiện thửa đất tranh chấp nằm trong thửa số 88, tờ bản đồ số 17, diện tích 52.000m2, loại đất lâm nghiệp, quy chủ đối tượng là UBND xã H (nay là thị trấn H). Tại Sổ mục kê lập năm 1995, trang số 49 thể hiện diện tích đất tranh chấp nằm trong 65.000m2, loại đất lâm nghiệp, thửa số 88, tờ bản đồ số 17, thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân xã H và ông Trần Văn U1, đất chưa phân định ranh giới giữa UBND và ông U1. Tại Bản đồ hệ tọa độ VN 2000 lập năm 2013 thể hiện tại tờ bản đồ số 20, số thửa 269, diện tích đất 850,9m2, đất ven đồi rừng (Bút lục 103-104).

Về nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp: Theo UBND thị trấn H và ông Trần Văn U1 - nguyên Chủ tịch UBND xã H cung cấp: Khoảng năm 1980 Nhà nước giao cho gia đình ông Trần Văn U1 sử dụng toàn bộ khu đồi thuộc Tổ dân phố Đ, tuy nhiên sau đó gia đình ông U1 không nhận nên một số hộ gia đình đến khai phá. Năm 1984 gia đình cụ Trần Văn B đến khai phá, trồng bạch đàn, sắn, đến năm 2010 thì xây 03 gian nhà ở cùng một số công trình trên đất và sử dụng cho đến nay. Còn theo hồ sơ quản lý thì toàn bộ diện tích đất trên theo hồ sơ quản lý đất đai vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND thị trấn H (Bút lục 103-105).

Phía nguyên đơn trình bày thửa đất tranh chấp do cụ Đào Văn C1 và cụ Kiều Thị S1 khai hoang từ những năm 1965 - 1966, sau đó năm 1988 - 1989 cụ S1 cho cụ B mượn thửa đất trên để trồng sắn nhưng nguyên đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh về việc cụ C1, cụ S1 kê khai sử dụng đất (thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất theo Quyết định 201/CP ngày 01- 7-1980 Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước; Luật đất đai năm 1987Nghị định số 30/HĐBT ngày 23-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành luật đất đai); tài liệu chứng cứ về việc được giao đất, tài liệu về việc cho cụ B mượn đất và phía bị đơn cũng không thừa nhận việc mượn đất của cụ C1 và cụ S1. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận và khẳng định cụ C1, cụ S1 và bị đơn sử dụng đất nhưng đều không có giấy tờ gì, không được cơ quan có thẩm quyền nào giao đất, không thực hiện việc kê khai sử dụng đất, chưa có thông tin trong hồ sơ quản lý đất đai của địa phương. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do không có căn cứ xác định diện tích 850,9m2 (theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ là 873,8m2), thuộc thửa số 269, tờ bản đồ số 20 theo bản đồ VN2000 ở thôn Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc quyền sử dụng của cụ Đào Văn C1 và cụ Kiều Thị S1 là có căn cứ.

Do đó kháng cáo của anh Đào Văn V không có cơ sở chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Về chi phí tố tụng: Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc anh V phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là có căn cứ.

[4] Về án phí: Anh Đào Văn V phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm do kháng cáo không được chấp nhận.

[5] Rút kinh nghiệm đối với Tòa án cấp sơ thẩm: Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm xác định do thửa đất đang tranh chấp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Tòa án cấp sơ thẩm đưa UBND huyện T vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Công văn số 26/2020/CV-TA ngày 28/4/2020 của Tòa án nhân dân huyện T) là không đúng. Bởi, UBND huyện T là cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn với bị đơn trong vụ án này không liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của UBND huyện T theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện T không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, việc xác định tư cách đương sự nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm chưa xâm phạm đến quyền và lợi ích của các đương sự và tại phiên tòa phúc thẩm khắc phục được nên Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

[6] Ý kiến của đại diện Viện kiểm nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về giải quyết vụ án phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Không chấp nhận kháng cáo của anh Đào Văn V. Giữ nguyên Bản án số 04/2020/DS-ST ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện T.

Áp dụng Điều 166 Bộ luật Dân sự; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Đào Văn V về việc buộc cụ Trần Văn B trả lại diện tích 850,9m2 (theo hiện trạng đo đạc là 873,8m2 đất) tại thửa số 269, tờ bản đồ số 20 ở thôn Đ, xã H (nay là Tổ dân phố Đ, thị trấn H), huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc; tháo dỡ, di rời toàn bộ công trình, cây cối lâm lộc trên đất để trả lại mặt bằng.

2. Về chi phí thẩm định, định giá tài sản: Buộc anh Đào Văn V phải chịu toàn bộ chi phí thẩm định, định giá tài sản. Xác nhận anh V đã nộp đủ tiền chi phí thẩm định, định giá tài sản.

3. Về án phí: Buộc anh Đào Văn V phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 3.190.000đ (Ba triệu một trăm chín mươi nghìn đồng) đã nộp tại Biên lai thu số: 0001155 ngày 01/7/2019 và 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) đã nộp tại biên lai số 0008324 ngày 14/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc. Hoàn trả lại anh Đào Văn V 2.890.000đ (Hai triệu tám trăm chín mươi nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

842
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2021/DS-PT ngày 05/02/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:06/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/02/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về