Bản án 06/2020/LĐ-ST ngày 12/08/2020 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN G, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 06/2020/LĐ-ST NGÀY 12/08/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 12 tháng 08 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 03/2020/TLST-LĐ ngày 20 tháng 3 năm 2020, về “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 196/2020/QĐXXST-LĐ ngày 22 tháng 7 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Mai Quốc T, sinh năm: 1983 (Có mặt) Địa chỉ: Đường L, phường A, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Công ty S Trụ sở: Đường T, Phường M, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Ngọc T, bà Cao Thị H – là người đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền số 06 – 2020/UQ-SPW ngày 18/5/2020). (Có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 18/02/2020, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày:

Ngày 06/5/2019, ông Mai Quốc T và Công ty S (gọi tắt là Công ty) ký hợp đồng thử việc trong thời gian 02 tháng. Sau khi thử việc thì ông T ký hợp đồng lao động 12 tháng với công việc giám đốc hành chính nhân sự, thời hạn từ ngày 06/7/2019 đến ngày 05/7/2020 với mức lương theo hợp đồng là 10.500.000 đồng, lương thực nhận là 20.000.000 đồng.

Đến ngày 14/01/2020, ông T nộp đơn xin nghỉ việc với lý do: Không còn động lực làm việc, thời gian báo trước 30 ngày, kể từ ngày làm đơn và sẽ T hành bàn giao công việc cho nhân sự được chỉ định theo yêu cầu của Tổng giám đốc Công ty. Ngày 15/01/2020, Công ty yêu cầu ông T bàn giao lại toàn bộ công việc và ra quyết định chấm dứt hợp đồng với ông T kể từ ngày 16/01/2020. Việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên ông T đã khởi kiện với các yêu cầu sau:

- Công ty nhận trở lại làm việc hoặc trả tối thiểu 02 tháng tiền lương nếu ông T không muốn quay trở lại làm việc: 20.000.000 đồng x 2 = 40.000.000 đồng;

- Trả 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật:

20.000.000 đồng x 2 = 40.000.000 đồng;

- Trả tiền lương trong những ngày không làm việc từ ngày 16/01/2020 cho đến ngày nhận ông trở lại làm việc (tạm tính là 1 tháng): 20.000.000 đồng - Trả số tiền tương ứng với số tiền phải đóng bảo hiểm bắt buộc (BHXH, BHYT) trong những tháng không được làm việc từ ngày 16/01/2020 cho đến ngày Công ty nhận trở lại làm việc (tạm tính 10.500.000 đồng x 20,5% = 2.152.500 đồng) Tổng cộng: 102.152.500 đồng.

Đối với yêu cầu Công ty nhận trở lại làm việc, ông T rút yêu cầu này.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Công ty xác nhận có ký hợp đồng lao động với ông Mai Quốc T với vị trí giám đốc hành chính nhân sự thời gian hợp đồng là 12 tháng, từ ngày 06/7/2019 đến 05/7/2020 với mức lương 10.500.000 đồng.

Trong quá trình làm việc, ngày 14/01/2020 ông T muốn chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty nên ngày 15/01/2020 ông T gởi đơn xin thôi việc cho Công ty với lý do “không còn động lực làm việc”. Do ông T là một giám đốc hành chính nhân sự nhưng đã không còn động lực làm việc sẽ ảnh hưởng tới tập thể lao động của Công ty, vì vậy Tổng giám đốc Công ty đã thỏa thuận cho ông T thôi việc kể từ ngày 16/01/2020.

Mặc dù, ông T nghỉ việc ngày 16/01/2020 nhưng phía Công ty vẫn thanh toán tiền ngày phép chưa nghỉ 07 ngày (06 ngày năm 2019 và 01 ngày 2020), lương tháng 13 là 13.000.000 đồng (mặc dù theo quy định thì nhân viên làm đủ 12 tháng lương mới được lãnh) trong khi thời gian ông T làm việc tại Công ty chỉ mới được 09 tháng, lương hết tháng 01/2020 (bao gồm những ngày ông T không đi làm), tiền cơm. Công ty đã báo giảm đối với ông T cho Bảo hiểm xã hội quận Gò Vấp.

Ngày 15/01/2020, ông T thực hiện bàn giao các công việc của mình và nhận đầy đủ thông báo về nội dung giải quyết đơn xin thôi việc, ký tên vào biên bản bàn giao và không có ý kiến gì về việc này. Do đó ngày 16/01/2020, Công ty ra quyết định nghỉ việc.

Do ông T là người nộp đơn nghỉ việc trước nên Công ty và ông T đã cùng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty không làm sai bất cứ điều gì nên không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu:

Về việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự: Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và các đương sự chấp hành đúng trình tự, thủ tục tố tụng do Bộ luật tố tụng dân sự quy định.

Về việc giải quyết vụ án: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và tại phiên tòa, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

- Về quan hệ pháp luật:

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán các khoản tiền do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bị đơn xác nhận Công ty ra quyết định số 04-2020/QĐNVCS-SPW ngày 16/01/2020 là quyết định về việc nghỉ việc và chốt sổ Bảo hiểm xã hội nên đây là tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về thẩm quyền của Tòa án:

Bị đơn có trụ sở tại quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự, đây là vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Về điều kiện khởi kiện:

Nguyên đơn khởi kiện tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là tranh chấp thuộc trường hợp không phải thông qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, tranh chấp lao động đủ điều kiện khởi kiện.

[2]. Về yêu cầu của đương sự:

Ông Mai Quốc T và Công ty xác nhận có ký hợp đồng lao động số 60- 07/19/HĐLĐ thời hạn 01 năm (từ ngày 06/7/2019 đến ngày 05/7/2020) do đó đây là hợp đồng lao động xác định thời hạn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012. Ngày 14/01/2020, ông T nộp đơn xin nghỉ việc, Công ty ra quyết định nghỉ việc số 04-2020/QĐNVCS-SPW ngày 16/01/2020. Căn cứ Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự Hội đồng xét xử xác định đây là sự thật, không phải chứng minh.

Xét, ngày 14/01/2020 ông T nộp đơn xin nghỉ việc với lý do “không còn động lực làm việc” và được Công ty chấp nhận ra quyết định nghỉ việc. Căn cứ khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012 thì đây là trường hợp hai bên tự nguyện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn.

Xét, sau khi Công ty cho ông T nghỉ việc và chi trả các chế độ nghỉ việc, ông T đã nhận và không có ý kiến về việc này, theo biên bản ngày 15/01/2020 có ghi “tôi đã đọc và đồng ý các điều khoản trên”. Như vậy, đã chứng minh ông T đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là không có cơ sở.

Đối với yêu cầu Công ty nhận trở lại làm việc, tại phiên tòa nguyên đơn rút yêu cầu này nên Hội đồng xét xử không xem xét theo quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Xét đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận G về việc giải quyết vụ án phù hợp với quy định của pháp luật nên chấp nhận.

[4] Về án phí lao động sơ thẩm:

Căn cứ quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì nguyên đơn được miễn nộp án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 5, khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều 92, Điều 147, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 22, khoản 3 Điều 36, Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012;

Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Mai Quốc T, yêu cầu Công ty S bồi thường về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm:

- Trả tối thiểu 02 tháng tiền lương do ông T không muốn quay trở lại làm việc: 20.000.000 đồng x 2 = 40.000.000 đồng;

- Trả 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật 20.000.000 đồng x 2 = 40.000.000 đồng;

- Trả tiền lương trong những ngày không làm việc từ ngày 16/01/2020 cho đến ngày nhận trở lại làm việc (tạm tính là 1 tháng): 20.000.000 đồng - Trả số tiền tương ứng với số tiền phải đóng bảo hiểm bắt buộc (BHXH, BHYT) trong những tháng không được làm việc từ ngày 16/01/2020 cho đến ngày Công ty nhận trở lại làm việc (tạm tính 10.500.000 đồng x 20,5% = 2.152.500 đồng) Tổng cộng: 102.152.500 đồng (một trăm lẻ hai triệu một trăm năm mươi hai ngàn năm trăm đồng).

2. Về án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn được miễn nộp tiền tạm ứng án phí và án phí Tòa án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.

3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc bản án được tống đạt hoặc niêm yết hợp lệ bản án theo quy định pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

692
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2020/LĐ-ST ngày 12/08/2020 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:06/2020/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:12/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về